sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tiếng Đàn Tam Bura

Dã lâu lắm rồi ở Stambul có một người tên là Acmet sinh sống. Ông là một người giàu có nổi tiếng mà ai ai cũng phải nói tới. Người ta đồn rằng ông Acmet này không giống những người giàu có khác: ông là một người hào phóng, tốt bụng và hiếu khách. Ông thích giúp đỡ người nghèo. Của cải ông phân phát cho mọi người càng nhiều thì tiếng tăm về lòng tốt của ông ngày càng tăng. Phải nói rằng tiền của ông nhiều như cát ngoài biển, chẳng thể nào đếm xuể. Trên bờ biển Sừng Vàng ông có mấy nhà nghỉ mát, trên bờ biển Bosfor phía châu Á ông có mấy dinh thự, trong thành phố có vài ba toà nhà, chưa kể những trang trại, đất đai. Đấng tạo hoá tối cao đã đem lại của cải thừa mứa cho ông.

Vào một buổi chiều trong tháng ramadan ông Acmet cùng với người quản lý của mình thả bộ về phía dinh thự trên phố Sekhzađebas. Đám đông trên đường chào hỏi ông thân mật. Ông giơ tay vẫy chào đáp lại họ. Nhưng vì nhiều người chào quá, ông phải đưa tay lên vẫy liên tục nên trông ông như người đang xua ruồi bay bám theo. Tất cả những ai ông gặp trên đường, dù là quen hay lạ, ông đều mời về nhà dự bữa ăn chay buổi tối.

Cạnh một nguồn nước bên đường, dưới một mái che có ông già nghèo Mekhmet chuyên sửa giầy dép cũ. Khi đi qua đó, ông Acmet dừng lại thăm hỏi sức khoẻ ông già. Người thợ sửa giầy cảm động cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu: "Cầu cho Đức Ala phù hộ độ trì ông!".

- Ông còn nhiều việc không?

- Thưa ông, tôi vá nốt miếng này là xong.

- Ông làm nốt cho xong, rồi ta cùng đi ăn tối.

Ông Acmet đứng chờ bên cạnh, đợi ông già vá chiếc giầy há mõm cho người phu khuân vác đang chờ bên mái che. Xong việc, ông già thu dọn đồ đạc rồi cùng đi về dinh thự với ông Acmet. Về đến nơi người tụ tập ở đó đã rất đông. Trong phòng ăn, nam ngồi xung quanh các bàn ở một phía, nữ ngồi một phía trên sàn nhà xung quanh những chiếc mâm đồng lớn. Mọi người ngồi chờ tiếng súng thần công báo hiệu. Một lát sau tiếng súng vang lên, mọi người bắt đầu ăn. Khi mọi người ăn uống xong, ông Acmet vỗ tay ba lần. Người quản lý bước đến.

- Anh quản lý, - ông nhà giàu Acmét nói, - anh hãy cho ông Mekhmét hai đồng lia bạc!

- Vâng, thưa ông.

Vào thời đó vẫn có lệ người giàu cho những người đến nhà mình ăn tối một vật gì đó. Nhưng khi ông già Mekhmét ra về, người quản lý chỉ dúi vào tay ông có một đồng lia bạc. Ông già hết sức ngạc nhiên.

- Thưa ông quản lý, - ông già nói, - tai già còn thính lắm. Già nghe rõ ông chủ bảo cho hai đồng lia bạc, chứ không phải một đồng.

Viên quản lý nổi giận, giằng lại đồng lia mà hắn vừa cho ông già.

- Chà, trơ tráo đến thế là cùng. Đây là lộc trời ban nhé, sao lại kỳ kèo đòi hỏi! Nói rồi viên quản lý vung chân đá cho ông già mấy cú, đuổi thẳng ra ngoài cổng.

Ông già chỉ còn biết lủi thủi đi về nhà.

Chiều hôm sau cũng đúng vào thời gian như chiều hôm trước, hai thầy trò ông Acmet lại ung dung thả bộ về dinh. Đáp lại những người cúi chào bên phải, bên trái liên tục, ông giơ tay vẫy đổi bên liền trông như xua ruồi. Khi đến gần mái che của ông già nghèo Mikhmét ông dừng hẳn lại.

- Thế nào ông Mekhmét, ông đến nhà chúng tôi ăn tối chứ. Có thế nào ăn thế ấy cùng với mọi người.

Ông già tội nghiệp nhớ lại những cú đá mà viên quản lý "chiêu đãi" ông tối hôm trước, đang định từ chối lời mời, thì ông Acmet đã nói:

- Hôm qua chưa kịp nói chuyện gì, thì ông đã ra về, hôm nay tôi chờ ông đến đấy!...

Ông già đành nén nỗi sợ hãi trong lòng đi cùng họ về dinh, không dám làm mếch lòng Acmet nhân từ.

Ăn uống xong chuẩn bị ra về, ông già lại nghe thấy tiếng vỗ tay ba lần của ông chủ. Viên quản lý chạy đến.

- Anh quản lý, - ông Acmét nói, - hãy biếu ông già ba đồng lia bạc!

Ông già vừa bước qua cửa thì viên quản lý giúi vào tay ông không phải ba lia mà chỉ có hai lia. Ông Mekhmét tội nghiệp cúi đầu vẻ nhẫn nhục, nói:

- Thưa ngài quản lý, tối hôm qua có thể do nhầm lẫn vì tôi không chú ý nghe chăm chú. Tôi nhớ như in lời ông Acmet nói: "Cho ba lia" cơ mà. Sao ông không làm theo lệnh của ông chủ? Chả lẽ một viên quản lý có cuộc sống đầy đủ hạnh phúc như ông lại đi bắt chẹt một kẻ nghèo khó như tôi?

- A, lão già bất hạnh này lắm lời, hãy nhìn cho kỹ mặt thằng này nhé! – Viên quản lý giận dữ rít lên. – Lộc trời cho thế nào thì biết thế, lão lại còn tỏ vẻ.

Nói đoạn, viên quản lý giật lại hai đồng lia mà hắn vừa đưa và tống cổ ông già ra cổng.

Ông già thầm rủa số phận hẩm hiu của mình, lủi thủi ra về.

Chiều tối hôm sau mọi việc lại diễn ra y hệt hôm trước. Ông Acmet đến mái che mời ông già đi cùng về nhà mình ăn tối. Vì sợ viên quản lý, ông từ chối, nhưng ông Acmet năn nỉ mãi, nể quá và không nỡ làm phiền ông chủ giàu có, nhân từ, ông già lại đi cùng họ về dinh.

Ông già ăn uống xong sắp ra về thì ông chủ lại bảo viên quản lý:

- Viên quản lý vẫn đưa thiếu một lia.

- Thưa ông, - ông già thốt lên, - tối nay tôi nghe rất rõ. Ông Acmet bảo ông: "Biếu ông già bốn lia cơ mà."

Viên quản lý không nói không rằng, giật lại số tiền vừa đưa, tống cổ ông già ra đường. Buổi chiều thứ tư ông Acmet vẫn tiếp tục đến mời ông già đến ăn tối. Với ý định sẽ tố cáo viên quản lý nên ông già nhận lời đi ngay cùng họ.

Vẫn như mọi lần, người đến ăn tối khá đông. Nhưng khi sắp ra về, ông già không thấy ông chủ vỗ tay gọi viên quản lý như những hôm trước. Ông chủ Acmet đặt bàn tay nhẹ nhàng lên vai ông, bảo ông đi sang phòng trống bên cạnh.

- Này ông Mekhmét, - ông chủ bắt đầu, - tôi muốn nói chuyện riêng với ông.

- Dạ thưa ông, tôi xin nghe.

Như ông thấy đấy, tiền của nhà tôi thừa mứa, không đếm xuể. Cả nhà tôi và năm trăm người nữa ăn uống thoải mái năm trăm năm cũng không hết. Tôi không làm thì thôi, chứ đụng vào bất kỳ việc gì đều sinh lời. Đất đai vào tay tôi, đất sẽ trở thành vàng. Được thế là vì tôi có thần may mắn phù hộ. Giờ tôi có việc muốn nhờ ông.

- Tôi sẵn sàng, thưa ông.

- Việc này tôi chỉ tin có mình ông. Bởi ông là người có niềm tin sắt đá và một trái tim nhân hậu. Ông sẽ đi ra vùng ngoại ô Tôpkap, tìm đến nghĩa địa ở đó. Sau nghĩa địa có một cái giếng. Đó là giếng thần may mắn. Ông sẽ gọi to ba lần xuống giếng: "Thần may mắn của ông nhà giàu Acmet đâu!". Thần may mắn sẽ hiện ra. Ông chuyển lời chào của ta tới thần và thay mặt ta cảm ơn thần đã giúp ta có được bao nhiêu là của cải. Đến nay tài sản đã quá nhiều, thậm chí còn thừa thãi, vì thế ta không cần thêm gì nữa. Thần hãy giúp đỡ người nghèo để họ có cuộc sống khá hơn một chút. Này ông Mekhmét, hãy cầm lấy đồng tiền vàng này và hãy đi làm việc ta nhờ ông.

Ông già tội nghiệp bỏ đồng tiền vàng vào túi và rời khỏi dinh. Ông đi mãi mới tìm thấy cái giếng thần mà ông Acmet dặn. Ông cúi gập mình xuống giếng, lấy hai tay khum lại quanh miệng làm loa, gọi to ba lần:

- Ông thần may mắn của ông nhà giàu Acmet đâu! Ông thần may mắn...

Một người dáng vẻ rất đẹp, mình mặc chiếc áo lông chồn nâu, trên các ngón tay lấp loáng những chiếc nhẫn nạm đá quý, bỗng hiện lên.

- Tôi là thần may mắn của ông nhà giàu Acmet đây. Ông gọi tôi à?

- Vâng, thưa thần linh. Ông nhà giàu Acmet cử tôi đến đây, chuyển tới ông lời thăm hỏi. Ông Acmet nói rằng...

Ông già nghèo khó Mekhmét đang định nói lại tất cả những gì mà ông Acmet đã dặn trước, nhưng vừa nói được vài lời thì thần may mắn của ông Acmét đã giơ tay lên, kêu to:

- Không thể thế được! Hoàn toàn không được! Nhà ngươi về nói lại với ông Acmet rằng, ông không phải lo nghĩ buồn phiền gì cả. Những gì mà ta ban phát cho ông ấy chỉ là vụn vặt không quan trọng. Sau này mới là chính yếu... Lúc ấy của cải của ông Acmet mới gọi là hoàn toàn, hoàn toàn đầy đủ. Cả bầu đoàn thê tử hãy cứ ăn chơi thoả thích.

Nói xong thần may mắn biến mất. Ông già Mekhmét đứng ngây ra ngạc nhiên.

- Rõ thật kỳ lạ! - Ông già lẩm bẩm. – Thế là thế nào nhỉ? Người nghèo như mình làm suốt ngày suốt đêm không nổi được ba xu, thiếu thốn cực khổ trăm bề. Người giàu có đủ mọi thứ, không cần gì nữa "Tôi đủ rồi, không mơ ước của cải nhiều hơn nữa" thì thần may mắn của ông ta lại khăng khăng: "Không được, ta vẫn tiếp tục cho nhà ngươi của cải".

Bỗng một ý nghĩ loé lên trong đầu ông già: "Ta hãy thử gọi thần hạnh phúc của ta xem sao. Biết đâu ta cũng có một vị thần như thế, giúp ta có cuộc sống hạnh phúc".

- Thần hạnh phúc của ông già nghèo Mekhmét đâu. Ông thử gọi như thế ba lần.

Từ dưới đáy giếng vang lên tiếng đàn;"Bung-bập-bung, bung-bập-bung: bung-bập-bung... Không không cho!...Không-không-cho!". Lát sau một người tay cầm chiếc đàn tambura hiện lên. Ôi, sao trên đời lại có người lạ kỳ đến thế! Đó là giống người chim chích. Anh ta chỉ cao độ nửa ngón tay, lưng có bướu to, thọt một chân, một mắt chột, cụt một tay, trông người gớm ghiếc bẩn thỉu vô cùng. Anh ta vừa đàn vừa nhảy tâng tâng xung quanh ông già Metkhmet tội nghiệp:

- Bung-bung-bung, Bung-bung-bung!... Không – không – cho! Bung-bung-bung! Ông muốn gặp cô ta có việc gì?

- Tôi là ông già nghèo khó Mekhmét, còn anh là ai?

- Tôi là thần thui chột của ông đây. Tôi hiện lên theo tiếng gọi của ông. Bung-bung-bung, bung-bập-bung!... Không- không-cho!...

Ông già nghèo Mekhmét bắt đầu cầu khấn thần thui chột của mình:

- Ôi lạy thần chột, lạy thần què, hãy thương lấy lão già tội nghiệp đã bảy mươi tuổi đầu này. Cả đời lão làm quần quật suốt ngày đêm mà chẳng biết một chút gì gọi là sung sướng. Cả đời lão chả biết nụ cười là gì. Cả đời lão thiếu thốn cực khổ.

Ôi thần chột, thần què của tôi, sao mà tôi yêu cái lưng già của thần đến thế. Tôi xin thần, tôi van thần. Tôi chỉ còn sống ba ngày nữa. Thần hãy mỉm cười với tôi để tôi được toại nguyện niềm hân hoan trong ba ngày cuối cùng của cuộc đời này.

- Nhà ngươi thật đáng khinh, - thần chột trả lời ông già, - mới có một đồng vàng trong tay mà đã mụ mẫm cả đầu. Có phải thế không? Bung-bung-bung!..., Bung-bung-bung!... Không-không-cho!...

Lẽ ra nhà ngươi không được hưởng đồng tiền vàng đó. Khi ấy dây đàn trên chiếc tambura của ta bị đứt, ta buộc phải ngồi dưới đáy giếng để sửa chữa, nếu không thì nhà ngươi đâu có được dù chỉ là một đồng tiền nhỏ nhoi ấy. Nhà ngươi, đã hiểu chưa? Đồ vô tích sự kia.

Nói rồi, thần chột của ông già nghèo khó lại Bung-bung-bung một chập rồi biến mất.

Ông già nghèo khó Mekhmét hỏi thêm thần chột một ít nữa, liền cúi người xuống giếng và... tõm! – nước giếng nuốt chửng đồng tiền từ túi ông già rơi ra. Từ dưới đáy giếng vọng lên tiếng đàn xen lẫn tiếng cười hô hố và giọng nói của thần chột:

- Bung-bung-bung, Bung-bung-bung!... Không-không-cho!...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx