sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bà Chủ

Mọi người trong toà soạn đều làm việc hối hả. Hồi đó tôi đang làm phóng viên trong chuyên mục cảnh sát và hình sự. Bỗng có một người bước vào phòng tôi, đó là Haxan, anh ta đang phụ trách những vấn đề báo chí tại phòng số một của cục an ninh, khuôn mặt béo phì của anh ta đang tươi rói một nụ cười. Nhưng nụ cười ấy chẳng báo cho chúng tôi điều gì tốt lành, bởi vì cho dù cái tin báo tử một ông bạn đồng liêu thì anh ta cũng vẫn mang đến đây với một nụ cười như báo tin vui.

Một biên tập viên nhìn thấy bộ mặt tươi cười ta liền bảo:

- Nguy rồi! Chắc sắp có chuyện gì tồi tệ rồi đây.

Haxan lập tức thông báo "tin vui":

- Tôi xin báo tin: toà báo của các anh đã bị đóng cửa.

"Xin báo tin" – anh ta nói nghe cứ như là "báo tin vui" vậy.

- Vì sao thế? – Các biên tập viên hỏi.

- Lệnh chính quyền, vì có tình hình khẩn cấp. – Khi anh ta thốt lên "tình hình khẩn cấp", giọng anh ta thậm chí còn run lên sung sướng là khác.

- Thế nào, đã có lệnh chính thức rồi sao? – Biên tập viên hỏi.

- Rồi sẽ có, - Haxan đáp.

Haxan, cái tên đầy tớ trung thành đến tận xương tuỷ ấy bây giờ cũng rất vội vã trong bất cứ tình huống nào, không thể chờ kịp đánh máy xong nội dung một tờ lệnh, tất cả những tin xấu anh ta cứ phải tự mình báo lấy. Lạy thánh Ala, thời đại bây giờ cũng đã dễ dàng hơn. Bây giờ đã có thể hỏi: "Có lệnh rồi à?", chứ mười sáu tháng trước đây thì một câu như thế sẽ không được phép hỏi.

Vừa lúc ấy từ xa đã vọng lại tiếng xe máy. Cái thứ tiếng xe máy lọc xọc kia bao giờ cũng báo trước những tin kiểm duyệt, cấm xuất bản, hoặc một cái gì đó tương tự. Quả nhiên đó đúng là tên cảnh sát đi môtô mang đến đây cái lệnh đóng cửa toà báo.

Chúng tôi nghiến răng im lặng rồi lập tức giải tán. Hai mươi sáu nhân viên chúng tôi rời toà soạn. Trong chúng tôi có bảy người vừa mới chuyển sang đây từ một toà báo bị đóng cửa cách đây 10 ngày.

Lúc này thì các ông chủ báo không chi tiền tạm nghỉ cho các nhà báo bị thôi việc, còn công đoàn thì cũng chả có. Thế là chúng tôi vừa mất việc lại vừa mất tiền. Trong hai tháng tôi phải thay đổi đến ba toà báo vì chúng lần lượt bị đóng cửa.

Ở những nơi đột nhiên có chỗ trống thì lập tức lại có hàng chục người xin vào.

Sau hai tháng thất nghiệp tôi đã kiệt sức.

- Toà báo chỗ tôi đang khuyết một chân phóng viên đấy. Tôi đã giới thiệu anh và có lẽ là người ta sẽ nhận. Anh đến mau lên và đừng nói với ai đấy. – Một anh bạn tỏ lòng thông cảm.

Tờ báo này được cấp trên tin cậy đặc biệt. Ông chủ báo là nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền.

Khi tôi đi làm thì ông nghị sĩ ấy còn đang chu du khắp châu Âu.

Với tính tiết kiệm đến từng chi tiết, ông chủ của tôi không cho mắc điện thoại từng phòng. Một chủ toà báo lớn như thế mà vẻn vẹn chỉ có hai máy điện thoại: một ở phòng ông, một trong phòng biên tập. Đêm đêm, tôi vẫn thường làm việc trong phòng này vì đây là chỗ trống vắng. Anh thư ký toà soạn trực đêm thì ngồi phòng bên. Khi nào cần gọi anh sang nghe điện thì tôi đấm tường.

Anh thư ký này có tật mê gái. Anh ta quen gần như hết các cô gái ở các tiệm nhảy, các cô ca sĩ cà phê, các vũ nữ, các nữ diễn viên điện ảnh. Đêm nào cũng có khoảng mươi, mười lăm cô gọi điện thoại cho anh. Tôi cứ liên tục đấm tường. Nhưng anh ta thì cứ trốn biệt trong phòng mình với một cô bạn gái nào đó, hoặc là anh ta không sang nghe, hoặc nếu có thì cũng rất lâu.

Tôi rất vui vì đã có việc và luôn chỉ rùng mình lo lắng sợ bị đuổi việc. Vì tôi đã phải ngồi nhà quá lâu không có việc gì làm, nên tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì nặng nhất, bất cứ việc gì mà người ta bảo.

Anh bạn lo việc cho tôi thì nói:

- Đừng sợ ai cả, anh chỉ nên sợ bà chủ mà thôi. Nếu như tránh xa được bà ấy thì không ai động đến anh đâu.

- Tôi thì liên quan gì đến bà chủ?

- Anh đừng nói thế... Bà ấy không phải đàn bà mà là cái gậy trừng phạt của chúa. Chỗ nào bà ấy cũng có thể nhúng mũi vào được.

Các nhân viên trong toà báo đều run sợ mỗi khi nghĩ đến bà ta. Bà được gọi là bà chủ với cái nghĩa là kẻ quyền hạn vô song. Bà đã buộc được mọi người luôn luôn khiếp hãi. Còn tôi thì cố tránh gây va chạm.

Tôi làm việc đã được ba tháng. Một đêm như thường lệ, tôi ngồi sửa bài. Đó là một đoạn tiểu thuyết về một vận động viên. Tôi đọc say mê. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Tôi nhấc ống nói và thấy một giọng nữ giới. Giọng ấy hỏi anh thư ký.

Tôi đấm tường mấy cái liền. "Chờ một phút, sang bây giờ đây", - tôi trả lời và đặt máy xuống bàn, rồi lại vùi đầu vào sách. Cuốn tiểu thuyết đã hết. Mãi tới đó tôi mới nhận ra rằng ống nghe vẫn ở trên bàn. Anh thư ký vẫn không sang, chắc là anh ta đang làm chuyện gì đó. Tôi treo ống nghe lên, lập tức chuông lại réo vang.

- Tôi nghe đây.

- Nghe đây, anh là ai vậy? – Vẫn cái giọng lúc nãy.

- Thế còn cô là ai?

Tôi cứ ngỡ cái người gọi lúc nãy là một trong những cô gái bán ba mà đêm nào cũng gọi cho anh thư ký. Hoá ra đó là bà chủ!...

- Tôi đã bảo anh gọi thư ký kia mà?

- Tôi đã bảo... Tôi đã đấm tường và đã gọi rồi.

- Vậy sao anh ta không sang?

- Làm sao tôi biết được điều đó?

- Anh liệu hồn, tôi sẽ đến ngay bây giờ!

Cái giọng thật vô giáo dục!

- Cô nói nhỏ thôi có được không. – Tôi bảo.

Rồi sau khi bà ta quát tôi, thì tôi bảo:

- Người có học thức như tôi không thể nói chuyện với cô được.

Ngay sau đó bà ta liền xổ ra một tràng:

- A, cái thằng ranh con, mày lấy đâu ra cái học thức ấy, hả?

- Nói khẽ chứ!

- Đồ con lừa!

- Có cô là đồ con lừa!

- Thằng súc sinh!

- Chính cô là đồ súc sinh!

Bà ta mắng tôi là gì, tôi lại đáp "chính là cô". Cuối cùng bà ta nói:

- Tao sẽ cho mày biết tay!

- Thế thì cô cứ đến đây để xem ai biết tay ai! – Tôi đáp.

- Tao nhổ toẹt vào mặt mày, thằng mất dạy!

- Có cô mất dạy thì có! Cô điên hay sao thế? Sao cứ bám lấy tôi thế?

- Trời ơi, tôi đến ngất xỉu mất thôi! Có phải chính tôi nhờ anh gọi thư ký không? Có phải chính anh ta đã trả lời rằng anh ta sắp sang không?

Bà ta cứ nổ như súng máy, rủa xả liên hồi. Còn tôi cứ một mực đáp "chính là cô, chính là cô, chính cô, chính cô!".

- Gọi thư ký cho tôi mau lên!

- Cô hãy bớt ăn đi, để tiền mà thuê người hầu. Ở đây không có ai hầu đâu.

Tôi nổi giận đấm tường và quát anh thư ký.

- Sang mà nghe điện thoại. Chỉ vì mấy con ranh khốn kiếp của anh mà tôi điên cả người đây. Anh đào đâu ra những của nợ này thế?

Tôi quát những câu ấy vào máy cho bà ta nghe tiếng.

Anh thư ký sang và bắt đầu nói chuyện qua máy:

- Tôi nghe đây, bẩm bà cứ ra lệnh, thưa bà chủ... Thế nào ạ? Vâng. Vâng... Bà nói gì mà nặng thế! Xin bà tha... Kẻ đầy tớ trung thành của bà... Xin bà tha... Chúng con... dạ... biên tập viên ạ.... dạ, mới đến thưa bà... Con xin có lời, thưa bà... – Mặt anh thư ký đổi sang màu xám. Anh treo ống lên.

- Nghe đây, anh vừa làm gì thế? – Anh ta hỏi.

- Làm gì?

- Anh đã quát mắng bà chủ...

Tôi suýt chết ngất.

- Lại đuổi hả? – Tôi rền rĩ.

- Ông chủ đang ở châu Âu, - anh thư ký bảo, - ông ấy mà về là đuổi anh liền.

- Nếu tôi lạy van, xin tha, tôi nói rằng tôi nhầm thì sao...

- Tôi không nghĩ thế. Ông ta rất sợ vợ. Ông ta không dám bỏ qua đi đâu.

Thế nghĩa là tôi lại sắp thất nghiệp, lại ngồi chơi. Tôi đang nghĩ như thế thì tiếng chuông lại reo vang. Lại bà ta. Dù thế nào thì tôi cũng sắp bị đuổi, không thể cứu vãn... Tôi quyết định vẫn đối xử như cũ.

- Nhà cô lại cần gì nào... – Tôi tấn công bà ta trước.

Tôi quyết thế nào bà ta cũng hét toáng lên.

- Lúc nãy anh nói chuyện với tôi, nhưng chắc anh không biết tôi là ai phải không?

- Tôi biết chứ. Bà là mụ phù thuỷ được gọi là bà chủ. Bây giờ tôi phải nói chuyện gì với bà đây?

Mụ tru tréo lên:

- Ra thê-ế-ế! Thì ra anh cũng biết...

Tôi treo máy luôn.

Bây giờ mọi đường liên lạc bị cắt đứt.

Chừng một tuần sau ông chủ viễn du trở về. Tôi vẫn rùng mình khiếp sợ. Về được một hôm thì ông ấy gọi tôi lên. Tôi vào phòng ông. Tôi hy vọng nghĩ: "Nếu cầu xin, chắc ông ấy thương!".

Tôi đứng trước mặt ông, những ngón tay khoanh trước bụng cứ giật giật một cách hoảng hốt.

- Ngồi xuống đây con...

- Cầu chúa che chở cho ông? Con không dám!

- Ngồi xuống đây, con ngồi xuống đây...

Ông mỉm cười, tôi liền ngồi xuống ghế đối diện.

- Ta chúc mừng con. Xin cám ơn... Ta sẽ suốt đời biết ơn con... Con đã chỉnh đốn được đầu óc của ba vợ ta... Khá lắm!.. Con đã báo thù bà ấy cho mười tám năm đau khổ của ta. Tuyệt lắm! Bởi vì đối với bà ấy là không được nói một lời nào trái ý. Ta không ngờ rằng lại có thể mắng mỏ được bà ấy. Con hành động thật đúng. Con xuống nhà đi, ta đã bảo thưởng cho con năm mươi lia rồi đấy.

Tôi xuống phòng kế toán lấy năm mươi lia. Từ đó tôi luôn chờ đón tiếng chuông điện thoại. Có thể là bà chủ gọi đến chăng, nếu có thì tôi lại mắng bà ấy một trận. Thế nhưng bà ấy không gọi đến nữa. Thế rồi có một lần vào buổi tối, bà ấy đã đến một mình. Trong phòng chỉ có tôi. Bà bước vào.

- Anh là biên tập viên? – Bà hỏi.

- Dạ đúng.

- Hôm trước anh đã mắng tôi qua điện thoại?

Lúc đó tôi mới hiểu bà chủ là thế nào. Nói qua máy một việc, còn đối mặt lại là chuyện khác. Tôi im lặng cúi đầu.

- Tôi chúc mừng anh, - bà nói. – Tôi rất thích những người không nịnh bợ. Anh đừng nhìn thế, tôi bị loét dạ dày vì thế tôi hay cáu bẳn. Tôi đã bảo với ông ấy chi cho anh hai trăm lia tiền thưởng, anh đã nhận chưa?

Hoá ra người thưởng cho tôi không phải là ông chủ, mà là bà chủ. Hơn thế nữa, ông ấy còn xén của tôi một trăm năm mươi lia.

- Sao anh im lặng thế... Hay là ông ấy không chi? Tôi biết ông ấy không chịu chi! – Bà gầm lên rồi chạy lên phòng chồng. Những tiếng ầm ầm vang lên. Có người gọi tôi. Ông chủ rụt rè:

- Này con, chẳng lẽ ta không cho con hai trăm lia hay sao?

Bà chủ hết nhìn ông lại nhìn tôi. Mắt bà như toé lửa. Nếu tôi nói "không đưa" thì chắc bà sẽ cho ông một trận nhừ xương, mà tôi nói "đưa rồi" thì chắc bà lại giã tôi. Tôi bảo ông chủ:

- Thưa ông, con đã nhận năm mươi lia đầu tiên trong tổng số tiền hai trăm ông thưởng. Con sẽ nhận đều hàng tháng.

- Thấy chưa, bà vợ yêu quý của tôi, thế mà bà cứ không tin... – Rồi ông lại quay sang tôi:

- Đi xuống nhà mà lĩnh nốt đi con.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx