sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XIV - Chương 280 - 286

280. Tiền mưa[1]

[1] Vũ tiền.

Có một người học trò ở huyện Tân Châu (tỉnh Sơn Đông) đang đọc sách trong phòng học thì có tiếng gõ cửa, ra xem thì thấy một ông già tóc bạc phơ, dáng vẻ thoát tục, bèn mời vào, hỏi họ tên. Ông già tự xưng họ Hồ tên Dương Chân, vốn là hồ tiên, vì hâm mộ ông là người cao nhã nên tới xin được kết bạn hôm sớm. Người học trò vốn tính khoáng đạt nên cũng không ngờ sợ, bèn cùng nhau bàn luận cổ kim. Ông già học rộng biết nhiều, nghị luận văn hoa hùng hồn, phun châu nhả ngọc, nói về kinh nghĩa thì lý luận sâu sắc, ý tứ lạ lùng. Người học trò rất khâm phục, giữ ông già ở lại rất lâu. Một hôm, y khẩn cầu: “Ông thương ta hiền lành phúc hậu, nhưng vẫn nghèo khổ thế này, mà ông chỉ trở tay một cái là có vàng bạc ngay, sao không chu cấp cho đôi chút?” Ông già “hừ” một tiếng như thấy không được, nhưng lát sau lại cười nói: “Việc đó rất dễ, nhưng phải có mười đồng tiền làm vốn.” Người học trò đưa ra đủ số, ông già bèn cùng y vào phòng kín, giẫm chân đọc chú. Giây lát hàng trăm vạn đồng tiền từ xà nhà loảng xoảng rơi xuống như mưa rào, trong chớp mắt ngập tới đầu gối, rút chân lên lại ngập tới đùi, cả một căn nhà rộng mà tiền ngập tới ba bốn thước. Ông già quay lại hỏi: “Ông vừa ý chưa?” Y đáp: “Đủ rồi.” Ông già vẫy tay một cái, mưa tiền ngừng lại, rồi cùng đóng cửa cài then đi ra. Người học trò mừng thầm, cho rằng đã trở nên giàu có, nhưng lát sau vào lấy ra dùng thì gian phòng đầy tiền đã rỗng không, chỉ còn mười đồng làm vốn nằm trơ ra ở đó. Người học trò thất vọng, tức tối chửi mắng ông già lừa dối. Ông già giận dữ nói: “Ta vốn là bạn văn chương chữ nghĩa chứ không định làm giặc cùng với ông. Muốn được như ý học trò nhà ông thì cứ kết bạn với bọn trèo tường khoét vách, chứ lão phu không thể vâng mệnh,” rồi phẩy áo bỏ đi.

281. Hai ngọn đèn lồng[1]

[1] Song đăng.

Ngụy Vận Vượng người Bàn Tuyền huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông) vốn là con nhà đại gia thế tộc, về sau sa sút không thể học hành, năm hơn hai mươi tuổi phải bỏ học, theo cha vợ làm nghề bán rượu. Một đêm Ngụy ngủ một mình trên lầu trong quán rượu, chợt nghe có tiếng bước chân, giật mình vùng dậy lắng tai nghe ngóng, tiếng bước chân càng gần, kế lên cầu thang càng lúc càng mau. Không bao lâu thấy có hai tỳ nữ cầm đèn lồng tới ngay đầu giường, phía sau là một thư sinh trẻ tuổi dắt một cô gái tới cạnh giường cười khẽ. Ngụy vô cùng ngạc nhiên nhưng biết ngay là hồ, toàn thân nổi gai ốc, cúi đầu không dám liếc lên. Thư sinh cười nói: “Ông đừng đoán bậy, em gái ta với ông có tiền duyên, đêm nay nên thành thân.” Ngụy nhìn thấy thư sinh mặt áo lông điêu rực rỡ lóa mắt, tự thẹn mình rách rưới nhơ bẩn, cúi mặt không biết đối đáp thế nào, thư sinh dắt hai tỳ nữ cầm đèn bỏ đi.

Ngụy lén nhìn cô gái, thấy lộng lẫy như tiên, trong lòng rất thích nhưng thẹn mình xấu xí, không thể cất lời suồng sã. Cô gái cười nói: “Chàng không phải là bọn học trò, cần gì phải làm như lối bọn có học,” Ngụy mới vui vẻ. Trời chưa sáng, hai tỳ nữ lại tới đưa cô gái đi, hẹn tối lại tới. Tối hôm sau quả nhiên cô gái lại tới, cười nói: “Anh chàng ngây này có phúc gì mà không tốn một đồng lại được người vợ đẹp như thế này, tối tối tự tìm tới.” Ngụy bày rượu ra cùng uống, chơi trò giấu vật trong tay đánh đố, mười lần thì cô gái thắng tới chín, bèn cười nói: “Chẳng bằng để thiếp giấu cho chàng đoán, trúng thì thắng, thua thì phạt, chứ để thiếp đoán thì chắc chắn là chàng thua.” Nguy theo lời, suốt đêm lấy đó làm trò vui. Nửa năm sau Ngụy về nhà, đang đêm trăng nói chuyện với vợ cạnh cửa sổ, chợt thấy cô gái ăn mặc đẹp đẽ ngồi trên đầu tường vẫy. Ngụy ra gặp, cô gái đưa tay kéo cùng leo ra ngoài rồi cầm tay Ngụy nói: “Hôm nay vĩnh biệt chàng, xin tiễn nhau vài bước, gọi là tình nghĩa quen nhau nửa năm.” Ngụy hoảng sợ hỏi lý do, cô gái đáp: “Nhân duyên vốn có định số, cần gì phải nói.” Cùng nhau chuyện trò, ra tới ngoài thôn thì hai tỳ nữ cầm đèn ngày trước đã đứng chờ, cùng nhau lên núi Nam Sơn, tới chỗ cao lại từ biệt, Nguy giữ lại không được, ba người đi luôn. Ngụy đứng thẫn thờ bàng hoàng, nhìn theo hai ngọn đèn lập loè xa dần đến lúc không thấy gì nữa mới buồn rầu trở về. Đêm ấy trên đầu núi có ánh đèn lửa, người trong thôn đều nhìn thấy.

282. Vợ lẽ đánh cướp[1]

[1] Thiếp kích tặc.

Anh Mỗ nhà thế gia ở phía tây huyện thành Ích Đô (tỉnh Sơn Đông) rất giàu có, có một người thiếp rất xinh đẹp. Nhưng người vợ cả đối xử rất tàn tệ, đánh đập chửi mắng cả ngày, người thiếp vẫn hầu hạ rất kính cẩn. Mỗ thương xót, thường lén an ủi, người thiếp cũng không bao giờ tỏ lời oán hờn. Một đêm có mấy mươi tên cướp trèo tường vào phá tan cửa vách, Mỗ và vợ kinh hồn táng đảm, run cầm cập không biết làm sao. Người thiếp vùng dậy, lặng lẽ không nói một tiếng, rón rén mò trong phòng tìm được một cái đòn gánh, tung cửa xông ra. Bọn cướp dạt cả ra, người thiếp múa đòn gánh vù vù đánh ngã năm sáu tên, chúng hoảng sợ chạy tan, quýnh quáng không kịp trèo qua tường, chỉ bò lê bò càng trợn mắt há miệng, hồn phi phách tán. Người thiếp chống đòn gánh xuống đất, nhìn khắp mặt chúng cười nói: “Các ngươi không đáng cho ta đánh mà cũng học làm ăn cướp, ta không giết các ngươi đâu, giết thì mang tiếng ta,” rồi tha cho cả bọn về.

Mỗ cả sợ, hỏi sao biết võ nghệ, người thiếp đáp: “Cha thiếp là thầy dạy võ, thiếp học được hết tài nghệ của cha, cho dù trăm người cũng địch được.” Vợ Mỗ rất sợ, lại hối hận ngày thường mê muội không biết người, từ đó lúc nào cũng hòa nhã với người thiếp, nhưng người thiếp vẫn kính cẩn như cũ. Đàn bà láng giềng có người hỏi: “Bà chị đánh lũ cướp như đánh heo đánh chó, sao trước đây lại cam cúi đầu chịu roi vọt?” Người thiếp đáp: “Đó là số phận của ta, chuyện khác làm sao dám nói.” Người nghe chuyện đều khen là hiền đức.

Dị Sử thị nói: Thân mang võ nghệ cao cường mà suốt mấy năm không ai biết, sau cùng lại đánh cướp ngăn họa, biến chim ưng thành chim cưu. Than ôi! Kẻ bắn trúng chim trĩ mới thấy vợ nhà cười, người đánh bạc thắng nên công chúa mới cùng về[2], giỏi mà không thể cậy tài tự cho là mình giỏi cũng như thế chăng?

[2] Biến chim ưng thành chim cưu là chữ trong Lễ ký, Nguyệt lệnh, nói chim cưu ưng có thể biến hóa, lúc giết mồi kiếm ăn bình thường thì hóa thành chim cưu, lúc phải giết đối phương để tự vệ mới hóa thành chim ưng, dùng ví với người nhân đức, đây chỉ việc người thiếp tha chết cho bọn cướp. Kẻ bắn trúng chim trĩ lấy tích Giả Đại phu nước Lỗ thời Xuân thu xấu trai mà cưới vợ đẹp, ba năm liền nàng không cười không nói, Giả Đại phu dong xe đưa nàng tới đất Như Cao, bắn được con chim trĩ, lúc ấy nàng mới tươi cười. Người đánh bạc thắng lấy tích Tiết Vạn Triệt cưới Đơn Dương công chúa con Đường Thái Tông, nhưng là người rất ngây ngốc nên công chúa hổ thẹn, mấy tháng liền không chịu ngủ chung. Thái Tông nghe biết phì cười, đặt tiệc gọi tất cả các con rể tới sai cùng đánh bạc, rồi giả thua rút thanh bội đao đeo ở lưng ra “gán” cho Vạn Triệt, lúc ấy công chúa mới vui mừng bảo Vạn Triệt lên ngồi cùng xe về nhà.

Phụ: Một truyện trong Trì Bắc Ngẫu Đàm[3]

[3] Trì Bắc Ngẫu Đàm nhất tắc.

Anh Mỗ ở phía tây huyện thành Ích Đô có người thiếp rất đẹp nhưng gặp vợ cả tàn ác, ngày nào cũng đánh đập chửi mắng, người thiếp chịu đựng không hề oán thán. Một đêm bọn cướp vào nhà, vợ chồng hoảng sợ không biết làm sao, người thiếp ngầm tìm được một cây gậy, mở cửa xông ra, múa gậy đánh ngã mấy tên, bọn còn lại bỏ chạy, hết. Người thiếp lớn tiếng quát: “Bọn chuột không đáng làm bẩn gậy của ta, tha cho chúng bay đấy, lần sau đừng tới tìm cái chết.” Bọn cướp chạy rồi, người chồng hỏi học võ ở đâu, mới biết rằng cha người thiếp học võ ở chùa Thiếu Lâm, dạy lại cho con gái, hàng trăm người cũng không địch nổi. Hỏi tại sao chịu im lặng để vợ cả đày đọa, đáp: “Đó là số phận, đâu dám nói gì!” Từ đó vợ chồng đều yêu thương nàng, hàng xóm láng giềng càng thêm kính trọng. Nay vẫn còn sống.

283. Bắt hồ bắn quỷ[1]

[1] Tróc hồ xạ quỷ.

Ông Lý Trứ Minh là con tiên sinh Khâm Trác, Tri huyện Tuy Ninh (tỉnh Giang Tô), tính hào sảng can đảm, có anh rể là tiên sinh Vương Quý Lượng ở huyện Tân Thành (tỉnh Sơn Đông). Nhà Vương tiên sinh có nhiều lầu gác, vẫn thường thấy chuyện quái dị. Có lần mùa hè ông tới đó chơi, ưa thích trên gác mát mẻ. Chủ nhân kể cho nghe chuyện quái dị để can, ông cười không tin, cứ bắt dọn giường trên gác. Chủ nhân chiều ý, sai đầy tớ tới ngủ cùng, ông từ chối nói chỉ thích ngủ một mình, mà bình sinh chẳng sợ chuyện quái dị. Chủ nhân bèn sai đốt hương trong lò, sắp xếp đâu đấy mới tắt đèn đóng cửa đi.

Ông nằm hồi lâu dưới ánh trăng, chợt thấy ấm trà trên bàn cứ lắc lư xoay vòng, không rơi xuống đất mà cũng không dừng lại. Ông quát lớn thì nó lạch cạch dừng lại, nhưng lại như có người rút mớ hương trong lò ra khua lên, ánh lửa như hoa bay tán loạn. Ông vùng dậy quát: “Đồ yêu quái nào hỗn láo thế?” rồi cởi trần nhảy xuống giường định ra đuổi bắt. Nhưng lấy chân khua dưới giường chỉ được có một chiếc giày, ông cũng không tìm nữa, chạy chân không ra chỗ mớ hương đang khua khoắng. Mớ hương lại cắm trở lại vào lò, yên ắng như cũ không có gì lạ. Ông khom người mò tìm chiếc giày trong gầm giường, chợt bị một vật ném trúng giữa trán, thấy như là chiếc giày song bò ra đất tìm mà không thấy đâu. Bèn mở cửa xuống lầu, gọi người hầu đốt củi làm đuốc lên tìm vẫn không thấy, lại lên nằm ngủ lại.

Đến sáng, sai mấy người đi tìm chiếc giày, giở nệm kéo giường ra cũng không thấy, chủ nhân phải đưa giày cho ông mang. Hôm sau tình cờ ngẩng đầu nhìn thì thấy có chiếc giày dính trên xà nhà, khều xuống thì là giày của ông. Ông là người huyện Ích Đô, tới ngụ ở nhà họ Tôn trong huyện Truy (tỉnh Sơn Đông). Nhà rất rộng nhưng đều bỏ không, ông chỉ ở có một phía. Phía kia là gác cao, chỉ cách một bức tường, thỉnh thoảng lại thấy cửa gác tự mở ra đóng lại, ông cũng không để tâm. Một hôm tình cờ đang nói chuyện với đám người nhà ở sân, cửa gác chợt mở ra, có một người bé nhỏ ngồi quay mặt nhìn ra ngoài, cao chưa đầy ba thước, áo xanh quần trắng, mọi người chỉ trỏ nhìn ngó cũng không động đậy. Ông nói: “Đây là hồ rồi,” vội lấy cung tên chĩa vào gác định bắn. Người bé nhỏ ấy nhìn thấy, cười khành khạch mấy tiếng rồi biến mất. Ông cầm đao leo lên gác, vừa mắng vừa tìm nhưng không thấy đâu bèn trở xuống. Từ đó trong gác không còn sự quái dị nữa, ông ở mấy năm yên ổn không có chuyện gì. Con trưởng của ông là Hữu Tam, là thông gia với ta chính mắt thấy chuyện này.

Dị Sử thị nói: Ta sinh sau đẻ muộn không được theo hầu ông, nhưng nghe các bậc phụ lão kể lại thì rõ ràng là bậc trượng phu khảng khái cương nghị, xem hai chuyện trên đây có thể thấy được đại khái. Giữ được cái khí hạo nhiên thì hồ quỷ có làm gì được.

284. Ma mời tiệc[1]

[1] Quỷ tác diên.

Tú tài Đỗ Cửu Uyển có vợ bị bệnh, gặp ngày tiết Trùng Dương bạn bè rủ cùng đi chơi. Đỗ dậy sớm rửa mặt, nói rõ với vợ sẽ đi tới đâu rồi mặc áo đội mũ định ra đi, chợt thấy vợ ngất đi, lẩm bẩm như nói chuyện với ai khác. Đỗ lấy làm lạ, tới cạnh giường hỏi, vợ gọi Đỗ là con, người nhà đều lạ lùng. Lúc ấy quan tài của mẹ Đỗ còn quàn chưa chôn, Đỗ ngờ rằng hồn mẹ không vừa ý bèn khấn: “Có phải là mẹ không?” Vợ mắng: “Đồ súc sinh, không nhận ra cha ngươi à?” Đỗ nói: “Nếu là cha, sao lại ám vợ con?” Vợ gọi tên Đỗ lúc còn nhỏ, nói: “Ta chỉ vì vợ ngươi mà tới đây, sao lại oán hờn hả? Lẽ ra vợ ngươi phải chết rồi, đã có bốn người tới bắt. Người đứng đầu bọn họ là Trương Hoài Ngọc, ta phải hết sức năn nỉ mới được họ bỏ qua. Ta hứa là biếu họ chút ít, ngươi phải lo đấy.” Đỗ theo lời, ra cổng đốt giấy tiền vàng bạc, vợ lại nói: “Bốn người đi rồi, họ không nỡ làm ta mất mặt, sau ba ngày phải mở tiệc mời mới được. Mẹ ngươi già nua chậm chạp, không thể lo việc bếp núc, đến hôm ấy lại phải làm phiền vợ ngươi đi cho một chuyến.” Đỗ nói: “Âm dương hai nẻo khác nhau, làm sao mà nấu nướng thay được, xin cha miễn cho.” Vợ nói: “Ngươi đừng sợ, đi rồi lại về thôi, đây là việc lớn, đừng ngại vất vả.” Nói xong im bặt, hồi lâu mới tỉnh.

Đỗ hỏi thì vợ không nhớ vừa rồi nói gì, chỉ đáp: “Vừa rồi có bốn người tới bắt ta, may có cha năn nỉ xin, lại dốc hết vàng bạc trong túi ra biếu, họ mới đi. Ta thấy trong túi cha còn sót hai nén vàng, định ăn cắp một nén để chi dùng, cha nhìn thấy quát: ‘Ngươi định làm gì đấy? Vàng này mà ngươi dùng được à?’ Ta rút tay lại không dám nhúc nhích.” Đỗ vì vợ bệnh nặng nên nghe thế nửa tin nửa ngờ. Ba hôm sau đang chuyện trò với nhau, vợ Đỗ chợt trợn mắt hồi lâu rồi nói: “Vợ ngươi tham lắm, hôm trước thấy vàng của ta lại định ăn cắp. Nhưng vì nghèo quá nên làm như thế, cũng không trách được. Bây giờ ta đưa vợ ngươi đi nấu nướng giúp, đừng lo gì cả.” Nói xong thì nhắm mắt đứt hơi, được nửa ngày mới sống lại, nói với Đỗ rằng: “Mới rồi cha gọi ta đi, nói: ‘Chẳng cần con đích thân làm lụng, ta đã có người nấu nướng rồi, chỉ cần con ngồi đó sai bảo là được. Cha ở dưới may mà cũng giàu có, mọi vật dùng đưa ra tiếp khách ngươi phải để ý giữ gìn.’ Ta vâng dạ, xuống tới nhà bếp thấy hai người đàn bà cầm đao chặt thịt, ăn mặc đẹp đẽ gọi ta là chị dâu. Món nào sắp bưng lên đều mời ta tới xem qua trước. Bốn người hôm nọ đều ngồi trên tiệc, ăn uống xong rồi, chén bát rửa sạch cất hết, cha mới bảo ta về.” Đỗ lấy làm lạ, thường kể cho bạn bè nghe.

285. Diêm Vương[1]

[1] Diêm la.

Tú tài Lý Trung Chi ở Lai Vu (thuộc tỉnh Sơn Đông) tính ngay thẳng thành thật, cứ vài ngày lại chết đi nằm cứng đơ như cái xác, ba bốn ngày mới tỉnh lại. Có người hỏi lúc chết đi gặp những gì, Lý đều giấu kín không nói ra. Lúc ấy có Trương sinh cũng vài ngày lại chết đi một lần, nói với người ta rằng: “Lý Trung Chi là Diêm Vương đấy. Ta xuống âm ty cũng làm thuộc lại của ông ta,” lại kể rõ cả biển ngạch câu đối trong cung điện dưới đó. Có người hỏi vừa rồi Lý xuống âm ty làm gì, Trương đáp: “Không nói rõ được, nhưng có việc là ông đi khám ngục Tào Tháo, lại phạt đánh hai mươi trượng.”

Dị Sử thị nói: Một cái án của A Man[2] nghĩ chắc trải qua vài mươi đời Diêm Vương rồi. Ở dưới đó thì lại đầu thai làm súc vật hay quăng vào vạc dầu núi kiếm cũng đâu thiếu cách, tội nào lại chẳng trị được, cần gì phải giam lâu, mà mấy ngàn năm vẫn chưa xử được, vì sao thế nhỉ? Hay là kẻ tù nhân chịu hình phạt rồi thì án đã quyết, nên làm thế để y có muốn chết cũng không được chăng? Lạ thật?

[2] A Man: tên tự của Tào Tháo, Thừa tướng cuối thời Đông Hán, sử sách xưa coi là kẻ gian hùng lấn hiếp Thiên tử.

286. Hoa sen mùa lạnh[1]

[1] Hàn nguyệt phù dung.

Ở Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) có một đạo nhân, không biết quê quán ở đâu, cũng không rõ tên họ là gì. Mùa đông mùa hè đều chỉ mặc một chiếc áo đơn, thắt dây lưng màu vàng, chẳng có áo quần gì khác, vẫn dùng nửa cái lược chải tóc, chải xong thì giắt luôn vào búi tóc như đội mũ. Ban ngày đi chân không ra chợ, tối thì ngủ ở đầu đường, băng tuyết cách người mấy thước đều chảy tan thành nước. Buối đầu mới tới vẫn làm phép thuật cho người ta xem, người trong chợ tranh nhau cho tiền.

Trong chợ có tên vô lại đem rượu tới xin truyền phép cho, nhưng đạo nhân không chịu. Gặp lúc đạo nhân tắm ở bến sông, y tới vơ hết quần áo để bắt ép. Đạo nhân chắp tay vái, nói: “Xin trả lại áo quần, ta không tiếc gì mà không truyền phép thuật.” Tên vô lại sợ ông nói dối, không chịu đưa trả. Đạo nhân hỏi: “Thật không chịu trả phải không?” Y đáp: “Đúng thế!” Đạo nhân im lặng không nói gì nữa, chợt thấy chiếc dây lưng màu vàng biến thành con rắn to vài gang tay, quấn quanh sáu bảy vòng, trừng mắt cất đầu thè lưỡi nhìn y. Y hoảng sợ ngã khuỵu xuống đất, tái mặt đứt hơi xin tha mạng. Đạo nhân cầm lấy thì chiếc thắt lưng vẫn là thắt lưng, không phải là rắn, chỉ có một con rắn khác ngoằn ngoèo bò vào thành. Vì thế đạo nhân càng nổi tiếng, các nhà quyền quý nghe chuyện lạ đều mời mọc giao du.

Từ đó đạo nhân thường qua lại nhà các bậc tai mắt, quan lại trong hạt nghe danh, mỗi khi hội họp yến tiệc cũng mời đi cùng. Một hôm, đạo nhân mời các quan ăn tiệc ở thủy đình để đáp lễ. Đến ngày hẹn, người nào cũng nhận được thư mời đặt trên bàn, nhưng không biết từ đâu tới. Khách khứa tới nơi hẹn, đạo nhân cung kính ra đón, nhưng vào trong, thấy thủy đình trống không vắng vẻ, bàn ghế cũng chưa kê, có người ngờ là dối trá. Đạo nhân nói với các quan rằng: “Bần đạo không có người hầu, xin các ông cho mượn vài vị tùy tùng giúp đỡ chút việc,” các quan đều ưng thuận. Đạo nhân vẽ hai cánh cửa lên vách rồi lấy tay gõ bên trong có tiếng người đáp, bèn mở then nâng cửa lên. Mọi người chen lên nhìn ngó, thấy bên trong nườm nượp người đi lại ghế bàn màn trướng đều đầy đủ, kế có người chuyển tất cả ra ngoài cửa. Đạo nhân sai bọn người hầu của các quan đón lấy bày ra trong đình, lại dặn đừng nói chuyện với những người bên trong, bên trao bên nhận, chỉ nhìn nhau cười mà thôi. Giây lát mọi thứ bày ra khắp đình, vô cùng xa hoa lộng lẫy.

Kế đó là rượu ngon thơm phức, chả nướng nóng bỏng đều từ trong vách đưa ra, khách không ai không ngạc nhiên hoảng sợ. Ngôi thủy đình vốn kề bên hồ, cứ đến tháng sáu hàng năm thì hoa sen trải khắp vài mươi khoảnh, nhìn không thấy bờ. Nhưng bấy giờ đang giữa mùa đông, ngoài cửa sổ chỉ có khói xanh mịt mờ. Một viên quan chợt thở dài nói: “Hôm nay vui vẻ thế này, mà tiếc là không có hoa sen tô điểm?” Mọi người cùng ồ lên tán đồng. Giây lát một người hầu chạy vào bẩm lá sen đã mọc đầy hồ rồi. Cả tiệc đều kinh ngạc, đẩy cửa sổ nhìn, quả thấy màu xanh ngút mắt, trong có những nụ sen chen lẫn. Trong chớp mắt, muôn cành ngàn đóa nhất tề nở rộ, gió bấc thổi tới, hương sen thấm vào tới tận tim óc, mọi người đều lấy làm lạ lùng. Sai một người lại dịch chèo thuyền ra hái sen, xa xa nhìn thấy thuyền vào sâu trong đám hoa, giây lát lại thấy chèo thuyền trở ra, tay không lên đình. Quan hỏi, người lại dịch thưa rằng: “Tiểu nhân cưỡi thuyền tới, thấy hoa sen ở xa, gần tới bờ bắc ngoảnh lại lại thấy hoa sen xa xa phía nam.” Đạo nhân cười nói: “Đó chỉ là hoa giả trong ảo mộng thôi!” Không bao lâu tiệc tàn, gió bấc nổi mạnh thổi gãy hết cọng sen không còn sót cây nào.

Quan quan sát sứ Tế Đông thích lắm, đưa đạo sĩ về dinh, hàng ngày trò chuyện vui chơi với nhau. Một hôm, quan cùng khách uống rượu. Quan vốn có thứ rượu ngon gia truyền, mỗi lần chỉ lấy ra một đấu. Hôm ấy khách uống thấy ngon, nài nỉ dốc vò uống cho hết, quan nhất định không nghe, chối từ là hết rồi. Đạo nhân cười nói với khách: “Các ông muốn uống cho đã thèm, cứ hỏi bần đạo là được.” Khách xin đưa ra. Đạo nhân cầm cái bầu bỏ vào tay áo, giây lát lấy ra rót cho tất cả khách khứa, so với rượu của quan thì không có gì khác. Quan ngờ vực, vào xem lại vò rượu, thì dấu niêm phong vẫn như cũ mà bên trong không còn gì. Trong lòng vừa thẹn vừa giận, bắt đạo sĩ cho là yêu quái, sai đánh đòn. Trượng vừa đập xuống, quan cảm thấy đùi chợt đau buốt, lại đánh trượng nữa, mông như rách toác ra. Tuy đạo nhân kêu la dưới thềm, mà Quan sát tóe máu trên ghế. Bèn thôi đánh trượng, đuổi đạo nhân đi. Đạo nhân bèn rời khỏi đất Tế, không biết là đi đâu. Sau có người gặp ở Kim Lăng, vẫn ăn mặc như xưa, hỏi thăm chỉ cười mà không đáp.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx