sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XIV - Chương 287 - 291

287. Dương Vũ hầu

Dương Vũ hầu Tiết Lộc là người ở đảo họ Tiết. Cha là ông Tiết, rất nghèo, chăn trâu cho nhà giàu trong làng. Chủ có đám ruộng bỏ hoang, ông chăn trâu ở đó cứ thấy rắn và thỏ đánh nhau trong bãi cỏ rậm nên lấy làm lạ, xin chủ cho khoảnh đất ấy để chôn cất cha mẹ, nhân lợp một gian nhà tranh ở luôn tại đó. Vài năm sau vợ ông lâm bồn, gặp lúc mưa lớn, có hai viên Chỉ huy sứ vâng mệnh ra thanh tra hải đạo đi ngang, ghé vào tránh mưa dưới chái nhà. Thấy trên nóc nhà có đàn quạ tụ họp, tranh nhau xòe cánh che những chỗ mái bị dột, họ lấy làm lạ lùng. Kế đó ông bước ra, họ hỏi vừa rồi làm gì trong nhà, ông thưa về việc vợ sinh nở. Họ lại hỏi sinh con trai hay con gái, ông đáp: “Con trai.” Hai viên Chỉ huy rất hoảng sợ, nói: “Thế thì đứa nhỏ này ắt rất quý hiển, nếu không làm sao mà được hai viên Chỉ huy sứ bọn ta giữ gìn cho ngoài cửa?” Tấm tắc khen ngợi rồi đi.

Khi hầu lớn lên, mặt mày dơ dáy mũi dãi lòng thòng, chẳng có gì là thông minh đĩnh ngộ. Họ Tiết trong đảo vốn thuộc sổ quân, một năm tới lượt nhà ông Tiết cắt ra một đinh đi đóng thú ở huyện Liêu Dương (tỉnh Liêu Ninh), con trai lớn của ông rất lo lắng. Năm ấy hầu mười tám tuổi, ai cũng cho là ngốc nghếch không chịu gả con gái cho, chợt nói với anh rằng: “Anh hai cứ thở dài sườn sượt, có phải vì việc đi lính không?” Người anh đáp: “Đúng thế.” Hầu cười nói! Nếu anh chịu gả đứa tớ gái cho em, em sẽ đi thay anh.” Người anh mừng rỡ, lập tức đem người tớ gái gả cho, hầu đưa cả vợ lên đường tới nơi đóng thú. Vừa đi được vài mươi dặm chợt gặp cơn mưa rào, bên đường có sườn núi cao, hai vợ chồng chạy mau tới đó tránh mưa. Giây lát mưa tạnh lại tiếp tục lên đường, đi được một đoạn thì đá núi lở ra rơi xuống, người ở đó nhìn thấy có hai con cọp nhảy ra đuổi sát tới hai người thì biến mất. Hầu từ đó khỏe mạnh phi thường, phong thái khác hẳn trước, sau nhờ quân công được phong tước Dương Vũ hầu, con cháu được thế tập.

Đến niên hiệu Thiên Khải, Sùng Trinh (1621-1627 và 1628-1643) thời Minh, hậu duệ là ông Mỗ tập tước, chết không có con trai, vợ đang có mang nên tạm lấy người ngành thứ thay. Phàm những nhà thế gia như vậy nếu vợ có mang phải báo lên triều đình, nên quan sai bà đỡ tới chăm sóc vợ ông, đến khi sinh nở xong mới thôi. Hơn một năm, phu nhân sinh được một gái, nhưng sinh rồi mà bụng vẫn đau quặn, mãi mười lăm năm sau, thay tới mấy bà đỡ nữa mới sinh ra một trai, lại được tập tước hầu của ngành trưởng. Ngành thứ đồn ầm lên rằng đó không phải là con ông Mỗ, quan bèn bắt tất cả các bà đỡ, gông cùm gạn hỏi trăm cách vẫn không ai nói gì khác, việc tập tước mới xong.

Phụ: Một truyện trong Trì Bắc Ngẫu Đàm

Cẩn quốc Trung Vũ công Tiết Lộc thời Minh là người huyện Giao Châu (tỉnh Sơn Đông). Cha sống trên đảo, chăn dê cho người ta, thường nghe ở chỗ thả dê có tiếng chuông trống dưới lòng đất vọng lên, biết đó là đất quý, dặn anh em Trung Vũ rằng: “Ta chết rồi phải đem chôn ở đó,” về sau các con làm như lời cha dặn. Lâu sau triều đình tuyển quân đi đóng thú ở Bắc Bình (thành Liêu Dương), người anh không chịu đi, Trung Vũ còn trẻ xin đi thay. Về sau theo quân dẹp loạn làm tới chức Đại Tướng quân, phong Dương Vũ hầu, lúc chết được truy phong Cẩn quốc công. Đất ông ở nay có tên là đảo họ Tiết (Tiết gia đảo).

288. Nát rượu[1]

[1] Tửu cuồng.

Mục Vĩnh Định là Cống sinh ở Giang Tây, hay say sưa bét nhè, họ hàng làng xóm đều không ưa. Có lần tình cờ tới nhà chú họ chơi, Mục là người ưa đùa giỡn, giỏi khôi hài nên khách khứa chuyện trò với y thích lắm, mới cùng nhau uống say khướt. Mục say rồi, chửi ráo tất cả khách khứa, mọi người nổi giận, cả bàn chửi mắng ầm ĩ, người chú đích thân ra khuyên giải đôi bên, Mục cho rằng ông có ý thiên lệch, khách khứa càng giận dữ. Người chú không biết làm sao, phải chạy tới nhà Mục báo tin. Người nhà tới dìu về, khi đỡ lên giường thì tay chân Mục đều rũ ra, vỗ gọi thì đã tắt hơi chết rồi.

Mục chết, thấy có hai người mũ đen trói giải đi, giây lát tới một nơi công thự lợp ngói trắng, tráng lệ hơn hẳn thế gian. Vào dưới thềm, thấy như còn chờ quan ra, tự nghĩ mình có tội gì đâu, có lẽ là đám khách kia kiện việc say rượu cãi nhau, quay nhìn hai người mũ đen thì thấy họ giận dữ mắt long sòng sọc nên không dám hỏi. Nhưng lại nghĩ mình là Cống sinh, cãi vã với người ta chắc cũng chẳng bị kết tội nặng. Chợt trên thềm có một viên lại ra nói lớn là những người kiện tụng sáng mai phải tới sớm. Lúc ấy những người dưới thềm nhốn nháo kéo ra như chim thú tan hàng, Mục cũng theo hai người mũ đen đi ra, nhưng không biết về đâu, cứ rụt cổ đứng dưới chái nhà bên chợ.

Hai người mũ đen giận dữ nói: “Thằng vô lại nát rượu này, trời chiều rồi, ai cũng đi tìm chỗ ăn chỗ ngủ, ngươi định về đâu?” Mục run rẩy đáp: “Ta không biết có chuyện gì, chưa hề nói với người nhà nên chẳng có đồng nào trong túi, còn biết về đâu được?” Hai người mũ đen nói: “Thằng giặc uống rượu làm càn kia, ngươi uống rượu thì phải có tiền chứ, còn lôi thôi thì ta đập nát xương bây giờ.” Mục cúi đầu không dám đáp, chợt một người trong cửa bước ra, thấy Mục kinh ngạc hỏi: “Sao người lại tới đây?” Mục nhìn ra thì là cậu ruột mình. Cậu Mục họ Giả, đã chết mấy năm rồi, Mục nhìn thấy mới chợt hiểu ra là mình đã chết, càng thêm buồn sợ, chỉ sa nước mắt nói: “Cậu cứu cháu với!” Giả nhìn qua hai người mũ đen nói: “Đông Linh không phải ai lạ, xin mời vào tệ xá chơi,” hai người bèn vào.

Giả đối xử với hai người rất cung kính, tiếp đón nồng hậu. Giây lát cơm rượu dọn ra, tất cả cùng ngồi vào bàn. Giả hỏi: “Thằng cháu ta có việc gì mà lại phiền tới hai vị phải đi bắt?” Hai người mũ đen đáp: “Đại vương tới chỗ Thái thượng lão quân, trên đường trông thấy lệnh điệt say rượu chửi bới bậy bạ, nên sai bọn ta bắt về đây.” Giả hỏi đã gặp đại vương chưa, họ đáp: “Thái thượng Lão quân xử án Hoa Tử[2] nên đại vương chưa về.” Giả lại hỏi thằng cháu ta sẽ bị khép tội gì, họ đáp: “Chưa biết chắc, nhưng đại vương rất ghét hạng người như thế này.” Mục ngồi bên cạnh nghe hai người nói sợ toát mồ hôi, không ăn uống gì nổi. Không bao lâu, hai người mũ đen đứng dậy cám ơn nói: “Ăn uống no say rồi, xin gởi lệnh điệt lại đây, khi nào đại vương về sẽ tới thăm ông lần nữa,” rồi chào đi.

[2] Án Hoa Tử: nguyên văn là “hội Hoa Tử án”, chưa rõ ý nghĩa, đây tạm dịch như trên.

Giả nói với Mục: “Cháu không có anh em gì nên cha mẹ cưng chiều quá, không nỡ mắng một tiếng. Năm mười sáu mười bảy tuổi cứ uống vài chén rượu rồi là lầm bầm đi tìm người nói chuyện dông dài, hơi trái ý thì đập cửa xoay trần ra chửi mắng, nhưng lúc ấy còn có thể nói là trẻ con, tha thứ được. Không ngờ xa nhau hơn chục năm, cháu vẫn chứng nào tật nấy, bây giờ biết làm sao được!” Mục lạy phục xuống đất khóc lóc, chỉ nói là hối hận không kịp. Giả kéo dậy nói: “Cậu bán rượu ở đây cũng có chút ít tiếng tăm, dĩ nhiên phải hết sức giúp đỡ. Hai người uống rượu vừa rồi là Đông Linh sứ giả, cậu thường mời họ uống rượu, họ cũng thân thiết với cậu. Đại vương mỗi ngày có hàng ngàn việc cũng chưa chắc đã nhớ tới chuyện này. Ta dịu ngọt năn nỉ xin họ nể mặt tha cháu, có khi họ nghe.”

Rồi lại ngẫm nghĩ, nói: “Chuyện này khá lớn, phải tốn mười vạn mới xong được.” Mục cám ơn, nói rằng tốn kém bao nhiêu xin chịu hết, Giả ưng thuận. Rồi đó Mục ngủ lại nhà cậu. Sáng hôm sau hai người mũ đen tới, Giả mời vào phòng kín nói chuyện một lúc rồi trở ra nói với Mục rằng: “Xong rồi. Chỉ lát nữa cháu sẽ được trở về, ta đã hứa đặt tiền cọc trước, số còn lại khi nào cháu về tới nhà cứ thong thả gởi xuống.” Mục mừng rỡ hỏi: “Cả thảy là bao nhiêu?” Giả đáp: “Mười vạn đồng.” Mục nói: “Cháu lấy đâu ra bấy nhiêu tiền được.” Giả nói: “Chỉ cần một trăm xấp giấy tiền vàng bạc là đủ mà.” Mục mừng rỡ nói: “Nếu thế thì dễ thôi.” Chờ đến trưa, hai người mũ đen vẫn không quay lại, Mục muốn ra chợ chơi. Giả dặn là đừng đi xa, Mục vâng dạ rồi đi. Nhìn thấy phố xá buôn bán chẳng khác gì ở nhân gian, tới một chỗ nọ có tường vây bọc bốn phía giống như nhà tù, đối diện có một quán rượu, người ra vào tấp nập.

Ngoài quán rượu có một dòng suối dài, nước đen ngòm chảy cuồn cuộn không biết sâu cạn thế nào. Mục còn đang thơ thẩn nhìn ngó, chợt nghe một người trong quán rượu gọi: “Ông Mục sao lại tới đây?” Mục vội ngoảnh nhìn, thì là một người láng giềng, mười năm trước còn sống vẫn làm bạn văn chương với nhau. Người ấy rảo bước ra nắm tay Mục, vui vẻ như lúc còn sống, rồi kéo vào quán rượu thăm hỏi lẫn nhau. Mục đang lúc có chuyện vui mừng, lại gặp người quen cũ nên cứ cạn chén liên tiếp, lát sau say rồi quên mình đã chết, lại giở thói cũ ra, dần dần lè nhè. Người bạn nói: “Mấy năm không gặp, ngươi vẫn thế à?” Mục rất ghét người ta khuyên răn về việc cư xử lúc uống rượu nghe người bạn nói càng tức đập bàn chửi bới. Người bạn trợn mắt nhìn rồi phẩy tay áo bỏ ra, Mục đuổi theo tới đầu dòng suối, giật mũ người bạn. Người bạn tức giận nói: “Đúng là đồ tồi!” Rồi xô Mục xuống suối, suối không sâu mấy nhưng dưới đáy đầy đao bén cắm lởm chởm như chông đâm vào chân, Mục đứng chết cứng không cựa quậy gì được, thấy đau buốt tới tận óc. Làn nước đen trộn lẫn cả cứt đái nhơ bẩn, há miệng thở thì phải nuốt, không sao tránh được.

Người trên bờ đứng xem chen chúc như bức tường chỉ trỏ cười nói nhưng chẳng một ai xuống kéo lên. Đang lúc nguy cấp, Giả chợt tới, nhìn thấy cả sợ, vội kéo lên dắt về nói: “Ngươi thật chẳng ra sao, chết rồi mà chưa tỉnh ngộ, không đáng sống lại làm người nữa, xin cứ theo Đông Linh mà chịu tội.” Mục cả sợ, khóc nói đã biết tội rồi. Giả mới nói: “Mới rồi Đông Linh tới đây, chờ ngươi để làm giao kèo, người lại say sưa không về, ta sợ họ không chờ được, đã lập giao kèo đưa cho họ một ngàn quan tiền rồi, số còn lại hẹn trong một tuần, người về rồi phải trả gấp. Cứ buổi tối ra bãi cỏ ngoài thôn, gọi tên cậu mà đốt giấy tiền vàng bạc, thì chuyện này kể như xong.” Mục hứa sẽ theo đúng lời, Giả bèn giục lên đường, đưa ra tới ngoài thành, lại dặn: “Đừng nuốt lời làm lụy tới ta!” rồi chỉ đường cho về.

Lúc ấy Mục đã chết cứng ba ngày, người nhà cho là say chết, nhưng hơi thở vẫn mong manh như sợi tơ. Ngày hôm ấy sống lại, nôn một trận ra mấy đấu nước đen, hôi thối không sao chịu nổi. Nôn mửa xong thì toát mồ hôi ướt đẫm cả chăn nệm, mới thấy tỉnh táo. Kể lại chuyện lạ với người nhà, lại thấy chỗ bị đao đâm đau buốt, qua hôm sau thành mụn lở, còn may là không thối thịt, được mười ngày đã có thể chống gậy đi lại. Người nhà cùng xin trả nợ âm phủ, Mục tính lại thấy tốn tới mấy đồng vàng, lại đâm tiếc rẻ, nói: “Vừa rồi có lẽ là say nên mơ thấy chuyện hư ảo, mà nếu không phải thế thì họ vì lợi riêng mà tha cho ta, làm sao dám nói cho Diêm Vương biết?” Người nhà khuyên can vẫn không nghe, nhưng trong lòng cũng sợ sệt, không dám uống rượu nữa.

Làng xóm cũng có người mừng là đã sửa đức, thỉnh thoảng mời uống rượu. Được hơn năm Mục dần dần quên món nợ ở âm phủ, bắt đầu buông thả nên thói cũ lại nay sinh. Một hôm uống rượu ở nhà vợ con trai lại chửi mắng khách khứa, chủ nhân đánh cho một trận rồi tống cổ ra ngoài, đóng chặt cửa lại. Lúc Mục bò lê bò càng con trai mới biết, dìu cha về nhà. vào tới phòng Mục lại quay mặt vào vách lạy rạp xuống như giã gạo nói: “Xin trả nợ ông...” Nói xong lăn ra đất, nhìn tới thì đã đứt hơi chết rồi.

289. Nghề võ[1]

[1] Vũ kỹ.

Lý Siêu tự Khôi Ngô, người ở phía tây huyện Truy (tỉnh Sơn Đông), tính rộng rãi hay bố thí cho sư. Có nhà sư tới khất thực, Lý cho ăn no. Nhà sư rất cảm ơn, lại nói: “Ta xuất thân từ chùa Thiếu Lâm, có chút nghề mọn xin truyền lại.” Lý mừng rỡ, mời ở lại nhà khách, đãi đằng trọng hậu, sớm tối theo học, ba tháng đã khá giỏi, rất đắc ý. Nhà sư hỏi ngươi thấy có ích không, Lý đáp: “Được thêm nhiều lắm. Sư phụ có bao nhiêu tài nghệ ta đã học được cả.” Nhà sư cười, bảo Lý ra múa thử. Lý cởi áo xoa tay, rồi như vượn chuyền chim đáp, múa may một hồi, lại nghênh ngang dừng lại. Nhà sư lại cười nói: “Được rồi, người đã học được hết tài nghệ của ta, vậy hãy thử đấu một trận để phân cao thấp.” Lý vui vẻ, lập tức ra đấu, đôi bên giao quyền, Lý cứ nhân chỗ sơ hở tấn công tới tấp. Nhà sư chợt xoay chân phóng ra một cước, Lý trúng đòn văng ra hơn một trượng. Nhà sư vỗ tay nói: “Ngươi còn chưa học được hết tài nghệ của ta mà.” Lý chống tay gượng bò dậy, thẹn thùng xin dạy cho.

Được vài hôm, nhà sư từ biệt ra đi. Sau Lý tình cờ tới huyện Lịch Hạ (tỉnh Sơn Đông), gặp một người ni cô trẻ tuổi múa võ trong bãi đất, người xem đông nghẹt. Ni cô nói với mọi người rằng: “Múa may một mình rất là loạc choạc, nếu ai thích xin cứ ra đấu thử cho vui.” Nói thế mấy lần mà người xem cứ nhìn nhau, không một ai lên tiếng. Lý đứng bên cạnh ngứa nghề không nhịn được, hăng hái xông vào. Ni cô cười tiến lên đón đỡ, vừa giao quyền người cô đã gọi ngừng tay, nói: “Đây là quyền pháp Thiếu Lâm rồi.” Lại hỏi Tôn sư là ai, Lý lúc đầu không chịu nói, người cô hỏi mãi mới nói tên nhà sư. Ni cô chắp tay nói: “Hám hòa thượng là thầy ngươi sao? Nếu đúng thế thì không cần giao thủ nữa, xin chịu thua trước.” Lý nài nỉ mấy lần, người cô cũng không chịu đấu mọi người khuyên mãi mới nói: “Đã là đệ tử của Hám sư phụ thì cũng là người nhà, đùa vui một lúc cũng không sao, chỉ cần đánh tới thì ngừng tay là được rồi,” Lý ưng thuận.

Nhưng lại cho rằng người cô ẻo lả, dễ đánh đổ, lại tuổi trẻ hiếu thắng, chỉ muốn đánh bại người ni cô để một sớm dương danh. Còn chưa phân thắng bại, người ni cô đã ngừng tay, Lý hỏi tại sao, chỉ cười không đáp Lý cho rằng đối phương đã sợ sệt, nài nỉ xin đấu nữa, người ni cô mới bước ra. Giây lát Lý phóng ra một cước, người ni cô xòe bàn tay chém luôn vào chân, Lý thấy dưới gối như bị đao chém trúng, ngã quỵ xuống không đứng lên nổi. Ni cô cười tạ rằng: “Ta lỗ mãng xúc phạm, may mà chưa đến nỗi đắc tội!” Lý được vực về hơn một tháng mới khỏi. Hơn năm sau nhà sư lại tới, Lý kể lại mọi việc. Nhà sư hoảng sợ nói: “Ngươi lỗ mãng quá, nếu gặp người khác thì sao? May mà đã nói tên ta ra trước, nếu không thì cái chân ấy bị chém gãy luôn rồi.”

290. Chim cưỡng[1]

[1] Cù dục.

Vương Phần Tân nói ở quê ông có người nuôi chim cưỡng, dạy cho nói tiếng người, rất thành thục, đi đâu cũng mang theo, như thế được vài năm. Một hôm tới huyện Giáng Châu (tỉnh Sơn Tây), cách nhà còn xa mà tiền lưng đã cạn, y buồn lo nhưng không biết làm sao. Chim nói: “Sao không bán ta đi? Đưa ta tới vương phủ chắc chắn được giá cao, lo gì không có tiền về nhà?” Y nói: “Ta đâu nỡ làm thế.” Chim nói: “Không sao, chủ nhân được tiền rồi cứ đi thật nhanh, chờ ta ở dưới gốc cây lớn phía tây cách thành hai mươi dặm.” Y theo lời, đem chim vào thành, trò chuyện với nó, người xem kéo tới đông nghẹt. Có người quyền quý nhìn thấy, kể cho Tấn vương nghe, vương gọi y vào, tỏ ý muốn mua chim. Y nói: “Tiểu nhân dựa vào con chim này sinh sống nên không muốn bán.” Vương hỏi chim: “Ngươi có muốn ở lại đây không?” Chim đáp muốn. Vương mừng rỡ, chim lại nói: “Chỉ cần mười đồng vàng thôi, đừng đưa nhiều hơn.” Vương càng vui vẻ, lập tức sai đưa ra mười đồng vàng. Người kia làm ra vẻ căm hờn buồn bã bỏ ra.

Vương trò chuyện với chim, thấy đối đáp nhanh nhảu, gọi lấy thịt cho ăn. Ăn xong, chim nói: “Thần muốn tắm.” Vương sai lấy chậu vàng múc nước, mở lồng cho nó ra tắm. Tắm xong, chim bay qua bay lại trước thềm, vỗ cánh rỉa lông, vẫn liến láu trò chuyện với vương không ngớt. Giây lát cánh khô hẳn, giương cánh bay lên, nói giọng Tấn (vùng Sơn Tây) rằng: “Thần đi đây!” Trong chớp mắt đã mất hút. Vương cùng các nội thị ngửa mặt than tiếc, vội tìm người kia thì đã đi xa rồi. Về sau có người tới Tần Trung (vùng Thiểm Tây), thấy y mang chim đi trong thành Tây An (tỉnh thành Thiểm Tây). Tiên sinh Tất Tải Tích[2] chép lại chuyện này.

[2] Tất Tải Tích: xem chú thích truyện Chúc ông, quyển II.

291. Thương Tam Quan

Thành Gia Cát cũ có Thương Sĩ Võ là kẻ sĩ nhân. Vì say rượu nói năng xúc phạm người thế hào, bị người ấy sai gia nhân xúm lại đánh tơi bời, cõng về tới nhà thì chết. Thương có hai trai, lớn là Thần, thứ là Lễ và một gái là Tam Quan, mười sáu tuổi, đã hẹn ngày cưới nhưng gặp việc cha chết phải đình lại. Hai anh Tam Quan đưa đơn kiện nhưng cả năm sau cũng chưa được xử nhà thông gia sai người đến gặp mẹ nàng xin cho tòng quyền làm đám cưới. Người mẹ định ưng thuận nhưng cô gái bước lên nói: “Xác cha mất còn chưa lạnh mà đòi cưới xin, họ không có cha mẹ à?” Nhà thông gia nghe thế xấu hổ đành thôi. Không bao lâu hai anh đi kiện không được, chịu lép trở về, cả nhà bi phẫn. Hai anh định quàn xác cha để tiếp tục thưa kiện, Tam Quan nói: “Người bị giết mà quan không xét, việc đời thế nào đủ biết rồi, chẳng lẽ trời sinh riêng cho hai anh em anh một Bao Công à? Để thi hài cha phơi ra như thế thì nỡ lòng nào!” Hai anh phục lời ấy, bèn lo mai táng cha.

Việc chôn cất vừa xong, Tam Quan ban đêm trốn đi, không biết đi đâu. Người mẹ lấy làm xấu hổ, sợ nhà thông gia biết, không dám nói cho họ hàng hay, chỉ dặn hai con trai ngấm ngầm tìm kiếm, nhưng suốt nửa năm vẫn không thấy tăm hơi. Gặp dịp người thế hào mở lễ mừng thọ, gọi phường trò tới giúp vui. Người phường trò tên Tôn Thuần dẫn theo hai đứa học việc để sai vặt, một người tên Vương Thành, mặt mũi bình thường nhưng tiếng hát trong vắt mọi người đều khen ngợi, một người tên Lý Ngọc, mặt mày xinh đẹp thanh tú như con gái, gọi ra bảo hát thì từ chối là ít luyện tập, ép thì những bài hát ra có một nửa chen cả các điệu hò vè của đàn bà con gái, cả tiệc vỗ tay ầm lên. Tôn thẹn quá, thưa với chủ nhà rằng thằng nhỏ này theo học chưa bao lâu, chỉ mới biết mời rượu, xin đừng trách, rồi sai ra chuốc rượu.

Ngọc lui tới dâng rượu, rất khéo đón ý chủ nhân, người thế hào rất vừa ý. Đến khi tan tiệc, khách khứa ra về, người thế hào giữ Ngọc lại ngủ cùng. Ngọc dọn giường cởi áo cho chủ, hầu hạ rất chu đáo, người thế hào càng thích, cho người hầu ra hết chỉ giữ có Ngọc lại trong phòng. Ngọc đợi đám người hầu ra hết liền đóng cửa cài then. Đám người hầu sang phòng khác ăn uống, lát sau nghe thấy trong phòng chủ ngủ có tiếng cành cạch, một người bước qua xem, chỉ thấy trong phòng tối đen yên lặng, đang định quay đi chợt nghe tiếng động lớn như vật nặng treo trên cao đứt dây rơi xuống, vội lớn tiếng hỏi nhưng không thấy ai trả lời. Y gọi mọi người phá cửa vào, thấy chủ nhân đã đầu lìa khỏi xác. Ngọc thì treo cổ tự tử, dây đứt xác rơi xuống đất, đầu dây vẫn còn lủng lẳng trên xà nhà. Mọi người hoảng sợ, gọi nhau vào tụ họp trong phòng bàn bạc nhưng không hiểu vì sao.

Đem xác Ngọc ra sân thì thấy trong giày tất trống không như không có bàn chân, cởi ra xem thấy bàn chân bó nhỏ, té ra là con gái. Họ càng hoảng sợ, gọi Tôn Thuần tới căn vặn. Thuần sợ lắm, không biết vì sao, chỉ nói: “Tháng trước Ngọc tới xin học nghề, hôm nay xin đi theo tới đám mừng thọ, thật không rõ là từ đâu tới” Thấy Ngọc mặc tang phục bên trong, nhà thế hào ngờ là thích khách của họ Thương, bèn cắt ra hai người canh giữ xác chết. Cô gái mặt đẹp như ngọc, vỗ về thì thấy thân thể tay chân ấm áp mềm mại, hai người bèn bàn nhau lén hành dâm. Một người ôm xác cô gái nắn bóp vần vò, đang định cởi dây lưng thì chợt như bị đập mạnh vào đầu, hộc máu mồm chết ngay tại chỗ. Người kia sợ hãi kể lại, mọi người đều kính cẩn coi cô gái như thần minh. Sáng ra lên báo quan, quan gọi Thần và Lễ lên hỏi, họ đều nói không biết gì, chỉ nói em gái là Tam Quan đã bỏ nhà đi nửa năm rồi, sai tới xem xác chết thì đúng là Tam Quan. Quan cho là việc lạ lùng, cho hai người mang xác em gái về chôn cất, lại khuyên gia đình người thế hào không nên thù hằn.

Dị Sử thị nói: Trong nhà có nữ Dự Nhượng[1] mà không hay, thì hai người anh làm đàn ông ra sao cũng có thể biết rồi. Nhưng làm người như Tam Quan thì ngay cả kẻ qua sông Dịch[2] cũng còn thẹn là chưa bằng, huống hồ những kẻ tầm thường chìm nổi theo đời sao? Mong sao những đàn bà con gái trong thiên hạ mua chỉ về thêu tranh nàng để thờ, thì phúc đức chẳng kém gì so với việc thờ phụng Quan Đế đâu.

[1] Dự Nhượng: người thời Xuân thu, hủy hoại thân thể để cải trang báo thù cho chủ, người sau coi là bậc hiệp nghĩa.

[2] Kẻ qua sông Dịch: tức Kinh Kha, người thời Chiến quốc, kiếm khách của Thái tử Đan nước Yên sai đi hành thích Tần vương (tức Tần Thủy hoàng). Tương truyền khi sang sông Dịch để tiến vào địa giới nước Tần, Kinh Kha ngẩng mặt hát, lời ca rất khảng khái thê thiết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx