sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XVI - Chương 393 - 398

393. Chân sinh

Giả Tử Long là sĩ nhân ở Trường An (tỉnh Thiểm Tây) tình cờ qua nhà hàng xóm gặp một người khách phong thái tiêu sái thoát tục, hỏi thăm thì biết là Chân sinh. Giả rất hâm mộ, hôm sau tới đưa danh thiếp ra mắt, lại gặp lúc Chân sinh đi vắng. Ba lần tới đều không gặp, bèn sai người rình chờ lúc có nhà về báo, lại tới xin gặp. Chân sinh lánh mặt không ra, Giả vào tìm mới chịu ra gặp, ngồi gần nhau trò chuyện, cùng mừng rỡ là gặp kẻ tương tri. Giả bèn về nhà trọ sai tiểu đồng đi mua rượu. Chân lại mạnh rượu, khéo đùa giỡn, hai người rất vui vẻ. Rượu gần hết, Chân mò trong tráp lấy ra đồ dùng uống rượu, thì là một cái bình ngọc không đáy, đặt chén không vào, cái chén chợt đầy ắp rượu, rồi múc ra đổ vào bầu rượu, mãi vẫn không hết. Giả lấy làm lạ, năn nỉ xin học phép lạ ấy. Chân nói: “Ta không muốn cho người khác thấy, ông không có chỗ nào kém cỏi, chỉ là lòng tham chưa hết mà thôi. Đây là phép thuật của nhà tiên, làm sao dạy được?” Giả nói: “Oan cho ta quá! Ta có tham lam gì đâu, chỉ tình cờ nảy lòng mong muốn thôi, thôi từ nay trở đi xin cam phận nghèo,” hai người cười rộ rồi chia tay.

Từ đó thường qua lại với nhau, kết bạn quên cả hình hài. Mỗi khi thiếu thốn, Chân lại lấy một viên đá đen ra, thổi vào rồi niệm thần chú, chà xát lên gạch ngói, gạch ngói lập tức hóa thành bạc trắng xóa, đưa tặng cho Giả, nhưng cũng chỉ vừa đủ chi dùng, không mấy khi thừa. Giả cứ xin thêm, Chân nói: “Ta đã nói ông tham, bây giờ thì sao, bây giờ thì sao?” Giả nghĩ hỏi thẳng quyết không được, phải nhân lúc Chân say ngủ, đánh cắp viên đá mới xong. Một hôm, hai người say rượu đã đi nằm, Giả lén dậy lục lọi túi Chân, Chân biết được nói: “Anh thật là không còn lương tâm, không thể ở chung được.” Rồi từ biệt, dọn đi ở chỗ khác. Hơn năm sau Giả dạo chơi bên bờ sông, nhìn thấy một viên đá trong suốt giống hệt viên đá của Chân, bèn nhặt lấy giữ gìn như của báu. Qua vài hôm Chân chợt tới, buồn rầu như đánh mất vật gì. Giả hỏi han, Chân đáp: “Viên đá ông thấy trước đây là đá điểm kim của tiên. Trước ta kết giao với Bão Chân tử, ông ta thương ta biết giữ phận nên tặng cho, vừa rồi say rượu làm rơi mất, bấm độn thì biết đang ở chỗ ông, nếu có thể trả lại cho nhau, thật không dám quên ơn.” Giả cười nói: “Ta bình sinh không dám lừa dối bạn bè, đúng như ông bói đấy. Nhưng biết Quản Trọng nghèo mà không làm được như Bão Thúc Nha[1] bây giờ ông định làm gì?” Chân xin tặng trăm đồng vàng, Giả nói: “Trăm đồng vàng không phải ít, nhưng truyền cho ta câu thần chú đã, tự ta điểm kim một lần thử xem, thì không tiếc gì nữa.”

[1] Quản Trọng và Bão Thúc Nha là người thời Xuân thu, chơi thân với nhau. Quản Trọng có tài nhưng nhà nghèo, đi buôn chung với Bão Thúc Nha, khi chia lời thường lấy phần nhiều hơn. Có người cho Quản Trọng là tham, Bão Thúc Nha nói đó là vì Quản Trọng nghèo, cần tiền nuôi gia đình chứ không phải là tham.

Chân sợ Giả nuốt lời, Giả nói: “Ông là tiên mà không biết xưa nay Giả Mỗ không bao giờ thất tín với bạn bè à?” Chân bèn truyền cho câu thần chú, Giả ngoái lại định mài lên một hòn đá to, Chân nắm khuỷu tay kéo lại không cho thử. Giả bèn cúi xuống nhặt một mảnh ngói đặt lên phiến đá giặt áo nói: “Bấy nhiêu thì không nhiều chứ?” Chân ưng thuận. Nhưng Giả không mài viên đá điểm kim lên mảnh ngói mà lên phiến đá giặt áo, Chân biến sắc, định giật lấy viên đá thì phiến đá giặt áo đã biến thành khối bạc ròng. Giả trả lại viên đá, Chân than: “Số kiếp đã như thế, còn nói gì nữa? Đem phúc lộc sai trái tới cho người ắt bị trời phạt, nếu ông muốn cho ta được thoát thì xin phân phát số tiền này cho nhiều người, có được không?” Giả đáp: “Sở dĩ ta muốn có tiền là không phải để hưởng riêng một mình, ông vẫn coi ta như hạng bo bo giữ của à?” Chân mừng rỡ chào đi. Giả được tiền vừa đem cho vừa đi buôn, không đầy ba năm đã cho hết số tiền có được. Một hôm Chân chợt tới, nắm tay Giả nói: “Ông thật là người tín nghĩa, sau khi chia tay lần ấy Phúc thần tâu với Thượng đế nên ta bị xóa tên khỏi sổ tiên. May là được ông rộng rãi bố thí, đến nay cũng đủ công đức để chuộc lỗi rồi. Xin ông gắng thêm, đừng bỏ phế.”

Giả hỏi Chân giữ chức ở ty tào nào trên trời, Chân đáp: “Ta là hồ tu tiên đắc đạo, xuất thân hèn mọn, không kham được chuyện phiền nhiễu, nên bình sinh chỉ giữ phận, không dám nhận chức tước gì.” Giả mời rượu, hai người lại cùng nhau ăn uống vui vẻ như trước. Đến năm Giả hơn chín mươi tuổi, thỉnh thoảng hồ vẫn ghé chơi. Mỗ ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) làm nghề bán thuốc giải độc, cho dù nguy cấp tới mức nào cứ uống thuốc của y cũng sống. Nhưng y giữ kín bài thuốc, họ hàng thân thích cũng không truyền cho. Một hôm gặp tai bay vạ gió bị bắt, người em vợ mang cơm vào trại giam, lén trộn thuốc độc vào, ngồi chờ y ăn xong mới nói. Y không tin, nhưng giây lát thấy bụng đau quặn lên, mới hoảng sợ chửi lớn: “Thằng súc sinh đi mau, trong nhà tuy có thuốc giải độc, nhưng chỉ sợ đường xa không trở lại kịp, mau mau vào thành tìm lấy một bó dây tơ hồng và một chén nước trong, đi mau lên!” Người em vợ nghe lời, tìm được các thứ tới thì y đã nôn mửa gần chết. Vội đổ thuốc cho, lập tức đỡ ngay, bài thuốc ấy từ đó mới được truyền ra. Chuyện này cũng giống như việc hồ giữ kín viên đá vậy.

394. Ông Thang[1]

[1] Thang công.

Ông Thang tên Sính, đỗ Tiến sĩ năm Tân Sửu. Mắc bệnh gần chết, chợt thấy hơi nóng dưới chân cứ lan dần lên trên, lên tới đùi thì chân chết, lên tới bụng thì đùi chết. Nhưng lên tới ngực thì tim chưa chết ngay, phàm những chuyện lúc còn là trẻ con tới những chuyện nhỏ nhặt đã quên từ lâu đều theo máu trong tim kéo về, dâng lên từng đợt từng đợt như thủy triều. Nếu là chuyện hay thì thấy bình tĩnh yên ổn, nếu là chuyện dở thì thấy áy náy hối hận, như dầu sôi trong vạc, khó chịu không sao nói ra thành lời được. Như còn nhớ lúc bảy tám tuổi có bắt một con sẻ nhỏ rồi giết, chỉ một việc ấy thôi mà thấy máu trong tim dâng lên ào ào khoảng ăn xong bữa cơm mới hết. Cứ thế tất cả mọi chuyện đã làm trong đời lần lượt hiện về xong, mới thấy làn hơi nóng lan qua cổ họng dâng lên óc, thoát ra khỏi đỉnh đầu bốc ra ngoài như hơi nước sôi trên nồi cơm. Qua vài mươi khắc thì hồn lìa thất khiếu, rời xác mà đi. Nhưng lại bơ vơ không biết đi đâu, cứ lang thang trên đường. Chợt có một người to lớn đi tới, cao hơn tám thước, bắt ông cho vào tay áo. Vào bên trong thấy da thịt gồ ghề, có rất nhiều người đều tỏ vẻ buồn bã, không sao thoát được. ông sực nghĩ chỉ có Phật mới có thể giải nạn được, bèn niệm Phật hiệu, được ba bốn tiếng thì rơi ra khỏi tay áo, người to lớn lại bắt lấy cho trở vào, ba lần bỏ vào ba lần rơi ra, người to lớn bèn bỏ đi. Ông đứng một mình ngẩn ngơ, còn chưa biết nên đi đâu. Lại nghĩ Phật ở phương tây, bèn đi về phía tây.

Không bao lâu thấy bên đường có một nhà sư ngồi xếp bằng, bèn tới vái lạy hỏi đường. Nhà sư nói: “Phàm sổ sinh tử của kẻ sĩ nhân thì do Văn Xương Đế quân và đức Khổng thánh giữ, phải do hai nơi ấy gạch tên mới có thể đầu thai được.” Ông hỏi hai nơi ấy ở đâu, nhà sư chỉ đường, ông vội đi mau. Không bao lâu thì tới miếu Khổng tử, thấy đức Tuyên thánh đang ngồi quay mặt về phía nam, bèn vái lạy cầu khẩn. Đức Tuyên thánh nói tên ông bị sót nhưng vẫn có ở chỗ Đế quân, lại chỉ đường cho. Ông lại đi tiếp, thấy một nơi điện gác như phủ đệ của bậc vương giả, khom người bước vào quả có một người dáng mạo giống hệt như Văn Xương Đế quân mà người đời vẫn truyền tụng, bèn quỳ xuống khẩn cầu. Đế quân xem lại sổ sách rồi nói: “Ngươi thành thật ngay thẳng, lẽ ra có thể sống lại, nhưng thân xác đã nát rồi, không phải Bồ Tát không ai giúp được.” Rồi chỉ đường bảo đi mau, ông vâng lời lên đường. Trong giây lát thấy một nơi rừng trúc san sát, điện gác rực rỡ bèn bước vào. Thấy Bồ Tát tóc búi cao trang nghiêm, mặt như vầng trăng rằm, cầm cành dương tẩm nước phép xanh biếc khói vờn. Ông kính cẩn cúi đầu vái lạy, thuật lại lời Đế quân. Bồ Tát nói là khó, ông năn nỉ mãi không thôi. Bên cạnh có vị Tôn giả bẩm xin Bồ Tát dùng đại pháp lực, nhúm đất làm thịt, lấy cành dương liễu làm xương. Bồ Tát theo lời, bẻ cành dương trong tay nhúng vào bình ngọc đựng nước phép, nhào đất sạch lấy bùn làm xác ông, rồi sai Đồng tử đưa về nhà, xô cả vào quan tài. Người nhà nghe trong quan tài có tiếng rên rỉ cựa quậy hoảng sợ kéo nhau tới đỡ ông ra, thì đã khỏi bệnh. Tính lại thì ông chết đã bảy ngày rồi.

395. Nhà buôn họ Vương[1]

[1] Vương hóa lang.

Ông Mỗ bán rượu ở Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) sai con thứ là Tiểu Nhị qua Tế Hà đòi nợ. Nhị ra cửa tây thành, gặp anh là A Đại. Lúc ấy Đại chết đã lâu, Nhị kinh ngạc hỏi: “Anh làm sao lại tới được đây?” Đại đáp: “Dưới âm phủ có một cái án còn nghi ngờ, phải có em đi làm chứng một chuyến.” Nhị tỏ vẻ bực dọc cười khẩy, Đại chỉ một người mũ đen phía sau nói: “Sai dịch đang ở đây, chúng ta được tự do sao?” Rồi lấy tay vẫy, Nhị bất giác đi theo, suốt đêm đi gấp tới dưới núi Thái Sơn. Chợt thấy một nơi công thự, vừa định kéo nhau vào, thấy mọi người ồn ào đổ ra. Người áo đen chắp tay hỏi thế nào rồi, một người đáp: “Không cần vào nữa đâu, đã xét xử được rồi.” Người áo đen bèn thả Nhị bảo về. Đại lo cho em không có tiền đi đường, người áo đen nghĩ ngợi một lúc lâu, rồi dẫn Nhị đi. Được hai ba mươi dặm vào thôn, tới dưới chái một nhà nọ, dặn rằng: “Nếu có người ra, cứ bảo đưa về, nếu họ không chịu, ngươi cứ nói là nhà buôn họ Vương dặn thế,” rồi đi.

Nhị nhắm mắt chết cứng ở đó, đến sáng chủ nhà ra thấy người chết ngoài cổng hoảng sợ, hồi lâu thì Nhị sống lại. Chủ nhà vực vào đổ cháo cho, Nhị mới nói làng xóm quê quán, xin cho tiền về. Chủ nhà ngần ngừ, đến khi Nhị nói như lời người mũ đen dặn thì vô cùng hoảng sợ, vội lấy ngựa đưa Nhị về. Tới nhà, Nhị trả lại tiền phí tổn thì không chịu lấy, hỏi nguyên do cũng không chịu nói, rồi chào mà về.

396. Địa lý[1]

[1] Kham dư.

Tư lang Tống Quân Sở ở huyện Nghi (tỉnh Sơn Đông) trong nhà vốn chuộng thuật phong thủy, dù là đàn bà con gái cũng thông hiểu sách địa lý. Ông Tống chết, hai vị công tử mỗi người dựng ra một phái, tìm đất chôn cha. Nghe ở đâu có thầy địa lý giỏi thì đường xa ngàn dặm cũng tìm tới, tranh nhau mời mọc nên thuật sĩ trong mỗi nhà có tới trăm người. Hàng ngày ruổi ngựa khắp đồng, chia nhau hai bên ra vào như hai đội quân. Được hơn một tháng, mỗi bên tìm được một ngôi đất tốt, bên này nói sẽ được phong hầu, bên kia nói sẽ được bái tướng, anh em không ai chịu nhịn ai, vì thế tức giận không bàn tính với nhau, cùng chuẩn bị việc chôn cất cha, màn gấm phướn màu đều sắp xếp đầy đủ. Ngày chôn cất, xe chở quan tài tới ngã ba, hai anh em đều dựa vào lời trăn trối của cha để tranh nhau, từ buổi sáng đến xế chiều cũng không ngã ngũ được là chôn ở đâu. Khách khứa dần dần ra về hết, đám đạo tỳ khiêng quan tài đứng chờ đã đổi vai mấy mươi lần, mệt quá không chịu nổi nữa, bèn đặt quan tài xuống cạnh đường. Vì thế cũng không chôn nữa, thuê thợ dựng nhà rạp cạnh đường để che mưa che nắng cho quan tài.

Người anh dựng chỗ ở bên cạnh, cho người ở lại canh giữ, người em cũng dựng chỗ ở như anh. Người anh dựng lại thì người em cũng dựng lại, sau ba năm thành một thôn nhỏ. Qua nhiều năm, hai anh em nối nhau chết. Hai chị em bạn dâu mới bàn với nhau, cố gắng xóa hết những lời bàn bạc trái ngược của người trước về nơi chôn cha chồng. Bèn cùng ruổi xe ra đồng, tới nơi hai ngôi đất anh em đã chọn, đều chê là chưa tốt lắm, rồi cùng sắm sửa lễ vật mời thầy địa lý tới vẽ họa đồ đầy đủ mang về trình nhưng hai chị em cứ nói là không được. Mỗi ngày trình lên mấy tấm họa đồ, đều bị bỏ hết, hơn chục ngày mới chọn được nơi tốt. Người chị xem họa đồ mừng rỡ nói: “Được rồi!” Rồi đưa người em xem, người em nói: “Ngôi đất này sẽ phát được một Cử nhân võ trước tiên.” Chôn được ba năm, cháu đích Tôn của ông Tống quả nhiên đậu Cử nhân võ.

Dị Sử thị nói: Thuật phong thủy có thể cũng có lý, nhưng say mê tin tưởng quá thì thành ngốc nghếch. Huống chi lại tức giận cãi nhau, quàn quan tài lại bên đường, không kể gì đến đạo hiếu, thì làm sao dựa vào mạch đất để mong con cháu phát phúc được? Như việc làm của hai người chị em bạn dâu kia quả là điều hay đáng truyền lại vậy.

397. Đậu thị

Nam Tam Phục là con nhà thế gia ở huyện Tấn Dương (tỉnh Sơn Tây), có một tòa nhà riêng cách nơi ở hơn mười dặm, cứ hàng ngày cưỡi ngựa qua. Một hôm gặp mưa, trên đường có một xóm nhỏ, thấy một nhà nông dân cổng nẻo rộng rãi bèn ghé vào tránh mưa. Người trong vùng vốn đều kính sợ Nam, nên chỉ giây lát đã thấy chủ nhà ra mời vào, thái độ rất khép nép cung kính. Nam vào nhà thấy rất nhỏ hẹp, khách đã ngồi xuống chủ nhà mới kịp lấy chổi quét dọn qua loa. Kế pha mật làm trà bưng ra mời, Nam bảo ngồi mới dám ngồi xuống. Hỏi tên họ, xưng là Đình Chương họ Đậu, giây lát lại dọn rượu làm gà tiếp đãi rất chu đáo. Thấy có cô gái tuổi cập kê bưng mâm dọn chén ngoài cửa, chỉ thấp thoáng nửa người, khoảng mười lăm mười sáu tuổi, xinh đẹp không ai bằng. Nam thấy rung động, ngớt mưa chào về, bồi hồi nhớ nhung mãi. Hôm sau Nam mang gạo lụa qua tặng để cám ơn, mượn cớ làm thân. Từ đó trở đi thường mang rượu thịt ghé chơi nhà Đậu, cùng nhau ăn uống trò chuyện. Cô gái cũng quen dần, không tránh mặt quá nữa, cứ qua lại trước mặt khách. Cứ Nam nhìn tới thì cúi đầu mỉm cười, Nam càng say mê, cứ ba ngày phải ghé lại một lần.

Một hôm gặp lúc Đậu vắng nhà, Nam ngồi chờ hồi lâu, cô gái ra tiếp khách, Nam nắm tay cưỡng ép, cô gái thẹn thùng giãy giụa chống cự nói: “Nhà tuy nghèo nhưng ta cũng phải lấy chồng, sao lại cậy giàu sang khinh người thế!” Lúc bấy giờ Nam vừa chết vợ, bèn chắp tay nói: “Nếu được nàng thương yêu, thề không lấy ai khác.” Cô gái đòi phải thề, Nam chỉ tay lên trời thề sẽ chung sống với nhau mãi mãi, cô gái mới ưng thuận. Bắt đầu từ hôm đó cứ chờ lúc Đậu đi vắng thì qua gần gũi với cô gái. Cô gái giục: “Hẹn hò riêng tư thế này không thể lâu dài được. Được đoái thương che chở cho, nếu chịu ra ơn cưới hỏi, cha mẹ ắt lấy làm vinh dự, chẳng có gì khó khăn cả, nên lo cho mau.” Nam cũng hứa. Nhưng lại nghĩ cô gái là con nhà nông dân không xứng làm vợ mình, nên cứ bịa đặt chuyện nọ kia để khất lần. Gặp lúc có người mối tới bàn chuyện hôn nhân với một nhà giàu có, Nam lúc đầu còn ngần ngừ, kế nghe con gái nhà ấy xinh đẹp nhiều tiền, bèn quyết ý. Cô gái có mang, thúc giục càng gấp, Nam bèn cắt đứt không tới nữa.

Không bao lâu, cô gái sinh được một con trai. Đậu tức giận đánh, cô gái kể thật mọi chuyện, lại nói: “Chàng Nam có hẹn ước với con mà!” Đậu tha cho, sai người qua nói chuyện với Nam, Nam lập tức chối phắt. Đậu bèn vứt bỏ đứa bé, đánh đập con gái. Cô gái lén nhờ người đàn bà láng giềng kể lại nỗi khổ, Nam cũng bỏ mặc. Cô gái đang đêm trốn đi, nhìn thấy đứa bé bị vứt bỏ vẫn còn sống, bèn bế lên chạy tới nhà Nam, gõ cửa nói với người giữ cổng rằng: “Chỉ cần chủ nhân nói một câu thôi thì ta không tới nỗi chết. Ông ta không nghĩ tới ta đã đành, nhưng không nghĩ tới đứa bé sao?” Người giữ cổng bẩm lại, Nam cấm không được cho vào. Cô gái dựa vào cửa khóc lóc thảm thiết, đến gần sáng thì không nghe thấy gì nữa. Sáng ngày ra xem, thì cô gái đã ôm con ngồi dựa vào cửa chết cứng rồi. Đậu căm hờn kiện lên quan, quan cũng cho rằng Nam bất nghĩa, định buộc tội. Nam sợ, đem nhiều tiền bạc hối lộ nên được tha.

Nhà giàu kia nằm mơ thấy cô gái xõa tóc bế con tới nói: “Không được gả con cho gã bạc tình kia, nếu gả thì ta sẽ giết chết đấy.” Nhà giàu lại tham rể giàu sang, rốt lại vẫn gả con gái cho Nam. Đến ngày cưới thì của hồi môn rất nhiều, cô dâu cũng xinh đẹp nhưng hay buồn rầu, cả ngày không thấy cười, lúc ngủ chung thỉnh thoảng lại rơi lệ, Nam hỏi gì cũng không đáp. Được vài hôm người nhà giàu qua nhà Nam, vừa vào tới cửa đã rơi nước mắt. Nam cũng chưa kịp hỏi, vội đi theo vào phòng trong, người nhà giàu nhìn thấy con gái hoảng sợ nói: “Vừa thấy con gái ta treo cổ tự tử trên cây đào ở vườn sau, người trong phòng kia là ai thế?” Người con gái nghe thấy biến sắc, ngã vật ra đất chết luôn, nhìn lại thì ra là cô gái họ Đậu. Vội ra vườn sau xem, thì quả nhiên thấy người vợ mới đã treo cổ tự tử ở đó. Nam hoảng sợ vội tới báo cho Đậu. Đậu cho đào mồ con gái lên, thì quan tài còn mà xác đã mất, nỗi căm tức trước vẫn chưa tan, gặp việc này càng thêm đau xót căm hận, lại kiện lên quan. Quan thấy việc kỳ lạ nên chưa kết tội, Nam lại đem lễ vật rất hậu tới xin Đậu bỏ qua, quan cũng nhận tiền hối lộ của Nam, bèn thôi không xử nữa.

Từ đó nhà Nam sa sút, lại vì chuyện quái dị đồn rộng ra nên mấy năm liền không ai dám gả con gái cho. Nam bất đắc dĩ phải đưa lễ vật tới hỏi cưới con gái Tiến sĩ họ Tào cách nhà trăm dặm. Chưa kịp làm đám cưới, lại gặp lúc dân gian đồn đãi là triều đình chọn con gái nhà lương dân để tiến cung, nên những người có con gái đều cho cưới gả ngay. Một hôm có bà già đưa một chiếc xe tới, tự xưng là người nhà họ Tào đưa cô dâu về nhà chồng, đỡ cô gái vào phòng, nói với Nam ràng “Việc triều đình tuyển cung nữ đã sắp tới, vội vàng không được trọn lễ, xin cứ đưa nương tử tới đây.” Nam hỏi sao không có khách khứa nào cả, bà già đáp: “Cũng có vài món nữ trang chở phía sau,” nói qua loa vài câu rồi đi. Nam nhìn cô gái thấy cũng xinh đẹp, bèn trò chuyện cười đùa.

Cô gái cúi đầu cởi dây lưng, cử chỉ giống hệt cô gái họ Đậu, Nam phát sợ không dám nói gì nữa. Cô gái lên giường kéo chăn trùm kín đầu ngủ, Nam cũng cho rằng đó là chuyện thường thấy ở các cô dâu mới nên cũng không để ý. Đến lúc mặt trời lặn, chiều tối rồi mà người nhà họ Tào vẫn không tới, Nam mới ngờ vực vào giở chăn hỏi, thì người cô gái đã lạnh như băng, tắt hơi từ lâu rồi. Nam ngạc nhiên hoảng sợ, không rõ vì sao bèn sai người tới gấp nhà họ Tào hỏi, thì họ Tào hoàn toàn không có đưa con gái tới, ai nghe chuyện cũng lấy làm lạ lùng. Lúc ấy có con gái viên Cử nhân họ Diêu chết vừa chôn, qua đêm thì mồ bị kẻ trộm đào, phá quan tài lấy mất xác. Diêu nghe chuyện là liền tới nhà Nam thử thì đúng là con gái mình, giở chăn nhìn kỹ thì thân thể bị lột trần truồng. Diêu tức giận kiện lên quan, quan thấy Nam mấy lần làm điều vô hạnh nên phát ghét, kết án phá mộ trộm xác, khép vào tội chết.

Dị Sử thị nói: Buổi đầu tư thông rồi về sau mới cưới hỏi cũng đã không phải là kẻ có đức rồi, huống chi lúc trước thề nguyền mà ngày sau dứt tình sao? Nghe bị đánh đập ở nhà cũng làm ngơ, nghe tiếng khóc than ở cổng cũng làm ngơ, sao mà nhẫn tâm như thế! Nhưng báo oán như thế thì so ra còn thảm khốc hơn chuyện chàng họ Lý thứ mười[1] nhiều.

[1] Chuyện chàng họ Lý thứ mười: xem phần Phụ lục truyện Vũ Hiếu liêm, quyển XV.

398. Lưu Lượng Thái

Hoài Lợi Nhân ở Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) kể rằng ông Lưu Lượng Thái là hậu thân của hồ. Cha ông ở núi Nam Sơn, thấy có ông già tới nhà, tự xưng là họ Hồ. Ông Lưu hỏi nhà cửa, ông ta đáp: “Ở trong núi này thôi, nhưng ở đây vắng vẻ chỉ có hai chúng ta, cũng nên sớm tối qua lại thăm hỏi nhau, nên ta tới làm quen.” Ông Lưu trò chuyện thấy lanh lợi sắc sảo thích lắm, bèn đem rượu uống với nhau, say khướt ông ta mới ra về. Hôm sau ông ta tới, ông Lưu tiếp đãi còn nồng hậu hơn, nhân nói: “Từ khi đội ơn ông tới chơi, chia tay thấy nhớ lắm, nhưng không biết nhà ông ở làng nào, xin hỏi ông ở đâu vậy?” Hồ đáp: “Không giấu gì ông, thật ra ta là con hồ già trong núi này, có túc duyên với ông nên mới dám tới xin làm môn hạ, chứ vốn không thể gây họa cho ông được, xin tin nhau đừng sợ hãi.”

Ông Lưu cũng không ngờ sợ gì, lại càng thân thiết, lập tức so tuổi tác thì Hồ lớn hơn, bèn nhận làm anh. Từ đó qua lại với nhau như anh em ruột, có chuyện hay dở gì Hồ đều báo cho biết trước. Lúc ấy ông Lưu chưa có người nối dõi, chợt ông già nói: “Ông đừng lo, ta sẽ làm con ông,” ông Lưu lấy làm kỳ quái vì lời nói lạ lùng, Hồ nói: “Ta tính số mình thấy đã hết rồi, sắp đến lúc đầu thai, nhưng đi nơi khác đâu bằng sinh vào nhà cố nhân?” Ông Lưu hỏi: “Thần tiên vốn thọ vạn năm, đâu lại tới nỗi thế?” Ông già lắc đầu đáp: “Đó không phải là chuyện ông biết được,” rồi đi. Đêm ấy quả nhiên ông Lưu nằm mơ thấy ông già tới nói: “Ta tới rồi đây,” tỉnh dậy thì phu nhân vừa sinh được một con trai, đó là ông Lưu Lượng Thái. Ông Lưu lớn lên, ngôn từ lanh lợi hài hước giống hệt như Hồ. Lúc trẻ đã nổi tiếng văn chương, năm Nhâm Thìn đỗ Tiến sĩ, tính lại hào hiệp hay giúp đỡ người hoạn nạn, nên tân khách Tần Sở Yên Triệu[1] đều tới ở cùng, mở quán bán hàng, trước cổng thành cái chợ.

[1] Tần Sở Yên Triệu: tức vùng Thiểm Tây, Hồ Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, gọi theo tên thời Tiên Tần.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx