sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XVI - Chương 399 - 404

399. Ma đói[1]

[1] Ngã quỷ.

Mã Vĩnh người đất Tề (vùng Sơn Đông) tính tham lam vô lại, không có chút của cải gì, người làng gọi đùa là ma đói. Năm hơn ba mươi tuổi càng bần cùng, quần áo vá chằng vá đụp, ngày ngày mang một con chim ra chợ làm trò quanh quẩn xin ăn, người ta đều khinh rẻ, coi như súc vật. Trong huyện có ông già họ Chu lúc nhỏ dời lên sống ở kinh đô làm những nghề không tốt đẹp. Khi già về làng ở, bị sĩ phu đàm tiếu chê bai. Nhưng Chu ăn ở hiền lành lương thiện, nên ngươi ta dần dần mới tỏ ra tôn trọng. Một hôm Chu thấy Mã làm trò không được đồng nào lấy làm thương xót bèn cho tiền, lại dắt về nhà cho mấy trăm đồng làm vốn buôn bán nhỏ. Mã về lại không chịu làm ăn, cứ ngồi không ăn sẵn, không bao lâu hết tiền lại làm theo lối cũ, nhưng thường tránh mặt Chu. Sau bỏ làng lên huyện, tối đến vào ngủ ở trường huyện. Gặp đêm đông lạnh quá, cứ lấy lọng trên đầu tượng Khổng tử đắp, lại chẻ cả bàn ghế đốt sưởi.

Học quan biết được, tức giận trừng phạt, Mã năn nỉ xin tha, lại hứa sẽ giúp tiên sinh làm giàu. Học quan mừng rỡ tha cho đi. Mã dò xét biết được nhà viên Chư sinh Mỗ giàu có, liền tới cửa bắt đưa tiền, cố ý chọc giận rồi lấy dao tự đâm vào mình, vu cáo để ăn vạ. Học quan đòi viên Chư sinh phải hối lộ nhiều tiền mới bỏ qua, các viên Chư sinh đều căm phẫn, cùng kiện lên huyện. Quan huyện điều tra được sự thật, sai đánh Mã bốn chục trượng, đóng gông giam lại, ba ngày thì Mã chết. Đêm ấy ông già họ Chu nằm mơ thấy Mã đội mũ đeo đai bước vào nói: “Chịu ơn lớn của ông, nay tới để báo đáp,” tỉnh dậy thì vợ đã sinh con trai. Ông biết đó là Mã, đặt tên là Mã Nhi. Mã Nhi lúc nhỏ không thông minh nhưng cũng học hành được, năm hơn hai mươi tuổi thi cử mấy lần cũng được vào học ở trường huyện. Sau khi khảo khí, đêm ngủ ở nhà trọ, nhìn thấy trên vách có dán bài văn sách cũ, tới xem thì làm theo đề bài trong thiên Cáo tử sách Mạnh Tử, trong lòng thấy khó khăn nên cố học thuộc. Vào thi thì đề bài ra lại đúng như thế. Mã bèn chép lại nên đỗ hạng ưu, được hưởng lương.

Năm hơn sáu mươi tuổi được bổ làm Huấn đạo huyện Lâm Xuyên, tại chức mấy năm không hề lấy đạo nghĩa giao du với ai, cứ thấy ai rút tiền trong tay áo đưa ra thì hớn hở như chim cốc bắt được cá, ai không đưa tiền thì nhướng chân mày dài ra cả tấc, nhìn chằm chặp như không quen. Gặp lúc quan trên gặp người Chư sinh mắc lỗi nhỏ, ra lệnh các Học quan phải nghiêm khắc, Mã càng tàn ác như trị giặc cướp, có ai kiện tụng học trò là lập tức gõ cửa Huấn đạo, đủ chuyện như thế nên các Chư sinh không sao chịu nổi. Nhưng Mã gần bảy mươi tuổi thì tai điếc mắt mờ, cứ ra gặp người là sắc thuốc nhuộm tóc nhuộm râu cho đen lại. Có cuồng sinh Mỗ lấy rễ cây nhuộm màu đỏ sắc thuốc cho Mã, sáng ra mọi người cùng nhìn thì thấy râu tóc đỏ rực như tượng Linh quan trong miếu. Mã cả giận sai bắt nhưng người kia đã trốn đi từ đêm, vì thế căm tức thành bệnh, vài tháng thì chết.

400. Khảo tệ ty[1]

[1] Ty khảo tệ.

Văn Nhân Sinh người tỉnh Hà Nam mắc bệnh nằm liệt giường mấy hôm, thấy một viên Tú tài vào quỳ trước giường ra mắt, thái độ cực kỳ cung kính. Kế mời sinh dạo vài bước nói chuyện, đỡ vai sinh ra cửa vừa đi vừa trò chuyện không ngớt, đã mấy dặm vẫn chưa chịu chia tay. Sinh dừng lại chắp tay chào, Tú tài nói: “Xin phiền ông đi thêm vài bước, ta có việc muốn nhờ.” Sinh hỏi, Tú tài đáp: “Bọn ta đều thuộc Ty khảo tệ cai quản, Chủ ty có tên là Quỷ vương bụng rỗng (Hư đỗ Quỷ vương), theo lệ cứ ra mắt là phải cắt một miếng thịt vế, nhờ ông nói giúp cho một tiếng thôi.” Sinh ngạc nhiên hỏi mắc tội gì mà tới nỗi như thế, Tú tài đáp: “Không cần có tội, lệ cũ vốn thế. Nếu có nhiều tiền thì cũng có thể chuộc được, nhưng ta nghèo.” Sinh nói: “Ta vốn chẳng quen biết gì với Quỷ vương, làm sao giúp ông được?” Tú tài đáp: “Kiếp trước ông là hàng ông nội của y, có thể y nghe lời.” Trò chuyện một lúc thì vào một nơi thành quách, tới một nha thự.

Vào trong thấy hành lang không rộng rãi to lớn lắm, chỉ có một sảnh đường cao rộng, dưới tường có hai tấm bia đá dựng hai bên, viết chữ màu xanh to như cái tô lớn, một tấm viết “Hiếu đễ trung tín”, một tấm viết “Lễ nghĩa liêm sỉ”. Bước lên thềm tiến vào thấy trên sảnh có một tấm biển viết ba chữ lớn: “Khảo tệ ty”. Cột chính khắc một đôi liễn chữ lõm vào rằng: “Gọi hiệu gọi tự gọi tường[2] giáo hóa cõi âm duy đức hạnh hai chữ, Trò giỏi trò vừa trò kém, môn đồ cửa quỷ chỉ lễ nhạc một thềm”. Còn dạo quanh nhìn ngó chưa hết thì quan đã ra, tóc xoăn lưng còng như người sống mấy trăm tuổi, nhưng lỗ mũi to huếch, môi vẩu răng chìa cả ra ngoài. Theo sau là một viên Chủ bạ mình người đầu cọp, lại có mấy mươi người lính lệ đứng hầu, quá nửa trông dữ tợn hung ác như quỷ núi, Tú tài nói: “Đó là Quỷ vương đấy.” Sinh sợ quá định lủi ra nhưng Quỷ vương đã nhìn thấy, bước xuống vái chào mời sinh lên. Kế hỏi thăm sức khỏe, sinh chỉ dạ dạ. Lại hỏi có việc gì quá bộ tới đây, sinh nói rõ lại ý của Tú tài. Quỷ vương đổi sắc mặt nói: “Chuyện này đã có lệ thường, cho dù cha ta ra lệnh cũng không dám vâng lời,” dáng vẻ nghiêm nghị dữ tợn như không cho ai nói thêm câu nào nữa. Sinh im lặng rồi đứng dậy cáo biệt. Quỷ vương đi nép một bên tiễn ra tới ngoài cổng mới quay vào. Sinh không về mà lẻn trở vào để xem tình hình.

[2] Hiệu, tự, tường: tên gọi các loại trường học ở Trung Hoa thời trước.

Vào tới dưới thềm thì thấy Tú tài và mấy người bạn đã bị trói thúc ké, một người mặt mũi hung dữ cầm đao tới vén quần lên cắt một miếng thịt to bằng ba ngón tay, Tú tài há miệng kêu không ra tiếng. Sinh tuổi trẻ có nghĩa khí, căm tức không kìm được kêu lớn: “Thảm khốc như thế thì ra thế giới gì?” Quỷ vương hoảng hốt đứng lên, ra lệnh tạm ngừng cắt thịt, lật đật xỏ giày ra đón sinh. Sinh cảm tức bỏ ra, nói với người ở chợ là sẽ tố cáo lên Thượng đế. Có người cười nói: “Xa quá đấy. Trời xanh mịt mù, biết tìm Thượng đế nơi nào để tố cáo nỗi oan khiên kia? Bọn ấy chỉ gần với Diêm Vương, gọi tới thì may ra còn có người đáp.” Rồi chỉ đường cho sinh đi. Sinh đi mau, quả tới một nơi điện lớn thềm cao. Thấy Diêm Vương đang ngồi, bèn nằm rạp dưới bậc thềm kêu lớn. Diêm Vương triệu sinh lên hỏi xong, lập tức sai quỷ tốt mang gông xiềng đi. Giây lát, Quỷ vương cùng Tú tài đều tới Diêm Vương hỏi biết sự thật, cả giận nói: “Ta thương ngươi kiếp trước chịu khổ, tạm giao cho chức ấy để chờ thác sinh vào nhà giàu sang. Nay lại dám như thế thì rút gân lành, thêm xương ác của ngươi, phạt cho chết đi sống lại cũng không sao ngóc đầu mở mặt được.”

Quỷ vương đang cầm roi ngựa chợt ngã lăn xuống đất, rụng một chiếc răng. Quỷ tốt cầm đao cắt đầu ngón tay rút gân ra, sáng trắng như tơ. Quỷ vương kêu đau, tiếng như heo rống, tay chân đều co rút lại, bị hai tên quỷ tốt giải đi. Sinh dập đầu lạy tạ lui ra, Tú tài theo sau cảm ơn rối rít dắt đưa qua chợ. Thấy một nhà buông rèm đỏ, trong có một cô gái lộ nửa mặt nhìn ra, dung mạo tuyệt đẹp. Sinh hỏi đó là nhà ai, Tú tài đáp: “Đó là nhà chứa.” Đi qua rồi mà sinh vẫn bồi hồi không cất được bước, bèn giữ Tú tài đứng lại, Tú tài nói: “Ông vì ta mà tới đây, bây giờ ta lại về một mình, coi sao được?” Sinh cố từ chối, Tú tài mới đi. Sinh chờ cho Tú tài đi thật xa, vội vàng đi mau vào căn nhà buông rèm đỏ. Cô gái đón tiếp, mừng rỡ ra mặt, đưa sinh vào phòng cùng ngồi, hỏi thăm tên họ. Kế một bà già mang rượu thịt ra, sinh uống say, cứ hẹn hò đính ước chuyện hôn nhân. Sáng ra bà già vào phòng nói: “Củi nước đã cạn kiệt, định xin lang quân cho ít tiền được không?” Sinh sực nhớ trong túi rỗng không hoảng hốt thẹn thùng im lặng hồi lâu mới nói: “Thật ta không đem theo đồng nào, xin làm giấy nợ, về tới nhà xin lập tức trả ngay.” Bà già đổi sắc mặt nói: “Lại có chuyện chơi đĩ đòi thiếu tiền à?” hậm hực cùng cô gái đi vào trong. Sinh ngượng ngùng hồi lâu, còn định chờ cô gái trở ra để từ biệt và nhắc lại lời đính ước, nhưng lâu quá không thấy động tĩnh gì. Bèn lén vào nhìn trộm, thấy bà già và Thu Hoa từ vai trở lên đều biến thành quỷ đầu trâu hằm hằm nhìn nhau, phát hoảng trốn ra.

Muốn trở về thì thấy đường xá hàng trăm ngã rẽ, không biết đi lối nào, hỏi người trong chợ thì chẳng một ai biết tên làng mình cả. Sinh cứ quanh quẩn trên phố suốt hai ngày, lòng dạ ảo não chua xót, bụng đói sôi òng ọc. Chợt Tú tài đi qua nhìn thấy kinh ngạc hỏi: “Sao ông còn chưa về, mà lại phờ phạc thế này?” sinh cúi gằm mặt không biết trả lời thế nào. Tú tài nói: “Thôi đúng rồi, có phải bị Dạ xoa mê hoặc không?” rồi nổi nóng bước đi nói: “Mẹ con Thu Hoa sao lại không nể mặt khách thế?” Giây lát quay lại, đưa áo cho sinh, nói: “Con đĩ hỗn láo, ta đã chửi cho một trận rồi,” đưa sinh về tới nhà rồi chào đi. Sinh đột ngột chết ba ngày mới sống lại, vẫn kể lại rất rõ ràng.

401. Lý sinh

Lý sinh ở huyện Thương Hà (tỉnh Sơn Đông) là người mộ đạo Phật. Cách làng hơn một dặm có ngôi chùa, Lý dựng ba căn tịnh xá, ngồi xếp bằng trong đó. Các nhà sư khất thực qua lại ghé vào ăn ngủ, thường cùng họ bàn kinh kệ, chu cấp đầy đủ. Một hôm tuyết lớn rất lạnh, có nhà sư già mang bọc ghé vào nghỉ, bàn kinh kệ rất sâu sắc. Sáng ra định đi, Lý cố giữ lại. Được vài ngày, Lý có chuyện phải về nhà, nhà sư dặn trở lại sớm, như có ý muốn chào Lý trước khi đi. Gà gáy Lý đã trở lại, gõ cửa không thấy đáp, bèn leo tường vào. Thấy trong phòng đèn lửa leo lét, không biết nhà sư làm gì nên nghi ngờ, lén tới nhìn trộm. Nhà sư sắp xếp hành lý, có một con lừa gầy ốm buộc ngoài lan can, Lý nhìn kỹ thì không phải là lừa thật, mà giống vật chôn theo người chết, có điều vẫn vẫy tai khua đuôi thở phì phì. Giây lát nhà sư sắp xếp hành lý xong, mở cửa dắt nó ra, Lý đi theo sau. Ngoài cổng chùa vốn có cái ao lớn, nhà sư buộc lừa vào gốc cây cạnh ao, cởi áo lội xuống vốc nước lên rửa ráy xong, mặc áo vào, kéo lừa xuống tắm cho nó. Kế đó đeo hành lý nhảy lên lưng lừa, thúc nó đi mau. Lý mới cất tiếng gọi, nhà sư chỉ từ xa chắp tay cáo biệt, chưa kịp nghe nói gì thì đã đi xa rồi.

Trên đây là lời của Vương Mai Ốc. Vương là bạn của Lý, từng tới chơi nhà, thấy trên sảnh đường treo một tấm biển viết “Sảnh đợi chết” (Đãi tử đường), cũng là một bậc đạt sĩ.

402. Thái sử họ Tưởng[1]

[1] Tưởng thái sử.

Thái sử Tưởng Siêu nhớ được kiếp trước là sư trên núi Nga Mi, mấy lần mơ thấy tới bên bờ đầm cạnh nơi ở cũ rửa chân. Tính rất thích kinh Phật, luôn nghĩ tới kinh kệ, tuy sớm vào Hàn lâm nhưng thường có ý xuất gia. Có lần rảnh rỗi xuống Giang Nam chơi, tới Tần Bưu không muốn về nữa, người con trai khóc lóc lôi kéo, ông không nghe. Kế vào đất Thục, tới ở chùa Kim Sa tại Thành Đô (tỉnh thành Tứ Xuyên). Lâu sau lại tới núi Nga Mi, lên ở chùa Bạch Hổ, nói bệnh rồi hóa, tự viết bài kệ rằng:

“Tu nhiên viên hạc tự lai thân,

Lão nạp vô đoan trụy nghiệp trần.

Ninh hướng hoạch thang cầu ty nhiệt,

Na tùng đại hải khứ phiên thân.

Công danh khổi lỗi trường trung vật,

Thê tử khô lâu đội lý nhân.

Chỉ hữu quân thân vô báo đáp,

Sinh sinh thường tự chúc năng nhân.”

(Thảnh thơi vượn hạc tới cùng thân

Lão nạp không dưng xuống cõi trần

Cứ hướng vạc sôi mong tránh nóng

Sao theo bể lớn thỏa xoay vần

Công danh ngao ngán tuồng con rối

Thê tử mong manh kiếp thế nhân

Chỉ có hiếu trung chưa hết phận

Hóa sinh vẫn nghĩ phải làm nhân.)

Phụ: Một truyện trong Trì Bắc Ngẫu Đàm

Hàn lâm Tu soạn, tiên sinh Hổ Thần Tưởng Siêu người Kim Đàn, tự hiệu là Hoa Dương sơn nhân. Lúc nhỏ ham mê Phật học, không uống rượu ăn thịt, bà nội ông nằm mơ thấy là nhà sư già ở núi Nga Mi tới đầu thai. Khi ông được vài tuổi thường nằm mơ thấy mình là sư già ở trong một gian nhà tranh, sau nhà có dòng suối chảy tới, có lúc nhúng một chân vào suối để rửa rồi xuống suối tắm, phía trên là núi cao chọc trời, lại có mấy lần nằm mơ thấy Phật Nhiên Đăng vào phòng mình cùng luận bàn kinh kệ. Năm mười lăm tuổi, có hai đạo nhân tới ngồi ở cửa nói: “Sơn nhân có thầy ở núi Nga Mi, đã hơn hai trăm tuổi, sợ đã rơi rụng rồi,” vân vân, hồi lâu mới đi. Năm Đinh Hợi niên hiệu Thuận Trị (1647) tiên sinh hai mươi ba tuổi, thi đỗ Tiến sĩ đệ nhất giáp đệ tam danh, được bổ vào Hàn lâm viện, hơn hai mươi năm thì về ở ẩn, kế được thăng từ hàm Biên tu lên hàm Tu soạn, chết ở chức Sử quan.

Tính ông thích ngao du sơn thủy, đi chơi khắp từ Ngũ nhạc tới các núi Hoàng Sơn, Cửu Hoa, Khuông Lư, Thiên Đài, Võ Đương, không hề sợ cọp beo rắn rết. Lúc về già làm việc ở Sử quán lấy cớ có bệnh cáo về, nhưng không về Giang Nam mà từ đất Sở (vùng Hồ Nam) đi thuyền lên Vu Giáp vào Nga Mi, tháng giêng năm Quý Sửu chết ở chùa Phục Hổ núi Nga Mi. Lúc tịch có làm bài thơ rằng: “Lại hướng vạc sôi mong mát mẻ,” vân vân. Thường nói mình là dòng dõi của Thừa tướng Tưởng Uyển nhà Thục Hán, lúc ở đất Thục (vùng Tứ Xuyên) có làm bộ Tứ Xuyên thông chí, vì việc Uyển cứ tới đập của các dinh tuần phủ, cha chánh, án sát ở tỉnh, ngông nghênh không chịu bị câu thúc tới như thế đấy.

403. Người trong huyện[1]

[1] Ấp nhân.

Trong huyện có người làng nọ vốn là kẻ vô lại. Một buổi sáng ngủ dậy, thấy có hai người tới bắt đi, tới đầu chợ, gặp người đồ tể treo nửa con heo lên giá, hai người lấy hết sức xô vào, y chợt thấy mình dính liền vào với thịt heo. Lát sau người đồ tể chặt thịt bán, vung dao cắt xẻo, cắt tới đâu y thấy đau tới đó, buốt tới tận xương tủy. Sau lại có người hàng xóm của y tới mua thịt, cứ cò kè trả giá, hết thêm mỡ lại bớt nạc, cắt vụn cả ra, lại càng đau đớn. Đến khi thịt heo đã bán hết, y mới tìm đường về được. Về tới nhà thì mặt trời đã lên cao, người nhà nói rằng y dậy muộn, bèn kể lại những việc mình đã gặp. Gọi người hàng xóm để hỏi, thì quả là đi chợ mua thịt mới về tới nói là có bao nhiêu miếng thịt bao nhiêu miếng mỡ đều đúng vanh vách. Trong vòng buổi sáng mà đã qua một phen bị tùng xẻo chẳng cũng lạ sao!

404. Trung thừa họ Vu[1]

[1] Vu trung thừa.

Trung thừa Vu Thành Long đi tuần sát tới huyện Cao Khâu (tỉnh Giang Tô). Gặp lúc có người thân hào sắp gả con gái, quần áo nữ trang rất nhiều, đêm bị kẻ trộm đào ngạch vào lấy hết sạch, quan phủ huyện không biết làm sao truy tìm. Ông Vu sai đóng hết các cổng thành, chỉ mở một cổng cho dân ra vào, sai người canh giữ khám xét rất ngặt để tìm tang vật. Lại ra lời hiểu thị rằng: “Tất cả người trong thành đều phải về ở nhà, chờ hôm sau khám xét xem có giấu giếm của cải ăn trộm không.” Rồi ngầm dặn những người canh giữ cửa thành lưu ý xem ai ra vào cổng thành nhiều lần thì bắt. Quá trưa thì bắt được hai người, nhưng chỉ đi tay không không có hành lý gì. Ông nói: “Đây đúng là kẻ trộm rồi,” hai người phân trần không thôi. Ông sai cởi áo ra để khám, thấy phía trong áo còn mặc thêm hai chiếc áo đàn bà, đều là vật ăn trộm được. Đại khái chúng sợ hôm sau lục soát khám xét nên vội mang đi giấu, nhưng quần áo nhiều quá khó mang xách nên cứ ngầm mặc trong người ra vào nhiều lần.

Lại lúc ông làm Tri huyện, có lần qua huyện bên cạnh, sáng sớm đi gần tới thành thấy hai người cáng một người bệnh. Người bệnh trùm một cái chăn lớn, trên gối để lộ ra mái tóc, có cài một chiếc trâm hình con phượng, nằm nghiêng trên cáng. Có ba bốn người đàn ông khỏe mạnh đi theo bên cạnh, thay nhau lấy tay đè mép chăn xuống sát người bệnh như sợ gió lọt vào. Cứ giây lát lại ghé vào bên đường cho hai người khác thay phiên khiêng cáng. ông Vu đi qua rồi, sai người quay lại hỏi, họ đáp là em gái bị bệnh nặng phải đưa về bên nhà chồng. Ông đi được hai ba dặm, lại sai người quay lại xem họ vào thôn nào. Sai nhân đi theo, tới một thôn nọ thấy có hai người đàn ông ra đón họ vào nhà, trở lại bẩm với ông. Ông hỏi quan huyện ấy rằng trong thành có giặc cướp gì không, quan huyện đáp rằng không. Lúc ấy triều đình quy trách nhiệm về quan lại rất nghiêm khắc, trên dưới đều sợ nên cho dù trong hạt bị trộm cướp cũng ẩn nhẫn không dám nói ra.

Ông tới quán xá rồi, sai người nhà hỏi kỹ, quả nhiên có người nhà giàu bị cướp vào nhà phóng hỏa giết chết. Ông gọi con người nhà giàu tới hỏi, người ấy không nhận là nhà vừa bị cướp. Ông nói: “Ta đã tra xét thay, biết được bọn cướp ở đây rồi, chẳng xa xôi gì đâu.” Con người nhà giàu bèn dập đầu năn nỉ, xin ông rửa hờn cho người chết. Ông tới gõ cửa gặp quan huyện, cắt đặt lính khỏe rầm rộ ra thành, tới thẳng thôn nọ, bắt được tám người, vừa hỏi cung đã nhận tội. Hỏi người đàn bà bị bệnh là ai, chúng khai: “Đêm ấy cùng về kỹ viện nên bàn với kỹ nữ, đặt vàng trong cáng cho cô ta nằm ôm lấy để che giấu, vừa mới chia chác xong,” mọi người đều phục ông Vu sáng suốt như thần.

Có người hỏi vì đâu mà ông biết chúng là bọn cướp, ông đáp: “Chuyện này rất dễ, chỉ vì người ta không để ý thôi. Đời nào có chuyện đàn bà nằm trên cáng mà lại để đàn ông thò tay vào trong giữ chăn bao giờ? Vả lại chốc chốc lại đổi vai khiêng cáng, có vẻ rất nặng nhọc, đủ biết trên cáng còn có đồ vật khác nữa. Mà nếu đàn bà có bệnh phải đưa về thì phải là đàn bà ra cổng đón chứ. Đây lại là hai người đàn ông, mà chẳng hề ngạc nhiên hỏi han một lời, nên biết chắc đó là bọn cướp.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx