sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XVI - Chương 436

XX

Lý Chủ bạ người huyện Đan Đồ Trấn Giang, tới Hồ Châu công cán. Có hai người sai nhân trong phủ tên Từ Chương, Thái Yên đi cùng. Vào tới địa giới Hồ Châu, trọ trong tăng phòng viện Quan Âm, bên cạnh có một gian phòng nhỏ, cửa nẻo khóa chặt. Hai sai nhân nhìn trộm vào, thấy trên vách treo ảnh một cô gái, phía trước bày lư hương, biết là tẫn cung. Bèn nói vụng với nhau: “Bọn ta ở đất lạ lạnh lẽo cô đơn, nếu được một người như thế tới làm bạn vui vẻ một phen thì thật là may mắn.” Từ bèn hỏi sư, sư nói: “Người trong quận là Trương Văn Lâm, làm Huyện lệnh Tượng Sơn, vợ chết, chôn tạm dưới nền trong phòng ấy, nhờ ta cúng tế. Đó là họa tượng của nàng.” Đêm ấy, Chương đã ngủ, Yên đang thiu thiu thì có một cô gái vén màn chui vào, cười nói: “Ban ngày người có ý với ta, nên tới gặp nhau, sẽ chu toàn cho ngươi, đừng nói cho ai biết, cũng đừng vì kỳ quái mà nảy ý nghi ngờ.” Yên vui vẻ vì được thỏa nguyện, giữ lại ngủ với nhau. Từ đó không ngủ cùng giường với Chương nữa, cô gái đêm nào cũng tới, như thế hơn tháng. Hai người sai nhân vì sắp hết tiền, thưa với Chủ bạ xin về. Chủ bạ nói: “Chương giỏi văn từ, ta không thể thiếu, một mình Yên về được rồi.”

Đêm ấy cô gái tới hỏi vì sao trở về, Yên kể lại. Cô gái nói: “Ta có chiếc thoa vàng tặng ngươi, cứ cầm đi mà bán, cũng tạm đủ dùng đến hết đợt công cán này.” Rồi rút chiếc thoa trên đầu đưa cho Yên. Hôm sau bán ở chợ, được mười sáu ngàn đồng, đem đưa Chương nói: “Vừa rồi vào thành, lại gặp một người làng đưa ta mượn số tiền này, có thể tiêu chung, không cần phải về nữa.” Chương nghĩ thầm mình và y ở cùng ngõ, lẽ nào có người làng tới đây mà mình không biết. Lại nghe Yên đêm nào cũng như thì thào trò chuyện với người khác, sợ có lúc lộ ra sẽ liên lụy cả tới mình, bèn quyết ý rình xem. Một hôm, trời gần sáng, chờ lúc cô gái từ giường Yên bước ra, vội sấn tới ôm, cô gái ngã lăn xuống đất, giống hệt như mới chết, quần áo vẫn như cũ. Hai người hoảng sợ không biết làm sao, bèn kể thật với sư trụ trì, bèn bẩm với Thái thú tới xem, bắt hai người sai nhân lên quan, đưa vào nhà ngục hỏi cung, lại gởi công văn tới Tượng Sơn báo cho Trương Huyện lệnh. Trương sai bà vú già tới chùa khai quật ngôi mộ lên, thì quan tài rỗng không, hai người mới được tha. Không bao lâu trở về Đan Đồ, vì sợ hãi thành bệnh, cả hai đều chết.

XXI

Lúc Hoàng Bưu Phụ làm Tri châu Viên Châu, một đêm tan tiệc khách ra về, bọn ngu hầu trực ban hết phiên, sau canh ba mới ra về. Một viên ngu hầu trên đường trò chuyện với người ta, thì thào không thôi, lại có vẻ mừng rỡ. Đồng bạn hỏi thì không chịu đáp, đi được trăm bước mới nói: “Có cô gái từ nhà sau ra gặp nhau trên đường, nói là thị thiếp của Tri phủ, vì mọi người ruồng rẫy, muốn bỏ trốn đã lâu. Gặp lúc đêm nay chủ nhân say ngủ, đám tỳ thiếp cũng đã ngủ, nên trốn thoát ra, xin tới trú ở nhà ta để tìm kế khác. Nói xong lấy ra một chiếc thoa một chiếc xuyến đưa cho ta, lại đưa mấy cái bánh màn thầu, nói đây là trong tiệc còn thừa, đưa cả cho ông.” Mọi người không tin, người ấy bèn đưa thoa xuyến cho xem, thì đều là mảnh tre. Cái gọi là màn thầu thì là quả tiết lệ, tục gọi là màn thầu gỗ. Người ấy tuy tỉnh ngộ, nhưng không kìm được, qua tháng sau thì chết. Quan quân trong quận cùng tìm con quái ấy, thì đại khái là người thiếp của Quận thú hai đời trước, sinh được con trai, bị vợ chính ghen tuông không chịu nổi ngược đãi ôm con nhảy xuống sông tự tử, nay đã làm ma.

XXII

Thái Hanh Khiêm người Lâm Xuyên vốn ở trong thôn, nhân lấy con gái Hoàng Bưu Phụ, bèn dời tới dưới thành, mua một khoảnh đất trống trước quân doanh xây nhà, dời cả nhà tới ở. Phía sau có khu vườn nhỏ, có bụi chuối mọc dày, thường nhìn thấy yêu quái, cũng có khi nghe tiếng cười tiếng hát. Một người thiếp đi gần đó, gặp người đàn bà bước ra trò chuyện, dung mạo rất xinh đẹp, hồi lâu chia tay, cũng không ngờ là ma quỷ. Đứa con nhỏ mới vài tuổi, ban ngày chơi đùa cạnh đó, người đàn bà từ trong chạy ra, túm tóc giật, đứa nhỏ kêu gào tiếng vang ra ngoài, Thái lập tức vác gậy tới cứu, tới gần người đàn bà mới buông tay, thè lưỡi đỏ như tấm sa hồng dài năm thước rồi chui xuống đất biến mất. Cha con Thái đều hoảng sợ ngã lăn xuống đất. Lát sau gia nhân đổ vào cứu về, đổ nước nóng cho, hồi lâu mới tỉnh. Lập tức sai đầy tớ dọn sạch bụi chuối, từ đó không thấy gì nữa. Dần dà tìm hỏi, đại khái người chủ ở đất ấy trước đó từng thắt cổ giết chết thị nhi, đào đất chôn xuống, trồng bụi chuối lên, cũng đã mười năm rồi.

XXIII

Lữ Thúc Chiếu làm Huyện lệnh huyện Thái Bình phủ Ninh Quốc, cả nhà ở bên dãy phòng phía đông sảnh đường trong dinh. Con lớn là Tất Trung, con thứ là Hội Trung, vì đều đã lớn, nên ngủ chung giường ở phòng phía tây. Đêm mùa hè ngủ say, nghe dưới giường như có tiếng người nói, Hội Trung hỏi là ai, ứng tiếng đáp: “Vâng vâng,” giọng nói rất nhỏ. Bèn đưa tay sờ tìm cái chậu đi tiểu, người ấy bưng hai tay đưa cho, dài khoảng ba thước. Hội Trung đang lúc vừa tỉnh, cho là đứa tiểu tỳ, cũng không để ý. Hội Trung tiểu xong, Tất Trung tiếp theo, lấy cái chậu tiểu ở chỗ cũ thì không thấy đâu. Lúc ấy có hai bà vú ngủ ở gian gác phía sau, gọi ầm lên mà họ không biết gì, mới biết là gặp quái, Hội Trung vì thế bị bệnh, mấy tháng mới khỏi.

36. Phú ông[1]

[1] Phú ông.

Phú ông Mỗ có nhiều thương nhân vay tiền, một hôm có thiếu niên tới, hỏi ra thì cũng muốn vay tiền làm vốn, phú ông ưng thuận. Gặp lúc trên bàn có vài mươi đồng tiền, thiếu niên cầm lấy xếp thành một chồng cao. Phú ông liền từ tạ mời về, không cho vay nữa. Người ta hỏi nguyên cớ, đáp: “Đó ắt là kẻ giỏi đánh bạc, không phải người đứng đắn. Tài nghệ thành thục, bất giác hiện ra ở chân tay,” hỏi ra quả đúng. Người xét việc sáng suốt như thế, lại có thể không giàu sao?

37. Bà già làm bánh bột[1]

[1] Bác thác ẩu.

Hàn sinh ra ở nhà khác nửa năm, cuối tháng chạp mới về nhà. Một đêm vợ vừa ngủ, nghe có tiếng người đi, nhìn ra thì than trong lò sởi cháy sáng rực, có một bà già khoảng tám chín mươi tuổi, da nhăn lưng gù, tóc rụng gần hết hỏi: “Ăn bánh bột không?” Vợ sinh sợ không dám lên tiếng, bà già lấy cặp gắp than khều lửa, đặt nồi lên trên, lại đổ nước vào, giây lát nước sôi, bà già mò vào vạt áo, mở cái túi ở thắt lưng lấy ra mấy mươi cái bánh bột cho vào nồi, lõm bõm thành tiếng. Lại tự nói một mình: “Chờ tìm đũa đã.” Rồi ra cửa đi. Vợ sinh chờ lúc bà già đã ra, vội trở dậy bưng nồi giấu vào dưới chiếu, rồi trùm chăn nằm lại. Giây lát bà già vào, căn vặn hỏi nồi đâu. Vợ sinh cả sợ la lớn, gia nhân đổ tới, bà già mới bỏ đi, giở chiếu lên. xem thì là mấy mươi con bọ rùa xếp lớp ở trong.

38. Con rết trong đá[1]

[1] Thạch trung xà yết.

Toàn Duy Thúc kể trong niên hiệu Thái Hòa, Trưởng lão Chí Hiền ở Bá Sơn tới Đông đường Tây Kinh, thấy sư du học ở đó đã đủ, lập tức ra đi. Sửa sang đường núi ở cầu Lạc An Dương Nguyên, đập vỡ một tảng đá lớn to bằng con trâu, trong có con rết đang nuốt con bọ cạp. Mọi người không biết nó từ đâu mà vào. Hiền nói: “Đây là pháp của ta, là oán độc hóa ra, theo oán mà vào, trải ngàn vạn kiếp không được giải thoát. Nếu không giải thoát cho nó thì ngày khác cũng sẽ gặp ta.” Rồi vung gậy lớn đập chết, cũng không có gì lạ.

39. Mộ Kinh Nương[1]

[1] Kinh Nương mộ.

Cha Vương Nguyên Lão là Sở, giữ chức Huyện lệnh Bình Nguyên. Nguyên Lão khoảng hai mươi tuổi vừa đi thi cử nhân, học ở vườn sau hành lang huyện thự. Một hôm, chiều tối đi tản bộ trong vườn hoa, gặp một cô gái, hỏi tên họ, cô gái đáp: “Ta là con gái Huyện lệnh họ Dương tiền nhiệm.” Nguyên Lão thích vì xinh đẹp, mở lời trêu ghẹo, cô gái không giận mà cười, nhân ngủ với nhau. Gặp ngày Hàn Thực, Nguyên Lão mời bạn bè tới kích hoàn ở bãi đất trống phía tây vườn, đầy tớ có người chỉ ngôi mộ Kinh Nương ở bãi đất. Nguyên Lão nhân hỏi Kinh Nương là ai, bạn bè nói là con gái út của Huyện lệnh họ Dương tiền nhiệm, tự Kinh Nương, vừa đến tuổi cập kê thì chết, chôn ở chỗ ấy. Nguyên Lão nghe là con gái Dương Huyện lệnh, trong bụng đã ngờ vực. Trở về ngồi trong thư phòng, giây lát cô gái tới, sụt sịt thướt tha, định tới lại lùi, nói với Nguyên Lão: “Ông đã biết, ta còn nói gì nữa. Âm dương khác nẻo, cũng khó ở với nhau lâu dài. Nay sắp đến ngày thi, ông ắt thi đỗ. Ở giữa hơi có chuyện lôi thôi, còn như có bệnh, cũng nên cố gắng mà đi. Sẽ gặp lại ông trên đường Liêu Dương.”

Nói xong ra đi. Kế Nguyên Lão bệnh, cha mẹ không muốn cho đi thi. Hơn tháng thì hơi đỡ, Nguyên Lão quyết ý xin đi. Cha mẹ cho đi bằng xe, tới hồ Liêu Dương mưa dầm đường lầy xe không đi được, những người cùng đi thay ngựa lên đường, xe đi được vài dặm thì gãy trục. Nguyên Lão lo buồn không biết làm sao, chợt có người nông phu giắt rìu bên hông vác trục xe trên lưng đi tới, hỏi ra thì là thợ mộc. Nguyên Lão than thở: “Chỗ này trước sau hai trăm dặm không có người ở, nay lại gặp thợ mộc không phải là cõi âm phù trợ sao.” Sửa trục xe xong, bèn lên đường. Chợt thấy một chiếc xe tới, người trong xe là Kinh Nương. Nguyên Lão vừa mừng vừa sợ nói: “Nàng cũng tới đây sao?” Kinh Nương nói: “Ông không nhớ câu nói sẽ gặp lại trên đường Liêu Dương à? Biết ông có nạn, nên tới an ủi thôi.” Nguyên Lão hỏi: “Tiền trình tốt xấu, có thể biết được không?” Kinh Nương lập tức lên xe, chỉ nói Thượng thư bảo trọng mà thôi. Về sau, quả nhiên Nguyên Lão thi đỗ, quyền nhiếp chức Thượng thư bộ Lễ được vài hôm thì chết.

40. Người mọc đuôi[1]

[1] Nhân sinh vĩ.

Hà đạo sĩ nói Vương Bác ở Thanh Hà làm nghề thợ may, đã ba mươi bảy tuổi. Một hôm tới Liêu Thành, gặp Hà đạo sĩ, nói mùa xuân năm Đinh Dậu uống rượu say nằm trong vườn đào, chợt mơ thấy một vị thần khoác giáp cầm kích tới nhà đá bắt ngồi dậy. Vương hỏi làm gì thế, thần nói: “Ta đem đuôi tới cho ngươi đây.” Từ đó chỗ xương cùng đau ngứa, vài hôm thì mọc ra một cái đuôi, to hơn ngón tay, xồm xoàm đầy lông như đuôi dê, muốn chặt đi thì đau thấu tim gan, muốn đốt cũng thế. Vì vậy tự nói là bất hiếu với mẹ, để mẹ đói rét, nên bị quả báo. Cứ có ai nhìn thấy mới hơi bớt đau ngứa, không thì không sao chịu được. Nhân hỏi làm cách nào để chữa trị, Hà không biết làm sao, Vương bèn đi, hiện ngụ ở Tân Điếm.

41. Ngọc Nhi

Văn miếu ở Thái Nguyên, trước kia có con ma đàn bà, tên Ngọc Nhi, là thiếp của Đề hình Tống Đán, bị vợ chính ghen tuông đánh đập mà chết, chôn ở cạnh Văn miếu, chỗ ấy có bụi dâu mọc lên. Con ma thường vào trai xá đùa giỡn người ta, nhưng không làm hại. Lúc ấy có bọn Triệu Văn Khanh, Đoàn Quốc Hoa, Quách Cập Chi đêm ngủ lại đó. Sau canh ba, chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng guốc, giây lát con ma bước vào, lấy tay chỉ những người ngủ nói: “Người này thi đỗ, người này không thi đỗ.” Kế nói: “Đừng sợ đừng sợ, cứ theo mệnh trời,” sau quả như lời.

42. Bọ ngựa[1]

[1] Đường lang.

Trong huyện có họ Trương, đi trong hang núi, nghe trên đỉnh núi có tiếng động ầm ầm, tìm đường lên nhìn, thấy một con mãng xà to bằng cái bát lăn lộn trong đám cây rậm, đuôi quấn chặt gốc liễu, cành liễu rơi rụng, lại giãy giụa giống như bị vật gì đâm. Trương nhìn kỹ không thấy gì cả, rất ngờ vực, lần tới gần xem, thấy một con bọ ngựa đang ở trên đầu con mãng xà, lấy càng cặp vào đầu, chặt cứng không sao gỡ ra. Hồi lâu con mãng xà chết, nhìn tới da thịt trên đầu thì đã rách toạc ra.

43. Ma thắt cổ[1]

[1] Ải quỷ.

Phạm sinh ngụ ở quán trọ, ăn cơm xong, thắp đèn chuẩn bị đi ngủ. Chợt có một tỳ nữ tới đặt áo quan lên giường, lại lấy gương lược hộp giỏ đặt cả ra bàn, rồi đi. Giây lát một thiếu phụ trong phòng bước ra, mở hộp mở giỏ, soi gương trang điểm, kế chải tóc, kế cài trâm, soi gương ngần ngừ rất lâu. Đứa tỳ nữ lúc nãy lại vào, bưng nước cho tắm. Thiếu phụ tắm xong, tỳ nữ lau hầu, rồi bưng nước ra. Thiếu phụ mở mớ áo quần ra, rõ ràng đều mới may. Bèn mặc vào, săm soi nắn vuốt, thắt đai tề chỉnh. Phạm không nói gì, trong lòng ngờ là ma quái, cho rằng là đàn bà đi vụng trộm, trang điểm để gặp khách. Thiếu phụ trang điểm xong, cởi dây lưng ra, buộc lên xà nhà. Phạm rất kinh ngạc. Thiếu phụ ung dung nhấc hài lên, đưa cổ vào dây tự tử treo một lúc, mắt nhắm lại, mày xếch lên, lưỡi thè ra hơn hai tấc, mặt mũi co rúm méo mó như ma quỷ. Phạm cả kinh, chạy ra, gọi chủ nhân vào, nhìn tới thì không thấy gì nữa. Chủ nhân nói: “Trước có người đàn bà thắt cổ ở đây, hay là người ấy chăng? Lạ thật, dáng vẻ lúc chết cũng còn không quên.”

Dị Sử thị nói: Chịu oan uổng hết mức, đến nỗi phải tự tử, mới khổ làm sao. Nhưng sống làm người không hay, chết làm ma không biết, chỉ khó sống thì trang điểm thắt dây tự tử mà thôi. Cho nên sau khi chết quên cả mọi chuyện, chỉ nhớ canh ấy lúc ấy, vẫn hiển hiện trước mắt mà làm theo, đó là điều không bao giờ quên được.

44. Ma chết đuối[1]

[1] Nịch tử quỷ.

Trạch Châu có người thợ may, một hôm ngủ dậy vừa giở kim chỉ ra may, nghe có người tới cạnh hào nước bên ngoài mừng rỡ nói: “Ngày mai có người thay thế rồi.” Người kia hỏi kẻ thay thế là ai, đáp: “Một tên lính từ Chân Định tới mang túi đựng thư, tới tắm dưới hào, ta được thay thế rồi.” Người thợ may ra cửa nhìn thì không thấy gì, biết là ma. Hôm sau đứng chờ ở cửa. Sau giờ ăn sáng, thấy một người lính bị bệnh, cầm túi đựng thư tới gửi trong nhà người thợ may, nói muốn xuống hào tắm. Người thợ may hỏi, quả nhiên từ Chân Định tới, nhân nói: “Trong thành có nhà tắm, xin giúp ít tiền vào đó tắm.” Người lính hỏi duyên do, người thợ may kể chuyện nghe được đêm qua, người lính cảm tạ mấy lần rồi đi. Đêm ấy qua canh hai, có kẻ ném ngói liệng gạch vào cửa, lớn tiếng chửi mắng: “Ta chịu bao nhiêu đau khổ mới có người thay thế, lại bị thằng giặc này làm hỏng chuyện. Ta thề kéo ngươi xuống nước.” Sáng ra thấy gạch ngói chất thành đống, mấy hôm sau cũng thế, người ấy bèn dời nhà qua chỗ khác để tránh.

45. Con ngựa vàng của họ Vương[1]

[1] Vương thị Kim mã.

Họ Vương ở Thái Nguyên, đời trước làm nghề thuốc, có âm đức, nổi tiếng trong làng. Anh em có ba người, trưởng là Quân Ngọc, kế là Khí Ngọc, út là Nhữ Ngọc, hiếu hữu trọng hậu, người làng đều khen là hiền. Cha mẹ Quân Ngọc đều kính thần Phật, trong tĩnh thất đặt kinh bày tượng, đóng cửa rất chặt, lúc quét dọn thì người mẹ đích thân làm lấy. Một hôm chiều tối vào thắp hương tụng kinh, chợt thấy trên bàn thờ có một vật nhỏ nhảy nhót hiện ra, ánh vàng sáng rực. Giây lát lại cất tiếng như ngựa hí, người mẹ đứng lên khấn: “Các bậc phụ lão ngày xưa kể là có ngựa vàng, nay quả thật được nhìn thấy, nếu quả mang phúc tới, xin nhảy vào vạt áo của lão phụ.” Rồi đưa vạt áo ra đón, con vật nhảy một cái rơi vào, nhìn tới thì đúng là ngựa vàng. Sau đó, Quân Ngọc đỗ Cử nhân trước, ba năm sau, Khí Ngọc, Nhữ Ngọc cũng nối nhau thi đỗ, người làng lấy làm vinh dự, gọi là họ Vương ba cành quế. Phủ doãn bèn lấy tên Tam Quế đặt cho phường nơi họ ở. Cháu nội là Trọng Trạch về sau đỗ Tiến sĩ, văn chương chính sự, biện luận thư họa đều được người đương thời ca ngợi. Con ngựa vàng ngang dọc ba tấc, màu vàng ủng như quả táo, cổ vươn cao, trên đuôi gọn lên như bụi ngải, ức đùi tròn láng. Sau cơn binh lửa, ta từng nhìn thấy.

46. Vương Vân Hạc

Vương Trung Lập, tự Thang Thần, người Kha Lam. Học rộng nhớ dai, không gì không biết. Lúc trẻ chuyên Kinh Dịch, nổi tiếng chốn trường ốc. Trong nhà giàu có, hàng ngày khách tới chật cửa, tiếp đãi rất chu đáo, nhưng mình hưởng thụ thì hàng ngày chỉ một bát cơm suông canh miến mà thôi. Chưa được bốn mươi tuổi thì vợ chết, không lấy vợ kế, cũng không đi thi nữa. Ở riêng một phòng, giống hệt một nhà sư già. Như thế ba bốn năm mới ra ngoài, người ta cảm thấy trò chuyện lưu loát, thi họa hơn người, giống như có quỷ thần nhập vào, nhưng hỏi thì không nói. Từng ở trong quán trọ tại Bình Định, gặp Nhàn Nhàn công bảo làm thơ, liền viết: “Ký dữ Nhàn Nhàn ngạo Lãng tiên, Ương tùy thi tửu trụy phàm duyên. Hoàng trần già đoạn lai thời lộ, Bất đáo Bồng Lai ngũ bách niên” (Gởi nhắn Nhàn Nhàn ngạo cuộc say, Uổng vì thơ rượu đọa trần ai. Bụi vàng che lấp đường lui tới, Xa cách Bồng Lai chục kiếp rồi). Nhân nói sĩ đại phu thời Đường có năm trăm người, đều là người tiên bị trích giáng, vì đời loạn mà trước tác, cũng có người mê muội không quay về, như ông và ta đều như thế.

Một hôm tới kinh đô, ngụ trong nhà Nhàn Nhàn công. Có thơ Trung thu rằng: “Ấn thấu sơn hà ảnh, Chiếu khai thiên địa tâm. Nhân thế hữu giai hiểu, Ngã hung vô cổ câm” (Núi sông in bóng ấy, Trời đất rọi gương này. Dưới đời có sớm tối, Trong dạ chẳng xưa nay), Nhàn Nhàn công lấy làm lạ. Nhân đòi một chậu mực, theo lời đưa cho. Sáng hôm sau không cáo từ mà bỏ đi, trên vách còn lưu lại hai chữ “Cổ hạc”, nét chữ rộng một thước, theo thể phi hạc, khí vận sinh động, không biết lấy vật gì viết ra. Giây lát từ ngoài bước vào, hỏi vì sao làm thế thì không đáp, lại đề thơ bên cạnh rằng: “Thiên địa chi gian nhất cổ nho, Tỉnh lai bất ký túy trung thư, Bàng nhân thác thử thần tiên tự, Chỉ khủng thần tiên tự bất như” (Đất trời có một hủ nho ta, Lúc say viết chữ nhớ đâu mà, Người ngoài cứ nói thần tiên viết, E chữ thần tiên cũng kém xa). Thơ của tiên sinh nhiều câu mang kỳ khí phương ngoại. Như: “Túy tụ vũ hiềm thiên địa trách, Thi tình cuồng yếm hải sơn bình. Hốt kinh phong lãng nhĩ biên quá, Bất giác thần hình lai thế trung. Nhân quân cảm kích tùng quân thuyết, Tạc phá thiên cơ ngã diệc kinh” (Say múa luống chê trời đất hẹp, Hứng thơ lại chán núi gò bằng. Chợt nghe sóng gió vang bên gối, Chẳng biết thân mình đã xuống trần. Vì ông cảm kích nên ta nói, Nói rõ thiên cơ lại rợn lòng), như thế rất nhiều.

Có người hỏi chuyện ngoài đời cũng đáp một hai câu. Giỏi viết chữ lớn kiều phách khoa, thế rất mạnh mẽ, Nhàn Nhàn rất thích. Lý Chi Thuần ở Bình Sơn thường gặp tiên sinh, nói qua về nhân vật thời trước, dẫn lời tiên nho nghị luận mấy mươi điều, giống như từng người từng người tự bắt bí, kế theo ý mình mà đoán định, vì thế trở thành loại đứng đầu trong bọn biện giả. Lúc lên đường nói trước ngày chết, quả như lời ấy mà qua đời, được bốn mươi chín tuổi. Cuối đời đổi tên là Vân Hạc, hiệu là Nghĩ Hủ đạo nhân, nhân vật như Lữ Thế Họa cũng còn thua sút.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx