sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XVI - Chương 437

47. Xương Trần Hy Di[1]

[1] Trần Hy Di linh cốt.

Cốc Trương Siêu trong Hoa Sơn, linh cốt của Trần Hy Di ở đó. Đường núi cheo leo, bên dưới sâu không thấy đáy. Lý Khâm Thúc người Hà Trung từng tới đó. Xương của Trần to dài khác hẳn người đời nay, cứng nặng sáng loáng như ngọc xanh, việc thành đạo đều hiện rõ ở đó. Đệ tử Mỗ di hài cũng bên cạnh, nhưng so với Trần thì tiên phàm khác hẳn nhau.

48. Hai chuyện về hồ[1]

[1] Hồ nhị tắc.

I

Thiết Lý ở thôn Bắc Trịnh Dương Khúc, làm nghề bắt hồ. Một hôm giăng lưới dưới khu mộ cổ ở ngòi phía bắc, buộc một con bồ câu làm mồi, trèo lên cây lớn chờ. Sau canh hai, quần hồ kéo tới, nói tiếng người: “Thiết Lý Thiết Lý, ngươi lấy bồ câu để nhử bọn ta à? Cha con ngươi giống như lừa ngựa, không chịu làm ruộng, chỉ học sát sinh, nội ngoại lục thân của bọn ta đều bị thằng giặc này làm hại. Hôm nay đã tới số trời, mau leo xuống đi. Nếu không bọn ta cưa đổ cây thì đừng trách.” Kế đó lập tức nghe tiếng cưa kéo xoèn xoẹt, tiếng gọi lớn mang chảo dầu tới để luộc thằng giặc này, lửa cũng nổi lên. Thiết Lý sợ, không biết làm sao, nhìn lại trong lưng chỉ có lưỡi búa lớn, nghĩ nếu cây đổ xuống thì cứ chém bừa. Giây lát trời sáng, hồ cũng bỏ đi. Trèo xuống thấy trên thân cây không có vết cưa kéo gì, bên cạnh chỉ có vài cái xương sườn trâu mà thôi. Thiết Lý biết là hồ biến ra ảo ảnh chứ không có thật, đêm ấy lại tới. Chưa đến canh hai, hồ tới khóc lóc chửi bới rất có lớp lang. Lý giắt ống pháo trong lưng, lấy ra ngầm đốt rồi ném xuống gốc cây. Hỏa dược phát nổ vang rền, quần hồ chạy tán loạn, bị lưới chụp xuống, nhắm mắt chờ chết, không nói một câu. Thiết Ly vung búa chém chết hết.

II

Hồ Ngạn Cao giữ ấn triện huyện Tức Mặc, huyện thự ở góc thành cổ bị yêu hồ chiếm cứ, ban ngày núp, ban đêm ra, biến hóa đủ lối, có khi biến ra ngục tốt cởi trói cho tù nhân, có khi biến thành quan kỹ trộm chăn trong dịch trạm, dụ dỗ đàn ông đàn bà, có người bị mê loạn đến nỗi chết, người trong huyện không biết làm sao đành phải phụng thờ hương hỏa, đã hơn năm mươi năm. Ngạn Cao tới đáo nhiệm, hỏi biết được chuyện, nói với đồng liêu: “Quan xá là cho người hiền ở, nay Huyện lệnh không ở được, mà để quỷ quái chiếm cứ à?” Lúc ấy nhà cửa bỏ trống đã lâu, suy sụp tiêu điều, lập tức sai dọn cỏ.

Hôm sau Hồ ra sảnh xem việc, đến tối thắp đuốc bày ra ngồi chờ. Đến khuya hồ hú trong khu vườn phía sau, một con xướng hàng trăm con họa, giây lát chia ra vây quanh nội đình, trong bọn có một con hồ lớn lông trắng, ngồi xổm dưới đất rống lên như muốn cắn xé. Quân lính đều chạy tán loạn, không còn người nào. Ngạn Cao vẫn ngồi thẳng bất động, mà hồ cũng không dám xông tới, hồi lâu kéo cả bầy rút lui. Như thế liên tiếp ba ngày, rồi không tới nữa. Lại qua hơn mười ngày hồ ám một tỳ nữ, người ấy nhảy nhót cười rộ, điên cuồng như đang mộng mị. Ngạn Cao lấy son viết vào giữa chiếc thoa của tỳ nữ, bảo cút đi, tỳ nữ ấy lập tức tỉnh lại.

Sáng hôm sau, Huyện úy từ Tuần La về, gặp quần hồ mấy trăm con từ phía đông huyện đi về phía nam. Hồ lại ám một người đàn bà trong nhà lại mục Đăng Châu Giang Sùng. Sùng ra hải đảo mời đạo sĩ tới làm phép, nhân lúc người đàn bà đang điên cuồng, trói vào bánh xe, chôn trục xuống đất, sai người quay tít. Hồi lâu người đàn bà nôn ra nước dãi tanh hôi, là bầy hồ ở Túc Mặc bị Hồ công đuổi tới đó phá phách. Phụ lão ở Tức Mặc lập bia về việc Ngạn Cao, gọi là bia Hồ công đuổi hồ.

49. Khôi tinh

Trương Tế Vũ ở Huy Thành, đi nằm mà chưa ngủ, chợt thấy ánh sáng soi sáng cả phòng, kinh ngạc nhìn ra, thấy một con quỷ cầm bút đứng, dáng như Khôi tinh, vội trở dậy vái lạy, ánh sáng cũng tắt dần. Từ đó tự phụ, cho rằng đó là điềm sẽ chiếm khôi nguyên. Về sau lại lạc phách không gì thành công, nhà cửa cũng suy sụp, người ruột thịt nối nhau chết, chỉ còn một mình Trương. Kẻ kia là Khôi tinh, sao không tạo phúc mà lại gây họa nhỉ!

50. Nhốt rận[1]

[1] Tàng sắt.

Người trong hương là Mỗ, ngẫu nhiên ngồi dưới gốc cây, mò bắt được một con rận, lấy giấy gói lại nhét vào cái lỗ trên thân cây rồi đi. Hai ba năm sau lại đi ngang chỗ ấy, chợt nhớ chuyện trước, nhìn vào thấy mảnh giấy vẫn còn. Cầm lấy mở ra xem, thấy con rận mỏng như vỏ trấu, bèn đặt lên lòng bàn tay nhìn kỹ. Giây lát thấy lòng bàn tay rất ngứa, mà con rận to dần. Liền vứt đó về nhà, chỗ ngứa sưng to, đau đớn vài hôm thì chết.

51. Chuyện lạ về rận[1]

[1] Sắt dị.

Sau khi thành Đức Thuận bị phá, nhà dân dinh quan đều bị hủy. Dưới thành có vài mươi khẩu pháo, dây treo còn trong doanh cũ. Có người định tháo dây ấy, thấy sợi nào từ trên tới dưới cũng lúc nhúc rận lớn, như sáp chảy trên cây nến. Lúc loạn lạc trong cõi trời đất chuyện gì cũng có.

52. Kéo ruột[1]

[1] Sưu trường.

Người dân huyện Lai Dương là Mỗ ngủ trưa, thấy một người đàn ông dắt tay một người đàn bà bước vào. Người đàn bà vàng vọt sưng phù, bụng tròn căng như quả trứng, có vẻ rất buồn khổ. Người đàn ông thúc giục: “Lại đây mau.” Mỗ cho rằng họ làm bậy, nên giả như vẫn ngủ để xem ra sao. Hai người bước vào, như không thấy trên giường có người. Người đàn ông lại hối thúc: “Mau lên.” Người đàn bà tự phanh áo ra, để lộ da bụng, thấy to như cái trống. Người đàn ông rút ra một con dao mổ heo đâm vào, rạch từ ngực xuống tới rốn, sột soạt thành tiếng. Mỗ cả sợ, không dám thở mạnh. Người đàn bà nhíu mày nhịn đau, không hề kêu rên. Người đàn ông ngậm dao vào miệng, thò tay vào mớ ruột, kéo ra vắt lên khuỷu tay, vừa vắt vừa kéo, giây lát đầy kín cánh tay, liền lấy dao cắt, đặt lên ghế rồi kéo tiếp, trên ghế đầy ruột lại đặt lên bàn, trên bàn lại đầy. Lại vắt lên khuỷu tay, như người đánh cá kéo lưới, ném lên đầu Mỗ. Mỗ không nhịn nổi nữa, la lớn bật dậy bỏ chạy, mớ ruột rơi xuống dưới giường, hai chân bị vướng, tối tăm mặt mũi ngã xuống. Người nhà đổ tới xem, chỉ thấy trên người Mỗ đầy ruột heo, vào phòng nhìn quanh thì không có gì. Mọi người cho là Mỗ hoa mắt, cũng không ngạc nhiên. Đến khi Mỗ kể lại chuyện mình nhìn thấy, ai cũng lấy làm lạ, nhưng trong phòng hoàn toàn không có dấu vết nào.

53. Con quái trong núi[1]

[1] Sơn tiêu.

Người đàn bà Mỗ ở Truy Xuyên bị con quái trong núi gian dâm. Con quái nói: “Nếu người thiếu cái chi dùng, ta sẽ đưa tới ngay.” Từng đem vải tới chất đầy sân, đều có dấu ấn của kho quan Tế Nam. Nhà người đàn bà sợ vật của quan làm lụy mình nên xin mang đi, giây lát vải đều biến mất. Lời có con ngựa trắng yên vàng hàm thiếc bạc không biết từ đâu tới, nhưng thấy buộc trong tàu. Người nhà càng sợ, cầu khấn hồi lâu, con ngựa chợt biến mất. Bọn con em trong nhà bàn vụng với nhau: “Nếu người ta không có con nối dõi, nó có thể đưa tới cho một đứa con không nhỉ?” Sáng hôm sau thấy có một đứa nhỏ mày mắt như vẽ, bọc tã gấm thêu đặt ngay giữa giường. Già trẻ trong nhà cầu khẩn không muốn nhận nhưng con quái vẫn để đó. Bèn đặt tên đứa nhỏ là Thần Ca, được sáu tuổi thì bệnh chết.

54. Phu nhân trời cho[1]

[1] Thiên tứ phu nhân.

Miếu Lư Sơn Công ở Quảng Ninh rất linh ứng. Lại có pho tượng vẻ mặt rất hung dữ, đặt chỗ cây rừng thấp thoáng, ban ngày vào đó, nhìn thấy là nổi gai ốc. Người quanh đó nói lúc đêm khuya yên ắng vẫn nghe có tiếng tra hỏi quát tháo, nên người ta đều tìm đường vòng mà đi tránh qua chỗ ấy. Chư sinh Lương Mỗ nhà ở núi Suất Mã trong hương cùng bạn học trò chuyện, nói tới quỷ thần, kể ra những người can đảm, Lương đều không phục. Nhân nói: “Ta có thể lúc chiều tối hay lúc trời âm u vào miếu Lư Sơn đi một vòng quanh hành lang.” Bạn bè bèn hùa vào, nói: “Nói đi được thì lấy gì làm bằng?” Lương nói: “Trước tiên ta sẽ đi một vòng, lấy vật đánh dấu lại để làm chứng.”

Chiều hôm sau hẹn cùng tới, bạn bè chờ ngoài cửa miếu, Lương xốc áo vào. Đánh dấu tới góc phía đông miếu, mò mẫm thấy một người đứng cạnh vách. Lương cho là ma, bèn cõng ra. Bạn bè đón hỏi thấy gì không, Lương cười nói: “Ta cõng được một con ma ra đây, lấy lửa soi xem nào.” Đánh lửa lên nhìn thì là một người đàn bà đẹp, áo quần khác hẳn với thế tục, định hỏi han thì thấy hơi thở yếu ớt, giống như say rượu ngất đi. Mọi người đều cho là ma quỷ đứng quanh canh giữ. Hồi lâu người đàn bà mở mắt, thấy người đứng chung quanh, không kìm được hoảng sợ, hỏi đây là nơi nào. Mọi người bèn trả lời, kể lại chuyện tìm thấy trong miếu, lại hỏi là người hay ma, vì sao tới đây. Người đàn bà nói: “Ta là con gái đại tộc Mỗ ở Dương Châu, gặp ngày tốt đang trên đường về nhà chồng, ngồi trong kiệu chợt bị con gió lớn thổi đi, đầu óc mê man, không biết vì sao lại tới đây?” Mọi người vui mừng nói: “Lương sinh chưa cưới vợ, quỷ thần bèn đưa một người vợ từ Dương Châu tới, quả thật có số trời, nên nhân dịp này thành hôn.” Lương bèn dắt người đàn bà về, sau đó thi đỗ, làm quan hiển đạt. Người đàn bà sinh được mấy đứa con trai, nên người đương thời gọi là “phu nhân trời cho”.

55. Chuyện lạ về trứng[1]

[1] Noãn dị.

Thầy thuốc Quách Ngạn Đạt người Sơn Dương, ngụ ở Đạ Minh Xuyên. Có người nông phu Đổng Thành quét nhà tới bậc cửa, chợt thấy đất nhô lên, lấy xẻng san phẳng, kế lại nhô lên. Cứ thế ba bốn lần, ngờ vực bèn đào lên, đầu tiên được một quả trứng to như cái bát. Thấy trong lớp màng bọc có hai con rắn, một đen một khoang. Lại đào được quả nữa, hơi to hơn quả trước. Ngạn Đạt khuyên nói: “Thần vật không thể xúc phạm, nên cúng tế mà tiễn đi.” Thành theo lời, đưa ra bến thả xuống sông. Năm ấy Đại Minh Xuyên mưa gió sấm sét làm gãy mấy ngàn cây đại thụ, mấy trăm người bị bệnh dịch mà chết.

56. Miếu Tam Cô[1]

[1] Tam Cô miếu.

Miếu thần tằm Tam Cô ở Đại Minh Xuyên, cạnh đó có rồng xuất hiện, nằm vắt ngang trên ba gian nhà cỏ, người tới xem có tới vài trăm. Thấy con rồng trên vẩy có lông màu vàng, hình dáng như đỉnh núi gồ lên, đầu to như một gốc đại thụ, tanh tưởi không sao tới gần, rơi xuống vùng vẫy không bay lên được. Hồi lâu mây mù kéo tới giăng kín, con rồng bay đi. Lúc ấy khoảng tháng bảy tháng tám năm Kỷ Dậu.

57. Ma cô xin cây[1]

[1] Ma cô khất thụ.

Họ Lưu ở thôn Thạch Lạc núi Côn Luân Ninh Hải, trong nhà giàu có. Tùng bắt được con cá biển dài trăm trượng, lấy xương làm rui, xây ngôi nhà lớn, gọi là Lý thất. Trước sân có một cây hòe, bóng râm che rợp mấy mẫu, trên đời ít có. Lưu chợt nằm mơ thấy một nữ quan tới, tự xưng là Ma Cô, xin Lưu cây hòe để sửa miếu. Lưu trong giấc mộng lấy làm khó khăn, kế nói: “Miếu cách đây mấy dặm, làm sao lấy được?” Bèn ưng thuận bừa. Đến khi tỉnh dậy, lấy làm ngạc nhiên về chuyện ấy, nhưng cũng không tin. Vài mươi ngày sau, mưa gió nổi lên, trời đất tối sầm như ban đêm, mọi người biết là có biến, đều vào nhà tránh núp. Giây lát trời tạnh, chỉ có cây hòe trước nhà Lưu biến mất. Người ta tới chỗ miếu Ma Cô, thì cây hòe đã nằm trước miếu.

58. Quan tài nhỏ[1]

[1] Tiểu quan.

Ở Thiên Tân có người đưa đò Mỗ, đêm nằm mơ thấy một người nói: “Ngày mai có người mang cái rương tre tới thuê đò, cứ đòi ngàn lượng vàng, nếu không trả thì đừng chở.” Mỗ tỉnh dậy, cũng không tin. Kế ngủ tiếp lại mơ thấy thế, lại viết ba chữ[2] lên vách, dặn: “Nếu y tiếc tiền, thì cứ viết thế này đưa y xem.” Mỗ lấy làm lạ, nhưng không biết chữ, cũng không hiểu là ý gì. Hôm sau bèn để ý người qua lại, đến xế chiều, quả có một người cưỡi lừa chở cái rương tre tới thuê đò. Mỗ theo giấc mộng ra giá, người ấy cười, tần ngần hồi lâu. Mỗ bèn dắt tay vào chỉ chữ viết trên vách, người ấy cả sợ, trong chớp mắt biến mất. Lục soát trong rương, thì có hơn mười vạn cái quan tài nhỏ, cái nào cũng dài khoảng một tấc, đều có một giọt máu nhỏ bên trên. Mỗ nói ba chữ ấy cho người khắp nơi xa nơi gần nghe, nhưng không ai hiểu. Sau đó Ngô nghịch[3] mưu phản bị tiết lộ, bè đảng bị tru diệt, số bị giết gần với số quan tài.

[2] Ba chữ: ba chữ này có tự hình rất đặc biệt. Chữ đầu viết với bộ “hán” và hai chữ “bối”, chữ thứ hai viết với bộ “hán” và ba chữ “bối”, chữ thứ ba viết với bộ “hán” và bốn chữ “bối”, không thấy trong các từ điển từ thư, nhưng về tự hình rất giống nhiều cái quan tài chồng lên nhau.

[3] Ngô nghịch: tức Ngô Tam Quế, xem chú thích truyện Bảo Trú, quyển IV.

59. Con ngựa của Qua Thập Ha[1]

[1] Qua Thập Ha mã.

Đầu niên hiệu Thuận Trị có Qua Thập Ha, nuôi một con ngựa, từ đầu tới chân trắng như tuyết, không có sợi lông tạp nào, biết nghe lời người sai khiến. Tên lính ấy không có phu đi kèm, mỗi khi tới phiên trực, con ngựa tự chở chăn nệm tới, hết phiên trực thì chở về. Có người chăn đường bắt, thì hí vang tung vó xông vào cắn, không ai dám tới gần. Tuy trong quân ngũ, nhưng có khi tên lính ấy đi vắng, con ngựa tự đi tìm là tới được chỗ. Tên lính nam chinh, rơi xuống hầm sâu không lên được. Con ngựa quỵ hai chân trước xuống, nhờ thế nắm dây cương mà lên được, trong quân truyền tụng là con ngựa hiếu nghĩa.

60. Không ăn mà có thai[1]

[1] Bất thực nhi dụng.

Mã thị ở Lai Châu, chưa đến hai mươi tuổi, vì nằm mơ mà không ăn nữa, ăn vào là nôn ra mà còn bị bệnh. Sau mấy năm cũng không gầy đi, năm Ất Tỵ sinh đươc một con gái, lại tự cho bú, người cô dắt tới gặp Lý đạo nhân, Lý khuyên người cô: “Cô ta đã không ăn, mà không gầy đi, sao không cho theo đạo?” Người cô nói: “Nó thương con gái, không thể rời ra.” Người hiểu biết đoán cô gái ấy mơ được sinh khí, nên hành động như thường. Đến lúc mạch Thiên quý[2] mở, không thể cắt bỏ lòng yêu thương, vì thế có con. Chuyện thế này cũng ít thấy trong sách vở.

[2] Thiên quý: theo Đông y, thiếu nữ dậy thì thì mạch Thiên quý mở ra, có thể sinh nở.

61. Ếch biến thành chuột[1]

[1] Oa hóa thử.

Vũng Bạch Dương ở An Châu phía nam Yên Kinh, từ nam tới bắc dài bốn mươi dặm, qua phía đông bảy mươi dặm, trước kia ngập nước. Gần đến năm Giáp Ngọ chợt khô cạn, ếch rùa trong vũng đều biến thành chuột ăn hết rễ cây cỏ, mạch đất trống rỗng, không thể trồng trọt, nhưng ném hạt lúa mạch xuống ắt mọc lên. Cư dân ở đó không buồn làm lụng, cứ cho khách hộ thu hoạch, chỉ thu thuế mà thôi. Đất ấy rễ cỏ núi chằng chịt, không cần canh tác, vì chuột biến thành lúa mạch, cũng là chuyện lạ. Trong vũng có tấm bia đá khắc: “Dù trời hoang đất loạn, cũng chớ rời hồ này. Có nước thì ăn cá, không có nước thì ăn miến”, thế thì trước kia ở đó cũng đã từng có lúa mạch chăng?

62. Vật lạ trong bụng lừa[1]

[1] Lư phúc dị vật.

Ở điếm Đông Lý Nam Ma, có nhà xay bột nuôi một con lừa, chợt mắc bệnh, lúc sắp chết la rống bảy ngày bảy đêm không dứt tiếng. Mổ bụng ra, trong bụng có một vật không phải sắt không phải đá, hình dáng như quả thầu dầu mà méo, màu đen tuyền, cứng như sắt đá. Nhà ấy không cho là chuyện lạ, ném vào lẫm thóc. Hàng ngày đều lấy thóc ở đó để ăn, mà không bao giờ vơi đi. Cứ thế một năm, người làng đồn đại coi đó là thần vật. Huyện lệnh Nghi Nguyên là Thạch công lấy về, cũng đặt vào lẫm thóc, nhưng không thấy có gì lạ. Nay vật ấy ở nhà họ Lỗ tại Bác Sơn, ta đã chính mắt nhìn thấy.

63. Chuyện lạ về heo[1]

[1] Trư dị.

Ở Túc Đông có một lò mổ, nuôi vài mươi con heo trong chuồng, một hôm bọn con em hỏi người chủ nên giết con nào. Người chủ ra chuồng chỉ trỏ, bầy heo đều nháo nhác, chỉ có một con thản nhiên nằm bất động. Người chủ chỉ con heo ấy nói: “Con heo ấy ăn rất ít, nuôi cũng đã lâu, có thể giết thịt.” Bọn con em vào chuồng kéo ra, con heo ấy chịu trói không kêu một tiếng. Đến khi chọc tiết, ở cổ không có huyết, cũng không chết. Bọn con em báo lại, chủ lò mổ đích thân cầm dao mổ bụng phanh ra, thì con heo ấy không có bộ lòng. Người chủ lò mổ cả kinh sực hiểu, biết là thần linh biến ra, bèn ném đao xuống đất, vái lạy trời đất bốn phương, phát nguyện xin bỏ nghề. Con heo ấy đã không chết, lại thản nhiên trở vào chuồng, sau đó nhà ấy cũng không cho ăn cám nữa, gọi là ông bạn heo. Làng xóm đồn đại, có người từ xa tới xem, không ai không kinh ngạc khen lạ. Có một nhà láng giềng tới mời ông bạn heo qua dùng chay, con heo như ưng thuận. Sáng hôm hẹn người mời chưa tới, con heo đã tới ngồi trước cổng nhà ấy. Nhà ấy bèn lấy cơm chay cho nó ăn. Như thế ba mươi ba ngày, ăn khắp các nhà láng giềng chung quanh, sau ra ngồi bất động trong một khu mộ, nhìn tới thì đã chết.

64. Tiếng chuông chùa Quảng Ninh[1]

[1] Quảng Ninh tự chung thanh.

Chùa Quảng Ninh có cái chuông lớn, một hôm đánh mà không kêu. Tiếng chuông lại vang lên dưới cầu phía nam thành. Người đi đường nghe thấy, ai cũng kinh hãi, tới nói với sư trong chùa. Sư trong chùa mang nạo bạt tới dưới cầu đón về, chuông lại kêu.

65. Thần biến hóa ở Kê Trạch[1]

[1] Kê Trạch thần biến.

Có năm người nông dân ở Kê Trạch cùng đi hái củi, ra cửa nhìn thấy gió tây rất lớn, ngần ngừ không muốn đi. Bốn người về nhà, một người đi hái củi. Chợt gió lớn phía tây bắc thổi tới, vi vút vang trời, người ấy không kịp tránh né, nằm phục xuống dưới cái rãnh, bị một người kéo lên cùng đi. Lúc đi đạp trên gió mà bay, tùy tùng đều là quỷ thần. Dần dà qua ngang một ngôi thành, thần nhân nói: “Đây là triều thành.” Lại đi về phía đông, cạnh đường có người hình dáng như ma quỷ, đều mặc áo thêu, mùi thơm sực nức. Người ấy ngồi vào giữa mời rượu. Người ngồi giữa không nói gì, lấy ngón tay bàn tay trái ra hiệu theo thứ tự mà mời. Mời rượu xong lại ra, giây lát bọn uống rượu dưới cửa miếu giải tán. Thần nhân ra, gió lớn theo chân nổi lên, không nói gì tới người ấy nữa. Người ấy chờ gió tắt ra hỏi thăm, mới biết chỗ ấy là địa giới huyện Đông Bình, ngôi miếu là Nhạc miếu. Xin ăn mấy ngày mới về được tới nhà, vẫn thấy chập chờn như đang nằm mộng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx