Tôi tiếp tục được phân công ở vùng thượng du và tiếp nhận quyền chỉ huy đại đội thứ ba của tiểu đoàn tự trị người Thái, được tăng cường một số dân binh, tổng cộng khoảng bốn trăm người.
Không còn bản Hiệp định Sơ bộ, đó là trận oanh tạc Hải Phòng và chiến tranh lại bùng nổ dữ dội trên khắp xứ Đông Dương... trong bẩy năm nữa! Từ tháng mười 1946 đến tháng chín 1947, tôi tiếp tục hoạt động trên xứ sở này và đã thành công trong việc giành giật lại từ tay quân Việt gần hết toàn bộ vùng Thái đen, sau cuộc tấn công trên quãng đường một trăm tám mươi kilômét.
Đơn vị được tăng cường của tôi thực tế sẽ mang tên gọi là “Binh đoàn Bigeard”. Đơn vị được chỉ huy bởi các sĩ quan trẻ và một số hạ sĩ quan vừa mới đổ bộ sang Đông Dương để làm nghĩa vị quân sự với một nhiệm kỳ hai năm, tổng cộng khoảng hai chục hạ sĩ quan, và chừng ba chục người của quân đội Pháp. Số còn lại bao gồm toàn là người Thái, khỏe mạnh, biết sống một cách dè sẻn, tiết kiệm, đi chân đất, những chiến binh tốt khi mà mọi việc trôi chẩy... Rất lâu sau này, ở Điện Biên Phủ, bị bất ngờ trước một trận đánh tầm cỡ như vậy, họ sẽ bị đánh bại và không đứng vững nổi.
Kíp làm việc mà tôi sắp cùng chia sẻ thắng lợi và đau khổ trong vòng một năm, hoàn toàn không có nét gì của những người lính đánh thuê hoặc những anh chàng ưa phiêu lưu, mạo hiểm.
Trung úy Logier, tốt nghiệp trường Saint Cyr đẹp trai, điềm tĩnh, nhà trí thức của cả nhóm, viết lách tốt, sẽ là cấp phó của tôi. Hơi bị bất ngờ trước nhịp sống lúc ban đầu, sẽ nhanh chóng thích ứng. Thiếu uý Guilleminot, thân hình vững chắc như một tảng đá, hăng hái, to mồm, được binh sĩ khâm phục, một con dê hơi non, tự tin với ngôi sao của mình, sẽ bị tử vong ở Algérie mười năm sau này, cậu ấy là một chiến binh dũng cảm với nhiều huân, huy chương. Thiếu uý François, một sĩ quan đẹp trai, có cái nhìn đượm buồn sẽ là người tử vong đầu tiên trong vài tuần lễ sắp tới.
Chuẩn uý Bréau, ngạch dự bị, rất tế nhị, một tay ăn chơi, thường hay nhắc đến bà mẹ của mình, người mà cậu ấy tôn thờ, sẽ tử vong trong một trận bị phục kích. Chuẩn uý Duteuil, một con người toàn diện, một lính bộ binh ưu tú, hành động rất khôn khéo. Sẽ chỉ huy trung đội chịu trách nhiệm phát hiện địch thủ với tổn thất tối thiểu. Và thượng sĩ Bruillot của tôi, cao lớn, khẳng khiu, ông Bournazel1 trong đoàn quân. Chỉ có cái chết mới giữ được chân cậu ấy lại, người sẽ chỉ huy trung đội mũi nhọn đặc biệt trong tấn công. Được dẫn dắt bởi một ông hoàng như vậy, các binh sĩ của cậu ấy nhanh chóng có trình độ cao hơn các phân đội khác về nhiều mặt.
Nhưng mà chúng ta nên nhìn lại đôi chút cuộc tấn công của chúng tôi trên những nét chủ yếu:
- 31 tháng mười hai năm 1946, chúng tôi được lệnh tái chiếm Sơn La, lúc này do nhiều đại đội của Việt Minh trấn giữ. Một cánh quân bạn phải tấn công từ phía tây, phát triển trên con đường thuộc địa số 41, đến từ Thuận Châu. Tôi yêu cầu được tràn xuống từ phía bắc bằng cách sử dụng một đường mòn bất khả thi xuyên qua ngọn núi, con đường được mở ra cùng với các đội xung kích trước đây của tôi.
- Ngày một tháng giêng năm 1947, vào dịp năm mới, ở nước Pháp thì tốt lành yên vui trong lúc đó thì tôi đang lặng lẽ tiến lên từ mười hai tiếng đồng hồ nay, cùng với bốn trăm quân sĩ, đi theo hàng một, bị vắt cắn, muỗi đốt đầy người. Chúng tôi phải kéo theo các đài thông tin, súng cối, đạn pháo. Mọi người, để cho an toàn nên hành trang đã tính toán đơn giản đến mức tối đa, tuy nhiên lại chỉ mang theo ở mức tối thiểu đồ ăn để sống: gạo nếp cho ba ngày được đồ thành xôi lúc khởi hành, thịt trâu khô, một vài hộp cá trích và hành tỏi, bi-đông nước uống, một tấm áo len cụt tay để khỏi nhiễm lạnh trong những chặng dừng lại ban đêm. Cứ ba hoặc bốn tiếng đồng hồ, tôi lại đứng lại để quan sát đoàn quân đi qua và thấy được tình trạng mệt mỏi của cả đơn vị. Bốn trăm con người mồ hôi nhễ nhại, thở dốc, điểm này có vẻ rất xấu. Người ta có thể bám đuôi chúng tôi dựa vào mùi hơi người đọng lại lơ lửng trên cái con đường mòn kẹp giữa hai bên dốc đứng này.
- Ngày 2 tháng giêng, 5 giờ sáng. Sau ba mươi sáu tiếng đồng hồ hành tiến chúng tôi đã tới những mỏm núi đá vôi bao bọc Mường La, một ngôi làng ở cách phía bắc Sơn La ba kilômét. Chúng tôi đợi cho trời sáng và lấy lại một chút hơi thở. 7 giờ sáng: qua ống nhòm, quan sát thấy những lính Việt nhỏ bé đi lại trên đường làng. Họ chẳng mảy may ngờ vực điều gì. Tôi đã có thể chuyển một bức điện qua máy vô tuyến cho tiểu đoàn trưởng để báo tin. “Mọi việc trôi chẩy, sẽ tấn công Mường La lúc 8 giờ. Sau đó, phát triển đánh vào Sơn La. Đề nghị tiểu đoàn, nếu có thể, giữ chân quân Việt ở phía tây Sơn La bằng cánh quân bạn bắt đầu từ 9 giờ”.
Nhanh chóng xác định kế hoạch với các trung đội trưởng của tôi: súng cối 81 ly theo lệnh của tôi, sẽ bắn một trăm trái phá từ trên vách núi cao. Sau màn hỏa lực đó, Bruillot, Guilleminot sẽ tấn công Mường La. Bréau, François là các phân đội dự bị về sau sẽ chuyển sang dẫn đầu và phát triển xuống Sơn La, tất nhiên là nếu như mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến.
Từ trên các điểm cao, chúng tôi trèo xuống bằng những đoạn dốc gần như thẳng đứng; được cây lá che kín, chúng tôi tới cách ngôi làng hai trăm mét mà không bị phát hiện. Điều đó càng hay. Màn hỏa lực của một trăm quả đạn cối kết thúc. Bruillot Guilleminot, cùng với hai trăm quân sĩ, tiến lên xung phong trong tiếng la hét. Mọi việc diễn ra như dự kiến. Trước mặt tôi là cảnh hoảng loạn. Gần ba chục lính Việt chết và bị thương, mười lăm bị bắt làm tù binh, tài liệu, hai chục con ngựa, vũ khí đạn dược chiếm được. Chúng tôi có ba người bị thương.
Deteuil, Bréau, có vũ khí nặng tiến theo yểm trợ lúc này tiến xuống Sơn La và François bám theo sau. Bruillot ở lại Mường La, nắm tình hình ở đó, bảo vệ hậu phương của chúng tôi, tôi sẽ gọi cậu ấy tăng viện khi cần thiết. 9 giờ. Chúng tôi tới Sơn La từ phía bắc. Quân Việt, đại bộ phận ở phía tây và đối mặt với cánh quân bạn của chúng tôi, tiến thẳng đến từ con đường thuộc địa số 41. Bị đánh tập hậu, quân Việt hết sức hốt hoảng. Đó là một cuộc rút chạy hoảng loạn.
Đến 10 giờ, Sơn La nằm trong tay chúng tôi, mấy chục quân Việt tử vong, có nhiều tù binh. Một bản tuyên dương của tôi nêu rõ:
“Đại đội số 3 thuộc tiểu đoàn xứ Thái tự trị, đơn vị hăng hái nhất trong các đơn vị của tiểu khu Tây Bắc, dưới sự chỉ huy của đại úy Bigeard, đã đánh chiếm một mạch Mường La và Sơn La, ngày 2 tháng giêng”.
Mọi người không phải là thần thánh. Một số người có nhu cầu tình cảm, họ có thể mua được chuyện đó bằng vài trăm đồng bạc với những cô gái dân tộc trong làng. Ở cái xứ sở rất mến khách này, phải nói thật như vậy, có phong tục dâng hiến phái yếu để kiếm tiền. Người ta có thể cưới vợ bằng năm nghìn đồng bạc.
Có một buổi chiều cả một gia đình người Thái kéo tới sở chỉ huy của tôi: ông bố, bà mẹ, dẫn theo cô con gái của họ - kể ra cũng xinh xắn - và mấy đứa con trai, chắc hẳn là lũ em của cô gái. Ông bố mời tôi lấy con gái ông làm vợ. Tôi giải thích với họ rằng tôi rất xúc động trước ý định tế nhị của họ nhưng vì rằng đã có vợ, tôi không thể cưới vợ lần thứ hai và tôi tặng cho họ một món quà để thoát khỏi họ.
Ngượng ngùng, lúng túng, không biết trốn vào đâu được, tôi triệu tập kíp sĩ quan và hạ sĩ quan của tôi để giải thích với họ chuyện vừa xẩy ra. Tôi đã có lúc tỏ ra sợ sệt, mà họ nghĩ là “sếp” của họ cũng vậy, cũng cần một chút tình yêu… Tôi phải làm gương nếu không tôi thấy mình có nguy cơ trở thành một thủ lĩnh của bộ lạc và đây thì không phải lúc, bởi lẽ quân Việt không chịu ngồi im và họ mong đợi điểm sơ hở nhỏ nhặt nhất của chúng tôi.
Ngày 2 tháng tư, tay chân của chúng tôi báo tin có những hoạt động của quân Việt ở cách phía đông ba chục kilômét. Hai giải pháp: xuất quân trong đêm và nổ súng chiến đấu, hay là chờ đợi. Có thể đối phương sẽ tấn công chúng tôi chăng? Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón. Trận địa phòng ngự của chúng tôi vững chắc. Các điểm tựa dựa lưng vào nhau, với đầy đủ vũ khí, đạn dược... Chắc chắn là tôi thích tấn công hơn là phòng ngự, nhưng lần này chúng tôi có thay đổi đổi chút.
Lệnh báo động được chấp hành triệt để. Chúng tôi ngủ ngay tại các vị trí chiến đấu, không còn chuyện “yêu đương” trong làng nữa. Ngày 4 tháng tư, lúc hai giờ sáng, các “chuông báo động” của tôi vừa rút lui, vừa nổ súng lẻ tẻ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là trận tấn công của quân Việt.
Nó diễn ra lúc bốn giờ sáng và kéo dài đến tận 12 giờ trưa. Tám giờ chiến đấu, tám giờ sử dụng các loại vũ khí tự động, các trái lựu đạn và những quả đạn cối nổ tung văng mảnh ra xung quanh. Đây là đơn vị duy nhất, đơn độc, ở cách xa mọi sự tăng viện, đã chiến đấu và chiến đấu tốt. Phải, hệ thống phòng ngự của chúng tôi tỏ ra là vững chắc. Quân Việt rút lui, mang theo các tử sĩ và thương binh của họ. Trận tấn công do một tiểu đoàn có sáu trăm người... Tổn thất của chúng tôi là nhẹ, tám bị thương và đau khổ thay, một người chết, đó là thiếu úy Françrois, người có đôi mắt u buồn.
Tôi chuẩn bị một giai đoạn tấn công mới. Ngày 20 tháng tư vào cuối buổi chiều chúng tôi luyến tiếc rời bỏ vĩnh viễn đồn bản Thìn mà chúng tôi đã chiếm lại được, ở đó được tắm rửa trong con sông nước trong vắt thật thú vị.
Cuộc sống dã chiến của một đại đội bộ binh lại bắt đầu. Ngả lưng nằm ngủ ở bất kỳ chỗ nào, nuốt cho được cái nắm xôi này, thường xuyên nắm chắc vũ khí. Chúng tôi hành quân suốt đêm để tới lúc tảng sáng tấn công bản Na Ngà, xa hơn mười lăm kilômét về phía đông. Ngày hôm sau, sẽ đến lượt Tú Nạng. Quân Việt bị xô đẩy, rút lui về phía bắc theo hướng Mường Lùm.
Mường Lùm không còn nằm ở ven con đường thuộc địa số 41 nữa. Đây là một ngôi làng nằm trong một cánh ruộng lớn ở dải rừng rậm, nằm ở khoảng giữa con đường và dòng sông Đà. Quân Việt nhận được tăng viện và bố trí phòng ngự với một tiểu đoàn, từ nơi này họ hi vọng hoạt động ra bốn phía xung quanh. Có lẽ họ không ngờ là chúng tôi sắp tìm tới họ ngay trong hang ổ. Trận tấn công diễn ra ngày 23 tháng tư. Thắng lợi mới. Tiểu đoàn quân Việt bị xô đẩy bất ngờ, bèn rút lui với nhiều tổn thất.
Hơn bao giờ hết, đơn độc giữa khu rừng rậm, chúng tôi chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân mình. Việc di chuyển một bệnh binh, một thương binh về Sơn La lúc này là một cuộc viễn chinh thực sự và đòi hỏi bốn hoặc năm ngày... Uớc sao chúng tôi có được những chiếc trực thăng của người Mỹ!
Ngày 3 tháng năm, chúng tôi đóng những chiếc mảng bằng tre, luồng. Và ban đêm, vượt qua sông Đà, cách Vạn Yên mười lăm kilômét về phía tây cùng với một nửa quân số. Con sông Đà hùng vĩ, bao bọc bốn phía bởi rừng già, với chiều rộng hai trăm rưởi mét, với dòng nước chảy xiết, những đoạn thác nguy hiểm, ấy vậy mà, trên dòng sông này những tay chèo thuyền độc mộc người Thái đi lại cho tới tận Lai Châu, cách đây hai trăm kilômét.
Ngày 4 và 5 tháng năm, đám phiến quân liều mình đánh vào cái đầu cầu vững mạnh này, nhưng các quân sĩ của tôi, nằm trong các chiến hào, như cỗ máy được rà trơn, có các khẩu súng cối của tôi yểm trợ từ phía bờ sông bên kia, đã đối mặt với mức tổn thất tối thiểu.
Trong đêm ngày 5 rạng ngày 6, toàn bộ đội quân của tôi sẽ bố trí ở bên bờ bắc, không phải không khó khăn để vượt qua quãng sông như vậy với những chiếc mảng khó điều khiển, những chiếc mảng này thường đưa bạn đi sai lệch so với mục tiêu từ năm đến sáu trăm mét với những con người phải bám lấy bè mảng bằng đủ mọi kiểu... Rút cục, mọi việc cuối cùng cũng ổn thoả.
Sơn La. Tôi chỉ có mặt ở đó trong hai mươi tư tiếng đồng hồ. Tôi sẽ còn quay lại đó trong nhiệm kỳ thứ hai ở Đông Dương và nhiều lần khác trong nhiệm kỳ thứ ba. Sơn La sẽ trở thành tấm bản lề của đời tôi trong cái vùng thượng du “chó má” này. Lúc ấy tôi chưa biết là Gaby sẽ sống ở đó một thời gian, và rằng, khi là tù binh của quân Việt, tôi sẽ qua một đêm ở nơi ấy. Sơn La, thực tế là thủ đô của xứ Thái đen, đây là một đỉnh núi khá rộng, trên đỉnh núi ấy đã xây nên một khu trại, xưa kia giam giữ những người tù khổ sai của xứ Bắc Kỳ, ở đó còn có toà nhà của viên công sứ, một bệnh viện, dăm ba ngôi biệt thự nhỏ bé. Ngôi làng người Thái, gồm những mái nhà tranh nằm nép mình dưới chân ngọn núi.
Sơn La có tầm nhìn đáng sợ. Ở giữa cái xứ sở nhộn nhạo này, từ trên đỉnh núi, người ta có thể nhìn bao quát các dải thung lũng chạy về hướng tây nam, theo hướng về vùng đồng bằng và phía bắc về hướng con sông Đà. Một dòng sông nhỏ trong vắt chảy ở dưới chân núi. Nghỉ chân, lấy lại sức vài ngày trong một khung cảnh như vậy sẽ rất tốt... Nhưng không có chuyện đó, cần phải ra đi!
Từ ngày 3 đến ngày 20 tháng giêng, chúng tôi mở những trận đánh hầu như hàng ngày trong một vùng núi. Rất khó khăn nhưng đã đẩy lùi quân Việt ra xa năm mươi kilômét và chiếm được sân bay nhỏ Nà Sản, tên tuổi của sân bay này mấy năm sau, nổi bật lên trên một số các tờ nhật báo cùng với Mai Sơn, Hát Lót.
Tôi không nhận được các mệnh lệnh chỉ huy, mà hành động theo sáng kiến của mình, chỉ báo cáo về bước tiến lên của đơn vị. Đây là chiến tranh du kích theo nghĩa đích thực của cái từ ấy. Nắm vững thông tin nhờ vào các chỉ điểm viên, sau những cuộc di chuyển ban đêm đánh úp đối phương, để nguyên trang phục nằm ngủ tại các vị trí chiến đấu, ăn uống tại chỗ bằng các thực phẩm mua được: gạo và thịt trâu. Tinh thần chiến đấu cực kỳ tốt, chúng tôi là những người đứng trên quân Việt. Thương binh, bệnh binh được cáng về Sơn La.
Ngày 25 tháng giêng, bằng một hoạt động ngoan cường xuất phát từ vị trí ở đèo Cò Nòi đánh vào sau lưng quân Việt, chúng tôi buộc đối phương bỏ chạy trong cảnh hỗn loạn về phía đông, sau khi bám dai dẳng vào một ngôi làng nhỏ tên là bản Sớm, nơi mà trong kỳ tới Đông Dương lần thứ hai, tôi đã nhẩy dù xuống.
@by txiuqw4