Cogny yêu cầu tôi giải toả các thành phố, thị xã đó và hạ gục quân Việt tới mức tối đa. Nhiệm vụ phức tạp, tệ hại, kéo dài ba tháng dằng dặc vào giữa mùa nóng nực nhất. Truy kích đám quân người địa phương phải là một công việc thường nhật cả ngày lẫn đêm và ở cấp độ xung kích. Việc phục kích, xạ kích theo cảm giác được nghiên cứu tỉ mỉ. Việc huấn luyện tối ưu cũng mang lại kết quả, tịch thu được nhiều loại vũ khí, kiểm soát nhiều tiểu khu, nhiều du kích bị hạ gục. Tất cả kết quả đó chúng tôi đạt được mà hầu như không có tổn thất gì đáng kể bởi chúng tôi hành động chủ yếu vào ban đêm... Cần tới vài chục trang viết để nêu lên được toàn cảnh bức tranh tám mươi ngày hoạt động trên vùng đồng bằng đã thối ruỗng này.
Chính là ở Nam Định mà tôi làm quen với đại tá De Castries, chỉ huy trưởng tiểu khu, năm mươi mốt tuổi, một ông hoàng lớn, một trong những “thống chế của De Lattre”, một huân chương chữ thập chiến tranh cộng với khoảng hai chục bản tuyên dương. “Thế nào, Bruno, đêm hôm ấy công việc trôi chẩy chứ, anh đã cho tôi bản tổng kết chưa?”
Rất hấp dẫn, ông biết nói với tôi cái từ phải nói và tôi hoàn toàn mến phục chàng kỵ sĩ đẹp trai ấy, cựu vô địch thế giới về môn nhẩy cao... Lúc này, tôi vẫn còn chưa biết rằng vài tháng sau, tôi sẽ gặp lại ông trong hoàn cảnh khác, mà tôi sẽ không thể nào quên được thái độ trung thực của ông đối với tôi.
Trở về Hà Nội đã từ mấy ngày nay. Hi vọng dễ thở một chút cốt để sắp xếp trật tự trong cái “Cửa hàng tạp hóa”, sau ba tháng tác chiến không ngưng nghỉ trên vùng đồng bằng. Không có vấn đề gì. Ngày 19 tháng mười một 1953, lúc 18 giờ, Bréchignac, chỉ huy tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 và bản thân tôi, được thiếu tướng không quân Bodet, cấp phó của Navarre triệu tập đến sở chỉ huy các đơn vị lục quân ở Bắc Việt Nam. Gilles có mặt, Ducournau sắp sửa được hồi hương cũng tham dự cuộc hội ý.
Tướng Bodet, người nhỏ nhắn, hoạt bát, dễ có thiện cảm, cho chúng tôi biết công việc chủ yếu như sau:
- Bigeard, Bréchignac, sáng ngày mai các anh sẽ nhẩy xuống Điện Biên Phủ trong đợt đầu tiên. Thứ nhất, việc này hẳn phải làm được, nhưng nếu như quả thật ở phía dưới quá gay go, các anh được phép cân nhắc và các anh sẽ rút lui sang Lào. Tiếp theo trình tự, một tiểu đoàn thứ ba sẽ được thả xuống vào buổi chiều. Ngoài ra. nếu thời tiết xấu trận đánh có nguy cơ thất bại thì sẽ không diễn ra nữa... - Miễn là hôm đó trời không mưa. Thiếu tá Fourcade cấp phó của tướng Gilles, chỉ huy chung hai tiểu đoàn và sẽ nhẩy cùng với Bréchignac. Không có câu hỏi gì chứ?
- Không, thưa thiếu tướng.
Quá sung sướng được lựa chọn cho một nhiệm vụ như vậy miễn sao ngày mai trời đẹp. Đó là trạng thái trái tinh thần của chúng tôi, luôn luôn sẵn sàng cho những nhiệm vụ nguy hiểm nhất... Và như tình cờ tôi lại đứng ở mũi nhọn cùng với Bréchignac. Hai tiểu đoàn chúng tôi được những ông chủ lớn tin tưởng, người ta sẽ không đổi hai đơn vị chúng tôi để lấy cả một đế chế.
Gilles báo với tôi là ông tăng cường cho tiểu đoàn của tôi một trung đội công binh nhẩy dù và chừng ba chục pháo thủ. Tôi đề nghị với ông nên thận trọng không cho số đó nhẩy dù trong đợt đầu tiên... Mệnh lệnh:
- Họ sẽ đi với anh!
- Vâng, thưa thiếu tướng.
Tiểu đoàn chúng tôi sẽ nhảy xuống khu phòng ngự (D.Z) Natacha, nằm song song với sân bay, cách ngôi làng vài trăm mét. Bréchignac, với tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 của anh và sở chỉ huy nhẹ của Fourcade sẽ được thả xuống D.Z.Simone, ba hay bốn kilômét phía đông nam Điện Biên Phủ, ở bên bờ phía đông dòng sông Nậm Rốm.
Trái ngược với thói quen của chúng tôi, tối hôm đó chúng tôi không ở trong trạng thái báo động... Mỗi người đều biết rằng, với những người lính dù lúc nào cũng là báo động... Người ta chuyển từ trạng thái báo động trên không sang báo động mặt đất với một sự khôn khéo đáng ngạc nhiên đôi khi cùng trong một ngày để rồi buổi tối lại gặp nhau trong rạp chiếu phim.
Lại một đêm thức trắng để chuẩn bị công việc, thu gom quân số... Sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ thấy tự hào và sung sướng. Lại có nhiệm vụ vẻ vang. Đối với tôi đó là gặp lại cái ngôi làng xinh đẹp thanh bình và niềm nở biết bao, nơi tôi đã hạ cánh bằng chiếc Dakota, cách đây đã bẩy năm. Liệu chúng tôi sẽ gặp uỷ ban tiếp đón nào đây? Tin tức tình báo mơ hồ... Trung đoàn 148 quân Việt ở cách năm mươi kilômét phía đông bắc về hướng Tuần Giáo.
Sáu giờ. Sân bay Bạch Mai. Như thường lệ, phải chuẩn bị cho mình lòng kiên nhẫn. Những chiếc Dakota sắp hàng thẳng tắp chờ đợi thời tiết thuận lợi để cho những động cơ của chúng nổ ròn. 7 giờ... Trời xấu. Êkíp của tôi ở bên cạnh, mối nguy hiểm, chuyện bất ngờ đưa chúng tôi xích lại gần nhau... Có thể là cùng ở bên nhau lần cuối cùng.
Cùng với Lepage, Trapp, Magnillat, Wilde, Bourgois, Allaire, chúng tôi tán róc. Liệu chúng ta có nhẩy không? Có chứ, tốt hơn là nhẩy càng sớm càng tốt bởi vì chiến đấu sẽ gay go hơn dưới sức nóng của mặt trời bắt đầu từ giữa trưa. Chúng tôi tin tưởng ở ngôi sao may mắn của chúng tôi, ở những chàng trai tự tin đến cao độ, họ sẽ thất vọng nếu như trận đánh bị huỷ bỏ...
8 giờ 30. Thời tiết khá hơn... Lên máy bay... 9 giờ, cất cánh... Ba trăm kilômét để tới được trục thẳng đứng của Điện Biên Phủ. Chúng tôi bay trên vùng đồng bằng, đây xứ Thái quen thuộc với chúng tôi. Nhìn từ trên cao, đẹp xiết bao với tất cả những ngọn núi xanh ngắt ấy. Nếu như có thể ở lại trên cao thì cuộc đời những người lính dù chúng tôi đơn giản hơn rất nhiều!
Cơ trưởng máy bay báo cho biết là chúng tôi đang bay qua địa phận phía nam tỉnh Sơn La. Tôi hồi tưởng lại tất cả thời kỳ sống trên cái vùng thượng du “sỏi đá” này, cái vùng cứ bám chặt lấy tôi mà quấy nhiễu... Bị mệt nhoài trong những chiếc Dakota bay theo đội hình ba chiếc một, cánh bay cách nhau chừng ba chục mét, vài người mặt tái xanh, một số khác nôn oẹ... Cầu mong nhanh chóng thoát khỏi “lũ điếm” này!
10 giờ. Đứng dậy! Bám chắc... 10 giờ 30. Chuông reo... Nhẩy! Ít nhất cũng đau như một cú đá vào đít, như câu nói của tay trung úy nhỏ nhắn của tôi, Allaire... Lại một lần nữa lơ lửng giữa trời và đất. Qua nhiều lần chơi cái trò này, cuối cùng tôi đã thạo mặc dầu tấm mề-đay bằng vàng vẫn quấn vòng quanh cổ tôi.
Tôi nghe thấy tiếng đạn réo, như vậy là quân Việt ở phía dưới đang chờ đón chúng tôi chăng? Tất cả các cơ bắp căng cứng, mọi suy nghĩ gạt khỏi tâm trí, việc cần làm là nhanh chóng tiếp đất. Trước hết cứu lấy mạng sống của mình, tháo móc cài dù trước khi chạm đất, lăn tròn người kinh điển. Đài thông tin và cậu vệ sĩ của tôi, trung sĩ Chevalier, còn gọi là Martial nhanh chóng có mặt bên cạnh tôi.
Tôi tạm dừng trận đánh của chúng tôi trong giây lát để kể với các bạn về cậu trung sĩ Chevalier, còn gọi là Martial, một hình mẫu của sự tận tụy, của lòng trung thành vô hạn. Đối với tôi từ nhiều năm nay, đây là người bạn tâm giao, chỉ có cậu ta hiểu được những suy nghĩ, những lo lắng phiền muộn của tôi. Là một chiến binh ưu tú, thư ký đánh máy xuất sắc, hết sức thông minh. Cậu ta có, tôi biết điều đó, một lòng tin mù quáng đối với các quyết định của tôi, cậu ta nói: “Dù cho có xẩy ra chuyện gì, thưa thiếu tá, tôi sẽ đi theo thiếu tá đến tận cùng thế giới”. Và cậu ấy đã giữ lời hứa sáu năm ở Algérie bên cạnh tôi. Sau này khi tôi bị đầy ải vào vùng trung tâm châu Phi, cậu ấy tìm tới tôi trong nỗi bất hạnh. Khi quay trở lại quân dù, cậu ấy lại có mặt và bây giờ nữa, đã trở thành sĩ quan, sự gắn bó của cậu ấy vẫn luôn luôn trong sáng và vô tư như trước... Phải nói rằng cậu ấy đã sống mười lăm năm cho tôi chứ không phải là cho cậu ấy... Martial, xin cám ơn về điều đó, đối với tôi, cậu còn thân thiết hơn là một đứa em trai.
Bị rơi tọt vào giữa một bụi rậm rất cao, thật khó mà nhìn rõ xung quanh để xác định tình hình. Tôi thử móc nối với các đơn vị của tôi qua máy thông tin. Bruno gọi Lepage, Hervé, Bernard, Francis, trả lời đi. Cho tôi biết tình hình. Lo lắng về công việc chỉ huy, phối hợp cái “cửa hàng” của tôi, tôi tiến về phía ngôi làng, người cúi gập xuống cỗ máy thông tin.
Chevalier vẫn không ngừng nổ súng, ném lựu đạn.
- Martial, đừng có tự kích động như thế. Hãy coi chừng. Cậu bắn vào cái gì vậy?
- Nhưng mà, thưa thiếu tá, chúng ta đang ở giữa đám quân Việt. Thiếu tá nằm xuống đi và dừng lại một chút, nếu không ta sắp tự lột da mình mất...
Khoảng mười lăm quân dù, rồi hai mươi tụ tập lại xung quanh hai chúng tôi. Chúng tôi đã vững chắc hơn rồi.
Thật nhộn nhạo! Francis bị thả xuống quá xa về hướng bắc, Hervé quá xa về hướng tây bắc, cả hai vất vả không xác định được tình hình các đại đội của họ và tạm thời không thể tham dự vào kế hoạch hành động như dự kiến lúc xuất phát. Lepage và Bernard đã cố gắng tập hợp được đại bộ phận các trung đội của họ. Thời gian trôi đi, khắp nơi nổ súng, người ta báo với tôi số người chết và bị thương. Trong số tám trăm con người được thả xuống, tôi xác định được gần một nửa. Những người khác ra sao rồi?
11 giờ 30. Bộ phận chủ yếu trong sở chỉ huy của tôi nằm dán mình sau một bờ đê nhỏ, cách ngôi làng một trăm rưởi mét. Các dàn ăngten vô tuyến hẳn phải giúp cho quân Việt xác định sở chỉ huy của tôi. Thật vậy có một đài vô tuyến ở chỗ các đơn vị của tôi, một đài ở trên máy bay, đài thứ ba tìm cách móc nối với Fourcade và Bréchignac, đài thứ tư liên lạc với Hà Nội... Đạn réo trên đầu chúng tôi.
Lepage, Bernard ở ngang tầm với tôi cùng với ba phần tư quân số của họ và chuẩn bị tấn công vào ngôi làng. Xa hơn về phía bắc, Hervé và Francis bảo vệ phía sau chúng tôi. Anh em phân tán thành từng nhóm có sáu hoặc mười người, hình thành những điểm tựa nhỏ đối mặt với quân Việt... Ngày hôm ấy, họ có hai đại đội đang huấn luyện ở ngay khu vực phòng ngự của chúng tôi.
May thay, các chàng trai của chúng tôi đã quen với những trận đánh ác liệt. Họ rất vững vàng, có trình độ cao về nhiều mặt và biết hạn chế các tổn thất.
Gilles bay trên đầu chúng tôi trên chiếc máy bay chỉ huy của ông... Mẹ kiếp, ông già Gilles! Thế là ông ấy vẫn còn lặn ngụp trong cảnh khổ cực này, trong lúc ngày hồi hương của ông ấy đã tới gần. Quả thật là ở trên độ cao đó, ông ấy ít mạo hiểm. Tôi phải thông qua sự trung gian của ông ấy để yêu cầu máy bay yểm hộ, nhưng sóng liên lạc yếu. Do cần kíp, tôi làm việc trực tiếp với các máy bay khu trục, yêu cầu họ oanh tạc ngôi làng trước khi tấn công.
Các khẩu cối 81 của tôi sẽ rất có ích. Allaire đúng là ở đó, nhưng anh ta chỉ có một khẩu với ba quả đạn. “Xoay xở đi, Allaire. Tập hợp các khẩu súng và đạn dược của cậu lại”. Tôi không biết làm thế nào mà cái con người ghê gớm này đã có thể nhanh chóng tìm lại được khối phương tiện của anh ta ở giữa tất cả đám người đang nổ súng về mọi phía này. Về sau tôi còn biết được là khi đi sục sạo trên khu vực phòng ngự cùng với hai người nữa, anh ta đã hạ gục vài du kích quân.
Cuộc tấn công ngôi làng mở đầu sau màn hoả lực. Dễ đã đến 13 giờ 30. Hervé, Francis gần như đã thu gom được toàn bộ quân số của họ... Lepage, Bernard phát triển khó khăn trong ngôi làng được tổ chức thành trận địa hầm hào. Các cuộc xung phong nối tiếp nhau, được yểm trợ bởi các khẩu súng cối của tôi và của máy bay, lúc này oanh tạc xa hơn xuống phía nam.
Không thể nào liên lạc qua vô tuyến với Fourcade và Bréchignac để yêu cầu họ vượt qua con sông, ngược lên phía bắc, cốt để cắt đứt trục đường rút lui của đối phương và đánh vu hồi chiếm lấy ngôi làng... Có thể họ cũng gặp những phiền phức nghiêm trọng trong khu vực phòng ngự của họ chăng?
Rất nhiều thương binh, các tử sĩ được đưa về sở chỉ huy của tôi. Thương binh được chăm sóc bởi ông thầy thuốc nằm sấp dưới đất, phía sau bờ đê nhỏ. Trong mấy tiếng đồng hồ ấy, tôi đã bồn chồn lo lắng ghê gớm, nhiều lúc tự hỏi mình phải chăng đã đánh mất một nửa tiểu đoàn. Tiếng súng giảm bớt cường độ. Ngôi làng, bị đánh chiếm. Số quân Việt sống sót bỏ chạy xuống phía nam. Trận đánh vừa mới chấm dứt thì thiếu tá Fourcade hiện ra trong sở chỉ huy của tôi, có vài người đi hộ tống.
Cuộc hội kiến của chúng tôi đầy sóng gió. Tôi bảo:
- Thưa thiếu tá, vị trí của thiếu tá là ở bên các đài thông tin để làm sao cho Bréchignac tham dự chiến đấu, tóm cổ được quân đối phương, chứ không phải là để thiếu tá đi lại với vai trò đội trưởng đội xung kích.
Hoan hô Fourcade, người luôn luôn nghe theo tiếng gọi của lòng dũng cảm. Khốn khổ Bréchignac, lại một đòn vô bổ đối với tiểu đoàn tuyệt diệu của anh ấy.
Giờ đây khi mà mọi việc đã kết thúc, người ta thả xuống tiếp viện cho chúng tôi tiểu đoàn dù thuộc địa số 1, đơn vị không phải nổ một phát súng nào. Chúng tôi phải làm bản tổng kết, xác nhận kết quả mọi trận đánh: hàng trăm quân Việt bị giết, thu hai mươi ngàn viên đạn, một trăm lựu đạn, một trăm kilô thuốc nổ và còn nhiều vũ khí, tài liệu. Về phía chúng tôi, tiếc thay, hai mươi mốt lính bị thương nhẹ, mười bị thương nặng, mười bị chết. Trong số bị chết khi xung phong vào ngôi làng có trung sĩ Martellino, là người mà tôi đã phạt nốc-ao ở (Saint Brieuc, cách đây năm năm) có cả trung sĩ Gaillard yểu điệu, mềm mại, đẹp trai, giống như một sĩ quan.
Chúng tôi cũng có mười một người gặp tai nạn khi nhẩy dù và một bị chết (dù không mở). Tôi những muốn kể thêm nhiều tên người nữa, nhiều hành động anh hùng nữa. Tiếc thay! Những năm tháng đã làm phai mờ một số kỷ niệm, nhất là những gì liên quan đến tôi, hãy còn rất nhiều những thử thách khác nữa phải hứng chịu. Thật sự quả quyết rằng một trận đánh như vậy không thể nào thắng lợi nếu chỉ nhờ vào tài năng cá nhân của một ai đó.
Một bản báo cáo đã ố vàng mà tôi còn giữ được cho phép tôi kể ra một vài gương chiến đấu:
- Một lính dù người Việt Nam của chúng tôi phụ trách máy vô tuyến, đã nấp dưới hào và một mình bảo vệ chiếc máy còn nguyên bao ấy suốt ba tiếng đồng hồ cho mãi đến lúc quân Việt bỏ đi. Sau đó anh ta lại mang cỗ máy quay về sở chỉ huy của tôi.
- Một trung đội trưởng thấy rằng việc tiến lên của binh sĩ trong trung đội quá chậm chạp đã kẹp khẩu trung liên vào sườn xông lên xung phong, và anh ta bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi chiếm hẳn được mục tiêu.
- Một trung úy khác, trong một đợt xung phong bị thương nặng vào đầu, vẫn tiếp tục chiến đấu khiến mọi người trong đơn vị được kích động bởi tấm gương ấy, đã tỏ rõ ý chí tiến công tuyệt vời, sẵn sàng tham gia trận đánh giáp lá cà vào bất cứ lúc nào.
Thắng lợi đạt được là kết quả của mười tám tháng chiến đấu liên tục, của công tác huấn luyện với cường độ căng thẳng và nhất là của sức mạnh tinh thần của “Cửa hàng”: một người vì tất cả, tất cả vì một người. Trước khi trời tối, ba tiểu đoàn đã nấp trong hầm hào vững chắc, trấn giữ Điện Biên Phủ.
Nếu như chúng tôi thất bại trong ngày hôm đó, Điện Biên Phủ lẽ ra đã không bao giờ xẩy ra, và lúc đó chúng tôi phải thực hiện một cuộc rút lui khó khăn sang bên Lào... điều này có khi lại dễ chịu hơn, nếu như người ta nghĩ tới bước tiếp sau của các biến cố.
Ngày hôm sau, chúng tôi chôn cất các tử sĩ trong một nghĩa trang nhỏ bé được bố trí chu đáo. Tôi muốn được nhìn thấy lần cuối cùng những khuôn mặt của Martellino và Gaillard, họ được khâm liệm bằng những chiếc dù của họ. Khu nghĩa trang nhỏ bé khốn khổ sau này vĩnh viễn biến mất, bị đào xới bởi những quả đạn pháo trong trận đánh lớn bốn tháng về sau.
Tướng Gilles cùng với mấy sĩ quan trong cơ quan tham mưu của ông và trung tá Langlais, ngày hôm sau sẽ nhẩy dù xuống, trong khi lẽ ra họ có thể hạ cánh bằng trực thăng... Langlais lẽ ra sẽ chỉ huy chung các đơn vị quân dù, nhưng bị gẫy chân, ông được chuyển về Hà Nội... Hẳn là ông ấy phải rên la dữ dội... Nhưng rồi ông sẽ quay trở lại để có mặt trong sử sách.
Gilles, vài tuần lễ nữa sẽ hồi hương, đã làm được nhiều việc trong thời gian còn ở lại. Kiệt sức, con tim héo mòn, ông bàn giao công việc cho đại tá De Castrie. Quả thật, một cách nói của ông hoàng! Bằng giọng nói đớt, mày tao chi tớ với các cấp dưới, bình tĩnh, tự tin, ông làm cho người ta tin cậy. Tôi yêu quí con người này.
Trong mấy ngày giời, từ trên trời sẽ rơi xuống những người lính dù, dây thép gai, xe xích san ủi đất, đạn dược, lương thực thực phẩm. Đường băng của sân bay sẽ được phục hồi. Hệ thống phòng ngự được tổ chức. Chúng tôi giải toả Điện Biên Phủ qua những trận tấn công cỡ tiểu đoàn, nhưng ngày lại ngày quân Việt được tăng cường mạnh hơn, bám đánh quyết liệt hơn.
Chúng tôi tiếp đón cuộc viếng thăm của một nhà báo Mỹ, người mà mười sáu năm về sau, vào năm 1970, đã cho đăng bài báo sau đây trên tạp chí “Quân đội” của Mỹ. Đầu tiên bài báo kể lại cuộc tiếp đón ông ấy ở đội lê dương ngoại quốc, bữa ăn trưa tuyệt vời, món gà mái tơ, rượu vang v.v. Và ông ta kể tiếp:
“Chuyện không giống như vậy ở chỗ chỉ huy trưởng của tiểu đoàn thuộc địa số 6. Tôi đã đưọc chứng kiến thấy có một sự trái ngược to lớn trong thói quen ăn uống của tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 ở Điện Biên Phủ vào tháng Chạp năm 1953. Tiểu đoàn số 6 là một đơn vị ưu tú, do một sĩ quan huyền thoại chỉ huy, thiếu tá Marcel Bigeard. Bigeard và đơn vị của ông ấy, được kẻ địch kính nể và nổi danh trong quân đội về những hành động nhanh chóng, bất ngờ và những chiến thắng giành được một cách đắt giá. Để giữ cho mọi người trong đơn vị có cuộc sống thích hợp với chiến trận, thiếu tá Bigeard nhấn mạnh đến công tác rèn luyện thể lực thường xuyên và một thói quen sống bằng những khẩu phần ăn ít ỏi.
Thời tiết lạnh của xứ Thái ở miền Bắc Việt Nam, và bầu không khí vùng núi làm cho ta khỏe lại, đã giúp tôi rất ngon miệng khi tôi tới cùng ăn một bữa trưa với thiếu tá Bigeard và cơ quan tham mưu của ông. Họ ngồi trên một ngôi nhà sàn nhỏ mái gianh, và công việc nghiêm túc của họ tiếp diễn ngay trong bữa ăn. Các đài vô tuyến gào lên, nổ lép bép, những giọng nói từ xa lí nhí khó nghe cho biết bước hành tiến của các đội tuần tra. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế đẩu vây quanh chiếc bàn. Vũ khí, bản đồ, kính lúp hai tròng được gạt sang một bên và chúng tôi ăn uống trong những chiếc cà-mèn. Quả thực Bigeard coi ăn uống là một nhu cầu đáng bực mình. Một nhân viên phục vụ mang ra cho mỗi người chúng tôi một củ khoai tây luộc, có vẻ là củ khoai độc nhất, nó lăn tròn trong chiếc cà-mèn của chúng tôi. Một khoanh dăm-bông nhỏ và mỏng, bổ sung thêm vào củ khoai. Một tách cà phê nóng bỏng được đặt vào từng vị trí trước mặt mỗi người. Thiếu tá mở con dao con của mình và bắt đầu tỉ mẩn gọt vỏ củ khoai. Ăn xong củ khoai tây và khoanh dăm-bông, món tráng miệng được mang tới: những quả táo nhăn nheo của vườn quả xứ Normandie. Chúng tôi ăn ngấu nghiến những quả táo và thiếu tá lại quay về với những tấm bản đồ và các đài thông tin của ông. Tôi bước xuống, ra khỏi túp lếu, còn đói bụng nhưng trong lòng đầy niềm kính trọng đối với năng lực chuyên nghiệp của tiểu đoàn số 6 cùng người chỉ huy của nó”.
Kể từ bằng ấy năm trời, đã có thói quen “rít chặt thắt lưng”, ăn bất cứ thứ gì, bất kỳ ở đâu, tôi buộc phải thừa nhận là cái khoảng thời gian dành cho bữa ăn đối với tôi là một công việc lao dịch cần phải nhanh chóng làm cho xong.
Hai mươi ngày sau khi chiếm được ngôi làng, ngày 11 tháng Chạp năm 1953 Bréchignac cùng tiểu đoàn của anh, và tôi cùng với tiểu đoàn dù số 6, chúng tôi phải quay về Hà Nội. Ở đó Cogny chờ đợi chúng tôi với những nhiệm vụ khác.
Chia tay với đại tá De Castries: “Thế nào, Bruno, cậu bỏ mặc tôi ở đây rồi. Tôi những muốn được giữ cậu ở lại”. Tôi đi ra chào các tử sĩ của tôi trong khu nghĩa trang nhỏ bé và thấy vui sướng được rời khỏi cái lòng chảo này. Ở đó, qua kinh nghiệm tôi biết rằng nhiệm vụ được Cogny xác định chẳng mang lại điều gì cả. Nhưng tôi sẽ nói lại chuyện đó trong lần thứ hai tới đến Điện Biên Phủ.
Lại vẫn tiểu đoàn dù số 6, nổi lên như một ngôi sao! Ấy thế mà người ta chẳng đòi hỏi gì cả. Ở đây cũng vậy, mọi việc diễn ra tốt đẹp... như là trên một chiếc sa bàn và trung đoàn 148 quân Việt hẳn chỉ còn có mặt đây trong hồi ức. Chắc chắn, chúng tôi đã gặp may: nhiệm vụ nhẩy dù kinh điển, ngắn gọn, mạnh mẽ, gây ấn tượng, nhưng chẳng dùng làm gì.... “Cửa hàng” của tôi giờ đây nổi tiếng trong toàn bộ đạo quân viễn chinh và nếu như tướng De Linarès còn ở đây, tôi có thể nói với ông rằng: “Thưa tướng quân, tôi nghĩ là tôi đã biết cách chỉ huy một tiểu đoàn”.
Hà Nội. Toà chủng viện của tôi, được sắp xếp lại. Bổ sung các tổn thất, thăm hỏi các thương binh, soạn thảo các bản tuyên dương cho những ai xứng đáng nhất, và có những người như vậy. Được thư giãn một chút là hay. Mấy lá thư gửi về vùng Lorraine. Gaby, qua báo chí, có thể theo dõi các chiến tích của chúng tôi. Mẹ tôi hẳn phải thấy tự hào.
Magnillat, mật danh là Bernard, vốn được phân công về với tôi, lúc tôi đến Hà Nội, nay được hồi hương. Anh luyến tiếc chia tay với cái đại đội tươi đẹp được xây dựng theo mẫu hình của anh. Bernard thân yêu! Tôi giữ mãi trong tâm trí mình hình ảnh của anh trên con đường mòn ở Tú Lệ, ở đó, với vẻ bình thản và dứt khoát anh đã bố trí đại đội của anh vào vị trí mai phục. Le Boudec, cấp phó của Trapp, sẽ thay thế anh ấy. Bernard sẽ ra khỏi quân đội. Mười hai năm sau anh ấy đến thăm tôi ở Pau, ở đó tất nhiên chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm thân thiết của chúng tôi.
Câu chuyện về tất cả những trận đánh này, các bạn hẳn phải thấy là tẻ ngắt. Trái ngược với những cuốn Ceinturions, Prétoriens và những cuốn sách khác của anh bạn Lartéguy của tôi trong câu chuyện của tôi có rất ít tình yêu, chuyện bê tha trụy lạc, những nhân vật phức tạp... Mọi chuyện đều rõ ràng, không có râu ria. Chúng tôi được nâng đỡ bởi một lý tưởng trong sáng, không có tì vết giờ đây chắc chắn được nhân đôi bởi một niềm tự hào nào đó, về những gì liên quan đến bản thân tôi... Tôi phải làm con người tốt nhất, người số một. Đây là một sự thiếu khiêm tốn... Một ngày nào đó, Thượng đế sẽ cho tôi biết điều đó.
Có tín ngưỡng nhưng không thực hành tín ngưỡng, tôi ít hiểu biết về tôn giáo. Tuy nhiên, theo một cách mơ hồ, tôi luôn luôn cảm thấy rằng muốn tồn tại lâu dài, cần phải đi theo một tuyến đường rất thẳng và các cha tuyên úy quân sự tốt bụng, tham dự vào các nỗi khổ cực của chúng tôi, đôi khi, trong những giờ phút gay cấn nhất, sẽ bấu víu vào cái anh Bruno này, vốn cũng như họ, không làm tình, biết dè sẻn tính mạng của anh em trong đơn vị, sống cùng với họ và vì họ. Nếu như tôi trở nên đa cảm, thì các thủ trưởng lớn của chúng ta, trong văn phòng của họ, có việc khác để làm và cuộc chiến tranh tiếp diễn.
@by txiuqw4