“Bản Som Hong. Tên một ngôi làng cũng như biết bao ngôi làng khác, lọt thỏm trên một tấm bản đồ, cái tên chẳng nói lên điều gì và chắc chắn sẽ chẳng nói lên điều gì đáng kể đối với những ai không thuộc về tiểu đoàn dù số 6. Ấy vậy mà, ở đó, tiểu đoàn 6 đã viết lên một trong những trang sử đẹp nhất của nó”.
Kể từ ngày 1 tháng giêng, tiểu đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ trinh sát và tiếp cận đối phương. Nhiệm vụ này đã đưa chúng tôi tới bản Som Hong buồi chiều ngày 4. Quân Việt tập trung ở đây, ngay sát bên con sông Sé Noi. Nơi đây, chỉ cách mười kilômét là một khu rừng rất rậm rạp, duy chỉ có vài con đường mòn lượn ngoằn ngoèo xuyên qua. Quân Việt chưa bị phát hiện một cách rõ rệt. Tuy nhiên một hoạt động mạnh mẽ của bộ đội địa phương có vẻ khá có ý nghĩa và khiến cho chúng tôi phải giở mọi con chủ bài của chúng tôi ra để đối phó: một điểm tựa nhanh chóng được xây dựng, xung quanh có chuông báo động thường trực trên những đoạn đường mòn tiếp cận. Những cuộc xuất kích thường xuyên được thực hiện. Một mạng lưới trinh sát viên được phái đi tới chỗ xa nhất có thể.
Ngày 5 tháng giêng, cuộc chạm trán tàn bạo giữa quân Việt và một trong số các đại đội của chúng tôi ở bản Na Song Khôn. Hỏa lực của tất cả các loại vũ khí đã buộc đối phương phải dừng chân, sau một trận giáp lá cà dữ dội trong hơn một tiếng đồng hồ. Đại đội của Trapp đến chi viện cho đại đội của Le Boudec. Trung đoàn 66 quân Việt không quan tâm đến tổn thất của mình, đã tung ra hết đợt tấn công này đến đợt xung phong khác, nhưng bị đè bẹp dưới hoả lực súng cối và bom napan, đã không thể chiếm thêm được một tấc đất nào nữa. Việc can thiệp của các máy bay B.26, dội bom xuống các căn cứ xuất phát của quân Việt cho phép chúng tôi, đến cuối ngày, mở được một trận phản kích để thu gom các tử sĩ của chúng tôi và gần hai chục xác chết của đối phương cùng với tất cả số vũ khí.
Tình hình căng thẳng cùng với màn đêm buông xuống. Những cuộc di chuyển ở phía nam được phát hiện: cuộc bao vây bằng sức mạnh lớn đã lộ rõ. Mệnh lệnh là đơn giản, cũng gay go vì là đơn giản: “Giữ vững!”. Mệnh lệnh không chút rùm beng, cũng không chút “Camerone”1 nhưng cái lôgíc lạnh lùng của nó bắt nguồn từ một niềm tin vững chắc: việc vận dụng một quá trình huấn luyện lặp đi lặp lại không ngưng nghỉ, mệnh lệnh đó là khả thi.
Một đêm trôi qua, một đêm trắng đối với những người canh gác, căng thẳng đối với mọi người. Và trời sáng dần trong một khung cảnh yên bình không lừa dối được một ai... Một đội tuần tra về phía đông phát hiện quân Việt chỉ cách có vài mét. Ở phía bắc, có chạm địch. Ở phía nam, có chạm địch. Đã là giữa trưa... “Này, chúng tôi tới chỗ các anh”. Nhưng quân đối phương, họ không chờ đợi và bóp chết một cách có phương pháp ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu rừng. Đúng là không có sự chi viện nào để mà hi vọng, nếu không phải là của máy bay. Đề nghị: “Xin cho rút” được nêu ra và được chấp nhận. Lẽ tất nhiên bao giờ cũng dễ dàng như vậy. Điều kém dễ dàng hơn, trong lúc này, có lẽ là việc thoát ra khỏi nơi đây.
Các mệnh lệnh của Bruno quát to, dứt khoát, cụ thể. – Morane lúc 15 giờ 30 - Khu trục 16 giờ, trên đỉnh đầu chúng tôi. Chúng tôi đi theo đường mòn chính đông, sẽ đi suốt đêm. Lepage, Hervé, Francis, Le Boudec, các anh có giải pháp nào khác hay không?
Đó là vấn đề phải cứu lấy cái “cửa hàng” - cái từ không đến nỗi quá đáng. Bruno hỏi ý kiến các sĩ quan của mình. Tính kỷ luật được bổ sung thêm tinh thần đồng đội được rèn dũa bởi nhiều tháng trời huấn luyện và cũng cả trong chiến trận. Quyết định, anh ấy là người duy nhất lựa chọn nhưng cũng cần thiết là quyết định ấy được mọi người nắm vững và thực hiện.
Việc còn lại là đảm bảo tính bất ngờ của hành động, và mỗi người đều biết rằng quân Việt không để mình bị đánh lừa một cách dễ dàng. Một quả đấm về hướng tây để rồi chuồn sang hướng đông. Hervé bước vào con đường mòn ở phía đông, theo sau Francis. Các khẩu cối dồn dập phóng đi bốn trăm quả đạn cỡ 81 li, rừng già vọng lại chỗ chúng tôi những tiếng cành cây gẫy răng rắc một cách điên cuồng dưới một cơn bão lửa. Và đoàn quân một ngàn người kéo dài trên con đường mòn, từng người một rời khỏi hầm chiến đấu tính theo từng giây, mỗi mộl trung đội rút đi tính theo từng phút. Những chiếc dù cùng số vũ khí thu được đã được chôn vùi dưới đất, người ta không thể mang chúng đi theo.
Mọi việc được tổ chức, bám sát nhau hết khối này đến khối khác, tốt hơn lúc tập luyện, không một tiếng động. Cho đến lúc này chúng tôi biết rằng quân Việt không mảy may phát hiện ra điều gì, lúc này là 16 giờ. Duy nhất chỉ có tiếng ro ro của các đài thông tin và tiếng bước chân khẩn trương và rất nhỏ làm khuấy động cảnh yên lặng bão táp.
Trung đội cuối cùng của Lepage vừa bước vào con đường mòn thì quân Việt chuyển sang xung phong. Như từng đợt sóng cuộn, họ tràn vào bản Som Hong và truy tìm chúng tôi. Máy bay Criquet và máy bay khu trục cũng săn tìm họ… Ở Đông Dương, cũng không có nhiều các phi công từ trên buồng lái lắp kính của họ đã nhìn thấy nhiều đoàn bộ binh đối phương… Đối với chúng tôi, đó là “nhanh hơn nữa về hướng đông”. Đối với các phi công, đó là xạ kích trúng đích cách hai trăm mét. Bom napan,bom phá, đạn 20 và 12,7 li tiến hành một vũ điệu săm-ba cuồng nhiệt. Máy bay Criquet phấn khởi reo lên: “Tôi thấy chúng văng lên không trung!” Đối với chúng tôi, vẫn chỉ là chuyện nhanh hơn nữa về hướng đông và trên vầng trán của Bruno, cái ý nghĩ chung của mọi người hiện rõ ra như trong một trang sách để mở: liệu con đường mòn có thực sự thông thoáng? Liệu đây là thành công hay sai lầm, vốn bao giờ cũng phải trả bằng máu?
Năm đại đội, giờ đây tiến về hướng đông, giữa rừng rậm. Theo hàng một, mọi người hành tiến khẩn trương và im lặng dưới tán lá rừng dầy dặc, chẳng khác gì đi trong một con đường hầm. Cây rừng sẽ gẫy rắc rắc... Nhưng mà là ở đâu? Ở đoạn đầu? Ở đoạn cuối? Giây phút trôi đi dài tưởng như vô tận; bước chân càng gấp rút hơn. Những khẩu đại liên của một máy bay B.26 vẫn nổ ròn phía xa, trên bản Som Hong.
Đột nhiên, những khẩu súng MAT 49 nổ khô khốc ở phía cuối đoàn quân. Quân Việt sau giây lát bị chưng hửng đã quyết định truy kích, bất chấp những tổn thất của họ. Quả thật là họ đã nhận được nhiệm vụ tiêu diệt bằng mọi giá tiểu đoàn dù thuộc địa số 6. Thật là một vinh dự lớn! Nhưng đòn phản kích của chúng tôi cũng khô khốc và tàn nhẫn như quyết tâm của đối phương. Một trnng đội Việt Minh bị chặn lại ngay sát nút. Tiếp cận một ngôi làng, các nẻo đường tiến vào làng được đại đội của Trapp chiếm giữ bằng sức mạnh, trong lúc toàn tiểu đoàn chạy gấp và lại chui sâu vào khu rừng, theo hướng chính nam. Ở phía sau, cách những tay súng cuối cùng vài mét, những chiếc máy bay Bearcas bám vào được đội hình của đối phương, xả đạn liên thanh vào con đường mòn từng quãng, từng quãng bốc lên những cuộn khói. Bom napan nổ tung thành những cuộn khói lớn đen kịt. Đại đội cuối cùng đã rút khỏi: tiểu đoàn đã qua hết.
Bước chân không hề chậm lại. Thời gian đi tìm người dẫn đường từ làng này sang làng khác hầu như không giúp cho mọi người kịp thở lấy lại hơi sức đôi chút. Cái “Cửa hàng” tiếp tục không để một giây phút nào mất đi mối liên kết chặt chẽ. Các đại đội, các trung đội hành tiến theo kiểu “con vẹt”1, không đồng loạt một lúc. Đêm xuống, màn đêm tối như mực bổ sung vào những vật chướng ngại của địa hình và cản trở bước tiến: những chiếc “cầu khỉ”, những vòm lá cây cao vút, ở đó người ta tìm nhau qua tiếng bước chân, những bụi rậm lớn tại đó con đường mòn biến mất, lại tìm thấy, và lại biến mất lần nữa. Mỗi sự cố nhỏ nhất, mỗi dấu vết nhỏ nhất được báo cho nhau từ cửa miệng người này ghé sát bên tai người kia bằng giọng nói lí nhí, qua máy thông tin và mọi vấn đề đều vượt qua được. Tuy nhiên mỗi người đều cảm thấy là ván bài vẫn chưa bắt đầu chơi. Và cuộc hành tiến tiếp tục.
Lúc nửa đêm, chiếc máy bay Luciole (máy bay Dakota thả bom chiếu sáng) liên lạc bằng vô tuyến nói thì thầm. Người ta cảm thấy mối lo ngại của viên phi công đang tìm kiếm chúng tôi. Hai từ làm cho anh ta yên tâm: “Tiến triển”. Vả lại đó là theo đúng nghĩa của từ này! Và chúng tôi yêu cầu anh ta ngay lập tức vòng rộng lên phía bắc để thả xuống đó vài quả pháo sáng để đánh lừa quân Việt. Tới bốn giờ, là chút thư giãn, tóm lại là quãng nghỉ dài của một chặng đường kinh điển.
Tất cả câu chuyện này không phải là dễ dàng để mà mô tả, nhưng chắc chắn lại còn khó khăn hơn khi phải trải qua. Vài dòng chữ này, tôi không có ý định vẽ nên một bức tranh của vinh quang: chúng chỉ đơn giản muốn chứng minh rằng cái “cơ may cuối cùng” ấy – trong khi chờ đợi cơ may tiếp sau – chẳng phải là kết quả của một lần gieo con súc sắc, cũng chẳng phải có “một vận may” bám vào ngang lưng chúng tôi kể từ hai mươi tháng trời nay.
Bản Som Hong, đó là sức chịu đựng về thể xác của một nghìn con người được rèn luyện trong một nỗ lực thường nhật, lặp đi lặp lại không mệt mỏi. Đó là nhiều nghìn viên đạn bắn ra để có được tính chính xác và tính kỷ luật của hỏa lực. Đó là cái bộ máy mềm dẻo và cường tráng của năm đại đội, đầu tiên đã học cách để hiểu, sau đó là học để sống theo một mệnh lệnh. Đó là một ý thức kỷ luật đầy đủ của cả thể xác và tinh thần được đào luyện không ngơi nghỉ kể từ ba năm nay. Đó là quyết tâm của mọi người từ người binh nhì đến viên sĩ quan, quyết tâm chơi “ván bài” số phận cho đến tận cùng.
Bản Som Hong lưu giữ cho chúng tôi sức mạnh và màu sắc tươi thắm của một trong những chiến tích mà người ta thích nhìn ngắm như nuốt chửng lấy bẵng những đôi mắt trẻ thơ của chúng tôi trước một cuốn sách ảnh đẹp. Có sao đâu nếu như cái tên ấy thậm chí cũng đã rơi vào quên lãng. Mọi người của tiểu đoàn dù 6 mãi mãi tự hào đã hoàn thành ở đó một trong những nhiệm vụ vẻ vang của họ”
Sở dĩ tôi kể dài dòng về trận đánh này vì đây là một trong những trận đánh chính xác nhất, linh hoạt nhất mà tôi đã trải qua. Nhiệm vụ đã được hoàn thành với mức tổn thất thấp nhất, hàng trăm quân Việt bị giết. Trong suốt thời gian tôi bị bắt làm tù binh, sở chỉ huy quân Việt vẫn muốn nhắc lại trận đánh này, họ tỏ ý khâm phục tôi về trận rút lui đặc biệt này... Họ là những người có nhiệm vụ tiêu diệt cái tiểu đoàn dù số 6 ấy! Quân Việt huỷ bỏ cuộc tấn công của họ ở Trung Lào. Tướng Franqui hét to “Chiến thắng!” trong một bản nhật lệnh. Ông ta kể rằng đã giáng đòn nốc-ao cho quân Việt... Ông ta chẳng mảy may ngờ vực điều gì.
Tướng Giáp, suốt từ hai mươi nhăm năm nay, chắc chắn cũng đã đôi lần bị thua điểm. tức là bị nốc-ao, nhưng ông ấy luôn luôn biết rút ra từ những thất bại ấy những bài học kinh nghiệm và thực hành đòn phản công của ông ấy để rồi cuối cùng trở thành một vị tướng vô song, sau khi đã đổi mới, đã chỉ huy trong suốt một phần tư thế kỷ đối mặt với quân Pháp và quân Mỹ... Xin ngả mũ kính chào tướng Giáp!
Một kỷ niệm khác xúc động về trận đánh này: đại uý Giraud, cấp phó của tôi lúc đó, người thứ ba mà tôi kèm cặp kể từ khi tôi tới Đông Dương, qua bức điện nhận được ngay giữa trận đánh, được chỉ định nắm quyền chỉ huy một tiểu đoàn... Anh ấy được lệnh lên chiếc trực thăng duy nhất tới được để thu gom các thương binh...
- Không có chuyện đó, thưa thiếu tá. Chúng ta đã cùng nhau khởi phát nỗi khổ cực này và tôi nhất quyết kết thúc nó ở bên cạnh thiếu tá.
- OK, Giraud, xin cám ơn. Tôi chờ đợi ở anh câu trả lời đúng như vậy.
Trở về Séno. Tiểu đoàn lại trở thành một ngôi sao với nhiều phần thưởng. Danh sách những người được tặng huân chương thập tự chiến tranh kéo dài ra, danh hiệu đội lê dương danh dự và những tấm huy hiệu quân nhân nở rộ trên ngực các chiến binh của tôi. Cá nhân tôi, được nhận chiếc huân chương thập tự chiến tranh thứ hai mươi... Lần tuyên dương nhỏ nhoi đầu tiên nhận được ở Alsace, nhoà đi cùng với quãng đời non trẻ của tôi.
Chúng tôi ở lại cái căn cứ Séno này tới tận ngày 20 tháng hai: thể thao, xạ kích, hành quân xung kích, việc huấn luyện không bao giờ ngừng. Quân Việt, chúng tôi biết như vậy, giờ đây đã dứt khoát rút lui. Trong một trận bóng chuyền, tôi bị rách một đoạn cơ bắp nhỏ ở bên chân phải. Đau đớn cả về thể xác và tâm lý... Trong những đại đội dã chiến này, phải làm chủ hoàn toàn các bộ phận phương tiện của mình. Tuy vậy tôi vẫn tiếp tục hoạt động thể dục thể thao hằng ngày, với kết quả là một cẳng chân phải sưng vù lên vào lúc chiều tối.
Đã từ lâu, tôi quyết định tiến lên một bước... Một bước nữa... Vượt quá cái khả thi, vượt quá cái tối đa. Cái trạng thái tinh thần ấy đã cho phép tôi đến tận lúc này đứng vững được bất chấp sốt rét, kiết lỵ và những tai nạn khác. Đứng ở mũi nhọn từ nhiều năm nay, tôi đã không có một ngày nào dừng lại, ngoại trừ kỳ nghỉ phép bắt buộc ở vịnh Hạ Long, lúc mà tôi bị cách chức chỉ huy trưởng tiểu đoàn Thái số 3.
14 tháng hai 1954. Tôi đã ba mươi tám tuổi. 5 giờ sáng, tôi thức giấc vì những tiếng động kinh khủng: tiếng nổ của đạn súng cối, nhiều loạt đạn của hàng chục loại vũ khí tự động, những quả lựu đạn nổ ùng oàng. Tôi nhẩy vội ra hét lo: “Báo động!”. Vừa lúc toàn bộ êkíp của tôi, các sĩ quan và đại biểu của các hạ sĩ quan, tươi cười bước vào trong lều:
- Bruno, xin chúc mừng sinh nhật. Do vì không có hoa, chúng tôi tặng anh những gì mà chúng tôi có thể!
- Lũ khốn kiếp, các cậu làm cho mình hoảng hồn.
Êkíp tuyệt vời, gia đình thứ hai của tôi. Đây chính là cuộc sống của tôi, lẽ sống của đời tôi.
@by txiuqw4