Ngay khi tới đông Dương, tướng Navarre muốn mang lại một hình thái mới cho cuộc chiến đấu của chúng tôi. Ông ấy giải thích với chúng tôi rằng bắt đầu từ lúc này, chúng tôi sẽ có sự chỉ huy sáng suốt rằng chúng tôi sẽ chuyển sang tấn công. Ông hướng đạo quân viễn chinh về những hành động theo kiểu đòn đánh úp Lạng Sơn, trong đó một binh đoàn quân dù bất ngờ đánh chiếm một khu kho vũ khí lớn, với một cuộc hành binh khứ hồi, vốn là một kiểu mẫu của chiến thuật đó. Vào thời kỳ đó, người ta có thể nhìn thấy trong các phòng ăn sĩ quan những tấm tranh cổ động rất đẹp, trên đó là hình ảnh một người lính dù chĩa khẩu súng ngắn vào một kẻ địch tưởng tượng. Câu chú thích của bức tranh đó là: “Hãy đi tìm quân Việt trong hang ổ của chúng”. Thực chất chúng tôi đã trở thành nạn nhân của các bức tranh cổ động! Đi tìm hang ổ quân Việt thì tương đối đơn giản, cái khó hơn, tất nhiên, là từ chỗ đó quay về.
Các chiến sĩ bộ đội chạy xung quanh chúng tôi và hò hét giống như canh gác đàn cừu. Họ dồn chúng tôi đi theo một hướng và quát mắng chúng tôi trên con đường thuộc địa số 41. Trong số họ, rất ít cựu binh, mà phần nhiều là thiếu niên, chưa chắc đã nặng hơn khẩu súng của họ. Họ nhiệt tình nhiều hơn là vốn tính hung hăng và người ta cảm thấy trạng thái sung mãn của họ bắt nguồn từ cả niềm vui và nỗi sợ. Một nỗi sợ hãi chỉ vừa mới rời bỏ họ. Cái giá phải trả của một chiến thắng nhiều khi cũng cao như cái giá của một thất bại. Xem xét thật kỹ thì có khi vừa mới hôm qua họ cũng là những người thua trận, đây cũng là một niềm an ủi mỏng manh đối với chúng tôi, những người ngày hôm nay đã vĩnh viễn mất hết, ngoại trừ “danh dự” chăng?
Chuyến đi dài bắt đầu. Chặng đầu tiên tương đối ngắn tuy nhiên lại nhọc nhằn. Những người còn sống sót thuộc trung đội và tiểu đoàn của tôi, bước đi xung quanh tôi, khung cảnh đột nhiên trở lại yên tĩnh làm chúng tôi nghẹt thở. Gánh nặng của năm mươi hai ngày và năm mươi hai đêm tác chiến đè trên hai vai chúng tôi. Mỗi người lặng lẽ tự phê bình trước khi quân Việt nắm được những suy nghĩ của chúng tôi.
Chúng tôi đi qua các trận địa pháo cao xạ. Những khẩu pháo hạng nặng được bố trí, ngụy trang kín đáo, theo đúng trục bắc - nam, của khu lòng chảo để công kích các máy bay vào thời kỳ đầu họ chưa có nhiều đạn dược. Cách khu trận địa hầm hố hai kilômét, chúng tôi phát hiện thấy những chiếc Molotova đầu tiên, loại xe tải chạy dầu diezel, kiểu xe G.M.C. Cái con đường số 41 nổi tiếng này, từ Trung Quốc đến tận Điện Biên Phủ, đã nuôi dưỡng quân đội nhân dân của Bắc Việt Nam, như vậy là không hề bị cắt đứt như lời bảo đảm của không quân chúng ta. Nhưng những chiếc xe tải không phải là dành cho chúng tôi. Đây này, tướng De Castries, đứng thẳng bên con đường, đội mũ kỵ binh, trên ngực đeo đầy đủ các loại huân chương. Trước đây, tôi chưa bao giờ trông thấy ông ấy trong tư thế như vậy. Ông ấy cao lớn, trẻ khoẻ và... vô dụng.
Nỗi mệt nhọc, được coi thường trong trận đánh, nhờ vào cà phê và thuốc lá, nay được thay thế bởi một sự mệt mỏi rã rời. Tôi có cảm tưởng vừa tỉnh lại sau một cuộc can thiệp của phẫu thuật. Tôi bay lơ lửng, tỉnh táo nhưng như người ở ngoài không gian, như người ở ngoài thời gian. Cần phải nghiến răng lại không để cho bản thân mình buông xuôi.
Tôi không còn cảm thấy mình có liên quan gì đến mọi cái diễn ra xung quanh nữa. Nhưng các chàng trai còn đây và vẫn còn hy vọng. Họ bơi giữa dòng tâm linh. Họ nghĩ rằng tôi còn đây thì trang đời còn chưa lật giở, rằng tôi sẽ nhanh chóng tìm ra lời giải. Tạm thời lúc này một trong số họ phải giúp tôi vượt qua mấy trăm mét cuối cùng trước khi đến chặng nghỉ. Chuyện này chưa bao giờ xẩy đến với tôi. Lần này, đó là hệ thần kinh buông xuôi, con tim thì còn đó nhưng cỗ máy đã không đáp lời nữa, nó đã bị kẹt cứng, hoàn toàn không thể điều khiển.
Dù sao, nếu như việc bị bắt đã trở thành hiện thực, giống như một cú chớp của đèn flát thì những chiến binh của tuyến một, một số nào đó chắc hẳn là có chỗ ở an toàn, ở đáy sâu những căn hầm êm ấm hoặc được chuẩn bị tốt về tâm lý cho loại tình thế như vậy, đã cầm lấy chiếc túi dết như để đi hành quân; tấm vải để căng lều, quần áo lót để thay đổi, khẩu phần ăn để tồn tại, thuốc lá, dao cạo, xà phòng... Trong túi dết không thiếu một thứ gì! Trong số họ, rất nhiều người nhanh chóng hiểu ra rằng chiếc túi dết không làm ra được người tù binh và rằng tồn tại không chỉ có nghĩa là sống đầy đủ hơn.
Thật dễ dàng để nói triết lý về những đức tính và phẩm chất của con người, để phán xét về những con người khi mà người ta no bụng và có sự đảm bảo cho cuộc sống bình thường. Trong cảnh thiếu thốn toàn diện, con người trần trụi hiện ra. Con người đó không phải lúc nào cũng giống như cái hình ảnh mà trước đây người ta hình dung ra. Lúc được giải phóng, việc phân phối lại các cấp hàm và những tấm huân chương đôi khi có vẻ như rời rạc.
Những đoàn người, được thành lập ngay lập tức, “đưa chân bước lên đường” theo kiểu nói của các xạ thủ người châu Phi của chúng tôi. Gió mùa thổi dữ dội. Ai chưa từng biết đến thứ gió mùa châu Á, không thể nào hình dung ra nổi cái cơn đại hồng thuỷ theo mùa ấy, chẳng khác nào sống ba tháng liền dưới một vòi hoa sen nước lạnh giá. Chúng tôi bước đi và nằm nghỉ dưới trời mưa. Chưa bao giờ chúng tôi tận dụng đến cùng những căn hầm đến như vậy. Đôi chân chúng tôi mốc meo lên. Các chặng đường tương ứng với khoảng cách giữa các kho gạo. Nói chung, chúng dài từ hai mươi nhăm đến ba mươi kilômét, những chặng dài nhất là ba mươi nhăm kilômét. Đêm nào chúng tôi cũng đi, chỉ trừ có đêm ngày chủ nhật rạng sáng thứ hai.
Bước đi, bước đi và bước đi nữa... Vầng trăng, còn chưa bị vấy bẩn, đôi khi đến soi sáng cho cái đoàn dài lê thê những con người xanh xao gầy gò như những bộ xưong. Khi gặp những đêm tối như mực, những viên sỏi trên đường mòn hay những bụi gai của rừng rậm làm cho những đôi chân trần chảy máu. Với chế độ này, quả thật (chúng tôi lội qua nhiều con suối, dòng sông mỗii đêm) những đôi giày không chịu được lâu. Bằng đủ mọi phương cách, mỗi người cố tìm cách kéo dài tuổi thọ của chúng, nhưng thiếu vật liệu.
Xuất hiện một vài đôi bít tất Nga. Có được hai mẩu vải là một người giàu có. Những ai có được hoặc là một mẩu vải dù, hoặc mấy mét dây nhỏ, hoặc là một cái tẩu thuốc, hoặc một con dao con hoặc thứ đồ hiếm hoi khác, được coi như những nhà tư bản. Hai hay ba tù binh ở trong đoàn chúng tôi có được một cái tẩu thuốc và một số khác có một nhúm thuốc lá sợi. Việc trao đổi được cam kết: người có tẩu đổi lấy thuốc sợi và ngược lại. Chuyến đi huy động toàn bộ năng lực của chúng tôi và đôi chân của chúng tôi, là mục tiêu của những sự chăm sóc thường xuyên, như là những nhân tố bảo đảm cho sự sống sót của chúng tôi. Mục tiêu là tới được khu trại. Trại nào đây? Và ở đâu? Không một ai biết được, nhưng tay chỉ huy đoàn áp tải, hay là chỉ huy khu trại lưu động, được đặt tên là “ông khí tượng”, nói thẳng thừng với chúng tôi rằng cổng trại không nằm ở ngay đây.
Ngày đầu tiên bị bắt, một sĩ quan rút trong túi dết của mình ra một hộp khẩu phần ăn. Tôi không thể không bảo anh ta là nên giữ lấy món đồ bổ trợ quý báu đó cho những ngày gay go. Anh ấy trả lời tôi là mãi mãi anh ta không sao “làm quen” được với thứ gạo ô nhiễm này.
- Cậu nói đúng, thứ gạo ấy ô nhiễm nhưng mà hình như ta phải tạm thời không có món thịt bò, khoai tây rán đâu. Anh ấy không chịu nghe và tuần lễ đầu tiên, anh ấy nhâm nhi những hộp khẩu phần ăn. Khi mà những hộp lương khô đã cạn, anh ta cũng đành ăn thứ cơm nấu hàng ngày nhưng không sao làm quen được.
Anh ấy là một trong số người đầu tiên chết trên dọc đường. Anh ấy từ Hà Nội lên thẳng Điện Biên Phủ, ở Hà Nội anh ấy là một kỹ thuật viên... ở nước Pháp, anh ấy là vận động viên năm môn thể thao của thế vận hội.
Ở những người yếu nhất, cơ thể hầu như không đề kháng được và rất nhanh chóng, chúng tôi bỏ lại các đồng ngũ nằm bên đường. Các chỉ lệnh là đề họ nằm lại như thế cùng với ba ngày gạo sống. Tại sao lại là gạo sống! Không một ai biết được lý do. Trong một cảnh thiếu thốn toàn diện, bị bệnh kiết lỵ hành hạ, họ nhìn chúng tôi đi qua... Mỗi người, qua cái nhìn của mình biểu lộ hoặc là lời trách móc, hoặc là nỗi sợ hãi, hoặc là vẻ thờ ơ lãnh đạm?
Với chế độ ăn uống như vậy, bệnh kiết lỵ, bệnh phù thũng xuất hiện. Bất cứ ai bị bệnh là mộl người chết trong sức mạnh. Anh ta tiến bước, chiếc quần dài lốm đốm vết máu, thân hình bốc mùi thối, và bước đi cho đến lúc cạn kiệt mọi sưc lực. Đôi khi chúng tôi thử cáng anh ta, nhưng sức lực của chúng tôi không cho phép. Chúng tôi thử xin các cán bộ cho anh ta lên một chiếc xe Motolova chạy qua nhưng lần nào cũng bị từ chối dứt khoát. “Các chiến sĩ của chúng tôi đi bộ, vậy thì các anh cũng đi bộ! Không có kế hoạch vận chuyển những tù binh bị ốm”.
Nhiều ngày là nhiều đêm trôi qua... Bước chân đưa chúng tôi tới Sơn La, Nà Sản, những vị trí cao cấp của các trận đánh trong các năm 1952 - 1953. Chúng tôi đi bộ qua các trận địa chúng tôi chiếm đóng mấy tháng trước đây. Bóng đen những chiếc lô-cốt nổi rõ trên màn đêm đầy sao và tựa như cười vào mũi chúng tôi. Rồi đến, đây Cò Nòi, trước kia là sở chỉ huy của binh đoàn ứng chiến, Tạ Khoa, con sông Đà, Yên Bái, con sông Hồng.
Chúng tôi tiến vào trung tâm căn cứ của Việt Minh. Dân chúng trở nên hung hăng hơn. Phụ nữ, trẻ em ném đá và la ó, mắng nhiếc chúng tôi. Các bộ đội bảo vệ chúng tôi. Thật đáng chú ý khi nhật ra rằng, ở con người, càng ít phải chịu đựng nguy hiểm bao nhiêu thì lại càng thêm hung hăng bấy nhiêu. Tính hung hăng tỷ lệ nghịch với khoảng cách giữa con người đó với một kẻ địch... có vũ khí.
Ngày 18 tháng sáu, tập trung ở trong một khu rừng thưa, chúng tôi gặp lại ở đó, không phải không ngạc nhiên, các sĩ quan cao cấp và các đội lê dương. Một dàn cảnh lớn diễn ra. Tướng De Castries dẫn đầu, tất cả các sĩ quan được tập hợp theo hàng mười hai, để gây ấn tượng, các đội viên lê dương đi sau cùng, và chúng tôi diễu hành, đi qua đi lại trước một ống kính quay phim đặt trên một chòi cao. Vở kịch tiếp diễn nhiều giờ liền, dưới ánh nắng rực rỡ. Người ta quay phim chúng tôi, cốt để tuyên truyền trong các nước dân chủ. Mặc kệ! Chúng tôi sung sướng được trông thấy các cấp trên và thấy rằng, nhìn chung, họ đã đứng vững được.
Ngày 21 tháng sáu, chúng tôi tới khu trại số 1 và gặp lại các đồng ngũ bị bắt trong các trận đánh và những người cũ của Cao Bằng. Gặp lại họ là một niềm vui và thật là một cơ may lớn là đến được tận chỗ họ.
@by txiuqw4