Ngày 4 tháng chín năm 1954. Tự do. Hà Nội... Liệu có thể thế chăng? Cogny tươi cười, thoải mái, tự tin chờ đón chúng tôi... Sau Điện Biên Phủ, Jules Roy sẽ viết: “Cogny trông gầy đi, Langlais chỉ còn như một bóng ma, Bigeard đã mang về chiếc mũ nồi đỏ rực và nắm tay cương quyết”.
Tòa chủng viện của chúng tôi trống vắng, đầy những bóng ma. Kia, chỗ kia, tôi đã từng tập họp tiểu đoàn của tôi. Đây, chỗ này văn phòng của tôi, ở đó từng đã treo lá cờ nhỏ của tôi “Ai dám đánh thì đánh thắng”. Đồ đạc của chúng tôi, hình như, đã được chuyển về nước Pháp... Tay trung úy Porcher to béo chỉ huy hậu cứ của tôi đã được về nước. Những đồ vật kỷ niệm của cá nhân tôi, những tư liệu của tôi, chiếc đồng hồ mạ vàng rất đẹp mà các sĩ quan tặng tôi nhân kỷ niệm sinh nhật ra sao rồi? Mọi thứ đã bị phá phách, mất mát hết. Thực tế, tôi không gặp lại được bất kỳ thứ gì.
Cogny mời Castries, Langlais, Lalande, Pazzis và bản thân tôi đến ăn tối ở nhà riêng của ông. Khăn bàn trắng, hoa, rượu vang ngon, các cô thư ký xinh đẹp... Người ta tưởng như đang mơ. Tôi có cảm tưởng mình phản bội lại những con người vĩ đại vắng mặt. Trong bữa ăn, tôi tấn công bằng các câu hỏi: “Tại sao không có một cấp tướng nào lên Điện Biên Phủ? Tại sao đã không hạ lệnh rời bỏ khu lòng chảo này sớm hơn? Tại sao không cho Bréchignac, Liesenfedt nhảy dù xuống vào thời điểm các trận phản kích trên đồi Eliane 1 và Dominique 2?” Mọi người tảng lờ trước những câu hỏi của tôi. Tôi nghĩ rằng qua cái nhìn của một vài người, câ trả lời là: “Đó không phải là nhiệm vụ của anh”.
“Nhà kỹ thuật” của quân dù, đại tá Sauvagnac họp mặt tất cả các sĩ quan dù của Điện Biên Phủ. Trong một bài nói nhạt nhẽo, không có hồn, không có niềm tin, ông ấy nêu lên tất cả những hoạt động ông đã phải tiến hành để chi viện chúng tôi. Không có một chữ nào về các hành động của chúng tôi... Giờ đây, chúng tôi lại trở về với một tập thể, ở đó kỷ luật rất nghiêm khắc. Nếu như tôi hiểu đúng thì cần phải im lặng. Langlais, con người rất dữ dội trong chiến đấu giờ đây tựa như lơ đãng, đầu óc để đi nơi khác.
Castries bố trí một sở chỉ huy tạm thời, vẫn có Pazzis là tham mưu trưởng... Pazzis, Voineau tiếp tục tập thể thao cùng với tôi. Chúng tôi kết thúc một buổi tập bơi trong bể bơi. Bréchignac, Botella, Tourret đến gặp tôi.
- Bruno này, chính anh phải làm bản tổng kết khen thưởng cho các tiểu đoàn chúng ta (danh sách mất tích, các phần thưởng cho những người còn sống và danh hiệu truy tặng cho những người khác). Chúng tôi tin tưởng ở anh và anh là người tốt nhất để làm tốt công việc này giữa cái cảnh lộn xộn hiện tại.
Chúng tôi bắt tay vào công việc cũng là lúc chúng tôi hiểu ra rằng cần phải thoát khỏi Hà Nội để vào Sài Gòn càng nhanh càng tốt. Hà Nội đã trông thấy chúng tôi quá đủ rồi, các vị chỉ huy lớn thấy khó chịu khi cảm thấy chúng tôi ở gần bên họ đến như thế để thanh lọc các chất độc trong mỗi con người.
Sài Gòn. Sau rất nhiều cuộc xin xỏ, chúng tôi được chấp nhận đồng ý cho tập hợp tất cả lại trước khi về nước nhằm để giải quyết mọi vấn đề. Chúng tôi phải vào bệnh viện một thời gian để kiểm tra toàn diện sức khỏe. Về phần tôi, không có vấn đề gì, tôi tự thấy khỏe mạnh. Brèche, Tounet, Botella, cũng như vậy. Chúng tôi làm việc cật lực để xác định xem những đơn vị tuyệt vời của chúng tôi, giờ đây còn lại những gì. Người ta có cảm tưởng là bị bỏ mặc, bị gạt bỏ bởi cái khối đông người đã không tham gia Điện Biên Phủ.
Trú ngụ trong một căn buồng của một khách sạn lớn, tôi nhận được nhiều cuộc viếng thăm: khách dân sự, phụ nữ trẻ, đội viên P.F.A.T, những người muốn được sờ thấy, được nhìn gần những người anh hùng đã thoát hiểm mà người ta đã từng nhắc đến biết bao lần... Trên tờ báo Match, các bức ảnh của chúng tôi... Mấy bài báo ca ngợi trên những tờ báo tồi khác. Gaby, bây giờ đã biết là tôi còn sống, trước đó nàng vẫn tưởng là tôi mất tích vĩnh viễn... Một bệnh binh từ Điện Biên Phủ được về nước đã đến thăm cô ấy để báo tin là tôi đã mất tích trong một lần trốn khỏi trại tù binh.
Castries vênh vang ở Sài Gòn, người ta thì thầm: “Dù người ta muốn hay không, ông ấy sống mãi trong lịch sử và sẽ bước tới những bậc thang cao nhất trong hệ thống cấp bậc quân sự”. Ông luôn luôn thân mật đối với tôi: “Này cậu Bruno, tối nay mình sẽ dẫn cậu đi xả hơi, chúng mình sẽ đi ăn tối rồi sẽ đi nhảy”.
Một vài cô gái xinh đẹp, trong đó một cô cao to, tóc vàng, uyển chuyển như một con hươu, tôi cảm thấy thân hình người phụ nữ ấy áp sát vào người mình... Đã từ bao lâu thiếu vắng những cử chỉ âu yếm, tôi những muốn làm tình với cô ấy, ngủ thiếp đi bên đôi vai cô ấy... Có ích gì nhỉ? Đã có quá nhiều máu phải đổ ra, quá nhiều những người thân yêu biến mất. Làm như thế là quá vội. Tôi chờ đợi Gaby.
Langlais trở lại với chiếc cằm nhọn nhô ra phía trước, đôi mắt xanh trong của ông ấy. Bằng những câu chữ ca ngợi, ông ấy đề nghị cho tôi được thưởng huy hiệu sĩ quan vẻ vang của đội lê dương danh dự... Đề nghị của ông bị bộ chỉ huy từ chối... Danh hiệu vẻ vang này, vài năm sau, tôi được nhận ở Algérie. Được cưng chiều bởi một số bạn bè cho ông tạm trú, Langlais ăn khỏe kinh khủng, nửa đêm thức dậy để khua khoắng tủ lạnh của họ. Ông vừa cười vừa kể lại với tôi chuyện này, đó là sự hồi sinh, sự phục hồi của trạng thái cân bằng nào đó.
Tôi lấy làm ngạc nhiên, sửng sốt khi không thấy bộ chỉ huy tối cao tập họp tất cả số “diễn viên” ấy của Điện Biên Phủ để kiểm điểm chính xác tình hình, rút ra những bài học từ trận thất bại ấy, xem xét những điều gì có thể cải tiến, hỏi han chúng tôi về những cuộc tiếp xúc với quân Việt. Người ta coi như không biết đến chúng tôi, người ta vội vã muốn nhìn thấy chúng tôi đi khỏi những nơi này và tung hê chúng tôi đi mọi hướng.
@by txiuqw4