Chúng tôi thường tiết lộ rằng Trãi và Mã có 40% danh từ giống nhau mà không phải là vay mượn của nhau. Đó là những danh từ thượng cổ của đại khối Mã Lai thuở sơ khai, chỉ những vật, những ý niệm đơn giản mà họ phải nói giống hệt nhau vì đồng chủng như Mắt, Mặt v.v. 60% không giống nhau là những sáng tác về sau mà họ đi sống riêng rẽ ở các địa bàn khác nhau.
Nhưng có nhiều nhóm, nhứt là Thượng Việt lại dùng song song hai danh từ trong số 60% danh từ khác nhau đó. Thí dụ họ vừa nói CHẾT (Tĩnh từ của Trãi) vừa nói Mất (Tĩnh từ của Mã).
Các ông Pháp và các ông Huê Kỳ gọi đó là dân song ngữ.
Nhưng có thể dùng từ ngữ "song ngữ” được hay không trong trường hợp đó. Nếu được thì nhất định Việt Nam và Nhựt Bổn là hai quốc gia song ngữ không còn chối cãi.
Nhưng không, không thể nào mà là song ngữ được vì đó là vay mượn nội bộ, chớ không phải vay mượn của một chủng khác như Thái, họ trỏ một vật vừa bằng danh từ Thái vừa bằng danh từ Tàu.
Hơn thế sự vay mượn nội bộ ấy cũng đã xảy ra từ 2500 năm rồi. Riêng Việt Nam thì có thể xảy ra từ 5000 năm vì bọn Trãi có một nhóm tên là Bộc Việt, không di cư thẳng bằng đường biển từ Đại Hàn xuống Việt Nam như đa số, mà lại vượt sông Hoàng Hà để nhập bọn với Lạc bộ Mã ở dưới sông Hoàng Hà.
Ngày nay quốc gia Việt Nam xem CHẾT và MẤT là hai tĩnh từ đồng nghĩa (Synonymes), Nhựt Bổn xem NAO (Nữa) và MAĐÁ là hai trạng từ đồng nghĩa chớ không bao giờ xem một trong hai là tiếng ngoại quốc, vì cái lẽ dĩ nhiên là nó không hề là tiếng ngoại quốc mà là danh từ thứ nhì của chủng tộc.
Chúng tôi biết điều ấy, biết ngữ nguyên của tất cả danh từ, nên mới đặt ra vấn đề, chớ Nhựt thì họ chẳng bao giờ biết NAO và MAĐA do đâu mà ra và xuất hiện vào những thời nào, nên họ cứ xem đó là trạng từ của họ nó có ngay từ thuở họ vừa biết tiếng người chớ không dè rằng NAO là NỮA là trạng từ của bọn Trãi và MAĐÁ là MASÉ trạng từ của bọn Mã, NAO đã có từ 5000 năm, MAĐÁ chỉ mới có từ 2500 năm.
Đành rằng có sự vay mượn, cho dẫu là sự vay mượn đó xảy ra vào cổ thời, nhưng cũng cứ là vay mượn, nhưng tánh cách nội bộ lại xô ý niệm vay mượn ra.
Chúng tôi đã đưa chứng tích rằng khi vua Hùng Vương thống nhứt các bộ lạc để dựng nước Văn Lang rồi thì lấy tĩnh từ ĐAU của Khả Tu, tĩnh từ XÓC của Mạ, tĩnh từ NHỨC, TỨC, LÓI, THỐN của các bộ lạc khác, mỗi bộ lạc cho vay một tiếng, thì sự kiện đó nếu bị gọi là vay mượn thì Việt ngữ phải là ĐA NGỮ chớ không còn là song ngữ nữa.
Nhưng bảo rằng vay mượn làm sao được khi mà bọn cho vay đã sẵn có 40% danh từ giống con nợ rồi! họ đã đồng chủng từ khuya!
Khi người Bắc di cư vào Nam bắt chước Nam gọi trái DỨA là trái THƠM thì có thể nào cho đó là vay mượn hay không? Hẳn là không. THƠM chỉ là danh từ thứ nhì do địa phương Nam sáng tác thì địa phương Bắc có quyền lấy dùng, và xem đó là danh từ thứ nhì của dân tộc Việt Nam và DỨA và THƠM là hai tiếng đồng nghĩa (Synonymes).
Khi nào một người Việt Nam, thay vì nói MUÔN lại nói VẠN thì đó mới gọi là vay mượn vì VẠN là tiếng Tàu tức danh từ của một chủng tộc khác, chớ họ có quyền xem CẦY (danh từ Trãi) và CHÓ (danh từ Mã) là danh từ của chủng tộc Mã Lai, tức của họ, không hề có vay mượn.
Vậy ta phải có thái độ dứt khoát về vụ nầy, và sẽ bất kể chủ trương song ngữ của Pháp và Mỹ.
Hiện ta thấy ở Cao Nguyên có một số danh từ Trãi thắng thế, một số danh từ Mã thắng thế.
Thí dụ CHIM và CHẾT thì Trãi thắng thế 90%, cho đến Đại Hàn mất gần hết ngôn ngữ vẫn còn nói SÊ và CHUK.
Chim Chết
Đại Hàn: Sê Đại Hàn: Chuk
Bà Na: Sêêm Mạ: Chưt
Lạc: Sêm Khả Tu: Chet
Cua: Sêêp Khả Lá Vàng: Pchet và Kèt
Mạ: Sêm Xi Tiêng: Chêt
Mạ: Sum Bru: Cuchêêt
Mạ: Sim Pacóh: Kachiat
Kuy: Cheem Việt: Chết
Sơ Đăng: Chêm
Bru: Chớm
Khả Tu: Achim
Jêh: Chim và Tjem
Việt: Chim
Rôglai: Chip
Trong khi đó thì toàn thể đều dùng danh từ của Mã để gọi con chó, từ A Sau đến Aso, So, Ache, Cho, Thu, Chí, đều là danh từ Mã. Danh từ Trãi chỉ còn có hai dân tộc dùng:
Đại Hàn: Kai
Việt Nam: Cầy
Quảng Bình: Khai
Mặc dầu hai cuộc thắng thế đó sẽ giết mất danh từ thứ nhì là MẤT và CẦY, nhưng không hề giết sự thống nhứt trong quốc gia Việt Nam: Việt có hai danh từ còn Thượng chỉ có một, nhưng chẳng có gì thay đổi hết: Đồng bằng phong phú hơn núi rừng, chỉ có thế thôi. Nhưng rồi ngày kia, 200 năm nữa chẳng hạn, Thượng sẽ phong phú y hệt như Việt.
Nhưng nhìn tổng quát thì ta thấy Trãi thắng thế khắp nơi vì các nhóm Thượng gọi CÂY là KI, CƠYU, chớ không gọi là BÔ CỐC BÔ CƯ gì hết, (Dĩ nhiên là trừ Rađê và Giarai), thì sự thống nhất sẽ dễ dàng, bởi chính Việt Nam cũng chỉ còn giữ BÔ CỐC trong một trường hợp độc nhất dưới hình thức CỐI (Cây cối) mà ta cũng chẳng hiểu CỐI là gì nữa thì không có gì phải lo.
Chỉ phiền là danh từ Lưỡng Hà EA là Nước, do Chàm nhập vào, lại thắng thế quá lớn. Nhiều nhóm Trãi 100% cũng đâm ra nói IA, YA thí dụ Churu, Rôglai, nhất là Jêh. EA đi xa lên khỏi Kontum vì người Sơ Đăng biến EA thành TÊA thì đủ thấy sự thắng thế mạnh mẽ của danh từ Lưỡng Hà đó.
Tuy nhiên đó là danh từ ngoại chủng, nhìn vào là biết ngay, không có gây lộn xộn. Đại khối Mã Lai, may mắn quá, chỉ có một danh từ độc nhất chỉ NƯỚC, tuy ở mỗi địa bàn đều có mỗi hình thức khác nhau, nhưng vẫn cứ là một như Sơ Đăng nói ĐÁK thì Thừa Thiên nói NÁC toàn quốc Việt Nam nói NƯỚC thì Khả Tu nói ĐỚƠC, Bru nói Đaưk, không có Mã có Trãi gì hết ráo, mà chỉ có Mã Lai với ngoại chủng Lưỡng Hà mà thôi. Nhưng ngoại chủng thì muốn hất đi lúc nào lại không được.
Chỉ có đồng bào Chàm là trung thành nhất với ngoại chủng Lưỡng Hà, đọc đúng y hệt như Lưỡng Hà, lại cho nó một nghĩa tôn giáo y hệt như Lưỡng Hà, nhưng đồng bào Chàm không giữ vai trò chủ động được, các nhóm khác bị truyền nhiễm EA nhưng đọc không giống, họ đọc là IA, YA, TÊA, lại không hề cho nó một ý nghĩa tôn giáo thì họ sẽ không tha thiết lắm với EA, bằng chứng là người Sơ Đăng nói TÊA mà cũng nói ĐÁK.
Dưới đây là cuộc biến dạng của danh từ NƯỚC, sau 5000 năm:
Mạ: ĐẠ
Churu: ĐA
Kôhô: ĐA
Nup: ĐA
Mnong: ĐẠ
Bà Na: ĐĐÁK
Sơ Đăng: ĐÁK
Cua: ĐAÁK
Xi Tiêng: ĐAÁC
Thừa Thiên: NÁC
Việt Nam: NƯỚC
Mã Lai Á: BANYU
Phi Luật Tân: ĐANUM
Khả Tu: ĐƯỚC
Nam Ấn: TANI
Kuy: DIAK
Thắc: NUM và NAM
Bru: ĐAƯK
Nam Dương: JAM
Cao Miên: TỨK
@by txiuqw4