sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4: Phu Nhân Của “R”

Chiến dịch ấy như một cơn lũ, bất chấp chướng ngại, đồi núi, rừng rậm hay vực thẳm. Nó từ đỉnh núi băng xuống đồng bằng, tràn ra biển, quậy những vòng xoáy tàn khốc làm biển chao đảo, ngầu bọt, dậy sóng. Nó lùa bão tố từ cao nguyên xuống các thành phố, mang theo xe pháo, đất đá, thú rừng và xác người.

Huỳnh Thị Thu mất hút trong chiến dịch khổng lồ ấy. Mũ tai bèo, dép râu, bà ba đen và một khẩu súng ngắn đeo cứng ở thắt lưng. Thu chẳng đánh đấm gì trong chiến dịch này, cô chạy theo cho kịp nó đã hết hơi, bất kể ngày đêm, không thấy đụng độ. Chỉ băng rừng, băng qua những trảng trống, những nương rẫy không người. Chỉ thấy xe pháo bất tận. Chỉ nghe tiếng động cơ rù rì không dứt. Suốt ngày, suốt đêm.

Đến tối toán quân của Thu phải dừng lại vì không có phương tiện để vuợt sông. Bộ đội mách nước: lấy thuốc chống muỗi của Mỹ ra dán kín tấm nylon cá nhân, thổi lên thành cái phao. Nhờ thế mà qua được sông, về đến Cần Thơ.

Cơn lũ đã vào giữa Tây Đô nhưng đà tiến của nó quá mạnh, nó tạo vòng xoáy, tạo những chấn động. Đêm đến, tụi cướp cạn xuất hiện trên đường phố. Bộ đội và du kích được lệnh bắn. Cứ vài giờ lại một loạt AK chát chúa. Giải quyết tình huống quyết liệt, nhanh gọn. Những cái xác vô chủ. Tình hình ổn định nhanh chóng.

Tiếp quản Cần Thơ, Thu làm bí thư Thành đoàn. Mười Đạt, chồng Thu, từ Côn Đảo trở về.

Những năm tháng khắc nghiệt trong lao tù đã làm Mười Đạt không gượng dậy nổi. Cuộc sống gia đình kham khổ và ảm đạm.

Thu bị mắc kẹt ở Cần Thơ suốt ba năm trời. Nuôi bệnh. Công việc dồn đến, ùn tắc. Toàn chuyện lặt vặt. Phong trào nối phong trào. Hô khẩu hiệu. Tập huấn chính trị. Ê ẩm. Tuyệt vọng và muốn đổi đời.

Ước muốn đó như lửa. Nó cháy âm ỉ nhưng cũng mãnh liệt như những nhục cảm cào cấu xác thịt, chúng dẫn dụ người đàn bà trẻ ấy đến với vương gia.

Lửa lại bừng cháy, ngời lên trong lần gặp mặt đầu tiên. Những cuộc gặp vương gia sau đó đã phục sinh bầy thú hoang, bừng tỉnh các vùng cảm xúc, xô dạt người đàn bà trẻ vào biển cả của mê đắm.

Nhưng dường như vẫn còn một sức mạnh ma quái nào đó xúi giục, dẫn dụ cô đến với lão.

Chưa bao giờ cô cảm thấy mình gần gũi quyền lực đến như vậy. Ngày xưa, khi ăn nằm với lão trong căn phòng nhỏ hẹp lợp lá trung quân giữa rừng già, còn gì gần gũi hơn, thế mà cái cảm giác quyền lực vẫn xa cách, vẫn bị sự trang nghiêm của cung đình lấn át. Nó làm cô sợ. Còn bây giờ, cảm giác khi bước chân vào ngôi biệt thự đồ sộ ấy không phải là sự choáng ngợp của cung đình, mà là cái mùi của quyền lực.

Quyền lực ở cách cô chỉ mấy bước. Và khi cô ngồi xuống cái ghế bành oai vệ trong phòng khách rộng mênh mông kia, thì quyền lực đã nằm gọn dưới hai bàn chân cô trong hình hài một con hổ nhe nanh vuốt, được dệt một cách tinh xảo trên tấm thảm Ba Tư.

Trên bức tường đối diện cô, có treo chân dung vua Hàm Nghi bên cạnh chân dung cụ Hồ.

Và khi vương gia đưa cô vào phòng riêng của lão thì cô thực sự thấy mình là chủ của ngôi nhà này.

Quyền lực lúc nãy còn cách một tầm tay, thì bây giờ đã sừng sững giữa hai đùi cô. Cô kẹp chặt quyền lực giữa háng. Rồi cô cắn nó giữa hai hàm răng rất đều của mình. Cuối cùng quyền lực tràn ngập trong cơ thể cô. Cô chiếm giữ, thủ đắc và sở hữu nó.

Khi còn trong chiến khu, lão cho cô uống mỗi tháng một vỉ Lyndiol 28 viên để ngừa thai. Hôm nay thì không. Đã nhiều năm cô không sinh hoạt tình dục, nên lần này cô đã đáp ứng một cách say đắm đến nỗi vương gia phải ngạc nhiên.

Tuy vậy sau đó ông vẫn bắt cô dùng thuốc tránh thai. Thu chiều ông. Kiên nhẫn. Mai phục. Cho đến khi cô được đề bạt làm Giám đốc Sở Thương nghiệp và được cấp cho một ngôi biệt thự sang trọng thì cô mới quyết định không dùng thuốc nữa.

Khi cái thai đã được bốn tháng, cô báo tin cho vương gia. Lão lặng người. Sửng sốt. Lão ném cái gạt tàn vô tường vỡ tan tành.

-Sao không dùng thuốc?

-Tại sao phải dùng thuốc? Đây đâu phải trong rừng?

-Nhưng tôi là vương gia. Tôi có gia đình, vợ, con. Cô muốn phá tan cái tiền đồ của tôi sao?

Thu đá chai rượu văng vô xó nhà.

-Đó là chuyện của bố. Bố nuôi ạ. Đã sợ thì đừng làm. Thời chiến tranh ác liệt như vậy, gian khổ như vậy mà bố còn dám chơi. Bây giờ lại sợ sao?

Lão vương gia nghẹn cổ họng, đành phải bước ra ngoài vườn hoa.

Thu lấy cái xách tay. Tài xế của cô đang chờ ngoài cổng. Cô nói vừa đủ cho vương gia nghe:

-Bố có đủ bản lãnh để thu xếp mà. Phải không, anh yêu?

Trong phòng có hai người: một phu nhân đang ngủ và một Việt cộng già đang ngồi ngắm vợ ngủ. Suốt nhiều năm ở Côn Đảo ông có thói quen ngồi bó gối nhìn sững vào khoảng trống trước mặt mình như thế. Hai chân bị cùm, quần áo tả tơi, mùa nóng thì cởi truồng, hai đầu gối nhô cao, tựa cằm vào đó, xương cằm chạm vào xương bánh chè, khô và lỏng lẻo.

Những người tù ngồi nhìn các khe nứt trên nền xi măng cũ kỹ, xù xì. Trong những hang hốc ấy hồi mới đến còn có vài con bò cạp, gián hay giun đất, bây giờ đã tuyệt chủng, đã chui vô bụng tù nhân từ các thế hệ trước. Bây giờ các khe nứt chỉ có rệp. Loài vật này vẫn tồn tại vì nó hôi rình. Con người dù đói đến đâu cũng không ăn nổi. Bị chê, chúng sống. Và sinh sôi nảy nở. Chúng từ đất mọc lên như cỏ, hút máu người mà sống. Chúng hút máu của nhiều thế hệ tù nhân và chúng cũng bị lùng sục trong nhiều chục năm, nhưng kẻ thù của chúng là những người bị cùm chân, những người bệnh hoạn, suy kiệt, không đủ sức truy đuổi vào tận các khe nứt trên vách đá và cả trong những chiếc gông, chiếc cùm…

Những người tù ngồi nhìn năm tháng đi qua nặng nề và chậm như Con Sên Bành Tổ bất tử, lầm lì, câm nín, di chuyển trong dửng dưng, trong đần độn.

Đôi khi họ tưởng mình nhìn thấy thời gian, hữu hình, cụ thể như một cái bóng quái dị lê lết ngay trước mặt. Những người tù ngồi nhìn thời gian, nhìn ảo giác và nhìn sự tàn lụi của chúng. Họ gặp sự vô vọng. Nhiều khi tưởng chừng đã đánh mất mình.

Bây giờ người Việt cộng già tù Côn Đảo năm xưa vẫn còn ngồi bó gối, cổ chân đầy sẹo dù chiếc cùm sắt đã tan biến. Trước mặt ông là những họa tiết lạ mắt của tấm thảm trải nền. Trước mặt ông không còn rệp mà là rựợu Cognac vàng sánh trong chai. Trước mặt ông là một người đàn bà đẹp đang nằm ngủ.

Nhiều lần ông thử đánh thức bà nhưng sau đó là một mớ động tác loay hoay, bối rối, ngượng ngập. Ông thấy mình chỉ làm phiền người đàn bà ấy, giống như một người tiền sử dùng viên đá đánh mãi mà không bật lên ngọn lửa. Người đàn bà nhìn sự lúng túng và bật cười. Những lần sau đó thì không cười mà ngáp. Nhiều khi bà nhắm mắt, nằm im chờ đợi sự đầu hàng, sự bỏ cuộc.

Kẻ thất trận trở lại tư thế ngồi ôm gối, tìm bắt những con rệp trên chiếc gông bằng gỗ mục ngày nào.

Chai Cognac ở trước mặt. Mười Đạt đã ngồi như thế trong nhiều đêm, trong nhiều năm để nhìn vợ ngủ. Rồi có những đêm trên giường không có ai nằm. Ông vẫn ngồi và nhìn cái khoảng trống lạnh lẽo ấy. Có lúc ông khóc, có lúc ông gầm lên, hú lên như chó sói. Tiếng hú dội vào tường, lồng lộn quanh bốn bức vách như bầy thú dữ. Rồi cơn say vật ông xuống. Ông nằm bẹp trên thảm, dán xuống đó như tờ giấy mỏng.

Trong cơn say ông thấy bà hoàng hậu của ông đẹp rực rỡ, sang trọng và kiêu kỳ. Ông bò lại sát bên giường, cầm bàn tay vợ, hôn hít và nhỏ những giọt nước mắt lên đó. Người ông rung chuyển và chợt tìm thấy niềm hạnh phúc xa lạ đến trong giây lát.

-Anh lạy em. Xin đừng bỏ anh. Anh tôn trọng đời tư của em nhưng xin đừng lìa xa ngôi nhà này.

Ông hôn hít như kẻ nô lệ. Rồi chợt ông nhìn thấy có gì khác thường bên dưới hai bầu vú. Ông đặt tay lên bụng vợ. Nó ấm, nó căng lên. Và tròn. Mười Đạt gục xuống giường và òa khóc như đứa trẻ. Thu ngồi dậy. Mười Đạt quỳ dưới đất, úp mặt giữa hai đùi của bà. Bà cúi xuống ôm lấy tấm lưng gầy yếu của chồng và bà cũng khóc.

Nhưng bất chấp những tiếng khóc ấy, bụng của Thu cứ to dần lên. Mười Đạt hỏi:

-Của ai vậy?

Một câu hỏi giản dị. Nhưng không có đáp án.

Đó là tổng hợp những lần Thu kể cho tôi và những gì tôi biết được qua dư luận. Thu nói:

-Đã có lần em muốn ly hôn, nhưng anh Mười lại rất sợ phải mất em. Ảnh chăm sóc thằng Huy rất chu đáo vì nghĩ rằng giữ được Huy là giữ được em. Đã mười sáu năm rồi mà con em nó vẫn nghĩ anh Mười là cha ruột nó. Nó cũng rất thương anh Mười.

-Anh mừng cho em.

-Nhưng anh có nghĩ rằng một ngày nào đó nó sẽ biết và nó sẽ thất vọng, sẽ trở nên hư hỏng?

Tôi chưa trả lời câu hỏi đó vì tôi đang đứng giữa giao lộ của hai thế hệ trước và sau chiến tranh.

Tôi ghi chép và chờ đợi.

Huy, Trúc và Quỳnh Vi là ba đứa trẻ trong hàng triệu đứa trẻ của thế hệ kế tiếp. Tôi yêu chúng. Có thể chết cho chúng sống. Có thể tàn héo cho chúng tươi tốt. Và tôi nhen nhóm một chút hy vọng. Vậy mà trong lòng vẫn sợ hãi. Tôi đứng trong một góc kín đáo của cuộc đời, nhìn lớp trẻ quanh tôi mà run sợ bởi sự thô thiển, vô cảm và ích kỷ của chúng.

Sẽ hình dung thế nào về thế hệ kế tiếp, thế hệ của ba đứa bé mà tôi đang quan sát?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx