Hồi còn chiến tranh, sau một trận rải thảm B52 của Mỹ, chúng tôi sống sót và tìm đường về đơn vị. Địa bàn ấy, những khu rừng ấy chúng tôi đã quen thuộc, đã từng đi qua bao nhiêu lần, nhưng lúc bấy giờ không biết đường đi.
Vì mặt đất đã thay đổi.
Rừng bị tàn sát, cây cối nằm la liệt, gãy nát, cháy sém. Khói đặc quánh mùi xác chết và bom đạn nên không bay lên được. Và lửa thì loang lổ khắp nơi như những vết thương đang tóe máu tươi.
Chúng tôi hoang mang, lạc lối giữa cái địa ngục mới được hình thành dưới đôi cánh sắt của những chiếc pháo đài bay B52.
Anh em chúng tôi có bốn người, tất cả đều bị thương trong đó có một người bị cụt chân, chúng tôi phải xé áo buột vết thương cầm máu và thay phiên cõng.
Chúng tôi chỉ còn biết đi theo những vùng đã tắt lửa. Lúc đó là buổi xế, trời đang sáng. Bỗng nhiên một mảng đen khổng lồ án ngữ trước mắt.
Như một sa mạc đen mênh mông. Không ai biết đó là cái gì, hiện tượng gì. Hình như chúng tôi đã ra khỏi rừng vì bầu trời rất rộng, nhưng mặt đất thì đen kịt, phẳng lì, lạnh lẽo và tuyệt đối im lặng.
Thú rừng đã chết. Chim chóc cũng không còn. Vì thế cả mặt đất và bầu trời đều im tiếng. Chúng tôi đang đứng giữa một khoảng rộng bát ngát, không chướng ngại, không lửa khói, không chông gai, nhưng lại chẳng biết đi hướng nào.
Tôi bước đến cái sa mạc đen ấy một cách thận trọng. Khi đến biên giới của nó, tôi ngồi xuống, đặt một bàn tay lên đó.
Không phải là cát. Cũng không phải nước. Không phải lá rừng hay vỏ cây. Mà đó là trấu. Những hạt thóc cháy vẫn còn lưu lại cảm giác thô ráp trên đầu ngón tay.
Thì ra chúng tôi đã đi lạc về phía đồng bằng. Đó là một cánh đồng lúa chín! Một cánh đồng lúa chín vàng đẹp biết dường nào, thơm tho biết dường nào! Vây mà chỉ trong phút chốc đã biến thành một sa mạc đen.
Sự thay đổi của Quỳnh sáng nay cũng tàn khốc như sự thay đổi của mặt đất sau cơn binh lửa ấy.
Không còn là Quỳnh nữa, mà là một hình hài vừa được lấy ra từ hầm mộ. Một mái tóc bạc trắng. Một khuôn mặt của người tiền sử. Và một cái nhìn đầy bóng tối.
Tôi hốt hoảng ôm lấy bạn.
-Có chuyện gì vậy?
-Trúc mất tích rồi. Có thể nó đã chết.
Một chàng trai đang đứng sau lưng bạn tôi. Rụt rè và ủ rũ. Tôi nhìn chàng trai mắt đỏ hoe nhưng vẫn chưa đoán ra mọi sự. Quỳnh nói:
-Nó sắp làm đám cưới thì phát hiện bị nhiễm HIV. Thế là biến mất.
Chàng trai nói:
-Bác ơi! Biết tìm Trúc ở đâu hả, bác?
Tôi không trả lời được câu hỏi ấy. Thì Quỳnh nói:
-Hãy đến những nơi nào người ta có thể tự tử.
Tôi nói:
-Nếu nó muốn tự tử, sao lại phải lên đây? Tôi nghĩ là cháu nó muốn trả thù.
Quỳnh nói:
-Có thể ông nói đúng. Nhưng liệu có trả thù được không? Và sau đó sẽ là gì? Hoặc là bị giết, hoặc tự sát.
Sen nói:
-Con nghĩ rằng Trúc sẽ đi tìm cái chết. Chết ở đây không ai biết, không ảnh hưởng tới gia đình.
Vậy là chúng tôi lên đường. Tôi chở Quỳnh, còn Sen thì chạy chiếc xe máy của con trai tôi. Chúng tôi ra cầu Bình Lợi, nơi nổi tiếng vì những vụ tự tử. Những cư dân quanh đó nói rằng trong vòng một tháng nay không có ai gieo mình từ trên thành cầu xuống sông. Lại ra cầu Sài Gòn, rồi đến cổng xe lửa. Đó là cuộc tìm kiếm vô vọng.
Trên báo cũng không có tin tức.
Cuối cùng chúng tôi đến công ty của Minh. Người bảo vệ công ty nói rằng giám đốc đi nước ngoài.
Chúng tôi quyết định tới gặp Ba Trần. Ông vẫn nằm trên chiếc ghế dựa đan bằng mây, người tóp khô, lọt thõm trong bộ pyjama kẻ sọc.
Ba Trần nói:
-Quỳnh à, đừng lo. Tôi biết hết mọi sự rồi.
-Thế bây giờ Trúc ở đâu?
-Rất may là trong cơn tuyệt vọng nó đã nghĩ đến tôi. Và nó đã về đây.
-Còn thằng Minh?
-Đã biến mất. Nhưng tôi không quan tâm đến nó nữa. Coi như nó đã chết.
Sen đứng lên, gọi:
-Trúc ơi! Trúc!
Cánh cửa phòng bên hé mở, và Trúc bước ra. Sen chạy đến, quỳ xuống ôm chân cô gái. Và khóc.
-Về đi em. Hãy xa lánh chốn này. Đây không phải là thế giới của mình đâu em à.
-Nhưng em không thể lấy anh được. Sen ơi! Em không thể kéo anh vào chỗ chết.
-Nhưng anh muốn như thế. Chúng ta sẽ sống trên cù lao. Đó là thế giới riêng của mình. Mình sẽ sống, sẽ yêu nhau. Và sẽ chết ở đó.
Quỳnh cũng đứng dậy. Người đại úy một thời lừng lẫy của quân lực Việt Nam Cộng Hòa bây giờ chỉ còn là một cây sậy xiêu đổ trong cơn gió lạnh buốt của địa ngục đang mon men đến gần. Ông gắng gượng bước theo Trúc, nhưng khi đến bậc cửa thì ông đổ xuống, nhẹ nhàng như cây cột chống đã mục ruỗng vì mối mọt.
Trúc và Sen quay lại dìu ông ra ngoài phố. Họ đứng đón xe trên lề đường, lúc đó nắng đã chói chang và đường phố thì bầy khói bụi.
@by txiuqw4