sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mật mã Tây Tạng - Chương 44.4:Tiền thân của Shangri-la

Giáo sư Phương Tân nói: “Gì hả? Tấm bản đồ đó à? Được, tôi mở lên ngay đây, đây rồi.” Giáo sư ngẩng đầu nhìn Trác Mộc Cường Ba hỏi: “Cậu phát hiện ra điều gì hả, Cường Ba?”

Nhìn chằm chằm vào tấm bản đồ trên màn hình máy tính, Trác Mộc Cường Ba hít sâu một hơi không khí lành lạnh. Gã biết, suy nghĩ này thoạt tiên tưởng có vẻ hoang đường và còn tức cười, nhưng lại ẩn chứa một sự thực đáng sợ. Tim gã đang đập cuồng loạn, nếu đây là sự thực, vậy thì, đó sẽ là sự việc khó tin nhất mà những người thuộc tôn giáo bí mật kia đã làm được, kể từ khi bọn gã tiếp xúc với Bạc Ba La thần miếu tới giờ. Thế nhưng, tất cả các đầu mối đều chỉ về sự thật này, bất kể là truyền thuyết, hay những trải nghiệm của chính bản thân bọn họ, Trác Mộc Cường Ba chỉ vào máy tính, khó nhọc thốt lên từng lời: “Thầy giáo, thầy nói xem, tấm bản đồ này có khả năng nào là… bản đồ phân bố hệ thống nước ngầm ở cao nguyên Thanh Tạng không?”

“Hả!” Mặc dù giáo sư Phương Tân đã có chuẩn bị tâm lý, nhưng vẫn chấn động đến nỗi đánh rơi cả bộ điều khiển từ xa xuống đất, tất cả những người còn lại cũng đều trố mắt ra. Hệ thống nước ngầm ở cao nguyên Thanh Tạng, không ai dám tin vào tai mình nữa, người nào nghe thấy lần đầu tiên đều có cảm giác như vậy: không chỉ là hoang đường, mà phải nói là xằng bậy xằng bạ mới đúng! Đây là cao nguyên cao nhất thế giới, độ cao bình quân so với mực nước biển là 4.300 mét, diện tích 2.500.000 ki lô mét vuông, gần như chiếm trọn một phần năm lãnh thổ Trung Quốc rồi. Chẳng những vậy, nước ngầm là khái niệm như thế nào chứ, đó là lòng đất sâu không thấy ánh mặt trời, đúng là chỉ có trời mới biết tình trạng dòng chảy như thế nào, có tầng đứt gãy hay không, có chỗ nào rò rỉ hay không, ai có thể nắm được phương hướng ở dưới lòng đất tăm tối mù mịt ấy cơ chứ? Muốn vẽ được bản đồ phân bố hệ thống nước ngầm ở cao nguyên Thanh Tạng, đó chẳng phải là một chuyện quá đỗi viển vông hay sao?

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu nói tấm bản đồ chằng chịt như mạng nhện này thực sự biểu đạt hiện tượng tự nhiên nào đó, thì cũng chỉ có hệ thống nước ngầm tứ thông bát đạt, trải ra muôn hướng mới là phù hợp nhất. Đồng thời, cao nguyên Thanh Tạng cũng đích thực là có tài nguyên nước ngầm hết sức phong phú, từ Khả Khả Tây Lý, đến Mặc Thoát, đến Cổ Cách, đến tuyết sơn, đâu đâu cũng có nước ngầm, ai biết được chúng có liên thông với nhau hay không. Nếu chẳng phải Trác Mộc Cường Ba đột nhiên giác ngộ trong khoảnh khắc, dẫu bọn họ có vắt óc nghĩ thêm một trăm năm nữa, e rằng cũng chẳng thể nào liên tưởng được đến điều đó. Dù đánh giá trí tuệ của người xưa cao đến mấy chăng nữa, cũng không thể nào đến mức ấy được.

Trác Mộc Cường Ba lo lắng hỏi: “Thế nào? Thầy giáo? Thầy nghĩ thế nào? Có khả năng ấy hay không?”

Giáo sư Phương Tân đã tháo chiếc kính lão xuống, day day sống mũi một hồi, đoạn nói: “Đợi chút đã, đợi chút đã rồi hãy hỏi tôi, Cường Ba à, tôi cần phải… tôi cần phải sắp xếp lại tư duy của mình một chút, cậu có biết mình vừa nói gì không hả? Cứ như là hai năm trước khi cậu đưa cho tôi xem tấm ảnh Tử kỳ lân kia vậy, vẫn trực tiếp như thế, vẫn khiến người ta phải kinh động như thế.”

Trương Lập nhìn Trác Mộc Cường Ba với ánh mắt hồ nghi pha lẫn kinh ngạc: “Cường Ba thiếu gia, làm sao anh nghĩ ra được vậy?”

Trác Mộc Cường Ba nhún vai: “Tôi không biết, khi Mẫn Mẫn nhắc tới nước, bỗng có một cảm giác rất mạnh mẽ dâng lên trong tôi. Tôi nghĩ, chắc hẳn phải liên quan đến nước, sau đó tôi liền xâu chuỗi tất cả hành trình của chúng ta trong hai năm nay lại, phát hiện ra rằng, bất kể chúng ta đi tới đâu cũng đều không tách rời khỏi nước. Nói chính xác hơn, thì là sông ngầm dưới lòng đất. Thêm nữa, tất cả các tài liệu về Shangri-la, về phương cách để đến Shangri-la mà chúng ta tìm được, đều nhắc đến nước, nước và thông đạo, liên hệ chúng với nhau, tôi liền nghĩ đến hệ thống nước ngầm. Có điều, tôi vẫn cứ nghĩ, hệ thống nước ngầm này rốt cuộc có thể gợi cho tôi điều gì, cứ nghĩ mãi, nghĩ đi nghĩ lại, cứ có cảm giác rằng hệ thống nước ngầm này chắc hẳn sẽ cho mình biết một điều gì đó. Sau đó, tôi lại liên hệ nó với Shangri-la, muốn đến được Shangri-la, liệu có phải cần thông qua hệ thống nước ngầm hay không? Vậy thì, chẳng phải chúng ta đang có trong tay tấm bản đồ duy nhất chỉ đường đến Shangri-la hay sao? Nhưng tấm bản đồ ấy chằng chịt như mạng nhện, mà hệ thống nước ngầm vừa khéo phù hợp với đặc tính này. Kỳ thực, ý nghĩ này chỉ lóe lên trong khoảnh khắc, bản thân tôi cũng không hiểu là chuyện gì nữa.”

Nhạc Dương không sao tin nổi thốt lên: “May mà anh nghĩ được ra đấy, Cường Ba thiếu gia, anh phải biết là, dù với trình độ khoa học kỹ thuật của ngày nay, người ta cũng không thể nào thăm dò được một cách hoàn chỉnh hệ thống nước ngầm ở cao nguyên Thanh Tạng đâu đấy. Cổ nhân từ một nghìn năm trước, làm sao có thể làm được điều đó? Tôi thật không sao tưởng tượng ra nổi.”

Trác Mộc Cường Ba nói: “Kỳ thực, lẽ ra tôi phải nghĩ đến từ trước rồi mới phải. Bởi người xưa đã nói rất rõ ràng với chúng ta, có điều tôi đã sơ suất bỏ qua mất mà thôi.”  Nhạc Dương giật mình kinh ngạc: “Hả? Chuyện thế nào vậy?”

Trác Mộc Cường Ba nói: “Pháp sư Á La, còn nhớ những hình vẽ chúng ta thấy trong các thạch thất ở Đảo Huyền Không tự không? Trong đó có một bức, vẽ vô số con thuyền đi vào bóng đêm. Chúng ta không ghi hình lại, cũng không chú ý đến hàm nghĩa của những hình vẽ đó. Thực ra, qua những bức vẽ ấy chính là người xưa muốn cho chúng ta biết, họ đã đi đâu. Pháp sư có còn nhớ dạng thức của những con thuyền ấy không? Pháp sư Á La? Dòng sông ngầm bên dưới cao nguyên Thanh Tạng này, chỉ sợ còn lớn hơn trong tưởng tượng của chúng ta nhiều lắm.”

Pháp sư Á La nhìn tấm bản đồ ngang dọc chồng chéo, những đường nét mảnh như tơ nhện chằng chịt vào nhau, bất giác nhắm nghiền mắt lại. “Trôi dạt trên dòng sông U Minh đen kịt như mực mấy nghìn vạn năm…” “trôi dạt trên dòng sông U Minh đen kịt như mực mấy nghìn vạn năm…” – một câu nói đơn giản ấy mà lại ẩn chứa cả một chặng đường gian nan nhường nào, chọn lựa bóng đêm để vùi chôn bóng đêm ư? Từ bỏ ánh sáng mà mình khát vọng, đi vào bóng đêm tuyệt đối, con người, liệu có thể kiên trì được bao lâu? Nếu tất cả đều là sự thật, thì tấm bản đồ này, chính là thành quả của vô số cổ nhân đã đem tính mạng mình ra để vẽ lại. Bức bích họa trong Đảo Huyền Không tự một lần nữa lại xuất hiện trong tâm trí pháp sư Á La, ông chợt cảm thấy chấn động tự đáy lòng, bao nhiêu con người, bao nhiêu con thuyền, lần lượt tiến về bóng đêm xa xăm mờ mịt để tìm kiếm thánh địa trong truyền thuyết. Hành động ấy, cần lòng can đảm và quyết tâm lớn đến nhường nào. Các vị cổ nhân từ trăm nghìn năm trước, đúng là đã quyết tâm liều chết để theo đuổi hy vọng!

Nhạc Dương lên tiếng: “Cường Ba thiếu gia, anh muốn nói, những dòng sông ngầm ấy có thể đi thuyền được cơ à? Lớn vậy sao?”

Trác Mộc Cường Ba gật đầu: “Ừm, ít nhất là bức bích họa đó vẽ như vậy. Còn nhớ Đảo Huyền Không tự ở Cổ Cách không? Cái khe sâu dưới lòng đất ấy, chiều rộng mà chúng ta cảm nhận được đã hơn hai trăm mét, ai biết được bên dưới còn lớn chừng nào, vì vậy tôi nghĩ, có thể người xưa hiểu biết gì đó về khe sâu bên dưới, nên mới dám ngồi thuyền lần mò trong bóng đêm, tiến lên phía trước, đồng thời dùng phương pháp của riêng họ vẽ và để lại cho chúng ta một tấm bản đồ phân bố sông ngầm. Tôi còn nhớ lúc đó, đội trưởng Hồ Dương đã đặt ra nghi vấn rằng, tấm bản đồ này đâu đâu cũng là lối vào, chỗ nào cũng là lối ra, không biết là đi từ đâu đến đâu. Nhưng mới rồi, chúng ta đã được pháp sư Á La cho biết,những đường nét màu sắc khác nhau, cộng với những ký hiệu con giáp khác nhau, biểu thị những giờ khác nhau trong ngày. Những số chỉ giờ này tăng từ trên xuống dưới, vậy cũng có nghĩa là, hướng thuyền đi là từ đầu này tới đầu kia. Chỗ đánh dấu thời gian sớm nhất, chính là lối vào, còn thời gian sau cùng, chính là thời gian chúng ta đến được điểm đích. Đích đến mà tấm bản đồ này chỉ đến chính là… Shangri-la!”

“Không sai.” Giáo sư Phương Tân cũng đã định thần lại, phân tích một cách rành mạch: “Tôi hiểu rồi, thứ người xưa vẽ ra ở đây không phải là bản đồ phân bố hệ thống nước ngầm của cao nguyên Thanh Tạng, hệ thống đó lớn quá, phức tạp quá, không bao giờ có thể thăm dò hết được. Tấm bản đồ này là bản đồ hệ thống sông ngầm từ thế giới bên ngoài, đi qua cái rốn của quả đất hay là thông đạo bí mật trong truyền thuyết để đến được Shangri-la. Sông ngầm và nước ngầm là hai khái niệm khác nhau, sông ngầm chỉ là một loại nước ngầm. Chỉ cần lòng sông đủ rộng để ngồi thuyền, việc đến được Shangri-la sẽ bớt khó khăn đi rất nhiều. Có điều, đó cũng tuyệt đối có thể coi là một hành động vĩ đại rồi, ít nhất thì, cổ nhân đã dám làm một chuyện mà chúng ta thậm chí cả nghĩ còn không dám nghĩ tới, hơn nữa, họ đã thành công!”

Nhạc Dương nói: “Nhưng, dù những đầu mối đó và suy đoán của chúng ta trùng khớp, thì cũng biết tìm những lối vào kia ở đâu bây giờ? Khe sâu ở Đảo Huyền Không tự đã sập xuống mất rồi, ít nhất trong vòng một hai năm tới chúng ta không thể đến chỗ ấy được.”

Giáo sư Phương Tân ngẩng đầu, ánh mắt thông tuệ tựa như xuyên thấu cả thời không, điềm đạm nói: “Không, ít nhất chúng ta cũng còn biết một lối vào nữa.”

“Ở đâu?” Trác Mộc Cường Ba vội vàng hỏi. “Cánh cửa Địa ngục!” giáo sư Phương Tân đáp.

“Cánh cửa Sinh mệnh đã khép lại, Cánh cửa Địa ngục sẽ mở ra, Cánh cửa Địa ngục mở ra, các sứ giả dũng cảm phải lên đường. Họ băng qua Minh hà, vượt qua hoang mạc, lội qua đầm lầy có vô số độc trùng, trải qua tất cả gian nan khổ nạn, đến được Thánh điện trên trời, tiên cảnh chốn nhân gian… Hương Ba La!” Tiếng ca thật quen thuộc, như tự trời cao vẳng xuống, lại như vang vang hồi vọng giữa sơn cốc rộng mênh mông, giọng nam trung cổ phác mà hồn hậu đang cất lên, hình ảnh Đa Cát với vẻ mặt không sợ trời không sợ đất lại thấp thoáng hiện lên trong óc Trác Mộc Cường Ba. Viên hồng bảo thạch đang đặt ở chính giữa căn phòng, phát ra thứ ánh sáng đỏ nhàn nhạt hắt lên bức tường, chiếu ra mật quang bảo giám. Chuyện Đa Cát tận tay trao viên hồng bảo thạch ấy cho gã ngỡ như chỉ vừa mới hôm qua.

“Cánh cửa Địa ngục,” Trác Mộc Cường Ba nhắm mắt, thậm chí còn cảm thấy hơi chóng mặt, bọn gã đã từng đến gần chân tướng sự thật gần đến thế, để rồi cuối cùng lại vòng một vòng lớn, phải chăng đây là trời cao đã sắp đặt? Đến tận cùng, gã vẫn không thể thoát ra khỏi cái vòng luân hồi ấy.

“Cánh cửa Địa ngục! Là Cánh cửa Địa ngục mà Đa Cát nhắc đến ấy à?” Nhạc Dương cũng sực nhớ ra, lúc đó anh còn chế giễu Đa Cát, chẳng lẽ cứ đi xuôi dòng Nhã Lỗ Tạng Bố là được à, thật không ngờ, thật không ngờ lại đúng là như thế! Giáo sư Phương Tân nói: “Ừm, chính là Cánh cửa Địa ngục đối lập với Cánh cửa Sinh mệnh ấy. Cường Ba, cậu vẫn chưa trở lại thôn Công Bố, đúng không?”

“Vâng.” Trác Mộc Cường Ba cúi đầu đáp. Sau khi Đa Cát qua đời, đã ủy thác gã mang viên Thiên châu và mảnh ngọc giao cho Ca Ca, không ngờ mấy lần định đến đó đều bị những chuyện đột xuất làm chậm trễ, cuối cùng không thể lên đường. Giờ nghĩ lại, gã không khỏi cảm thấy áy náy trong lòng.

Giáo sư Phương Tân nói: “Được rồi, chúng ta đã lần ra được đầu mối này, cậu cũng nên chuẩn bị trở lại thôn Công Bố đi, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thêm các đầu mối trên bản đồ và bức mật quang bảo giám này, còn các cậu đi sâu tìm hiểu thêm chút nữa, khi nào trở về sẽ xác định kế hoạch chi tiết. Tôi nghĩ, lần này nhất định là sẽ có phát hiện mới đấy.”

Trác Mộc Cường Ba bước đến trước xe lăn của giáo sư Phương Tân, quỳ một chân xuống như kỵ sĩ châu Âu thời Trung cổ, ngước lên nhìn ông chăm chú: “Nhất định là như vậy.”

Thời gian có hạn, bốn người bọn Trác Mộc Cường Ba chuẩn bị một số công cụ để hành động dưới nước như thuyền bơm hơi, đồ lặn… rồi trở lại thôn Công Bố. Vì trực thăng quá kềnh càng, mà việc mượn hay điều động cũng rất nhiều thủ tục lằng nhằng, hơn nữa mục tiêu quá rõ ràng, để đề phòng vạn nhất, họ quyết định đi đường bộ đến đó. Thôn Công Bố vẫn chưa thông với đường quốc lộ, mà nhóm phải đi bộ đường dài, nên để Đường Mẫn ở lại giúp giáo sư Phương Tân sắp xếp các đầu mối vừa mới phát hiện được.

Dọc đường, chủ đề câu chuyện của mấy người bọn họ chỉ xoay quanh Shangri-la. Pháp sư Á La nói: “Các cậu có biết, tại sao trong khi đa phần mọi người cho rằng Shangri-la là vùng đất lý tưởng chỉ có trong truyền thuyết, vẫn có rất nhiều người dân tộc Tạng tin chắc rằng nó thực sự tồn tại hay không?”

Trương Lập đưa mắt nhìn Nhạc Dương, nói: “Đâu có, chúng tôi đều tin là thật cả mà.” “Thật sao?” Pháp sư Á La cười điềm đạm: “Trước khi nhìn thấy tòa thành được ánh sáng tỏa chiếu, các cậu cũng nghĩ như vậy à?”

Trương Lập ngại ngùng gãi gãi đầu. Trác Mộc Cường Ba nói: “Đúng vậy, trước đây, tôi vẫn luôn cho rằng nó chỉ là vùng đất hư ảo, lý tưởng trong truyền thuyết, về bản chất không khác gì vườn Địa đàng của Thiên Chúa giáo, Thái Xung ảo cảnh của Đạo giáo, hay Cực lạc thế giới của Phật giáo cả. Hiện giờ, tôi hy vọng là mình đã sai.”

Pháp sư Á La nói: “Cường Ba thiếu gia, mọi người đã tra cứu tìm hiểu khá nhiều tài liệu về Shangri-la, có biết Shangri-la khởi nguồn từ đâu không?”Trác Mộc Cường Ba đáp: “Theo những gì tôi tìm hiểu và kiểm chứng, thư tịch đầu tiên nhắc đến Shangri-la, làĐại Thiên Luân kinh, các truyền thuyết về Shangri-la sau này, đại để cũng đều từ bộ kinh thư này mà ra cả.”Trương Lập ngạc nhiên thốt: “Đại Thiên Luân kinh? Hình như tôi nghe thấy tên này ở đâu rồi ấy nhỉ?”

Pháp sư Á La gật đầu: “Đúng thế, Đại Thiên Luân kinhlà pháp điển tối cao của Mật giáo, được vị đại tôn sư thời Hậu Hoằng kỳ, A Để Hiệp đại sư mang đến. Theo các ghi chép trong cổ tịch, A Để Hiệp đại sư khai đàn giảng kinh, đã nói rõ bộ kinh này chứa đựng toàn bộ đại thành tựu của Mật giáo, tinh thông kinh này, ắt sẽ lý giải được tất thảy mọi kinh văn khác, ngộ ra tất cả pháp môn của Mật truyền Phật giáo. Tư tưởng hạch tâm của tất cả Tạng truyền Phật giáo thời Hậu Hoằng kỳ, bất kể là phái biệt, giáo tông nào cũng đều diễn sinh từ bộ kinh thư này cả. Bộ kinh thư này miêu tả một vũ trụ và thế giới khác hẳn với Phật giáo Hiển tông. Shangri-la có vị trí rất quan trọng trong bộĐại Thiên Luân kinhnày.”

Trác Mộc Cường Ba tiếp lời: “Không sai, chính vì trong đó miêu tả một vùng thánh địa lý tưởng của Phật giáo, nên những người không phải là tín đồ như chúng ta tự nhiên sẽ cho rằng chỉ là truyền thuyết rồi.”

Pháp sư Á La nói: “Nhưng cũng đừng quên rằng, trước khi khai đàn giảng Đại Thiên Luân kinh, AĐể Hiệp đại sư từng nói rất rõ ràng rằng, bộ kinh thư này không phải do các học giả Ấn Độ soạn ra, mà truyền đi từ Tây Tạng, về sau đã thất truyền ở Tây Tạng, nên ông ấy mới mang cuốn kỳ thư khoáng thế này trở lại. Rất ít người coi trọng câu nói đó, thậm chí rất nhiều vị học giả cũng không hoàn toàn để tâm tìm hiểu. Những điều A Để Hiệp đại sư nói đều là sự thật, và trước khi bộ kinh thư này xuất hiện, còn tồn tại một cái tên khác, chính là tiền thân của Shangri-la, Nguy Ma Long Nhân!”

“Tiền thân của Shangri-la?” Trương Lập và Nhạc Dương đồng thanh kêu lên kinh ngạc. Shangri-la họ có nghe nói đến rồi, nhưng tiền thân hậu thân gì thì chưa bao giờ nghe ai nhắc tới cả.

Pháp sư Á La nói: “Các cậu nghe thử xem Nguy Ma Long Nhân được miêu tả thế nào rồi hãy kết luận. Nguy Ma Long Nhân là thánh địa của Bản giáo Tây Tạng, là tiếng Tượng Hùng, dịch nghĩa ra đại khái là vùng đất niết bàn, xung quanh có các đỉnh núi tuyết tựa như tám cánh hoa sen bao bọc, có thánh thú bảo vệ bốn phương canh giữ. Từ đây có bốn dòng sông chảy đi khắp nơi trên thế giới. Không một ai có thể vượt qua núi tuyết để đến được nơi ấy, lối ra vào duy nhất chính là một đường hầm tối tăm không thấy ánh mặt trời, vươn tay ra không nhìn thấy năm ngón. Tân Nhiêu, tổ sư của Bản giáo chính là được sinh ra ở vùng đất Nguy Ma Long Nhân đó. Ông ta đi ra từ đường hầm ấy, điểm hóa thế nhân. Vì vậy, vàothời thượng cổ, tất cả các tín đồ Bản giáo đều tin Nguy Ma Long Nhân thực sự tồn tại, giống như ngày nay chúng ta tin rằng Hoàng Đế, Viêm Đế, Đại Vũ thực sự tồn tại vậy. Lẽ ra Tượng Hùng có thể có những ghi chép miêu tả tường tận hơn về Nguy Ma Long Nhân, chỉ tiếc là trong lịch sử binh hỏa liên miên ấy, tất cả sử liệu của quốc gia bị diệt vong này cũng đều tan thành tro bụi cả rồi.”

Nhạc Dương nói: “Nghe pháp sư nói vậy thì cũng đúng là giống thật.” Trương Lập chợt hỏi: “Nhưng mà, nếu A Để Hiệp đại sư không nói thật thì sao?”

Pháp sư Á La nói: “Ừm, về điểm này không có gì để nghi ngờ, vì bản thân Đại Thiên Luân kinhđã nói rất rõ ràng rồi. Bộ kinh thư này chính là những điểm tâm đắc mà vị vương của Shangri-la ghi chép lại sau khi gặp và cùng thảo luận về thế gian đại đạo với tổ sư Phật giáo Thích Ca Mâu Ni. Tương truyền bộ kinh thư này tổng cộng có một vạn hai nghìn bài tụng, mỗi bài giảng một chuyện, thâu tóm tất thảy vạn vật trên thế gian, lớn thì như đại đạo sinh tử của trời đất, nhỏ thì đến sự sinh trưởng của loài trùng loài kiến, cây cỏ nảy mầm… không gì là không có. Chỉ đáng tiếc, khi truyền đến A Để Hiệp đại sư chỉ còn lại một nghìn hai trăm bài tụng. Chỉ một nghìn hai trăm bài tụng này thôi đã bao gồm tất cả ý nghĩa thâm ảo của Mật giáo, dung hòa thiên địa, nhất quán cổ kim. Các vị Phật học đại sư sau này, đa phần đều chỉ nghiên cứu bộ kinh thư này. Thật khó mà tưởng tượng nổi, một pho điển tịch đầy trí tuệ như thế có thể do người nào, hay một nhóm người nào viết ra.”

Nhạc Dương gật gù: “Nói như vậy thì bộ Đại Thiên Luân kinhnày chính là kết tinh trí tuệ của nhân dân Shangri-la, do người Shangri-la đưa đến Tây Tạng, rồi lại từ Tây Tạng truyền đến Ấn Độ, mà Shangri-la lại chính là Nguy Ma Long Nhân trong Bản giáo, mà Nguy Ma Long Nhân lại là một nơi thực sự tồn tại trong lịch sử, đồng thời bất cứ người nào muốn băng qua núi tuyết đều không thể đến được nơi đó. Muốn đến, phải thông qua đường hầm, cũng chính là cái rốn địa cầu, đường hầm bí mật được nhắc đến trong các truyền thuyết về Shangri-la, phải vậy không, pháp sư?”

Trương Lập tiếp lời: “Chính là thứ mà giờ chúng ta đang tìm kiếm.” Pháp sư Á La lại nói: “Cường Ba thiếu gia, sao cậu không nói gì vậy? Lại nghĩ ra điều gì rồi à?”

Trác Mộc Cường Ba nói: “Pháp sư Á La, những gì ngài nói rất quan trọng, tôi có cảm giác như vừa nắm bắt được thứ gì đó rồi, có điều giờ vẫn chưa thể xâu chuỗi lại được, chắc là trở về sẽ phải tìm thêm tài liệu, nói không chừng sẽ có phát hiện mới nữa cũng nên. Pháp sư, ngài nói xem, tại sao Nguy Ma Long Nhân kia lại được gọi là vùng đất niết bàn?”

Pháp sư Á La đáp: “Là như vậy, tương truyền, từ thuở trời đất mới khai sinh, vùng đất Nguy Ma Long Nhân này đã tồn tại, và vĩnh viễn không bao giờ bị hủy diệt. Cứ cách một nghìn lẻ hai mươi tám năm, nó sẽ tái sinh trong ngọn lửa một lần, rửa sạch mọi thứ ở trong đó. Vào ngày hôm đó, cùng với sự tái sinh của thánh địa, tất cả những tín đồ Bản giáo kiền thành nhất sẽ được đến miền Cực lạc, đắc thành chính quả, bất sinh bất diệt, vì vậy mới gọi là vùng đất niết bàn.”

Trác Mộc Cường Ba nói: “Càng lúc tôi càng có niềm tin rằng, tất cả những gì chúng ta tiếp xúc, sẽ đưa chúng ta đến một Shangri-la chân thực, một vùng đất đã bị lãng quên trong góc khuất nào đó của lịch sử.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx