Thái Nguyên, Cống viện.
Mỗi một châu phủ Đại Tống đều có Cống viện, tập trung cống phẩm địa phương. Trước kia, các Cống viện đều khá nhỏ bé, nhưng từ khi Triệu Cát đăng cơ, ham thích sưu tầm bảo vật thiên hạ, Cống viện các nơi rất được chú trọng. Chẳng qua, cũng vì Hoàng đế thích lùnng đồ hiếm quá tay, đặc biệt là đá quý, mới khiến dân gian sinh biến, góp phần giúp Triệu Doãn tạo phản.
Lúc này bên trong Cống viện.
Chỉ thấy giữa sảnh đang bày vài món bảo vật kỳ lạ. Một viên quan tầm 40 tuổi đang thong thả vừa đi đi lại lại xem xét. Đi sau y là một nhóm quan viên, hễ y xem món nào liền xum xoe giới thiệu.
Được một lát, viên quan nọ dừng chân có vẻ hách dịch hỏi:
- Cống vật ngoài thành đến đâu rồi?
Một viên quan bụng phệ vội khúm núm chắp tay:
- Bẩm Thái úy, giờ Ngọ ngày mai sẽ vào thành.
- Hừm, lần này phải làm cho tốt, đừng để bất trắc gì.
- Thái úy xin yên tâm.
Ra là Điện Tiền Đô Thái úy Cao Cầu, còn kẻ vâng dạ là Hồng Lô tự Thiếu Khanh Phiền Kiên.
Vốn Cao Cầu phải hộ tống đoàn cống phẩm. Chẳng qua xe cống quá chậm chạp, đường đi lại vắng vẻ nóng nực, y liền giao cả cho Lâm Xung Khương Tuấn, bản thân phi thẳng đến Thái Nguyên chờ.
Lại nói, Cao Cầu tuy là chính sứ, nhưng lần này y cốt chỉ làm theo ý Triệu Cát chạy đi tranh công, chứ không thực sự toàn tâm toàn ý. Mọi việc y đều ném cho Phiền Kiên. Mà Phiền Kiên cũng không khác là bao. Y đang là Lễ bộ Thị lang, chuyến đi sứ này với Phiền Kiên sẽ giúp y càng gần ghế Thượng thư.
Cao Cầu hôm nay đến Cống viện tâm ý qua loa rồi thôi, đang định vài câu xong chuyện thì có người báo:
- Thái úy, ti tướng Lưu Đức có chuyện gấp muốn bẩm báo.
Lưu Đức, Thái Nguyên Phòng ngự sứ, phụ trách phòng vệ Thái Nguyên.
Chức Phòng Ngự Sứ tuy danh nghĩa chưởng quản quân đội một châu phủ, nhưng lại không thực sự có quyền điều quân. Thời Tống, binh lính quân lương võ trang đều bị triều đình quản rất chặt, các chức tướng ở địa phương đa phần là hư chức, có quân nhưng không có lệnh.
Phiền Kiên nhìn sắc mặt Cao Cầu rồi lật đật chạy ra thay mặt hỏi Lưu Đức:
- Lưu Tướng quân có chuyện gì?
- Phiền đại nhân, chuyện rất cấp. Cống phẩm trên đường chỉ e sẽ có chuyện...
Phiền Kiên tim nhảy thót, cẩn thận hỏi:
- Lại đám thổ phỉ Hạo Khí Minh gì kia? Chuyện này chẳng phải hôm nọ đã bàn, sẽ để nha dịch lo rồi sao?
Lưu Đức mồ hôi rịn ra từng đợt, nói:
- Tình hình phát sinh ngoài dự kiến, nha dịch không thể lo xuể. Xem chừng phải cần quân đội hỗ trợ.
- Lớn như vậy?
Cao Cầu ở bên trong giống như cũng nghe thấy, nhưng vẫn thản nhiên rảo bước xem tiếp bảo vật.
Địa vị võ quan thời Tống cực kỳ thấp, thành ra Lưu Đức tuy là võ quan tam phẩm, lại có vẻ khép nép trước Phiền Kiên vốn là quan văn tứ phẩm. Đương nhiên, loại trừ những người như Cao Cầu, ông ta là hồng nhân cạnh Hoàng đế, căn bản không cần xem phẩm trật.
Lưu Đức vẻ mặt càng thêm nghiêm túc nói:
- Trọng yếu là, lính tuần tra còn phát hiện có... phản quân.
- Quân Triệu Doãn?
Phiền Kiên kinh hoảng thốt lên. Khó trách Lưu Đức lại muốn bẩm báo với Cao Cầu.
Cao Cầu là Điện Tiền Đô Thái úy, đứng đầu Tam Nha, là người nắm giữ cấm toàn bộ quân tinh nhuệ của Đại Tống. Chỉ là, y lại không có quyền phát binh, cái này do Xu Mật viện nắm. Chẳng qua, quan hệ của y và Xu Mật sứ Đồng Quán khá tốt đẹp. Với những trường hợp đặc biệt, Cao Cầu ít nhiều vẫn có thể làm chủ được.
Hơn thế, lần này Cao Cầu ngoài Chính sứ còn là Tuyên Phủ sứ Hà Đông, chính là chức Khâm sai hay có trên phim, có toàn quyền quyết định ở Hà Đông. Vấn đề chỉ là, Lưu Đức chỉ là một chức Phòng Ngự Sứ, trực tiếp bẩm báo thế này thì không đúng “tuyến đường” cho lắm.
Phiền Kiên gắng trấn định nhắc:
- Lưu tướng quân, ngươi không phải không biết. Chuyện này phải theo đúng trình tự của nó...
Lưu Đức bất mãn cắt lời:
- Phiền Đại nhân, bản tướng dĩ nhiên biết rõ. Chẳng qua tình hình cấp bách, nếu cứ lòng vòng như vậy chỉ e thổ phỉ cướp sạch chúng ta mới điều động được người.
Phiền Kiên liếc mắt vào trong rồi mới nói:
- Được rồi, bản quan sẽ hỏi ý Thái úy xem sao...
...
Tống Thái Tổ lập quốc, lo sợ nạn phiên trấn cát cứ thời Ngũ Đại Thập Quốc tái diễn, cho nên thi hành chính sách thu hồi binh quyền về trung ương, quân tinh nhuệ cũng đều dồn cả về kinh thành lập thành Tam Nha. Quân địa phương khá mỏng và rời rạc.
Ở những nơi trọng điểm phòng ngự như Hà Đông Hà Bắc, để lấp vào khoảng trống thiếu binh đồn trú, triều đình ngoài cho phép mộ binh, tạo thành các đoàn luyện sứ. Để ngăn mộ binh phát triển, triều đình luân phiên điều động. Đơn cử như đoàn luyện Bình Định, gốc gác của bọn họ phần lớn đều là người Sơn Đông.
Trong số 15 đạo nhà Tống, không phải đạo nào cũng đóng đoàn luyện doanh, ví dụ Lưỡng Chiết không có. Lý do là những chỗ này khá an toàn. Ngược lại, có những đạo đóng rất nhiều doanh. Điển hình Hà Bắc có đến 9 quân doanh, Hà Đông 7 cái, Kiếm Nam cũng đến 7 cái. Cũng vì Hà Bắc có đến 9 đoàn luyện đông nhất cả nước, đã tạo cơ hội cho Triệu Doãn làm phản.
Riêng Hà Đông, trong 7 đoàn luyện quân, quân Thiên Ba của Dương gia là lộ thiện chiến nhất, vì từng liên tục tham chiến với người Khiết Đan. Kế đó là quân Bình Định của cha con Lưu Diên Khánh Lưu Quang Thế.
Lúc này, ở một nơi giữa bình nguyên Hoàng Phiếm, thấp thoáng quân phục màu đỏ đặc trưng của quân Tống. Đây là đoàn luyện doanh Bình Định.
Phía hậu doanh, vài tên lính trốn thao luyện đang ngồi chuyện phiếm giải sầu:
- Này, nghe nói đêm trước Thiên Diện Quỷ Thủ lại xuất hiện đấy?
- A, là ma nữ từng ám sát Dương lão tướng?
- Ta thì nghe nói gần đây phía nam có tin đồn “thiên cơ do chân, thần quỷ tự tại” gì đó. Không có lẽ ma quỷ thực sự xuất hiện?
Một tên mặt vuông cục mịch chửi:
- Toàn là tin đồn nhảm, vậy mà các ngươi cũng tin sao? Chỉ một nữ nhân lại có thể chống lại ngàn quân, rõ vớ vẩn.
Mấy tên lính có vẻ đều đã quen tính khí của đồng bạn mình, ra vẻ cười nhạo:
- Lão Ngưu, đừng có mạnh mồm. Nói không chừng vài hôm nữa ngươi sẽ gặp ả ta đấy.
- Tới đây, lão tử sẽ chém chết ả!
Một người khác trầm tính hơn, làm bộ suy ngẫm nói:
- Các ngươi nói xem, rút cục quân Bình Định bị chuyện gì? Chẳng khác nào một đám vô công rồi nghề. Hết quân Kim rồi Triệu Doãn đánh đến nách đều không cho ra trận, cứ phải trấn giữ ở cái chỗ đồng khôngg mông quạnh chó chết này, ngay cả chim cũng chả có lấy một con.
- Còn không phải vì tướng quân bị trúng độc, không thể xuất trận sao?
- Ta nghe nói, tướng quân bị cấp trên hạ độc thủ.
- Ta lại nghĩ do đám người Liêu trả thù.
Một kẻ khác làm vẻ già dặn phân tích:
- Khó nói. Mấy chuyện này lính quèn chúng ta không hiểu hết được.
Tên cục mịch Ngưu Cao nghe vậy lại chửi tục:
- Có cái m* gì mà không hiểu. Chắc chắn là lũ cẩu quan Đổng Quán Sái Kinh gì đó. Thấy quân Bình Định chúng ta dũng mãnh thiện chiến, sợ chúng ta lập quá nhiều công lao. Ghen ghét đố kỵ chứ gì?
Đúng lúc có tiếng quát:
- Các ngươi ăn no rửng mỡ sao? Mau ra ngoài thao luyện.
- Hỏa trưởng, khi nào thì được đánh trận? Luyện mà không đánh thì luyện làm gì chứ?
Tên hỏa trưởng khó chịu mắng:
- Hừ, đừng có hỏi nhiều. Không chịu luyện, đến lúc có trận ông lại cho các ngươi đi xúc phân ngựa hết bây giờ.
Đúng lúc này...
- Báo!
Cả đám lính nhìn lại, chỉ thấy một thớt ngựa hí dài trước cổng doanh. Một tên thám báo nhảy nhanh xuống ngựa, trên lưng mang bọc vải cùng một lá cờ màu. Coi bộ có quân báo khẩn. Đám binh lính nhìn nhau, đều trông cho cái kia là lệnh chuyển quân đi đánh dẹp gì đó, thậm chí đánh vài chục tên thổ phỉ cũng được.
...
Bên trong doanh trướng.
“Khục khục”
- Tướng quân, ngài không sao chứ?
- Một chút thương hàn không làm khó được ta.
Ngồi ở ghế chủ tướng là một trung niên giáp trụ chỉnh tề, chỉ là sắc mặt rất không tốt. Y là Đoàn luyện sứ Bình Định Lưu Quang Thế.
Lưu Quang Thế từ nhỏ đã theo cha tòng quân, lớn lên trong quân trại. Y tính tình cứng cỏi thận trọng, trung thành với quân đội, được xem là tướng lĩnh triển vọng của quân Tống.
Năm trước, Tống Kim liên minh đánh Liêu, Kim phía bắc Tống phía nam. Trong chiến dịch Tích Tân, Lưu Quang Thế lúc đó đang giữ Dịch Châu lại hội quân chậm trễ, để quân Trấn Nam của Mộc gia chiếm được Tích Tân trước, dẫn đến quân Tống trắng tay. Mặc dù tổng thể do quân Tống bạc nhược, nhưng trách nhiệm của Lưu Quang Thế là không thể rũ bỏ.
Bởi vì Lưu Diên Khánh cha Lưu Quang Thế từng là bộ tướng trong Dương gia, trong khi Dương gia lại là thông gia với Mộc gia, Lưu Quang Thế bị hiềm nghi cố ý chậm trễ quân vụ thông đồng dị tộc. Sau chuyện đó bị giáng chức điều về Hà Đông.
Mấy hôm trước, Lưu Quang Thế đột nhiên suy yếu rõ rệt, y quan trong quân lại không dò ra được bệnh gì. Sau cùng dựa vào tình hình phức tạp gần đây, chúng tướng đều dự đoán Lưu tướng quân bị hạ độc.
Có người nói, bởi Lưu Quang Thế có tài dùng binh nhưng lại thẳng tính khó mua chuộc, trong triều có kẻ ghen ghét mới ám hại ngầm. Lại có tin nói, là do thế lực ngầm muốn tạo phản, e ngại quân Bình Định tinh nhuệ nên hạ độc thủ Lưu Quang Thế.
Lưu Quang Thế đang cầm trong tay một tờ quân lệnh vừa đến, khó khăn giương mày nói:
- Có quân lệnh, các ngươi lập tức chuẩn bị xuất binh.
Một viên tiểu tướng cất giọng khuyên:
- Tướng quân, hiện ngài đang như vậy e rằng không thích hợp đi. Chỉ là một đám thổ phỉ mà thôi, mạt tướng xin đi...
Có ai đó trầm giọng cắt ngang:
- Chỉ e tình hình không đơn giản như vậy.
- Nhạc lão đệ, ngươi có cao kiến gì?
Lưu Quang Thế nhìn sang, ánh mắt có chút chờ mong.
Chỉ thấy một thanh niên thân hình cao lớn, ánh mắt hữu thần.
Chính là người đứng trong đám đông bình luận thương pháp của Dương Tái Hưng và Lăng Phong ở Ngô gia trang. Mà nếu Lăng Phong ở đây, có khi còn biết cả tên gã.
Gã là Nhạc Thành, từng cận vệ cho Triệu Khánh ở kinh thành, không rõ vì sao lại ở tận Hà Đông.
Chỉ nghe Nhạc Thành hắng giọng nói:
- Thuộc hạ mấy hôm trước nghe ngóng, biết phỉ tặc lần này có không ít kẻ thân thủ cao cường. Thuộc hạ thấy không nên quá chủ quan, tránh tổn thất không đáng có.
Lưu Quang Thế liền nói:
- Đã như vậy, bản tướng đích thân dẫn binh, Nhạc Thành làm tiên phong.
- Thuộc hạ tuân mệnh!
Đám tiểu tướng nghe vậy đều nhìn nhau, có chút không phục.
Nhạc Thành chỉ vừa mới gia nhập quân Bình Định, thế nhưng được Lưu Quang Thế thăng ngay làm Giáo úy. Giáo úy chỉ là một chức khá bé, lai được bàn bạc quân vụ trong doanh trướng, không khỏi khiến vài kẻ khó chịu.
@by txiuqw4