sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương VI: Chọn Nghề Thích Hợp: Nghề Nghiệp Nào Phù Hợp Với Trẻ Cứng Đầu?

Hồi bắt đầu công việc giảng dạy tại một trường phổ thông ở ngoại ô, tôi còn rất trẻ và tràn đầy nhiệt huyết. Tôi háo hức đến nỗi không thể tưởng tượng nổi có những giáo viên khác lại không cùng sốt sắng như mình. Vì thế bữa trưa đầu tiên của tôi ở phòng giáo vụ khiến tôi thấy hoàn toàn bất ngờ.

Ngồi giữa một rừng giáo viên dạn dày kinh nghiệm, tôi đã mong sẽ nghe được những kiến thức quý báu, một vài lời khuyên, những khuôn vàng thước ngọc của nghề giáo. Nhưng thay vào đó, tôi chỉ toàn nghe thấy những lời bàn tán bất mãn về “hệ thống” và không ít lời phàn nàn về các học sinh cá biệt. Một giáo viên trung niên đứng dậy để đi lấy đầy cốc cà phê. “Tôi ghét toàn bộ hệ thống này,” ông càu nhàu. “Lũ học sinh thì láo toét, việc hành chính lách cách, lại còn yêu cầu đào tạo mới nữa chứ!”

Lẽ ra biết điều thì tôi nên im lặng, nhưng tôi đã sôi nổi tranh luận với ông. Dù không hề tỏ ra xấc xược, nhưng tôi muốn hỏi ông một câu cốt yếu: “Nếu thầy ghét dạy học như thế, tại sao lại không bỏ việc và làm việc gì đó mà thầy thấy thích hơn?” Lần này đến lượt ông sửng sốt. Ông ném cho tôi một cái nhìn khinh khỉnh: “Đúng là lính mới tò te.” Ông khụt khịt mũi. “Rồi cô sẽ thấy thôi. Tôi đã bốn mươi lăm tuổi, và tôi có bảo hiểm xã hội. Tôi có một khoản thu nhập ổn định, ba tháng nghỉ ngơi mỗi mùa hè, và bảo hiểm sức khỏe cho cả gia đình. Tại sao tôi lại phải làm lại tất cả vào lúc này chứ?”

Tôi không nói gì, nhưng khoảnh khắc đó đã làm sáng tỏ mọi vấn đề. Tôi nhận ra mình sẽ không để một nghề nghiệp nào đó trói buộc mình. Tôi hạ quyết tâm sẽ không bao giờ để nghề nghiệp nào đó trói chân mình lại, sẽ không có cảnh tôi phải chôn chân với một việc mà mình đã hết đam mê.

Trong thời gian nghỉ hè, tôi thường qua các trung tâm môi giới việc làm và đăng ký vài công việc thời vụ. Tôi tình nguyện làm nhiều công việc khác nhau để học thêm các kỹ năng mới: từ thư ký, nhân viên nhập liệu, trợ lý quảng cáo, nhân viên kiểm kê, lái xe và hàng tá vị trí khác. Mỗi công việc cho tôi những cái nhìn độc đáo, đa chiều, bổ sung cho công việc dạy học của tôi.

Và vào mỗi dịp khai giảng năm học mới, tôi có thể tự hào nói với học sinh: “Cô hoàn toàn có thể ở những nơi khác, làm nhiều công việc khác. Thế nhưng, cô ở đây để dạy các em, bởi vì cô muốn được ở đây hơn ở bất cứ nơi nào khác. Và nếu một lúc nào đó, cô muốn ở nơi nào đó khác hơn là ở đây thì vì các em, và vì chính bản thân cô, cô sẽ lập tức rời khỏi đây.”

Tôi cũng đúc rút ra một điều: hầu hết những người bạn hoặc đồng nghiệp TCĐ của tôi đều có chung quan điểm: không chấp nhận bị mắc kẹt trong một nghề nghiệp nhàm chán hoặc làm chúng tôi thất vọng. Đối với TCĐ, việc làm không chỉ là cần câu cơm, mà còn là niềm đam mê, được thúc đấy, được thỏa mãn, và được thử thách.

Nếu bạn không phải là một TCĐ, chuyện này nghe thật phi lý. Bạn sẽ cố uốn nắn TCĐ con bạn phải “kiềm chế bản thân” và “học cách sống thực tế”. Nói cho cùng thì, công việc hoàn hảo như thế kiếm đâu ra cơ chứ? Chà, điều đó có thể xảy ra lắm chứ? Chẳng phải bạn nên chuẩn bị cho TCĐ của bạn hành trang để có được công việc trong mơ, thay vì an phận với một công việc bất kỳ mà nó kiếm được hay sao?

Tôi đã có dịp tham gia với tư cách khách mời trong chương trình phát thanh ở một vùng ven New York, chủ đề là khi trẻ không thích nghi được với trường học, đặc biệt là TCĐ cực kỳ hiếu động, lúc nào cũng luôn tay luôn chân. Tôi tán thành việc định hướng nguồn năng lượng dồi dào bên trong những TCĐ thay vì việc cố gắng trấn áp chúng. Một thính giả giận dữ đã phản đối tôi: “Đứa con gái học lớp hai của tôi không lúc nào ngừng ngọ nguậy. Tôi muốn nó phải ngồi im vì một ngày nào đó nó sẽ phải đi làm, và nó không thể cứ hứng lên là lại chạy quanh như thế được.”

Tôi chỉ hỏi đúng hai câu: “Thưa ông, có phải ông đang gọi cho tôi từ chỗ làm không?” “Vâng, đúng thế.” Ông đáp.

“Ông gọi cho tôi từ chỗ nào ạ?” Tôi hỏi tiếp.

Có một khoảng lặng trước khi ông trả lời: “Trong xe của tôi. Được rồi, tôi hiểu ý cô.”

Tại sao bạn lại cứ nhất nhất cho rằng TCĐ của chúng ta rồi sẽ phải làm những công việc mà chúng không thích, và không phù hợp? Dĩ nhiên chúng ta cần phải dạy con mình biết cách ra khỏi những nơi thoải mái ấm cúng và xiết chặt kỷ luật để làm cả những việc mà chúng không yêu thích gì lắm. Nhưng tại sao chúng ta không dành nhiều thời gian hơn để giúp con khám phá thiên hướng của mình, và những công việc khiến chúng thực sự yêu thích?

Có nhiều cách để xác định được ngành nghề phù hợp nhất với cá tính của TCĐ nhà bạn. Mẫu số chung có thể tóm gọn trong một từ: đa dạng hóa. TCĐ sẽ phát huy được tiềm năng khi có nhiều lựa chọn, bởi vì sự chuẩn bị tốt nhất cho tuổi trưởng thành sẽ là giúp TCĐ của bạn học được nhiều kỹ năng, khám phá nhiều cơ hội nghề nghiệp và chinh phục nhiều thử thách. Không bao giờ là quá sớm cũng như không bao giờ là quá muộn để bắt đầu học tập cả. Dưới đây là vài phương pháp thực tế giúp bạn khám phá ra niềm đam mê trong tương lai của con từ khi còn ở tuổi ấu thơ cho đến hết tuổi vị thành niên.

CHUẨN BỊ ĐỂ TRẺ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU TỐT NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI

Tuổi ấu thơ

Nuôi dưỡng và khuyến khích tính ham khám phá của con ngay từ nhỏ. Hãy để TCĐ của bạn mặc sức tự do khám phá những khả năng khác nhau và quan sát những gì thu hút tự nhiên sự chú ý của con. Khi các con trai tôi ở tuổi tập đi, tôi phải gửi chúng cho bà ngoại để đi làm. Mặc dù chưa đi vững, cũng chỉ mới bập bẹ nói, nhưng chúng đã thực sự khao khát hiểu biết. Chúng tò mò về mọi thứ. Nhưng mỗi đứa một tính. Cùng là trò chơi với thẻ thông minh, tôi mua rất nhiều bộ về các chủ đề: các ngày trong tuần, các tháng trong năm, bảng chữ cái hình con thú, thái dương hệ, các ngành nghề trong xã hội, vân vân và dán đầy nhà bà ở ngay tầm mắt của các cậu bé. Nhưng mỗi đứa hứng thú với các hình ảnh khác nhau. Robert bị thu hút bởi những ngành nghề trong xã hội và các tấm hình về con người. Ngược lại, Michael lại đặc biệt hào hứng với thái dương hệ và bảng phân loại các tháng trong năm.

Ngay lúc đó, chúng tôi đã vạch ra kế hoạch gồm nhiều bước nhằm khuyến khích các con theo đuổi sở thích của mình, chứ không phải chỉ khoác lên người chúng bộ đồng phục học sinh rồi phó mặc cho trường học với thời gian biểu lên sẵn.

Trước hết, quan sát, ghi chép và lưu giữ những thói quen, khuynh hướng của trẻ khi còn nhỏ để chia sẻ với con bạn khi chúng lớn lên. Không nhất thiết phải ghi chép hàng ngày, nên lưu ý những điều mà TCĐ của bạn thích hoặc không thích, hứng thú hay ác cảm, vân vân… Đôi khi, những chi tiết nhỏ nhất lại có thể giúp TCĐ của bạn nhận ra sở trường và sở thích của bản thân. Khi con bạn lớn, cho con xem những ghi chép này và xác nhận những quan sát của bạn. Cùng thảo luận xem đặc tính nào có thể dẫn đến thành công trong tương lai. Rất có thể cả hai sẽ ngạc nhiên về chuyện những dự đoán của mình hóa ra chính xác đến mức nào.

Tôi xin kể câu chuyện của gia đình tôi làm minh chứng. Em gái tôi nhỏ hơn tôi năm tuổi và, như tôi đã nói, có thể coi là dễ bảo. Khi con bé mới chập chững tập đi thì tôi đã bắt đầu đi học. Cứ đi học về, tôi lại bảo con bé ngồi nghe tôi dạy những thứ mới học được ở trường. Mẹ tôi sớm nhận ra rằng Sandee có một trí tuệ sắc sảo và học rất nhanh. Mẹ mang cho chúng tôi bảng đen, bàn học nho nhỏ, phấn, giấy và sách vở. Chúng tôi chơi hàng giờ liền, và Sandee đã học đọc và làm toán thành thạo trước cả khi học mẫu giáo. Trên thực tế, cô bé chỉ học lớp một có sáu tuần thì thầy hiệu trưởng đã đề nghị cho cô bé nhảy cóc lên thẳng lớp hai. Từ lúc mới chỉ bảy tuổi và hai tuổi, chị em tôi đã cho bố mẹ thấy những dấu hiệu rõ ràng và sống động về nghề nghiệp của mình. Em gái tôi sau này trở thành nhà quản lý tài ba của một công ty bất động sản và quản lý tài sản, còn tôi theo nghề dạy học!

Trường tiểu học

Khi TCĐ của bạn đến tuổi đi học, hãy khuyến khích trẻ viết nhật ký hoặc dùng một cách nào đó khác để theo dõi những thành công lớn nhất và những điều làm trẻ thất vọng, chán nản nhất. Mỗi khi con trai tôi đi học về, chúng tôi luôn hỏi đúng hai câu: “Hôm nay, ở trường, điều gì làm con thích nhất?” và “Con không thích điều gì hôm nay?” Mặc dù thường thì, câu trả lời chẳng khó đoán (ví dụ như thích giờ ra chơi, không thích bữa trưa), nhưng nhờ đó, chúng tôi cũng biết được điều gì khiến chúng hạnh phúc và điều gì làm chúng sợ hãi. Nếu TCĐ của bạn có thói quen viết nhật ký, gợi ý con viết lại những khoảnh khắc vui buồn trong ngày và trong tuần. Còn không, hãy treo một tấm bảng ở nhà và cuối ngày yêu cầu con hoàn thành hai câu: “Điều tuyệt nhất trong ngày hôm nay là…” và “Điều tệ nhất trong ngày hôm nay là…”

Mục đích là giữ được mạch liên hệ giữa bạn và TCĐ của bạn. Hãy lưu giữ những ghi chép và nhận xét định kỳ theo ngày và theo tuần. Đó không chỉ là những nhắc nhở tuyệt vời về những gì đã trải qua mà còn là một dấu hiệu cho thấy điều sẽ làm chúng hạnh phúc trong tương lai!

Tuổi dậy thì

Khi con đến tuổi dậy thì, hãy khuyến khích con tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hãy tìm kiếm các cơ hội để TCĐ của bạn thể hiện và cống hiến tài năng của mình, đồng thời tự con cũng kiểm tra được mức độ hứng thú và thành thạo của bản thân. Các bệnh viện, cảnh sát, thư viện, nhà điều dưỡng, ngân hàng thực phẩm cứu trợ… luôn rộng cửa chào đón các tình nguyện viên và là nơi cung cấp các kinh nghiệm làm việc thực tế. Nếu khó lòng thuyết phục TCĐ của bạn sử dụng nguồn năng lượng dồi dào của chúng vào các hoạt động hữu ích, hãy cho con một đề nghị hấp dẫn như: nếu con chịu dành một khoảng thời gian nhất định tham gia các hoạt động tình nguyện, bạn sẽ để con làm những điều chúng thích như học lái xe hay đi mua sắm với bạn bè. Con bạn càng làm nhiều loại công việc tình nguyện, chúng càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Hãy nhớ thảo luận với con về mỗi công việc và giúp TCĐ của bạn đánh giá được những mặt hay cũng như mặt dở của công việc đó, những cơ hội mà công việc đó mang lại, nhưng nhất thiết phải nêu bật được giá trị công việc đó là nhằm tạo nên sự khác biệt. Với mỗi công việc, khuyến khích con viết nhận xét vắn tắt hàng ngày. Hoặc sử dụng giải pháp bảng đen như đã đề cập ở phần trên.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TCĐ TÌM RA CÔNG VIỆC YÊU THÍCH?

Có nhan nhản các loại cẩm nang hướng dẫn chọn việc lý tưởng cho đủ mọi độ tuổi. Cũng như vô vàn những bản điều tra sở thích, các hội thảo, và hàng loạt các bản đánh giá khác giúp bạn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho con. Đến độ tuổi vào trung học, con bạn đã phần nào hiểu rõ điều gì lôi cuốn chúng, và điều gì ít thú vị hơn. Đừng quá đặt nặng việc phải hướng nghiệp ngay cho con, và đặc biệt là với TCĐ, đương nhiên nó không nên kéo dài bất tận. Không cần phải tích trữ và nghiến ngấu hết cuốn này đến cuốn nọ cẩm nang lựa chọn nghề nghiệp, tốt hơn hết là tiếp cận con bạn trực diện và đơn giản. Miễn là bạn ghi nhớ năm lời cảnh báo sau:

1. Đừng trông đợi TCĐ của bạn cũng muốn những điều bạn muốn

Mỗi người trong chúng ta đều là duy nhất. Hơn nữa, nếu bạn cứ khăng khăng ép con phải làm theo ý mình, TCĐ của bạn sẽ cố tình làm ngược lại chỉ để phản ứng. Hãy nhượng bộ, và bất cứ khi nào có thể, khéo léo chêm thêm vài gợi ý khi trả lời con. Tốt nhất là hỏi trước TCĐ xem chúng có muốn được giúp hay không, và đừng lấy làm phiền lòng nếu chúng từ chối.

2. Khả năng “nhảy việc” của TCĐ là rất cao

TCĐ luôn nằm trong nhóm hay nhảy việc nhất. Họ sẽ phải đổi ít nhất ba, bốn nghề trước khi nghỉ hưu. Rất hiếm TCĐ chịu an phận làm một nghề duy nhất suốt hàng năm trời đằng đẵng, dù việc đó có thời thượng đến mấy đi nữa. TCĐ khó lòng tiếp tục làm việc một khi chúng đã mất hứng hay khi công việc càng ngày càng chán ngắt và khó nhằn. Công việc phải na ná giống như là chơi hơn thì chúng mới có thể gắn bó lâu dài được. Chúng thường tin rằng cái gì cũng tốt hơn vị trí đầy áp lực hiện tại, và sẽ nhảy ra mà không cần dù. Với quan điểm: thà làm những việc tạm thời không vừa ý, chờ đợi thời cơ tìm vị trí bền vững mới còn hơn là ở lại nơi không thích.

3. TCĐ của bạn không ngại vượt qua bất cứ chướng ngại vật nào để đến được nơi cần đến

TCĐ của bạn quả thực không ngại vượt qua bất cứ chướng ngại vật nào để đạt được mục tiêu, nhưng điều đó chỉ đúng khi chướng ngại vật đó là bước đệm để đạt đến mục đích cao hơn của chúng chứ không phải điều gì đó mà chúng buộc phải làm. Không có gì ngạc nhiên khi những TCĐ thiếu kiên nhẫn và tự do nhất đột nhiên bắt tay vào học môn hóa học hay tính toán. Bởi vì đó là yêu cầu bắt buộc để vào được ngành cao học mà chúng muốn theo đuổi. Chứ không phải chỉ vì bạn, hay xã hội bảo phải thế. Tất cả chỉ là vì mục tiêu mà chúng thấy bõ công đầu tư.

4. TCĐ sẽ nghiêng về việc theo đuổi những gì có vẻ hay ho trong thời điểm hiện tại

Bạn nên giúp TCĐ phân tích yêu cầu cụ thể của từng công việc. Việc này sẽ giúp chúng khỏi tiếc nuối về sau. Ví dụ như, TCĐ của bạn mới chỉ nhìn thấy mặt hào nhoáng của việc trở thành một nhà giải phẫu thần kinh như tiền bạc, thanh thế, quyết định việc sống chết của mọi người. Có lẽ bạn, hoặc một người bạn làm nghề giải phẫu thần kinh có thể tìm ra một cách nhẹ nhàng để giúp TCĐ nhận thấy nốt mặt còn lại rằng quá trình đào tạo sẽ dài và khó khăn đến thế nào, công việc đòi hỏi cao ra sao, luôn trong tình trạng căng thẳng với vô vàn những quy tắc, nguy cơ kiện tụng. Đừng bao giờ làm nhụt chí TCĐ của bạn bằng cách khẳng định rằng có cố mấy con không thể đạt được điều đó, nhưng hãy giúp TCĐ của bạn cân nhắc và quyết định xem mục tiêu đó có xứng đáng với những hy sinh phải bỏ ra hay không.

5. TCĐ của bạn tin rằng chẳng có gì là không thể

Có thể bạn nghĩ nói đi nói lại về việc đạt điểm tốt (“phải như thế con mới vào đại học được”) sẽ tạo động lực cho TCĐ của bạn làm việc chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, hầu hết TCĐ không coi trọng các nguy cơ đó lắm (“Con sẽ vào đại học bằng cách khác”). Một khi đã quyết chí làm gì, chúng sẽ lên rừng xuống biển để đạt bằng được.

HƠN HẾT THẢY, CON BẠN PHẢI ĐƯỢC TỰ MÌNH THỬ NGHIỆM MỌI THỨ

Nếu bạn muốn TCĐ của bạn khám phá và sử dụng được sức mạnh và tài năng của chúng, đừng quá cứng nhắc trong việc tìm ra câu trả lời đúng ngay lập tức. Theo bản năng, TCĐ cần phải được trải nghiệm, thường sử dụng cách tiếp cận thử-và-sai để đảm bảo rằng mình đi đúng hướng. Sẽ không hiếm trường hợp chúng làm việc mà không có ý định gắn bó lâu dài với công việc ấy. Những lúc đó, bạn càng đặt nhiều áp lực, chúng càng làm việc kém hiệu quả. Nếu bạn thực lòng muốn giúp con cái tìm ra con đường sự nghiệp vừa ý, hãy cho phép chúng đi đường vòng và có những trạm dừng dọc đường. Thay vì kiên quyết bắt con phải tiến tới, hãy cố gắng nhìn nhận và khuyến khích phát huy những mặt tích cực nhất trong bản năng của chúng: tính quả quyết, sự ngoan cường và tháo vát.

Hãy nhớ: TCĐ của bạn có tố chất tiềm tàng, năng lực thay đổi thế giới. Miễn là phải đảm bảo chúng đang đi đúng hướng!

NHỮNG LỜI TỪ TRÁI TIM CỦA MỘT TCĐ

• Với con, cảm giác rằng mình luôn có nhiều lựa chọn là điều vô cùng quan trọng.

• Con cần thường xuyên thay đổi môi trường và làm phong phú các thử thách của mình.

• Con không muốn giống một ai khác.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx