sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương VII: Ranh Giới Giữa Đúng Và Sai Thì Sao?

Có một lần, tôi được mời đến nói chuyện về TCĐ cho một nhóm các chuyên viên quảng cáo của đài phát thanh Cơ đốc. Khi chúng tôi đang thảo luận về các tính cách của một TCĐ thì Jay, một trong các chuyên viên nhảy dựng lên và vồ lấy cuốn Kinh thánh gia đình lớn nằm gần đó.

“Cô chỉ ngụy biện!” Anh ta gào lên. “Đấy là tội lỗi!” Cả hội trường đều ngạc nhiên vì sự kích động của anh ta.

Tôi chỉ điềm đạm đáp lại: “Ai cũng có thể gây ra Tội lỗi, dù là nhóm cứng đầu, hay không. Không nhóm cá tính hay phong cách học nào được định sẵn là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu.” Anh ta vẫn lắc đầu, tay nắm chặt cuốn Kinh thánh.

“Nhưng người ta cần phải vâng lệnh chứ. Chúa trời không thỏa hiệp, cũng không thương lượng. Chỉ vì cô không thích các luật lệ không có nghĩa là cô thích làm gì thì làm!”

Tôi gật đầu: “Anh nói đúng. Ngài không làm vậy. Nhưng ngay từ đầu, không phải chính Chúa trời đã tạo ra chúng ta với những ý chí riêng biệt. Đấy chẳng phải là chủ ý của ngài sao? Chúa hẳn phải có lý do để truyền thứ tính khí bướng bỉnh “bất trị” ấy vào rất nhiều người trong chúng ta. Và chúng ta nên khai thác điều đó. Còn Tội lỗi vẫn cứ là tội lỗi, dù nó được gây ra bởi một người dễ bảo hay một người cứng đầu. Cứng đầu không phải là nguyên do gây nên tội lỗi. Đó chỉ là lằn ranh giới giữa đúng và sai.”

Jay xem chừng không bị thuyết phục cho lắm. Một trong các đồng nghiệp của anh ta góp chuyện. “Jay, cách tôi và anh làm việc không hề giống nhau, nhưng cả hai chúng ta đều thành công trong công việc. Tôi biết cái tật cứng đầu khiến tôi nhiều lúc gặp rắc rối. Nhưng chính anh cũng gặp phải rắc rối đấy thôi. Ấy mà anh không hề là kiểu TCĐ đấy nhé!”

Jay gật đầu và bắt đầu mỉm cười. “Cũng phải. Tôi hay gặp rắc rối vì cứng nhắc và thiếu linh hoạt, không chấp nhận các ý tưởng điên rồ của các khách hàng.” Anh ta đặt cuốn kinh thánh xuống và trở về chỗ ngồi của mình. “Được, tôi hiểu ý anh rồi. Nhưng tôi vẫn nghĩ những người cứng đầu các anh gây tội lỗi nhiều hơn nhiều so với tôi.” Rồi nhe răng cười khi anh chàng ngồi cạnh huých vào sườn.

Trái ngược với những lý thuyết nổi tiếng cho rằng đúng và sai chỉ là tương đối, hầu hết mọi TCĐ tin rằng có giới hạn tuyệt đối giữa đúng và sai. Tuy nhiên, họ không ưa những kẻ huênh hoang tự cho mình là những người duy nhất có thể phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai.

Rất nhiều phụ huynh và giáo viên luôn đánh đồng trẻ thích phá luật và làm những điều sai trái với TCĐ. Nhưng đó không phải là đặc điểm của TCĐ. Đó là tội lỗi, mà bất cứ ai cũng có thể phạm lỗi. Một lần nữa, hãy để tôi giúp bạn hiểu cách suy nghĩ của một TCĐ đối với các quy tắc. Có hai điều cần ghi nhớ:

1. Luật lệ cơ bản chỉ là lời chỉ dẫn

Trong mắt những người đặc biệt coi trọng lễ nghi, phép tắc và nghiêm chỉnh tuân thủ quy định thì những hành động của TCĐ rõ rành rành là không nghe lời và nổi loạn. Nhưng đối với hầu hết TCĐ, luật lệ về cơ bản chỉ là lời chỉ dẫn. Không phải chúng kiêu ngạo – chỉ là chúng tin rằng mình hiểu luật lệ đó được đặt ra là nhằm mục đích gì, và miễn là đạt được điều đó, chúng chẳng ngần ngại gì “vi phạm” điều cấm.

Như khi tôi lái xe vào khu đỗ xe, và nơi đậu xe gần nhất có gắn biển Nơi dành cho xe buýt – Không đỗ xe. Tôi sẽ dịch cái biển đó là: “Nếu xe buýt cần khoảng không này, bạn không được đỗ xe ở đây; còn nếu không có xe buýt, bạn được phép đỗ.” Đó là lời chỉ dẫn! Ngược lại, có những quy định đối với tôi là bất di bất dịch như quy định nơi đỗ xe Chỉ dành cho người khuyết tật. Tôi sẽ tuân thủ nghiêm ngặt. Đơn giản là vì luật lệ này hoàn toàn có cơ sở và mục đích của nó quá rõ ràng, và tôi không cho đây là chuyện có thể thương lượng được.

Một ví dụ khác, giờ đã trở thành “chuyện cái xe đẩy” kinh điển của tôi. Tôi kể chuyện này lần đầu tiên trong cuốn Mỗi đứa trẻ một cách học. Vài năm trước, tôi có dịp đi mua sắm cùng cô em gái đầy ý thức của tôi, Sandee. Đứa con gái út của Sandee mới chập chững biết đi, và chúng tôi để bé trong chiếc xe đẩy. Khi chúng tôi chuẩn bị lên tầng hai của khu mua sắm, tôi giữ chiếc xe và bắt đầu bước lên thang cuốn. “Từ từ đã!” Sandee kêu lên: “Nhìn cái biển kìa! Không được đưa xe đẩy lên thang cuốn.”

Tôi nhìn cô em gái rồi hỏi: “Thế ông cảnh sát xe đẩy nào đó sẽ đến bắt chị đi hả? Sandee, cái biển đó là dành cho những ai không biết cách đặt xe đẩy lên thang cuốn sao cho an toàn. Và bởi vì chị biết cách, cái biển đó không dành cho chị.” Nói rồi tôi nhẹ nhàng nhấc Allison ra khỏi xe và bế cô bé trên tay trong khi chiếc xe đẩy rỗng trượt lên bên cạnh trên thang cuốn. Em gái tôi sửng sốt đến nỗi không chịu đi theo tôi trong vài phút. Cô ấy khiếp sợ sao tôi lại có thể ngang nhiên bất chấp luật lệ như thế. Nhưng đối với tôi, đó chỉ là một dòng chỉ dẫn.

Vài tuần trước, tôi khám phá ra rằng mình không phải là người duy nhất phá vỡ luật lệ về chiếc xe đẩy như thế. Khi đi xuống thang cuốn ở sân bay Dallas-Fort Worth, tôi để ý thấy một cặp vợ chồng trẻ đang đi lên với chiếc xe chở em bé kềnh càng. Khỏi cần nghe tôi vẫn chắc chắn rằng cô vợ đang ra sức giải thích với chồng về hành động nổi loạn mang chiếc xe chở bị cấm lên thang cuốn. Khi đi ngang qua họ, tôi nghe thấy ông chồng nói với vợ: “Có chết ai không nào? Chẳng chết ai cả!”

Tóm lại, khi muốn đặt ra một giới hạn cho các hành động của TCĐ, bạn cần phải giải thích rõ lý do tại sao phải đặt ra luật lệ đó. TCĐ không cố tình phá luật vì ý xấu. Tuy nhiên, thường thì chúng vẫn phá luật hoặc không nghe lệnh bởi tự thấy không còn lựa chọn nào khác. Có thể tại các quy định đó nghe vô nghĩa quá. Có thể luật lệ này làm ai đó bị tổn thương, hoặc làm tổn hại đến niềm tin của chúng. Cũng có thể những điều cấm đoán đó chẳng nhằm mục đích gì, chỉ để thể hiện uy quyền của bậc cha mẹ. Nếu bạn quá nghiêm khắc, hay đơn giản là thấy mình bắt đầu ra lệnh cho con, sẽ chỉ phản tác dụng mà thôi.

2. Những TCĐ sẽ không để mình bị thao túng

Điều thứ hai bạn cần biết là TCĐ đòi hỏi sự trung thực hơn tất thảy. Chúng sẽ không chịu bị thao túng. Chúng muốn bạn phải thẳng thắn. Đừng giả vờ làm ai đó không phải là bạn hoặc hứa hẹn những gì bạn không thể mang lại. Chúng có khả năng nhận biết vô cùng nhạy cảm, có thể ngay lập tức bắt được các tín hiệu của sự không trung thực, giả tạo. Nếu TCĐ cảm thấy rằng mình đang bị thao túng, chúng có thể làm bất cứ điều gì và hạ gục bạn trong chính trò chơi của bạn.

Thời gian tôi dạy tiếng Anh ở trường phổ thông, vị trưởng bộ môn ở đó làm tôi căng thẳng và chán nản. Theo tôi, anh ta là một kẻ kiêu ngạo và tự mãn. Anh ta thường khoe khoang quyền lực, nhất là trước các cô giáo trẻ. Một ngày nọ, anh ta hỏi tôi đã sử dụng bộ sách có trong phòng chưa. Tôi nói chưa, bởi vì những cuốn sách đó nằm trong danh mục sách tham khảo và tôi thấy chúng không thích hợp với các bài giảng của mình. Anh ta cau mày và nghiêm nghị nói: “Nghe này, Cindy. Tôi muốn cô sử dụng những cuốn sách giáo khoa đó.”

Tôi trả lời, cố gắng giữ vẻ tôn trọng: “Anh Roger à, những cuốn sách đó không nằm trong danh mục bắt buộc, và tôi thì không thích chúng.”

Anh ta nhìn tôi với ánh mắt hăm dọa nhất: “Cindy, với tư cách là trưởng bộ môn, tôi ra lệnh cho cô sử dụng những cuốn sách đó.”

Tôi im lặng một thoáng rồi gật đầu: “Vâng, anh Roger. Trong tuần này tôi sẽ dùng.” Anh ta tỏ ra đắc thắng khi tôi ra khỏi phòng.

Cuối ngày hôm đó, tôi đến lấy bộ sách được yêu cầu. Vào lớp, tôi đưa cho mỗi học sinh một cuốn và bảo chúng đặt cuốn sách dưới ghế ngồi. Dù bối rối, chúng vẫn làm như tôi bảo. Tôi đã để học sinh của mình ngồi trên cuốn sách suốt giờ dạy. Cuối giờ, tôi thu sách lại và đem trả. May mắn thay, học sinh của tôi đã quá quen với những hành động bất thường của tôi lúc này lúc khác nên không đòi giải thích cả.

Vài ngày sau, Roger hỏi dồn tôi: “Cô đã dùng những cuốn sách tôi bảo đấy chứ?” Anh ta hỏi to. Tôi mỉm cười và gật đầu: “Vâng, anh Roger ạ. Tôi đã dùng những cuốn sách đó, ngay ngày hôm sau.” Anh ta vô cùng hoan hỉ, nhưng tôi mới là người bước đi trong chiến thắng.

Thoạt nghe, ví dụ này cho thấy sự không trung thực của tôi. Nhưng tôi đã lách luật bằng cách vin vào từ ngữ để tránh đối đầu không cần thiết với một mẫu người quyền lực, cố ép buộc tôi làm điều không nhất thiết phải làm.

Trớ trêu thay, vì khả năng biến báo này, những TCĐ như chúng tôi thường bị mang tiếng là không được trung thực cho lắm. Đa phần, tôi tin rằng đó là khả năng xử lý tình huống tuyệt vời của TCĐ để đạt được mục đích. Đúng là bản thân sự không trung thực cần phải bị coi là tội lỗi, nói dối là sai, và lạm dụng khả năng biến báo này có thể khiến TCĐ quên mất ranh giới đúng-sai. Nhưng bạn nên hiểu động lực khiến chúng tôi làm thế và phải hiểu rằng chính thái độ và hành động của bạn có thể khiến chúng tôi lươn lẹo. Chắc chắn, việc này không thể bào chữa cho TCĐ. Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, TCĐ thường sẵn sàng dám làm dám chịu. Họ biết cái giá phải trả và còn cho rằng thế cũng đáng nếu duy trì được sự độc lập và tự kiểm soát của mình. Họ sẽ không để ai thao túng và ra lệnh cho mình phải làm gì.

CÓ NHẤT THIẾT PHẢI PHỤC TÙNG KHÔNG?

Sau lớp bồi dưỡng giáo viên về TCĐ, một học viên đến gặp tôi và hỏi một câu khiến tôi phải suy nghĩ: “Cô có nghĩ một TCĐ có thể là một người có kỷ luật không?” Trước khi tôi trả lời, cô ấy tiếp tục nói rằng bản thân cô ấy là một TCĐ và đã tự cô lập bản thân rất lâu khi thấy mình không thể từ bỏ phong cách cá nhân để tuân theo quá nhiều luật lệ khác nhau của gia đình, trường học và xã hội.

Câu trả lời cho câu hỏi của cô ấy đương nhiên là có. Một TCĐ vẫn có thể là một người sống có kỷ luật. Sự thật là họ gặp khó khăn trong việc tuân theo nhiều quy tắc căn bản. Trên thực tế, việc “có kỷ luật” hay bị một số người đánh đồng với việc tuân theo các luật lệ của một nhà trường hay tập thể cụ thể nào đó. Nhưng đừng trông đợi họ sẽ ngoan ngoãn thi hành không thắc mắc một lời. Họ sẽ hỏi: Ai là người đặt ra các luật lệ đó? Làm sao chúng ta biết được rằng hiểu như thế đã là đúng? Thực ra chúng ta phải chịu trách nhiệm trước ai?

Những câu hỏi của TCĐ thường bị coi là thách thức hay chống đối. TCĐ từ chối nghe lời bố mẹ hay thầy cô sẽ bị mắng mỏ, thậm chí bị đe dọa. Nếu TCĐ ngờ vực các giá trị truyền thống hay niềm tin, người đó có thể bị coi là nổi loạn. Đương nhiên, TCĐ càng bị ép tuân thủ luật lệ và làm theo mệnh lệnh bao nhiêu, lại càng ương ngạnh và chống đối bấy nhiêu. Chẳng lâu la gì cuộc chiến này sẽ lên đến đỉnh điểm. Quan hệ gia đình tan vỡ, và hơn thế nữa, TCĐ quay lưng với các chuẩn mực đạo đức. Vậy bạn nên làm gì?

Hãy xem ba trường hợp điển hình cần khéo léo xử lý để tránh xung đột giữa TCĐ và cha mẹ:

1. TCĐ của bạn không chịu nghe lời

Một sáng chủ nhật nọ, cô bé Kelsey mười một tuổi tỉnh bơ tuyên bố bên bàn ăn: “Từ giờ con sẽ không đến nhà thờ nữa đâu.”

Mẹ cô bé phản ứng ngay tức thì: “Cái gì? Đương nhiên là con phải đi, cô nương ạ. Trời đất ơi, bố con là mục sư đấy!”

Bố của Kelsey nhìn cô bé một lúc lâu rồi nói: “Kelsey, tại sao con lại không muốn đến nhà thờ?”

Cô bé nhún vai: “Con không thích. Chẳng có gì để làm cả. Chán òm, và con phát ốm lên được.”

“Đôi khi bố cũng thấy thế đấy.” Trước sự ngạc nhiên của cô con gái, bố Kelsey ôn tồn nói tiếp: “Chúng ta đều có lúc thấy mệt mỏi với những công việc hàng ngày. Nói bố nghe nào, cái gì sẽ khiến con có động lực trở lại nhà thờ lần nữa?”

“Con không biết.” Cô bé trả lời.

Bố cô bé kéo chiếc ghế lại gần hơn. “Kelsey, hay là hôm nay con đến nhà thờ và không cần phải nghe gì hết, chỉ việc viết ra giấy những gì con nghĩ sẽ thú vị hơn. Biết đâu có nhiều bạn khác cũng mong muốn giống con, và có khi con lại tìm ra nhiều ý tưởng hay ho để khiến nhà thờ trở nên thú vị hơn với tất cả mọi người thì sao?”

Nghe bùi tai, Kelsey hồ hởi nói: “Con nghĩ là con biết vài điều có thể làm cho ngày chủ nhật trở nên vui vẻ hơn đấy.”

“Tốt lắm!” Bố cô kêu lên. “Bố cảm thấy phấn chấn rồi đấy. Bố nghĩ con sẽ là một nguồn ý tưởng tuyệt vời cho chúng ta.”

Kelsey đứng dậy và nhìn quanh: “Bố có biết giấy và bút ở đâu không?” Và mẹ cô bé mang đến các vật dụng cần thiết.

Nếu TCĐ của bạn một ngày đột nhiên quyết định không còn muốn làm những việc hàng ngày phải làm nữa, đừng giận dữ vội, cũng đừng ép buộc. Cố gắng tìm ra lý do tại sao TCĐ lại không muốn đi, nhưng đừng quá nôn nóng. Có thể chính TCĐ của bạn cũng không thực sự biết tại sao, hoặc không thể diễn đạt những cảm xúc của mình thành lời. Thử hỏi những câu như là: “Cái gì sẽ khiến con muốn đi?” hoặc “Vậy con nghĩ mình nên đi với mục đích gì?” Hãy chú ý lắng nghe câu trả lời của con bạn. TCĐ của bạn cần cảm thấy rằng lời chúng nói có trọng lượng. Bạn càng đưa được TCĐ của bạn vào việc xây dựng giải pháp nhiều bao nhiêu thì hiệu quả càng cao.

2. TCĐ của bạn bày tỏ nghi ngờ về niềm tin, hay về các giá trị đạo đức “Ai cũng ăn gian đôi chút mà bố.”

Max sửng sốt nhìn cậu con trai mười sáu tuổi bướng bỉnh. “Con ăn nói kiểu gì thế? Con biết bố mẹ không tha thứ cho kiểu cư xử như vậy đâu.”

David liền vặn lại: “Vâng, đúng rồi, thế nên nhà mình cũng chẳng có nhiều tiền.”

Max khó khăn lắm mới kiềm được giận: “Các con à, các con cũng biết rằng chúng ta luôn có đủ tiền, và chúng ta đã làm việc trung thực để có những đồng tiền đó.”

“Nhưng mà,” David cau mày, “như thế đâu có nghĩa là lừa đảo. Cái đó gọi là giải pháp tài chính sáng tạo.”

Max cầm tay con trai mình và ngồi xuống phía bên kia bàn. “Nghe này David, bố biết rằng cách đó có vẻ như sẽ giúp kiếm tiền rất nhanh chóng. Bố biết nhiều người chấp nhận thế. Nhưng mẹ con và bố luôn nhận thấy rằng bố mẹ ngủ an giấc hơn khi không có gì phải giấu giếm và không phải sợ ai cả. Điều đó giữ cho cả gia đình ta mạnh khỏe và hạnh phúc. Nếu con quyết định đi con đường khác, đó sẽ là lựa chọn của con. Nhưng hãy cân nhắc thật cẩn thận nhé. Hãy xem liệu những người đi trước con trên con đường đó có bao giờ hạnh phúc gần bằng bố con và mẹ đã từng thấy hay không.”

David trông có vẻ bực bội. “Bố, nghe sến quá.”

“Bố đồng ý. Nhưng bố chỉ muốn con cân nhắc thật kỹ trước khi bắt tay vào làm. Bố biết con muốn kiếm tiền, và bố sẽ giúp con hết sức có thể. Nhưng bố muốn làm theo cách cổ-lỗ-sĩ của mình trước đã. Được không?”

David lưỡng lự. “Chà, con không hứa hẹn gì đâu nhé. Nhưng con cũng chẳng bao giờ mong bố gian lận cả.”

Max cười toe: “Đấy mới là điểm khởi đầu thôi con trai ạ. Đó mới là khởi đầu thôi.”

Khi TCĐ của bạn ngờ vực về những gì bạn đã tin tưởng suốt cuộc đời, hãy đối đầu trực tiếp với vấn đề bằng những câu hỏi trung thực. TCĐ của bạn không cần ý kiến riêng của bạn mà cần bạn nhấn mạnh vào nhu cầu của bản thân con trong việc tìm ra câu trả lời. Nếu con có bộc lộ sự ngờ vực đối với những giá trị trước đây chúng từng tin tưởng, đừng làm như thể đấy là sai lầm khủng khiếp. Hãy là người dẫn đường. Đem đến một cuốn cẩm nang, và giúp TCĐ của bạn tận hưởng chuyến đi.

3. TCĐ của bạn trở nên lạc lối và hoàn toàn hư hỏng

Một người bạn của tôi, Pat, đã vật lộn trong nhiều năm với cậu con trai ương ngạnh, luôn luôn chống đối. Vừa tốt nghiệp trung học, cậu liền rời nhà, lao mình vào thế giới của tình dục, ma túy và thác loạn. Trái tim hai vợ chồng Pat tan nát, nhưng họ không bao giờ ngừng cầu nguyện cho Ray thay đổi và quay trở về.

Vài tháng trước, tôi gặp lại Pat và khuôn mặt cô ấy rạng rỡ. “Ray về nhà rồi!” Cô nói tràn trề hạnh phúc. “Thằng bé đã là một con người mới! Tớ lại có một cậu con trai tuyệt vời rồi.” Tôi hỏi điều gì đã làm thằng bé thay đổi, và cô ấy mỉm cười. “Đó là điều tuyệt nhất. Ray nói không phải vì những lý lẽ chúng tớ dùng để cố thuyết phục cháu. Mà chính tình yêu thương vô điều kiện của bố mẹ, kỷ niệm về những đêm khi Ray đi ngủ và nghe hai vợ chồng mình cầu nguyện cho cháu, cảm ơn trời vì đã cho chúng mình một đứa con trai như Ray đã thức tỉnh, dẫn lối cho cháu trở về. Chúng mình chưa bao giờ chối bỏ cháu, chưa bao giờ khiến cháu có cảm giác phải làm y như bố mẹ bảo thì mới được yêu thương. Thế nên khi Ray cảm giác đã chạm đáy và không còn nơi nào để đi nữa, nó nhớ ra cánh cửa gia đình vẫn luôn rộng mở đón mình về.”

Nếu có một đứa con buông thả, bạn sẽ phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc đau buồn và tuyệt vọng. Nhưng đừng run sợ, và cũng đừng phán xét. Hãy bình tĩnh và không ngừng yêu thương. TCĐ của bạn cuối cùng sẽ cần một nơi an toàn để trở về và một lý do để quay đầu. Nếu biết sẽ bị đay nghiến, chỉ trích và đay đi đay lại những lỗi lầm quá khứ, chắc chắn chúng sẽ làm mọi cách để tránh xa bạn. Ngược lại, nếu biết vẫn luôn có gia đình yêu thương, che chở và vẫn luôn có chỗ trên bàn ăn gia đình cho mình, con cái sẽ có động lực để quay về. Dù điều đó cũng khó như việc phải tập trung, hãy luôn tự hỏi bản thân: “Điều gì khiến TCĐ của mình muốn quay về?” Hãy chắc chắn rằng câu trả lời của bạn đủ sức lôi cuốn!

MỌI CHUYỆN ĐỀU XUẤT PHÁT TỪ TÌNH YÊU THƯƠNG

Khi hỏi TCĐ rằng điều gì khiến chúng tuân theo nguyên tắc, lối sống hay chuẩn mực đạo đức nào đó, tôi luôn nhận được một câu trả lời chắc chắn: đó là do phần thưởng chúng có thể đạt được, chứ không phải vì những hình phạt có thể tránh khỏi nếu chịu tuân theo kỷ luật. Nói cách khác, nói với TCĐ rằng phải làm điều này hay điều khác, nếu không sẽ bị trừng phạt sẽ không mấy tác dụng. Thậm chí, chỉ càng làm chúng chống đối thêm.

Điều thu hút TCĐ đến với lẽ phải là cơ hội được là một con người độc lập và có giá trị trong cuộc sống. Nếu lựa chọn, TCĐ thường sẽ không chọn lấn vạch bước qua ranh giới giữa đúng và sai. Nhưng điểm mấu chốt là phải để TCĐ tự mình quyết định điều đó. Có thể đôi khi bạn sẽ phải để mặc con vấp ngã và tự mình đứng dậy.

Rất nhiều bậc phụ huynh có lý do chính đáng để lo lắng về hạnh phúc lâu dài của con họ. Có vẻ con họ luôn tìm cách phá luật và bứt ra khỏi những nguyên tắc. Mặc dù ý định hoàn toàn tốt, cha mẹ cũng không nên đặt quá nhiều áp lực lên TCĐ của mình, buộc con tuân theo những gì bản thân mình cho là đúng. Vì, hiếm hoi lắm trừ khi TCĐ của họ tìm ra cách để tuân thủ luật lệ mà vẫn được độc lập, còn đâu thì tất cả các nỗ lực của bố mẹ đều thất bại. TCĐ sẽ có thiện chí và tỏ ra hợp tác hơn nếu việc đó có thể phát huy tối đa cá tính đặc sắc trong chúng.

Có rất nhiều cách xử trí, nhiều con đường ngoài con đường của tôi. Tôi tin rằng miễn tôi sử dụng phong cách và cá tính riêng của mình để mang đến những điều tốt đẹp thì mọi việc đều ổn thỏa. Ngược lại, nếu tôi không sử dụng cá tính và phong cách của mình để mang lại những điều tốt thì, dù theo phong cách nào đi nữa, điều đó cũng không chấp nhận được. Đó là điểm mấu chốt. Đó là giới hạn không thể vượt qua.

Tôi thích nghe Steve Green, một nghệ sĩ đương thời hát một trong những bài hát yêu thích của tôi, bài “Find Us Faithful” (Thấy được lòng trung thành trong chúng tôi). Là một TCĐ với động lực lớn nhất luôn được mang đến bởi tình yêu và sự khơi gợi cảm hứng, tôi thấy những lời trong đoạn điệp khúc đầy ý nghĩa:

Xin cho những người đến sau chúng con Thấy được lòng trung thành trong chúng con.

Xin cho ngọn lửa niềm tin trong chúng con thắp sáng con đường của họ Xin cho những dấu chân chúng con để lại

Giúp họ tin tưởng

Và cuộc đời mà chúng con đã sống Làm động lực cho họ tuân theo

Có thể nói ngắn gọn như thế này:

Nếu bạn muốn thôi thúc tôi, hãy truyền cho tôi cảm hứng. Nếu bạn muốn định hướng cho tôi, hãy dẫn đường.

Nếu bạn muốn khuyến khích tham vọng của tôi, hãy đốt cháy ngọn lửa bằng lòng nhiệt huyết của bạn.

NHỮNG LỜI TỪ TRÁI TIM CỦA MỘT TCĐ

• Mối quan hệ của bố mẹ với con có tốt hay không sẽ quyết định quan hệ của con với mọi người có tốt hay không.

• Con làm điều gì đó vì thấy cần chứ không phải vì sợ hãi những gì có thể xảy ra nếu không làm.

• Chính tình yêu của bố mẹ chứ không phải các bài thuyết giáo mới là điều kéo con quay về.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx