sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

17 Tuổi Mình Không Hát Được Nữa

VỀ THĂM NHÀ TRONG KỲ NGHỈ HÈ

Bố mẹ tặng mình một cập giấy viết thư và năm cuốn vở. Ako tặng mình chiếc đồng hồ cát. Hiroki tặng mình một cây viết dạ bốn màu. Nó còn đá thêm một câu là: “Chị 17 tuổi rồi, không được động một tí là khóc nhè nữa đâu đấy.” Cậu em kế tặng mình cuốn sách Người da trắng, người da vàng của Endo Shusaku.

Nguyện vọng của mình ở tuổi 17:

Mình muốn đến hiệu sách và cửa hàng đĩa, tuy là đi một mình ra ngoài bằng xe lăn khá nguy hiểm, nhất là khi qua đường chỉ sợ đụng phải xe ô tô. Hai tay giờ không còn cử động được như mình muốn, việc thực hiện những động tác đơn giản thường ngày bắt đầu trở nên khó khăn. Nếu được đến nhà sách mình sẽ mua cuốn Cuốn theo chiều gió và Con đường trong đêm tối của Shiga Naoya. Và nếu đến được cửa hàng đĩa nhạc, mình sẽ mua một chiếc đĩa than của Paul Mauriat.

Bị ngã trong bồn tắm. Các đầu ngón chân không giữ được thăng bằng (e là sắp tới sẽ không đứng được nữa). Cũng may là không bị thương. Nhưng mình sợ lắm! Mình sợ lắm!

Căn bệnh này, sao nó không tự nhiên mà khỏi nhỉ? Mình 17 tuổi rồi. Từ giờ, sẽ còn phải đấu tranh bao nhiêu lâu nữa thì mình mới được ông trời buông tha? Mình không thể nào hình dung về cuộc sống sau này khi bằng tuổi mẹ bây giờ (42). Mình cứ lo lắng không yên, có khi nào mình không thể sống đến cái tuổi 42, cũng như mình không thể nào tưởng tượng về chuyện trở thành học sinh lớp 11 ở trường cấp III Higashi. Nhưng, mình vẫn muốn sống.

VỀ THĂM NHÀ TRONG KỲ NGHỈ HÈ

Đây là kỳ nghỉ hè đầu tiên mình được về nhà từ khi chuyển tới trường khuyết tật. Chỉ nghĩ đến chuyện được về nhà vào kỳ nghỉ hè thôi là mình vui sướng đến độ không tài nào chợp mắt được. Mình hơi lo cho việc không được nhập viện vì chưa có loại thuốc đặc trị mới. Dù sao, mong là thuốc trị liệu lần tới sẽ là thuốc viên chứ không phải thuốc tiêm nữa. Các bác sĩ cứ hứa hẹn mãi là đang cố hết sức để chế tạo thuốc viên, còn mình cảm thấy chán nản vì chỉ biết đợi và đợi mà thôi.

Ngay trước giờ ăn trưa, một bác trạc tuổi trung niên ghé qua nhà mình hỏi.

“Cháu ơi, bác ở Bình An Các (phòng tiệc kết hôn), có mẹ cháu ở nhà không?”

“Dạ, bố mẹ cháu không có nhà ạ!” Em trai mình đáp lại. Khoảng năm phút sau, người khách thứ hai đến. Đó là một bác gái dáng người nhỏ nhắn. “Cô ở Bình An Các...” “Vừa rồi... có một... bác trai... cũng từ đó đến.” Mình từ tầng hai trả lời vọng xuống.

“Bà cháu đấy à?” Bà khách hỏi vậy khiến thằng em đang đứng ở cửa bật cười ngặt nghẽo.

“Thì tiếng nói ậm ừ, ngắt quãng như vậy, bác cứ tưởng là cụ già...”

Khổ thật, bộ mình giống bà già 17 tuổi lắm hay sao? Lúc cả nhà ăn cơm tối, Ako kể chuyện hồi trưa cho mẹ nghe. Mình thấy tủi lắm. Mình cảm thấy bị tổn thương khi mọi người bàn tán về cái tình trạng tàn tật mà mình chưa thực sự muốn chấp nhận.

Mình phụ mẹ chuẩn bị cơm tối. “Con giúp mẹ trộn hành với thịt băm để làm há cảo nhé.” Mẹ bảo mình làm bếp. Cái gì cơ, há cảo á? Mình cau mặc lại (cực ghét món này), Nhưng cũng được, may mà món chính của hôm nay là sushi trộn với cơm.

Khi đập bốn quả trứng để chiên, bỗng nhiên mình nghĩ tới cô I. Mỗi sáng khi nấu ăn, cô chỉ dựa vào kinh nghiệm chứ không dùng tới chế độ tính thời gian của nồi cơm điện. Mình thán phục cô I vì cô ấy không phụ thuộc vào công nghệ hiện đại. Còn nữa, giờ ăn sáng ở căn tin trường, thấy mình ho sù sụ, cô I đã tới vỗ lưng cho mình. Cô đúng là một giáo viên dịu dàng.

Mình dùng quạt điện làm nguội cơm để làm sushi trộn, nhưng lại sơ ý đặt cái âu cơm nóng lên đùi, và thế là hai bên đùi đều bị bỏng một đoạn dài chừng 2 cm. Hai vệt bỏng đỏ hồng trên làn da trắng của mình, nhìn cũng đẹp ra phết...

Mọi người trong Hội Bồ công anh (nhóm những người bạn tàn tật) đều đi làm vào ban ngày. Chỉ có buổi tối mọi người mới có thời gian tụ tập và cùng nhau biên soạn tờ tạp chí riêng của nhóm tên là Nước Ngầm. Khi mình gọi điện và báo là sẽ được ở nhà trong cả dịp nghỉ hè, Hội Bồ công anh bèn rủ mình đến tham gia tụ tập.

“Con gái mà đi ra ngoài buổi tối là không tốt hả mẹ?” “Nếu con đi với những người bạn đàng hoàng thì tốc chứ sao. Nhưng đi vào buổi tối thì cũng hơi nguy hiểm đấy.” Mẹ trả lời.

8 giờ tối anh Yamaguchi chạy xe đến nhà đón mình. Trước khi ra khỏi nhà, mình đi ngang qua phòng khách, thấy bố đang nằm trên ghế sofa xem ti vi, mình cất tiếng: “Bố ơi, con ra ngoài chút bố nhé.” Bố quay lại, hai gò má đỏ ửng vì vừa uống rượu. “Con gái mới lớn đi ra ngoài vào ban đêm, bố thấy không an tâm. Lần sau con nên đi chơi vào ban ngày, nghe chưa?”

Bình thường thì bố không dặn dò con cái như vậy đâu. Mình cảm thấy vui vì được bố nhắc nhở. Bố hay ngần ngại khi phải can thiệp vào chuyện của các con. Mình thích bố đang ngà ngà say thế này hơn là khi bố tỉnh táo.

LẠI TÉ NGÃ

Trước đây, khi nào muốn, mình có thể di chuyển thật nhanh. Nhưng giờ thì, dẫu có muốn nhanh cũng không nhanh được. Sau này mình sẽ thế nào đây? Không biết chừng mình sẽ mất hết khái niệm thế nào là “nhanh”. Ông trời ơi, tại sao lại gieo cho con gánh nặng đến nhường này?

Không, con người ai cũng đều có gánh nặng cả. Nhưng tại sao chỉ mình con cảm thấy bi thảm như thế này?

Cú ngã hôm nay thật khủng khiếp.

Lúc chuẩn bị đi tắm, thường thì mẹ hoặc Ako giúp mình cởi quần áo ở phòng thay đồ. Sau đó họ pha nước ấm và dùng vòi sen tưới lên sàn phòng tắm để mình khỏi bị lạnh. Hôm nay, lúc đang cố vươn tay đặt lên thành bồn tắm, mình bị trượt ngã. Thực xui xẻo là mông mình lại đập trúng cái đĩa đụng xà phòng. Chiếc đĩa vỡ vụn, những mảnh nhọn cắm vào mông mình. Mình la lớn. Mẹ bèn lao đến: “Sao thế hả con?” Khi thấy máu đỏ chảy hòa vào nước nóng, mẹ hốt hoảng dùng khăn quấn chặt vào mông mình cho cầm máu, rồi mẹ tưới ít nước ấm lên người mình lúc ấy vẫn còn khô. Mẹ và Ako, cả hai đó mình mình dậy, nhanh tay lau người và thay cho mình bộ áo ngủ. Sau đó mẹ dùng gạc băng vết thương trên mông mình lại, “vết thương sâu thế này thì phải đến bệnh viện thôi.” Mẹ nói. Thật khủng khiếp. Đến bệnh viện người ta khâu cho mình hai mũi, gần 9 giờ tối mới về đến nhà. Mệt đừ cả người.

Thoạt tiên cứ tưởng đó là một tai nạn bất ngờ, nhưng nghĩ kỹ thì không phải vậy. Mình vẫn thường bị thế. Nhiều lúc không vì lý do gì mà mình bị té ngã, có những lúc đột ngột bị trượt tay. Vậy là do hệ thần kinh của mình bất chợt tạm thời ngưng hoạt động ư?

Mình thấy thực có lỗi vì đã khiến mẹ lo lắng. Trong khi mẹ chu đáo chia thuốc ra thành từng liều cho mình thì mình chỉ nằm bẹp ra đó. Bụng mình bị đau. Thế nhưng dù cho với lý do nào đi nữa thì thái độ của mình cũng thật đáng trách. Có lẽ vì cảm thấy áy náy, mình bèn vươn tay tới tủ sách, mình muốn đọc tập thơ Người mẹ 2 của Satou Hachirou.

TỰ VẤN ĐÁP

Kỳ nghỉ hè sắp kết thúc.

Việc duy nhất trong kỳ nghỉ này mình hoàn thành tốt đó là chăm sóc lũ vẹt. Mình thích được ngắm lũ vẹt xinh đẹp nhảy nhót trong chiếc lồng sạch sẽ.

Mình cho chúng thức ăn, nước uống, có khi chúng đậu trên tay mình, rồi mình vuốt ve và cho từng con vào lồng. Chúng mới đáng yêu làm sao. Có lúc chúng mổ tay mình chốc chốc nhưng không đau lắm. “Cám ơn chị nhé!” Mình đoán chừng chúng muốn nói với mình như thế. “Không có gì đâu, các em thấy vui vẻ là được rồi.” Mải mê nói chuyện với lũ vẹt, mình quên mất đã cả tiếng đồng hồ trôi qua. Mình ướt đẫm mồ hôi. Phòng rất nóng vì mình phải đóng kín cửa không thì lũ vẹt bay ra ngoài mất.

Tự vấn đáp (tự hỏi tự trả lời)

- Tại sao mày không chịu học hành đàng hoàng vậy?

- Mình không biết...

- Mày không cảm thấy có lỗi với bố mẹ, những người đã vất vả vì mày sao?

- Mình đã nghĩ đến điều đó rồi nhưng bất lực thôi.

- Đó là vì mày quá ỷ lại đấy chứ. Mày nhìn ra ngoài xã hội kia kìa. Vô số người không ngừng nỗ lực theo cách riêng của mình. Cũng như mày một năm trước đây, khi đó mày vẫn còn...

- Thôi đủ rồi... đừng nói gì thêm nữa! Từ khi được bảo rằng, cuộc sống này đâu chỉ có mỗi chuyện trường lớp và học hành, mình đã bắt đầu mất phương hướng, chẳng còn rõ học để làm gì.

Rốt cuộc, kỳ nghỉ hè trôi qua trong khi mình chưa làm được điều gì cả. Mình sợ phải bắt đầu một học kỳ mới.

Mình là người hiểu rõ nhất những thay đổi (hoặc tiến triển xấu) trong cơ thể mình. Nhưng những biểu hiện đó chỉ là nhất thời, hay chúng có nghĩa rằng rồi đây tình trạng bệnh sẽ chuyển biến xấu hơn nữa? Mình mơ hồ không hiểu.

Mình giải thích tình trạng hiện thời với bác sĩ Yamamoto.

Thứ nhất, cử động của hông đang trở nên tệ dần. Mặc dù vẫn có thể chuyển động trước sau, nhưng lắc sang trái phải thì hầu như không được (mình bước đi cứ bị lắc lư, giống như con cua vậy). Phần gót chân cũng trở nên cứng đờ, chân khi bước về phía trước không được tự nhiên.

Thứ hai, khó phát âm những từ mở đầu bằng chữ cái B và M.

Bác sĩ trấn an mình, rằng có thể cải thiện tình trạng đó nếu tập luyện chăm chỉ. Bác sĩ cũng kê cho mình thêm một loại thuốc viên màu trắng để làm dịu bắp co.

Dẫu từng muốn biết sự thật về căn bệnh mình mắc phải, nhưng giờ mình lại sợ không muốn biết. Chuyện đó mình không biết cũng được, điều quan trọng là phải sống hết mình và nỗ lực cho hiện tại.

“Aya, vì con không thể tiếp tục học tại trường Higashi nên gia đình mới phải chuyển con đến trường khuyết tật Okayou. Thậm chí ở trường mới này, con cũng là một trường hợp khá nặng. Con có thể cảm thấy mình chưa được chấp nhận ở Okayou, nhưng đừng lầm lũi và tự cô lập mình như thế. Con đừng lo rằng mình không có nơi nào để sống, sẽ luôn có chỗ cho con. Nếu con phải dành cả phần đời còn lại ở nhà, chúng ta sẽ giúp con trang trí lại phòng và biến nó thành một căn phòng ấm áp và sáng ánh mặt trời.” Mẹ hào hứng nói vậy với mình khi đang ngồi trong xe trên đường về nhà. Có lẽ mẹ thấy mặt mình trông ủ rũ thảm hại quá nên mới an ủi như vậy,

“Không phải vậy đâu mẹ ơi, con chi đang lo lắng không biết giờ đây mình phải sống như thế nào. Chứ không phải con muốn tìm kiếm một nơi an nhàn đâu.” Trong lòng mình muốn thốt vang lên những lời đó.

Mình vào nhà vệ sinh để lau sạch khuôn mặt lem nhem nước mắt. Rồi mình nhìn vào gương. “Thật là một khuôn mặt thiếu sức sống!” Lúc trước mình hay ra vẻ với em gái là: “Chị tuy không xinh nhưng nhìn kỹ cũng thấy nét đáng yêu đấy chứ.” Nhưng với khuôn mặt của mình hiện giờ, e là không thể nói những lời như vậy được nữa. Chút biểu hiện ít ỏi còn lại trên gương mặt mình cho đến giờ chỉ là khóc, cười gượng, tỏ ra căng thẳng và ủ dột. Mình chỉ có thể duy trì vẻ mặt phấn khởi không quá một tiếng đồng hồ.

Mình không hát được nữa rồi. Các cơ quanh môi mình có những lúc bị giật liên hồi. Giờ mình chỉ có thể thều thào những âm thanh nhỏ nghe như tiếng muỗi kêu, nguyên do là bởi cơ bụng suy yếu đi quá nhiều.

Hôm nay là tròn một tuần mình uống loại thuốc viên màu trắng. Tốc độ nói chuyện nhanh thêm được chút xíu, cổ họng dễ nuốt thức ăn hơn lúc trước. Chân phải cũng thấy bớt bị căng cơ. Tuy nhiên, bước chân lên trước vẫn khá khó khăn, thỉnh thoảng thấy còn đau lắm.

LỄ HỘI MÙA THU

Mẹ và hai em gái đến xem mình biểu diễn. Mẹ kể là mẹ đã bật khóc khi nhìn thấy cô I nhảy trên sân khấu.

“Sao thế hả mẹ?” mình hỏi.

“Vì cô ấy đã cố gắng hết sức. Nếu là ở các trường bình thường khác thì chắc chỉ có học sinh biểu diễn thôi. Khi được chứng kiến cảnh giáo viên và học trò cùng biểu diễn trên sân khấu nhiệt tình đến như vậy, mẹ cảm động và tự nhiên rơi nước mắt. Mà cũng là vì cậu bé đóng vai khỉ kia nữa. Mẹ để ý thấy dáng đi của cậu ấy, hình như là bị bệnh bại não phải không con? Nếu đúng thì đó là cách duy nhất để cậu ấy di chuyển. Có lẽ vì cho rằng vai diễn đó rất phù hợp với cậu bé, nên mọi người đã cười rất nhiều. Điều đó càng khiến mẹ khóc nhiều hơn.”

Đột nhiên mình nhận ra, hóa ra cái tính mít ướt của mình là thừa hưởng từ mẹ.

“Nhưng mà mẹ ơi, hồi tháng Tư, có lần con thấy bạn S bị té rất đau, nhưng miệng bạn ấy vẫn cười. Khi đó con thấy khâm phục bạn S lắm, rồi con tự hỏi là liệu mình có thể trở nên mạnh mẽ như vậy không. Nhưng dạo gần đây, dù có đau vẫn có lúc con cười được như vậy. Chắc là mọi người không phải cười dáng đi của bạn trai kia đâu, mà là cười vì thấy bộ dạng chú khỉ của bạn ấy mà thôi.” Mình giải thích cho mẹ.

<Đại hội thể thao>

Mình chưa từng nghĩ là ở trường khuyết tật cũng có đại hội thể thao. Vì mình cứ đinh ninh rằng mọi người không đi lại được thì làm sao có thể tham gia vào đại hội thể thao cơ chứ? (Mình quên mất là vẫn có những bạn có thể chạy và cả những bạn ngồi xe lăn.) Mọi người có vẻ rất cố gắng hỗ trợ, hợp sức và cùng bổ sung những điểm thiếu sót cho nhau. Nhóm bị tàn tật nặng hơn trong đó có mình cùng biểu diễn một màn múa sáng tạo do nhóm tự biên đạo. Tới đoạn diễn tả lá thu rơi rụng, do mình lúng túng nên bị nhầm nhóm, thế là lỡ cả nhịp. Dù sao, mình cũng đã nhảy hết sức có thể, như những chú bướm vậy (ít ra là trong lòng mình nghĩ thế).

Bởi trong nhóm toàn những trường hợp tàn tật nặng, mình đã nghĩ những cơ thể khiếm khuyết nhường đó làm sao có thể biểu diễn được những động tác đẹp cơ chứ. Nhưng khi xem lại viđeo quay màn biểu diễn của cả nhóm trong thư viện, mình đã vô cùng bất ngờ. “Quả là một màn biểu diễn tuyệt vời!” Mình tự hào. Phải thứ cố gắng thì mới biết có làm được hay không chứ!

Một ấn tượng sâu sắc đọng lại trong lòng mình, đó là màu xanh dịu dàng tươi mát của bầu trời mình thấy được khi ngước lên lúc đang nhảy múa. Điều khác biệt lớn nhất của đại hội thể thao này với đại hội thể thao tại trường Higashi đó là: mình từ một kẻ đang ngoài giờ được trở thành một thành viên cùng tham gia hội thao. Trước kia, mình luôn nghĩ mình không thể làm việc này việc kia vì tình trạng tệ hại của mình. Nhưng giờ đây mình đã thay đổi suy nghĩ: nếu thử cố gắng, ta có thể làm được những việc trước đây tưởng chừng là không thể.

Các thầy cô động viên mình rất nhiều. “Aya thấy chưa, cố gắng thì sẽ làm được thôi. Buổi biểu diễn thật tuyệt vời.” Họ còn nói. “Nhờ em lỡ nhịp mà bài múa sinh động hẳn lên đó.”

“Từ lúc Aya biết chấp nhận tình trạng của bản thân mình, cô cảm nhận được đã có điều gì đó bắt đầu thay đổi trong suy nghĩ của Aya đấy.” Bác sĩ Yamamoto cũng nói với mình điều tương tự.

Trở về sau chuyến công tác đào tạo dài ngày, thầy Suzuki đến thăm mình.

Thầy kể cho mình nghe nhiều điều về những gì thầy đã được chứng kiến trong chuyến công tác khi ở cùng với những đứa trẻ bị thiểu năng.

“Có một số em tuy đã mười tuổi, nhưng tinh thần thì như trẻ một tuổi, dù ta làm gì các em ấy cũng không biết phản ứng lại. Các em ấy dễ dàng bỏ bất cứ thứ gì vào miệng, thậm chí là đá hoặc bùn. Khi chứng kiến thực tế đó, thầy ngẫm ra rằng ra cần có phương pháp đào tạo đặc biệt cho những trường hợp như vậy ngay khi còn rất nhỏ. Vấn đề là, đối với từng cá nhân bị thương tật cần phải xây dựng một phương pháp đào tạo phù hợp, điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực không ngừng. Cả hai bên đều phải cố gắng hết sức, những đứa trẻ bị tật nguyền và những người chăm sóc chúng, Aya và thầy cũng vậy. Thế nên, ta hãy cùng cố gắng nhé, Aya.”

Trước đây đôi lúc mình đã nghĩ rằng, nếu trí não mình cũng tật nguyền y chang cái cơ thể này, không chừng mình đã chẳng đau khổ nhường này. Giờ đây, khi nghe chuyện của thầy, mình cảm thấy xấu hổ vô cùng. Mình thật chẳng ra làm sao cả.

Khi còn là học sinh tiểu học, mình từng mơ ước được trở thành bác sĩ. Lên cấp II, mình đã muốn sau này sẽ học về phúc lợi xã hội, hồi còn học ở trường Higashi, mình từng có ý định đăng ký vào khoa văn. Dự định của mình cứ thay đổi liên tục, nhưng dù sao mình cũng luôn muốn làm công việc gì đó có ích cho mọi người.

Hiện giờ, mình vẫn chưa quyết định được mục tiêu về sau. Nhưng khi tốt nghiệp ra trường, liệu mình có thể làm những việc như đút cơm cho trẻ tàn tật không có khả năng cử động? Mình muốn được nắm tay và truyền hơi ấm sang các em ấy. Mình tự hỏi, dù chỉ một chút thôi, mình có thể làm điều gì đó có ích cho người khác không?

Trước đây, có lần bạn A nói với mình rằng: “Nếu mình không được sinh ra trên cõi đời này thì hay biết mấy.” Mình tròn xoe mắt ngạc nhiên. Đó là một sự ngạc nhiên “thoải mái”, nó cuốn trôi đi hết giận dữ trong lòng mình cùng những tiếng thở dài não nuột. Đó là bởi mình cũng nhiều lần có cái suy nghĩ đó. Nhưng rồi mình được biết rằng, có những đứa trẻ bị thiểu năng đến mức không đủ khả năng để nảy sinh những suy nghĩ như vậy, đáng thương làm sao.

Mình không thể quay trở về như xưa được nữa. Thể xác và tâm hồn đều đã mệt mỏi rã rời như những sợi bông gòn. Các thầy các cô ơi, giúp em với!

Mình mệt lả vì khóc quá nhiều, nhưng rốt cuộc cũng tìm ra được lời giải cho bài tập toán. Câu trả lời trùng với đáp án, vui quá! Nhưng để làm được bài đó, mình mất những 55 phút lận, còn tệ lắm.

CUỐI NĂM

Mình ngồi hí hoáy viết thiệp chúc tết.

Trước kia mình chỉ biết vài mã bưu điện như là 440 (mã của thành phố Toyohashi), và ngoài ra thêm hai hay ba mã số khác nữa. Năm nay, mình quen thêm nhiều thầy cô và bạn bè ở trường khuyết tật nên cũng vì thế mà biết thêm nhiều mã bưu điện. Nước Nhật rộng lớn ra phết!

Mọi người ai cũng tất bật với công việc cuối năm, nào là tổng vệ sinh, nào là làm bánh dẻo, nào là đi mua sắm... Mình nên làm gì cho vui nhỉ?

“Aya, con khỏe chứ, con giúp mẹ lau sàn nhà được không?”

“Dạ được ạ!”

Mẹ vắt giẻ lau nhà và đặt sẵn tại hành lang cho mình.

Bỗng dưng mình mất tâm trạng hứng khởi đón tết. Sao lại như thế cơ chứ? Ít ra cũng nên có chút cảm giác tươi mới hoặc dự định gì đó chào đón một năm mới sắp đến. Mình lại bật khóc. Sao mình lại yếu đuối thế này?

Một giáo viên ở trường Higashi đã nói: “Đối với môn ngữ văn, điều quan trọng nhất khi làm bài kiểm tra là nắm được xem câu hỏi trước mắt đang nhắm đến vấn đề gì và theo đó mà từng bước tìm ra lời giải. Để tăng khả năng đọc hiểu, phải cố gắng xóa bỏ cái gọi là ‘thành kiến ngôn ngữ’. Do vậy, chúng ta cần phải đọc nhiều sách. Càng đọc nhiều sách, chúng ta càng xóa bỏ được nhiều thành kiến ngôn ngữ.”

Phải rồi, mình sẽ đọc thật nhiều sách và nhớ được càng nhiều mặt chữ Hán càng tốt.

Sụ đồng cảm với người khác cũng có thể được nuôi dưỡng trong quá trình đọc sách. Đó là điều bây giờ mình mới hiểu ra. Hết lần này đến lần khác, nhiều lúc mình dừng cuộc nói chuyện giữa chừng vì cho rằng dù có nói thế nào đi nữa thì đối phương cũng không thể nào hiểu mình. Vô số lần ngay sau đó mình cảm thấy hối tiếc và nghĩ rằng mình đã có thể làm tốt hơn. Đó là lý do tại sao lúc nào mình cũng cảm thấy chán nản.

Mình quyết định luyện tập để viết chữ khai bút đầu năm. Mình lấy cây bút lông nhỏ còn mới và chấm vào mực đen để viết. Thư pháp mà không có chữ mẫu thật khó viết. Cuộc đời con người lại không có khuôn mẫu nên càng khó hơn nhiều.

Mình đã viết hai chữ ‘‘Tố Trực”(ngoan ngoãn).

NHỮNG TỔN THƯƠNG VỀ NGÔN NGỮ

Mình bắt đầu khó phát âm những từ bắt đầu bằng chữ cái M, W, H và cả chữ N nữa. Đó là vào giờ hóa học, mình được gọi lên đọc bài. Mặc dù hiểu rõ phải phát âm ra sao nhưng mình không thể nào làm được. Mình có thể tạo khẩu hình chính xác, nhưng cổ họng mình không tạo thành tiếng, chỉ có một luồng hơi phát ra mà thôi. Thế nên chẳng ai hiểu được.

Dạo gần đây mình thường tập nói một mình. Trước giờ mình ngại làm thế bởi thấy cứ ngớ ngẩn thế nào đó, nhưng giờ đó là một cách tốt để luyện cho môi và cổ họng. Thế là dù có người ở bên cạnh hay không, mình vẫn cứ nói.

Mình đã nghĩ đến chuyện xin ứng cử cho chức thư ký của hội học sinh. Lúc còn học lớp Năm mình đã từng giữ chức vụ này. Sẽ có hẳn một buổi diễn thuyết và tranh luận giữa các đối thủ, thế nên mình phải tập phát âm cho buổi diễn thuyết. Nào là chuyện luyện tập rồi chuyện học hành, có quá nhiều chuyện phải làm. Đầu mình cứ quay cuồng như chong chóng. Trời ạ!

Hồi còn học cấp I, mình từng đánh nhau với một bạn cùng lớp. Hôm đó, mình dẫn em chó Kuma đi dạo. Bạn mình và anh trai bạn ấy cũng dẫn chó ra ngoài. Xung đột bắt đầu khi bạn ấy thúc chó nhà mình ra gây sự với Kuma.

“Sao bạn lại chọc phá Kuma vậy?”

“Thì anh mình bảo thế.”

Mình nổi giận. “Nếu anh cậu bảo cậu đi giết người thì cậu cũng bình thản mà làm à? Không phải lúc nào anh cậu cũng đúng đâu.” (Mình bắt chước những lời răn dạy của mẹ.)

Nhưng cô bạn kia vẫn không ngăn chó lại. Cả bọn lao vào cãi vã. Quyết liệt đến mức không thể nào ngừng lại. Rốt cuộc thành ra đánh nhau to. Tuy bị đẩy vào vũng bùn, nhưng mình quyết không chịu chua. Sau đó hai đứa em cũng chạy ra yểm trợ cho mình. Đúng rồi, mình phải quyết tâm giành được một chân trong Hội Học Sinh với cùng cái ý chí đấu tranh vì chính nghĩa như hồi đó.

Những tổn chương về ngôn ngữ đang dần lộ rõ. Khi nghe mình nói chuyện, đối phương sẽ phải mất rất nhiều thời gian và lòng kiên nhẫn. Có nhiều câu lúc cần phản ứng nhanh nhưng mình không kịp nói, ví dụ như lời “Xin lỗi” khi vô tình đi ngang qua ai đó. Nếu cả mình và đối phương không chuẩn bị sẵn tinh thần và những điều cần nói, thì không thể nào có được một cuộc nói chuyện như mong muốn.

Thậm chí mình cũng không thể nói rành rọt những câu đơn giản như “trời hôm nay đẹp thật, những đám mây nhìn như những viên kem,” mà trước đây mình hay dùng để xen vào cho cuộc nói chuyện thêm thoải mái. Cảm giác trong lòng thực khó chịu, cực kỳ bức xúc, mình thấy bản thân thảm hại, mình thấy buồn. Và cuối cùng, những giọt nước mắt bắt đầu rơi.

BẤT MÃN

Hôm nay có một giáo viên gọi mình lại và hỏi: “Aya, em bất mãn điều gì sao?” Mình hơi lúng túng. Có lẽ các giáo viên có thể nhận ra những bất ổn ở mình qua các bức tranh mình vẽ, bài văn mình viết và câu hỏi mình đặt ra. Thế nhưng chỉ dựa trên đó mà có thể đoán rằng những gì mình cảm thấy chỉ đơn thuần là bất mãn với cuộc sống hay sao?

Từ một cơ thể khỏe mạnh biến thành tàn tật, điều này đã làm xáo trộn cuộc sống của mình. Hơn nữa, căn bệnh nặng hơn theo từng ngày. Giờ đây thì phải chiến đấu với chính bản thân mình. Trong cuộc chiến ấy, chưa bao giờ mình có cảm giác mãn nguyện. Lo âu, đau khổ... mình đang nỗ lực hết sức để thổi tan những cảm giác đó.

Mình biết rằng những dằn vặt trong lòng không thể tiêu tan dẫu người khác có chịu lắng nghe mình. Nhưng hy vọng là, dù chỉ một chút thôi, mọi người cũng cố gắng tìm hiểu cảm giác của mình và động viên mình. Thế nên mình mới hỏi ý kiến của thầy Suzuki, đưa thầy xem cuốn nhật ký ghi lại những suy nghĩ và lo âu của mình. Các giáo viên khác thì khuyên mình nên tự đối đầu với những vấn đề của bản thân, có như vậy mới xóa tan được bực dọc trong lòng. Nhưng cái gánh nặng mà mình mang trên vai đã quá lớn rồi, sao mình còn đủ sức mà đối đầu như họ nói chứ.

Mình hỏi mẹ: “Có phải trông con như một đứa chất chứa đầy bất mãn không hả mẹ?”

“Cái gọi là bất mãn thì ai mà chẳng có hả con.” Mẹ đáp. “Nếu thấy bản thân như đang chịu đựng điều gì đó thì con nên dũng cảm nói ra. Vì nếu con cứ lẳng lặng mà dằn vặt về những điều người khác nói hoặc về những điều con đã làm, người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ rằng lúc nào con cũng đang bức xúc điều gì đó.”

Phản ứng của mình thậm chạp lắm, mình biết chứ. Có lúc mình không thừa nhận mình là người tàn tật. Mình đang trong vực thẳm tuyệt vọng. Nhưng lạ lùng thay, trong mình chưa bao giờ tồn tại ý nghĩ muốn chết. Vì mình luôn tin rằng đến một lúc nào đó, một lúc nào đó... mình sẽ cảm thấy vui tươi trở lại.

Chúa Jesus cũng đã nói, sống trên thế gian này là một thử thách thiêng liêng. Liệu có phải điều đó nghĩa là, hiện nay ta sống như thế nào sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời khác sau cái chết? Mình phải tìm đọc Kinh Thánh mới được.

BỮA ĂN CỦA MÌNH

Giờ đây mình dùng đũa cục kỳ vụng về.

Ngón cái không duỗi thẳng ra được, các ngón khác thì cứng do không cử động linh hoạt được, nên khi cầm đũa mình chẳng gắp được gì. Do vậy, cách mình ăn uống phải thay đổi so với trước đây. Giờ thì mình đã có một cách ăn riêng.

Các món cho bữa tối nay gồm có cơm, cơm chiên, salad trộn và xúp. Trước tiên, mình trộn salad với cơm. Với những món kiểu như salad mình đều làm theo cách này. Tôm chiên thì khá lớn nên mình loay hoay một hồi rồi cũng gắp được. Nhưng mình không giỏi ăn mì cho lắm (dù rất thích mì udon). Khi húp xúp mình phải rất cẩn thận vì xúp còn nóng. Mình thường bị sặc nên phải húp đúng cách, đầu tiên hai tay cầm bát xúp cho thật chắc, rồi thổi nhẹ, nín thở, rồi húp ực liền một hơi.

Trong lớp mình có bạn Chika, tay trái bạn ấy gần như không cử động được, nên khi ăn bạn ấy đành phải cúi đầu, ghé miệng sát đĩa thức ăn. Còn bạn Teru thì trộn hết các món nào là cơm, salad, tôm, rau và thịt vớt từ trong xúp ra lên đĩa. Cách ăn của mình là sự kết hợp từ cách của hai bạn ấy. Dù sao mình vẫn dùng được tay trái nên còn có thể cầm bát lên. Nhìn bề ngoài, mình có thể giả vờ giống như một người bình thường.

Trước đây mình có đọc một cuốn sách do Suzuki Kenji (phát thanh viên truyền hình) viết. Trong đó chú ấy nói rằng, khi hai người tàn tật gặp nhau trong một buổi mai mối, điều đầu tiên họ làm thường là chia sẻ với nhau những khuyết điểm của bản thân. Liệu cách ăn của mình có thể được coi là một khuyết điểm không nhỉ?

Mình đã thử hỏi bác quản tý ký túc xá: “Có phải vì chậm chạp mà cháu rất nổi bật không hả bác?”

“Bác nghĩ cháu trông tội nghiệp hơn là nổi bật.” Mình thực sự sốc trước lời nhận xét đó.

Mặc dù đã chuyển đến trường khuyết tật nhưng ở đây mình cũng vẫn cứ làm phiền mọi người xung quanh. Aya xin lỗi mọi người! Những trường hợp tàn tật được chia ra thành nặng và nhẹ. Mình thuộc vào nhóm những trường hợp tàn tật nặng.

THÁNG BA

Chúc mừng em trai, em gái chị tốt nghiệp cấp II. Sắp bắt đầu kỳ thi lên cấp III rồi, cố lên các em nhé.

Mưa xuân rơi âm thầm,

Không thanh âm trên cánh đồng xuân,

Năm nay xuân ảo não thế.

Mình từng lo lắng rất nhiều cho tương lai. Không biết tự lúc nào mình bắt đầu quay lưng với chính cuộc đời mình. Điều gì đã xảy ra cho những hy vọng của mình về tương lai? Mình không còn suy nghĩ một cách nghiêm túc về sau này mình sẽ như thế nào nữa. Đến được đâu thì hay đến đó. Mình đã bị cuốn chìm trong con sóng của vận mệnh. Mình cũng không biết là liệu có công việc nào mình có thể làm được không nữa.

“Con còn những cả năm nữa mới tốt nghiệp cơ mà.” Mẹ an ủi. Trong lòng mình thì nghĩ: “Chính xác là chỉ còn một năm thôi.” Mình không biết có cách nào để rút ngắn sự chênh nhau giữa suy nghĩ của mẹ con mình.

Những học sinh tàn tật chuyển tới đây từ Trung Tâm Phúc Lợi Y Tế Aoi Tori hay những bạn đã sống tại ký túc xá này từ lúc nhỏ đều khác hẳn so với mình. Các bạn ấy trước giờ chẳng phải trăn trở gì, cuộc sống như một đường thẳng.

“Ở đây không ngại nếu em làm qua loa đâu. Nhưng ít nhất hãy cố cho đúng giờ chứ.” Tại vì mình chậm chạp và hay trễ giờ, nên bị thầy R và bác quản lý ký túc xá nhắc nhở. Nhưng biết làm sao đây, ví dụ như chuyện lau dọn: mình tuy chậm nhưng phải lau dọn cho thật hẳn hoi chứ không thể làm qua loa đại khái.

Cô quản lý khu nhà I rất tốt bụng. Cô hay ôm mình vào lòng và thể hiện tình thân như một người mẹ. Cảm giác thật ấm áp và an toàn, mình thích lắm. Cô có kể là buổi tối thấy khó ngủ. Mình định bụng sẽ tặng cô một con thú nhồi bông. Bác quản lý Y thường la mình là chậm chạp lề mề. Nhưng hôm nọ, suốt 10 phút liền bác ấy âm thầm dõi theo mình lết qua một đoạn hành lang dài 3 mét. Mình hiểu là sự quan tâm của hai người họ được thể hiện theo hai cách khác nhau.

Tình cờ, mình nghe được cuộc nói chuyện giữa mẹ và bác quản lý khu ký túc xá. “Cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi vẫn muốn chăm sóc cho Aya.” Mình không ngờ mẹ đã nghĩ xa đến như vậy. Nhờ vậy, mình hiểu thêm nhiều về tình yêu mẹ dành cho mình và càng yêu mẹ hơn.

Mình quên nhấn nút sạc pin cho cái máy (chiếc xe lăn điện của mình), thế là giờ đây nó không còn là cái máy nữa rồi. Làm sao bây giờ! Mình hì hục đẩy xe lên dốc đến bở cả hơi, lưng mình bắt đầu đau. Qua được dốc, mình dừng lại hành lang tầng hai một chút để nghỉ. Nhìn xuống cảnh ngoài sân, mình thấy một vật gì đó nhỏ nhỏ đang di chuyển lên đồi. À thì ra là một em chó con. Trông em chó mới lạc lõng làm sao. Đúng lúc một giáo viên đi ngang qua và nói: “Vậy ra chó con cũng thích ngắm cảnh đẹp, phải không em?” Mình lỡ quên mất rằng, đối với mọi điều, còn tùy vào từng người và tâm trạng của người ta khi ấy, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau.

Tốt nghiệp rồi, mình sẽ làm gì đây? Hai năm trôi qua, tình trạng của mình ngày một trở nên tồi tệ. Mẹ bảo mình phải tập trung trao đổi với bác sĩ Yamamoto về tình trạng bệnh và phương pháp trị liệu. Bây giờ, có động lực hay không chẳng còn là vấn đề quan trọng nữa. giờ cũng chẳng phải lúc trông mong vào những lời khích lệ. Mình chỉ còn cách cố gắng cầm cự mà thôi.

Mình đút chân vào bàn sưởi và ăn bánh. Ako đã để dành cho mình. “Cố lên chị nhé!” Ako nói vậy.

Dạo gần đây mình thấy lạ lắm. Mắt thi thoảng nhìn gì cũng lờ mờ, đầu thì quay cuồng. Chân phải trông không còn như trước nữa. Đốt ngón chân cái bên phải cứ gập lại trong khi các ngón khác cứ duỗi ra. Thực kinh khủng, đây mà là chân của mình ư? Mình cao 1 mét 49, nặng 36 kg. Mong là cái chân này còn đủ sức chống đỡ cơ thể mình. Cái chân ù lì kia!

Mình tâm sự với cô G, người giúp mình sạc pin chiếc xe lăn điện: “Bệnh của em ngày một nặng hơn, em sắp không đi lại được nữa rồi. Hồi đầu bệnh chưa đến nỗi thì em có thể đi lại. Lúc đó ít nhiều em vẫn có thể giúp đỡ mọi người trong ký túc xá. Nhưng giờ càng ngày em càng vô dụng, chỉ toàn là nhận sự giúp đỡ từ người khác, em thực xấu hổ quá...” Những lời tiếp theo mình không thể nói thành lời. May sao, mình đã cố ghìm được nước mắt.

Mẹ bật khóc. “Aya, con mắc phải căn bệnh này là do số phận và việc chúng ta có đứa con như con cũng là số phận. Mẹ biết con đau khổ, nhưng bố mẹ còn đau khổ hơn con bội phần. Cho nên thay vì cứ khóc tức tưởi như thế, con phải sống cho thật kiên cường.”

Khi quay trở lại ký túc xá để thay đồng phục chuẩn bị cho giờ thể dục, đột nhiên cổ họng mình bị nghẹn kín đờm, suýt chút nữa mình đã ngộp thở mà chết. Các cơ ở bụng bị suy yếu, sức chứa của phổi rất kém nên mình không thể khạc đờm ra khỏi cổ họng. Thật khủng khiếp. Mình có linh cảm chắc không chừng rồi một ngày kia mình sẽ chết bởi một nguyên nhân nhỏ nhặt như thế này.

NĂM LỚP MƯỜI HAI

Đây là năm cuối mình còn được trải nghiệm cuộc sống ở ký túc xá. Mình phải chú tâm vào các công việc ở ban chấp hành của trường, phải nỗ lực hết mình để mang lại cho mọi người những kỷ niệm vui trong dịp Giáng sinh. Mình sẽ rất bận rộn. Nhưng suốt một năm được nghĩ đến người khác và hành động vì họ khiến mình cảm thấy thật có ích và hài lòng với bản thân.

“Aya hãy cố gắng nhiều hơn nữa để chống chọi với bệnh tật, có như vậy mẹ mới hết lo ầu.” Nghe mẹ nói vậy, mình thấy xấu hổ vì chỉ toàn nghĩ đến những chuyện trước mắt mà thôi.

Mùa xuân rồi cũng qua đi, những cánh hoa bay lả tả lọt qua cửa xe hơi, mình đưa tay đón lấy, chợt một cảm giác ấm áp như tình yêu thương của mẹ dâng tràn, cảm giác thật an lành.

Khi thức dậy vào buổi sáng mình thấy đáng sợ hơn buổi tối khi phải ngủ một mình. Mình mất đến hơn một tiếng đồng hồ để gấp chăn, thay quần áo, đi vệ sinh hết những 30 phút, rồi sau đó mất 40 phút để ăn sáng. Khi cơ thể cứng đờ vì mệt mỏi, mình thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn. Khi gặp người quen, mình còn chẳng kịp nói lời “chào buổi sáng”. Lúc nào mình cũng cúi gằm mặt xuống. Sáng nay mình bị ngã, cằm đập xuống đất. Mình phải sờ nắn xem có bị chảy máu không. Mình thở phào nhẹ nhõm vì không thấy có máu. Nhưng sau vài ngày thì bắt đầu cảm thấy ê ẩm khắp các vết bầm trên vai và cánh tay.

Vì không giữ được thăng bằng cơ thể, mình cứ liên tục trồi lên ngụp xuống trong bồn tắm. Nhưng kỳ lạ thật, mình không hề có cảm giác là mình sẽ chết. Thay vào đó, mình được nhìn thấy một thế giới trong suốt, có lẽ thiên đường cũng như vậy chăng?

Thử đặt tay lên lồng ngực,

Cảm nhận tiếng đập thình thịch.

Tim mình đang hoạt động.

Hạnh phúc làm sao, mình còn sống!

Phần lợi trên ở hàm trước bên phải sưng vù lên. Lại mất thêm những dây thần kinh khác, chúng chết rồi.

Mình cùng tham gia vào một chuyến du lịch qua đêm với nhóm bạn tàn tật. Nhóm còn có mấy bạn tình nguyện viên đi kèm để chăm sóc cho mình và các bạn trong suốt chuyến đi.

“Cái này mình... làm... được, cứ để mình... làm đi.” Mình phải luôn miệng nói vậy, chẳng khác gì trẻ em lên ba đang trong giai đoạn nổi loạn vì mọi người cứ chăm chăm lo cho mình quá mức. Trong nhóm có chị Etsuyo phải vừa nằm vừa ăn. Có một cô đi ngang thấy chị ấy như vậy bèn có vẻ mặt là lạ. Mình thấy vui vì vẫn có thể ngồi ăn. Mình nhận ra rằng, mặc dù mỗi người một mức độ tàn tật, nhưng những người tàn tật dù thế nào cũng như nhau cả thôi.

Bất chợt em gái 4 tuổi đi cùng nhóm nói một lời khó nghe: “Chị ơi, chị cứ lắc lư như thế nhìn chẳng đẹp gì cả.” Mình đang uống nước trà liền phun luôn ra ngoài. Bọn trẻ con thực là độc miệng, vì chúng có thể thẳng thừng nói những lời làm tổn thương người khác mà không thấy chút áy náy gì.

THAM QUAN CÙNG TRƯỜNG

Rốt cuộc mình cũng được tham gia vào chuyến tham quan mà trước đó mình những tưởng không được đi. Mẹ quyết định cùng đi với mình, chuyện trong nhà giao lại cho bố.

Công viên Hòa bình Hiroshima và đàn chim bồ câu

Cúc cu cúc cu, lũ bồ câu kêu không dứt. Ban đầu, lũ chim có vẻ hoảng sợ chiếc xe lăn của mình nên không dám đến gần. Nhưng khi mình đưa thức ăn ra, chúng bắt đầu bay lại đậu vào tay, vai và đầu mình. Đám bồ câu này quả là rất biết tính toán, chẳng kém gì những người đã ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima này.

Vừa lúc trước, mình được tham quan Viện Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. Trong viện bảo tàng tối om, chỉ riêng những hiện vật trưng bày là có ánh đèn chiếu sáng. Có cảm giác như bị cuốn vào một bầu không khí lạ lẫm và ảm đạm. Mình xem qua mô hình của thành phố bị tàn phá lúc bấy giờ. Có hình ảnh hai mẹ con nắm tay nhau quần áo xộc xệch đang hoảng sợ chạy trốn. Xung quanh họ chỉ toàn lửa một màu đỏ rực. Họ hình như vừa vấp ngã và bị thương, trên người đầy vết trầy trụa và máu.

Đứng ở phía sau, mẹ nói: “Thật kinh khủng!” Đoạn mẹ quay mặt sang bên: “Lẽ ra mẹ không nên nói thế đúng không? Đáng ra mẹ nên nói những lời như ‘Họ đáng thương làm sao!’ vì họ không đáng bị như thế. Chẳng ai muốn lâm vào tình cảnh này cả.”

Mình không có cảm giác như mẹ. Bấy nhiêu đây dâu có đủ để gợi hết về cảnh bom đạn, cũng không đủ để mô tả tội ác trong chiến tranh. Một đứa đơn giản như mình, vốn chẳng có trải nghiệm hay hiểu biết gì về chiến tranh, thì thực khó để có thể phản ứng mãnh liệt được như thế.

Người ta còn trưng bày những con hạc giấy mà Sadako(12), một em gái qua đời do hậu quả của bom nguyên tử, đã gấp. Chúng được gấp từ loại giấy nến trong màu đỏ, “Em không muốn chết, em muốn sống!” Mình hồ như nghe được tiếng của Sadako. Rốt cuộc di chứng đo bom nguyên tử gây ra trên cơ thể người thực ra là như thế nào?

Thậm chí 35 năm đã trôi qua từ vụ nổ mà vẫn còn nhiều người phải gánh chịu những di chứng đó, vậy phải chăng đó là bệnh có khả năng di truyền? Mình cứ hỏi mẹ nhưng mẹ cũng không biết rõ lắm. Hiện vật trưng bày còn bao gồm cả chú ngựa nhồi bông sần sùi những vết rách, những viên ngói cháy đỏ vì bức xạ nhiệt, những hộp nhôm bị nóng chảy thành hình kỳ dị, những bộ áo quần tả tơi thời chiến tranh... Sự chân thực của những hiện vật này như bao trùm lên hiện tại một áp lực tàn nhẫn. Thế hệ mình không biết gì về chiến tranh. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ta có thể quay lưng thờ ơ với chiến tranh. Dù cho không muốn nhắc đến, nhưng ta vẫn phải thừa nhận rằng, trên thành phố Hiroshima, ngay tại Nhật Bản này, vì bom đạn mà biết bao nhiêu con người vô tội đã bỏ mạng. Ta không nên lặp lại tình trạng bi thảm này thêm lần nữa. Mình cho rằng, thực hiện lời thề đó chính là cách tưởng niệm hòa bình sâu sắc nhất.

Sau đó mình để ý thấy trong viện bảo tàng còn có một nhóm học sinh tiểu học đến từ Hiroshima. Chúng nhìn mình trên xe lăn cũng như nhìn những vật trưng bày trong bảo tàng, chẳng khác gì như đang chứng kiến điều gì đó thực kinh khiếp. Mình cố trấn an rằng mình không nên quá bị ảnh hưởng bởi ánh nhìn của người khác. “Chắc chúng không quen thấy người ngồi trên xe lăn.” Mình cố nghĩ vậy và tập trung nhìn vào những hiện vật trưng bày.

Thầy Suzuki dẫn mọi người xuống cầu thang. Mình thấy nhẹ người khi được thoát khỏi bầu không khí nặng nề và những ánh mắt soi mói. Ngoài trời, mưa rơi lất phất. Mẹ khoác vội cho mình chiếc áo mưa khi mình đang ngồi trên xe lăn. “Trông xấu lắm mẹ ạ.” Mình phản đói. Nhưng không thấy ai chê cười gì cả nên mình đành làm theo lời mẹ. Mẹ còn lấy cả khăn mặt trùm lên đầu mình.

Công viên um tùm cây xanh nom thật đẹp. Những tán cây sũng nước mưa trông như sáng rực lên dưới bầu trời u ám. Những phiến lá xanh hơi ngả vàng trên thân cây long não đen sì tạo thành một hình ảnh tuyệt đẹp. Mình muốn được vẽ lại cảnh này. Mọi người đi sâu vào giữa những hàng cây và tiến tới nơi đặt Chuông Hòa Bình. Xung quanh là bốn cây cột chống đỡ mái vòm lớn tượng trưng cho vũ trụ. Những lá sen héo lập ló trên mặt hồ bao quanh nơi đặt chiếc chuông dường như cũng có lịch sử riêng của chúng để kể lại.

“Em nào muốn đánh chuông thì đến đây.” Các giáo viên lên tiếng. Mình nhìn sang thì thấy anh Terada và bạn Kasuya đang đánh chuông. Koong... koong...

Tiếng chuông còn vang vọng một hồi lầu trong không trung. Thực ra vừa cầu nguyện cho hòa bình vừa đánh chuông thì mới có ý nghĩa. Nhưng vì không đánh được chuông nên mình chỉ có thể làm điều duy nhất trong khả năng của mình. Đó là nhắm mắt lại và khấn nguyện.

Sông Outa nâu một màu đất vì cơn mưa bất chợt. Sau khi quả bom nguyên tử được ném xuống, chính dòng sông này đã cuốn theo biết bao mạng người. Nơi đây như thể vẫn còn âm vang hàng ngàn tiếng gào thết: “Nóng! Nóng quá!” Hình ảnh tưởng tượng trong dầu mình còn đáng sợ hơn cả những mình họa và mô tả thấy trong viện bảo tàng.

Những chú chim bồ câu lần lượt bay tới đậu trên vai và cánh tay mình. Chân của chúng mềm mại và ấm áp. Chúng quây xung quanh và mổ lấy mổ để thức ăn trên tay mình. Bồ câu bay đến nhiều vô cùng. Vì toàn là bồ câu hoang nên không có con nào đẹp nổi bật. Trong số đó còn có cả một chú chim bị tập tễnh. Mặc dù bị khuyết tật nhưng chú chim ấy vẫn có thể đi được. Mình thấy đồng cảm bèn cố đưa thức ăn cho chú chim tội nghiệp đó. Mãi rồi nó mới mổ được chút thức ăn. Trong công viên này có dễ đến hàng ngàn chú chim, chú chim bị tập tễnh đó hẳn là một trường hợp nặng, cũng giống như mình, chỉ e là nó không sống được đâu. Mình hiểu ra mình nên cảm thấy hạnh phúc vì được sinh ra là một con người, nhờ đó mới có thể sống đến tận giờ.

Cầu nguyện cho hòa bình trong khi được sinh ra và sống trong xã hội hòa bình liệu có kỳ lạ không? Mình ngẫm lại, một lời cầu nguyện vô dụng chăng?

Sau một hồi, mình không chỉ chăm chăm cho chú chim chân bị tật ăn mà còn rải hạt cho những chú chim bình thường khác. Khi nhìn đàn bồ câu lóc nhóc mổ hạt, mình chợt nghĩ đến cụm từ “phúc lợi xã hội” thường hay được nhắc đến trong xã hội loài người.

TƯƠNG LAI

Ngay cả trong giấc mơ, đôi chân của mình vẫn bị tàn tật. Mình phải ngồi trên xe lăn để ra ngoài (trước đây mình thường mơ là được đi bằng hai chân).

Tay phải đang mất đi sự chính xác ngay cả với những động tác thông thường. Trước đây, bác sĩ Yamamoto cho mình luyện tập cả tay trái, chắc bác sĩ đã biết trước rằng tay phải của mình rồi sẽ trở nên tệ hơn. Kỳ nghỉ hè năm này mình sẽ phải nhập viện điều trị lần hai, thế là bố mẹ dành ra một buổi để nói về tương lai của mình.

Bố mẹ và mình cùng thảo luận về kế hoạch sau khi ra trường.

Mình nói là muốn tham gia kỳ thi viên chức. Bố bảo rằng mình đăng ký thi cũng tốt thôi nhưng bố thấy không an tâm về sức khỏe của mình. Còn mẹ thì không tán thành và cho rằng với tình trạng của mình điều đó là không thể.

Căn bệnh này đến giờ vẫn chưa biết có chữa được không, nhưng để đạt được mục tiêu mình sẽ cố hết sức. Bắt đầu vào học kỳ hai, các giáo viên bắt đầu nói nhiều về chuyện xin việc, chuyện bước ra ngoài xã hội... Tuy chẳng rõ là có đủ khả năng không, nhưng mình thấy rất háo hức với những chuyện như thế. Mình không muốn nghĩ đến chuyện phải học tiếp nữa mà chỉ muốn đi làm. Mình biết là với tình trạng hiện giờ còn lâu mình mới phù hợp để tham gia quy trình xin việc như các giáo viên thường nhắc đến. Chẳng qua mình chỉ muốn được có cảm giác bước ra xã hội như các bạn khác mà thôi. Dù sao, mình cũng còn chút thời gian để suy nghĩ thêm về vấn đề này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx