sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

18 Tuổi Sự Thật Về Căn Bệnh Của Mình

Hôm nay mình bị một cú sốc thật lớn. Đây là cuộc nói chuyện với cô em út Rika: “Em cũng muốn được đi kiểu lảo đảo như chị.”

“Như vậy em... sẽ không chạy... được, không... dạo bộ... được, rồi em sẽ... chán thôi. Mỗi mình chị... có vấn đề... là quá... phiền hà rồi.” Mình cố đáp lại con bé một cách thản nhiên. Rika lập tức nói:

“Vậy thôi, em không thích nữa.”

Hai chị em nói chuyện này với nhau tại hiên nhà. Mẹ thì ngồi trong nhà. Không rõ mẹ mà nghe được chuyện này thì sẽ nghĩ thế nào?

KỲ NGHỈ HÈ CUỐI CÙNG CỦA THỜI HỌC SINH

Buổi sáng mình đi tắm (cho cơ thể được thoải mái). Mẹ cứ đi lòng vòng trong nhà than trời nóng. Thực tình là mình chẳng hề thấy nóng, mình ngồi làm bài tập toán cho đến lúc cả người vã mồ hôi.

Ăn cơm trưa xong, cái răng sâu lại bắt đầu đau. Mình cậy đang ở nhà, nhõng nhẽo khóc. Em trai mình càu nhàu câu ưa thích của nó: “Chi mấy tuổi rồi hử?” Nói rồi nó lấy mấy viên nước đá cho vào túi rồi đưa mình chườm lên má. Mình thấy đỡ hơn chút, bèn nằm lăn ra ngủ li bì suốt hai tiếng đồng hồ.

Khi về nhà, mẹ cho mình uống thuốc giảm đau. Mình chơi cờ ca rô với em trai, nó thắng mình với tỷ số 8-2. Ako phải đi làm thêm nên khi con bé về thì trời cũng đã tối rồi. Mọi người chiều theo yêu cầu của mình, nên bữa tối cả nhà ăn đậu hũ và gỏi cá.

Đến đêm mình vừa đứng dậy định với tay tắt đèn ngủ thì lại bị ngã. Thế là rầm một cái. Mẹ chạy vội đến khi vừa nghe thấy tiếng mình ngã.

“Có chuyện gì vậy Aya? Con phải chịu khó động não và làm đúng những gì được hướng dẫn từ trước đến giờ chứ. Con mà cứ té ngã thế này, mẹ sao có thể an tâm mà ra ngoài đây.” Nói rồi, mẹ lấy một sợi dây dài quấn vào dây công tắc đèn để mình tắt đèn cho dễ. Từ giờ mình phải cẩn trọng hơn khi di chuyển vào ban đêm.

Hôm nay mình bỗng hứng lên muốn lau nhà. Mình chỉ có thể quỳ gối nên không giữ được cái máy hút bụi cho đúng tư thế, thành thử nó không hút hết được bụi. Nhưng mà mình đã cố hết sức, cảm giác thích thú lắm.

Keiko đến nhà chơi với mình. Chúng mình cùng nói nhiều về ước mơ, mình chỉ thấy ước mơ của mình nhỏ nhoi lắm, không sao so sánh được với của bạn bè. Keiko tâm sự với mình rất nhiều về dự định trong tương lai của bạn ấy. Mình có cảm giác như sắp được trở thành người lớn ấy.

Nhưng thực ra, ngày mai mình nhập viện rồi.

LẦN THỨ HAI NHẬP VIỆN, BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC NAGOYA

Lần nhập viện này chủ yếu là kiểm tra mức độ tiến triển của bệnh, tiêm loại thuốc mới và điều trị phục hồi chức năng. So với lần đầu tiên nhập viện, bác sĩ chỉ bảo mình không được đi ra khỏi phòng bệnh một mình, đề phòng mình bất ngờ bị ngã vì như vậy rất nguy hiểm. Lúc đi vệ sinh mình liếc nhìn ra ngoài cửa sổ. Chỉ thấy toàn là những bức tường màu tro và những tòa nhà đen sạm, một cảm giác u tối bao trùm lấy mình. Chị y tá đi bên cạnh hỏi: “Sao nhìn mặt em có vẻ mệt mỏi vậy Aya?”

Chứng giật cầu mắt (nhãn cầu tự động di chuyển hết sang trái rồi sang phải) của mình dạo gần đây càng ngày càng lộ rõ. Mình phải vào phòng điện não đồ để kiểm tra mắt. Chân của bác sĩ ở đó cũng bị tật. Mình nhận ra là nếu có một bộ phận nào đó trên cơ thể lành lặn thì mình vẫn có thể làm việc.

“Sao bác sĩ… lại bôi... kem?” Mình vừa hỏi thì được đáp lại cụt lủn: “Để kiểm tra,”

Với người bình thường liệu bác ấy có trả lời giật cục như vậy không? Có phải do mình không chỉ bị tàn tật mà còn bị tổn thương ngôn ngữ nên người xung quanh cho rằng mình bị ngớ ngẩn.

Để có kết quả chi tiết hơn, bác sĩ Yamamoto chở mình bằng xe hơi của bác sĩ đến bệnh viện Đại học Nagoya. Lúc kiểm tra, nếu mình bất ngờ nhìn thẳng về phía trước thì quả bóng đỏ hiện lên trong máy sẽ mờ đi rồi bị tách ra làm hai. Khi mình bất chợt liếc sang bên trái thì thấy hình ảnh bớt mờ đi hơn. Quả thật, tổn thương ở hệ thần kinh vận động bên phải đang tiến triển rất nhanh.

Ngồi trong xe, mình nói với bác sĩ là sau khi được tiêm thuốc, không giống như các lần trước, mình vẫn thấy tỉnh táo chứ không bị mệt, liệu có phải loại thuốc mới không có tác dụng? Mình cũng kể là mặc dù cơ ở mắt cá chân có vẻ mềm hơn, nhưng tổn thương ngôn ngữ thì ngày càng tệ hơn. Bác sĩ trả lời: “Vấn đề tổn thương ngôn ngữ của cháu, thì chỉ còn một cách. Dẫu việc phát âm có khó khăn đến mấy đi chăng nữa, hãy cố gắng hết sức nói cho hết những gì mình muốn nói, dần dần người nghe sẽ quen và hiểu những lời của Aya thôi.”

LUYỆN TẬP

Thứ nhất, mình thử dùng đôi nạng. Tay phải của mình không còn đủ sức nên suýt thì ngã.

Thứ hai, mình luyện đứng thẳng lên khi đang ngồi trên ghế.

Thứ ba, dù được bảo rằng nếu không duỗi thẳng được đầu gối, mình sẽ không giữ được thăng bằng khi đi bộ, nhưng mình thấy chóng mặt quá không làm nổi.

Thứ tư, mình luyện các đầu ngón tay bằng cách may vá, làm đồ thủ công...

Thế là mình đã nhập viện được 20 ngày, hôm nay mình có đợt kiểm tra tổng thể lần hai. Mình như tuyệt vọng khi được bác sĩ cho hay: “Chưa có cải thiện gì đáng kể.” Nhưng ngay sau đó họ nói: “Nhưng ít ra tình trạng của cháu không tệ đi.” Thật đáng lo, vậy là tình trạng cơ thể mình không khá lên chút nào.

Mình đến phòng điều trị phục hồi chức năng. Có rất nhiều người tàn tật ngồi ở đó, nhưng trẻ em thì không có mấy. Có một ông lão bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não. Khi thấy mình nghiến chặt răng quỳ trên đệm tập luyện, ông đã rơi nước mắt. Mình đưa mắt nhìn ông, lòng thầm nói: “Ông ơi, ông đừng khóc vì cháu nhé. Lúc này đây cháu đau lắm nhưng không thể khóc được dù rất muốn. Cháu để dành những giọt nước mắt này cho tới khi có thể đi lại được. Ông cũng cố gắng nhé.”

Để có thể đi lại được mình phải bỏ biết bao nhiêu sức lực nhưng dường như vẫn chưa đủ, điều đó khiến mình thấy bất an và mất kiên nhẫn. Quay trở về phòng, mình cầm đôi tất lên, chính xác là nắm lấy đôi tất một cách vụng về. Nhưng đã nắm lấy được rồi thì tay mình nhất quyết không chịu buông ra. Cơ thể mình cứng đờ lại, bàn tay rất khó mở ra nắm lại. Mình mất gần 30 phút mới đan xong được một hàng. Có lẽ mình phải vừa luyện tập vừa hát lại bài hát hồi xưa được học lúc mẫu giáo (nắm tay lại nào, mở tay ra nào). Đương nhiên mình không muốn để mọi người cùng phòng biết.

Cứ mỗi lần viện trưởng và bác sĩ điều trị chính tới kiểm tra bệnh, lại có rất nhiều thực tập sinh trẻ đi theo. Cách họ nói chuyện khi ấy khiến mình thấy buồn:

Thứ nhất, các dây thần kinh dẫn tới tiểu não của bệnh nhân này đã bị tổn thương nặng. Vậy nên đối với những cử động mà người bình thường có thể thực hiện một cách vô thức, thì bệnh nhân này lại phải chờ phản hồi từ đại não.

Thứ hai, việc bệnh nhân hay bất chợt bật cười chính là dấu hiệu bệnh lý.

Các thực tập sinh rất chăm chú lắng nghe bác sĩ điều trị chính và viện trưởng. Còn mình thì chỉ có cảm giác chua xót. Chẳng ai thích nghe những lời như vậy về bản thân cả. Mình thích các thực tập sinh, nói chuyện với họ về sách hoặc bạn bè mình thấy rất vui, nhưng khi họ đi cùng viện trưởng đến khám cho mình thì ánh mắt và khuôn mặt của họ trở nên khác hẳn, đầy vẻ tò mò lạ lẫm. Nhưng mình cũng không trách họ được, vì nếu không chăm chỉ học tập, họ sẽ không thể trở thành bác sĩ giỏi.

Điều trị phục hồi chức năng, kiểm tra sức khỏe, chữa răng... nhờ xe lăn mà mình có thể đi vòng vòng khắp bệnh viện theo một lịch trình bận rộn. Mình kết bạn được với nhiều bệnh nhân và y tá. Bác K làm cơm nắm cho mình, bác còn cho mình dưa hấu hay rủ mình tới xem ti vi vào buổi tôi. Chị y tá thực tập mang kem đến tận phòng cho mình. Bác gái phòng số 800 còn sang cả phòng mình để cắm hoa. Mình cũng đọc truyện cổ tích cùng với bé Mami. Có cảm giác mọi người ở đây cứ như một gia đình vậy. Có một bác khi chuẩn bị ra viện đã nước mắt giàn giụa nói với mình: “Aya, con phải cố gắng đến cùng con nhé.”

Mình đã có cơ hội được quen biết với rất nhiều người. Mọi người ai cũng khen: “Con giỏi thật đấy Aya, phục con lắm!” Mình rất xấu hổ vì thấy bản thân chưa xứng đáng với lời khen đó. Mình chỉ nhập viện tại đây có một thời gian ngắn thôi, nhưng suốt đời mình sẽ không bao giờ quên mọi người.

TỐT NGHIỆP

Ngày tốt nghiệp đang cận kề, đề tài chủ yếu trên lớp giờ đây hầu hết là về việc người tàn tật làm sao để hòa nhập với môi trường xung quanh khi bước ra ngoài xã hội, làm sao để tăng cường kỹ năng giao tiếp để có thể xin việc. Khi mới nhập học ở trường Higashi, mình đã đặt mục tiêu học tập chăm chỉ để phấn đấu lên được đại học. Lên lớp 11 khi chuyển sang trường Okayou, mình vẫn còn đi được nên vẫn nung nấu ý định sẽ tìm một việc làm. Nhưng đến năm lớp 12, tất cả đều dường như là không thể.

Bạn A: vào công ty làm nhân viên

Bạn B: vào trung tâm dạy nghề

Aya: ở nhà!

Đó là con đường đã định sẵn cho mình. Hai năm nay mình liên tục được dạy là: “Hãy chấp nhận sự thật rằng mình bị tàn tật và khởi đầu lại mọi thứ từ đầu.” Dù có đau lòng thế nào đi nữa, cũng phải kiên cường mà sống. Cứ mỗi lần tưởng như có chút ánh sáng chiếu rọi tới, thì bất chợt tất cả hóa thành một cơn mưa lớn hoặc thậm chí là bão tố, tiếp sau đó lại là vài ngày trời đẹp. Mình đã lết tới ngày tốt nghiệp với cái tâm trạng bất ổn và mơ hồ như vậy. Sau này mình sẽ phải đối đầu và chịu đựng cái gánh nặng đó bao lâu nữa cho tới khi tìm được cái gọi là cuộc sống đích thực dành cho mình? Liệu chăng cho tới khi chết, cái căn bệnh quái ác này mới chịu giải thoát mình khỏi những đau đớn mà nó gây ra? Nó không có điểm dừng hay sao? Mình muốn sử dụng những kiến thức thu nhận được trong suốt 12 năm cũng như những gì học được từ bạn bè, thầy cô để cống hiến cho xã hội. Dù chỉ có chút khả năng nhỏ nhoi, mình vẫn vui vẻ muốn làm những điều có ích. Mọi người đã đối xử rất tốt với mình, nên dẫu là chút ít mình cũng muốn đền đáp lại ơn nghĩa cho mọi người. Những gì mình có thể cống hiển cho xã hội đó là: sau khi chết đi mình muốn cống hiến cơ thể mình bao gồm nội tạng, các cơ và mô... chờ những người đang bệnh, hy vọng chúng sẽ giúp được họ. Phải chăng đó là tất cả những gì mình có thể làm?

Mình bắt đầu ngồi đếm từng phút chờ đến buổi lễ tốt nghiệp. Mình không muốn tốt nghiệp, vì không muốn chia tay với mọi người, vì giờ đây mình không còn thấy thứ ánh sáng nào khác chiếu rọi cuộc đời mình, vì sau đó mình sẽ lẻ loi một mình.

Thầy Suzuki bảo, thi thoảng nếu thấy lo âu mà lại ngại không muốn phiền hà đến bác sĩ hay người thân, thì dẫu không có gì quan trọng cũng phải viết thư cho thầy. Thầy bảo đây là lời hứa giữa hai người lớn với nhau.

Ở NHÀ

Khi mở đồ đạc đóng gói chuyển từ ký túc xá ra, mình cảm thấy tiếc nuối và bồi hồi, chẳng khác gì một bà cụ già. Bố mẹ thì đều đi làm, ba đứa em mình, hai đứa đi học, đứa thì đi nhà trẻ, cuộc sống của mọi người vẫn như mọi ngày, duy chỉ có một mình mình là sống chơi vơi chẳng có kế hoạch gì. Để không cảm thấy chán ghét sự tồn tại của bản thân, mình phải lập ra những mục tiêu cho cuộc sống của mình:

Thứ nhất, đáp lại mọi người cho đầy đủ: chào buổi sáng, cảm ơn...

Thứ hai, nói chuyện phải rõ ràng rành mạch.

Thứ ba, cố gắng thông cảm cho người khác.

Thứ tư, luyện tập, phải có sức khỏe thì mới giúp được việc nhà.

Thứ năm, tìm cho mình động lực sống. Mình không muốn chết trong khi vẫn còn việc chưa hoàn thành.

Thứ sáu, cố gắng theo kịp với các hoạt động chung trong gia đình (ăn ba bữa đúng giờ, hay đi tắm).

Khốn khổ quá! Mình vùi đầu vào gối.

Từ 8 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều là khoảng thời gian cô độc nhất. Ngày nào cũng vậy, không thể làm được gì khiến mình thấy buồn chán khủng khiếp. Viết nhật ký, viết thư, xem chương trình Căn phòng của Tetsuko trên ti vì rồi ăn trưa, sau đó lau sàn nhà (coi như là luyện tập thân thể)... Một cuộc sống có vẻ tự do đấy, nhưng thực ra mình không thể tự do điều khiển nó. Lúc cả nhà ăn tối, mình mới thực sự được thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đến giờ đi ngủ thì chỉ còn sự cô đơn ở lại với mình. Hôm nay rồi lại ngày mai, cuộc sống cứ lặp đi lặp lại, cũng những công việc như thế, cũng những tâm trạng như thế. Mình đang ngồi miên man nghỉ, bỗng mất thăng bằng và ngã nhào về phía trước, thế là vỡ mất cái nẹp răng.

“Aya, dạo gần đây mẹ nghe tiếng con nhỏ hơn nhiều đấy, có lẽ sức chứa của phổi đang giảm đi. Con nên luyện tập để phát âm to trở lại. Buổi trưa con có thể tập hát, sẽ chẳng ai cười con đâu. Khi nào cần gọi ai, con phải gọi cho thật lớn khiến người đó ngạc nhiên, con hiểu không. Ngay bây giờ con thử tập đi xem nào.” mẹ nói.

Mình ngồi xuống sàn, vươn chẳng lưng và cất tiếng: “NÀY!” Tiếng mình phát ra nghe đến chói tai, cả hai mẹ con cùng bật cười. Mình thử phát âm lại lần nữa: “NÀY!”

Mấy đứa em mình từ trên tầng hai liền chạy xuống: “Có chuyện gì vậy?” Mình thành công rồi!

“Từ bây giờ, nếu có chuyện gì Aya sẽ gọi ‘NÀY’. Ai nghe thấy thì mau đến xem Aya cần gì nhé. Giờ cả nhà đã ở đây rồi, sao không ăn chút gì nhỉ?”

Mọi người bật cười vì câu đùa của mẹ rồi cả nhà cùng ăn chuối.

LẦN THỨ BA NHẬP VIỆN

“Bác sĩ Yamamoto, xin trông cậy cả vào bác sĩ.”

Mình muốn luyện tập phục hồi chức năng tại bệnh viện, đó là môi trường phù hợp với tình trạng hiện tại của mình. Cho đến năm 20 tuổi, chẳng rõ mình có hoàn thành được mục tiêu lớn nào không, còn hiện giờ thì ngay cả những chuyện đơn giản của bản thân mình cũng làm không xong. Bác sĩ ơi giúp cháu với! Chẳng có thời gian để mà sụt sùi đâu, mình tự an ủi thế. Nhưng dù cố đến thế nào đi nữa, mình vẫn không thể chống chọi lại căn bệnh này.

“Bây giờ vì không còn là học sinh nữa, nên cháu có thể nhập viện cho tới khi thấy cơ thể khá hơn. Aya phải cố hết sức để cầm cự đấy. Chừng nào cháu còn sống, chừng đó vẫn còn hy vọng xuất hiện loại thuốc đặc trị cho căn bệnh này. Chuyên ngành thần kinh học ở Nhật Bản nếu so với một số nước thì vẫn còn tụt hậu. Nhưng dạo gần đây nó cũng đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Chẳng hạn như bệnh máu trắng, trước đây đó là căn bệnh vô phương cứu chữa, nhưng giờ đây cũng có kha khá trường hợp được cứu sống rồi. Aya, cô sẽ cố gắng nghiên cứu để chữa trị cho những bệnh nhân như cháu.”

Nghe những lời của bác sĩ, mình không cầm được nước mắt.

Nhưng ngày hôm nay, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.

“Bác sĩ, cháu cảm ơn vì đã không mất lòng tin ở cháu. Cháu rất lo, vì cháu đã nhập viện hai lần và điều trị bằng thuốc mới nhưng mãi vẫn không có dấu hiệu tích cực gì, cháu chỉ sợ rằng bác sĩ sẽ bỏ mặc cháu...” Mình gật đầu, nước mắt giàn giụa, không nói được cho hẳn hoi. Mẹ quay lưng lại với mình. Vai mẹ đang run lên.

Mình rất hạnh phúc và biết ơn vì đã gặp được một bác sĩ tốt như bác sĩ Yamamoto. Những khi tinh thần và thể xác mình ở tình trạng thảm hại nhất thì bác sĩ luôn là chỗ dựa cho mình. Bác sĩ cũng có rất nhiều bệnh nhân khác phải chăm lo, nhưng vẫn sẵn sàng bỏ bữa trưa mà dành thời gian lắng nghe mình. Bác sĩ đã mang đến cho mình hy vọng và ánh sáng. Mình an tâm hẳn lên khi nghe những lời của bác sĩ: “Chừng nào còn là một bác sĩ, cô sẽ không bỏ mặc Aya đâu.”

Đã ba tháng trôi qua kể từ khi tốt nghiệp. Mình nhận được thư từ một bạn cùng lớp, bạn ấy kể là đã được nhận vào một công ty và đang cố gắng làm quen với công việc. Còn mình, ba tháng vừa qua chỉ toàn quanh quẩn trong bệnh viện. Sau khi chữa lành được thương tật của cơ thể, mình sẽ bắt đầu một cuộc sống mới.

Mình hát bài Hoa hồng hé nở trong nhà vệ sinh. Hôm nay lại một ngày mới bắt đầu. Để tăng sức chứa của phổi, mình luyện thổi kèn harmonica. Nó tạo ra âm thanh rất hay. Đó là tiếng nhạc giúp quên hết tất cả mọi thứ kể cả những điều đáng ghét và nỗi sợ hãi về cái chết. Mình cứ thổi kèn liên tục mà chẳng để ý xem là nó có làm phiền người khác hay không.

Trên đường đến phòng điều trị phục hồi, mình rẽ vào nhà vệ sinh. Lúc ngồi xuống, mình bị ngã xuống bồn cầu và thế là phần mông của cái quần thể thao bị ướt. Vì không có thời gian nên mình cứ để vậy mà đi thẳng đến phòng tập. Khi mình luyện cập, bác sĩ Y đứng sau giữ dây thun quần tập cho mình. Khi biết quần mình bị ướt, bác sĩ bèn lờ mình đi. Vậy là mình bị bỏ lại một mình với thanh xà kép. Đành coi như đây là tự thân luyện tập vậy. Mình quấn một tấm bảo vệ lên chân phải (để giữ mắt cá chân thẳng góc 90 độ), bôi một ít bột chống trơn vào giữa các ngón tay và bắt đầu bước đi. Bác sĩ Y nhìn mình và nói:

“Cháu cố gắng bước nhanh hơn chút nữa đi.”

“Nhưng vấn đề là hai chân, phần thân trên và phần hông của cháu không đồng loạt di chuyển với nhau. Nếu cố bước nhanh, thì chân trên sẽ di chuyển trước so với hai chân và cháu sẽ bị ngã.” Mình muốn đáp lại như thế. Nhưng mình vẫn còn ngượng vì vụ cái quần tập ướt, nên đành im lặng mà luyện tập.

CÁI GƯƠNG

Hôm nay mình cắt tóc. Nhưng mình không dám nhìn vào gương. Mình không muốn nhìn thấy bộ dạng rụt rè của mình. Nếu nhìn vào gương, cũng như mọi khi, mình sẽ thấy một nụ cười buồn tẻ và đôi mắt lờ đờ lúc nào cũng như chực nhắm tịt lại, chẳng có gì đáng để nhìn hết. Tuy nhiên, trong phòng điều trị phục hồi chức năng lại có một cái gương lớn. “Phải nhìn vào gương mới thấy được tư thế của mình chưa chuẩn ở điểm nào mà khắc phục.” Bác sĩ O đã nói vậy.

Trong đầu, mình hình dung bản chân là một cô bé bình thường khỏe mạnh. Nhưng hình ảnh phản chiếu trong gương lại chẳng đẹp một chút nào. Xương sống bị cong lại khiến cơ thể như đang đổ về trước. Đành phải chấp nhận thôi, sự thật vẫn là sự thật. Cái hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ thoát khỏi cảnh tàn tật luôn đeo bám trong suy nghĩ, mình không thể nào mà dứt nó ra khỏi đầu. Mình muốn ít ra cũng đạt được mục tiêu rằng, nhờ chăm chỉ rèn luyện phục hồi chức năng một cách nghiêm túc, mình có thể làm việc gì đó mà trước đây không làm được.

Mình muốn dùng ý chí để chiến thắng giới hạn của bản thân nhưng không được. Hậu quả là một gương mặt trắng bệch và cơ thể mệt mỏi rã rời. “Phải chú ý không được quá sức.”

Hôm nay mình bị ngã trong nhà vệ sinh, đầu đập mạnh xuống đất. Tuy không bị sưng nhưng đầu mình đau kinh khủng. Mình cứ tưởng như sắp chết vậy.

Ngoài trời, ánh chớp giật liên hồi, sau đó là một loạt tiếng sấm. Mình đi xe lăn đến chỗ điện thoại công cộng dưới hành lang và gọi về nhà. Mẹ là người bắt máy. “Aya, con khỏe chứ. Chủ nhật này mẹ vào thăm con. Còn ba ngày nữa thôi, con có muốn mẹ mua thêm gì không? Quần áo cứ để mẹ giặt cho nhé, bên đó đang có sấm à?” Mình ậm ừ trả lời vâng ạ.

Giờ mà chết đi mình cũng chẳng phiền lòng.

BỊ ĂN TRỘM

Một tuần mình đi giặt đồ một lần. Hôm nay, như mọi lần, mình cho quần áo bẩn vào một cái túi vải bạt, đoạn bỏ ví vào trong cái túi đằng sau xe lăn, sau đó đến cầu thang máy nhấn nút đi từ tầng tám xuống tầng một. Tới nơi, mình ngồi đọc sách ở sảnh trong lúc chờ người ta gọi tên theo số thứ tự. Một lúc sau, rốt cuộc bà bác ở tiệm giặt cũng đã gọi tên mình. “À, đến lượt mình rồi đây” Mình cho tay vào túi định lấy ví tiền ra, nhưng chẳng thấy đâu cả. Mình nhớ rõ là mình đã bỏ ví vào đó rồi nhưng tìm hoài mà không thấy. Mình bức xúc quá. Một chú cũng đang ngồi đợi bèn hỏi mình: “Có chuyện gì vậy cháu?” Mình đáp lại. “Cháu để... quên ví tiền, chú cứ... vào trước... đi.”

Rồi mình rời khỏi đó. Trước nay mình có bao giờ ngờ đến chuyện bị mất cắp nên chẳng bao giờ để ý đến cái túi đằng sau xe. Cái ví có 400 yên đã bị lấy mất rồi, con xin lỗi mẹ!

Thầy Suzuki và thầy Tsuzuki ở trường Okayou đến thăm mình. Từ lúc tốt nghiệp đã được bốn tháng rồi, cả hai thầy vẫn không thay đổi chút nào, mình rất mừng khi được gặp các thầy.

“Thầy cứ nằm lên đệm của em đi ạ.”

“Hừm, thầy không thích nằm lên đệm của bệnh viện đâu, trông thầy mệt lắm hay sao?”

“Dạ không ạ, nhưng nếu có hơi của thầy trên đệm, khi ngủ em sẽ cảm thấy an toàn hơn.”

Cả hai thầy đều lúng túng chẳng biết nói gì. Biểu cảm trên mặt hai thầy thực là khó tả!

Ako đến thăm mình. Con bé đưa mình ra ngoài bằng xe lăn. Nắng chói quá, khiến mắt mình cứ phải nheo lại. Mình muốn da ngăm ngăm đi một chút, vì trông mình trắng đến nhợt nhạt. Mình ngạc nhiên ngắm nhìn mọi thứ. Ngắm cây mận, cây hạt tiêu và nghe tiếng ve kêu. Mùa hè ơi, xin đừng rời đi!

Ako trông có vẻ hơi thiếu sinh lực, mình thấy lo cho con bé. Có vẻ như con bé mong ước có động lực để phấn đấu nhưng chưa tìm thấy. Mình có thể mơ hồ hiểu được nỗi lo âu của con bé. Dù vậy, về mặt tinh thần, em gái mình có tính tự lập hơn mình. Có lẽ trong gia đình mình là đứa duy nhất lúc nào cũng phải phụ thuộc vào bố mẹ.

Bác chủ cửa hàng điện máy bị liệt nửa người do bệnh tai biến đã mua tặng mình bó hoa bách hợp ở cửa hàng hoa dưới tầng một. Bác ấy chỉ dùng được một tay, nên phải nhờ bà chủ cửa hàng hoa lấy hộ 250 yên từ trong ví ra. “Khi nào nở trông sẽ rất đẹp đấy cháu!” Bác nói vậy và đưa mình bó hoa. Khuôn mặt bác nhìn thật phúc hậu.

Những nụ hoa bách hợp đang hé nở,

Ta nhẹ nhàng hôn lên chúng,

Như người mẹ hôn lên gò má trẻ thơ.

TUYÊN BỐ

- Sức khỏe của mình ít nhiều đã đỡ hơn từ khi nhập viện.

- Mình có thể đi về hai lượt nếu níu tay vào thanh xà kép nhưng để đi như bình thường thì không được.

- Vì tình trạng tổn thương ngôn ngữ đã khá nặng, nên mọi người thường bảo mình lặp đi lặp lại những gì vừa nói. Mình muốn trao đổi chủ yếu bằng cách viết ra giấy, nhưng mình không nên lạm dụng.

- Thức ăn của mình phải chuyển từ đồ ăn bình thường sang đồ được băm nhỏ.

- Hôm nay là ngày mình được xuất viện. Mình dồn hết sức lực để đi giặt đồ. 4 giờ 30 phút sáng mình thức dậy và xuống tiệm giặt áo quần. Không một bóng người. May thật, mình có thể dùng máy giặt ngay mà chẳng phải đợi ai. Nhưng khi vừa định di chuyển từ chỗ máy giặt đến máy sấy khô quần áo thì mình không đứng dậy nổi. Bình thường thì luôn có người giúp mình nhưng lúc này lại chẳng có ai.

“Mẹ ơi. Giúp con với!” Mình thốt lên trong lòng, nhưng vô dụng. Rất có khả năng những chuyện như thế này từ bây giờ mình sẽ gặp phải rất nhiều.

Bác sĩ Yamamoto từ tốn nói với mình: “Đến một lúc nào đó cháu sẽ thấy tình trạng sức khỏe chỉ có tệ đi mà thôi, bệnh của cháu không thể khá hơn được đâu. Cách đối phó duy nhất là làm cho quá trình tiến triển của bệnh chậm dần lại. Cháu cần phải khổ luyện liên tục nhằm kích thích cho não hoạt động.”

Mình vô cùng đau đớn khi nghe bác sĩ nói vậy. Nhưng mình vẫn cảm ơn bác sĩ vì đã cho biết sự thật về căn bệnh của mình. Trong tương lai mình phải sống như thế nào đây? Con đường phía trước dường như đang hẹp dần. Nó ngày một trở nên hiểm trở. Nhưng dù thế nào mình cũng vẫn phải hướng về tương lai mà sống. Mình không được chùn bước.

Bác sĩ còn chỉ bảo tận tình: “Aya phải cẩn thận không để bị cảm. Nếu thấy khó thở và sốt thì phải gọi y tá ngay lập tức. Phải cố gắng vận động, luyện tập hít thở thật sâu. Cháu phải cố gắng di chuyển càng nhiều càng tốt, Aya nhé.”

Bác sĩ, các chị y tá và những bạn cùng phòng, Aya cảm ơn mọi người rất nhiều! Có thể khi nào đó Aya lại cần tới sự giúp đỡ của mọi ngườt. Lúc đó mong mọi người vẫn tận tình với Aya như bây giờ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx