sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

01. Một miền quê sông nước

Tuyển tập truyện ngắn Một vùng sông nước – Trần Thanh Giao

Về làng quê, tôi có nhiều bạn mới, trong số đó, Ba-sát-cá là người tôi thân nhất. Cậu ta tên Ba nhưng vì có tài bắt cá rất giỏi nên người lớn và trẻ con đều gọi tên như vậy. Ba-sát-cá bày vẽ cho tôi rất nhiều kiểu bắt tôm cá, và những buổi câu lươn, bắt nhái… đã trở thành những buổi đi chơi đầy hấp dẫn đối với chúng tôi. Nhưng trước hết, xin các bạn hãy làm quen với phong cảnh, với những sinh hoạt và trò chơi trẻ con của miền quê sông nước ấy. Bởi vì càng biết rõ cảnh vật và sinh hoạt một vùng, ta càng hiểu rõ hơn con người nơi đó. Các trò vui sẽ trở nên hấp dẫn và có ý vị hơn.

Làng quê tôi nằm bên bờ sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mêcông chảy qua đồng bằng Nam Bộ. Nhưng mãi đến khoảng mười tuổi, tôi mới biết sông nước quê mình, bởi vì tuổi ấu thơ của tôi trôi qua giữa phố phường Sài Gòn đông đúc. Những năm ấy, phát xít Nhật chiếm Đông Dương, rồi bom Mỹ ném xuống chợ Bến Thành, tôi theo gia đình tản cư về quê. Cả bức tranh vùng quê sông nước hiện lên đột ngột, hấp dẫn và kỳ thú vô cùng đối với một cậu bé thành thị mười tuổi như tôi.

Một miền quê sông nước

Từ huyện lỵ, tôi ngồi xuồng về làng. Như bao nhiêu làng khác ở vùng này, làng tôi nằm dọc theo một con rạch, hai bờ soi bóng vườn tược, cây trái xanh um. Đường làng chạy cặp bờ. Thỉnh thoảng những con rạch, con mương cắt ngang. Đường cứ được nối bằng những cây cầu, khi là một tấm ván, khi là một thân cây dừa bắc ngang, có khi là cả một chiếc cầu gỗ ba nhịp, nhưng nhịp giữa cao vượt lên để những chiếc ghe mui lớn có thể qua lại dễ dàng. Má tôi nói có thể đi suốt ngày này qua ngày khác, từ huyện nọ sang tỉnh kia, đi khắp lục tỉnh lên tới Sài Gòn bằng chính những sông rạch chằng chịt ấy của đồng bằng Nam Bộ. Quê tôi phân biệt hai từ: sông là những dòng nước lớn chảy ra tận biển, còn rạch, có khi rộng đến một vài trăm mét, nhưng chỉ đổ ra sông.

Làng tôi là một làng lâu đời và trù phú. Ngồi dưới xuồng nhìn lên, tôi thấy nhiều nhà ngói, nhà đúc giống như các “biệt thự” ở Sài Gòn. Nhà nào cũng quay mặt ra rạch, có bến nước. Bến đơn sơ nhất là một đôi thân dừa lão thả nằm từ bờ chúc xuống sông, trên thân cây đóng những thanh gỗ ngang, hoặc khắc những nấc nhỏ để bước chân khỏi trượt. Thường bến nước là một nhịp cầu ván nối từ bờ ra sông, cuối nhịp cầu có chiếc thang rộng cắm xuống nước. Những nhà giàu còn cất hẳn một cái thảo bạc (nhà mát ngồi hóng gió) có mái che, có chấn song bao quanh, có ghế băng ngồi hóng mát. Quanh bến, buộc những chiếc xuồng, những chiếc tam bản, rập rờn theo những làn sóng dợn của xuồng ghe lại qua. Nhà giàu thì có ghe mui ống, ghe hầu buộc bên thảo bạc hay để trong con mương có mái che mưa nắng, như xe du lịch để trong ga-ra vậy. Trong trí óc trẻ thơ của tôi, có một sự so sánh. Nếu ở Sài Gòn, khi ra đường, tôi bắt gặp xe đạp, xe kéo, xích lô, cam nhông… thì ở quê tôi, ra khỏi nhà là gặp sông nước, xuồng ghe… Những ngày ở làng, thỉnh thoảng tôi thấy những chiếc ghe chài chở lúa, từng đoàn nối đuôi nhau, diễu qua đoạn rạch trước bến. Ghe chài có chiếc lớn gấp mười lần xe cam nhông, mũi sơn đỏ chót, hai mắt lồi ra trên nền sơn đỏ, tròng trắng và con ngươi đen, to như cái khu tô (trôn bát). Hễ có đoàn ghe chài đi qua là trẻ con chúng tôi kéo nhau ùa ra bến đứng xem các anh chàng “ghe chài” khổng lồ oai vệ dữ dằn ấy, một cách háo hức và kính phục.

Những năm ấy, quê tôi cũng đã có tàu đò chạy máy, chở khách từ huyện lên tỉnh. Mỗi khi nghe tiếng máy tàu từ xa, bọn trẻ chúng tôi bỏ cả nhảy dây, cút bắt, chạy ào ra bến. Những đứa nhanh nhẹn phóc xuống xuồng, mở dây, rút giầm (một thứ bơi chèo cầm tay) đưa xuồng ra đón sóng. Những đứa chậm chân hay nhút nhát thì cứ để xuồng tại bến đứng chờ. Đò máy chạy qua, chúng tôi vừa reo hò đưa tay vẫy khách vừa cho xuồng nhún nhảy, đè lên những đợt sóng cuộn phía sau tàu. Thật là thú vị. Gan ruột cứ nôn nao cả lên.

Trên sông rạch, cũng có những chiếc ghe “trà vải”. Đó là những cửa hiệu tạp hóa lưu động. Mui ghe bằng gỗ. Ông chủ chèo phía sau. Cô gái nhỏ chèo trước. Thỉnh thoảng ông chủ cất tiếng rao đĩnh đạc và kéo dài : “Trà… à… vả… i… i…”. Trong khi đó, bà chủ lúi húi ở phía sau làm cá, nấu cơm. Cá, gạo bà có thể mua ngay trên mặt nước do các thuyền câu, thuyền chài áp mạn xuồng mà bán, hay các chị “hàng xáo” (người mua thóc về xay giã bán lấy lời) bơi xuồng đến bán cho. Nhà tôi ở gần vàm (cửa rạch, cửa sông) có chợ nên ít khi mua hàng của ghe “trà vải”. Tuy nhiên, bà con ở phía sâu trong rạch hay ở trong những con rạch nhỏ có cầu ván bắc cao thì cửa hàng bách hóa lưu động này thật tiện lợi, một kiểu “bán hàng tận nhà”, hợp với vùng sông nước. Thỉnh thoảng nhà hết dầu thắp đèn, má tôi sai tôi xách chai xuống bến gọi ghe “trà vải”. Trong ghe có đủ thứ: kim, chỉ, quần áo, trà lá, bánh kẹo, dầu lửa, tương chao, đồ chơi con nít… đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng… rất hấp dẫn. Cô gái nhỏ mỉm cười nhận tiền và nhận chai. Cô đong dầu thật khéo, không rơi ra giọt nào. Còn thừa mấy xu, cô đưa túi kẹo và lại mỉm cười hỏi: “Ăn kẹo hôn?”. Tôi ngập ngừng một chút, rồi liền gật đầu. Thiệt là một cách bán hàng tiện lợi! Tôi nói với má tôi: “Má à, mai mốt mình cứ mua dầu ở ghe trà vải. Má khỏi phải mang chai đi chợ. Má xách chai dầu toòng teng cũng mỏi mà lỡ rớt bể. Bỏ vô rổ, dầu trào ra dính với thịt cá…” Má tôi nói: “Nhưng mà giá mắc hơn ở chợ”.

Trên sông rạch trước nhà tôi, dường như có đủ thứ cần cho cuộc sống. Thỉnh thoảng một chiếc ghe bán đồ gốm lại chèo ngang qua, má tôi có thể mua từ chiếc nồi đất để nấu cơm, cái tay cầm để kho cá, đến cái thạp làm mắm và cái lu to ba vòng tay ôm của tôi, cao tới đầu tôi, để chứa nước mưa. Thỉnh thoảng một chiếc ghe bán đồ mộc lại chèo ngang qua, có những bộ xa lông, những bộ bàn ăn, tủ thờ đẹp không kém bàn ghế ở Sài Gòn. Còn đối với tôi, thích nhất vẫn là các xuồng bán quà bánh. Bánh bèo trắng nõn, nhân tôm màu hồng với đậu xanh giã mịn, rưới

nước mắm tỏi ớt ngòn ngọt, chua chua. Đặc biệt là chiếc gáo múc nước mắm làm bằng vỏ trái mu, tròn trịa, xinh xẻo như quả bóng bàn. Bánh lọt màu trắng và màu xanh lá dứa, đẹp như những chiếc bông cẩm thạch mà các cô gái nhỏ Sài Gòn lúc ấy hay đeo, bánh lọt chan nước đường vàng và trong hổ phách thêm chút nước cốt dừa béo ngậy, vừa ngọt vừa mát, mới húp đến môi đã trôi xuống cổ. Những thứ quà bánh làng quê chẳng khác mấy quà bánh ở Sài Gòn mà tôi vẫn được mẹ cho ăn. Có cái khác hẳn là quà này được ăn bên bờ sông, có khi ngay trên mặt nước, với những nhịp lắc lư theo sóng của những chiếc xuồng.

Chạy dài theo mé rạch là một hàng dừa với những buồng trái sai oằn. Nhà nào cũng trồng dừa dưới bến sông. Thường người ta trồng dừa lửa hay dừa bị để lấy trái khô bán cho các ghe buôn dừa. Dừa lửa có màu vàng ngả sang đỏ, còn dừa bị da xanh, trái rất to. Có một vài nhà trồng dừa xiêm, trái nhỏ, nước ngọt thanh, thường để ăn chơi, không bán, vì không thuận đường tới nơi tiêu thụ. Quê tôi còn có loại dừa giòn, chỉ cần bóc lớp vỏ xanh bên ngoài là có thể ăn luôn đến cả sọ dừa, giòn và ngọt. Có những cây dừa trồng sát mé rạch, đổ nghiêng ra mặt sông, trẻ con chúng tôi hay trèo lên chơi, làm cho thân dừa láng bóng. Ngồi trên thân dừa gie ra sông mà câu cá thì rất thích. Thỉnh thoảng ở bờ sông cũng có những cây gừa, cây tra. Cây dừa giống như cây si, rễ phụ rũ lòng thòng trên mặt nước. Còn cây tra lá dày, nhám, to, hình quả tim, bông tra cũng to, màu vàng yến hay vàng da cam. Bóng dừa, bóng tra che xuống dòng rạch, làm nơi tụ hội tốt cho lũ cá thát lát, cá trà vinh.

Vườn quê tôi trồng xen đủ thứ cây ăn trái: vú sữa, sa-bô-chê, lê-ki-ma, mãng cầu xiêm, mận (roi), ổi, mít, dâu, quít, xoài, măng cụt, chuối… Vú sữa tím, vú sữa vàng, thứ nào cũng ngon. Nhựa sa-bô-chê dính chuồn chuồn rất tốt. Chuối lá xiêm, chuối lá ta, chuối và hương, chuối và lùn, chuối ngự, chuối bôm, chuối cau… cả chuối hột nữa. Chuối hột ăn cũng ngon (trẻ con lứa tuổi ấy, thứ gì mà chẳng ngon, đến ổi xanh chấm muối trong lòng bàn tay, ăn trên cây với người bạn nhỏ hàng xóm cũng nhớ mãi cả đời!). Còn cây chuối hột là cái kho cung cấp nguyên vật liệu cho chúng tôi làm bóng đá. Vâng, lúc ấy chúng tôi không có bóng nhựa, cũng chẳng có bóng cao su. Chúng tôi lấy lá chuối khô cuộn chặt lại, bên ngoài bọc lớp lá chuối hột. Lá chuối hột to và rất dẻo dai. Bẹ chuối chẻ ra phơi khô làm dây. Dây chuối hột thiệt chắc, chúng tôi buộc bên ngoài cuộn lá chuối, rồi đan mặt lưới thiệt tròn, thiệt bền. Một người bạn mới của tôi, tên là Ba-sát-cá, rất khéo tay, quấn bóng rất tròn, đan bóng rất đẹp. Quả bóng lá chuối đá nảy chẳng thua bóng nhựa. Thế mới cừ! Một quả bóng chuối hột chúng tôi đá được mươi ngày, trong điều kiện là chiều nào cũng đá đến tối mịt, và đá trên sân gạch nữa. Như vậy đã rõ tài làm bóng chuối hột của Ba-sát-cá. Song cái tài nhất của bạn tôi là tài bắt cá, vì vậy mà thành hẳn ra tên. Cái tài ấy, các bạn sẽ thấy trong những chương sau. Về những kỷ niệm miệt vườn, như chuyện tôi đi gác vườn quít đường của bác tôi, làm thế nào để ăn được quít mà không bị mắng, như chuyện chơi trong nhà chòi giữa vườn, lấy các thứ trái làm cỗ, như chuyện mùa xoài, sáng sớm ra đi lúc nào thì tìm được nhiều trái chín rụng…, những “kỷ niệm miệt vườn” ấy, nói ở đây sẽ dài dòng và lạc đề.

Có bạn sẽ hỏi: ở đây chỉ làm vườn chứ không trồng lúa? Thưa: có. Nói chung, ở làng tôi, nhà nào ít nhiều cũng có ruộng. Có vùng, vườn chiếm hết đất, muốn làm ruộng, phải đi xa dăm, mười cây số. Hầu như nhà nào cũng làm vườn, làm ruộng và bắt cá trên sông.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx