sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

02. Ở sông rạch phải biết bơi và biết bắt cá

Ở sông rạch phải biết bơi và biết bắt cá

Lúc mới về quê, tôi có một chỗ yếu rõ rệt so với các bạn cùng tuổi ở làng: tôi chẳng biết bơi. Bởi vì lúc đó, ở Sài Gòn, không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể đến pít-xin (bể bơi) học bơi. Ba-sát-cá là người đầu tiên phát hiện ra chỗ yếu kém ấy của tôi. Hồi đó, ở làng, trẻ con và người lớn ai cũng chỉ có tắm sông. Nhà giàu mới có nhà tắm. Buổi chiều đầu tiên về làng, tôi ra sông, ngồi trên chiếc cầu dừa mà tắm. Ba-sát-cá cũng cởi quần áo, nhảy xuống sông. Nó bơi, thỉnh thoảng liếc nhìn tôi. Một lúc, nó đến gần, thổi nước ra từ trong miệng và hỏi:

- Ê, hổng biết lội hả?

Tôi đỏ mặt, lúng túng:

- Ờ, ờ… biết chớ. Mà lội sông, tao chưa quen…

Nó nói :

- Cứ lội, rồi quen thôi.

- Ai dạy mà mày lội giỏi vậy?

Nó nhìn tôi ngơ ngác, không hiểu. Có lẽ nó cũng không nhớ nó biết lội từ lúc nào. Nó lúng túng trả lời:

- Cứ… nhảy xuống sông là biết lội thôi…

Sau này, tôi ngó thấy một em nhỏ mới biết bò, chơi trên thuyền chài, bà mẹ ngồi làm cá một bên. Đứa nhỏ bò loanh quanh, chộp cái gì đó, trật tay, rơi tũm xuống nước. Bà mẹ thuận tay, xốc nách lôi lên, vuốt mặt cho mấy cái, cởi chiếc áo ướt ra rồi lại bỏ thằng bé bò chơi bên cạnh.

Lúc đó, tôi chưa hiểu lắm, song nhìn Ba-sát-cá, tôi tin ở lời nó. Tôi nói:

- Mày lội coi.

Nó sải tay, bơi ra xa, thỉnh thoảng quay lại nhìn tôi. Tôi cũng sải tay quạt nước nhưng đi trên bãi bùn, men theo mí nước. Nó quay lại bảo:

- Mày tập lặn trước đi.

Tôi đưa tay bóp mũi, thụp đầu xuống nước. Khi tôi ngẩng lên, vuốt mặt thì thấy nó đang nhe răng cười. Nó nói:

- Đừng bóp mũi. Nước không vô được đâu. Mày lặn xuống, cứ thở ra nhè nhẹ là nước không vô mũi được.

Tôi làm theo lời nó. Ờ, cái thằng nói trúng quá! Tôi lặn được mấy hơi thì nó bảo:

- Bây giờ mày úp mặt xuống nước, chân tay cứ quạt mạnh. Hễ dứt hơi thì đứng lên.

Tôi lại làm theo. Nó bơi trước một chút, đứng lại, gọi tôi bơi theo bắt nó. Cứ thế, tôi vừa tập bơi vừa chơi trò đuổi bắt dưới nước. Chúng tôi mải mê trầm nghịch đến khi nước rút sát mép rạch bày ra bãi bùn dài.

Ba-sát-cá lại có trò chơi mới. Nó lấy tấm ván ngắn lót giữa xuồng nhà nó mang lên bờ sông. Nó đặt ván xuống bùn, đẩy một đường trượt tận mí nước. Xong rồi, nó té nước lên cho ướt hết đường trượt. Nó lại xách ván đặt lên cao, ngồi trên ấy, trượt dài. Vè… eo một phát, tấm ván đâm nhào xuống mặt sông, nước bắn lên trắng xóa. Nó cho tôi trượt mấy lần. Chúng tôi vừa reo hò, vừa trượt ván. Thích thật, thích hơn là trượt ván khô ở vườn Bờ-rô Sài Gòn. Thích quá, tôi cứ giành lấy tấm ván mà trượt. Ba-sát-cá chẳng cự nự gì. Nó lại làm một đường trượt khác, không

cần ván. Nó cứ ngồi lên cái quần da tự nhiên cha mẹ đã sinh ra cho mà trượt ào ào trên bãi bùn. Tôi thấy Ba-sát-cá đã từng chơi trò này lâu rồi. Nhưng hôm nay, chơi với người bạn mới từ Sài Gòn về, trò chơi cũ bỗng thành một thích thú mới, nó hào hứng hẳn lên.

Mặt trời đã xuống sát ngọn dừa bên kia vườn. Tôi vội vàng thụp xuống nước kỳ cọ bùn bám trên người. Ba-sát-cá cũng giật mình:

- Ý, chết! Tao còn phải mò cá cho má tao buổi chiều.

Nói vậy, nhưng nó vẫn giúp tôi rửa những vệt bùn bám trên trán, trên tai mà tôi không nhìn thấy. Chắc nó biết muốn giữ cho tình bạn được lâu dài thì phải làm sao cho má tôi biết rằng chúng tôi vẫn là những đứa con ngoan.

Rửa ráy cho tôi xong, nó nhảy ào ra sông, bơi đến cây cầu dừa nhà tôi. Nó thụp đầu lặn xuống nước. Một lúc, nó trồi lên lắc mái tóc thật mạnh cho văng hết nước, rồi mở mắt ra, nhìn tôi, nhe răng cười. Nó giơ hai tay ra khỏi mặt nước. Úi chao! Một bàn tay nó nắm con tôm đất, vỏ xám đen, lớn như ngón chân cái. Một tay nó nắm con cá bống cát, da phơn phớt vàng. Tôi reo lên, bươn bả rẽ nước đến với nó. Nó vẫn điềm nhiên đứng giơ con tôm và con cá lên. Nó bảo tôi:

- Mày cởi dây lưng tao ra giùm coi.

Đó là sợi dây gai được xe rất chắc, chỉ nhỉnh hơn cái ruột bút chì đen một chút, nó luồn buộc ngang lưng, thay cho dây lưng quần. Về sau, tôi để ý thấy quần nó không có dây lưng. Khi mặc quần, nó chỉ kéo lên, giắt mép vào phía trong sợi dây. Khi muốn tắm, chỉ cần kéo tuột quần xuống là xong. Tôi vừa mở dây buộc quanh bụng nó vừa nghĩ: Ai dè đây lại là thứ “đồ nghề” của nó. Ở đầu sợi dây, có một đoạn dây thép nhỏ, cứng. Bằng động tác rất thành thạo, chỉ với hai ngón tay, nó vạch mang con cá bống cát, bảo tôi xỏ dây vào, rồi lại bảo tôi xỏ đầu dây thép qua cái vòng tròn nó đã làm sẵn ở cuối sợi dây gai. Thế là con cá bị xỏ xâu. Nó cầm sợi dây tôi trao cho, đâm đầu thép qua lưng con tôm, kéo xuống cho sát với con cá bống. Tôi nói :

- Không có tao thì mày làm sao?

- Tao cắn con tôm vô miệng. Rồi tao xỏ con cá.

Thằng này “nghề” thiệt! Nó không quan tâm lắm đến ánh mắt thán phục của tôi. Nó ngậm đầu dây vào mồm, bơi đến cây cầu tiếp liền bên cạnh. Nó lặn mò một hơi. Lại được tôm nữa! Nó vừa xỏ xâu con tôm, vừa bảo tôi:

- Mày lên đi. Tối rồi. Lạnh.

Tôi không thể nào bỏ ngay cái trò hấp dẫn này. Nó nói:

- Vậy mày cứ lên. Rồi ôm luôn quần áo giùm tao. Mày đi trên bờ theo tao mà coi cũng được.

Nó nói phải. Tôi lên bờ, vơ vội quần áo của hai đứa, ôm vào lòng, chạy theo nó đến chiếc cầu kế tiếp. Nó lại lặn xuống, tôi đứng trên cầu chờ xem. Mặt trời đã khuất sau rặng vườn. Gió sông lạnh. Tôi chưa mặc quần áo vội, cứ đứng trên cầu.

Người tôi co ro, tôi dùng hai đùi cặp chặt đôi bàn tay mà các ngón đã móp hết vì lạnh, đưa mắt trông xuống nước. Nó trồi lên: lại một con cá khá to cầm tay!

Trời ơi, bộ mấy cây cầu là chỗ nó giấu tôm cá hay sao chớ! Tôi hỏi giật:

- Làm sao bắt?

Nó giơ tay ra bộ:

- Hai tay ốp cột cầu, vuốt xuống, đè chặt dưới bùn. Hoặc là rà theo lườn cây dừa. Làm riết thì quen tay thôi.

Nó nói vậy chớ về sau, tôi đi mò mãi mà không được nhiều cá như nó.Người lớn xuống sông tắm, có khi cũng mò tôm cá chơi. Nhưng không một ai ở làng tôi tay không bắt được cá tôm nhiều như nó. Lần lần tôi nghiệm ra một vài “quy luật”.

Chẳng hạn phải đi ngược dòng chảy của nước, nếu không, tiếng nước khua và bùn đất trôi xuôi báo động cho lũ cá tôm rời chỗ nấp. Hoặc là cảm giác ở bàn tay và ngón tay phải nhạy bén khi đến gần tôm cá. Những ngón tay của Ba-sát-cá dường như là có nhiều “sóng điện” báo cho nó biết khi mò cá tôm dưới nước. Đó cũng là một thứ tài riêng.

Trời chạng vạng tối thì xâu cá của thằng Ba cũng đã dài. Nó khua nước rửa chân tay mặt mũi rồi lên bờ. Nó nói:

- Chắc má tao đang chờ.

Nó đón bộ quần áo của tôi đưa cho, và cứ thế xách cá chạy nhong nhong về nhà.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx