sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

04. Cá he vàng

Cá he vàng

Khi nước sông Cửu Long đã rút xuống, chảy hiền hòa và êm dịu giữa đôi bờ, khi lúa trên đồng bắt đầu cong trái me dậy hương thơm ngát, thì đó cũng là lúc cá he về nhiều trên sông rạch quê tôi.

Một sáng chủ nhật trời nắng vàng ong, gió chướng lao rao trên ngọn dừa, Ba-sát-cá bảo tôi sửa soạn mồi đi câu cá he. Tôi nói:

- Tao đi đào trùn (giun) nghe?

Nó chun mũi lại, “xì” tôi:

- Cá he ăn thóc lúa và rong rêu dưới nước. Nó có ăn trùn dế đâu. Mày ra sân kiếm ít bông gòn. Tao đi rang cám.

Tôi nhìn nó, nghi hoặc. Cá he ăn bông gòn à. Song tôi không dám hỏi, sợ nó lại “xì”. Tôi ra trước nhà đi đến hàng gòn, ngước mắt nhìn. Ở quê tôi, người ta thường trồng gòn trước nhà làm thành hàng rào ngăn khu vườn với đường đi. Cây gòn cao, to, thân tròn đến ba bốn chét tay. Thân cây lúc nào cũng xanh, da láng, mịn mướt, mát cả tay. Tôi kiếm đã mỏi cổ mà không thấy một cái bông nào. Mùa này gòn làm gì còn bông. Chỉ có những trái gòn giống hình trái bắp đeo lủng lẳng trên những cành đâm ngang. Nhớ đến hột ké hôm câu vụt, tôi muốn trèo lên bẻ trái lấy hột. Ba-sát-cá đã cho tôi nếm hột gòn. Trái non màu xanh, hột trắng ăn ngọt chát, còn trái khô thì hột đen, có dầu béo. Mùa này đã có trái gòn chín, vỏ khô quắt lại, tách ra, để cho bông gòn bay tả tơi theo làn gió chướng. Bông gòn nhồi gối êm lắm. Hay thằng Ba bảo tôi lấy bông gòn này? Tôi giơ tay đón bắt những túm bông gòn nhẹ như tơ nhện đang bay bay, nhưng khó lòng mà bắt được. Thôi, cứ trèo quách lên cây, hái xuống một trái khô, đầy bông.

Tôi mang trái gòn vào nhà thì Ba-sát-cá cũng vừa rang cám xong. Nó lấy một chén cơm, trộn với cám, rứt bông gòn ra, trộn vò nữa. Xong, nó đổ các thứ đó vào cối, lấy chày giã một hồi cho thật nhuyễn. Nó cắt nghĩa: cơm với cám ngâm dưới nước sẽ bở ra, có bông gòn nó giữ chặt lại. À, té ra là vậy, chớ không phải là cá he thích ăn bông gòn. Ba-sát-cá vét cối, vắt thành hai cục mồi to như hai nắm đấm. Mỗi đứa chúng tôi thủ một cục vào cái túi áo, rồi vác cần câu lên vai, ra đi. À, tôi quên nói là Ba-sát-cá đã làm cho tôi một chiếc cần câu trúc vàng ánh, đẹp chẳng kém của nó. Tôi cũng khệ nệ xách theo một thùng thiếc để câu được cá, bỏ vào đó cho nó lội coi chơi.

Ba-sát-cá dẫn tôi đến nhà máy xay lúa, cách nhà chúng tôi chừng vài trăm mét. Chưa đến nơi, đã thấy cái bến cầu to ồn ào, náo nhiệt. Từng dãy xuồng và tam bản chen chúc, cái nọ sát cái kia, chiếc sau cắn đuôi chiếc trước. Các chị hàng xáo khăn rằn hay khăn bông đội vắt trên đầu, nói chuyện to như cãi lộn, tay bằng miệng miệng bằng tay. Có chị to, mập, cắp một bao đầy gạo bên hông, người vẹo lệch đi, bước trên ván cầu rầm rầm. Các anh cu-li mặc quần đùi, cởi trần, một mảnh vải bố trùm đầu vai vác những bao thóc tạ từ mấy chiếc ghe chài dưới sông qua tấm đòn dài nhún lên nhún xuống vì nặng, chạy tuốt lên bờ ném lên xe rùa, bụi thóc bám đầy lưng ướt đẫm mồ hôi. Mấy đứa bé trạc tuổi tôi gò lưng đẩy xe rùa trên đường ray sắt chạy ào ào vào nhà máy, vừa đẩy vừa la hét: “Tránh ra! Tránh ra!”. Cuối cầu tàu, ngoài kia, mấy chiếc ghe chài chở lúa khẳm lừ đang chờ lượt lên lúa, những ông chủ ghe cởi trần, bụng phệ ngồi trong cái ống điếu có cán dài ngoẵng.

Ba-sát-cá dắt tôi ra chót cầu, gần chỗ mấy chiếc ghe chài. Ở đấy xa bờ, nước chảy êm, không bị ồn ào khua động. Những hạt thóc vương vãi, rơi rắc xuống sông bị nước dồn ra cuộn lại, quanh quẩn dưới mấy chiếc ghe chài, làm nơi tụ hội tốt cho lũ cá thích ăn sang. Ba-sát-cá véo một miếng mồi bằng hạt bắp, bóp chặt quanh lưỡi câu. Nó quệt nhẹ chót cần câu xuống mặt nước cho ướt khắp sợi nhợ rồi thuận tay buông lưỡi câu bằng một động tác rất điệu. Tôi không biết làm nên đành phải nhấp cần câu lên xuống mấy lần, sợi nhợ mới thấm đều và chìm lăng quăng xuống nước. Ba-sát-cá nheo cặp mắt ranh mãnh, nhìn tôi mà cười. Bất cứ câu cá gì Ba-sát-cá cũng đều không cần phao. Nó nói: phao để cho những người câu chơi, còn mình câu quen rồi thì để cho bàn tay tiếp xúc thẳng với cái miệng con cá tội gì ngăn cách bằng cái phao.

Tôi đứng bên nó, chăm chú nhìn xuống mặt nước. Dòng nước chảy nhẹ, xoáy gờn gợn quanh chân cầu gờn gợn ở các mũi ghe chài. Có cái gì chạm vào lưỡi câu, sợi nhợ động đậy và bỗng nhiên bị lôi đi. Tôi giật mình, giật tung lên. Những giọt nước nhỏ bắn lên mặt và cục mồi đã đi đâu mất, còn trơ lưỡi câu không. Ba-sát-cá liếc nhìn tôi nói:

- Nó lôi, đừng giật. Chừng nào nó rị chằng xuống thì mới…

Nói chưa hết câu, nó đã giật phắt đầu cần bằng một động tác gọn, dứt khoát. Sợi nhợ bị giằng lại một giây dưới nước, rồi một con cá he bị giật lên, quằn quại giãy giụa trong không. Con cá theo đà giật bay luôn tới trước mặt Ba-sát-cá. Cậu ta đưa tay trái lên tóm gọn nó như cầu thủ bóng bàn tóm gọn trái bóng vọt trật ra bàn. Tôi thích quá, reo lên. Nó suỵt tôi, chỉ cái ông chủ ghe bụng phệ, nói nhỏ:

- Coi chừng! Người ta thấy mình được cá, người ta kiếm cách đuổi đi…

Nó nhanh nhẹn gỡ con cá, bỏ vào thùng thiếc.

Ba-sát-cá giật được ba, bốn con mà tôi chưa được con nào, chỉ toàn mất mồi. Tôi sốt ruột rồi. Phen này, tao để cho mày nuốt vô tới ruột, tao mới giật. Lưỡi câu động đậy, tôi hồi hộp quá. Con cá đang vờn mồi đây, cái môi nó đụng vào mồi câu. Đột nhiên, sợi nhợ vụt kéo sang bên. Tao biết rồi, mày lôi thứ mà… Và sau đó thì sợi nhợ bị rị mạnh xuống: Tôi càng hồi hộp, ngực đập thình thình. Cắn rồi, nuốt vô, nuốt vô đi con! Ba-sát-cá liếc sang tôi ra lệnh:

- Giựt đi!

Tôi giật cần. Một sức gì đó dưới nước giằng mạnh dây câu lại. Tôi cảm thấy rõ rệt con cá đang cong người, dùng đuôi móc chặt cả thân mình lại với dòng sông. Và ở bàn tay tôi, tự nhiên cũng sinh ra một lực vừa hơn sức trì lại của cá một chút xíu thôi. Cảm giác rị lại và giật lên ở bàn tay thật đằm, thật thú. Tôi có được phản ứng đúng đắn đó sau vài lần giật mạnh, quá tay. Đây rồi, con cá bay vụt lên khỏi nước, giãy giụa tìm cách thoát thân. Nhưng ngọn trúc cũng dịu dàng, nhún nhẩy, uốn lên uốn xuống, mềm mại mà căng chặt nên con cá không làm sao rẫy lưỡi câu ra được. Tôi giơ tay chộp, hụt tới hụt lui vì sức giãy của nó, nhưng cuối cùng tôi đã nắm chặt được nó trong lòng bàn tay. Tôi gỡ lưỡi câu ra, bỏ cá vào thùng. Con cá to quá, bằng bốn ngón tay, khéo to hơn mấy con cá thằng Ba vừa câu được. Tôi gác cần, chúi đầu vào thùng xem cá.

Thật ra, con cá he của tôi cũng đồng trang lứa với mấy con cá của thằng Ba. Hình như chúng ở dưới nước cả một đàn, không biết bao nhiêu con. Cá he có vảy trắng mềm, lấp lánh bạc. Thân nó hình thoi. Cá he giống như cá giếc ở miền Bắc, nhưng vảy cá giếc không lấp lánh bạc mà hơi ngả màu phơn phớt xám tro; so với cá giếc, cá he dày mình, to, mập mạp hơn nhiều. Đến độ trưởng thành, nó to như một bàn tay người lớn, vảy vàng hực. Tôi mê mải ngắm cá bơi lội uyển chuyển trong thùng. Chúng thật đẹp. Đặc biệt cặp mắt tròn viền đỏ, nom vừa đẹp vừa duyên. Người dân quê tôi gọi nó là cá he vàng, có nơi còn gọi là cá he nghệ. Tôi thích gọi cá he vàng hơn. Tên gọi ấy nghe êm, có tình, lại quí, gợi nhớ đến những chuyện cổ tích. Cá he vàng sống đông đúc ở ngoài sông Cái mênh mông (sông Hậu, theo tên gọi của dân quê tôi), còn ở trong rạch thì ít hơn, thường là loại nhỏ khoảng hai ba ngón tay thôi. Muốn bắt cá he vàng đúng cỡ thường người ta chất chà ngoài sông Cái, rồi quây đăng lại bắt. Người đi chài thỉnh thoảng cũng bắt được cá he to. Còn đi câu, thường chỉ được loại cá nhỏ. Chuyện đi chài và chất chà, dỡ chà, sau đây tôi còn có dịp nói tới. Những con cá he vàng to đúng cỡ là một “đặc sản” của vùng quê tôi.

Nếu tôi không lầm thì cá he ở sông Tiền, sông Hậu đều có, nhưng có nhiều và ngon nhất là vùng sông Hậu chảy ngang quê tôi. Bởi vì sau này lớn lên, tôi có dịp đi nhiều nơi trên đất nước, không thấy ở đâu người ta nhắc tới cá he chiên hay cá he nấu mẵn như một món ăn ngon đặc biệt, ai ai cũng công nhận, nhắc nhiều đến như người quê tôi. Chỉ có một nơi, người sành ăn cũng chuộng và hay tìm mua cá he vàng về thưởng thức, đó là Sài Gòn. Mà hình như chỉ có các chợ vùng trung tâm đồng bằng sông Cửu Long và chợ Sài Gòn là có bán cá he. Tôi nghĩ rằng cá he bán ở chợ Sài Gòn là cá he của vùng quê tôi chở tới. Sau này, tập kết ra Bắc, ở Hà Nội, tôi nghe người ta đồn về cá anh vũ một loại “đặc sản” của vùng sông Lô chảy qua Việt Trì. Tuy vậy, nhiều năm tôi đi chợ Hà Nội, không gặp được cá anh vũ. Mấy lần tôi lên Việt Trì, nhờ bè bạn mua cá anh vũ về nếm thử, nhưng tiếc là cá chỉ có trước khi tôi lên hoặc sau khi tôi đã xong đợt công tác trở về. Người ta nói cá anh vũ đặc biệt ngon ở hai môi cá, vì chúng bám vào chỗ những vực đá ngầm dưới sông chảy xiết, rằng ngày xưa, đó là cá tiến dâng vua… Còn cá he vàng quê tôi thì đặc biệt ngon ở cái bụng béo, thịt thơm. Hồi gia đình tôi còn ở Sài Gòn thỉnh thoảng má tôi đi chợ vẫn mua cá he vàng. Khi thì kho, khi thì chiên, khi nấu mẵn. Cá he vàng kho nước dừa, để nguyên vảy, vảy ăn mềm, ngọt và béo chứ không xam xảm như vẩy những con cá khác. Cá he vàng chiên mỡ, thịt thơm, bụng béo, gợi mùi béo của dừa, béo của trái cây, ăn ngoài không ngán. Thịt nó thơm ngon như thịt gà, lại có cái gì như mùi hương lúa chín, ăn lâu sẽ cảm nhận được mùi hương đó. Cá he vàng nấu mẵn là một món ăn rất Nam Bộ. Chỉ có cá và nước, nước nhiều như canh, nhưng vị mặn đậm hơn canh một chút, nước trong veo, mỡ cá nổi lấp lánh, li ti, hợp tan xao động khi tô cá đang bốc khói; hành xanh và ngò (rau mùi) dậy lên một mùi thơm riêng biệt, gợi mùi thơm của đất đai trù phú, vườn tược sum suê. Người ta bảo cá he vàng thịt béo và thơm đặc biệt vì chúng ăn rất nhiều thóc lúa và cây trái của cái vùng nhiều thóc lúa cây trái nhất đồng bằng sông Cửu Long, lại là nơi nhiều thóc lúa cây trái nhất trong cả nước. Lòng sông Hậu đoạn chảy qua quê rôi rất rộng, có nơi đến vài ki-lô-mét. Còn những con rạch đổ ra sông thì lại chảy qua những cánh đồng lúa bát ngát, những vườn cây trái bạt ngàn…


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx