sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

05. Câu giăng trên sông, câu nhăp trên mương, rạch, ao, đầm...

Câu giăng trên sông, câu nhăp trên mương, rạch, ao, đầm...

Ba-sát-cá có nhiều loại cần câu giắt đầy vách, để hẳn bên một góc nhà. Điều đó cũng không lạ vì ở miền sông nước, cá tôm phong phú nên cách đánh bắt rất đa dạng. Riêng về câu, Ba-sát-cá có một lô cần câu “chuyên dung”. Có loại cần câu “vạn năng”, câu đủ thứ cá, làm bằng ngọn trúc vàng óng, vừa nhẹ vừa bền, có độ cong tự nhiên rất đẹp. Loại câu cá thát lát thì to hơn và dài hơn một chút, nhợ câu có gắn một hòn chì vì cá thát lát quy tụ nhiều ở nơi có dòng nước chảy xiết. Loại câu cắm, bằng tre vót, bó lại từng bó vài mươi cần, có khi là những đoạn sậy già chỉ cần dung để căng sợi nhợ câu. Loại câu nhắp là cả cây trúc dài, loại câu rê thì có khi làm bằng nguyên một cây tầm vông, dựng ngoài vách cao khỏi mái nhà. Còn loại câu lươn thì chắc bạn ít ngó thấy. Câu lươn không có cần, các bạn ạ. Chỉ có một sợi nhợ, đầu buộc lưỡi câu, đầu kia là miếng gỗ nhỏ như ngón tay cái thôi… Những năm tuổi nhỏ, tôi đã theo Ba-sát-cá đi câu bằng đủ thứ kiểu câu ấy. Mỗi kiểu một thú riêng…

Chẳng hạn như câu giăng. Nói cho đúng ra, người lớn thường câu giăng dọc theo rạch hay sông cái. Một chiếc xuồng, khi một người, khi hai người, bủa vàng câu dài cả trăm mét, câu cá to… Còn Ba-sát-cá và tôi thì câu theo lối trẻ con, đường câu dài chừng vài chục mét, cũng chẳng cần xuồng. Bạn có thể hình dung câu giăng là một sợi nhợ dài, từng đoạn có buộc những lưỡi câu, như ở thành phố người ta giăng một sợi dây điện ngang đường, từng đoạn buộc những bóng đèn trang trí trong ngày lễ. Hôm nào bận việc nhà hay mải theo một trò chơi nào đấy, Ba-sát-cá cứ xách vàng câu giăng ra cái cầu ván dưới bến sông. Nó buộc một đầu sợi nhợ vào cột cầu. Rồi cứ tuần tự, cái sau cái trước, nó móc mỗi trùn vào các lưỡi câu xếp hàng đều tắp trên mặt cầu. Đầu cuối sợi nhợ đã buộc sẵn một hòn gạch, lâu ngày mòn láng. Nó cầm hòn gạch, vứt nhẹ ra sông bằng một động tác thành thạo. Hòn gạch bay đi, kéo theo sợi nhợ, và các lưỡi câu tuần tự kéo đàn bay theo, trông rất thích mắt. Coi vậy chớ, ném gạch câu giăng không dễ lắm đâu. Ném quá mạnh, các lưỡi câu giật phắt sẽ quấn rối vào nhau. Ném quá nhẹ, nhợ chùng lại, lưỡi câu bay ra không hết, cũng rối. Ném cao quá tầm không được, ném thấp sà xuống cũng không xong. Những lần đầu tôi ham, cứ giằng ném gạch. Nhưng nhiều lần, đường câu bị rối, Ba-sát-cá phải kéo vào sắp lại hết. Sắp lưỡi câu trên mặt cầu cũng phải khéo, sắp nhầm, dù có ném gạch đúng điệu, câu vẫn bị rối. Vàng câu ném ra sông xong rồi, Ba-sát-cá và tôi có thể trở vào nhà học bài, trèo ổi hay đá bong cũng được. Chừng một vài tiếng đồng hồ sau, chúng tôi lại ra kéo câu. Lưỡi câu kéo lên đến đâu, hễ có cá thì gỡ, không có thì thay mồi mới, sắp thứ tự trở lại; xong xuôi, lại vứt hòn gạch ra sông, để đấy, đi chơi. Câu giăng thường được cá trèn, cá úc, cá chốt, cá bống cát… Mỗi con vài ba ngón tay, đủ ăn một bữa. Người lớn câu giăng ngoài sông cái thì được cá lăng, cá leo, loại cá không vảy, to, dài, có khi được những con cá vài ba ki lô là thường. Cá lăng, cá leo (miền Bắc gọi là cá nheo) kho hay nấu canh chua đều ngon.

Cần câu nhắp là một đoạn trúc dài khoảng ba mét, chủ yếu để câu cá lóc (cá quả) dọc theo bờ những con rạch nhỏ hoặc mương vườn, ao đầm, những nơi mặt nước không được thoáng đãng, hoặc bị bèo che, cây vướng… Cá lóc to sống trong những ruộng lúa đã cấy xong, xanh mơn mởn. Ở đây thường có cá loại cá nhỏ như sặt bướm, hay các chú nhái bầu, bù-toọc (cũng là một loại nhái, to cỡ ngón tay cái)… là những thức ăn mà cá lóc ưa thích. Tuy nhiên, muốn câu loại cá lóc ấy thì phải vào ruộng, thường ở xa nhà dăm ba cây số. Ở các mương vườn, ở cá rạch nhỏ cũng có cá lóc, đôi khi khá to, bằng cổ chân mấy đứa trẻ chúng tôi. Mà các mương vườn thì hay có lục bình (bèo Nhật Bản) mọc dày, hoặc vướng cây cối, còn ở các rạch nhỏ cũng vậy. Thế cho nên sinh ra cái cần câu nhắp. Bữa nào muốn đi câu nhắp thì từ tối hôm trước Ba-sát-cá và tôi đã đi bắt nhái. Thường vào các buổi tối trời vừa mới mưa xong. Ở ngoài vườn, nhái bầu rộ lên kêu nhóc nheng, và các chú ễnh ương thì gân cổ gào uềnh oàng inh ỏi. Ba-sát cá thắp cây đèn bánh ú (đèn dầu lửa bằng thiếc, hình chóp nón, giống cái bánh ú ở quê tôi), rồi đặt vào trong một cái lồng che kín xung quanh, chỉ chừa một mặt phía trước rọi sáng. Đó là đèn soi, được dân vùng sông nước dùng vào nhiều việc: đèn soi để bắt ếch, nhái; đèn soi để đâm cá, chém cá ban đêm ở trong đồng, ở dưới sông; đèn soi để đi thăm câu ngoài sông cái, v.v… Những đêm như vậy, các chú nhái bầu mát mình, ra bắt muỗi mát bay nằm dọc theo bờ mương bên những đám lục bình, nhiều chú lên ngồi trên các rễ cây măng cụt bò trồi trên mặt đất. Ba-sát-cá một tay soi đèn, một tay chộp nhái. Tôi đi sau cầm cái túi con con. Nó chộp được con nào, tôi đưa túi đến, miệng túi hé một lỗ nhỏ vừa đủ đút đầu con nhái vào. Chúng tôi đem cái túi đầy nhái về treo trên vách. Sáng hôm sau, Ba-sát-cá vác cần, tôi cầm túi nhái và mang giỏ theo sau. Cá lóc khỏe lắm. Câu được thì bỏ vào giỏ, có nắp hom hẳn hoi, lơ mơ nó có thể phóng mất. Ba-sát-cá đi dọc mé rạch nhỏ. Đến một chỗ, cỏ ống bò lan trên mặt nước, che một vùng mát mẻ, yên tĩnh. Chỗ này có cá lóc đây. Ba-sát-cá móc nhái vào lưỡi câu, chọn thế đứng. Cá lóc khôn lắm, biết có người, nó không cắn câu. Ba-sát-cá khéo léo thả lưỡi câu trên những cọng cỏ. Rồi từ đó, nó nhắp cần nhè nhẹ. Con nhái theo bàn tay điều khiển cần câu nó nhảy lách chách trên mặt nước. Tôi có cảm giác con nhái ở đầu lưỡi câu của thằng Ba là một con nhái hoàn toàn tự do, thoải mái, đang nhảy từ cọng cỏ này sang cọng cỏ khác, những chỗ khoảng cách giữa hai cọng cỏ, con nhái như nhảy lẹ lên để tránh mối nguy hiểm có thể chờ đợi nó. Bỗng “bốp” một phát, chú cá lóc nãy giờ phục sẵn, đón theo đường nhảy của chú nhái bầu khi qua quãng nước rộng, đã há cái miệng đầy răng sắc, đớp con mồi thật trúng. Tiếng cá lóc đớp mồi kêu rất to. Ban đêm, nằm ngủ, có thể nghe tiếng cá lóc đớp mồi trong mương vườn gần nhà. Và thế là chú ta đã mắc câu của Ba-sát-cá. Nhiều lúc đi câu gặp mương vườn, chúng tôi bắt gặp một bầy cá ròng ròng (cá lóc con); những con nhỏ bằng đầu đũa, màu hồng rừng rực như lửa, lội loăng quăng; còn loại ròng ròng lớn hơn bằng ngón tay út thì da ngả màu xám đen, bơi lội điềm đạm hơn. Quanh đâu đây, dưới nước, mẹ của chúng đang ẩn nấp, bảo vệ đàn con, sẵn sàng đánh nhau với những con cá nào đến gần. Người ta hay nói ròng ròng theo mẹ hay theo nạ là như vậy. Còn mấy chữ “gái nạ dòng” để chỉ những người đàn bà có tuổi một chút và đã đẻ nhiều con, cũng xuất xứ từ hình ảnh này chăng? Tôi xui Ba-sát-cá nhắp con nạ ấy, nhưng nó gạt đi: “Cá nạ ốm nhách, đầu chờ vờ, ăn không ngon. Bởi vì nó lo coi sóc đám con, không bỏ đi xa kiếm ăn thả cửa như cá khác được. Với lại để nó giữ cho đàn con lớn mình mới có nhiều cá mà câu. Câu nạ này thì lũ con kia coi như chết hết.”. Ba-sát-cá nói phải. Tuy nhiên, có người cũng quá tệ, bắt luôn cả mẹ lẫn con. Họ bắt cá ròng ròng bằng rổ xúc, cái rổ to hai vòng ôm của chúng tôi. Họ mang rổ lội dưới rạch đến những bãi lục bình hay bãi cỏ ống mọc chìa ra rạch mà xúc, được khá nhiều cá nhỏ, nhất là tôm đất. Những đám cá ròng ròng thế này khó mà thoát khỏi cái rổ xúc. Những người đi xúc có khi mang cá ròng ròng ra chợ bán. Thật đáng tội chứ cá ròng ròng ăn ngon lắm. Cá ròng ròng kho thì ăn cơm quên thôi, cứ một con vừa một miếng và. Thường thường, một buổi sáng đi câu nhắp, Ba-sát-cá kiếm được dăm bảy con. Còn tôi thế nào cũng được nó chia phần vài con cá. Về sau tôi cũng làm cần, cũng đi câu nhắp, nhưng luôn luôn câu được ít hơn nó. Đó là điều tự nhiên, vì tôi không “sát cá” bằng nó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx