sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

09. Cầm chài mà vãi xuống sông (Hết)

Cầm chài mà vãi xuống sông

Một hình ảnh rất phổ biến, rất nên thơ, nên ảnh nên họa… ở quê tôi những năm tôi còn bé, đó là hình ảnh những chiếc xuồng chài, những người thợ chài. Tôi vẫn ghi mãi trong ký ức các bức ảnh chụp vãi chài trên song, hay các bức tranh vãi chài, với miệng chài tung tròn đang rơi chụp trên mặt nước lấp lánh ánh bạc, ánh vàng của buổi bình minh hoặc của ngày sắp tắt.

Khi tản cư về quê, ba tôi đã mua một miệng chài, và hàng ngày, cha con tôi vẫn đi chài trên song, ba tôi vãi chài, còn tôi thì bơi xuồng. Bơi xuồng chài không phải dễ đâu, các bạn ạ. Người vãi chài đứng ở đầu xuồng, bắt chài, xoay người, nhún chân, dùng sức tung chài ra cho tròn, cho đúng chỗ cần chụp xuống. Người bơi xuồng không thạo sẽ làm cho ông thợ chài nhào luôn xuống nước ngay. Và chính người bơi xuồng chài là tôi đã cho anh thợ chài Ba-sát-cá nhào xuống song mấy lần trước khi được lãnh “bằng cấp bơi xuồng chài chánh thức” và được ba tôi “tuyển dụng”.

Chài cũng có nhiều cỡ, nhiều loại. Đó là một tấm lưới đan hình tròn, đường kính rộng hay hẹp là túy sức và tùy tài nghệ của thợ chài mà chọn, thường khaỏng hai mét, hai mét rưỡi, miệng chài rộng hơn chiếc đôi khá nhiều. Xung quanh miệng chài, theo đường chu vi hình tròn đó, người ta buộc chì. Chì gồm những khoen tròn, nhỏ, móc nối với nhau, làm thành một sợi dây to bằng ngón tay út, thường làm bằng dây luộc (dây xơ vỏ trái dừa khô xe lại), gọi là dây vung. Dây này sẽ buộc vào cổ tay người thợ chài, để khi vãi, chài vẫn luôn luôn ở trong tay người thợ.

Tùy theo mục đích bắt cá lớn hay nhỏ mà người ta chọn chài có mắt lưới to hay mắt lưới bé. Có loại mắt lưới chỉ đút vừa ngón tay út, có loại đút lọt ngón tay cái. Thường thì phần trên chài, gần dây vung là đoạn lưới nhỏ, xuống nữa mắt lưới to hơn. Lúc tôi còn bé các miệng chài đan bằng sợi gai hoặc bằng tơ tằm. Chài mới mua về phải đem săn, tức là ngâm vào nước vỏ cây sắn, có nhiều chất ta-nanh để cho sợi nhợ săn chắc lại, chịu được nước lâu không mục.

Ở quê tôi, nhiều nhà cũng trồng cây sắn. Cây cao khoảng mươi, mười lăm mét, lá cứng, dày, bong. Trái sắn chín màu đen nâu ăn ngọt lắm, trẻ con chúng tôi rất thích, có điều ăn xong rồi thì không giấu được ai vì mồm miệng cứ đen nâu cả lên và ăn nhiều quá thì coi chừng, đi ngoài không ra đấy, bạn ạ! Đặc biệt vỏ cây sắn bóc ra, đập giập, ngâm nước một thời gian thì thành loại thuốc nhuộm rất tốt, tốt hơn vỏ cây đước, cây dà. Người quê tôi dùng thứ này để sắn chài, miệng chài nào sợi cũng săn quánh và đen bóng lên, tha hồ chắc, tha hồ ngâm nước. Cứ dùng chài một thời gian lại đem sắn một lần. Chài ngâm vào nước vỏ sắn một đêm, sáng ra dùng dây, vung treo lên cành cây, lấy sào căng miệng chài ra phơi nguyên một nắng là đen nhánh. Phơi chài, trèo sắn lấy trái là một thú vui của tuổi nhỏ chúng tôi. Các bạn gái cũng có thể tham gia công việc này được lắm.

Ba-sát-cá oai hơn chúng tôi, vì nó biết vãi chài, lại có hẳn một cái chài riêng nữa cơ! Vâng, đúng như vậy. Nhà Ba-sát-cá có một miệng chài dùng nhiều năm đã cũ, rách. Khi tía nó mua chài mới, nó liền xin cái cũ, cắt bớt phần phía dưới cho ngắn lại, vì chài thường hay rách phía dưới. Xong rồi nó lấy đục, chặt bớt một số chì cho vừa miệng chài, cũng là để bớt nặng, vừa sức của nó. Nó lên lại đai, vá một vài lỗ rách và cũng đem sắn hai nước cẩn thận. Dĩ nhiên là tôi làm thợ phụ cho nó trong các thứ việc này, vì vậy mà tôi biết vá chài, tuy chậm và các mắt không được đều lắm. Hôm hoàn thành miệng chài, thằng Ba bắt chài, vãi thử một cái trên sân, tròn quay đẹp thiệt. Tôi tranh với nó. Nhưng học được gì thì học, tôi vãi cũng không ra, không tròn. Ba-sát-cá nói:

- Thôi, mày đừng học vãi chài kiểu, học vãi chài ba mớ dễ hơn.

Ở quê tôi, có hai cách quăng chài như nó vừa nói. Chài ba mớ tung dễ nhưng tôi tung mãi cũng không tròn. Nó sốt ruột bảo:

- Thôi bây giờ mày xuống bơi xuồng. Ta ra song thử chài là hay hơn hết thảy.

Tôi còn tiếc nhưng thôi, đi chài thật vẫn cứ thú. Hai đứa chúng tôi xuống bến, cởi dây buộc xuồng. Tôi ngồi phía sau, rút mái giầm, gò lưng cuốc mấy cuốc xuống nước. Chiếc xuồng rẽ sóng lướt ra giữa sông. Ba-sát-cá đứng trên sạp trước mũi xuồng. Nó giơ tay chỉ chỗ có thể chài cho tôi bơi đến. Tôi nhìn nó. Vẫn cái quần đùi và cái áo thun ba lỗ màu nước dưa, cái mũi hếch ngước lên như đánh hơi cá, cặp mắt ranh mãnh đảo trên mặt song như anh chỉ huy quan sát trận địa. Tay nó cầm miệng chài, thỉnh thoảng nhấc lên bỏ xuống trên sạp xuồng làm cho giàn chì kêu lộc xộc. Tôi ngồi bơi phía sau mà sốt ruột. Nói vậy chứ bơi xuồng không phải dễ đâu bạn nhé, nhất là đối với một cậu bé thành thị như tôi. Một mái giầm mà điều khiển chiếc xuồng theo ý muốn. Lúc mới học bơi xuồng, tôi bực mình muốn phát khóc vì mình quyết tính bơi thẳng tới mà chiếc xuồng nó cứ quay đi quay lại, thậm chí quay vòng tròn nữa thế mới kỳ! Mấy cô bé làng quê bơi xuồng qua lại cứ ngó mình tủm tỉm cười, ngượng chết đi được! Có cô còn bơi rấn xuồng tới la lớn: “Ê! Đụng! Đụng!” làm mình quýnh cả lên. Mà các bạn quen bơi xuồng thể thao cũng không nên coi thường loại xuồng quê tôi. Nó chỉ được điều khiển bằng mỗi một mái giầm cầm tay, và bơi cũng chỉ một bên mà thôi, chứ không quạt bên phải một cái, bên trái một phát đều đều đâu. Vậy mà các cô gái nhỏ quê tôi bơi xuồng đi chợ, đi học, có khi đi xa năm mười cây số nhẹ tênh, ngon ơ. Bơi thuyền đã khó vậy, bơi xuồng chài còn khó hơn. Trước hết là phải hiểu ý thợ chài. Anh thợ chài đưa mắt một cái (hay là hếch mũi như anh bạn Ba-sát-cá của tôi) thì anh thợ bơi phải biết anh kia muốn “chụp” xuống chỗ nào. Chài trên rạch thì có những đống chà, những cây cầu chìm và nổi, phải đưa xuồng đến vị trí mà anh thợ chài vừa sức tun glưới, không vướng vào các thứ cầu kỳ, chà chơm… Có khi một chú cá to vừa lên đớp mồi hay ăn móng, thợ chài liếc mắt một cái, thợ bơi phải đưa xuồng ào đến nơi và lập tức ghìm xuồng đứng yên ngay. Đó là kỹ thuật bơi xuồng chài khá cao. Cái hôm đầu đi thử chài đó, ngay phát đầu tiên, tôi không biết ghìm xuồng nên thằng Ba vừa tung chài lên thì xuồng lắc, chài rơi xòa một cái và người thì tõm một phát xuống nước. Tôi vừa ngượng vừa lo. Thằng Ba trồi lên mặt nước, lấy tay vuốt mặt rồi đu mũi xuồng nhảy lên. Nó trách tôi:

- Mày dở quá. Khi nào tao quăng chài, mày ghìm chắc xuồng lại.

Tôi chống chế:

- Nhưng mà cái xuồng nó nổi lềnh bềnh giữa sông, có chỗ nào níu đâu mà ghìm?

- Cứ thò giầm xuống nước rồi thì…

Thằng Ba cũng không biết giảng giải thế nào, đành nói:

- Rồi thì… mày sẽ biết ngay thôi mà.

Thằng Ba vừa nói vừa lôi chài ở dưới nước lên (sợi dây vung từ trước vẫn đeo chặt ở cổ tay trái nó). Chúng tôi bắt đầu làm lại. Ba-sát-cá đứng trước mũi xuồng gấp sợi dây vung, rồi gấp thật thứ tự cái chóp chài lại thành một xấp nắm ở bàn tay trái. Xong nó cầm chì ở miệng chài thảy nhẹ một cái lên, cặp chặt vào nách trái. Thế là miệng chài đã mở ra. Nó dùng bàn tay phải và đầu gối rẽ miệng lưới cho đều từng đoạn, rồi chia cái chài ra làm bốn, năm phần đều nhau, móc vào mấy ngón tay phải. Nó gọi động tác này là bắt mớ. Xong rồi nó chập hai bàn tay vào nhau, lật ngược cả miệng chài lên. Nó uốn người ra phía sau lấy đà rồi nhanh nhẹn xoay người ra trước mũi xuồng, đồng thời tung lưới. Sức nặng của động tác vãi chài dồn xuống hai chân nó, làm cho mũi thuyền giập xuống nước rào rào; cùng lúc, giàn chì được vung tròn ra, kéo theo miệng chài mở tròn trịa úp chụp xuống nước. Khá lắm. Anh thợ chài vãi đẹp lắm, còn anh thợ bơi xuồng lần này cũng hiểu ra cái lúc quyết định nhất cần giữ thuyền thật thăng bằng. Vậy là chúng tôi phối hợp đã “ăn giơ” rồi.

Khi chì đã chìm xuống đáy song, Ba-sát-cá bảo tôi:

- Rà xuồng lại.

Nó nắm dây vung (còn gọi là dây giụi) kéo chài lên. Sức ì của cái chài lôi chiếc xuồng tới. Tôi phải rà mạnh mái giầm để giữ cho xuồng đứng yên tại chỗ. Hai bên phải khéo kết hợp, sao cho giàn lưới chài thu chụm lại đều đặn dưới đáy song, cá tôm bị gom hết trong những đai chài, lúc đó, thợ chài mới từ từ kéo chài lên. Khi dàn chì vừa tới mặt nước, Ba-sát-cá rê tới rê lui một chút để rửa bùn rồi nhanh nhẹn xách cả miệng chài, vật lên sạp xuồng đánh xạch một cái.

A ha! Mới phát đầu đã ngon lành rồi! Cá trắng có, cá đen có, cả tôm càng nữa! Thằng này giỏi quá ta! Ba-sát-cá nheo mắt, chun mũi nhìn tôi cười. Đó là cái tật của nó mỗi khi vui thích. Nó gỡ từng con tôm cá ném bộp bộp xuống khoang xuồng, và cũng nhặt chà, rác vứt xuống sông. Xong xuôi, nó lại đứng lên, bắt chài sửa soạn quăng tiếp. Đó là cách quăng chài kiểu, gọn, đẹp, nhưng phải có nghề mới làm tốt được. Thằng Ba chẳng học ai. Nó có tài bắt cá bẩm sinh, cứ nhìn người khác làm một lần là bắt chước được ngay.

Lần này Ba-sát-cá bảo tôi đưa xuồng vào một chỗ mà nó cho là có nhiều cá. Tung chài xong, đến lúc rà xuồng kéo chài lên, bỗng nó kêu:

- Chết cha! Mắc gốc rồi!

Trời đất! Dưới đáy rạch, có nhiều gốc cây lâu đời, hoặc là những nhánh chà to, từ các đống chà lăn ra, người đi chài quen sẽ thuộc. Sau này, bơi xuồng cho ba tôi chài, tôi thấy ông già thuộc lòng lạch ghê lắm. Còn bây giờ, chúng tôi mới “hành nghề” nên chưa quen. Tôi lo lắng:

- Chết cha! Bây giờ làm sao?

Ba-sát-cá tháo sợi vung ra khỏi cổ tay, buộc vào một cái lỗ trên sạp xuồng, rồi cởi quần áo ra, phóng nhẹ xuống sông. Nó hít một hơi dài và hụp vào trong nước. Tôi hồi hộp theo dõi. Lúc lâu, tôi giật mình, ngó thấy một bàn tay từ mặt nước thò lên, rồi cái đầu thằng Ba. Tôi hỏi giật:

- Sao?

Nó chẳng đáp, vuốt nước mặt, hít không khí rồi lại hụp xuống. Lần này lâu hơn… Tôi thấy lo lắng. Rồi một bàn tay lại từ mặt nước thò lên (sau này tôi mới hiểu, khi nổi lên, người lặn cần đưa tay thăm dò để khỏi đụng đầu vào xuồng ghe trên mặt nước). Ba-sát-cá bơi đến mạn xuồng, chống tay đu lên. Tôi lại hỏi:

- Sao?

Nó vừa mặc quần áo, vừa đáp:

- Không sao. Xong rồi.

Đôi mắt ranh mãnh của nó, bây giờ hơi đỏ, nheo lại nhìn tôi, cái mũi nó hếch ngược lên như cái sừng con tê. Cha, con tê này vừa rẽ nước dưới sông ngoi lên đây! Nó nói:

- May quá! Cái gốc cây bự tổ chảng! Nhưng may chỉ vướng một góc chài. Lúc nãy, tao mà úp hết lên thì coi như rồi đời cái chài mới.

- Chết cha! Làm sao?

- Gỡ hết ra rồi!

Tôi hú vía. Nếu không thì chúng tôi, như thành ngữ Việt Nam ta vẫn nói, “mất cả chì lẫn chài”. Ba-sát-cá vừa kéo chài lên, vừa dặn tôi:

- Mày nhớ nghe! Ở đây có cái gốc cây!

Chẳng riêng gì người mới “vào nghề” như chúng tôi, người lớn đi chài bị mắc chà, mắc gốc là sự thường, ba tôi nhiều lần cũng phải lặn đến ba, bốn hơi để gỡ chài mắc gốc. Tôi thương ông già lắm, nhiều lần đòi lặn, mà ba tôi nhất định không cho. Lặn gốc cũng có phần nguy hiểm chứ không đơn giản chút nào.

Buổi “xuất trận” đầu tiên của hai tay thợ chài tí hon đó thắng lợi lớn: chúng tôi được khoảng 3 kí tôm cá, đặc biệt có mấy con tôm càng xanh to bằng cổ tay chúng tôi. Ba-sát-cá nói:

- Về, mình nường tôm ăn liền cho ấm. Tao một con, mày một con!

Trước đây, mỗi khi dỡ chà, tôi hay xin má tôi bẻ mấy càng tôm đem nướng. Càng tôm to như ngón tay, đầy thịt, nướng ăn thơm lắm. Chưa bao giờ tôi được ăn hẳn một con tôm càng nướng, Ba-sát-cá chơi sang thiệt!

Tôm càng cũng là giống có nhiều trong sông rạch quê tôi. Mà có tới hai loại cơ: tôm càng xanh và tôm càng lửa. Tôm càng lửa giống hệt tôm càng xanh, có điều vỏ của nó ửng màu hồng hồng của gạch. Tôm càng xanh thì vỏ thẫm màu xanh nước biển. Ở miền Bắc lâu ngày, nhưng tôi chưa nhìn thấy tôm càng xanh hay tôm càng lửa. Vì vậy, tôi tin các bạn nhỏ miền Bắc sẽ rất thích khi nhìn thấy tôm càng quê tôi. Con tôm to lắm, có con đầu to hơn cổ tay người lớn, mình nó hơi tròn, dài khoảng gang tay, đặc biệt con nào cũng có hai cái càng, to cỡ ngón tay, và con tôm đực thì có càng rất dài, có khi hơn cả thân mình của nó. Vậy mới gọi là tôm càng. Ở quê tôi phân biệt hai từ tôm và tép như thế này: tôm có thân tròn, tép có thân dẹt. Vì vậy, có những con bé xíu nhưng thân tròn cũng gọi là tôm, như tôm đất; có những con to nhưng thân dẹt cũng gọi là tép, như tép bạc (cùng loại với tôm thẻ). Ở miền Bắc, có địa phương, tất cả các thứ cá bé xíu đều gọi là tép.

Tôm càng ngon thịt, luộc chấm muối tiêu chanh ăn rất ngọt, còn nướng thì ăn lại thơm. Đặc biệt ở quê tôi có món tôm kho tàu. Con tôm bóc hết vỏ, chừa một tí đuôi cho đẹp, kho lên cong tròn và gạch tôm thì sánh lại làm cho đĩa tôm rực rỡ một màu son. Tôm càng xanh ngon như vậy nên ngày càng ăn khách trên thị trường thế giới. Vì nhiều lý do, tôm càng trong thiên nhiên ngày càng ít, nhiều nước đã nuôi tôm càng theo lối công nghiệp và dày công nghiên cứu con tôm này. Ở nước ta cũng đang có nhiều nơi nghiên cứu nuôi tôm càng xanh xuất khẩu. Còn ở quê tôi, người ta bắt tôm càng trong thiên nhiên bằng lối chất chà, vãi chài hay đi câu.

Thường người ta câu tôm ngoài sông cái, ở đó, tôm nhiều và to hơn trong rạch. Sau này, khi chài đã thạo, một đêm, Ba-sát-cá rủ tôi ra sông cái đi chài cá he vàng. Đêm đó, trời đầy trăng. Xuồng vừa trổ ra vàm, gió đã thổi lồng lộng. Sông rộng mênh mông. Sóng lưỡi búa vỗ lách chách mạn xuồng. Chúng tôi đưa xuồng đến gần một đống chà to chất trên sông cái. Ba-sát-cá nhè nhẹ bỏ xuống nước một hòn đá buộc sợi dây nhợ, bên trên là một cái phao lập lờ chất một ôm lúa vừa chin tới mới cắt ban chiều. Nó dụ cho cá he trong chà ra ăn lúa. Trong khi chờ đợi, chúng tôi bơi xuồng đi dạo một vòng trên sông. Dọc bãi sông có một rừng bầu, ban ngày soi bóng mát xanh um và rắc nhị hoa màu cánh sen đầy mặt nước. Ban đêm, đó là vương quốc diệu kỳ của loài đom đóm, hang ngàn con thắp đèn nô giỡn trên khắp các cành bầu. Nhiều đêm, bọn trẻ con chúng tôi hay cho xuồng ra sông cái giỡn sóng hoặc hay bắt đom đóm. Có những con đom đóm sáng xanh thật to, lóe lên giữa muộn ngàn đốm lửa màu vàng, rồi bay là là ra sông. Ban đêm, tùy theo mùa các và tùy theo con nước, những người thợ chài vẫn ra đây quăng chài hay bủa lưới. Người câu tôm thì một người, một xuồng âm thầm lui tới dọc bờ sông. Thường người ta câu mồi cùi dừa khô cắt miếng nhỏ, bủa theo lối câu giăng. Người đi câu lần theo sợi nhợ, soi đèn, tôm càng bám theo mồi lên mặt nước liền bị cái vợt hớt gọn. Có những đêm trăng sáng, ghe thuyền đi lại khá đông, những ghe thương hồ đi buôn, ghe chài chở lúa, xuồng câu, xuồng chài, cả những xuồng quà bánh đèn con cứ nhấp nhánh hắt xuống vàm sông. Lại có những người đi chơi, ngồi ghe mui ống, mua ít tôm ít cá, thái ra, “tả pí lù”, nhắm rượu và đờn ca trên mặt nước.

Có hiểu được người được cảnh đó mới hiểu vì sao người dân quê tôi yêu mến sâu sắc những câu thơ trong Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu:

“ Ngư ông: Lòng lão chẳng mơ,

Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn.

Nước trong rửa ruột sạch trơn,

Một câu danh lợi chi sờn long đây.

Rày doi, mai vịnh vui vầy,

Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng.

Một mình thong thả làm ăn,

Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.

Nghêu ngao nay chích, mai đầm,

Một bầu trời đất vui thầm ai hay.

Kinh luân đã sẵn trong tay,

Thung dung dưới thế vui say trong trời.

Thuyền nan một chiếc ở đời,

Tắm mưa chải gió trong trời Hàn giang”

* * *

Sông Mê-công, một trong những con sông lớn của Châu Á đã chảy qua quê tôi trước khi tuôn trào ra biển. Trong dòng nước bạc ngàn đời chở nặng phù sa đó có bao nhiêu loài tôm cá đi qua, lưu lại, sinh sôi nảy nở. Cũng đã bao đời vườn tược xanh um cây trái, bốn mùa soi bong xuống dòng sông. Một vùng quê với gạo trắng, nước trong, với cá to tôm lớn, với trái ngọt cây lành. Con người hiểu con tôm con cá và hiểu được quê hương. Từ con tôm, con cá, từ sinh hoạt bình thường ngày nay qua tháng khác mà hiểu thêm tâm tình và tính cách con người của một vùng quê mênh mông sông nước…

Tháng 11- 1993

Hết.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên

Chimcanhcut100786 – vuthungoc – Diên Vĩ

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx