sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

08. Chất chà xuống, dỡ chà lên

Chất chà xuống, dỡ chà lên

Đi xuồng dọc theo con rạch quê tôi, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp những đống cành cây khô chất dưới nước, cặp theo bờ. Có những đống dài và rộng hàng chục mét vuông. Đó là những đống chà. Dưới bến nước nước nhà tôi, sau này, cha tôi cũng cho chất một đống chà, phần lớn là những nhánh xoài, nhánh ổi, đốn từ các cây đã già cỗi, hết trái, có khi là những nhánh cây trứng cá. Ở bến nước nhà Ba-sát-cá, cũng có một cây trứng cá. Cây trứng cá to, cao, lá ram ráp, lá non có lông tơ và dinh dính như mật, đặc biệt trái của nó tròn như hòn bi, lúc chín có màu vàng hay đỏ, mọng căng, bong mỡ, trong ruột bọc vô số trứng nhỏ li ti, vàng ong, y như trứng cá lóc, ăn ngọt lạ. Ở quê tôi, cây trứng cá còn được gọi là cây mộc sim. Ba-sát-cá và tôi sáng nào cũng dậy sớm, trèo cây hái trái chín. Khi buồn tay thì mang cần câu ra, ngồi trên nhánh trứng cá gie ra phía đống chà mà câu. Câu cạnh đống chà được nhiều cá, vì đây là nơi cá thích đến trú ngụ. Chất chà cũng để dụ cá đến ở cho đông.

Cứ độ dăm ba tháng nhà tôi dỡ chà một lần. Muốn dỡ chà, phải chọn ngày, chọn nước. Thường chọn ngày nước ròng sát để dễ bắt cá, và chọn cữ nước ròng vào buổi sáng (ở quê tôi, mỗi ngày nước lớn và nước ròng hai lượt, theo chế độ bán nhật triều). Mỗi lần như vậy, ba tôi hay rủ tía thằng Ba và một vài người hàng xóm. Tất nhiên, Ba-sát-cá và tôi cũng được tham gia.

Khi gà gáy sáng, nước đã lớn đầy sông, Ba-sát-cá gọi tôi dậy. Hai đứa vào bếp lui sui rang cám, xong mang xuống bến, bơi xuồng nhè nhẹ ra rắc cám vào giữa đống chà. Có khi, chúng tôi còn rắc cơm nguội hay những thức ăn thừa và một số mồi khác như bỏ vô chà một ôm lá cứt quạ hay ít trái cây chín ủng để dụ thêm cá tới. Trong khi đó, người lớn sửa soạn khuân những cuộn đăng ra sông. Đăng là một tấm chắn cá làm bằng những cuộn tre vót, tròn cỡ ngón tay út (đăng vùng quê tôi), hay bằng sống lá dừa nước chẻ phơi khô, hoặc những cây sậy (đăng vùng nước lợ, nước mặn). Đăng có nhiều cỡ, thích hợp với từng mực nước. Ở trong bờ thì đăng thấp, cao ngang đầu chúng tôi. Phía ngoài rạch thì đăng cao, có khi quá đầu người lớn một với tay. Những nan đăng được đan lại với nhau thành tấm dài năm, ba mét bằng một thứ dây gọi là dây choại. Đó là thứ dây bò, tròn cỡ ngón tay út, dài năm bảy mét. Dây choại mọc nhiều ở vùng rừng U Minh, Cà Mau, Rạch Giá. Khi phơi khô, dây quắt lại, vỏ hơi bong, màu vàng ngả sang màu đỏ, đặc biệt dây này rất chắc khi gặp nước và rất bền khi ngâm trong nước, kể cả nước mặn. Người ta xuống rừng U Minh bứt dây choại, phơi khô, bó lại thành lọn, rồi chở ghe đem bán khắp miền sông nước để bện đăng. Ở vùng quê có nhiều mương, lạch nhỏ này, người ta hay dùng đăng chắn các cửa lạch, cửa mương; nước lớn thì để tôm cá vô mương, nước ròng thì chắn lại rồi bắt, gọi là đăng mương.

Việc rải đăng bao quanh đống chà dưới rạch là việc của người lớn. Tôi và Ba-sát-cá chỉ ở trên bờ cầm đèn soi hoặc đứng xem, sau này lớn lên biết cách mà làm. Mấy anh thanh niên vác những cuộn đăng lội nhè nhẹ xuống nước. Ba tôi và tía thằng Ba dùng lạt tre buộc đăng vào những cái cọc đã cắm sẵn theo rìa đống chà. Mấy anh bắt đầu rải đăng. Việc này cũng nặng và khó, vì đầu những nan tre sục xuống bùn cho tấm đăng đứng thẳng và không cho mấy chú cá khôn có thể dò ra, rúc xuống để thoát ra ngoài. Khó nhất là chỗ tiếp giáp giữa hai mép đăng, phải lấy ghim tre gài chặt, nếu không, cá chui ra mất hết. Thường thì tía thằng Ba phải lặn xuống, kiểm tra lại thật kỹ công việc ghép mép đăng của mấy anh thanh niên.

Trời vừa rạng sáng, đăng quay đã xong. Nước sông đứng lại và bắt đầu rút ròng. Hai ông già yếu chịu lạnh đã lên bờ ngồi, khoác chiếc khăn rằn lên vai, vấn thuốc hút. Ba-sát-cá rủ tôi đi chặt mấy tàu dừa bỏ lên xuồng, trong khi các anh thanh niên bắt đầu dỡ những nhánh chà ném lên bờ. Khi chúng tôi quay trở lại thì đống chà đã dỡ gần xong, nước đã rút xuống thấp, bày bãi. Lũ cá trong vòng vây đã cảm thấy nguy cơ sắp đến gần. Bỗng “rẹt” một phát, một chú cá chạy to bằng cổ tay quẫy nước, tung mình vút lên cao, vượt khỏi mặt đăng ngoài sông. Tôi giật mình kêu lên, tiếc rẻ. Nhưng Ba-sát-cá đã kịp thời quạt mái giầm lướt xuồng tới. Con cá rơi vừa đúng giữa xuồng, kêu đánh bộp một phát. Chắc nó tức lắm vì đã lao một đường cong tuyệt đẹp như vậy mà không thoát. Nó vật mình, đập đuôi vào ván xuồng, tung người lên nữa. Nhưng không được, vì tàu dừa Ba-sát-cá vừa chặt bỏ lên xuồng đã cản nó lại. Liên tiếp sau đó, mấy chú cá chày nữa lại nhảy vọt qua đăng. Mấy con đều to, vảy lấp lánh bạc, đuôi ửng hồng và mắt thì đỏ. Nếu so chiều cao từ mặt nước đến ngọn tấm đăng với chiều dài thân mình con cá thì gấp hơn mười lần. Thế mà chúng vẫn nhảy qua, như người nhảy sào mà chẳng cần sào vậy. Chúng rơi lộp bộp xuống khoang xuồng của Ba-sát-cá và khoang xuồng của tôi. Tôi cứ quýnh lên. Vút một phát nữa. Con cá này khỏe quá, phóng luôn từ vòng vây bên trong, vượt qua đầu đăng, bay tuốt và rơi khỏi xuồng của tôi đánh tõm vào rạch. Thôi, nó thoát rồi. Tôi kêu ré lên, quơ tay vào không định chộp lấy nó. Nhưng làm sao được. Tôi mất đà, phải bíu lấy tấm đăng, gượng lại. Đúng lúc đó, một loạt cá nữa lại phóng lên, vút qua đầu tôi. Tôi càng thêm luýnh quýnh. Ba-sát-cá kêu lên:

- Đừng la! Đứng yên! Con nào sẩy kệ nó. Mày làm động, cá phóng túa xua, thấy không?

Tôi bình tĩnh lại. Nhìn thằng Ba, tôi thấy nó đang chúi mặt vào kẽ đăng ngó xuống phía trong. Nếu có cá phóng về hướng nó, nó ngước mắt lên và chỉnh ngay xuồng để hứng, ít khi để sẩy. Tôi bắt chước làm theo.

Nước đã ròng sát. Các nhánh chà đã vứt hết lên bờ. Lũ cá thôi không nhẩy nữa. Từ bên trên, má tôi đưa xuống cái rổ xúc để các anh xúc cá. Ôi chao, nhiều cá quá, nhất là cá chày, cá rô biển, rô phi. Cũng có một vài con cá trà vinh và cá he vàng loại to nữa. Tôm cũng nhiều. Rồi đến cá bống cát, cá lóc…

Ba-sát-cá và tôi hết nhiệm vụ, cặp xuồng vào cầu, cởi áo quần, tuôn xuống bắt cá với các anh.

Trong vòng đăng, nước bùn nổi lên đục ngầu song vẫn có thể nhìn thấy những cái đầu cá nổi lúc lắc trên mặt nước, những cái miệng há ra hớp hớp rồi lại thụt xuống, những chiếc râu tôm quờ qua quờ lại. Đi trong nước, chạm vào tôm cá lia lịa. Thỉnh thoảng những con cá chạy hoảng phóng cả vào đùi, vào mông trần của chúng tôi. Để cho các anh xúc hết cá nổi, chúng tôi mò cá chìm. Thường là những chú cá lóc, cá bống to, trốn dưới những dấu chân, thụt sâu xuống bùn. Lũ cá này không bị sặc bùn như lũ cá trắng (các có vảy trắng); chúng rúc sâu, nằm nín thít, phục mãi cho đến lúc người ta tháo đăng ra, thế là thoát. Chúng tôi đi, mò từng bước, tay thụt xuống bùn, từ đầu đăng này đến đầu đăng kia, rồi quay lại, cứ thế mà mò, nắn nắn. Nó trơn nhớt. Tôi mò tiếp. Bỗng đùng một phát, con cá vọt mạnh tới trước, lủi mất. Tôi la lên:

- Úi trời! Con cá bự quá!

Ba-sát-cá vọt tới:

- Để tao! Để tao!

Nó nhìn vệt nước bùn vừa bị khuấy, dò theo tìm vết con cá. Bỗng nó ngồi thụp xuống nước, hai tay chụm lại, mò. Tôi nhìn nét mặt nó. Mũi nó hếch lên trời, mắt liếc xéo lên, nhưng tinh thần trong mắt lại dồn xuống hai bàn tay dưới nước. Nó từ từ nâng hai tay lên và nói:

- Được rồi!

Khi hai tay nó đưa khỏi mặt nước, tôi thấy đầu con cá dính đầy bùn và to gần bằng đầu gối của tôi. Cũng lúc đó, con cá quẫy một phát thật mạnh, vùng ra khỏi tay thằng Ba, mặc dù nó đã bị thằng Ba móc chặt hai mang. Thằng Ba loạng choạng nhưng vẫn còn phản ứng kịp bằng cách hất con cá văng tuốt lên bãi bùn.

Con cá trườn mình, rạch xuống, nhưng hai đứa chúng tôi đã nhào theo, dùng tay hất ngược nó lên bờ. Đến gần bờ, thằng Ba đưa hai tay hố, ôm luôn con cá vô ngực như bế một đứa bé rồi ù té chạy tuốt lên. Khi con cá vùng được ra thì nó rơi phịch xuống đất. Con cá bong (giống như các lóc nhưng vảy có nhiều sọc đen sẫm) to hơn một kí. Thằng Ba tóm chặt mang, bỏ con cá vào cái giỏ cao miệng, thế là xong.

Chúng tôi lại quay xuống mò tiếp. Đang mò, tôi bỗng thấy nhói một phát ở ngón tay trái. Úi cha! Thôi chết rồi, một con các nào đó trong khi chạy hoảng để thoát thân đã giương ngạnh đâm vào ngón trỏ của tôi. Tôi khoắng nước rửa qua loa rồi đưa tay lên miệng mút. Một ít máu rịn ra ở đầu ngón tay. Tôi kêu lên:

- Ê, Ba ơi! Tao bị cá đâm rồi! Đau quá!

Ba- sát- cá quay đầu lại nhìn tôi. Thấy ngón tay tôi có máu đo đỏ, nó liền bảo:

- Rờ cu!

Tôi không hiểu, cứ tròn mắt nhìn nó. Nó vừa làm động tác mẫu, cặp chặt bàn tay vào giữa hai đùi cho tôi bắt chước làm theo, vừa nói:

- Như phỏng tay thì rờ vào dái tai vậy mà… Nhẹ đau liền…

Tôi hiểu ra, liền làm theo nó. Ờ há! Đỡ đau thiệt! Tôi tủm tỉm cười hoài…

Cũng lúc đó, một anh thanh niên la lên:

- A! Cá bống tượng đây rồi!

Tất cả mọi người đều vui mừng, đổ xô lại xem. Con cá này khá to, bằng bắp chuối của tôi. Tía thằng Ba nói:

- Còn một con nữa, kiếm kỹ coi.

Quả nhiên, một lúc sau, con cá bống tượng thứ hai đã bị bắt.

Nước đã đứng. Tôm cá trong đăng cũng đã bắt hết. Tía thằng Ba bảo tháo đăng. Mấy anh thanh niên, người thì giặt đăng rồi vác lên rải ra sân phơi, người thì đi rửa cá, lựa cá…

Mỗi lần dỡ chà như vậy thường được trên dưới một tạ cá. Nhưng điều mọi người quan tâm là có bắt được cá bống tượng hay không. Đây cũng là một loại cá “đặc sản” của quê tôi, và hình như cũng chỉ có chất chà mới bắt được. Cá bống tượng hay đi cặp. Thường mỗi đống chà chỉ có một cặp. Cá bống tượng có vẩy nâu với những sọc đen; kỳ, đuôi, vây, mang đều có những gai mềm giương lên, trông cũng đẹp. Thân cá ngắn, đầu và bụng to tròn, đuôi xoe tròn ra. Cá bống tượng làm món chưng tương là tuyệt nhất. Khi còn ở Sài Gòn, má tôi có học được cách làm một số món ăn “đặc sản”, trong đó có món cá bống chưng tương. Cá làm xong, má tôi ướp tương hột giã giập giập, thêm bún tàu (miến), nấm mèo (mộc nhĩ), hành khô, hành lá cắt dài rồi đem chưng cách thủy. Cá bống tượng thịt ngon, đặc biệt là lá gan nó rất to, ăn có mùi vị thơm lạ lùng. Cá bống tượng hiếm hơn cá he vàng bởi vậy món cá bống tượng chưng tương với lá gan to cũng hiếm và quí. Mỗi lần nhà tôi dỡ chà, ngoài phần cá chia cho những người đóng góp công, nếu bắt được cặp bống tượng, thế nào má tôi cũng làm món chưng và sai tôi mang một con sang biếu tía má của Ba-sát-cá, người đã chỉ dẫn cho tôi chất chà. Ở Sài Gòn, vài lần tôi theo má tối đi nấu ăn đám cưới mới được nếm cá bống tượng chưng tương. Còn về đây, cá bống mình dỡ chà trên rạch trước nhà, nên vài ba tháng tôi lại được ăn món này. Còn tía má của thằng Ba-sát-cá vẫn khen: “Ờ, ở Sài Gòn người ta nấu ăn cũng khéo”.

Một cách bắt tôm cá khác gần giống như chất chà là kéo bò. Bò là một dụng cụ bắt tôm cá bằng tre đan, như cái thùng xe bò, có hai càng, trong bỏ những chà cây, có thể thụt xuống nước và kéo lên dễ dàng. Thường người ta đào một cái ụ nhỏ cạnh bờ rạch, đặt bò vào, đẩy xuống nước, dăm ba ngày thì kéo bò lên một lần bắt tôm cá. Cái bò gọn, một gia đình nhỏ làm được không mất công nhiều như chất chà, dỡ chà. Tất nhiên thu hoạch ít hơn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx