sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mùa đom đóm mở hội - Chương 02

Chương 2. Bố về hưu

Ngày mai bố về hưu. Sự kiện ấy kể cũng bình thường. Ai ở tuổi sáu mươi mà chẳng phải về hưu. Cả đời cống hiến rồi còn gì.

Chiều nắng đẹp. Đoàn quân diễu hành qua nhà. Cờ hoa tung bay như diều. Khẩu hiệu và băng rôn. Thành phố đón nhận danh hiệu anh hùng. Các chú cảnh sát đứng chật đường. Mẹ bảo đông quá. Cứ đông là vui rồi. Riêng bố không vui. Bố trầm ngâm ngồi bên lan can, đôi mắt vô cảm. Mẹ không làm trong nhà nước nên mẹ không hiểu là phải. Bố không tin mình đang buồn. Bố thấy trống trải. Nắng chiều lại cứ đẹp rạng rỡ lên như báo hiệu xuân sắp tàn.

Sau tràng pháo tay kéo dài, bữa tiệc chia tay kết thúc. Bố ôm hôn người kế nhiệm và nhận từ tay chú ấy một bó hoa kềnh càng. Đó là lời cảm ơn, và cũng là lời từ biệt. Giây phút này bố muốn khóc quá. Chưa bao giờ bố muốn được tiếp tục làm việc như lúc ấy. Bố cười, phát biểu, cảm ơn mọi người. Bố nói hơi dài. Vì thực ra đây là lần cuối cùng bố đứng trên chiếc bục thân quen này. Bố phải nói hết mọi tâm tình, mọi suy nghĩ của bố. Bố cần mọi người hiểu rằng ở cơ quan này bố đã làm việc tận tụy, đã cống hiến toàn bộ sức lực và trí tuệ của mình...

Bữa tiệc đông vui, nhiều hoa và rượu nhưng sao miệng bố đắng ngắt. Tiếng ly cốc chạm nhau như tiếng thủy tinh vỡ trong lòng bố. Thôi từ nay bố sẽ vĩnh viễn biên chế ngoài cổng khu nhà thân thuộc này. Bố đi một vòng, bắt tay, ôm hôn từng người. Bố mời mọc mọi người đến nhà mình chơi lúc rảnh rỗi. Rồi bố về chỗ ngồi, nhìn ngắm lại ô cửa sổ văn phòng, bức rèm xanh êm đềm và chiếc bàn tiện nghi nơi bố ngồi làm việc suốt nhiều năm. Vị giám đốc mới vui vẻ rót bia cụng ly. Mọi người vây quanh chú ấy. Đột nhiên bố thấy mình lạc lõng. Bố rời khỏi bàn tiệc mà gần như không ai để ý. Bố cũng quên cả hoa. Lần đầu tiên bố thấy hoa không ý nghĩa gì.

Mẹ mở cổng đón bố với nụ cười mãn nguyện. Bố đi vào phòng, nằm xuống chiếc đi văng. Mẹ tất bật đi tìm máy đo huyết áp cho bố. Mẹ an ủi:

- Tại sao mình lại buồn nhỉ? Mình phải vui chứ. Từ nay mình được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Em cũng luôn được ở cạnh mình.

Ừ, tại sao mình lại buồn nhỉ? Bố tự hỏi và thấy mẹ có lý. Bố ôm mẹ vào lòng, cảm thấy một điều gì đó rất ấm áp, rất dịu dàng đang lan tỏa.

Buổi sáng mẹ vào phòng đánh thức bố dậy. Đồng hồ chậm rãi đổ chuông, chiếc kim uể oải chỉ mười giờ. Nắng ấm áp xuyên qua cửa sổ. Bố thức giấc và mỉm cười. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm bố thoát khỏi nỗi ám ảnh của chiếc đồng hồ báo thức, cứ sáu giờ ba mươi phút mỗi sáng lại khua vang, đều đặn. Mẹ mang đồ ăn tới, sốt sắng giục bố ăn rồi hôn chụt vào má bố, phong cách hồn nhiên như một cô gái. Bố sắp xếp công việc trong ngày. Đầu tiên bố sẽ đi lấy nước tưới cho mấy dò phong lan và các chậu cảnh bày đầy sân. Rồi bố tìm kéo cắt tỉa gọn gàng những vòm cây rườm rà. Thường thì bố vẫn thuê người hằng tuần tới làm việc này. Giờ thì bố không cần ai làm nữa.

Nhưng được hai hôm thì bố lại thấy buồn. Bố nhớ cơ quan, đoàn thể. Mà lạ là từ hôm bố nghỉ hưu, điện thoại nhà thưa hẳn người gọi đến. Chẳng ai gọi cho bố. Mỗi lần điện thoại reo, bố lại khấp khởi nhấc máy. Nhưng đầu dây bên kia luôn có nhu cầu gặp thằng con trai đang học lớp mười hai chứ không cần gặp bố. Bố lục sổ sách tìm mấy số điện thoại nhưng cứ nhấc máy, bấm số rồi lại cúp máy. Bố thấy như đang làm một việc không phải với mình. Nhưng bố thèm được chuyện trò cùng ai đó. Và bố quyết định gọi cho chú Thắng trưởng phòng, là người thân cận nhất của bố. Khi bố chưa nghỉ hưu thì chú Thắng là người thường xuyên đến thăm bố, nhất là lúc bố ốm đau hay mệt mỏi. Có lần chú Thắng uống rượu say và ngủ lại nhà với bố. Dường như bố quý chú Thắng nhất trong tất cả các nhân viên ở cơ quan.

Sau khoảng chục tiếng tút tút thì chú Thắng mới nhấc máy. Bố hỏi:

- Thắng đấy à?

- Vâng, Thắng đây! Ai đấy?

- Mình là Kha, không nhận ra giọng mình sao?

- A chào thủ trưởng, thủ trưởng khỏe chứ?

- Khỏe. Chú thế nào? Về hưu nhàn rỗi quá, chẳng biết làm gì cho qua ngày.

- Bác là sướng nhất đấy! Còn em thì è cổ ra đây. Em đang làm báo cáo, chúc bác vui nhé!

- Này, bận gì mà ghê thế? Nói chuyện với nhau chút đi.

- Thủ trưởng thông cảm, sếp mới hắc xì dầu lắm. Em thành con lừa đây.

Rồi nghe rụp một cái. Cúp máy. Bố nói với theo:

- Này, lúc nào rảnh...

Bố bực tức. Giờ mới rõ cái mặt thằng cơ hội. Lúc bố còn làm việc thì hắn mau mắn đon đả, bảo gì cũng nghe, sai gì cũng làm. Mới về hưu có mấy ngày mà hắn đã nhạt như nước lã thế đấy. Bố đã cưu mang hắn, đưa hắn từ thân phận công nhân quèn thành tay trưởng phòng bệ vệ. Bố đã dành cho hắn nhiều thứ. Bố đã bảo vệ hắn “thoát hiểm” đợt thanh tra năm ngoái. Vậy mà... Bố thở dài buồn bã. Người ta không thể quên bố nhanh chóng như vậy. Không thể. Thật là quá bất công. Bố là người có quyền lực. Có nhiều thứ. Bố đã lao động và cống hiến. Giờ bố mới nhận ra sự bạc bẽo của cuộc đời.

Thằng con trai lớp mười hai ở đâu về xô cửa đánh “uỳnh” một cái. Bố đứng dậy. Bực tức. Bố hỏi:

- Đi đâu về thế ông kễnh? Mày không đủ văn hóa để mở cửa từ tốn hơn sao?

Nhưng thằng con trai lảo đảo ngã gục xuống ghế. Bố lại gần, ngửi thấy mùi rượu, bố quát:

- Đồ mất dạy. Mày nghiện ngập từ bao giờ? Tao nuôi mày ngần này tuổi để mày báo đáp thế này hả?

Thằng bé vẫn khật khừ. Nóng máu, bố túm cổ áo lôi nó dậy, tát cho nó một cái nảy nửa. Tức thì nó trừng mắt nhìn bố đầy thù hận. Mẹ chạy từ trong bếp ra ôm chặt lấy nó và can ngăn bố:

- Thôi ông ơi, con nó trót vui bạn vui bè, từ từ mà bảo nó. Xưa nay ông có đánh con bao giờ đâu.

Thằng bé được mẹ bao che, thêm vào:

- Bố nhàn rỗi quá đấy mà!

- Câm ngay! - Bố đập tay xuống bàn uống nước làm cốc chén rung lên. Thói quen đập tay xuống bàn còn sót lại từ khi bố làm giám đốc. Mẹ thất thần nhìn bố. - Mày ba tuổi ranh mà mỗi ngày hàng trăm cú điện thoại, mày nghĩ xem…

Thằng bé cãi:

- Con phải có bạn bè chứ? Mà bao nhiêu năm nay, bố có bao giờ đếm các cuộc điện thoại của con đâu, sao hôm nay bố lại khó tính thế?

Mẹ bịt miệng thằng con, lôi nó xềnh xệch vào phòng. Bố cũng đi về phòng, bất lực.

Bố không ngủ được. Người rã rời. Mẹ đi vào đi ra. Chỉ sợ bố ốm. Mẹ an ủi, động viên, chăm bẵm bố như chăm trẻ nhỏ. Bố nằm gối đầu lên tay mẹ. Bố cố ngủ để tỏ lòng biết ơn mẹ. Vừa chợp mắt thì nghe loảng xoảng trong bếp. Mẹ trở dậy. Cậu con trai tỉnh rượu đói bụng tìm chút gì để ăn. Nó mở tủ lạnh rồi đóng lại, hỏi mẹ:

- Nhà không có hoa quả gì hả mẹ?

- Ồ, mẹ không để ý.

- Mọi khi thì đầy ra. - Nó thở dài nói. - Bố về hưu rồi mẹ phải tập thói quen mua vài thứ hoa quả mỗi sáng đi chợ. Không ăn hoa quả là chóng chết đấy.

Mẹ ngẩn ra. Quả vậy. Mấy hôm nay cả nhà không ăn hoa quả. Hay bố mệt vì thiếu hoa quả? Chả bù cho lúc bố chưa nghỉ hưu, ai đến chơi cũng biếu vài cân hoa quả, có lúc ăn không hết, phải mang cho hàng xóm. Rồi mẹ chợt nhớ ra là nhà ít khách khứa hẳn. Mà hình như từ hôm bố nghỉ hưu tới giờ, không có ai đến chơi. Mẹ đứng hồi lâu trong bếp, ứa nước mắt hiểu rằng vì sao bố hụt hẫng.

Bố ốm thật. Bố sốt. Mẹ nháo nhào ra chợ mua thật nhiều cam, thật nhiều táo về chất đầy tủ lạnh. Mẹ sợ bố thiếu Vitamin. Mẹ nấu cháo chim bồ câu bồi dưỡng cho bố. Giả thử lúc ốm đau thế này mà bố chưa về hưu thì cả cơ quan sẽ tới thăm, ồn ào, tấp nập. Giờ thì mình mẹ chăm bố. Thằng con trai chủ động xin lỗi bố về chuyện say rượu. Nó nghĩ vì nó hư mà bố ốm. Bố nhủ thầm, hôm nào tâm trạng ổn định sẽ nói chuyện với nó như hai người đàn ông thực sự.

Mẹ gầy rộc vì bố. Có đêm mẹ thức trắng. Lúc nào tỉnh dậy bố cũng thấy mẹ ngồi bên cạnh, đặt tay lên trán bố. Lúc này, bố yêu mẹ hơn bao giờ hết. Bố gục đầu vào tay mẹ, ứa nước mắt. Mẹ vỗ về như ru bố, thì thầm:

- Em hiểu nỗi buồn của mình. Về hưu, thật chẳng đơn giản. Nhưng em muốn nói rằng ai cũng chỉ có một thời. Mình đã ở tuổi sáu mươi, có lẽ cũng không cần ham hố điều gì. Mỗi người có công việc của họ. Ai cũng phải học cách chấp nhận thực tế thôi. Em muốn mình thanh thản, nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống gia đình. Mình phải học cách bình thản khi những người từng yêu mình nhất giờ lại quên mình nhanh nhất.

Mẹ nói như dạy dỗ mà làm bố ấm lòng. Bố khóc dễ dàng trước mặt mẹ.

Bố hết sốt. Chiều nắng đẹp, mẹ bảo:

- Mình nên đi ra phố hay đến nhà ai đó mà chơi cho thay đổi không khí. À, chị Tí ở quê gọi điện nhờ mình xin cho con Thúy vào làm công nhân ở nhà máy. Mình gọi nhờ bác Tuấn xem. Mà tóc mình bạc lắm đấy, em mua thuốc cho mình nhuộm lại nhé?

- Không cần đâu. - Bố trả lời.

Bố gọi điện cho bác Tuấn nói về việc cái Thúy. Bác Tuấn bảo chưa trả lời ngay được vì còn phải xem xét. Công việc này nếu lúc bố chưa nghỉ hưu thì đúng chỉ là chuyện “con tép”. Nhưng bố cúp máy và không ngạc nhiên, không buồn. Rồi bố xỏ dép, đội mũ, bảo mẹ:

- Mình ở nhà, tôi tới chơi nhà ông chủ tịch hội Người cao tuổi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx