sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mùa đom đóm mở hội - Chương 03

Chương 3. Mợ Thanh

Mợ Thanh về làm dâu nhà bà ngoại tôi năm mười sáu tuổi. Cậu tôi mê mợ từ buổi mợ hát chèo ở thôn Vân. Mợ Thanh người hơi gầy, nổi bật ở cái trán bò liếm hơi dô. Tóc mợ Thanh dài ngang gối, đen và mượt mà như suối. Cậu tôi rất tự hào về mái tóc đẹp của vợ.

Mợ Thanh là người rất chăm chỉ, nhưng tính lại hẹp hòi. Bởi thế, đằng ngoại nhà tôi chẳng mấy người yêu quý mợ. Cái gì mợ Thanh cũng tính toán. Mợ không giúp đỡ ai vô tư bao giờ. Bà tôi thường bảo: “Ăn của con Thanh cái gì, tao lo ngay ngáy. Nó chẳng biếu không ai cái gì bao giờ đâu.” Nhưng mợ Thanh cấy giỏi nhất làng. Bàn tay thoăn thoắt của mợ ai nhìn cũng thích. Hơn thế, mợ ăn nói rất ngọt ngào. Người khó tính như bố tôi cũng phải thốt lên: “Về khoản ăn nói, mẹ mày xách dép mà đuổi theo mợ Thanh nhé.”

Nhà tôi ở cạnh nhà cậu mợ. Cậu tôi đi biền biệt cả năm. Cậu tôi đi buôn luồng, buôn nứa từ miền ngược xuống. Tiếng là chị chồng, em dâu gần kề, nhưng mẹ tôi và mợ Thanh không ưa nhau. Mẹ tôi không thích cái kiểu đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành của mợ Thanh, vì bà vốn là người rộng rãi và bộc trực. Từ đận con lợn nhà tôi xổng chuồng ra ăn sạch vườn rau nhà mợ, mợ cứ nói vào nói ra khiến mẹ tôi không thèm quan tâm đến mợ nữa.

Cậu mợ tôi ăn ở với nhau đúng mười năm, đến khi mợ Thanh hai mươi sáu tuổi mà vẫn chưa sinh được mụn con. Chẳng biết là tại ai? Bà ngoại tôi vốn ghét mợ thì bảo, tại mợ ăn ở không có trước có sau nên giời phạt, giời không cho đứa con mà ẵm, mà bồng. Cậu tôi mải làm ăn xa nên không quan tâm đến chuyện con cái mấy. Cậu bảo không đẻ được đứa nào thì xin chị Thảo thằng Cò về nuôi. Tôi phải mở ngoặc nói thêm rằng chị Thảo chính là mẹ tôi, còn thằng Cò chính là tôi. Tôi có cái tên khác nhưng cậu thích gọi tôi là thằng Cò từ nhỏ. Mợ Thanh tất nhiên là không muốn nên vẫn lén lút đi chữa bệnh ở nhà một ông lang băm. Bà mẹ nào chả mong có đứa con sinh ra từ máu thịt của mình.

Cậu tôi tính xởi lởi, bộc trực nhưng lại rất hay ghen. Chuyến nào đi xa cậu cũng gọi tôi sang thết một bữa thật ngon, rồi có cả mợ ngồi bên mâm cơm, cậu bảo: “Cậu đi vắng, thằng Cò sang ngủ với mợ, trông nhà cho mợ kẻo mợ sợ ma. Thằng Cò mà ngoan, cậu về mua cho một lồng chim to bự như nhà ông Sáng ấy.”

Tôi dạ ran vì cứ hình dung một lồng chim to đùng với đủ loại chim nhảy múa là tôi sướng lắm rồi.

Năm ấy tôi mười một tuổi.

Cả bà và mẹ tôi đều cho rằng cậu tôi làm thế là rất khôn ngoan. Đàn bà hơ hớ như mợ Thanh, chồng lại đi vắng, biết đâu đấy...

Tôi ở riết bên nhà mợ Thanh những ngày cậu tôi đi vắng. Được cái mợ Thanh rất quý tôi, bởi tôi làm cho căn nhà của mợ đỡ cô quạnh hơn. Ban ngày, tôi loăng quăng lúc bên nhà mợ, lúc bên nhà mình. Mặc dù mẹ tôi không ưa mợ Thanh, nhưng tôi lại yêu quý cả hai. Tôi nhận ra mợ Thanh thích chăm chút cho tôi. Đêm đêm, tôi rúc đầu vào nách mợ mà ngủ. Tôi thích được mợ xoa lưng và lẩm nhẩm hát chèo. Cảm giác yên ổn từ bầu ngực căng nóng với hơi thở thoảng hương bồ kết của mợ quyện vào giấc ngủ của tôi quen thuộc và ấn tượng đến mức, sau này khi đã trở thành chàng trai hai mươi lăm tuổi, tôi vẫn không thể nào quên được cái mùi hương ngọt ngào của tuổi thơ ấy.

Cậu tôi mỗi chuyến đi xa lại trở về khoảng dăm, mười ngày. Những ngày cậu ở nhà, mẹ tôi gọi tôi về ngủ với mẹ nhưng tôi lại muốn ngủ bên nhà cậu. Cậu cười hì hì bảo: “Chị cứ để thằng Cò ngủ bên này.” Tôi đòi nằm giữa, cậu mợ đồng ý ngay. Thế mà sáng dậy tôi cứ thấy mình nằm trong cùng. Cậu hài hước bảo: “Đêm qua Cò ngủ mơ, trèo cả qua người cậu.” Tôi tưởng thật nên tin ngay.

Rồi cậu tôi lại ra đi. Cây bồ kết đầu ngõ qua mùa hoa, đậu những chùm quả sai lúc lỉu. Mùi hương bồ kết từ mợ cứ ám ảnh tôi như một thứ ma lực. Lúc đó tôi đã nghĩ, sau này lớn lên tôi sẽ không yêu cô gái nào, nếu nàng không gội đầu bằng trái bồ kết.

Tôi đã úp mặt vào ngực mợ Thanh mà ngủ yên lành suốt thuở thiếu thời như vậy.

Đầu những năm 90 bỗng rộ lên phong trào đi đào vàng. Chẳng biết vàng ở đâu lắm thế mà người ta lũ lượt kéo nhau đi. Có người đi vài năm về bỗng dưng giàu nứt đố đổ vách. Người chết vì sập hầm cũng lắm, nhưng những tai ương đó không làm người ta kinh sợ. Ở cái làng quê ngột ngạt suốt đời vùi mặt với ruộng đồng, con người muốn đổi đời chỉ có cách nhanh nhất là đi đào vàng mà thôi. Những người đàn ông trong làng lũ lượt kéo nhau đi đào vàng. Cậu tôi cũng nằm trong số đông ấy. Cậu bỏ nghề buôn bè để đi đào vàng. Mợ Thanh ngăn mấy cũng không được. Suốt mấy ngày trước hôm cậu đi, mợ giận cậu cứ cằn nhằn rồi lầm lầm lì lì chẳng nói chẳng rằng. Cậu tôi vốn nóng tính, thấy thế thì bực quá, bảo người ta sắp đi làm ăn xa mà đàn bà ở nhà mặt cứ nặng như cái thớt thế thì thể nào cũng gặp xui xẻo. Mợ giận không nói gì. Điên tiết, cậu tôi quẳng vèo chiếc xe đạp Phượng Hoàng xuống cái ao trước nhà nở đầy hoa bèo tím.

Cậu mợ chia tay buổi đó không vui vẻ gì. Mợ Thanh giận chồng, nhưng không quên nhét vào túi xách của chồng những đồng tiền dành dụm cuối cùng cho chồng phòng thân. Cậu đi rồi mợ Thanh mới nằm khóc nức nở như trẻ con. Tôi hiểu rằng mọi điều diễn ra vừa rồi chỉ là bằng chứng nói mợ Thanh rất yêu chồng.

Không ai ngờ rằng, đó là chuyến ra đi không trở về của cậu.

Tám tháng sau, có người bạn cậu về báo tin dữ cho bà ngoại tôi rằng cậu đã chết. Đêm hôm trước bà tôi nằm mơ thấy cậu run run chống gậy về trước sân. Bà gọi, cậu tôi ngoảnh mặt rồi đi luôn. Liền đó là một giọt máu đỏ từ đâu rơi xuống lòng bàn tay bà. Đó là điềm chẳng lành.

Mợ Thanh biết tin này khi đang cấy thuê ngoài đồng. Người ta dìu mợ về và suốt một tuần liền mợ Thanh nằm bẹp như một cái xác không hồn. Bà ngoại và mẹ tôi chẳng biết vì ghét mợ hay mê tín dị đoan mà cho rằng cậu tôi chết là do mợ Thanh. Ai bảo hôm cậu đi, cứ nhằng nhằng níu kéo, cứ lầm lầm lì lì mà ám người ta nên mới ra nông nỗi thế. Cậu tôi chết vì sốt rét rừng. Người bạn cậu kể lại rằng họ đào vàng ở bãi đá sâu trong vùng Bắc Cạn. Nước ở đây rất độc, cậu tôi bị sốt rét ác tính. Mà muốn chuyển ra bệnh viện thị xã thì phải khiêng đi bộ ba ngày. Thuốc không đủ nên cậu tôi chết. Cậu tôi chết thảm lắm, cậu cứ gọi tên mợ Thanh mãi, rồi đôi tay “bắt chuồn chuồn” suốt mấy tiếng đồng hồ. Dân bản tốt bụng xẻ ván chôn cậu bên bờ suối. Họ xếp đá đánh dấu mộ cậu để sau này người nhà nếu có điều kiện thì lên mà đưa cậu về xuôi.

Mợ Thanh ốm rụng tóc dễ đến nửa năm. Tôi nhìn ảnh cậu mà thương mợ Thanh đến thắt ruột. Tôi quanh quẩn bên mợ suốt ngày. Mẹ tôi thấy mợ héo hắt cũng bớt giận, qua lại chăm sóc mợ luôn chứ không im lặng, thờ ơ như trước nữa. Cả làng ai cũng xót xa cho hoàn cảnh chồng chết, không con của mợ Thanh.

Nhưng thời gian đã làm tốt chức năng làm những vết thương của con người khép miệng. Đau đớn qua đi, rồi lòng mợ Thanh cũng nguôi ngoai dần. Mợ trở dậy đi làm và bắt đầu cuộc sống mới. Thế là phải. Người chết đã yên phận nhưng người sống vẫn phải tiếp tục sống chứ?

Cũng kể từ đó, tôi không sang ngủ cùng mợ Thanh nữa. Tôi đã mười lăm tuổi và tự cảm giác rằng mình đang dần trở thành một người đàn ông. Hơn thế, tôi có nhiều mối quan tâm khác với bạn bè, trường lớp. Mợ Thanh vẫn rất yêu quý tôi và chuyển sang gọi tôi là con. Tôi không thích điều đó lắm. Tôi sắp vào trung học. Còn mợ Thanh chưa đến ba mươi.

Tôi về thành phố học trung học được nửa năm thì mợ Thanh đi lấy chồng. Việc mợ Thanh lấy chồng vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình đằng ngoại nhà tôi, đặc biệt là bà ngoại và mẹ tôi. Thứ nhất, cậu tôi chết mới được hơn năm, chưa mãn tang. Thứ hai, mọi người không hề muốn mợ Thanh đi bước nữa. Bà ngoại tôi cho rằng mợ Thanh là loại đàn bà bạc như vôi, ba mươi tuổi đầu rồi còn động cỡn, không biết yên phận mà thờ chồng. Ngày xưa, bà tôi mới hai mươi hai tuổi ông ngoại tôi đã hy sinh ngoài chiến trường. Vậy mà bà thủ tiết thờ chồng nuôi con đến tận bây giờ. Có lấy ai thì cũng phải đưa được mồ mả chồng cũ cho vẹn tình vẹn nghĩa đã chứ.

Người chồng mới của mợ Thanh đã ngoài năm mươi, góa vợ, có bốn đứa con gái lớn tồng ngồng. Hồi cậu tôi mất được một năm, hai người đã dan díu với nhau ngay trên chiếc giường của cậu mợ ngày xưa. Hàng xóm rình mò thấy thế mách cho bà ngoại tôi. Thế là bà tôi chống gậy giữa nhà mợ, nước mắt lưng tròng mà tru tréo: “Ối làng nước ơi, con Thanh nó lăng loàn thế đấy, con trai tôi chết chưa đầy năm nó đã rước mèo mả gà đồng về cái nhà này. Ối giời đất ơi, nhà tôi vô phúc mới thế. Hồi con tôi đi, nó nhát dao nhát búa với chồng nó nên mới khốn nạn cho chồng nó thế đấy. Có loại đàn bà nào bạc bẽo thế không?”

Sau đợt ấy, mợ Thanh bỏ nhà đi theo người đàn ông kia. Họ sống với nhau chẳng cưới xin gì. Nhà cậu tôi để trống, không người ở. Mẹ tôi hằng ngày sang hương khói an ủi linh hồn cậu. Nghe bảo mợ Thanh cũng chẳng sung sướng gì với cuộc sống mới. Chồng mợ Thanh rất nghèo, thêm bốn đứa con gái vô học dữ như hổ vồ. Riêng cái chuyện mẹ chúng nó vừa chết, bố chúng nó đã đi lấy vợ là điều khó chấp nhận hơn cả chuyện mợ Thanh chưa mãn tang chồng. Hơn thế, bố chúng nó chẳng cưới xin gì cả, tự nhiên trong nhà chúng nó mọc lên một mụ đàn bà hơn tuổi chúng nó chẳng đáng là bao, lại không một xu dính túi. (Mợ Thanh không mang gì theo lúc đi.) Chúng nó gièm pha và khinh mợ Thanh như rác. Với chúng nó, mợ Thanh chẳng là gì cả. Tất nhiên là mợ Thanh phải chịu đựng cuộc sống mà mình đã chọn, vì mợ còn biết làm gì hơn? Dư luận không bảo vệ mợ, vì ở cái vùng hẻo lánh này, ai chấp nhận nổi kiểu sống bạc tình bạc nghĩa như mợ.

Bố tôi viết thư cho tôi bảo rằng người ta đồn mợ Thanh có thai. Tức là chỉ tại ông cậu tôi ngày xưa chứ mợ Thanh vẫn có khả năng làm mẹ. Tôi mừng cho mợ Thanh lắm, rồi bất chợt cái cảm giác ngày xưa lại chạy râm ran trong cơ thể mình. Cảm giác được vùi đầu vào ngực mợ mà ngủ, cho hương bồ kết ngấm vào sâu tận giấc mơ. Thôi thế cũng là tốt, dư luận rồi sẽ tắt như ngọn lửa hiếu kỳ. Cái chính là mợ Thanh sắp có một đứa con và nó sẽ lớn lên bằng mùi hương bồ kết.

Thế nhưng niềm vui của tôi chưa kịp thấm tháp thì lá thư tiếp theo của bố đã làm cho nó tắt phụt. Mợ Thanh chết. Mợ Thanh chết trong cuộc sinh nở, như cái chết đáng được trao huân chương của những người đàn bà trong sứ mệnh thiêng liêng là sinh ra con người. Cái thai ngược không ra được, người ta phải mổ để cứu mợ Thanh. Đáng lẽ mợ Thanh không chết. Nhưng thói vô trách nhiệm của những y bác sĩ đã giết mợ. Người ta truyền đạm vào cơ thể mợ. Mợ Thanh yếu mà đạm thì xuống nhanh, gây sốc và mợ chết. Đơn giản vậy. Bệnh viện không ai có tội trước cái chết của mẹ con mợ Thanh.

Nhưng mợ Thanh chết là hết. Không còn gì trên đời này cả. Những đau khổ cũng không còn. Mấy đứa con gái nhà chồng mợ Thanh hẳn là hoan hỉ lắm, vì chúng chẳng có gì mà ghen tức nữa. Dư luận cũng không có gì để đàm tiếu. Rồi người ta sẽ quên mợ Thanh ngay sau khi đất vùi kín chiếc quan tài đơn độc kia đi. Ai hơi đâu mà nhớ mợ Thanh trong cuộc đời mưu sinh lam lũ của họ. Có thể bà ngoại và mẹ tôi sẽ chua chát bảo rằng, giá mợ Thanh đừng đi bước nữa thì mợ sẽ không chết.

Nhưng mà chết thì cũng có nhiều kiểu chết. Đôi khi người ta chết ngay cả khi đang tồn tại. Ai mà cắt nghĩa được cuộc đời.

Có điều, cậu tôi thì được gia đình thờ phụng khói hương. Ai sẽ thờ phụng mợ Thanh khi ngay cả tôi cũng có thể quên mợ, và ông chồng hờ của mợ sẽ lại lấy vợ mới?

Chỉ có cây bồ kết ở ngõ nhà cậu mợ tôi là vẫn trổ hoa kết trái, nhắc tôi về những kỷ niệm tuổi thơ đã quá xa rồi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx