sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Một Ngày Như Mọi Ngày

Thượng đế hấp tấp tạo dựng ra muôn vật khi chưa kịp đọc kỹ bản tuyên ngôn nhân quyền. Chàng bật cười nhớ lại cái ý ngộ nghĩnh đó của Will Durant, sử gia người Mỹ đã bỏ cả đời để viết bộ lịch sử văn minh nhân loại. Chí lý thay! Nếu Ngài ngập ngừng thêm một sát-na (xin mở ngoặc đơn lưu ý là một sát-na của Thượng đế bằng khoảng thời gian dằng dặc từ thời khai thiên lập địa cho đến thế kỷ 20) để đọc được bản tuyên ngôn đẹp như mộng ấy đủ hai sát-na, Ngài đã không bắt chàng sống cuộc đời vô tích sự như vậy. Mọi người đều được quyền có việc làm. Nhiều người được ân sủng của Thượng đế. Chàng thì không. Chàng chẳng biết phải làm gì. Ðứa con gái út hỏi nghề nghiệp cha để ghi vào sơ yếu lý lịch nộp cho nhà trường. Chàng bối rối không biết trả lời con thế nào. Vợ chàng nhanh trí đáp hộ: “mất sức lao động". Con gái chàng không hiểu gì cả. Chàng lườm vợ, bất bình. Vợ chàng đỏ mặt. Chàng hỏi gay gắt:

- Ai cho phép em đặt tên con là Gái Út? Vợ chàng không vừa:

- Ðó không phải là lao động!

Thượng đế cao xanh ơi! Ðến vợ con còn không hiểu được chàng, làm sao người ngoài hiểu được! Chẳng trách ai cũng gọi chàng là con người lêu bêu vô ích!

Chàng ái ngại thương mình. Kể ra chàng cũng có cố gắng đấy chứ. Việc gì chàng cũng làm hết mình, rán đến nơi đến chốn. Kết quả tuy không ra gì nhưng “mưu sự tại chàng, còn thành sự tại trời". Chàng thành thực thấy mình oan uổng không đáng trách.

Thử lấy một ngày nào đó từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ xem chàng đã làm gì! Ngày nào cũng được, trừ chủ nhật. Một ngày như mọi ngày. Chàng cẩn thận yêu cầu tránh giùm ngày chủ nhật vì hôm đó vợ chàng ở nhà, chương trình làm việc của chàng bị xáo trộn. Chàng cũng không được thoải mái mấy, nên kết quả lao động hôm ấy thiếu tính chất tiêu biểu, nghĩa là không đủ tiêu chuẩn khoa học khách quan.

Chàng thức dậy lúc bảy giờ. Ðáng lý chàng có thể dậy sớm hơn vì đêm nào chàng cũng thao thức tiếc rẻ một cái gì. Tiếc một ngày nữa đã qua chăng? Tiếc những trang giấy vô tội bị bôi bẩn chăng? Tiếc của vì lỡ xé vụn một tờ nháp chăng? Có thể lắm. Nhưng đó là chuyện hôm trước. Chàng chỉ kể đến hôm nay, một ngày như mọi ngày. Chàng dậy trễ để chờ vợ ra khỏi nhà. Chàng thích được tự do, độc lập, hai thứ không có gì quí hơn. Vợ chàng dắt xe cắp cặp đi dạy xong, chàng tung chăn ngồi dậy, vươn vai, ngáp. Khoái thật! Ngáp cũng là một động tác thể dục buổi sáng, theo khám phá mới nhất của phép luyện nội công dành cho người lao lực về trí tuệ. Chàng ngáp một cái, hai cái, ba cái. Ðúng sách vở thì ngáp ba cái là đủ. Nhưng... nhưng sao thế này? Chàng ngáp thêm cái nữa, rồi cái nữa, rồi cái cái nữa nữa! À! Chàng nhớ ra rồi. Sách dạy nội công thánh thật! Quả đúng ngáp ba cái thì uế khí trong người bị đẩy ra hết, nội công lại thâm hậu đủ mười hai thành công lực, trí tuệ trở nên hoàn toàn sáng suốt. Nhờ trí tuệ sáng suốt, qua cái ngáp thứ tư trở đi, chàng nhớ một cách sáng suốt rằng mình chưa hề uống cà phê và hút điếu thuốc lá nào cho hôm nay. Cũng nhờ sáng suốt nên chàng trầm ngâm suy nghĩ được lâu. Chàng khám phá ra cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời nhờ qui nạp pháp. Chàng có nói ngoa đâu! Này nhé, chàng bắt đầu từ chuyện ghiền cà phê thuốc lá của mình, một chuyện hoàn toàn vặt vãnh tưởng như không có gì đáng nói tới. Khối óc chàng có mụ mẫm đôi chút, trì trệ ì ạch đôi chút nên chàng cần chút xíu chất kích thích để phấn chấn lên. Cà phê thuốc lá nguyên chất còn vô hại, huống chi thứ cà phê pha 92,4% bắp rang và thuốc lá trộn 89,6% lá đu đủ. Xin yên tâm đừng nghe lời các thầy thuốc dại mồm dại miệng! Chàng cần chút xíu thứ nước và thứ khói gọi là cà phê thuốc lá ấy để đầu óc thêm minh mẫn. Ðầu óc minh mẫn để làm gì? Ðể suy nghĩ chín chắn xem trong các thứ đồ đạc còn lại trong nhà, chàng nên bán thứ gì trước thứ gì sau, bán thứ nào thì được mau mắn hơn thứ nào, nên bán thứ gì để được cao giá hơn thứ khác. Bán để làm gì? Ðể mua thứ nước và thứ khói gọi là cà phê và thuốc lá? Mua để làm gì? Ðể đầu óc thêm minh mẫn? Minh mẫn để làm gì? Ðể nghĩ chín chắn xem thứ gì còn bán được? Bán để mua cà phê thuốc lá! Ðể đầu óc minh mẫn! Ðể nặn óc nghĩ cạn xem còn bán được gì nữa không! Bán để mua cà phê thuốc lá...

Ðấy đấy. Không phải cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời là gì. Phóng đại qui nạp pháp rộng thêm nữa, có thể suy ra cả luật tuần hoàn của vũ trụ, từ đó rút ra cả một hệ thống nhân sinh quan hoặc vũ trụ quan đủ, dư xài cho một đời! Kỳ diệu thay cái ngáp! Thế là chàng hăm hở bắt tay vào công việc đầu tiên trong một ngày bình thường, một ngày như mọi ngày!

Sau khi súc miệng rửa mặt xong, chàng đi ra đi vô suy nghĩ lung lắm. Chàng nhìn quanh: cái tủ sách đã vỡ kính, sợ, nép mình sát vào vách tối. Cái bàn viết gỗ tạp hạ chân xuống núp sau tủ sách. Cái radio cũ gãy cần ăng ten giơ cái tay cụt làm chứng như hô hoán: “Tôi là đồ bỏ, không ai thèm mua đâu!" Cái giường thì dọa: “Không có tao, nằm đất bị phong thấp cho coi". Cái lọ hoa mẻ miệng thều thào: “Lạy Chúa, xin thương kẻ tật nguyền!" Chàng chỉ giả vờ lừ mắt dọa chúng nó thôi. Sức mấy chàng dám động đến những thứ ấy. Chúng thuộc độc quyền của vợ chàng. Chàng không mang được đồng xu cắc bạc nào về, thì không được phép chạm đến các thứ ấy. Phải để cho vợ chàng có phương tiện bù đắp những hao hụt trong chi tiêu hàng tháng chứ!

Chàng chỉ được phép nghĩ đến những thứ vặt vãnh xứng hợp với giá tiền cà phê thuốc lá dỏm. Hôm nay còn bán được món gì đây? Bột ngọt? Giá cao đấy. Hai trăm năm mươi đồng một ký, gấp năm lần số lương của vợ chàng. Vị chi 100 grams bán được những 25 đồng. Hai năm trước, chàng đã từng lén vợ bán 100 grams bột ngọt để đủ bao bốn người bạn văn đi nhậu một bữa phủ phê. Hồi đó tiêu chuẩn nhu yếu phẩm của công nhân viên còn khá, nên chàng tái phạm nhiều lần mà vợ chàng không hề hay biết. Bây giờ mỗi tháng chỉ được chia cho vài ba muỗng cà phê, vợ chàng ham tiền bán ngay trên đường về. Chàng thúc thủ, bỏ ngay ý định thứ nhất. Bao ni-lông chăng? Chàng rất sành giá cả. Một ký loại còn trong giá 20 đồng. Loại tái sinh không biết đến kiếp thứ mấy mầu nâu lợn cợn chất bẩn giá 14 đồng. Cũng cao giá đấy chứ! Nhưng Gái Út đã nằn nì xin chàng 58,6 grams để làm “Kế hoạch nhỏ". Không nạp bao ni-lông và giấy vụn cho đội làm kế hoạch nhỏ, Gái Út sẽ không được công nhận là Cháu Ngoan Bác Hồ. Không phải là cháu ngoan của Bác, chao ôi, hại tương lai biết mấy! Thế là lại bỏ “phương án" thứ hai. Gạo chăng? Hơi phức tạp đấy! Hình như trong lu da lươn còn một ít gạo, loại cửa hàng lương thực bán cho gia đình công nhân viên có độn nhiều thóc, bông cỏ và sạn. Giá một ký ngoài thị trường tự do là 6 đồng 25 xu. Tối hôm qua, vợ chàng căn dặn sáng hôm nay nếu cửa hàng có gọi đi mua gạo thì nhớ xem các cô cân cho đủ. Nhưng nếu nhỡ họ không gọi, hoặc xe chở gạo trên phòng lương thực bị hư chưa chở kịp, thì làm thế nào? Nguy hiểm lắm. Không đùa với lu gạo được. Lấy hết sáng suốt suy đi nghĩ lại, chàng chỉ thấy còn nước cuối cùng: trở về lũ bạn quyến thuộc thân yêu của chàng, lũ bạn đã từng chia sẻ với chàng bao nhiêu đắng cay, vinh nhục, lặng lẽ âu yếm theo dõi cuộc đời chàng. Chỉ còn lũ sách. Chàng đau nhói cả lòng. Bao nhiêu năm chàng sống giữa sách, sống vì sách. Bắt chước một câu khẩu hiệu cũ, chàng có thể nói: “Chàng là của sách, do sách, và vì sách". Hồi còn đi học, cha mẹ chàng gửi cho mỗi tháng 1.200 đồng. Tiền cơm tháng 700. Tiền nhà 200. Còn lại bao nhiêu thứ chi tiêu quan trọng khác! Thế mà chàng dám bỏ 200 đồng để mua sách đều đều (chàng nhớ giá mỗi cuốn tiểu thuyết bìa mỏng loại Livre de poche chỉ có 10 đồng thôi). Mỗi lần mua được cuốn sách mới, chàng trân trọng nâng niu như nâng trứng hứng hoa. Sau khi bao bìa bằng giấy kính trong suốt, chàng lật trang đầu nắn nót viết vài dòng lưu niệm rồi mới đọc. Nét chữ, lời ghi, cách ký tên giữ nguyên tâm trạng chàng ở từng thời kỳ. Lâu lâu, buồn, đọc lại, chàng cảm thấy ngộ nghĩnh và bồi hồi. “Một chiều không nắng", “Buồn vu vơ", “Mùa lá rụng ở thành đô", “Một sáng heo may bên thành quách cũ". Vợ chàng thường đem những lời ghi ấy ra chê chàng hồi nhỏ quá “cải lương". Chàng đỏ mặt, và càng thương cậu học sinh mới lớn học đòi làm thơ hồi đó. Trưởng thành hơn, chàng ghi đơn giản lại: “Kỷ niệm ngày tốt nghiệp", “Buổi chiều gặp em", “Ngày cưới". Ðôi lúc do chưa đọc sách đã ghi dòng lưu niệm, chàng gặp cảnh trái ngoe, như chàng gặp người yêu đầu tiên (và cũng là người yêu cuối cùng) đúng vào hôm chàng mua cuốn truyện La Dame aux camélias, và chàng ghi hai chữ trân trọng “ngày cưới" lên cuốn Sonate à Kreutzer của Léon Tolstoi.

Lũ bạn sách đi theo ôm ấp bảo vệ chàng suốt các chặng đường lưu lạc. Bàn viết, giường ngủ của chàng luôn luôn có sách bao bọc. Chàng chỉ cần giơ tay lên là gặp gỡ được một cuộc đời. Chàng đọc đi đọc lại những đoạn ưa thích, đến nỗi mỗi khi muốn tìm lại, chàng chỉ cần lật đến chỗ giấy lề bị đen bẩn hơn là tìm thấy. Bạn bè tứ phương kiên nhẫn chờ chàng để được hỏi han, chia vui sẻ buồn. Thế mà bây giờ, ở thế kẹt, chàng phải phản bạn. Loại sách từng bị chàng rẻ rúng như truyện kiếm hiệp, bói toán, ái tình lâm ly đã bỏ chàng ra đi từ mấy năm trước vì đắt hàng. Mấy cuốn kinh Phật chàng đã “cúng dường" cho chợ sách một năm trước đây. Sách Mỹ bìa dầy giấy khổ rộng nặng cân nên đã theo các chị ve chai. Trong tủ sách hiện giờ chỉ còn loại sách mỏng, khổ nhỏ và có giá trị theo cách đánh giá của chàng. Xin nói thêm là cách đánh giá ấy không giữ phần chủ động. Sách hay, nhưng nặng ký cũng phải biến thành cà phê thuốc lá. Chỉ có sách hay mà bị các chị ve chai chê mới còn làm bầu bạn với chàng cho tới hôm nay, một ngày như mọi ngày! Phần lớn đều thuộc loại tiểu thuyết tiếng Pháp cỡ Livre de poche, hoặc loại khảo cứu và văn học. Chàng rút ra một cuốn khá dầy: “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay" của Tạ Tỵ do Lá Bối xuất bản. Chàng tính nhẩm: Ít ra phải được 10 đồng. Mỗi khuôn mặt văn nghệ lớn chỉ đáng 1 đồng, rẻ quá. Nhưng rút kinh nghiệm các lần trước, chàng không dám tin cách định giá khiêm nhường của mình. Ðể chắc ăn hơn, chàng lấy thêm hai cuốn nữa theo lối nhắm mắt may rủi: Sử ký của Tư Mã Thiên bản dịch tuyệt vời của Nhượng Tống, và Sonate à Kreutzer của Tolstoi. Chàng vội ấn cuốn tiểu thuyết của văn hào Nga vào kệ sách. Không được chạm đến kỷ niệm thiêng liêng của hai vợ chồng! Dù Tolstoi bi quan đến mức nào về đời sống lứa đôi, nhưng Sonate à Kreutzer vẫn cứ là một lưu niệm đẹp. Chàng nhắm mắt rút một cuốn khác! Lại Tolstoi: Résurrection. Chàng không dám do dự nữa. Nếu do dự, chàng có thể sẽ nghĩ đến máu lệ từng thấm qua nét chữ Tư Mã Thiên, hay công lao khảo cứu của Tạ Tỵ. Chàng dứt khoát đóng tủ sách lại, dặn con trông nhà, rồi đạp xe lên chợ sách đường Ðặng Thị Nhu (xưa là Bùi Quang Chiêu).

Chàng tránh các sạp bán sách cũ của bạn bè vì hai lý do: bạn văn của chàng vồn vã mời cà phê thuốc lá nhưng lại hay quên trả tiền nợ. Hơn nữa, gặp là kháo nhau đủ thứ chuyện, trong lúc chàng có nhiều việc để làm. Chàng ghé một sạp sách cũ chuyên nghiệp trước từng bán sách ở đường Lê Lợi. Người mua sách mau mắn chận chàng lại hỏi:

- Có gì bán không chú?

Tội nghiệp, đến nước này mà chàng còn ngượng. Chàng không dám cho khách qua đường thấy chàng nỡ phản bội ông bạn già Tạ Tỵ, đại văn hào Nga và nhà viết sử Trung Hoa. Chàng chìa ba quyển sách ra, cẩn thận úp sấp lại. Người chủ sạp sách cũ không cần lật ngược để xem nhan đề, hai con mắt nhà nghề đo lường khổ giấy và chất giấy, trong khi đôi tay nhà nghề nâng lên nâng xuống đo trọng lượng. Một lát, ông ta hỏi:

- Bao nhiêu?

Chàng lấy bạo ra giá:

- Hai mươi đồng!

Bấy giờ chủ sạp mới đeo kính lão vào xem nhan đề. Ông trề môi chê:

- Sách văn học bán ế lắm. Chú còn sách bói toán hay kinh Phật, bao nhiêu tôi cũng lấy. Chàng định phản đối tới cùng, nhưng thấy vô ích. Chàng cố lấy vẻ bất cần hỏi:

- Nhiêu?

- Năm đồng.

- Ba cuốn mới được 15. Rẻ quá.

- Không. Năm đồng ba cuốn. Giấy cũ, gói đồ không được, làm bị rách, các-chú chê không mua.

Chàng giận quá, dằng mấy cuốn sách trên tay chủ sạp, bỏ vào túi vải. Chàng bỏ đi. Ra khỏi chợ, chàng ngáp đến sái quai hàm. Tại thiếu cà phê thuốc lá đây! Chàng do dự, rồi rẽ phía đường Calmette ghé vào hiệu mua bán giấy cũ của chú ba Tàu quen. Chú ba lắc đầu lia lịa:

- Giấy cũ ngộ không lấy. Có Lênin ngộ mua cho, 18 đồng một ký.

Chàng ngớ người hỏi lại:

- Chú mua sách Lênin à? Chú tiến bộ dữ!

- Hà hà! Ngộ đọc loại Lênin toàn tập dữ lắm. Tuyển tập giấy dày hao ký, ngộ không đọc. Chàng đâm sợ! Tại sao có chuyện lạ vậy? Một tiểu thương gốc Hoa dốt nát không đọc được chữ Việt hỏi mua Lê Nin toàn tập! Hay là... hay là một chiến dịch phá hoại mới của Trung Nam Hải như vụ nạn kiều? Biết đâu được! Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc theo Marx nhưng không theo Lê Nin. Họ hãnh diện là Hán tộc, đâu chịu răm rắp tuân theo lời dạy một người Nga-la-tư. Phải ra lệnh cho đạo quân thứ năm là Hoa kiều các nước tung tiền thu vét hết sách Lê Nin đốt đi, rồi lặng lẽ tung Mao tuyển ra. Thâm thật! Thảo nào! Chàng sợ rắc rối lôi thôi, vội vàng bỏ đi.

Ði đâu bây giờ? Liếc nhìn cái đồng hồ chợ Bến Thành, đồng hồ đứng. Hỏi thăm đến người thứ 37, chàng được biết lúc ấy mới 8 giờ 45 phút. Sớm quá, nhưng không biết đi đâu khi túi rỗng, chàng đành trở về nhà vậy.

Con gái chàng cho biết tổ 15 của chàng phải mua gạo trước 5 giờ chiều, trễ là khóa sổ. Chàng mừng rỡ. A ha, tìm ra kế rồi. Chiều mua gạo, vậy chàng có thể xúc tạm vài lon đi bán mua cà phê thuốc lá được.

Công việc chóng vánh hơn bán sách nhiều. Chị hàng gạo đong được 1 ký rưỡi, nhân cho 6,25, vị chi 9 đồng 375. Chàng hồi hộp hy vọng được trả 9 đồng rưỡi, nhưng chị hàng gạo bần tiện bủn xỉn keo kiệt tham lam nói:

- Lon cuối cùng hơi lưng, nên trừ bớt còn đủ 9 đồng chẵn.

Ðành nhận vậy, biết làm sao!

Chàng huýt sáo vui vẻ, hùng dũng tiến tới hàng thuốc rê.

Dì bán thuốc nhắc 1 đồng nợ hôm qua. Chàng bớt hăng hái, mua thêm 2 đồng thuốc và một xấp giấy quốc doanh giá 1đ5. còn 4đ5, chàng yên tâm đạp xe lên đường bà Lê Chân uống cà phê ở quán anh bạn thi sĩ.

Cà phê ở đây không rẻ hoặc ngon hơn các chỗ khác. Vẫn loại 92,4% và vẫn giá 1đ5 một tách nhỏ. Nhưng sở dĩ chàng chịu khó đạp xa như vậy là vì ở đấy chàng gặp đủ các bạn cũ làm văn nghệ lỡ-cỡ và lỡ-làng như chàng.

Chàng thất vọng vì thoạt nhìn vào quán hẹp dọn ghé bên chái đình, chàng không nhận ra mặt nào quen cả, anh bạn thi sĩ chủ quán cũng mất tăm. Lỡ khóa xe cẩn thận, chàng đành phải vào. Quanh chàng, hầu hết là thanh niên mới lớn và dân chạy thuốc tây chợ Tân Ðịnh.

Phía bên phải sát bếp bốn cậu trẻ tuổi tóc dài đang hăng hái khoe thành tích văn nghệ. Một cậu có lẽ đang học trường âm nhạc thành phố khoe hôm qua vừa đi nhậu say túy lúy với đại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một cậu chuẩn thi sĩ khoe cái đầu vừa được thợ hớt tóc kiêm đại thi sĩ Phạm Thiên Thư chăm sóc cho. Chàng hứng chí, muốn tìm tên một đại văn hào để khoe dây mơ rễ má. Nhưng tìm mãi không được. Người đi tù, người đi Mỹ. Hạng nhà văn lỡ cỡ cũng có đấy, nhiều là đằng khác. Nhưng chẳng lẽ khoe nhà văn X vừa hỏi mượn chàng ba điếu thuốc lẻ, hay nhà văn Y vừa xin bớt chàng một cái quần cũ. Phải giữ thể diện cho ngành văn chứ!

Chàng buồn rầu ngồi một mình, uống cà-phê thật chậm để chờ. Chừng 20 phút sau, ông bạn họa sĩ và ông bạn chuyên viết văn dành cho tuổi thơ tới. Gặp chàng, họ mừng quýnh. Họ gọi rối rít:

- Ra đây! Có chuyện làm ăn khá lắm! Ðãi hai tách cà phê sẽ mách cho.

Chàng bấm bụng gọi thêm hai tách cà phê nữa. Sạch túi. Uống xong, bạn họa sĩ nhìn lơ láo xung quanh sợ người nghe trộm. Chàng càng tin trúng mánh lớn. Thấy hoàn toàn an ninh, họa sĩ chồm tới sát chàng hỏi:

- Mày còn giữ tấm thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn nghệ không?

- Còn.

Hai người bạn chàng reo lên:

- Khá quá. Tao đã bảo chắc thằng này tính cẩn thận, thế nào cũng còn giữ.

Chàng lo lắng hỏi:

- Nhưng có chuyện gì vậy?

- Chuyện làm ăn lớn. Cỡ tuyệt mù trời đất kinh thiên động địa như tư tưởng Lê Nin vậy. Chàng xịu mặt, chuẩn bị thủ thế. Bạn nhà văn hỏi:

- Sao mày đổi sắc thế?

Chàng đáp nhỏ:

- Coi chừng âm mưu của Trung Nam Hải. Hai bạn chàng cười ồ:

- Âm mưu cái mốc xì. Bộ Lê Nin toàn tập bán tự do ở hiệu sách quốc doanh, ai mua không được.

- Nhưng tụi mày hỏi thẻ câu lạc bộ làm gì?

- Vì họ chỉ bán cho người làm công tác văn hóa. Chàng đáp ngay cho dứt khoát:

- Sách Lê Nin tao đọc không vô. Mua làm gì. Bạn chàng lại cười:

- Ai bảo mày đọc! Mua để bán lại kiếm tiền cà phê.

Chàng bắt đầu thấy ham. Chàng e dè hỏi:

- Lời nhiều không?

Anh bạn họa sĩ mừng rỡ rút ngay mảnh giấy trong túi ra vuốt vuốt cho thẳng, rồi đặt trước mặt chàng. Trên mảnh giấy, đã có sẵn mấy phép tính. Anh ta vừa trỏ vào giấy vừa giải thích:

- Kỳ này họ bán 7 cuốn, giá vốn 24đ7 hào. Xé bìa cân ký được 4 ký 45, mỗi ký... Chàng cười tiếp lời luôn:

- Mỗi ký 18 đồng.

- Ủa, mày mua rồi à? Sao không nói từ đầu.

- Không, tao chưa mua. Mày tính tiếp đi. Bạn chàng bớt hăng hái vì hồ nghi, nhưng vẫn tính:

- 18 nhân cho 4,45 thành 80đ10. Dĩ nhiên vựa ve chai không có 10 xu lẻ, nên chỉ trả 80đ. Trừ 24đ7 vốn, còn lời 55đ3. Tao lấy 15 đồng. Thằng này 15 đồng. Phần mày những 25 đồng 3 hào. Chịu không?

Chợt nhớ cảnh đem nài nỉ đánh đổi Tư Mã Thiên, Tolstoi và mười khuôn mặt văn nghệ Việt Nam để lấy 10 đồng không được, chàng đồng ý liền. Gật đầu xong, chàng mới nhớ đã sạch túi. Chàng lo lắng hỏi:

- Tụi mày xuất vốn hả?

- Hả... Hả?

- Tao hết nhẵn cả tiền rồi.

- Sao mày dám bao cà phê?

- Vì bao tụi mày mới hết. Tao chỉ có 4đ5. Khó xử thật! Bạn nhà văn hỏi:

- Nhà mày sách cũ còn nhiều không? Chàng bật cười, vỗ vào cái túi vải:

- Tao vừa mang đi rồi mang về. Ế lắm.

- Ðược mấy ký?

- Tao chưa cân.

Bạn họa sĩ không thèm mở nắp túi vải, nhấc cả túi lên cân bằng tay:

- Nhẹ quá. Sợ không đầy một ký. Mày mượn vợ thằng HT xem sao.

Chàng dẫy nẩy:

- Không được. Tao không quen vay nợ. Bạn nhà văn đột nhiên tìm ra lối thoát:

- Hay thế này. Mày với hai đứa tao đến mua, rồi mày giả vờ quên ví nhờ tao về lấy. Tao chở sách Lê Nin đi xuống Cầu Sắt bán, đem tiền về trả. Ðược không?

Cả ba vỗ tay reo. Họ làm đúng “phương án", và chia chát cũng đúng “phương án". Với 25 đồng 3 hào trong túi, chàng định mua luôn 100 grams thuốc rê để dành. Nhưng đến sạp bán thuốc, chàng do dự. Không nên để leo việc hôm nay qua ngày mai. Một ngày như mọi ngày, nên mỗi ngày phải giữ trọn tính chất độc lập tự do của nó. Hôm qua chàng thèm thuốc lá quá nên phạm lỗi, đó là điều không được tái phạm. Cho nên sau khi sáng suốt suy nghĩ, chàng chỉ mua thêm 4 đồng thuốc rê và 1 đồng 3 giấy vấn. Còn chẵn 20 đồng. Nhìn đồng hồ một anh chợ trời thuốc tây, chàng thấy đã 9 giờ 50. Phải về nhà để lo cơm nước thôi. Chàng đạp xe về theo đường Trần Quang Khải. Hai bên đường rợp bóng cây bày la liệt những chiếu mua bán đồ cũ. Toàn loại phế thải. Bảng hiệu là một tấm giấy bìa đề chữ cẩu thả hoặc bay bướm dựng trước chiếc chiếu bày hàng. “Mua bán băng nhựa cassette cũ. Giá cao". Mua giá cao thì được, còn bán giá cao thì lơ đễnh quá! “Mua dao điện" “Mua gọng kính cũ, phim phổi, tiền xưa, bạc vụn" “Mua sách báo cũ. Giá phải chăng". Ðây mới đúng là một anh chợ trời chân thành! Chàng sẽ trở lại đây nhiều lần! “Mua bán lốp ruột xe đạp. Bảo đảm không đứt triên trong 6 tháng". Bảo đảm? Loại bảo đảm chợ trời! Chàng đã lỡ nghe một lời bảo đảm như vậy nên mua phải một cặp lốp giả bố làm bằng bao cát mục, cao su pha quá nhiều đất sét, chỉ chạy 6 giờ đồng hồ là nổ. Chàng lẩn thẩn suy nghĩ về xã hội mình đang sống. Có hai đặc tính nổi bật: “tư liệu sản xuất" là đồ phế thải và hình thức “giao lưu hàng hóa chợ trời". Thang giá trị cũng đảo ngược: đồ sản xuất càng lâu năm càng đáng tin cậy. Ðúng là một nền văn minh phế thải. Trên những con đường chàng thường đi qua, hai tiếng “phế thải" cứ vang vọng bất tận trong trí chàng. Những đứa trẻ bị phế thải khỏi trường học lặn hụp mò bao ni lông cũ chìm dưới đáy sông Thị Nghè. Người đàn ông phế thải cưỡi chiếc xe đạp sắp phế thải, vỏ sau chằm vá cột buộc đủ chỗ nhưng còn rán chịu đựng được cái bao rách chứa giấy phế thải. Một chị đàn bà đặt cái cân bàn ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Tự Ðức mua giấy sách cũ. Họ thành một đôi xứng hợp. Chàng quan sát họ, thầm nghĩ: Có thể thành một đề tài truyện ngắn không? Qua chợ Thị Nghè, chàng vội bóp phanh trước một đám đông cuối dốc. Dây phanh đáng lý nên phế thải bị lưu dụng quá hạn nên đứt ngang. Chàng phải lấy dép chà lên mặt đường hãm đà. Ðôi dép làm bằng nhựa phế thải chịu không nổi, rách quai. Chàng may mắn không tông phải ai. Một vụ cãi vã gay go. Chuyện đó thường tình. Ðiểm đặc biệt là hai đối thủ đều có đủ chất điển hình: ông cán bộ thắng trận đội mũ cối mang dép râu và anh lính ngụy thua trận bán chợ trời. Cuộc cãi vã có cơ trở thành một màn đấu tranh chính trị nguy hiểm. Khốn nỗi người đi chợ tuy ghét dân chợ trời nhưng lại thương người ngã ngựa, khiến ông cán bộ nổi sùng. Hình như nội vụ bắt đầu khi ông cán bộ dùng thuốc nam không hiệu quả phải vác tiền ra mua thuốc tây ở chợ trời. Ông không tin ở những gì ở ngoài vòng kiềm tỏa của nhà nước. Ông nghi đang cầm phải một vỉ thuốc giả. Anh chợ trời đâm cáu, giật vỉ thuốc lại, bĩu môi:

- Không có tiền thì thôi. Vào hiệu thuốc quốc doanh mà mua!

Thế là ông cán bộ to tiếng mày tao:

- Hạng chuyên lừa đảo phe phẩy như mày là ghẻ lở của xã hội. Hàng nhà nước thất thoát vì mày! Cán bộ hủ hóa vì mày! Tao kêu công an còng mày bây giờ!

Một số khá đông người hiếu kỳ thấy như mình bị xúc phạm danh dự. Gia đình nào không có thân nhân lăn lóc chốn chợ trời? Vài lời xúi giục có ác ý, hy vọng chứng kiến “cuộc đấu tranh ai thắng ai" giữa hai ý thức hệ. Nặng và hiểm nhất là câu:

- Tao thấy lâu nay mày ngon lắm, sao bữa nay hiền vậy, Hùng Ðầu Bò.

Hùng Ðầu Bò quắc mắt lườm lườm nhìn ông cán bộ. Ông cán bộ quắc mắt nhìn lại. Mọi người nín thở hồi hộp. Hùng Ðầu Bò càm ràm gì đó, rồi quay đi. Bấy giờ ông cán bộ mới thấy mình bạo phổi. Quá dễ bị đòn hội chợ. Ai lại phỉ báng làm nhục dân chợ trời giữa chợ trời? Ông cũng càm ràm gì đó để giữ thể diện nhà nước, rồi lên xe đạp. Chờ ông đi rồi, đám đông quay chất vấn Hùng Ðầu Bò:

- Mày làm mất mặt tụi tao quá. Tao tưởng mày ngon.

- Mày bị nó chê là ghẻ lở, không xấu hổ sao? Hùng Ðầu Bò rút thuốc ra hút, phà hai hơi, rồi nói tỉnh:

- Mụt ghẻ nó đâu có xấu. Ðáng xấu hổ là thằng ở dơ để cho da dẻ mọc mụt.

Ðám đông cười ồ. Thế là danh dự được cứu vãn. Chàng cũng cười, thầm nghĩ: Ðúng là lý luận kiểu AQ. Viết truyện ngắn hoặc cái truyện vừa theo kiểu Lỗ Tấn được không?

Chàng sẽ gắng viết thử. Nhưng việc trước mắt là phải về cho kịp nấu cơm trưa. Thế là hết buổi sáng.

Bữa cơm trưa khá vui, trừ những lúc buồn! À quên, trừ những lúc vui buồn lẫn lộn nữa. Vợ chàng hay kể những chuyện xảy ra trong trường nhìn từ bàn cô giáo xuống cuối lớp. Ðứa con trai chàng bổ khuyết bằng cách nhìn ngược từ cuối lớp lên bảng đen. Ngày nào cũng vậy, câu chuyện hào hứng làm cho cả gia đình quên được cái đạm bạc của mâm cơm độn. Ví dụ khi vợ chàng than:

- Thật tệ quá. Ai đời sáng nay em “chia tiêu chuẩn" được 200 grams thịt ba chỉ. Chờ nửa tháng dài mới được hưởng ân huệ cách mạng, mừng hết lớn. Em đã cẩn thận bọc trong bao ni lông, bên ngoài bao thêm giấy dày giấu kín giữa cuốn sổ kiểm diện đặt ngay phòng giáo viên. Thế mà dạy xong tiết 2, em nghĩ quẩn sợ mất, vội chạy lên xem. Không mất. Nhưng đứa khốn nạn nào đã đổi phần thịt của em rồi. Anh cắn thử miếng này, toàn bầy nhầy.

Con chàng bổ khuyết:

- Hèn gì cô chủ nhiệm của con cứ xách thịt xuống lớp nhờ tụi con giữ hộ. Ðể trên đó, cô không yên tâm.

Hoặc khi vợ chàng kể:

- Ban đời sống trường em làm việc đến kỳ! Ai đời căng tin bán cho học trò không có tổ chức gì ráo trọi. Mạnh ai nấy bán. Giờ học vừa hết, thoáng một cái, mỗi cô giáo một giỏ quà ngồi la liệt trên sân chơi chờ đợi học sinh mua. Giờ học răn đe la mắng nó, giờ chơi phải cười cầu tài. Con chàng bổ túc liền:

- Hèn gì cô con đem quà bán ngay trong lớp học cho tiện. Sáng nay cô dọa khảo bài sinh vật, mà tụi con chiều hôm qua lo tập văn nghệ đã kịp học đâu. Tụi con tìm mánh: Cô vừa xách giỏ bánh mì nướng phết đường vào, tụi con cử một đứa lên mua, đưa tờ 20. Cô không đủ tiền thối, chạy đi đổi dưới căng tin. Thối xong, cô cười cười, khuyên tụi con mỗi lần ăn quà nên tránh ăn đồ lạnh như cà rem dễ đau bụng. Cô con ghét cô Nga chủ nhiệm 7B lắm. Cô Nga bán kem mà ba. Cô nói chuyện một lúc, sắp sửa trở lên bàn thầy giở sổ, thì một đứa khác lên mua. Cô lại cười tươi, than độ này bột mì đắt nên bánh nhỏ. Củi lửa khan hiếm. Cứ thế tụi con kéo dài được đến cuối tiết. Ðại khái trưa nào cũng có những chuyện vui như thế cả.

Chàng ghi vào óc, lúc cần có thể dùng được. Ăn cơm xong, vợ chàng để mặc chén bát nồi niêu cho cha con chàng rửa, lấy nón giỏ tất tả ra chợ trời. Trước khi đi, vợ chàng cũng đi ra đi vào suy nghĩ cho chín chắn như chàng buổi sáng. Ðến lượt những thứ từng lờn mặt với chàng sáng nay phải nem nép sợ hãi. Mấy cái son nhôm, chảo nhôm, thau nhôm... nói chung thứ gì bằng nhôm trong nhà bếp đều cảm thấy hồi hộp trước cuộc đời lưu lạc gian truân sắp chịu. Vợ chàng có trí nhớ tốt, nên không thứ gì bể, mẻ, móp, méo, lủng thuộc đồ nhôm, dù trốn ở gậm giường xó tủ nào, nếu chẳng may bị nàng trông thấy một lần, là không thể thoát được! Chàng biết thế nên không bao giờ dám xâm phạm “đất cấm". Ngành chuyên môn thứ nhì của nàng là quần áo cũ. Một miếng giẻ nàng cũng tìm được chỗ bán, và bán giá cao mới lạ chứ. Ðôi khi chàng ngờ vợ mình đã cố ý tăng giá lên để “lấy le" với chàng. Hư thực thế nào, đến bây giờ chàng chưa biết!

Ngành thứ ba vợ chàng giành độc quyền là chén bát, ly tách. Lâu lâu lén mua 50 grams cà phê nguyên chất (rồi dối vợ là người bạn thân từ Buôn Mê Thuột vừa về Sài Gòn chơi đem biếu) về pha filtre, chàng tìm cái ly thủy tinh có quai mãi không thấy đâu. Chờ vợ về hỏi, nàng chỉ ỡm ờ bảo “ở đâu đó". Chàng nghi vợ đã học đòi theo chàng, vợ chàng liền chất vấn:

- Có ông bạn quí nào vừa lẩm cẩm vừa bủn xỉn đến nỗi từ xứ cà phê xuống thăm bạn ở Sài Gòn lại chỉ đem biếu có 50 grams. Nói dối thì cũng phải có lý của nó chứ! Chàng im, dừng lại, không dám tra vấn cái ly mất tích nữa. Rồi nay cái quần sờn đáy xổ lai, mai cái liễng Nhật, mốt cái đèn nhôm Mỹ, cuối cùng cái tủ áo, tủ buffet, chạng thức ăn rỗng ruột. Luật bù trừ mà! Muốn cho cái ruột này đầy thì cái ruột kia phải rỗng. Ngày xưa Nguyễn Du nói: Lạ gì bỉ sắc tư phong.

Tiếc một điều là vợ chàng không biết dùng qui nạp pháp! Nhưng đó là việc của vợ. Hãy trở về việc chàng.

Buổi chiều các con đi học cả, vợ đi vắng, chàng phải ở nhà vậy. Lo giặt dịa, lau chùi nền nhà và bàn ghế, phủi bụi ở tủ sách. Càng ngày chàng càng trở nên cẩn thận ngăn nắp hơn. Chùi nhà một lần, chờ khô, chàng thấy mặt nền còn nham nhám. Chùi lần thứ hai, đỡ hơn, đúng lúc đó con chó SuSu mang bốn cái chân bẩn chạy vào. Lại phải chùi lần thứ ba, lầ này cẩn thận khép cửa. Ði ra đi vào nhìn thứ gì chàng cũng thấy không được chỉnh. Lũ đồ vật gặp cái nhìn của chàng vào buổi chiều, nên yên tâm! Chàng đã hoàn toàn vô hại. Chỉ có thiện chí! Chàng nâng niu cái này, xoa nắn cái kia, đánh bóng cái nọ. Ðồ vật nhoẻn cười yên tâm trong tay chàng. Mải mê làm vệ sinh, chàng suýt nữa quên chuyện trọng đại: mua gạo. Khốn nỗi đến lúc đó chàng mới nhớ vợ chàng chưa đưa tiền. À quên, chàng còn đủ 20 đồng đây. Chắc đủ. Chàng nở mũi hãnh diện. Có thế chứ. Chàng đâu phải là kẻ vô tích sự. Chàng còn đủ sức lo gạo cho gia đình, mà có gạo là có tất cả. Lê Nin “vĩ đại" ở chỗ dám đem lý thuyết ai cũng cho là không tưởng ra thực hành ngay trong cuộc đời rối rắm phức tạp này, nhưng còn “vĩ đại" ở chỗ dám giúp một kẻ chưa đáng tin cậy đủ tiền cho hắn mua gạo ăn trong thời gian sám hối. Chàng tự trách đã quá bất công với nhà lãnh tụ Nga. Với tâm hồn yêu đời, chàng đi mua lương thực. “Cửa hàng phục vụ gạo" đông nghẹt. Chàng thích cánh len vai xông vào. Một chị sồn sồn rủa:

- Cái ông già dịch. Ðạp cả lên chân người ta! Già dịch! Cái chân chị là chỗ dễ kích thích chắc! Nhưng chàng đang yêu đời nên chàng quên ngay lời rủa, nghĩ theo cái hướng tích cực: Già dịch! Thế mà bà xã mình dám bảo mình “mất sức lao động". Ðúng Bụt nhà không thiêng. Này, mất sức lao động này! Chàng lấn thêm cho gần tới bàn cô thư ký ghi sổ. Lại có nhiều tiếng la ôi ối:

- Làm gì như đi ăn cướp vậy!

- Yêu cầu bà con giữ nếp sống văn hóa mới! Chàng khựng lại. Phải, chàng còn mang quá nhiều tàn dư văn hóa cũ, không chịu vì mọi người. Chàng định thối lui để nhường chỗ cho các em bé, cụ già, đàn bà có thai, thương binh liệt sĩ (không phải thương phế binh ngụy), gia đình có công với cách mạng. Không kịp rồi. Dộm bước lui thì một em bé gái khoảng 10 tuổi kêu thét lên:

- Ái! Chết ngộp mất trời ơi!

Có ai vừa đánh rắm thối hoăng. Người ta bịt mũi lại, tiếng chửi nghe thật tức cười. Chàng bị sửa lưng liền:

- “Ðịch" thối om còn đứng cười! Vô duyên. Chàng mắc oan Thị Kính mà không cách nào bào chữa được. Nếu không đánh rắm, sao chàng không bịt mũi. Chịu thưởng thức “của nhà" tức là công khai nhận lỗi. Mọi người nhìn chàng căm tức. Tình thế ngày càng tuyệt vọng, không khéo thu xếp chàng có thể bị đòn hội chợ như chơi. Trước hết, hãy rút lui đã. Ra ngoài được rộng rãi, dễ thanh minh hơn. Mặc tiếng la ó, chàng cố chen trở ra. Cô thư ký ngộp thở, bỏ bàn giấy vùng vằng đi ra phía sau. Sợ không được mua gạo, người ta càng căm tức chàng hơn. Làm sao đây? Chàng bắt đầu ngờ rằng có thể chàng lỡ dại nhưng do gắng sức chen lấn chàng không hay biết. Thanh minh không ai nghe, bỏ về sợ mất phần gạo. Cho nên khi nghe loan báo hoãn thời hạn chót đến chiều mai, chàng mừng rỡ ra về.

Quần áo chàng đẫm mồ hôi, nhọ nhem như quần áo chú bé quét bồ hóng. Chàng cảm thấy ngứa ngáy. Phải về gấp để tắm mới được. Lúc cởi quần dài vắt lên dây thép, chàng thấy túi quần bị đảo ngược, lớp vải lót mầu cháo lòng thò ra ngoài thành một cái tai vểnh. Chàng không hiểu gì cả. Có lẽ tách cà phê sáng đã hết hiệu lực. Ðến khi hiểu, chàng mới biết kẻ gian đã nhân lúc chen lấn mượn tạm 20 đồng của chàng rồi. “Của Lê Nin trả lại cho Lê Nin". Ðúng là luật công bằng trong mơ ước của bản tuyên ngôn nhân quyền!

Chàng thường dành buổi tối để viết. Ðáng lý chàng phải để dành 1đ5 để mua sẵn một tách cà phê loại 92,4% làm “tư liệu sáng tạo", nhưng 20 đồng phi nghĩa không còn nữa, nên chàng phải rán dằn những cái ngáp ác hại.

Phút linh cầu mãi không về.

Bâng khuâng giấy trắng chưa nề mực đen. Chàng gặp y nỗi khổ tâm của Hồ Dzếnh. Ngáp đến cái thứ tư mà xú uế cứ dâng tràn. Chàng nghĩ thầm:

- Phải viết cái gì trung thực.

Chàng ôn lại những gì đã thấy đã nghe trong một ngày bình thường. Âm mưu của Trung Nam Hải? Nếu trung thực thì nguy lắm, chàng sẽ trở thành kẻ tòng phạm trong vụ án phản động có tầm cỡ quốc tế. Viết chuyện mua bán sách cũ? Lại mắc tội lưu hành phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy nhảm nhí! Chuyện cãi vã ở chợ trời? Không khéo bị tố là nói xấu chế độ! Nhân dân lao động sáng suốt đâu có bênh vực tên lính ngụy đã không chịu sản xuất còn phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa! Viết chuyện nhà trường? Bôi bác nền giáo dục cách mạng, không phân biệt được khó khăn tạm thời và thuận lợi cơ bản, đánh đồng một cách ác ý bản chất và hiện tượng! Viết chuyện đi ra tổ phục vụ mua gạo?

Thì làm sao giấu được 20 đồng bạc đánh cắp của Lê Nin?

Càng nghĩ chàng càng thấy sợ. Chàng hút hết liên tiếp ba điếu thuốc vấn, rồi đặt lại vấn đề:

- Hay là ta nên viết cái gì đăng được?

- Phải đấy. Viết không đăng được thì viết làm gì. Viết rồi đốt là điên, viết rồi giữ đó như giữ bom nổ chậm là khùng. Kẻ khôn ngoan thức thời chỉ nên viết cái gì đăng được. Chàng tìm cuốn lịch bỏ túi xem các ngày lễ. Ðây là kinh nghiệm xương máu do các bạn văn nghệ miền Bắc ưu ái truyền lại cho chàng. Cứ giở cuốn lịch ra, tìm các ngày lễ và viết sẵn một số truyện, thơ “lương khô dự trữ". Lễ nhỏ viết vài ba cái, lễ lớn phải chín, mười. Các loại sáng tác “nhân dịp" này năm nào cũng đắt hàng. Chàng dò tìm, nhưng thật rủi cho chàng, hôm nay không kề cận với ngày lễ nào sắp tới. Cậu bé Nguyễn Tất Thành đã chào đời, các đồng chí thương bệnh binh cách mạng đã nhận quà của hội phụ nữ nhân ngày 22-7. Cách mạng tháng 8 còn manh nha, vườn hoa Ba Ðình vẫn trống trơn chưa dựng bục để Bác đọc lời tuyên ngôn độc lập. Tìm không ra chuyện thành thị, chàng quay về nông thôn. À, cái đề “Mùa bội thu" hay đấy! Sao ta không viết cái truyện tả cảnh một khu kinh tế mới được mùa. Chàng nắn nót viết nhan đề MÙA BỘI THU lên đầu tờ giấy hẩm. Chàng dàn ý, tìm các chi tiết tiêu biểu, nghĩ trước cái kết tốt: “Bác Năm cười quay lại gọi con dâu:

- Hai à!

Chị Hai đang tính công điểm, bỏ bút xuống thưa:

- Dạ con đây.

- Thẵng đã về chưa?

- Dạ ảnh còn mắc chia lúa bội thu cho bà con.

- Ờ được, tụi bay còn trẻ rán giúp đỡ bà con. Làm sao cho mùa sau còn được hơn mùa này nữa. Không nhờ ơn cách mạng, gia đình mình đâu có như thế này.

Chị Hai mỉm cười, mơ màng nghĩ đến cảnh chị ngồi trên cùng chiếc máy cày với anh, mê mải ngắm những đường cày thẳng tắp chạy dài đến tận chân trời."

Chàng bắt đầu viết, xóa, lại viết, rồi lại xóa. Nặn mãi không ra cái nhập truyện. Vợ chồng anh Hai đang sống khổ cực ở Sài Gòn. Anh làm phu xích lô suốt ngày gò lưng đạp tháo mồ hôi mà không đủ tiền nuôi con. Chị bán cháo huyết ở khu lao động, và vì dân lao động quá nghèo nên cháo của chị quá ngon mà quá ế. Ðứa con của anh chị bị đau. Anh chị không có tiền mua thuốc, đem vô nhà thương bị rẻ rúng vì anh chị nghèo. Con của họ chết, anh đâm ra rượu chè be bét. Chị khuyên nhủ, năn nỉ mãi, anh vẫn chứng nào tật nấy. Rồi Sài Gòn “được giải phóng". Cả anh lẫn chị đều tham gia vào công tác cách mạng. Công tác nào anh chị cũng xung phong đi đầu. Chính sách kinh tế mới ban hành, anh chị ghi tên ngay đợt đầu tiên, rồi vận động được cả bà con hàng xóm nữa. Thủ cựu như cha chồng là bác Năm mà chị cũng thuyết phục được. Mới lên, họ vất vả trăm chiều. Muỗi, vắt, nước độc, chim kêu vượn hú. Nhưng: Bàn tay ta làm nên tất cả

Với sức người sỏi đá cũng thành cơm. Nhà thơ “cách mạng" Hoàng Trung Thông đã nói đúng. Bà con khu kinh tế mới đã biến núi rừng thành đồng bằng, dưới sự hướng dẫn lãnh đạo tận tình của cán bộ. Kết quả là mùa bội thu đầu tiên chàng đang viết đây.

Chàng viết được hai trang, lại ngáp. Hút thêm điếu thuốc vấn 89,6% trí óc chàng minh mẫn trở lại. Chàng nhớ nhiều chi tiết hay hay có thể thêm cho truyện bớt công thức. Và trời ơi, chàng nhớ cả những chi tiết thừa thãi: như cảnh dân kinh tế mới kéo trở về Sài Gòn nằm la liệt hàng đêm trên lề đường Trần Hoàng Quân Chợ Lớn. Như những gia đình sống mòn bên đống rác khổng lồ trên đường Trần Quốc Toản. Như những đứa trẻ cầm que đi nhặt từng mảnh giấy vệ sinh gần chợ Tân Ðịnh! Chàng khựng lại. Ðọc từ đầu, chàng ngượng chín người. Thiếu sáng suốt, chàng vò nhàu hai tờ bản thảo vứt đi. Sau nghĩ lại. Chàng bưng đèn cúi xuống nhặt lên, vuốt cho thẳng, xếp vào xấp giấy cùng số phận các đêm trước. Xấp bản thảo nhàu nhò vô tội đã khá dày. Có thể được đến vài trăm grams.

Với giá 14 đồng một ký giấy học trò viết hai mặt, chàng có thể bán được khoảng 3,4 đồng. Chàng đã có vốn để mua cà phê 92,4% và thuốc lá 89,6% đổi sự sáng suốt cần thiết cho sáng hôm sau.

Ý tưởng đó khiến chàng yên tâm đi ngủ. Lúc đặt lưng xuống cái giường què, chàng nghe cô gái choai choai nhà bên kia hát nhỏ như sợ đôi tai thính của ông công an khu vực:

“Một ngày như mọi ngày, xin trả lại đời tôi"...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx