sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tạ Ơn

Họ được phát bốn bao ni lông lương thực bên ngoài in chữ đỏ: UNHCR, P3V, Indonesia. Không ai thắc mắc về ý nghĩa của mớ chữ khó hiểu ấy, vì cả bốn đều háo hức muốn biết ngay bên trong bao có những gì. Bốn khẩu phần y như nhau gồm 2 ký gạo loại xấu, 1 bọc đậu xanh, 2 bao mì ăn liền, 1 bao nhỏ cà phê, 1 bao đường, 1 bao muối, ngoài ra còn có thêm tiêu, bột ngọt, và hấp dẫn nhất là hai lon đồ hộp. Một hộp bên ngoài có vẽ hình con cá, nên dù không đọc được tiếng Anh, họ đều đoán đúng là hộp cá mòi. Một hộp lớn mà thấp, hàng chữ Anh đề gì họ không hiểu nhưng bên dưới, trong hai cái ngoặc đơn - có ghi hàng chữ Việt: Thịt heo ăn trưa. Thằng Dù 7 tuổi thôi mân mê lon thịt hộp của mình, quay sang hỏi thằng Hùng lúc đó đang cắn góc bao ni lông đường:

- Nó viết cái gì vậy anh?

Thằng Hùng ra vẻ kẻ cả, vì biết đọc:

- Thế mà cũng hỏi. Ðây là thịt heo ăn trưa. Thằng Dù thắc mắc:

- Mình ăn ngay chiều nay được không? Thằng Hùng hơi băn khoăn, nhưng cứ đáp đại:

- Không được. Ðã bảo ăn trưa là phải ăn trưa. Chiều đã có hộp cá.

Câu chuyện trao đổi giữa hai đứa bé khiến hai người lớn phải chú ý. Ờ nhỉ! Sao chỉ được ăn thịt buổi trưa mà không được ăn vào buổi chiều? Trần Văn Nhường lớn tuổi nhất, tính tình điềm đạm ít nói nên không sợ mất mặt, quay hỏi Võ Văn Thành:

- Sao lại có luật lệ kỳ cục vậy? Thành thì không bao giờ muốn thua kém ai, nên đáp liền:

- Dân ở đây theo đạo Hồi cữ ăn thịt heo. Buổi chiều tụi nó cầu kinh, không muốn bất cứ ai đem thịt heo ra kho nấu.

Ba người nhìn Thành với đôi mắt khâm phục, kính nể.

Thành đắc chí, hỏi liền:

- Thế mấy người có biết vì sao mình là dân biển quen sóng, mà lên đảo mình bị say hay không?

Câu hỏi hóc búa quá. Im lặng, Thành chờ thật lâu để mũi nở lớn hơn chút nữa, mới chậm rãi nói:

- Một phần tại đổi khí hậu. Một phần tại đến đây, là dứt khoát xa hẳn quê hương. Mình bắt đầu nhớ nhà. Ðừng tưởng bệnh nhớ là bệnh nhẹ. Nhớ đến xót ruột là nhớ lắm, nhẹ như mình hiện nay thì ra ngẩn vào ngơ, hay là ngây ngây như say rượu. Vì quên mất bốn viên thuốc ngừa sốt rét họ phải uống lúc vừa lên khỏi cầu tàu, nên một lần nữa, sự khâm phục đối với kiến thức uyên bác của Thành không lấy gì đo cho hết. Phải, có Thành nhắc, họ mới nhớ bắt đầu từ đây, họ vĩnh viễn xa cha mẹ, vợ con, xóm làng. Nói chung chung thì như vậy, riêng từng người thì nỗi nhớ tiếc có khác nhau. Nhường nhớ ở Trà Vinh, mỗi lần say rượu bị vợ cằn nhằn, anh thường quơ đại một bộ quần áo, hằm hằm đi ra cửa dọa: “Ð.M. tao chán quá rồi. Tao về Vạn Ninh cho mẹ con bay đói nhăn răng ra". Vợ anh vẫn tỉnh khô, tiếp tục chuyện bếp núc: anh giận sôi lên, quyết về quê thật. Ít ra phải về một lần cho nó biết sợ. Nhưng lần nào cũng vậy, anh trở ra quán cóc chú Bảy Thìn uống chịu thêm hai ly đế nữa để hạ hỏa, rồi khóc mùi mẫn vì chợt nghĩ lại thấy thương vợ thương con. Từ hồi lấy nhau, chị Nhường có được ngày nào sung sướng đâu. Anh chỉ làm khổ chị. Anh mất tích, chị đi tìm. Anh ở tù, chị lo thăm nuôi. Anh trốn, chị lo năn nỉ bà con để giấu. Anh tha phương cầu thực, chị đi theo. Ðã đành chị không đẹp lắm, lại hôi nách, nhưng có ai chịu nhường nhịn cho bằng chị Nhường! Anh hối hận, và lại về nhà. Bây giờ dù nhớ da diết mùi hôi nách của vợ, anh không thể trở về được nữa. Anh cảm thấy choáng váng, ngây say đúng như lời Thành!

Thành uyên bác đến thế lại nhớ sự ngây ngô của mình, mỗi lần đứng trước cô hàng cà phê Dung có cái răng vàng thật dễ thương ở bến ghe. Dung có đôi mắt biết cười, ít nói, nhưng mỗi lần nói, rất độc. Ác nữa! Cũng như Nhường, Thành là dân chài vùng Khánh Hòa. Có lẽ vì uống nước lợ nên giọng nói của họ hơi cứng, mỗi lần phát âm lưỡi hơi cong lên, nên đâm ra nói chớt: “giúp" thành “dúc", “trên" thành “tơn", “chết" thành “chớt". Ðặc biệt những tiếng nguyên âm đơn như “ở", “ơn" bao giờ cũng biến thành tiếng “đở", “đơn" như cách nói người ngọng. Mỗi lần gặp Thành, cô Dung chắp tay cầu: “Xin đơn tơn dúc con mau chớt - Amen" (Xin ơn trên giúp con mau chết, Amen) rồi cười giơ cái răng vàng lấp lánh ra. Giờ đây, Thành nhớ giọng nhại ác nghiệt và cái răng vàng đấy chi lạ! Thằng Hùng tự nhiên nhớ thằng em út lên sáu ở khu kinh tế mới Suối Dầu. Má đẻ em Lực lúc ba vắng nhà. Ba có ở nhà, má đã không vô ý như vậy. Ba đặt tên mấy đứa con trai đầu thật hay, thật “nhà binh". Ðứa đầu tên Nguyễn Thanh Anh. Ðứa nhì là Nguyễn Thanh Hùng. Em kế của Hùng là Nguyễn Thanh Hào. Rồi Nguyễn Thanh Kiệt sinh năm 1974 lúc ba được thăng lên đại úy. Năm 1975 ba vắng nhà, má đặt thằng út là Nguyễn Thanh Lực, làm liên lụy đến thanh danh em Kiệt. Bà ngoại thường la má: “Mày hết tên đặt hay sao mà đặt kỳ cục vậy. Kiệt lực! Trời hỡi!" Hùng nhớ má nói: “Sống sao thì đặt vậy cho dễ nhớ, chớ mẹ!" Tội nghiệp má với em Lực quá. Hùng thấy say say, nước mắt rơm rớm, mắt đỏ hoe y như người nghiện rượu!

Thằng Dù cũng nhớ nhà, nhưng vì bé nhất, nó nhớ đơn giản thôi. Dù nhớ thằng Tí Sún mượn của nó hai hòn bi ve, một hòn còn mới nguyên chưa cờn, một hòn đã mẻ ở chỗ có đường vân tim. Không biết Tí nó có đổi hòn bi mới hay không? Làm sao đòi lại đây! Nó tiếc của, tuy ôm chặt hai lon đồ hộp trong lòng, vẫn thấy thiêu thiếu thế nào ấy!

Nói tóm lại bốn người đều say và tưởng đã tìm đúng được nguyên nhân. Cho nên, khi Võ Văn Thành gợi ý nên tìm chỗ nào cao cao nhìn về quê nhà để tưởng nhớ người ngọc mang răng vàng cho dễ, thì ba người kia đồng ý ngay. Thằng Dù hơi lo khi hỏi:

- Cất mấy lon đồ hộp ở đâu hở chú? Trần Văn Nhường biết thằng bé hỏi mình. Tuy mới gặp nó lần đầu, nhưng anh thương nó như thương con. Nó cũng lên 7 như con anh, cũng có cùng cái tật lâu lâu hay nheo con mắt phía trái. Không nỡ rầy thằng bé đặt cái ăn lên trên tình cảm thiêng liêng, anh Nhường vuốt tóc nó, bảo:

- Sợ mất thì lấy tấm bạt ni lông kia đậy lại. Không, mang cả bốn bao luôn thể. Có nặng lắm đâu mà ì ạch! Ðược rồi. Ði nào! Họ ra khỏi láng, nhìn quanh. Phía sườn núi sau lưng trại, cây rừng mọc dày. Vài mảng mây lạc vướng mắc ở ngọn cây chóp núi. Thân cây thẳng sắp hàng đón ánh nắng chiếu từ phía biển cả. Ở chỗ sườn núi thưa lá, thấp thoáng một ngôi nhà mái tứ giác lợp vải bạt ni lông Unicef. Thành nói:

- Chỗ cao kia có bậc thang đi lên. Hình như một ngôi chùa!

Nhường vốn chín chắn, đáp hàng hai:

- Có thể lắm. Hay là cái nhà kho chứa lương thực cho khỏi ẩm.

Chùa hay không phải chùa, đâu phải là điều quan trọng. Bấy giờ, họ chỉ cần một chỗ đất cao để nhìn về quê. Không bàn cãi vô ích, họ đi tới. Vẫn Thành dẫn đầu. Tiếp theo là “đồ đệ" của Thành, thằng Hùng. Thằng Dù đi sau thằng Hùng. Trần Văn Nhường bước chậm sau cùng. Con đường mòn dẫn họ đi qua một vùng cát cỏ mọc lưa thưa, vươn vãi dấu tích những căn láng đã đổ nát hoặc vắng chủ. Xuống dốc, hình thù ngôi nhà cheo leo trên sườn núi hiện rõ. Ðúng là một ngôi chùa, vì tuy không đọc nổi ba chữ Chúng Phước Tự ở cổng tam quan, họ cũng xác nhận được nhờ cách kiến trúc đặc biệt của Phật đường. Chỗ cửa thiền luôn luôn có thiên nhiên ấp ủ. Ở đây cũng vây. Một dòng suối uốn quanh. Một cây cầu nhỏ. Mấy gốc đại thụ che rợp mái chùa bắt đầu dột. Bậc đá dẫn lên Chân Như. Gió biển thổi lên khiến họ bớt say. Bậc đá đắp vội không có xi măng nên hai thằng bé thở dốc. Chúng bắt đầu thấy muốn nhớ quê nhà cũng phải cần đến đôi chân dẻo. Họ leo cao, cao hơn. Càng cao càng tốt. Hết các bậc cấp, họ đến khoảng đất bằng phẳng của sân chùa. Thằng Dù bị tụt phía dưới, vừa thở hổn hển vừa kêu:

- Anh Hùng, chờ em với!

Hùng tò mò nhìn ngôi chùa dột nát dựng từ ba năm trước, không thèm quay lại, chỉ nói với xuống:

- Gần đến rồi. Rán lên!

Dù không còn cách nào khác ngoài cách cố tì tay lên đầu gối để rán leo tiếp mấy bậc chót. Lên đến nơi, thằng bé có ngay một quà thưởng. Trong lúc ba người kia mải mê ngước nhìn lên mái chùa, chỉ có một mình thằng Dù chú ý đến mớ tóc vương vãi trên mặt đất. Nó hỏi thằng Hùng:

- Ở đây có thợ hớt tóc hở anh? Hai người lớn tuổi cúi xuống nhìn mớ tóc đen. Anh Nhường ngập ngừng trước khi hỏi “nhà uyên bác".

- Có người cạo đầu đi tu à? Trong chùa đâu thấy ông sư nào!

Thành nghiêm mặt giải thích:

- Không phải đâu. Người ta cạo đầu để cúng Phật.

Anh Nhường hỏi lại:

- Ðể làm gì?

- Ðể cúng Phật!

- Cúng hương hoa xôi chuối chứ ai lại cúng tóc! Thành lúng túng không biết giải thích thế nào cho anh Nhường hiểu. Vì lúng túng, Thành làm cho rắc rối hơn:

- Thì người ta vẫn nói “thí phát cúng dường tam bảo". Muốn hỏi kỹ, thì tìm hỏi mấy ông sư. Nhường nhìn Thành hồi lâu, ánh mắt nghi ngờ. Thành sợ bị hỏi thêm, vội trỏ vào trong chùa, đề nghị:

- Ta vào đốt nhang niệm Phật đi! Anh Nhường thấy điều đó dễ hiểu hơn, vì nhiều lần chị Nhường đã làm như vậy. Nhất là vào những tháng không kiếm ra tiền mà anh lại nhậu nhẹt say sưa, anh nói với Thành giọng không được hăng hái:

- Vào thì vào. Nhưng chú mày có thuộc kinh không?

Thành quả quyết:

- Thuộc chứ. Thắp nhang vái ba vái, rồi đọc “Nam mô A Di Ðà Phật". Ðọc nhiều lần chừng nào tốt chừng nấy. Anh Nhường biết Thành nói ẩu. Thằng Hùng cũng biết, vì nhớ mỗi lần bà ngoại tụng kinh niệm Phật đều có mang kinh để đọc kinh trong một cuốn sách giấy bổi. Hùng cũng nhớ ngoại thường cung kính đặt cuốn sách ấy dưới cái mõ mỗi lần tụng kinh xong. Nó chen vào chuyện người lớn:

- Chắc có cuốn kinh dưới cái mõ. Thành mừng rỡ nói:

- Phải đấy. Mình tìm thử xem!

Bàn thờ Phật trong chùa cũng có đủ những thứ cần thiết: chuông đồng mang từ Chợ Lớn theo ghe, mõ bằng ống nứa rừng, đèn dầu hỏa làm bằng hộp Coca Cola nhôm cắt hình hoa sen, bình hoa làm bằng hộp Sardines Fisher A1 hiệu Nhật có cắm hoa sim đã héo, lư hương bằng vỏ ốc đầy cát. Hình Ðức Phật ngồi kiết già trên đóa hoa sen vẽ bằng mực tàu trên giấy bìa khổ rộng chiếm nguyên mảng tường gian giữa. Lại còn thêm hình vẽ mực tàu của Ðức Quan Thế Âm và hình Quan Công, Quan Bình, Châu Xương lộng trong khung kính. Nhưng dưới cái mõ nứa, không thấy cuốn kinh. Thằng Hùng tìm một lúc, chợt reo lên:

- Ðây rồi!

Không phải. Nó chỉ tìm được xấp giấy vàng bạc giấy hẩm cũng làm tại Chợ Lớn. Thành bắt đầu thất vọng, thì thấy một xấp giấy pelure mỏng bọc trong bao ni lông đựng lương thực. Không dám cả tin, Thành e dè nói:

- Có lẽ xấp kinh đây rồi!

Ba người biết đọc quốc ngữ là anh Nhường, Thành và thằng Hùng xúm lại. Quả là kinh Phật thật, do một Phật tử đi trước “ấn tống" bằng cách chép tay lên giấy trắng xin trên văn phòng cao ủy, anh Nhường bảo Thành:

- Chú mày tụng kinh đi.

Thành sợ để lộ sự yếu kém tiếng Việt của mình, vội nói:

- Anh lớn tuổi, thay mặt tụi này phải hơn. Nhường tìm cách nấn ná:

- Nhưng không có nhang! Hơn nữa chữ viết khó đọc lắm. Nước dột làm mờ hết cả. Thằng Hùng mau miệng nói:

- Ðể em đọc thử!

Thành mừng rỡ bảo:

- Phải đấy. Biết đâu không phải kinh Phật. Hùng nhẹ nhàng rút xấp giấy khỏi bao ni lông. Anh Nhường nói đúng. Chữ viết chân phương nắn nót nhưng khó đọc, nước mưa thấm qua bao ni lông rách làm mờ mất góc phía cuối trang. Nhưng Hùng tự tin ở trình độ lớp ba của mình. Nó lớn tiếng đọc:

“Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh"

“Quán tự tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách xá lợi tử sắc bất dị không không bất dị sắc sắc tức thị không không tức thị sắc thọ tưởng hành thức diệc phục như thị..."

Anh Nhường không kiên nhẫn được nữa, kêu lên:

- Thôi, thôi. Mày đọc cà lăm bậy bạ hết. Cứ sắc sắc không không hoài.

Hùng cãi lại:

- Em đọc đúng chứ bộ! Tại người ta chép lầm tới hai chữ sắc sắc, không không nên em phải đọc đủ. Nhưng đúng là kinh Phật.

Thành hỏi liền:

- Sao mày biết?

- Vì tụng một lúc, người ta nhắc mình xá. Ðây này "... không độ nhất thiết khổ ách". Ðến chữ ách phải dừng lại để xá một cái. Giọng anh Nhường bắt đầu mất kiên nhẫn:

- Rắc rối không hiểu gì hết. Tụng kinh phải êm tai, ngâm nga được. Tìm chỗ khác xem thử có thơ không?

Thằng Hùng lật tìm một lúc, cuối cùng reo lên:

- Ðây rồi. Bài niệm hương. Em biết mà. Ðúng là sách kinh.

Thành giục:

- Ðọc lẹ lên!

Hùng bắt đầu đọc chậm, vì vừa đọc vừa đoán mặt chữ:

Nguyện đem lòng thành kính

Gửi cho đám mây hương

Lan tỏa khắp mười phương

Cúng dường ngôi tam bảo

Thề trọn đời giữ đạo

Theo tự tánh làm lành

Cùng pháp giới chúng sanh

Cầu Phật từ gia hộ

Tâm Bồ đề kiên cố

Trí tu học vững bền

Xa bể khổ nguồn mê

Chóng quay về bến giác

Ðôi mắt Thành lim dim, đầu gật gù, Trần Văn Nhường thành thực hơn, chậm rãi nói:

- Cũng không hiểu gì nhiều. “Thề trọn đời giữ đạo". Ðạo gì vậy?

Thành mau mắn đáp:

- Thì đạo Phật.

- Ai không biết đạo Phật. Nhưng giữ đạo là làm sao?

- Xì! Thì làm lành. Kinh có nói rồi.

Anh Nhường yên tâm, mỉm cười nói:

- Vậy thì tao không đến nỗi. Trừ những lần say rượu bị vợ cằn nhằn đâm quạu, tao chưa làm hại ai. Ði lính chưa bắn phát súng nào. Làm tài xế chưa hề cán chết ai. Chưa quịt nợ. Không ăn lường. Lái ghe thì mày biết, chưa gây tai nạn lần nào. Thành nói liền:

- Tôi cũng vậy!

Nhường chợt nhớ cuộc đời long đong của mình, giọng nói pha lẫn chua chát, bi phẫn:

- Nhưng Trời Phật có mắt không? Tao làm lành mà sao đời xui xẻo dữ vậy! Mới lớn lên chưa kịp lấy vợ phải đi lính. Muốn ở nghĩa quân phụng dưỡng mẹ già phải tốn tiền. Hồi 75 tưởng được yên ai dè bắt đầu xui xẻo hơn nữa. Lính từ Phú Bổn chạy về Tuy Hòa thì Tuy Hòa mất, nên cướp xe chạy vô Ninh Hòa thì đường 21 vỡ. Tụi nó chạy ngược ra Tu Bông, dí súng vào lưng bắt tao lái ghe chở đi Sài Gòn. Vợ con tưởng tao chết mất xác. Sau “giải phóng" trở về lại bị tù vì tội chở người di tản. Nói mãi mấy ổng không tin, ở mãi thì không chịu nổi. Phải trốn. May mà tao đem được cả vợ con vô Trà Vinh. Bây giờ tao ở đây, vợ con bị bắt ở Long Châu. Trời Phật có mắt không? Thành lại tiếp:

- Thì tôi cũng vậy!

- Vậy thế nào được! Mày một thân, khỏe re!

- Tôi bị bắt đi lính chứ đâu có tình nguyện mà đẩy tôi đi kinh tế mới. Phải “dời non lấp biển"? Tôi dân chài lên non sống sao được. Mấy ổng quen, sao không “dời non" luôn cho tôi sống với biển, tiện biết mấy. Mấy năm tôi nhớ biển quá không đêm nào ngủ được, nằm mơ là nghe tiếng sóng ì ầm. May có lũ anh em thằng Hùng, lâu lâu giỡn cũng vui.

- Sao má nó cho mày dẫn nó đi?

- Bã đi kinh tế mới để chồng mau về. Ổng có về đâu! Một mình nuôi lũ nhóc sao nổi. Ðỡ được đứa nào, hay đứa nấy.

Thằng Hùng tự thấy phải bổ túc thêm:

- Em cũng mê biển nữa. Nghe anh Thành kể, em muốn làm dân chài. Ai ngờ...

Từ nãy đến giờ, thằng Dù mải mê ngắm cái ông râu đen mắt trợn cầm đao trên bàn thờ phía tay trái. Oai dễ sợ! Nhưng lúc nghe thằng Hùng chê bai nghề biển, nó nổi xung nói:

- Bắt cua bắt cá vui thấy mồ! Mày biết gì! Nhường thấy thằng bé giận dữ một cách ngộ nghĩnh, trêu thêm:

- Có gì đâu mà vui thấy mồ! Vui thấy mồ sao mày còn bỏ qua đây?

Thằng Dù đỏ mặt, trương gân cổ lên cãi, mắt nháy lia:

- Chú không bắt, cháu đâu có đi!

- Không đi sao mày không khóc?

- Cháu không thèm khóc. Con trai khóc xấu. Nói xong, nó mếu máo. Anh Nhường càng thấy thương nó hơn. Anh Thành và thằng Hùng tấp ghe vào chỗ hẹn lấy dầu, bất ngờ gặp thằng Dù đi soi đèn bắt cua. Sợ lộ, bọn anh phải bắt nó đi theo. Qua đến chỗ rước người, sắp cho ghe vào thì súng trên bờ nổ liên hồi. Bãi bị bể rồi. Bốn người trên ghe chỉ còn có cách chạy thẳng ra khơi. Không la bàn, với bốn lít gạo và nửa can nước ngọt. Máy F8 trục trặc khò khè nhiều lần vì dầu có pha nước, cuối cùng liệt hẳn sau ba ngày trở chứng. Ðói. Khát. Sóng. Gió. Tấp được vào Kuku sau bao ngày bập bềnh trên mặt bể tím, thật là điều kỳ diệu. Thế mà giờ đây họ hỏi: “Trời Phật có mắt không?" Chính Trần Văn Nhường thấy mình giận Trời một cách vô phép vô lý, nên anh ôn tồn bảo Thành:

- Dù sao tụi mình còn sống được là may. Biết đâu nhờ mình làm lành.

Thành đáp:

- Qua đây mình cũng gặp may. Anh có thấy ban đầu họ nghi mình ăn cướp ghe hay không? Ghe người ta trăm này trăm nọ. Ghe mình chỉ bốn người, nghi là phải. Nhưng lấy lý lịch thấy tụi mình không bà con họ hàng gì với nhau, lại không quen ai ở nước ngoài, họ mới tin mình thành thật. Ở hiền gặp lành. Ờ Trời Phật còn có mắt đấy chứ! Thằng Hùng tò mò tìm đọc những tờ giấy dán trên cột và vách chùa từ nãy đến giờ, đột nhiên kêu lớn:

- Anh Thành, lại đây xem này. Người ta viết giấy cảm ơn Phật tùm lum đây này. Ghe 1877TS ra đi ngày 5-9-81 đến Kuku ngày 10-9-81. Ghe 125 khởi hành ở Trà Vinh, trên ghe có 23 người. Chà, tờ này viết dài dữ.

Họ quên béng chuyện niệm hương, chạy đi tìm đọc tất cả những lời tạ ơn. Nhường và Thành đọc chậm, phải đánh vần lôi thôi nên để mặc cho thằng Hùng làm “xướng ngôn viên". Thằng Dù đã quay về chiêm ngưỡng Châu Xương. Hai người lớn chăm chú lắng nghe, lâu lâu chen vài lời bình luận. Trên bản tạ ơn viết trân trọng nắn nót của nhóm người đến trước, một người đến sau viết thêm lời tạ ơn của mình trên bờ lề. Nét chữ cẩu thả không thẳng hàng. Nhường nhăn mặt chê:

- Ðã lên chùa tạ ơn Phật còn đi viết ké. Giá trị gì! Phật đâu thèm đọc những câu viết bên lề. Một bản tạ ơn khác được làm khá cầu kỳ. Trên cái gương tròn do Hồng Thập Tự Nam Dương phát cho, người thọ ơn Phật cạo nước thủy phía sau thành hình trái tim. Mảnh giấy trắng dán sau trái tim trong suốt có ghi tên ba người-vượt-biên-maymắn thật lớn ở trên. Tận chóp phía dưới, ghi hàng chữ nhỏ: “Tạ ơn Ðức Phật" và ngày tháng đến Kuku. Thành bình phẩm:

- Tụi nó đè lên mình Phật. Lấy cớ lên chùa chỉ để ghi tên lưu niệm, như tụi con nít choai choai ngày xưa ưa qua Hòn Chồng lấy sơn đề tên tùm lum trên đá. Sao lại có hình trái tim? Còn mũi tên với mấy giọt máu đâu rồi?

Có bản họ chê dài quá. Có bản họ chê ngắn quá, ngắn như cái điện tín đánh về Việt Nam báo tin mừng cho thân nhân. Rồi cái gì phải đến đã đến. Thành nhìn Trần Văn Nhường, rồi nhìn đồ đệ Hùng, e dè đề nghị:

- Hay tụi mình cũng viết một tờ cảm ơn Ðức Phật?

Trừ thằng Dù lúc đó đã chán ông mặt đen và quay sang mê ông mặt đỏ đứng phía bên phải khung kính, ba người còn lại đều hớn hở hẳn lên. Hùng nhanh nhẩu reo:

- Phải đấy.

Nhường trầm tĩnh chín chắn hơn, đáp chậm:

- Nên lắm!

Nói dễ, nhưng lúc bắt đầu đi vào chi tiết, nhiều vấn đề phải đặt ra! Cuộc bàn thảo bớt đi hăng hái. “Phương án" tốt. “Vật tư" như giấy, bút có sẵn (tuy tờ giấy hơi nhăn và cây bút bị mực ra nhiều quá nét chữ hơi nhòe), cái đáng lấy làm ái ngại là “khả năng" có “đạt yêu cầu" hay không? Viết cho Ðức Phật đọc, trời ơi, biết làm sao đây? Thành lý luận cứng cáp quá, Trần Văn Nhường có chối từ vai “thảo thư" cách mấy cũng không được. Ai lớn tuổi nhất? Nhường sinh năm 1950. Thành kém Nhường hai tuổi! Trên mặt biển ai quan trọng nhất? Tài công Trần Văn Nhường. Lên đảo Kuku ai là đại diện cả ghe? Vẫn Trần Văn Nhường. Vậy có lý nào anh được từ chối vai đại diện toàn ghe để viết lời tạ ơn Ðức Phật. Anh Nhường khổ sở còn hơn cả lúc từ quán rượu trở về nhà sắp nghe lời cằn nhằn của vợ. Anh nằn nì, nấn ná:

- Biết nói gì với Phật đây?

Thành đáp ngay:

- Nghĩ sao nói vậy!

- Nhưng tao viết kém lắm. Sai lung tung.

- Cần gì. Nói sao viết vậy!

Anh Nhường đỏ mặt lên, nhìn Thành, định nói gì lại thôi, thôi lại nói:

- Tao với mày dân biển, hay nói chớt. Nói sao viết vậy, biết có đúng không!

Thành đáp liều, cho nó xong đi:

- Sao không đúng. Chữ viết để ghi tiếng. Với lại cốt ở lòng thành. Viết hay mà viết ké, hoặc viết đè lên Phật, hay ho gì.

Trần Văn Nhường hết đường lui rồi. Anh đành đem tờ giấy hơi nhăn và cây bút hơi nhòe mực đến chỗ bàn kê góc trái Phật đường. Nhờ thằng Dù đã chán cả Châu Xương mặt đen, Quan Công mặt đỏ và Quan Bình mặt trắng, nên quanh anh Nhường có đầy đủ ba người cùng chia sẻ số phận với anh. Sau khi vuốt vuốt cho thẳng tờ giấy và di di đầu bút cho mực ra đều, anh Nhường méo miệng ngoẻo đầu nắn nót bốn chữ quan trọng nhất: Kỹ niệm đơn Phật.

Giờ phút khai bút thiêng liêng đã qua. Bấy giờ mọi người mới được quyền tự do góp ý: Thằng Hùng nhớ bà ngoại, nhắc:

- Trước hết phải tụng Nam mô A Di Ðà Phật...

Thành rút kinh nghiệm các bản vừa đọc, gợi ý:

- Ðầu bản tạ ơn phải nói rõ mình có mấy người, đi ở đâu, đến lúc nào...

Anh Nhường tiếp thu ý kiến, và viết ngay, theo lòng thành của mình. Anh thiếu tự tin, nên đôi khi phải dừng lại để chờ tranh luận dài dòng rồi mới dám viết. Chẳng hạn khi anh viết lời cảm ơn Phật vì đã giúp cả bốn thoát qua cái chết trên biển cả, thằng Hùng chợt nhớ những lúc phải tát nước liên miên, cãi lại:

- Mình thoát chết nhờ siêng tát nước chứ bộ. Nếu ai cũng lo niệm A Di Ðà, thì đã chết ngoẻo lâu rồi.

Võ Văn Thành bẻ lại liền:

- Nhưng gió không thuận thì ghe mình trôi đi đâu? Tát nước là công của mình, gió thuận là ơn Phật. Ðược gió thuận là nhờ mình hưởng cái phước trước kia, còn tát nước là tạo cái phước sau này. Lo chờ gió mà không lo tát nước ư? Làm vậy chẳng khác nào ăn cơm thiu. Mày hiểu không? Thằng Hùng không hiểu gì ráo. Nó ậm ừ, rồi gật gù. Người lớn nói rối mù, nó chịu thua. Nói thế không có nghĩa Trần Văn Nhường là cái máy viết ý người khác. Anh cũng có viết theo ý anh, một cách kín đáo. Thành đòi anh yêu cầu Phật giúp tiếp vào hai giai đoạn sau (từ Kuku qua Galang, rồi từ Galang qua nước định cư thứ ba). Anh cho đòi như vậy là hỗn, là quá tham. Anh viết đúng ý Thành, nhưng cuối câu, vòng thêm hai chấm hỏi. Hoặc khi cả thằng Hùng lẫn thằng Dù nhớ đến cha mẹ và anh em, bạn đánh bi, bạn bắt dế... ở Việt Nam, nên xin Phật phù hộ cho tất cả những người còn ở lại, anh Nhường đâm ích kỷ. Anh sợ đông quá Phật không nhớ hết. Cho nên anh rút bớt lại, chỉ xin Phật giúp đỡ cho 17 người bị bắt trên bãi, trong đó có chị Nhường và thằng Nhịn con trai anh.

Họ viết xong bản tạ ơn lúc trời đã xế. Mải lo tìm bao ni lông bọc tờ tạ ơn và tìm đinh để đóng vào vách chùa, họ quên mất mục đích ban đầu là tìm một chỗ cao để nhìn về phía quê hương.

*

Thưa các bạn đọc,

Ðể các bạn hiểu được lòng thành của bốn người trong cuộc, tôi xin chép nguyên văn bản tạ ơn của họ (không sai một dấu chấm).

KỸ NIỆM ÐƠN PHẬT

NAM MÔ ÐA DI ÐÁ PHẬT

NAM MÔ BỖNG SƯ THÍCH CA NAM MÔ

DI PHẬT:

NAM MÔ

Chúng con đỡ tại Chà Vinh đi tại long châu vào ngày 30-9-81 tông bộn con đi 21 người bị bắt 17 người còn 4 người đi qua loạc tại đảo Kuku vào ngày 10-10-81 chún con cám đơn phật dúc đỡ cho chún con qua sợ dan khỗ và sự chớt tơn biễn cã vậy chún con cám đơn phật chún con còn hai day đọn nữa hồn và sái chún con giễi cho phật dúc đỡ chún con:??

nay con kính lời đơn phật dúc đỡ 17 người còn đỡ lại Việt nam man đâu khỗ trông bàn tay cộng sản con. tăm lạy phật dúc đỡ dum con con cam đơn phật những người đi trông ge chún con: tầm dăn nhườn-20-11-1950 thôn tuần lễ-xã vạn phước va.ninh

dõ dăn thằn-10-10-1952

nguyễn thanh hùng 9 tuổi nhatrang.TPK nguyễn.v.dù 7 tuổi

T G Hùng ký tên,

Truyện ngắn này in ra, lời tạ ơn của họ sẽ được phổ biến nhiều nơi. Chắc thế nào Ðức Phật cũng đọc và đoán được tâm thành của họ. Bản tạ ơn này hiện dán tại vách hậu chùa Kuku Indonesia. Các bạn đọc đa nghi (kể cả các bạn hiện ở Việt Nam) nếu muốn, cứ đến đảo Kuku mà xem cho rõ. Có đi xin các bạn hãy nhanh chân, vì lúc tôi rời Kuku, ngôi chùa đã tàn tạ lắm rồi. Mái lợp vải nhựa UNICEF đã hư dột. Cột chùa bị mối đục sắp gãy. Làm sao được! “Sắc tức thị không; không tức thị sắc; thọ tưởng hành thức diệc phục như thị". Tập kinh Ba La Mật mực nhòe vì mưa dột trong chùa đã có ghi như thế rồi!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx