sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ngựa Ô Yêu Dấu - Chương 29

NGƯỜI THÀNH THỊ

Hồi đó có tác phong “động cơ hơi nước”, xà ích loại này hầu hết là dân thành thị, chưa bao giờ có ngựa riêng và thường đi lại bằng tàu hỏa.

Họ thường nghĩ rằng ngựa cũng như một thứ động cơ hơi nước, chỉ nhỏ hơn mà thôi. Dù sao đi nữa, họ nghĩ rằng đã mất tiền thuê thì lũ ngựa phải chạy xa, chạy nhanh và chở nặng tùy ý họ. Dù đường lầy lội, đầy bùn, hay khô ráo và tốt, lổn nhổn đá hay nhẵn nhụi, lên dốc hoặc xuống dốc cũng như nhau, cứ chạy, chạy, chạy mãi, và phải chạy cùng một tốc độ, không có xả hơi và đắn đo gì hết.

Những người này không bao giờ xuống đi bộ khi đi lên một quả đồi dốc đứng. Ồ không, họ trả tiền để đi xe, thì họ phải đi xe chứ! Còn ngựa thì sao? Dùng để kéo xe! Ngựa sinh ra để làm gì, nếu không để kéo con người lên dốc? Đi bộ ư? Có mà đùa! Thế là roi cứ vút, cương cứ giật, và thường là một giọng thô bạo, quát lên bẳn gắt:

- Đi đi, con vật lười biếng!

Rồi một ngọn roi nữa, lúc nào chúng tôi cũng phải gắng gỏi hết sức, không được than phiền và phải tuân lệnh, dù rất mệt và nản chí.

Cái kiểu động cơ hơi nước này làm chúng tôi mòn mỏi nhanh hơn bất cứ loại nào khác. Thà tôi chạy hai mươi dặm với một xà ích giỏi, biết điều còn hơn chạy mười dặm với một xà ích kiểu này, làm tôi chóng kiệt sức.

Còn điều nữa, họ chẳng bao giờ lắp cân dù đồi có dốc đứng, như thế rất dễ xảy ra tai nạn thảm khốc, và nếu có lắp, lúc sang đến tận chân đồi họ vẫn quên, chưa tháo. Hơn một lần, tôi đã phải kéo xe lên nửa chừng quả đồi tiếp theo mà một bánh xe vẫn mắc chặt vào má phanh, cho đến lúc xà ích nghĩ ra. Thật là trạng thái quá ư căng thẳng cho một con ngựa.

Thay vì khởi hành từ từ như một người hào hoa nên làm, những người thành thị này bắt chạy hết tốc lực ngay từ trong sân chuồng, và lúc muốn dừng, trước hết họ quất roi rồi ghìm cương đột ngột đến mức chúng tôi gần như ngồi bệt xuống, hàm thiếc cắt mõm chúng tôi rách lởm chởm, họ gọi thế là một cú dừng rất oách! Đến chỗ rẽ, họ ngoặt gấp, làm như không có bên phải, bên trái đường vậy.

Tôi còn nhớ một tối mùa xuân, Rory và tôi đã phải chạy suốt ngày (Rory là một chú ngựa rất thật thà, thường chạy đôi với tôi). Chúng tôi có xà ích riêng, vì anh luôn thận trọng và dịu dàng với chúng tôi nên chúng tôi có một ngày rất sung sướng. Trời đã chạng vạng tối, chúng tôi đang nhịp bước trên đường về nhà. Con đường ngoặt gấp sang trái, nhưng chúng tôi đã ở sát hàng rào bên phải và có nhiều chỗ để vòng nên xà ích không giật cương chúng tôi. Lúc đến gần chỗ rẽ, tôi nghe thấy tiếng một con ngựa và hai bánh xe chạy rất nhanh xuống đồi ngay trước chúng tôi. Hàng rào cao làm tôi không nhìn thấy gì, nhưng ngay sau đó chúng tôi húc phải nhau. May cho tôi, tôi ở sát hàng rào. Rory ở bên phải gọng xe và không có càng xe che chở.

Người xà ích đâm thẳng vào chỗ ngoặt, và lúc ở trong tầm nhìn của chúng tôi, anh ta không kịp tạt sang bên đường. Toàn bộ cú va chạm dồn hết lên ngựa Rory. Càng chiếc xe độc mã hai bánh xuyên thẳng vào ngực Rory, làm nó lảo đảo lùi lại cùng một tiếng hí tôi sẽ không bao giờ quên. Con ngựa kia văng sụp lên hông xe, một càng xe gãy tan. Té ra đấy là một con ngựa cùng chuồng với chúng tôi, đóng vào loại xe độc mã bánh cao mà thanh niên rất mê.

Xà ích thuộc một trong những gã ẩu xị và dốt nát, thậm chí không biết đâu là đường của mình, hoặc có biết cũng chẳng quan tâm. Chỉ tội nghiệp Rory, da thịt nó bị xé rách tả tơi, máu tuôn như suối. Người ta bảo chỉ chệch sang bên một tí tẹo chắc nó bị giết và may cho Rory, con ngựa khốn khổ, nó không bị chết.

Rất lâu sau vết thương mới lành, Rory bị bán đi kéo xe chở than. Như vậy đấy, chỉ có ngựa mới thấm thía lên, xuống các quả đồi dốc đứng là thế nào mà thôi. Tôi đã mục kích cảnh một con ngựa xuống dốc, đằng sau là chiếc xe hai bánh chở nặng trĩu không đặt cân giảm tốc, làm cho đến tận bây giờ nghĩ đến tôi vẫn thấy buồn lòng.

Sau khi Rory bị tàn phế, tôi thường kéo xe cùng một con ngựa cái tên là Peggy, nhốt ở ô chuồng sát cạnh tôi. Peggy khỏe mạnh, cân đối, màu nâu xám nhạt có những vết lốm đốm tuyệt đẹp, bờm và đuôi màu nâu nhạt. Nó không thuộc loại thuần giống nhưng rất xinh đẹp, tính tình dịu dàng khác thường và đầy thiện ý. Trong mắt nó có một vẻ khắc khoải, làm tôi hiểu Peggy có một nỗi buồn nào đó. Lần đầu ra ngoài cùng nhau, tôi thấy nó có nước đi rất kì quặc, hình như vừa chạy lóc cóc vừa chạy nước kiệu nhỏ, cứ ba, bốn bước lại hơi nhảy về phía trước.

Cái kiểu chạy như thế làm ngựa nào đóng cùng cũng khó chịu, và làm tôi lo lắng. Lúc về đến nhà, tôi hỏi Peggy vì sao lại có kiểu chạy lạ lùng, rắc rối như vậy.

- Ôi chao, - Peggy nói, vẻ phiền muộn - tôi biết nước đi của tôi tệ hại lắm, nhưng tôi làm thế nào được? Thực ra đấy không phải là lỗi của tôi, mà chỉ vì chân tôi ngắn. Tôi đứng thì cao gần bằng cậu, nhưng chân cậu từ bên trên đầu gối dài hơn chân tôi đến bảy phân rưỡi, nên tất nhiên là cậu có thể bước dài hơn và nhanh hơn nhiều. Tôi không thể làm gì được, tôi ước giá tôi làm được những cái chân dài, mọi sự rắc rối là do chân tôi ngắn mà ra cả, - Peggy nói, giọng não nề.

- Nhưng có sao đâu, cô vừa khỏe khoắn vừa tốt tính lại đầy thiện ý. - Tôi nói.

- Sao à, - Peggy nói - người ta muốn đi nhanh như thế, nếu một con ngựa không theo kịp các con khác thì cứ là ăn roi, roi, roi quất tới tấp. Vì thế tôi phải ra sức tăng tốc hết mức nên mới thành nước đi quái gở, lộn xộn như vậy. Không phải lúc nào tôi cũng thế đâu. Hồi sống với ông chủ đầu tiên, tôi chạy nước kiệu rất đều và đẹp, ông ấy không có kiểu vội vã như thế này. Ông là một giáo sĩ trẻ vùng quê, là ông chủ tốt bụng và tử tế. Ông có hai nhà thờ cách nhau xa và bận bịu nhiều việc, nhưng chưa bao giờ quát mắng hoặc quất tôi giục đi nhanh hơn. Ông rất quý tôi. Tôi chỉ ước bây giờ vẫn được ở với ông, nhưng ông chuyển đến thành phố lớn và bán tôi cho một tá điền.

Cậu biết không, có một số tá điền là những ông chủ tuyệt vời, nhưng tôi nghĩ người này thuộc loại xoàng xĩnh. Ông ta chẳng quan tâm gì đến ngựa nghẽo hoặc đánh xe cho tốt, chỉ muốn thúc đi thật nhanh. Tôi đã cố chạy nhanh hết sức nhưng ông ta chưa thỏa mãn và luôn vút roi đánh tôi, vì thế tôi mới có kiểu nhảy bật về phía trước cho kịp. Đi chợ đêm, ông ta thường kề cà ở quán rất muộn, rồi bắt phi nước đại về nhà.

Một đêm tối trời ông ta đang phi nước đại như thường lệ, bất đồ bánh xe vấp phải một vật gì đó rất to, nặng trên đường và chiếc xe độc mã bị lật ngay lập tức. Ông ta văng ra ngoài, một cánh tay và mấy xương sườn bị gãy, tôi nghĩ thế. Dù sao thì thế cùng chấm dứt đoạn đời sống với ông ấy, và tôi chẳng lấy gì làm tiếc. Nhưng cậu thấy đấy, với tôi ở đâu cũng thế mà thôi, nếu con người cứ muốn chạy nhanh như thế. Ước gì chân tôi dài hơn nhỉ!

Tội nghiệp Peggy! Tôi rất thương Peggy nhưng không thể an ủi nó, vì tôi biết những con ngựa chạy chậm vất vả như thế nào khi đóng cùng với ngựa chạy nhanh. Roi sẽ vút tới tấp và chúng không thể làm gì khác.

Peggy hay bị đóng vào xe song mã, và được một số các bà thích vì tính nó dịu dàng. Một thời gian sau người ta bán Peggy cho hai quý bà tự đánh xe lấy, họ muốn có một con ngựa thuần tính cho an toàn.

Tôi gặp Peggy vài lần những lúc ra vùng quê, nó chạy đều đều, đẹp mắt, trông rất vui sướng và hài lòng. Tôi cũng mừng cho Peggy, nó xứng đáng có một chỗ tử tế.

Sau khi Peggy rời chúng tôi, một con ngựa khác đến thế chỗ nó. Chú còn non, bị tiếng xấu là dễ hoảng sợ và hay giật mình, vì thế đã mất một chỗ làm tốt. Tôi hỏi chú ta cái gì làm chú nhát thế.

- Tôi cũng không biết nữa. - Chú nói - Tôi nhút nhát từ khi còn bé, và đã mấy lần bị sợ hết hồn. Nhìn thấy vật lạ, tôi hay xoay người và nhìn, mà miếng che mắt làm cho không thể nhìn hoặc hiểu đấy là cái gì, trừ khi nhìn vòng quanh. Những lúc như thế, chủ tôi thường vút cho tôi một roi, lẽ tất nhiên làm tôi giật mình và chẳng đỡ sợ hơn. Tôi cho rằng nếu ông ấy cứ để yên cho tôi nhìn các thứ để thấy nó chẳng làm hại gì tôi, sẽ ổn hơn và tôi sẽ quen dần.

Một hôm, chủ tôi cưỡi ngựa cùng một ông già, có một mẩu giấy lớn hoặc rác bay về phía tôi. Tôi tránh và nhảy chồm về đằng trước. Chủ tôi quất tôi dữ dội như thường lệ, nhưng ông già kêu lên: “Ông sai rồi! Ông sai rồi! Ông đừng bao giờ đánh một con ngựa vì tội nhút nhát. Nó nhát vì nó sợ, và ông chỉ làm nó sợ thêm, tạo cho nó thói quen xấu thêm mà thôi!”. Vậy nên, tôi cho rằng không phải tất cả mọi người đều hành động như thế. Tôi chắc tôi không muốn sợ, nhưng ai mà biết thứ nào nguy hiểm thứ nào không, nếu không được phép làm quen với bất cứ thứ gì? Tôi chưa bao giờ sợ thứ đã biết. Hồi đó tôi lớn lên trong một khu vườn có bầy hươu. Tất nhiên tôi biết chúng rõ như một con cừu hoặc con bò. Nhưng chúng không phải là loài vật phổ biến, và tôi biết có nhiều con ngựa sợ chúng và làm om xòm trước khi qua bãi cỏ có một con hươu.

Tôi biết bạn đồng hành của tôi nói thật, và tôi ước mong rằng mọi con ngựa non đều có chủ tốt như ông Grey hoặc ông Squire Gordon.

Lẽ tất nhiên, ở đây thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp một xà ích giỏi. Tôi nhớ một buổi sáng, tôi được đóng vào chiếc độc mã hai bánh loại nhẹ và đưa đến một ngôi nhà ở phố Pulteney. Hai người đàn ông đi ra, người cao hơn đi quanh đầu tôi. Ông ta xem xét hàm thiếc và dây cương của tôi, rồi nhấc cái vòng cổ xem có vừa vặn, thoải mái không.

- Anh nghĩ là con ngựa này muốn có dây cằm không? - Ông ta nói với người coi chuồng.

- Thưa ông, tôi có thể nói nếu không có dây cằm nó sẽ chạy tốt hơn, vì nó có cái mõm nhạy cảm lạ thường, nó hăng hái và không hề có khiếm khuyết. Nhưng nói chung, chúng tôi thấy ai cũng thích có dây cằm.

- Tôi thì không! - Quý ông kia nói - Tốt nhất là tháo nó đi, và buộc dây cương vào má. Để mõm thoải mái rất thú vị cho một chuyến đi dài, phải không anh bạn? - Ông ta vừa nói vừa vỗ vào cổ tôi.

Sau đó ông ta nhận dây cương và cả hai lên xe. Tôi nhớ ông xoay tôi êm ả biết bao, lúc tôi cảm thấy dây cương kéo nhẹ, một ngọn roi vút khẽ qua lưng và chúng tôi khởi hành.

Tôi uốn cong cổ và lên đường bằng nước kiệu đẹp nhất. Tôi nhận thấy sau tôi là người hiểu rõ nên điều khiển một con ngựa hay ra sao. Dường như được trở lại ngày xưa, và tôi cảm thấy vô cùng vui sướng.

Ông ấy tỏ ra rất thích tôi, và sau khi đóng yên cưỡi thử tôi vài lần, ông thuyết phục ông chủ bán tôi cho một người bạn đang muốn có một con ngựa dễ chịu, an toàn để cưỡi. Thế là đến hè, tôi được bán cho ông Barry.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx