sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 12: Yêu Thích Đọc Sách

Khi trẻ kể cho chúng ta về niềm vui và thành quả của việc đọc sách, chúng ta nhất định phải thể hiện niềm vui giống trẻ, chia sẻ thành quả của việc đọc sách với trẻ, điều này sẽ làm cho trẻ có cảm giác thu hoạch, đồng thời có hứng thú với việc đọc sách.

Cổ nhân nói: “Đọc vạn quyển sách, đi được vạn dặm”. Nhà triết học nói rằng: “Sách là nấc thang tiến bộ của nhân loại”. Khi con bạn thích đọc sách, con sẽ học được cách yêu thương, con sẽ biết yêu bản thân, yêu mọi người, yêu cuộc đời và yêu thế giới… Đọc sách có thể làm cho con bạn hiểu được mọi thứ.

Cũng bởi có duyên với sách, nên một người chỉ học hết lớp sáu như tôi mới có thể trở thành “Tác giả”, “Giảng viên đại học”, “Nhà báo nổi tiếng”, “Người dẫn chương trình”, “Bác sĩ tâm lí”. Nếu như không đọc sách, chắc tôi đã đang làm ruộng ở quê, hoặc đang làm thuê ở thành phố. Đương nhiên tôi không nói làm ruộng hay làm thuê là không tốt, tôi chỉ muốn nói, sách vở giúp tôi trưởng thành, giúp tôi có thể đào sâu hết tiềm năng và phát huy cao độ giá trị của bản thân.

Có người đã tiến hành điều tra những đứa trẻ được xếp vào danh sách “Mười thiếu niên tiêu biểu toàn quốc”, và phát hiện những đứa trẻ này có năng lực đọc sách tốt hơn những đứa trẻ khác. Cũng có người đã từng phỏng vấn những người thành công, và thấy rằng khi tổng kết kinh nghiệm thành công, những người này đều nhắc đến lợi ích mà việc đọc sách đã mang lại cho họ…

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng nói với nhà báo rằng rất nhiều câu thơ mà ông dẫn ra là những gì ông học được từ thời học sinh thông qua việc đọc các tài liệu ngoài giờ lên lớp. Chính vì thế, ông khuyến khích toàn dân đọc sách.

Con người không đọc sách sẽ bị số phận trừng phạt, một dân tộc không đọc sách sẽ bị lịch sử trừng phạt. Đọc sách không chỉ là một hoạt động quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, mà còn trở thành phương thức sống của mỗi con người.

Một người muốn học thành tài, phương pháp quan trọng là phải khiến đọc sách trở thành thói quen. Bồi dưỡng thói quen thích đọc sách cho trẻ từ nhỏ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời. Tổ chức Kinh tế thế giới đã từng tiến hành một cuộc điều tra về năng lực đọc của thanh thiếu niên toàn thế giới, kết quả cho thấy, thanh thiếu niên 15 tuổi không thể học được mọi kiến thức và kĩ năng mà sau này trưởng thành họ cần dùng đến trong trường học. Như vậy năng lực đọc chính là cơ sở của việc học tập và là nguồn vốn lớn nhất trong suốt cuộc đời của con người.

Nhưng làm thế nào mới có thể khiến trẻ thích đọc sách, biến việc đọc trở thành phương thức sống của trẻ? Rất nhiều phụ huynh cảm thấy đau đầu khi nói tới vấn đề này. Trong thực tế, chúng ta bắt gặp rất nhiều trẻ không thích đọc sách, thậm chí ghét đọc sách. Đối với chúng, đọc sách là một việc rất khô khan, tẻ nhạt; thời gian rỗi chúng thích xem tivi hay chơi điện tử hơn. Chúng không thể ngồi yên, tập trung để đọc được.

Cho nên, bồi dưỡng niềm hứng thú với việc đọc sách của trẻ là một công trình trường kì, cần sự kiên trì và lòng tin. Từ những kinh nghiệm của tôi trong việc hướng dẫn Y Y đọc sách, tôi có thể tổng kết như sau:

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Việc bồi dưỡng niềm hứng thú đọc sách của trẻ bắt đầu càng sớm thì hiệu quả càng cao. Người Do Thái yêu thích đọc sách như yêu chính sinh mạng của mình. Trong gia đình người Do Thái, khi đứa trẻ có thể hiểu được một chút, người mẹ sẽ nhỏ vài giọt mật ong lên trên quyển Kinh Thánh, rồi bảo đứa trẻ liếm những giọt mật trên đó. Ý nghĩa của nghi thức này là: Sách vở là mật ngọt. Đọc sách là một việc rất vui sướng và ngọt ngào, qua đó có thể khơi dậy trong trẻ hứng thú đối với sách vở.

Tôi bắt đầu bồi dưỡng hứng thú đọc sách của Y Y ngay từ khi con mới 10 tháng tuổi. Lúc đầu, hàng ngày tôi đều đọc cho con nghe những câu chuyện trên báo ảnh. Báo ảnh có thể coi là đối tượng đọc sớm nhất của con. Mỗi khi tôi mở quyển báo ảnh, dùng tay chỉ cho con những bức ảnh trên quyển báo và kể chuyện cho con nghe, con cũng chỉ trỏ theo, vừa nghe vừa cười.

Khi 1,5 tuổi, Y Y bắt đầu nhận mặt chữ. Thế là ngoài xem tranh ra, con bắt đầu hăng say với các con chữ ở bên cạnh. Trong những cuốn sách tôi mua cho con, tranh dần dần ít đi, chữ ngày càng nhiều lên. Sau đó, tôi đưa con đi hiệu sách, dẫn con đến quầy sách thiếu nhi, để con được ngập tràn trong đống sách rực rỡ đủ các sắc màu, dạy con chọn những quyển sách mình yêu thích. Những lúc như vậy, con đều rất hưng phấn, lật mở hết quyển này đến quyển khác, nhìn chằm chằm vào quyển này, nhưng lại thích lấy quyển kia...

Khi Y Y hơn 3 tuổi, con đã có thể nhận được hơn 300 chữ Hán hay dùng, có thể đọc và hiểu được nội dung của những câu chuyện đơn giản. Thế là, dần dần tôi không đọc chuyện cho con nghe nữa, mà dạy con cách tự đọc, sau đó để con kể lại cho chúng tôi nghe. Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của tôi, Y Y ngày càng có hứng thú với việc đọc sách. Đến khi vào mẫu giáo, trong cặp của con ngoài những sách vở mà khi lên lớp cần dùng, lúc nào cũng có một quyển sách con thích đọc; phần lớn thời gian ở nhà, con dành để đọc những cuốn sách mình yêu thích; khi cùng tôi đi nhà sách hay thư viện con không hề tỏ ra chán nản, cho dù tôi ở trong đấy bao lâu con cũng rất ít đòi ra ngoài, bởi con cũng đang say mê tìm quyển sách mà con thích.

Điều cốt yếu khi đọc sách là phải kiên trì. Nếu như ngày nào cũng dành cho trẻ một chút thời gian đọc sách, dù chỉ khoảng 10 phút mỗi ngày, nhưng tích lũy dần dần sẽ thành một con số khổng lồ.

Tôi và Y Y cùng lên kế hoạch cho thời gian biểu nghỉ ngơi trong ngày, thời gian đọc sách cũng có thời gian cố định giống như thời gian xem tivi; ngoài ra trước khi ngủ nửa tiếng cũng là thời gian đọc sách cố định.

Vì muốn tranh thủ cho con có nhiều thời gian đọc sách, tôi đã từng đến trường đề nghị với cô giáo và thầy hiệu trưởng giảm bớt bài tập ở nhà của con đi. Bởi theo tôi, trong biển sách rộng lớn vô biên có rất nhiều kiến thức chờ đợi con khám phá, thì cớ gì hàng ngày con lại phải bù đầu vào những bài tập, những câu hỏi cứng nhắc lặp đi lặp lại mà rời xa thế giới tri thức phong phú, vô cùng rộng lớn.

Một bầu không khí thích hợp mới có thể đảm bảo cho trẻ có tâm trạng vui vẻ, tập trung đọc sách. Cái gọi là “Thư hương môn đệ đa tài tử” chính là không khí đọc sách của gia đình, yếu tố quan trọng để bồi dưỡng nên những bậc tao nhân mặc khách. Nếu cha mẹ là phần tử trí thức, vốn có thói quen đọc sách, tự nhiên con cái cũng có những ảnh hưởng tốt.

“Bầu không khí” ở đây bao gồm hai phương diện, thứ nhất là trang thiết bị. Như trên đã nói, trong nhà phải có sách để đọc, trong giới hạn điều kiện kinh tế cho phép, có thể tận dụng mọi điều kiện để mua càng nhiều sách càng tốt, mà phải đầy đủ các chủng loại như sách bách khoa toàn thư, sách văn học, sách lịch sử, sách địa lí.... Cũng nên chuẩn bị một số sách tra cứu để trẻ có thể tự tra cứu khi không hiểu, hoặc muốn hiểu rõ. Ngoài ra phải có nơi để đọc sách, ví dụ một căn phòng yên tĩnh, một chiếc bàn, một cây đèn... Thử nghĩ xem, nếu như trong nhà ngay cả bàn đọc sách cũng không có thì làm sao trẻ có thể yên tâm đọc sách được.

Thứ hai là điều kiện “phần mềm”. Trước hết trong nhà phải có một không gian yên tĩnh để đọc sách. Chúng ta không thể bắt trẻ đọc sách trong khi tivi đang bật to hết cỡ, hoặc trong nhà ồn ào, ầm ĩ với tiếng uống rượu, chơi mạt chược của người lớn được. Tốt nhất các thành viên trong nhà đều phải có thói quen đọc sách, cùng nhau đọc sách hàng ngày, cùng nhau thảo luận những nội dung đọc được. Như vậy trẻ rất dễ chìm đắm trong biển sách vô biên. Khả năng thích nghi của trẻ rất cao, trẻ cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Muốn trẻ thích đọc sách, đầu tiên bản thân cha mẹ cũng phải thích đọc sách.

Đưa trẻ đi hiệu sách là con đường tốt nhất giúp trẻ tiếp xúc với sách vở. Ngoài ra có thể đưa trẻ đến những nơi như thư viện, hội chợ triển lãm sách... Những địa điểm như vậy không chỉ giúp trẻ cảm nhận được không khí đọc sách say mê, giúp trẻ có thể tìm thấy những cuốn sách hay cho mình; mà khi đến đó, được thưởng thức nâng niu những cuốn sách mới, được cảm nhận mùi thơm của giấy mực, trẻ sẽ vui vẻ. Như vậy, có thể bồi dưỡng tình cảm của trẻ đối với sách.

Những năm gần đây, chỉ cần có thời gian là tôi đưa Y Y đi hiệu sách, lên thư viện hoặc là đi hội chợ sách. Dần dần, đến hiệu sách, lên thư viện trở thành sở thích chung của hai cha con tôi. Lúc đầu đi hiệu sách, tôi thường phải đi theo Y Y, quan sát xem con đọc sách gì, khi cần thiết thì hướng dẫn con chọn sách. Bây giờ, bước vào hiệu sách thì cha con tôi mỗi người một nơi, tự tìm những cuốn sách mình thích, rồi đắm chìm trong thế giới riêng của mình. Rất nhiều lần tôi giục con đi ra ngoài vì mệt, nhưng con vẫn tỏ vẻ nuối tiếc: “Đợi con xem xong cuốn sách này đã, được không ạ?”. Lần nào đến hiệu sách chúng tôi cũng chọn mua được những cuốn sách mà mình yêu thích nhất, đem về đọc kĩ.

Sở dĩ trẻ thích chơi trò chơi là bởi vì chơi trò chơi làm trẻ thấy vui. Như vậy muốn trẻ thích đọc sách, cũng phải cho trẻ cơ hội cảm nhận niềm vui khi đọc sách. Bạn có thể đưa trẻ đi tham gia các cuộc thi có hoạt động đọc sách, khi trẻ có một chút thành tích thì phải kịp thời khẳng định... Ngoài ra khi trẻ đang chăm chú đọc sách, chúng ta không được làm phiền trẻ, càng không thể yêu cầu trẻ làm theo sở thích của chúng ta. Điều bạn cần làm là chia sẻ niềm vui niềm hứng thú này, chứ không phải là phá vỡ không khí của trẻ.

Ngoài ra, khi trẻ nói với chúng ta niềm vui và sự thu hoạch của trẻ khi đọc sách, bạn phải thể hiện niềm vui giống trẻ, chia sẻ thành quả đọc sách với trẻ, như vậy sẽ làm trẻ càng có cảm giác thu hoạch, đồng thời càng có hứng thú với việc đọc sách.

Từ khi Y Y học lớp một, con đã bắt đầu đọc báo Văn học. Khi kì một của lớp hai kết thúc, báo Văn học tổ chức cuộc thi “Hỏi đáp kiến thức đọc báo”, Y Y liền nói với tôi rằng con muốn tham gia hoạt động này. Tôi ủng hộ con. Thế là Y Y bắt đầu trả lời các câu hỏi. Tôi vẫn nhớ câu hỏi cuối cùng “Kiến nghị và ý kiến của bạn đối với báo Văn học?”. Y Y trả lời những bài viết của báo Văn học (Bản dành cho nhi đồng) đại đa số đều chú thích phiên âm, nhưng đầu đề bài viết lại không có, con kiến nghị tòa soạn nên chú thích phiên âm cho đầu đề bài viết.

Hai tháng sau, báo Văn học gửi cho Y Y một bưu kiện, đó là một giấy khen, Y Y đã đạt giải ba trong cuộc thi này; kèm theo phần thưởng là một túi bút rất đẹp. Y Y vui sướng nhảy lên, tôi dang rộng hai tay ôm con vào lòng và nói: “Con thật giỏi!”.

Từ đó, Y Y càng thích đọc báo Văn học hơn, mỗi kì báo ra, con đều chăm chỉ đọc hết bài viết này đến bài viết khác. Tính tích cực của con đối với việc đọc báo càng lớn thì đương nhiên tính tích cực này cũng được thể hiện trên phương diện đọc sách.

Đồng thời với việc hướng dẫn trẻ đọc sách, các bậc phụ huynh cũng phải thường xuyên đọc sách. Làm thế không chỉ là làm gương cho trẻ, phát huy tác dụng mưa dầm thấm lâu; mà còn có thể trưởng thành cùng trẻ, không ngừng làm mới quan niệm của mình; từ đó kịp thời hướng dẫn và giúp trẻ đọc sách một cách khoa học. Không ít phụ huynh ủng hộ trẻ đọc sách, nhưng do quan niệm cổ hủ, không tiếp nhận những sự vật hiện tượng mới, chỉ hạn chế cho trẻ đọc những sách tham khảo liên quan đến môn học trên lớp hoặc là những tác phẩm nổi tiếng, còn những sách mà mình không biết thì cấm trẻ đọc. Xu thế này có thể làm hạn chế tầm nhìn của trẻ, làm phạm vi đọc của trẻ bị thu hẹp, từ đó tạo nên sự thiếu hụt về tri thức và năng lực. Chúng ta nên để trẻ phát triển toàn diện, hướng dẫn trẻ đọc nhiều sách vở; ngao du trong đại dương sách rộng lớn, trẻ mới có được những “dinh dưỡng” phong phú, không mắc bệnh “kén thức ăn”.

Nói tóm lại, thời đại “hai tai không quan tâm mọi sự, chỉ một lòng đọc sách thánh hiền” đã là quá khứ, bởi “ngoài sách vở, còn có nhiều thứ tốt đẹp khác”. Khiến trẻ có hứng thú với việc đọc, biến việc đọc trở thành phương thức sống, điều đó đồng nghĩa với việc cho trẻ chìa khóa mở cánh cửa kho tàng tri thức, chắp cánh để trẻ bay lên bầu trời rộng lớn...

Thực ra, cha con cùng nhau đọc sách chính là một cách quan trọng để bồi dưỡng hứng thú của trẻ với việc đọc. Bồi dưỡng hứng thú của trẻ với việc đọc sách, cùng trẻ đọc sách, là một hoạt động quan trọng trong giáo dục gia đình; vừa có thể hướng dẫn trẻ học tập tri thức, vừa giúp cha mẹ bước vào thế giới tâm hồn trẻ, tăng thêm ngôn ngữ chung trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái; lại vừa thúc đẩy sự trưởng thành của trẻ.

Đọc sách có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của con người, có thể thay đổi vận mệnh của một con người. Tôi chính là một minh chứng sống.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx