sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 24: Đơn Giản Hóa Những Triết Lý

Khả năng mô phỏng của trẻ rất mạnh, hành vi nói năng và cử chỉ của phụ huynh đều có tác dụng làm gương rất lớn cho trẻ.

Chúng ta lớn lên bằng cách nghe những triết lí, sau khi trưởng thành chúng ta có bản năng là truyền đạt những triết lí này cho trẻ. Sự trưởng thành của trẻ không thể tách rời sự dạy bảo, làm gương của cha mẹ. Trước hết, nói riêng về việc dạy dỗ bằng lời nói, chúng ta phải giảng cho trẻ đạo lí làm người, đúng sai phải trái. Đạo lí nhất thiết phải giảng nhưng phải có phương pháp và kĩ năng. Nếu nắm vững được điều này thì việc giảng đạo lí cho trẻ sẽ có hiệu quả lớn, nếu không thì sẽ mất công vô ích.

Vì vậy, người lớn phải giảng giải những đạo lí đao to búa lớn một cách gần gũi, khéo léo cho trẻ.

Hiện nay phần lớn trẻ em đều có thói quen có vấn đề gì thì hỏi thầy cô hoặc cha mẹ bởi vì thầy cô và cha mẹ đều là người lớn, những gì người lớn nói nhất định là đúng. Tuy có lúc những đạo lí mà cha mẹ giảng giải, trẻ không hiểu lắm nhưng vẫn nghe. Cha mẹ cũng quen với việc gặp chuyện gì liền phân tích cho trẻ những đạo lí trong đó, có lúc thường cảm thấy trẻ không thể hiểu hoặc không thể tiếp nhận quan điểm của họ. Có phải những đạo lí này không đúng? Không phải. Có phải trẻ quá ngang bướng? Cũng không phải. Thế vấn đề là ở đâu?

Câu trả lời của tôi là: Ở cách bạn nói.

Hiện nay có rất nhiều phụ huynh không biết làm thế nào để có thể giảng giải đạo lí với trẻ, họ cho rằng việc giảng đạo lí với trẻ là việc cực kì khó. Cha mẹ nói một cách đao to búa lớn, trẻ vào tai này ra tai kia, không cẩn thận trẻ sẽ bắt lỗi và phản bác lại cha mẹ. Có cha mẹ thì có thể trò chuyện rất sôi nổi với con cái, có cha mẹ lại rất ít thảo luận với trẻ bất cứ điều gì. Họ nói chuyện với trẻ được vài ba câu, trẻ không kiên nhẫn nghe, họ cũng chẳng còn gì để nói. Việc trẻ nghe lời hay không phụ thuộc lớn vào cách nói, kĩ năng nói của các vị phụ huynh khi giảng giải đạo lí cho trẻ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Nhiều lúc trẻ không chịu nghe lời cha là bởi khi giảng giải đạo lí, người cha không diễn tốt vai trò của mình, thường là quá cứng nhắc và nghiêm khắc, vô tình đặt mình vào vị trị đối lập với trẻ. Khi chúng ta giảng giải đạo lí với trẻ phải có thái độ khoan dung, dùng phương thức đóng góp ý kiến để bàn bạc với trẻ, làm cho trẻ cảm thấy cha mẹ không hề ép buộc hay hạn chế mình, từ đó có thể xóa bỏ tâm lí phòng bị, chống đối của trẻ.

Ví dụ khi mua đồ cho trẻ, bạn nhất định phải trưng cầu ý kiến của trẻ, hãy để trẻ lựa chọn về kiểu dáng, màu sắc, nhưng về giá cả thì phụ huynh phải quyết định. Có một lần tôi và vợ đưa Y Y đi mua giày. Trước khi đi chúng tôi đã nói với Y Y rằng nếu mua sandal thì mua dưới 100 tệ, còn giày thể thao thì khoảng 150 tệ. Khi đến trung tâm mua sắm, nhìn các thể loại giày hoa hết cả mắt, Y Y rất sung sướng nhưng sau khi nhìn thấy giá tiền liền xị mặt, bởi vì căn cứ vào giá tiền mà chúng tôi quy định cho con thì chỉ có thể mua những đôi giày mà con không thích lắm. Sau khi phát hiện ra vấn đề này, tôi thương lượng với vợ một lát, sau đó vẫn quyết định nói với con chúng tôi không thể mua cho con những đôi giày quá cao cấp. Bởi vì con còn nhỏ đang trong tuổi lớn, nếu như mua giày đắt, sang năm không đi được thì quá lãng phí. Hơn nữa giày của tôi và vợ tôi cũng chỉ có giá khoảng hai trăm tệ. Sau khi được tôi và vợ tôi làm công tác tư tưởng, cuối cùng Y Y cũng vui vẻ chọn một đôi sandal 80 tệ và một đôi giày thể thao 154 tệ.

Có thể nói vu hồi là một chiến thuật cần thiết khi giảng giải đạo lí với trẻ. Sau đây tôi xin giới thiệu vài phương pháp thường dùng.

Phương pháp câu chuyện: Trẻ 3, 4 tuổi là ở lứa tuổi thích nghe kể chuyện, người cha có thể làm một nhà văn viết truyện cổ tích, ngụ ngôn, dệt nên một câu chuyện để khuyên răn trẻ. Như vậy vừa có thể phân tán sự tập trung của trẻ, tránh để không khí giữa hai cha con trở nên căng thẳng, lại có thể phát huy tác dụng giáo dục. Khi trẻ tập trung nghe kể chuyện và đặt câu hỏi, bạn còn có thể giúp trẻ hoàn thành một số việc mà vốn dĩ trẻ không muốn làm (như là ăn cơm, mặc quần áo).

Phương pháp ngược hướng: Thuận theo ý muốn của trẻ để làm một việc gì đó đồng thời làm quá việc đó lên một chút, để trẻ thấy được tác hại của nó. Ví dụ, vào mùa đông sau khi tắm xong, trẻ chỉ mặc một bộ quần áo mỏng chơi đùa, dù bạn đã nói với trẻ mặc như vậy sẽ bị cảm lạnh, trẻ vẫn không nghe. Thế là cho trẻ cởi quần áo ra luôn. Trẻ lạnh không chịu được sẽ muốn mặc quần áo.

Phương pháp tạo tình huống: Khi cùng trẻ xem các chương trình thiếu nhi, bạn có thể chỉ ra cho trẻ những hành vi không đúng của bạn nhỏ trong chương trình, và khen ngợi những bạn nhỏ có hành vi đúng đắn. Bạn sẽ phát hiện ra tiêu chuẩn đúng sai của trẻ thực ra rất rõ ràng, việc phân biệt tốt xấu cơ bản không thành vấn đề. Ví dụ bạn đã nhiều lần nói với trẻ rằng nếu trẻ con không giữ vệ sinh, vi khuẩn sẽ chui vào bụng đánh nhau với tế bào, làm cho trẻ con bị ốm, sốt. Nhưng trẻ không bận tâm, sau này khi xem một bộ phim khoa học nói về hệ thống miễn dịch của con người đối kháng virus cảm cúm, tôi gọi con đến xem. Sau khi xem xong bộ phim này, con có tiến bộ rõ rệt trong việc rửa mặt mũi chân tay.

Phương pháp đổi vị trí: Khi cùng trẻ chơi trò chơi, người cha có thể đổi vai cho trẻ. Ví dụ cho trẻ làm bác sĩ để châm cứu cho cha, cha có thể khóc ầm lên, chân tay múa máy loạn xạ và yêu cầu cha mẹ (lúc này là trẻ) đủ thứ giống như những đứa trẻ khi đến bệnh viện. Kết quả trẻ sẽ làm giống như các bậc cha mẹ vẫn thường làm, đó là nghiêm khắc phê bình người cha không được khóc ầm lên, chân tay không được cử động lung tung như vậy.

Lòng tự trọng và danh dự của trẻ rất lớn. Nếu người cha có thể tinh tế phát hiện những ưu điểm của trẻ, kịp thời khẳng định thì sẽ kích thích lòng tự hào và danh dự của trẻ, đồng thời làm cho những hành vi tốt được củng cố và được tự giác hóa. Ví dụ trẻ thích được nghe chuyện hồi nhỏ của mình, thì cha mẹ có thể hư cấu ra một số ưu điểm lúc nhỏ của trẻ, thường xuyên nói với con: “Hồi nhỏ con rất ngoan, rất sạch sẽ, ăn cơm cũng rất giỏi...”. Như vậy, trẻ sẽ rất tự hào. Lúc này, cha mẹ yêu cầu trẻ làm như hồi nhỏ, trẻ thường rất vui vẻ làm theo.

Muốn làm cho việc giáo dục thực sự có hiệu quả sâu sắc, nhất định cha mẹ phải dùng những hành động cụ thể và sự hấp dẫn về nhân cách để ảnh hưởng đến trẻ. Khả năng mô phỏng của trẻ là rất mạnh, cử chỉ, lời nói, phương thức, hành vi của người lớn đều có tác dụng làm gương lớn đối với trẻ. Vì thế người cha muốn bồi dưỡng cho trẻ những thói quen tốt thì đầu tiên phải tu dưỡng chính bản thân mình.

Trong việc giáo dục Y Y, tôi thường cố gắng dùng những câu chuyện nhỏ để giảng giải rõ ràng đạo lí lớn, làm cho con lí giải được điều sâu xa trong đó bằng những ngôn ngữ hết sức đơn giản rõ ràng.

Có một người cha kể về con trai của ông ta với tôi rằng “Con tôi thích mở vòi nước thật to để nghịch. Hôm qua, nó lại làm như vậy. Tôi liền nói với con: Con biết không? Con mở nước to như vậy, nhưng trên thế giới có biết bao nhiêu bạn nhỏ khác không có nước để uống, ví dụ như ở châu Phi. Hơn nữa, nước này là ông bà phải vất vả kiếm tiền để mua”. Kết quả là ngay lập tức đứa trẻ đóng vòi nước lại. Đến khi người cha rửa tay, nó liền nói to: “Cha mở nước nhỏ thôi, ông bà phải kiếm tiền để mua nước đấy”. Trong cuộc sống của trẻ, đương nhiên ông bà quan trọng hơn những bạn nhỏ ở châu Phi, nhưng đứa trẻ tối thiểu cũng biết được một lí do vì sao nên vặn nước nhỏ. Và khi nó lớn hơn, nó sẽ hiểu ra lí do còn lại.

Tóm lại, bạn hãy nhớ rằng giảng giải đạo lí cho trẻ phải kiên trì, phải đơn giản hóa các đạo lí lớn lao.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx