sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 25: Bảo Vệ Lòng Tự Trọng Của Trẻ

Trẻ càng nhỏ, tâm hồn càng mỏng manh, dễ bị tổn thương. Như vậy chúng ta càng phải bảo vệ cẩn thận.

Thông qua việc quan sát, Đông Tử thấy rất nhiều phụ huynh đối xử với trẻ như trong một câu đối: “Tôi nói anh được là được, không được cũng phải được; tôi nói anh không được là không được, được cũng không được”. Thế là: “Mẹ nói không cho phép là không cho phép!”, “Cha bảo con như thế nào thì con làm như thế ấy!”.

Khi gặp tình huống này trẻ liền không dám nói ra ý kiến của mình nữa. Đương nhiên những việc cha mẹ không cho phép trẻ làm, hầu như đều có lí do, nhưng cha mẹ dùng lời lẽ, thái độ thô bạo thì chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Nếu cha mẹ có thể bảo vệ, bồi dưỡng lòng tự trọng của trẻ ngay từ nhỏ, sẽ có lợi ích trong suốt cuộc đời trẻ. Một người có lòng tự trọng sẽ tôn trọng người khác, sẽ yêu thương bảo vệ bản thân mình, một người có lòng tự trọng sẽ có ích với xã hội, sẽ có tình thương yêu với người khác.

Rất nhiều người cha cho rằng, trẻ không biết gì, giảng giải như thế nào cũng vô ích, thà rằng cứ ra lệnh dứt khoát, rõ ràng. Trẻ dưới 3 tuổi quả thực rất khó có thể hiểu chuyện, nhưng các phụ huynh hoàn toàn có thể thông qua biểu hiện, hành động, giọng điệu làm cho trẻ nhận biết được làm thế nào là đúng, làm thế nào là sai. Trẻ trên 3 tuổi dễ dàng nhận thức được phải trái đúng sai, đến lúc đó thì chỉ cần giảng giải cho trẻ rõ ràng là được. Cũng có một số người cha cho rằng suy nghĩ tâm tư của trẻ đơn giản, cho dù bị mắng mỏ một lúc là sẽ quên, cũng giống như việc trẻ giận dỗi nhau.

Thực ra không phải như vậy, suy nghĩ tâm tư của trẻ rất nhạy cảm, cũng rất mỏng manh, rất dễ bị tổn thương. Bạn bè chơi với nhau thông thường trẻ không so đo, tính toán, nhưng lại rất để ý các hành vi lời nói của cha mẹ. Nếu cha mẹ không hề tôn trọng trẻ, động tí lại mắng mỏ chỉ trích, mà không giải thích rõ ràng cho trẻ, hoặc rõ ràng biết mình hoàn toàn vô lí, trẻ có lí, cũng kiên quyết không cúi đầu xin lỗi trẻ, mà còn cố tình bắt trẻ làm theo ý của mình; thì sẽ khiến trẻ khẩu phục nhưng tâm không phục, lâu dần sẽ nảy sinh tâm lí chống đối mạnh mẽ, bạn nói gì trẻ cũng không thích nghe, không muốn làm, có thái độ ngang bướng; hoặc sẽ trở thành đứa trẻ sợ hãi, phục tùng, không hề có chính kiến của bản thân, cha mẹ chỉ đâu con đánh đấy, những đứa trẻ như vậy không có cá tính, không có tiền đồ.

Những trẻ khác nhau có rất nhiều điểm khác nhau, có trẻ xinh có trẻ xấu, có trẻ cao có trẻ thấp, có trẻ thông minh nhanh nhẹn, có trẻ lại rất chậm chạp... Trẻ rất dễ cảm nhận được những lời bình phẩm từ bên ngoài đối với trẻ, cho nên một trong những công việc giáo dục trẻ của cha mẹ là bảo vệ và bồi dưỡng lòng tự trọng của trẻ.

Bảo vệ lòng tự trọng của trẻ, phải chú tâm từ những việc nhỏ nhất, đặc biệt là ở nơi công cộng, càng phải giữ thể diện cho trẻ. Tâm hồn của trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm, nếu coi trẻ là một đứa trẻ không hiểu biết mà phê bình, mắng mỏ, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, sẽ khiến trẻ dễ nảy sinh cảm giác tự ti, nhút nhát, lo âu thậm chí căm ghét và thù hận, chống đối. Trẻ càng nhỏ, tâm hồn càng mỏng manh, càng dễ bị tổn thương. Chúng ta càng phải bảo vệ cẩn thận. Chúng ta có thể quan tâm nhiều hơn đến nội tâm của trẻ, cho trẻ những nụ cười và ánh mắt quan tâm, cho trẻ sự ủng hộ và sự thông cảm, quan tâm đến trẻ bằng những hành động cụ thể (xoa đầu, vỗ vai...). Hãy giữ thể diện cho trẻ, không được mắng mỏ trẻ, không được than phiền về những lời trẻ nói hay những việc trẻ làm trước mặt người khác. Làm trẻ mất đi lòng tự trọng rất dễ, nhưng xây dựng lại lòng tự trọng ấy lại là một quá trình lâu dài và rất khó khăn.

Trong việc giáo dục Y Y, tôi rất chú trọng bảo vệ lòng tự trọng của con, giúp con xây dựng lòng tự trọng, cho dù là một chuyện nhỏ, những điểm có thể khuyến khích tôi nhất định sẽ khen ngợi con, để con có thể trưởng thành một cách vui vẻ, khỏe mạnh. Từ nhỏ con đã thích viết văn, tôi thường mỉm cười đọc to những “tác phẩm” của con, đây là phương thức trực tiếp nhất thể hiện sự khen ngợi của tôi dành cho Y Y. Từ khi Y Y viết câu đầu tiên, tôi đã trở thành người đọc đầu tiên của Y Y, và còn là người đọc “trung thành” nhất. Chỉ cần Y Y cho tôi xem những gì con viết, bất luận là viết cái gì, bất luận là hay dở thế nào, tôi đều đọc to từ đầu đến cuối, gặp câu nào hay, tôi sẽ đọc lại lần nữa, đồng thời không quên khen ngợi: “Ôi, câu này viết thật hay!”. Chỉ cần bắt được điểm sáng nào đó trong câu chữ, tôi cũng ngay lập tức khẳng định và khen ngợi hết lời, để con hưởng thụ niềm vui thành công, niềm vui viết lách.

Một ngày vào tháng 10 năm 2005, khi đó Y Y 9 tuổi, đột nhiên Y Y có nhã hứng làm thơ. Con chưa từng làm thơ, càng không hề biết làm thơ như thế nào, sau khi ăn tối xong con không xem bộ phim hoạt hình mình yêu thích, mà bò ra bàn vắt óc suy nghĩ một hồi và bài thơ đầu tiên - Mặt trời đã ra đời:

Mặt trời, nếu một ngày mất đi bạn

Thì sẽ không có chim bay trên trời, không có loài vật chạy dưới đất;

Mặt trời, bạn có mối quan hệ mật thiết với muôn loài trên trái đất

Nếu như không có bạn, hoa cỏ héo khô, chim ngừng hót, nhân loại cũng không thể tồn tại;

Mặt trời, bạn cống hiến cho nhân loại, nhân loại mãi mãi không quên bạn.

Khi con hào hứng đem bài thơ không có chút vần điệu nào này cho tôi xem, tôi không khen ngợi con vài câu qua loa cho xong chuyện như các phụ huynh khác, mà đọc to một lần, sau đó khen con: “Con gái của cha lần đầu tiên làm thơ đã làm hay như thế, thật là giỏi! Cha tin sau này con sẽ viết ra được những bài thơ còn hay hơn thế này!”.

Ngày hôm sau, tôi đăng nguyên văn bài thơ này lên một trang web mà tôi thiết lập cho Y Y, để những người vào trang mạng của con đều có thể được đọc bài thơ đầu tiên của Y Y. Tôi nói với con: “Đây chính là sự ghi lại mốc trưởng thành của con, không ai sinh ra là đã biết làm thơ ngay, bài thơ đầu tiên trong cuộc đời của những nhà thơ lớn chưa chắc đã hay bằng thơ của con”. Y Y nghe xong rất vui: “Ha ha, cha thích những bài thơ mà con viết, thơ của con có thể được trưng bày ở trên mạng rồi”.

Sau đó, Y Y viết mấy bài thơ nữa, mỗi bài tôi đều đánh giá, đương nhiên khen ngợi nhiều, còn việc hướng dẫn, dẫn dắt con tôi phải làm một cách khéo léo.

Y Y nói, mỗi lần hoàn thành xong một bài văn, nhận được sự khen ngợi của cha, trong lòng rất vui, cảm giác việc viết văn là một việc vui vẻ, giúp mình thư giãn, mình thật là giỏi!

Giả sử khi Y Y đưa bài thơ đầu tiên mà con viết cho tôi xem, tôi lại nhăn mặt nói: “Thơ gì đấy? Đây cũng gọi là thơ sao? Không biết viết thì đừng viết linh tinh”. Như vậy thì Y Y sẽ nghĩ thế nào, con nhất định sẽ nói ra một câu thoại kinh điển trong tiểu phẩm của Tống Châu Châu: “Làm tổn thương lòng tự trọng quá đấy!”. Cứ như vậy, cho dù con có hứng thú viết bài thơ thứ hai, thì con cũng không có hứng cho tôi xem nữa.

Khen ngợi giống như phân bón rải trên mảnh đất tấm hồn trẻ, có khen ngợi thì lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

“Con à, con hôi như lợn ấy, mau đi tắm ngay”, có thể các phụ huynh đùa trẻ như vậy là chỉ mong muốn trẻ xấu hổ mà tiến bộ; nhưng trẻ rất dễ tưởng là thật, khiến trẻ thấy ngại, thậm chí cảm thấy tự ti, nghĩ mình là một đứa trẻ “hôi”.

Những lời nói trong gia đình dưới hình thức như mệnh lệnh, phẫn nộ, trách mắng, đều làm cho trẻ cảm thấy sự coi thường của người lớn với trẻ. Nếu như người cha thường giữ lịch sự khi giao lưu với trẻ, sử dụng các lời nói lịch sự như “mời”, “xin lỗi”, “cảm ơn”, “không phải khách sáo”, trẻ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ đối với trẻ.

Trong quá trình trưởng thành, trẻ phải trải qua vô số lần thất bại, các phụ huynh phải cho phép trẻ thất bại, đồng thời an ủi và động viên trẻ. Khi trẻ thất bại người cha cần phải bảo vệ và ủng hộ về mặt tinh thần cho trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được sự tin tưởng và thông cảm của cha mẹ dành cho mình.

Cho dù là ưu điểm nhỏ nhất của trẻ, cũng phải kịp thời khẳng định và khích lệ. “Cha ơi, ngày mai con phải đến trường sớm, vì ngày mai tổ con trực nhật”. “Được rồi, cha sẽ dậy sớm đưa con đến trường”. “Cha yên tâm, chúng con sẽ quét dọn lớp học gọn gàng sạch sẽ”. “Con thật giỏi”.

Đối với những biểu hiện tốt của trẻ, chúng ta phải kịp thời khen ngợi; đối với những lỗi sai của trẻ, chúng ta phải điều chỉnh, hướng dẫn trẻ. Chúng ta cần tránh những lời nói và biểu hiện phủ định, giễu cợt chê bai trẻ; hãy cho trẻ biết trong lòng bạn trẻ là một đứa trẻ tốt.

Con người đều sẽ mắc lỗi hoặc có những thiếu sót, nếu như người cha có lỗi, phải kịp thời xin lỗi trẻ. Ví dụ: “Tiểu Cương, cha rất xin lỗi con, cha không thể mua được chiếc bút bi để con dùng khi đi thi, hay là con dùng chiếc bút bên tay con được không”. “Tiểu Mai, cha đến muộn, con đợi cha ở trường chắc sốt ruột lắm phải không? Sau này cha nhất định sẽ đến đón con đúng giờ”.

Về việc xin lỗi trẻ, tôi cũng có trải nghiệm. Con gái được 12 tuổi, trong những năm qua cũng có nhiều lần vì nguyên nhân này hay nguyên nhân kia, tôi trách nhầm, hiểu lầm, mắng oan con gái mấy lần; khi ý thức được là mình sai, tôi đều kịp thời xin lỗi con, và nhận được sự tha thứ của con. Hành động này giúp tôi nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của con gái, từ đó mà quan hệ cha con ngày càng hòa hợp hơn.

Hãy cho trẻ biết cha mẹ cũng là người bình thường, cũng sẽ mắc sai lầm. Trẻ ghét nhất sự giả dối của người lớn, bạn thành thật nói với trẻ một câu “Xin lỗi con, cha sai rồi, tha lỗi cho cha nhé”, trẻ sẽ thu được những điều bổ ích từ đó, học được cách làm người, học được cách rộng lượng tha thứ người khác.

Bảo vệ lòng tự trọng, tôn trọng nhân cách của trẻ là điều rất quan trọng. Nếu như người cha không chú ý đến phương thức giáo dục, thường xuyên làm trẻ mất mặt, sẽ làm cho trẻ trơ lì, vô hình trung sẽ khiến các thói quen xấu càng được củng cố. Chỉ có làm một người cha tôn trọng trẻ, mới có thể bồi dưỡng nên một đứa trẻ có lòng tự trọng, tự tin, vui vẻ, khỏe mạnh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx