sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 27: Lắng Nghe Tâm Sự Của Trẻ

Trẻ càng nhỏ càng muốn được nói, người cha nên kiên nhẫn và hào hứng lắng nghe, bởi vì đây là thời điểm đẹp nhất để hai thế hệ giao lưu trò chuyện.

Các phụ huynh hiện đại không nên chỉ nỗ lực cho trẻ một cuộc sống vật chất đầy đủ, mà còn phải dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu tính cách, hứng thú của trẻ, làm cho tâm hồn của mình gần gũi và thân thiết hơn với tâm hồn của trẻ.

Trong quá trình trưởng thành của trẻ, người lắng nghe tốt nhất, người trẻ muốn nói chuyện nhất là cha mẹ. Mỗi ngày cha mẹ nên dành hai tiếng, một tiếng, thậm chí là nửa tiếng để lắng nghe những ý nghĩ tâm sự trong lòng trẻ, như vậy mới có thể thật sự nhìn thấy ưu nhược điểm của trẻ, rồi hướng dẫn trẻ khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, kích thích trí tuệ và năng lực trên mọi phương diện của trẻ.

Lắng nghe cũng là một cách yêu thương.

Có lúc phải nhìn vào nội tâm của trẻ qua lời trẻ nói. Thực ra người lớn có rất nhiều định kiến, họ cảm thấy trẻ không hề có suy nghĩ gì, trẻ rất đơn giản, ngây thơ, không hiểu biết. Thực ra chưa chắc là như vậy. Không lắng nghe thì khó phát hiện. Có lúc một vài lời nói của trẻ là những thông tin rất chân thực và đáng quý. Chúng ta phải học cách phiên dịch, học cách tiếp tục hỏi trẻ. Bạn có thể trìu mến ôm trẻ vào lòng hỏi trẻ: “Vậy à? Chuyện thế nào?”, để giúp trẻ bình tĩnh tiếp tục nói ra chân tướng sự việc, lúc này bạn mới có được thông tin quan trọng, từ đó đưa ra phán đoán hợp lí. Lắng nghe là một cách yêu thương, nghệ thuật lắng nghe là nghệ thuật giáo dục.

Quan tâm chú ý đến sự thay đổi tâm trạng của trẻ, nghiêm túc lắng nghe từng câu nói của trẻ. Khi chúng ta giáo dục trẻ, người cha thường đóng vai trò chủ động. Người cha rất dễ mắc sai lầm là khi nhìn thấy trẻ có vấn đề gì liền nói thao thao bất tuyệt. Trong mắt người cha, phải phê bình trẻ thật nhiều thì trẻ mới tiến bộ. Thực ra suy nghĩ và cách làm như vậy là không thông minh. Tại sao? Bởi vì bạn quá vội vàng mà bỏ qua phản ứng của trẻ. Có thể trẻ hoàn toàn không hiểu lời nói của bạn, hoặc là vào tai này ra tai kia, như thế sự giáo huấn của bạn không hề phát huy tác dụng, mà còn làm mối quan hệ cha con trở nên xấu đi.

Trẻ càng nhỏ càng muốn được nói, người cha nên kiên nhẫn và hào hứng lắng nghe, bởi vì đây là thời điểm đẹp nhất để hai thế hệ giao lưu trò chuyện. Tại sao rất nhiều cha mẹ phàn nàn trẻ càng lớn càng không thích trò chuyện với họ, một trong những nguyên nhân lớn là khi trẻ còn nhỏ, việc trẻ giãi bày tâm sự không nhận được sự coi trọng thực sự của bạn, vì thế dần dần trẻ không muốn trò chuyện với bạn nữa. Khi có cảm giác an toàn và tin cậy, trẻ mới có thể nói với người lớn những bí mật trong tâm hồn trẻ. Thực ra, trẻ càng nhỏ thì càng dễ trò chuyện giao lưu. Nếu bạn kiên trì thì khi lớn lên trẻ cũng sẽ quen trò chuyện với bạn.

Cha mẹ hãy yêu thương trẻ vô điều kiện, hãy vui buồn cùng trẻ, để có thể thường xuyên lắng nghe được tiếng lòng của trẻ. Đây là tiền đề thành công của việc giáo dục.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Tôi từng đọc một câu chuyện như sau:

Có một đứa trẻ thường xuyên đi học muộn, giáo viên đã tìm gặp cha đứa trẻ nói chuyện về việc này. Sau khi biết sự việc, người cha không đánh mắng con. Trước khi đi ngủ, ông ta hỏi con trai: “Hãy nói với cha, tại sao con đi sớm như vậy lại thường xuyên đến muộn?”. Lúc đầu cậu bé yên lặng, sau đó khi thấy cha không hề có ý trách móc, cậu bé liền nói: “Con ngồi xem mặt trời mọc ở bên sông, thật là đẹp! Mải mê ngắm mặt trời, con quên cả thời gian đến lớp”. Người cha nghe xong bật cười. Buổi sáng sớm ngày hôm sau, người cha liền cùng con đi xem mặt trời mọc, nhìn cảnh sắc trước mặt, người cha xuýt xoa: “Thật là đẹp, con trai, con thật là giỏi!”. Ngày hôm đó, cậu bé không đến muộn. Tan học trở về nhà, cậu bé phát hiện trên bàn có một chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp, bên dưới có một tờ giấy viết: “Bởi vì mặt trời mọc rất đẹp, cho nên chúng ta càng phải trân trọng thời gian và cơ hội học tập, con nghĩ có đúng không? Cha rất yêu con!”.

Đây là một người cha tốt hiểu sâu sắc về tình yêu. Yêu thương con trẻ, không thô bạo trách mắng con trẻ, không trừng phạt con trẻ một cách vô tình, mà là lựa chọn cách lắng nghe. Trong khi lắng nghe, người cha đã dùng tình yêu thương, khoan dung, kiên nhẫn, động viên khích lệ trẻ, tạo cho trẻ môi trường trưởng thành hạnh phúc, ấm áp. Thử nghĩ xem, nếu như sau khi người cha nói chuyện với cô giáo xong, không hỏi rõ mọi chuyện mà đánh mắng trẻ một trận, kết quả sẽ như thế nào? Thiết nghĩ chắc chắn tấm lòng yêu cuộc sống, tinh thần phát hiện và thưởng thức cái đẹp của con trẻ sẽ không còn nữa.

Phụ huynh chúng ta rất nhiều người có tài ăn nói, nhưng rất khó tìm thấy người biết lắng nghe. Chúng ta dùng phần lớn thời gian để phê bình và dạy dỗ trẻ, lơ là việc lắng nghe tiếng lòng của trẻ. Có phụ huynh than phiền: “Thật không biết con tôi nghĩ thế nào, nó chẳng bao giờ chịu ngoan ngoãn nghe lời tôi gì cả”. Tôi thường hỏi ngược lại: “Làm cha mẹ, anh đã từng lắng nghe con cái bao giờ chưa?”. Mục tiêu của cha mẹ là nuôi nấng dạy dỗ trẻ nên người, nhưng cha mẹ có thể bước vào thế giới tâm hồn của trẻ hay không, có thể lắng nghe tiếng lòng trẻ hay không, là mấu chốt quyết định sự thành công của việc giáo dục.

Quá trình giáo dục là quá trình giao lưu đối thoại bình đẳng giữa người giáo dục và người được giáo dục. Để thực hiện sự đối thoại bình đẳng này, người cha nhất định phải chủ động tiếp xúc với trẻ. Tiếp đó, người cha phải chăm chú lắng nghe trẻ, tạo nên không khí vui vẻ để bình đẳng đối thoại với trẻ. Khi lắng nghe trẻ, người cha phải có một tâm niệm: Cha mẹ và con cái là bình đẳng, mỗi trẻ đều có nhu cầu được tôn trọng và được tin cậy. Chỉ có làm cho trẻ cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ đối với trẻ, trẻ mới có thể càng tin tưởng cha mẹ, coi cha mẹ là những người bạn tri âm, khoảng cách giữa cha mẹ và trẻ bị xóa bỏ. Như vậy, quá trình bồi dưỡng dạy dỗ trẻ sẽ trở thành một sự hưởng thụ tốt đẹp.

Không ít trẻ có suy nghĩ như sau: “Mỗi khi ý kiến của tôi và cha không thống nhất, cha đều lấy quyền của một người cha để ép tôi, không cho tôi nói, có lúc phê bình một cách rất vô lí”. Việc cha mẹ không cho trẻ phát biểu ý kiến của mình, cũng không hề điều tra, tìm hiểu ngọn ngành của vấn đề, mà một mực tức giận, đã đi ngược lại mục đích của giáo dục.

Thực ra, giữa cha mẹ và con cái nảy sinh mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Chúng ta phải để trẻ được nói ý kiến của mình, kiên trì lắng nghe trẻ. Nếu không đợi trẻ nói xong, cha mẹ đã đưa ra kết luận chủ quan, thì tất nhiên sẽ đem đến một loạt những hậu quả tiêu cực, trong đó tâm lí chống đối của trẻ sẽ biểu hiện mãnh liệt nhất. Mỗi người đều hi vọng người khác tôn trọng mình, trẻ cũng như vậy, cha mẹ tôn trọng trẻ, thì những lời cha mẹ nói mới phát huy tác dụng.

Trong một buổi tụ họp, một vị khách muốn thử đứa con chủ nhà, bèn hỏi: “Nếu như cháu điều khiển một chiếc máy bay chở hành khách đang bay trên bầu trời, đột nhiên phát hiện chiếc máy bay có vấn đề, xảy ra sự cố hết dầu, cháu sẽ làm thế nào?”.

Đứa trẻ thẳng thắn trả lời: “Cháu sẽ nhanh chóng nhảy dù, để họ ở trên máy bay đợi cháu, cháu phải là người nhảy dù đầu tiên!”.

Rất nhiều vị khách sau khi nghe xong liền cười ầm lên, có vị khách cười nghiêng ngả, họ cảm thấy đứa trẻ thật khôn ngoan, khi phát sinh sự cố thì nghĩ đến việc cứu sống bản thân mình trước.

Nhưng lúc này người cha của cậu bé tiếp tục hỏi: “Sau đó thì sao?”.

Cậu bé nói: “Con đi mua dầu, sau đó quay lại cứu họ”.

Nghe đến câu này, tiếng cười của các vị khách đột nhiên ngừng lại. Họ không thể ngờ được một cử chỉ ngây thơ đơn thuần của đứa trẻ lại hàm chứa một tấm lòng bác ái như vậy.

Người cha này có một điểm đáng quý, đó là tiếp tục lắng nghe trẻ nói để hiểu được ý nghĩ thực sự của trẻ. Có lúc vì chúng ta có định kiến với trẻ, cho rằng trẻ không biết nghĩ hoặc cho rằng trẻ ích kỉ, mơ mộng hão huyền mà hiểu lầm thậm chí trách oan trẻ. Thực ra trẻ cũng có tâm hồn phong phú, chúng ta phải đặc biệt chú ý lắng nghe tiếng lòng của trẻ.

Phí Hiếu Thông - nhà xã hội học nổi tiếng - từng nói: “Trẻ con thường không hiểu lời người lớn nói, trẻ hiểu được đạo lí từ việc nhìn chứ không phải việc nghe”. Chúng ta nhất định phải thông cảm cho đặc điểm này của trẻ. Bạn hiểu trẻ càng nhiều, bao dung càng nhiều, sự giáo dục của bạn với trẻ càng có hiệu quả cao.

Đông Tử làm một trắc nghiệm nhỏ với các vị phụ huynh xem tình huống dưới đây bạn sẽ giải quyết thế nào?

Sau khi tan học về nhà trẻ nói với bạn một việc: “Hôm nay ở trường con bị cô giáo xử phạt...”, bạn sẽ có phản ứng nào trong những phản ứng dưới đây:

Phản ứng 1: “Tại sao? Có phải con không nghe lời không?”.

Phản ứng 2: “Bây giờ cha rất bận, lát nữa rồi nói”.

Phản ứng 3: “Được rồi, không phải buồn, lần sau sửa là được”.

Phản ứng 4: “Nhìn con rất buồn, có muốn nói với cha đã xảy ra chuyện gì không?”.

Nếu bạn là cha của đứa trẻ, bạn sẽ chọn phản ứng nào?

Tôi cho rằng đa số những người cha sẽ không chọn phản ứng thứ tư, nhưng điều mà trẻ hi vọng nhất chính là phản ứng thứ tư. Thông thường tâm trạng là cảm giác không nhìn thấy không sờ được, cha mẹ nên vận dụng ba đoạn nhạc “dừng lại, nhìn nhận, lắng nghe” để hoàn thành bản nhạc trò chuyện tốt đẹp giữa hai cha con. “Im lặng” là dừng lại tất cả mọi việc đang làm, tôn trọng đối phương, cho trẻ thời gian và không gian biểu đạt; “nhìn nhận” là quan sát kĩ lưỡng những hành vi phi ngôn ngữ như biểu hiện trên khuôn mặt trẻ, tư thế và những động tác trên cơ thể trẻ...; “lắng nghe” là chú ý lắng nghe trẻ nói gì, để ý tới ngữ khí khi nói chuyện, đồng thời nói với trẻ những câu ngắn gọn như “Con cảm thấy thầy cô không công bằng”, “Con rất tức giận vì bị nghi oan”... để dẫn dắt trẻ nói ra ý nghĩ và cảm nhận của mình.

Có thể những hành vi của trẻ có chỗ không đúng, nhưng cũng không nên vội vàng phê bình và sửa chữa. Sau khi lắng nghe, bạn hãy thử đón nhận trẻ bằng những câu như “Cha hiểu...”, “Cha cảm nhận được...”. Bạn đừng lo lắng trẻ sẽ hiểu lầm ý của bạn, bởi vì gật đầu không có nghĩa là tán thành, đón nhận cũng không có nghĩa là đi ngược lại lập trường của bản thân. Đợi trẻ giãi bày tâm sự xong, tâm trạng ổn định, bạn dùng thái độ dịu dàng, kiên định cùng trẻ thảo luận phương hướng giải quyết, ví dụ “Có cách nào để không bị phạt nữa”, “Sau này sửa đổi như thế nào”... Cách này khuyến khích trẻ suy nghĩ, giúp trẻ học tập trưởng thành từ những lỗi lầm của mình.

Thực ra mỗi đứa trẻ đều hi vọng nhận được sự coi trọng của cha mẹ, trong cuộc sống thực tế các bậc cha mẹ đều vô cùng coi trọng con cái của mình nhưng tại sao trẻ không cảm nhận được? Tại sao lại có rất nhiều trẻ thường xuyên trách cha mẹ không hiểu mình, không để ý đến mình? Trong rất nhiều tình huống đều là cha mẹ làm không đúng cách, không nghiêm túc lắng nghe cách nghĩ của trẻ, vì coi trẻ là trẻ con nên không tôn trọng cảm giác của trẻ. Lâu dần trẻ không muốn trò chuyện với cha mẹ, hố sâu khoảng cách giữa cha mẹ và con trẻ càng ngày càng khó san bằng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx