sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 28: Làm “Anh Em” Của Trẻ

Tác phẩm “Bối cảnh” của tác gia Chu Tự Thanh đã miêu tả rất đúng và hay mối quan hệ cha con ở Trung Quốc, đó là tình cảm rất sâu sắc nhưng không biết cách biểu đạt.

Một nhà báo thường trú tại Mĩ có một bài viết như sau:

Ở Mĩ tôi từng viết bài về một vụ án làm người ta suy nghĩ. Một cô bé Hoa kiều tài giỏi khi sắp tốt nghiệp trung học, tham gia một bữa tiệc thác loạn. Sáng sớm cô bé cùng các bạn ngồi xe về nhà, lúc gần đến nhà người bạn lái xe trong cuộc vui uống thuốc lắc nên đột nhiên hôn mê, kết quả là xe đâm thẳng vào cây to bên đường, khiến ba người tử vong, cuộc sống tốt đẹp kết thúc. Trong tang lễ, cha của cô bé này nói với tôi, đọc nhật kí của con gái, ông cảm thấy vô cùng hối hận và áy náy, tuy hàng ngày sớm tối ở bên con nhưng ông lại không hiểu được thế giới tâm hồn của con.

Ví dụ trên phản ánh tầm quan trọng trong việc giao lưu gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Trong văn hóa Trung Quốc, cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái thường xuất hiện hiện tượng một bên là chính bên kia là phụ; đối với con cái, trò chuyện với cha mẹ nhiều lúc không được cởi mở như nói chuyện với bạn bè mình.

Ở Mĩ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái coi trọng tính bình đẳng, già không được tỏ vẻ bề trên, nhỏ không nên nghĩ mình còn nhỏ nên làm sai cũng chẳng sao. Con cái theo đuổi sự tự do từ nhỏ, đến khi học trung học cơ sở thì phải tự mình quyết định một số việc. Vai trò của cha mẹ cơ bản chỉ hướng dẫn là chính, rất ít khi cha mẹ lấy quyền uy để ép trẻ làm những việc trẻ không muốn làm. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái giống như những người bạn, cha và con cũng sẽ trở thành những người anh em tốt.

Gần đây, một báo cáo nghiên cứu so sánh tình hình quyền và lợi ích của học sinh trung học ở bốn nước Trung - Nhật - Hàn - Mĩ đã cho thấy, vị trí của người cha trong lòng học sinh của bốn nước đều không cao. Điều này có liên quan đến sự phân công xã hội, bởi vì người cha thường làm nhiệm vụ kiếm tiền nuôi gia đình, khi phải đối mặt với áp lực công việc và cuộc sống hối hả, bất giác lơ là việc giao lưu trò chuyện với con cái. Học sinh Trung Quốc khi buồn thà tìm bạn trên mạng còn hơn tìm cha để nói chuyện, điều này cho thấy hiện tượng xa cách giữa cha và con ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn ba nước còn lại.

Hiện tượng trên có liên quan đến truyền thống văn hóa của Trung Quốc. Tác phẩm Bối cảnh của tác gia Chu Tự Thanh đã miêu tả rất hay và đúng mối quan hệ cha con ở Trung Quốc, đó là tình cảm rất sâu sắc nhưng không biết cách biểu đạt. Ví dụ cha và con ở các nước phương Tây nhất định phải ôm nhau, nhưng ở Trung Quốc lại không như vậy. Bao năm qua, vai trò tình yêu của người cha được định hình là cao như núi, nhưng tại sao giữa cha và con lại thiếu hụt sự giao lưu về tình cảm?

Trong tiến trình hơn hai nghìn năm của chế độ phong kiến Trung Quốc, chế độ phụ quyền “phụ vi tử cương” (con cái phải nghe lời cha) đã quyết định mối quan hệ phục tùng và giáo huấn giữa cha và con, ngăn cản sự giao lưu tình cảm cha con. Trong báo cáo trên cũng có thể thấy: Học sinh Trung Quốc có tỉ lệ nói chuyện với cha mẹ ít nhất nhưng lại có tỉ lệ cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ cao nhất. Điều này cho thấy cha mẹ Trung Quốc không hề thiếu quan tâm và tình yêu đối với con cái mà chỉ là phương thức và nội dung yêu thương không đúng: Chỉ coi trọng việc học hành của con, mà coi thường những vấn đề về tâm lí của con cái.

Khi tôi còn nhỏ, cha là người bề trên, nếu như coi cha là “anh em bạn bè” thì đúng là đại nghịch bất đạo. Đây chính là truyền thống văn hóa Trung Quốc.

Tôi luôn luôn cho rằng, phải tiếp nhận một cách có phê phán văn hóa truyền thống; đồng thời với việc kế thừa những điều tổ tiên lưu giữ lại, chúng ta còn phải phát triển, sau đó hình thành nên những giá trị hiện đại. Làm cha cũng như vậy. Sau khi làm cha, quan hệ của tôi với con gái không chỉ là quan hệ cha con truyền thống mà còn là quan hệ thầy trò, bạn bè, quan hệ bạn bè ở một mức độ có thể gọi là “anh em”. Như vậy người cha như tôi không hề mất uy danh, mà thậm chí còn càng nhận được sự tôn trọng của con, làm mối quan hệ cha con càng hòa hợp.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Rất ít người cha thân thiết gần gũi với trẻ, nhưng lại có rất nhiều người cha xa cách với trẻ. Liệu có phải là trẻ không muốn gần gũi cha? Đương nhiên không phải.

Chúng ta hãy làm một trắc nghiệm nhỏ để tìm ra nguyên nhân. Khi trả lời, đầu tiên đừng tìm lí do, chỉ chọn một đáp án “có” hoặc “không”.

① Hàng ngày bạn đều về nhà trước khi trẻ ngủ?

② Hàng ngày thời gian bạn tập trung chơi với trẻ có được một tiếng?

③ Bạn có đọc truyện cho trẻ nghe trước khi đi ngủ, cùng trẻ đi tản bộ hoặc chơi bóng?

④ Bạn có thường xuyên ôm trẻ vào lòng và nói chuyện với trẻ?

⑤ Khi trẻ khóc không ngớt bạn có kiên trì dỗ dành trẻ không?

Nếu đáp án của bạn đều là phủ định, vậy thì trẻ không thể gần gũi với bạn.

Giai đoạn trẻ từ khi sinh ra đến trước khi bước vào giai đoạn thanh thiếu niên, là lúc người cha nên dành thời gian bên cạnh trẻ, xây dựng mối quan hệ thân thiết cha con. Nếu bỏ qua giai đoạn này, khi trẻ lớn lên, có thế giới riêng của mình, bạn có muốn ở bên cạnh trẻ thì cũng không còn cơ hội nữa. Nếu trong giai đoạn trẻ cần cha nhất này, người cha lại dành hết thời gian và tinh thần cho sự nghiệp và việc kiếm tiền, không có thời gian bên trẻ là một nguyên nhân cơ bản hủy hoại mối quan hệ cha con. Khi người cha phát hiện vị trí của mình trong lòng trẻ dường như không được tôn trọng, bạn muốn bù đắp, thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Điều này sẽ là một sự giày vò đáng sợ đối với người cha và trẻ.

Muốn trở thành người cha được trẻ yêu mến thì chúng ta cần phải cố gắng học hỏi và thử nghiệm.

Tôi đã từng đọc một bài viết có tên là Tại sao trẻ phải viết hai cuốn nhật kí. Đứa trẻ trong bài viết đã coi cha mẹ như kẻ thù, vắt óc suy nghĩ mọi cách để đề phòng cha mẹ. Trẻ dường như không chịu nghe lời, giở đủ trò với cha mẹ. Trẻ đã loại trừ bạn ra khỏi thế giới tâm hồn của trẻ. Trên thực tế đây lại là biểu hiện vô trách nhiệm nghiêm trọng của cha mẹ. Tôi thấy trước khi trách mắng trẻ, cha mẹ phải kiểm điểm lại mình trước. Có phải hàng ngày bạn đã đặt công việc và các mối quan hệ giao tiếp của mình lên vị trí hàng đầu, mà không hề để ý đến tình hình của trẻ hay không, hoặc có phải bạn chỉ quan tâm đến thành tích học tập của trẻ, mà coi thường sự trưởng thành trong tâm hồn trẻ hay không?

Vốn dĩ là những người gần gũi thân thiết nhất của trẻ lại trở thành kẻ thù mà trẻ luôn đề phòng, điều này là nỗi bi ai của những người làm cha mẹ. Muốn cải thiện mối quan hệ cha con này, tốt nhất mỗi ngày bạn nên dành một chút thời gian chơi cùng trẻ, nói chuyện với trẻ, kể chuyện cho trẻ nghe... Hiểu tâm tư của trẻ, cũng làm cho trẻ hiểu được bạn rất yêu trẻ.

Đây là vấn đề mà nhiều lần tôi đã nhắc đến, muốn trở thành “anh em” của trẻ, người làm cha nhất định phải tôn trọng trẻ.

Điều quan trọng của bậc làm cha là thật sự hiểu trẻ, hiểu mục tiêu sống đích thực của trẻ là gì. Ở đây, sự bình đẳng rất quan trọng, sự tôn trọng cũng rất quan trọng, một người cha có thể trở thành người anh em tốt của trẻ, thì sẽ có cơ hội bước vào thế giới nội tâm thực sự của trẻ.

Vừa có thể trở thành người anh em của trẻ, lại vừa có thể duy trì được sự quyền uy và sự nghiêm khắc của mình, làm cho lời nói của mình có trọng lượng, được trẻ đón nhận, đây là mối quan hệ cha con mà rất nhiều người cha trẻ mong muốn. Để xây dựng được mối quan hệ này là tương đối khó, có người cho rằng không bao giờ hai trạng thái trong mối quan hệ ấy cùng tồn tại.

Có một người cha trẻ nói: “Khi con trai còn nhỏ, tôi luôn luôn nhắc nhở mình: Con là một cá thể độc lập, có tư tưởng và hành vi riêng của mình, sự giao lưu trò chuyện giữa hai cha con phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng. Tôi luôn luôn làm như vậy. Đối với con trẻ, khi tôi hi vọng trẻ làm như thế nào, tôi sẽ hỏi con như vậy có được không, đồng thời động viên trẻ nói ra suy nghĩ của mình. Tôi hỏi con: ‘Con muốn như thế nào? Có cách nghĩ nào khác không?’. Bây giờ, con trai tôi đã hơn 5 tuổi, thấm nhuần tư tưởng này, thằng bé cũng quen diễn đạt như vậy, đồng thời khi thằng bé muốn làm gì và muốn đạt được cái gì, nó cũng hỏi: ‘Như vậy được không?’”.

Nhưng trên phương diện khác, thằng bé cũng có những cách nghĩ riêng của mình, đồng thời đem ý nghĩ đó ra để phản bác người lớn. Có lúc, tôi đặc biệt hi vọng tôi bảo sao con nghe vậy, đặc biệt là những khi không cần giải thích gì, rõ ràng là tôi đúng. Nhưng, thằng bé lại không như vậy. Thậm chí bây giờ, thằng bé còn thường xuyên gọi thẳng tên tôi, tôi không biết như vậy có phải là quá bừa bãi không”.

Đầu tiên phải khẳng định rằng người cha này làm rất tốt. Nhưng những điều bạn suy nghĩ và lo lắng, không phải do bạn quá tôn trọng trẻ tạo nên. Nếu như bạn thật sự tôn trọng trẻ, trẻ sẽ tôn trọng bạn, bởi vì đối với trẻ, tất cả những hành vi của trẻ đều mô phỏng người lớn, mà người cha chính là đối tượng mà trẻ hay mô phỏng nhất.

Việc trẻ quá tùy tiện với cha, trực tiếp gọi tên cha, không phải do cha quá tôn trọng trẻ để trẻ biến thành người bừa bãi, tùy tiện, mà có một nguyên nhân khác, ví dụ như mẹ hay gọi cha như vậy, hoặc cha cũng hay gọi mẹ như vậy, hoặc là ông nội gọi cha như thế... Cho nên việc giáo dục trẻ không phải là việc của một người, cũng không phải một mình bạn tôn trọng trẻ là được, mà những người xung quanh cũng phải xử sự với nhau như vậy.

Một người tôn trọng một người khác, không phải vì người đó có uy quyền, cao lớn hay khỏe mạnh, mà là vì mình tôn trọng người đó, quan tâm yêu quý người đó. Đối với cha con cũng vậy. Trẻ tôn trọng cha, vì cha yêu trẻ, quan tâm đến gia đình, bởi vì năng lực và phẩm chất tốt đẹp của người cha. Cho nên, không nên lo lắng rằng bạn tôn trọng trẻ mà trẻ lại không tôn trọng bạn.

Trong cuộc sống, tôi rất coi trọng việc giao lưu bình đẳng với con gái, đồng thời với việc cho con sự tôn trọng cần thiết, chúng tôi cũng không bao giờ đùa quá mức giới hạn cho phép. Con thường xưng hô với tôi: cha, anh, đại ca, Đông Tử... Đương nhiên, những cách xưng hô mang tính chất trêu chọc này đều là ở trong nhà, khi không có người khác thì mới có thể sử dụng.

Tôi cho rằng, nếu như trẻ thật sự coi bạn là “anh em”, thì trên một mức độ nhất định bạn đã là một người cha tốt. Đương nhiên, quan hệ “người anh em” này phải có giới hạn, không được đi quá mức độ cho phép, nếu không sẽ bị phản tác dụng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx