sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 36: Cùng Trẻ Đọc Những Tờ Báo Hay

Khi trẻ nói với chúng ta những thu hoạch và niềm vui sau khi đọc, chúng ta nhất định phải tỏ ra vui vẻ như trẻ, chia sẻ những thành quả của việc đọc với trẻ.

Đầu tiên phải nói đến mối nhân duyên của Đông Tử và những tờ báo.

Tuy tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng may mắn được hưởng lợi ích từ việc cha tôi làm kế toán ở nông trường hợp tác xã, hàng ngày nhân viên bưu điện đều đem những tờ báo mà nông trường đặt đến nhà tôi, hôm sau cha tôi lại cầm nó đến nông trường. Thế là tôi có cơ hội tiếp cận với các tờ báo. Từ lúc khoảng 6 tuổi, tôi đã mày mò lật giở những tờ báo đó, cho dù không hiểu nội dung trên tờ báo (bởi 8 tuổi tôi mới đi học), nhưng nhìn những bức ảnh chen giữa các hàng chữ tôi cũng vô cùng vui sướng. Sau này, khi có thể đọc chữ, tôi lại càng thích lật giở những tờ báo, thậm chí còn thường xuyên đọc to nội dung trên tờ báo, tuy thường xuyên đọc sai, đọc lắp bắp, đọc mà không hiểu mình đang đọc gì, nhưng thói quen “đọc báo” cũng được hình thành từ đây.

Nhiều năm sau đó, cho dù đi đến đâu, cho dù môi trường sống như thế nào, hàng ngày mỗi buổi sáng tôi đều mua một tờ báo, đây là một thói quen tôi không bao giờ thay đổi. Đã có những lúc trong túi tôi chỉ còn đủ tiền mua vài cái bánh màn thầu, nhưng tôi vẫn bỏ tiền ra để mua báo. Có thể thấy tình yêu với báo chí của tôi lớn hơn rất nhiều so với những thức ăn vật chất chỉ để thỏa mãn nhu cầu no bụng.

Những tờ báo xem từ khi còn nhỏ có nội dung gì, tôi không còn nhớ nổi nữa. Nhưng nó đã mở ra cánh cửa trí tuệ trong tôi, đã nâng cao khả năng lĩnh hội của tôi với các con chữ, đã dẫn tôi vào thế giới kì diệu của các con chữ, từ đó không thể thoát ra được nữa.

Hễ nhắc đến việc học tập, chúng ta thường nghĩ đến trường học và sách vở. Không thể phủ nhận trường học là một môi trường học tập rất tốt, sách vở cũng là nơi khởi nguồn của tri thức. Nhưng học tập không chỉ thông qua sách vở, không chỉ được tiến hành ở trường học.

Cuộc sống ở mọi nơi đều là môi trường có thể học tập, học tập có thể tiến hành ở mọi nơi.

Đọc báo cũng chính là một phương thức học tập rất tốt, nó có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta, có thể làm phong phú cuộc sống của chúng ta, vun đắp tâm hồn của chúng ta.

Quá trình học tập chính là quá trình trưởng thành. Đặc biệt là những năm tháng tuổi thơ, hình thành cho trẻ thói quen đọc báo, trẻ có thể thu được lợi ích suốt cuộc đời.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Sở dĩ trẻ thích chơi các trò chơi là bởi vì các trò chơi có thể làm trẻ cảm thấy vui. Như vậy, muốn làm trẻ thích đọc báo, cũng phải cho trẻ cảm nhận được niềm vui khi đọc báo.

Đầu tiên, người cha phải cổ vũ động viên trẻ, đặc biệt là khi trẻ nói với chúng ta những cảm nhận khi đọc báo, chúng ta không thể bỏ qua cơ hội động viên trẻ. Tiếp đó, chúng ta phải cho trẻ cơ hội cảm nhận niềm vui của việc đọc báo, ví dụ như cho trẻ tham gia các cuộc thi về hoạt động đọc báo, khi trẻ có một số thu hoạch, phải kịp thời khẳng định trẻ.

Hơn nữa, khi trẻ chăm chỉ đọc báo, chúng ta không được làm phiền trẻ, càng không được đưa ra một số yêu cầu đối với trẻ dựa vào hứng thú của chúng ta. Bởi lúc này trẻ đang say mê tận hưởng niềm vui của việc đọc, điều bạn phải làm là chia sẻ niềm vui này, chứ không phải là phá vỡ môi trường đọc của trẻ. Ngoài ra, khi trẻ nói với chúng ta niềm vui và thu hoạch của trẻ từ việc đọc báo, chúng ta nhất định phải tỏ ra vui mừng như trẻ, chia sẻ thành quả của việc đọc với trẻ, như vậy sẽ làm trẻ có cảm giác thành công, đồng thời sẽ càng có hứng thú với việc đọc báo.

Từ sau khi Y Y lên tiểu học, tôi đã đặt mua cho con báo Ngữ văn, báo Nhi đồng. Có lúc, muốn khuấy động không khí, chúng tôi cùng đọc với nhau như chơi một trò chơi. Ví dụ như có một khoảng thời gian chúng tôi cùng nhau đọc báo Ngữ văn, đầu tiên tôi đề nghị mỗi người đọc một bài, tuy con không phản đối, nhưng yêu cầu tôi đọc bài dài, con đọc bài ngắn, tôi cố tình nói để tôi đọc bài ngắn, con đọc bài dài. Tranh luận không ngớt, con đề nghị chúng tôi oẳn tù tì. Sau đó, ai thắng thì đọc bài ngắn, ai thua thì đọc bài dài.

Thời gian đó, con thường xuyên nói với tôi: “Cha ơi, chúng ta cùng nhau đọc báo nhé”. Có lúc chúng tôi căn cứ vào nội dung của bài báo để thảo luận, đưa ra cách nhìn của mình về bài báo đó. Y Y thường có cách nghĩ riêng, cho dù có lúc nghe rất ngây thơ nhưng tôi luôn giữ nguyên tắc tôn trọng con, luôn khẳng định việc con dám suy nghĩ, dám nói. Trong giai đoạn này khả năng hiểu và phân biệt của Y Y tăng lên rất nhanh, nhiều khi nói ra những câu làm tôi rất ngạc nhiên, cảm thấy không giống như lời của con mình nói ra.

Sau khi vào trung học cơ sở, Y Y không chỉ hài lòng với việc đọc báo, con bắt đầu cắt báo, con cắt những bài viết mà mình thích, dán vào một cuốn sổ tuyển tập những bài viết hay, mỗi bài viết đều kèm theo lời bình luận.

Khi kì một của năm lớp 2 kết thúc, báo Văn học tổ chức một hoạt động “Hỏi đáp kiến thức đọc báo”, Y Y liền tích cực tham gia hoạt động này, đồng thời nhận được giải thưởng của báo Văn học. Từ đó, con ngày càng thích đọc báo Văn học, mỗi kì báo ra, đều chăm chỉ đọc hết từng bài. Sau này lại tham gia một cuộc thi lớn về kiến thức đọc báo cũng nhận được giải thưởng. Con ngày càng tích cực đọc báo, đương nhiên tính tích cực này cũng thể hiện trong việc đọc sách.

Lượng báo mà Y Y xem ngày càng nhiều, con không cam tâm mãi mãi chỉ là một độc giả, dần dần con có ý thức muốn gửi bài. Sau ngày con được học vượt cấp lên lớp 3, con liền nói với tôi: “Cha ơi, con muốn viết về những cảm nhận và quá trình con được học vượt cấp, sau đó nhờ tòa soạn in ra cho mọi người cùng xem”. Nghe xong tôi rất vui. Có ước muốn dùng chữ viết để biểu đạt, sau đó cho mọi người cùng xem, đây quả thực là một việc tốt. Thế là tôi tích cực ủng hộ và động viên Y Y.

Hôm đó Y Y viết rất lâu, đến khi ăn cơm con đưa cho tôi bản thảo đầu tiên, tôi cầm lên xem, bài viết không dài lắm, khoảng 200, 300 chữ, viết rất tỉ mỉ quá trình được vượt cấp của bản thân và tâm trạng trong các giai đoạn, câu cú cũng lưu loát. Tôi gật đầu: “Bài văn này viết thật hay. Đưa cho mẹ đánh vào máy tính, in ra để nộp cho tòa soạn”. Y Y nghe xong rất vui: “Thế thì con có thể giống cha, có thể in bài của mình lên báo”. Tôi nói: “Đúng vậy, tương lai con còn giỏi hơn cha!”, Y Y vui sướng nhảy lên, giục mẹ nhanh chóng đánh máy bài viết.

Vài ngày sau, tôi đem bài viết của mình và bài viết Tôi vượt cấp rồi của Y Y đến tòa soạn của tờ Nhật báo Trường Xuân. Lúc đầu, ngày ngày Y Y đều hỏi tôi có tin gì chưa, sau dần dần quên mất việc đã từng gửi bài cho báo.

Không lâu sau, tôi nhận được tờ báo của tòa soạn gửi đến, giở ra xem liền nhìn thấy bài viết của tôi, chính là bài viết nộp cùng với bài của Y Y. Không có bài của YY sao? Tôi lật đi lật lại những trang khác của tờ báo, sau khi xác nhận là không có, tôi cảm thấy hơi thất vọng. Tôi nghĩ, hay là không nói với Y Y, bài viết của tôi được đăng rồi, bài của con lại không có động tĩnh gì, hay đợi thêm một thời gian nữa.

Y Y tan học trở về nhà, nhìn thấy trên bàn có tờ báo, liền cầm lên xem, khi nhìn thấy bài viết của tôi, Y Y liền ngẩng đầu lên nói với tôi: “Cha ơi, bài viết của cha được đăng rồi!”. Tôi “Ờ” một tiếng, lo lắng tiếp theo con sẽ hỏi bài viết của mình sao lại không được đăng, Y Y lại nói: “Bài của con cũng được đăng rồi”. “Bài của con ư?”, tôi hỏi lại. “Đúng vậy, đó chính là bài Tôi vượt cấp rồi”, các bạn đều đã nhìn thấy”.

Tôi nghe xong vô cùng ngạc nhiên, chuyện gì vậy? Tôi hỏi báo của ngày nào? Y Y bối rối: “Con cũng không biết, hôm nay mấy bạn nói với con, nhìn thấy bài viết của con trên báo, con cũng không hỏi là báo gì...”.

Tôi nghĩ, cũng có thể là mấy hôm trước tờ Nhật báo Trường Xuân đăng, không gửi tờ báo đến cho chúng tôi. Như vậy thì không được, đây là bài viết của Y Y, bất luận thế nào cũng phải tìm được tờ báo này. Thế là tôi nhanh chóng chạy đến quầy báo gần nhất để tìm, điều đáng tiếc là chạy khắp các sạp báo cũng không tìm thấy tờ báo đăng bài viết của Y Y.

Tôi buồn bã trở về nhà, lại cầm tờ báo đăng bài viết của tôi lên, Y Y ngồi đối diện tôi đột nhiên reo lên: “Cha ơi, cha xem này, ở đây!”. Tôi nhanh chóng mở tờ báo mới phát hiện ra bài viết của hai cha con được đăng cùng ngày, chỉ có điều là được đăng trên hai mặt khác nhau, tôi chỉ nhìn thấy bài viết của mình mà không phát hiện ra bài viết ở mặt sau chính là kiệt tác của Y Y.

Tôi tỏ ra vô cùng phấn khởi, Y Y cũng vô cùng vui mừng. Chúng tôi lại chụm đầu vào đọc lại bài viết của Y Y, vừa đọc vừa khen ngợi: “Con xem, con rất giỏi, bài viết đầu tiên đã được đăng rồi, mà con còn rất nhỏ. Khi cha vào bộ đội, cha mới bắt đầu viết, nhưng bài viết đó chỉ có mấy chục chữ, không bằng con bây giờ”.

“Chuyện này có gì đâu, sau này con sẽ viết nhiều bài hơn!”, Y Y tự tin nói. Tôi nói: “Được đấy, chắc chắn là con làm được!”.

Quả nhiên, từ ngày hôm đó, Y Y rất có hứng thú với việc viết lách, động lực cũng tăng cao, không cần tôi nhắc nhở và thúc giục, thường chủ động cầm bút lên, viết lại những cảm nhận của mình về cuộc sống.

Tên con được in lên mặt báo là một động lực vô cùng mạnh mẽ, sau này con có không muốn viết cũng khó. Bạn có thể thử phương pháp này, bỏ công sức hướng dẫn trẻ viết một bài, giúp trẻ gửi bài viết đó đến tòa soạn, nghĩ cách giúp trẻ đăng tải hoặc phát hành tác phẩm, tôi tin chắc rằng những bài viết tiếp theo không cần sự thúc giục của bạn nữa...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx