sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 37: Vui Chơi Cũng Là Bài Tập Của Trẻ

Vui chơi, cũng giống như một loại vitamin không thể thiếu được trong quá trình trưởng thành của trẻ, nó là hoạt động trẻ thích nhất trong rất nhiều hoạt động, là hoạt động phù hợp giúp nhân cách của trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Nhà giáo dục người Liên Xô Anton Makarenko (1888-1939) đã từng nói: “Vui chơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của nhi đồng, có ý nghĩa quan trọng giống như mọi hoạt động, công việc và lao động của người lớn”.

Sau khi được sinh ra, ngay từ khi chưa biết nói chuyện và biết đi thì trẻ đã biết chơi rồi. Trẻ lớn lên cùng việc vui chơi, vui chơi giúp trẻ học được rất nhiều kĩ năng, làm tư duy của trẻ phát triển, rèn luyện khả năng hoạt động và khả năng hợp tác của trẻ. Trong quá trình trẻ không ngừng chơi những món đồ chơi, những trò chơi mới mẻ, trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức, hình thành và phát huy khả năng sáng tạo.

Vui chơi có tác dụng cực kì quan trọng đối với quá trình trưởng thành của trẻ. Chơi không chỉ giúp phát triển thể chất, tâm lí, mà còn có lợi cho việc học tập của trẻ. Những trẻ ở độ tuổi này có thể đạt được tri thức, bồi dưỡng tài năng nhờ hoạt động vui chơi.

Vui chơi giống như một loại vitamin không thể thiếu được trong quá trình trưởng thành của trẻ, nó là hoạt động mà trẻ thích nhất trong rất nhiều hoạt động, là hoạt động giúp nhân cách của trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Ở đâu chúng ta cũng có thể nhận ra rằng khi chơi trẻ rất tập trung, rất vui vẻ. Tuy là trẻ đang chơi, nhưng giống như trẻ đang chăm chỉ làm một việc gì đó. Đối với trẻ, vui chơi không phải là một việc tùy tiện như trong mắt người lớn, mà nó là một hình thức “làm việc nghiêm túc”.

Khi con gái Y Y của tôi 3, 4 tuổi, con thường thích lấy gạo từ trong bao gạo ra cho vào một cái bát, mùa hè thích nghịch nước cho ướt cả người, trong bếp thì thường xuyên thích gõ vào nồi, hứng thú với việc đóng mở cánh tủ, lấy đồ trong ngăn kéo ra rồi lại để vào, tháo dỡ những đồ chơi vừa mua...

Tôi không hề ngăn cấm những hành vi “phá hoại” này của con, bởi vì sự trưởng thành của con cần sự vui chơi ấy.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Trong xã hội hiện đại ngày nay, các phụ huynh thường không tiếc tiền mua cho trẻ các loại đồ chơi cao cấp như: những loại đồ chơi kĩ thuật điều khiển bằng âm thanh, điều khiển bằng điện, đồ chơi điện tử. Các loại đồ chơi điện tử này tuy cung cấp cho trẻ nguồn thông tin lớn nhưng cũng lại đem đến cho trẻ rất nhiều hiệu ứng không tốt, đó là sự phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo của trẻ bị hạn chế; tính chủ động tích cực của trẻ không được phát huy hết; thiếu đi môi trường trưởng thành trong mối quan hệ giao tiếp với mọi người; thiếu rèn luyện, tố chất cơ thể càng ngày càng kém.

Mà trẻ cần có một thân thể khỏe mạnh bởi vì sau này khi lớn lên trẻ phải đối diện với một xã hội đầy tính cạnh tranh quyết liệt; áp lực công việc học tập, tinh thần cũng rất lớn; không có một sức khỏe và tinh thần khỏe mạnh thì làm sao có thể bước vào xã hội tham gia cạnh tranh?

Đưa trẻ ra ngoài vui chơi có tác dụng tăng cường tố chất cơ thể của trẻ. Ánh sáng mặt trời, không khí là những nhân tố không thể thiếu trong môi trường tự nhiên, trong không khí trong lành có đủ oxy, có thể thúc đẩy sự trao đổi chất, làm cho công năng của hệ hô hấp và tim mạch của trẻ được nâng cao, trẻ ít khi bị ho, cảm cúm, khả năng miễn dịch mạnh lên. Do trẻ có những hạn chế về lứa tuổi, giới tính, sở thích hứng thú không giống nhau, những trò chơi trẻ thích cũng không giống nhau. Chúng ta có thể tận dụng những bãi cỏ xanh, những sân chơi bằng phẳng, những nơi có môi trường không khí trong lành, đầy đủ ánh sáng để cho trẻ vui chơi.

2.1. Thông qua hoạt động vui chơi để phát triển khả năng cảm nhận và nhận biết của trẻ. Từ ngày được sinh ra, trẻ đã bắt đầu cảm nhận, nhận biết thế giới trong khi vui chơi, có thể nói vui chơi là hoạt động đầu tiên giúp trẻ hiểu cuộc đời.

Khả năng cảm nhận bao gồm khả năng nhìn, nghe, ngửi, nếm và sờ. Khả năng cảm nhận là năng lực nhận biết sự vật nhất định phải có, trẻ có thể phân biệt sự giống và khác nhau giữa các vật thể thông qua việc vận dụng thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, ví dụ như phân biệt hình dạng màu sắc, sự to nhỏ giữa các vật thể.

Nhận thức của trẻ về các sự vật bắt đầu từ cảm nhận, không có bất kì hoạt động nào có thể giúp trẻ cảm nhận sâu sắc hơn hoạt động vui chơi. Trong quá trình vui chơi, trẻ có thể hiểu được tính chất của các sự vật thông qua sự tham gia của các loại giác quan như mắt nhìn, tai nghe, miệng nếm, tay sờ, những hoạt động thực tiễn này giúp ấn tượng của trẻ về các sự vật sâu sắc hơn, nhớ cũng lâu hơn.

2.2. Thông qua việc vui chơi có thể phát huy khả năng tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Tưởng tượng là một năng lực quan trọng của nhân tài trong lĩnh vực phát minh khai phá cái mới. Vui chơi, đặc biệt là hình thức vui chơi phân vai là phương thức vô cùng tốt để phát huy khả năng tưởng tượng, ví dụ như: Khi chơi đồ hàng, các bé trai thường thích làm cha hoặc làm con, bé gái lại thích làm mẹ, cho búp bê ăn cơm, thay tã cho búp bê... Trong khi chơi những trò chơi này, nếu như trẻ xuất hiện một số hành vi không đúng, phụ huynh không được cười nhạo hoặc nghiêm cấm, bởi như vậy sẽ hạn chế sự phát triển khả năng tưởng tượng của trẻ. Cha mẹ nên cung cấp điều kiện vật chất và an toàn để trẻ phát huy khả năng tưởng tượng, làm hết khả năng để kích thích trẻ mô phỏng, tưởng tượng, sáng tạo.

Hơn nữa, việc vui chơi có thể nâng cao khả năng thực hành, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tư duy, thậm chí còn có thể thúc đẩy não phát triển, nâng cao năng lực chú ý, năng lực quan sát, năng lực tưởng tượng, năng lực điều hòa của trẻ...

Trong khi vui chơi, có rất nhiều trò chơi cần sự phối hợp của người khác mới có thể giành được thắng lợi, trong quá trình chơi các trò chơi, trẻ sẽ hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác, học được cách hợp tác với người khác; các trò chơi đều có quy tắc riêng của nó, nếu không tuân thủ quy tắc thì khó có thể tiến hành chơi một cách thuận lợi. Trong quá trình chơi, trẻ hình thành thói quen tuân thủ quy tắc, sau này trong cuộc sống sẽ có ý thức tuân thủ những quy tắc của xã hội.

Chúng ta thường gặp một số trẻ có tính cách hướng nội, tính tình cô độc, gặp người lạ cảm thấy rất thẹn thùng, khó có thể vui chơi và tiếp xúc với những bạn bè không quen biết. Vui chơi chính là nhịp cầu giúp trẻ nhìn ra thế giới chân thực. Các phụ huynh có thể thay đổi trạng thái trên của trẻ bằng cách động viên trẻ vui chơi với các bạn khác, trong quá trình vui chơi cho trẻ cùng bàn bạc lựa chọn chủ đề, đề ra những quy tắc, ảnh hưởng lẫn nhau, giám sát lẫn nhau, như vậy, không chỉ tăng cường sự giao lưu của trẻ với bạn bè, mà còn giúp ích cho việc hình thành tinh thần hợp tác, bồi dưỡng khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.

Tôi vẫn còn nhớ khi con gái tôi 3 tuổi, vợ tôi đưa con đến sân vận động của trường học chơi. Có một cô bé thường xuyên chơi với Y Y đi một chiếc xe đạp nhỏ đạp vút qua mặt Y Y. Y Y xin mẹ: “Con cũng muốn đi”. Nhưng lúc đó, chiếc xe đạp của con không ở đó, không có xe cho con đi. Y Y chỉ theo cô bé kia và nói: “Con muốn đi chiếc xe kia!”. Vợ tôi cười và nói: “Vậy con đến hỏi chị xem chị có cho con mượn một lát được không”. Y Y liền đi đến chỗ cô bé và nói: “Chị ơi, cho em chơi một lát được không? Đợi xe của em được mang đến, em cũng cho chị mượn xe của em chơi!”. Cô bé quả nhiên đồng ý liền, Y Y vui vẻ đi trên chiếc xe vừa mượn được.

Nhưng đi chưa được bao xa, cô bé liền thay đổi quyết định. Cô bé đuổi theo kéo chiếc xe lại. Sau khi giữ được chiếc xe, cô bé nhất quyết bắt Y Y phải nhảy xuống. Y Y không vui: “Chị đồng ý với em rồi, em vẫn chưa đi!”. Y Y cứ ngồi trên xe nhất định không xuống. Hai người không ai chịu nhường ai. Một lúc sau, Y Y nhảy xuống, nhưng hai tay vẫn nắm chặt ghi-đông xe, nở nụ cười và nói: “Chị cho em đi một vòng được không, em cảm ơn chị!”. Cô bé không hề lay động, Y Y tiếp tục: “Đồ chơi của em sẽ cho chị chơi, được không?”.

Sau một hồi thương lượng, cô bé cuối cùng cũng buông tay khỏi xe, Y Y nhanh chóng nhảy lên xe, đi một vòng quanh sân. Cô bé đó cũng vui vẻ lấy đồ chơi của Y Y chơi. Sau này, hai cô bé trở thành bạn tốt của nhau.

Cùng với sự trưởng thành của trẻ, phương diện cuộc sống và phương diện tri thức mà trẻ tiếp xúc ngày càng rộng, tính hiếu kì ngày càng lớn, theo đó trẻ sẽ đặt ra một loạt câu hỏi, nảy sinh một loạt tưởng tượng, tưởng tượng một thế giới khác như thế nào, mình sẽ ở đó làm gì... Đây chính là thế giới của những hoạt động vui chơi. Vì thế các phụ huynh phải căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi khác nhau của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, để có thể phát huy tác dụng tích cực của việc vui chơi, thúc đẩy sự nâng cao về năng lực trên mọi phương diện của trẻ, làm cho tinh thần và thể chất của trẻ được phát triển khỏe mạnh.

Vui chơi có thể đem lại cho trẻ niềm vui, kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, sức khỏe...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx