sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 59: Dạy Trẻ Quyết Đoán

Theo nghiên cứu tâm lí học, sự hình thành tính cách không quyết đoán khi làm việc của một con người có nguồn gốc từ tuổi thơ của người đó, rất có thể là kết quả của sự ảnh hưởng từ môi trường và con người xung quanh.

Những năm gần đây chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều bản tin như sau: Trẻ sắp thi đại học, không biết đăng kí ngành nghề gì; khi học đại học không biết tự lo liệu cuộc sống; khi tốt nghiệp đại học, thì yêu cầu cha mẹ dẫn mình đi tìm việc; khi vào đơn vị làm việc, không biết giải quyết mối quan hệ với đồng nghiệp, không thể ứng phó với những sự việc xảy ra đột ngột, gặp chuyện thì luôn do dự không quyết.

Theo nghiên cứu tâm lí học, sự hình thành tính cách không quyết đoán khi làm việc của một con người có nguồn gốc từ tuổi thơ của người đó, rất có thể là kết quả của sự ảnh hưởng từ môi trường và con người xung quanh. Cho nên, muốn làm người cha tốt thì nhất định phải coi trọng vấn đề này.

Cha mẹ (đặc biệt là người cha), trước mặt trẻ nhất định phải quyết đoán, phải dùng sự quyết đoán của mình để gây ảnh hưởng ngầm đến trẻ. Trẻ có yêu cầu gì nên đáp ứng thì đáp ứng, không nên đáp ứng thì phải có thái độ từ chối kiên quyết, giải thích rõ nguyên nhân với trẻ.

Từ nhỏ đã bồi dưỡng cho trẻ ý thức tự mình quyết định có lợi cho sự phát triển tính cách của trẻ. Người cha phải cổ vũ và khen ngợi tinh thần và hành vi quyết đoán của trẻ trong cuộc sống, phê bình những hành vi rụt rè và hoài nghi của trẻ. Những việc có thể cho trẻ tự quyết định thì hãy để trẻ quyết định, để tránh hình thành tâm lí ỷ lại ở trẻ.

Cha mẹ không được thể hiện mâu thuẫn trước mặt trẻ, nếu không trẻ sẽ không biết nên làm thế nào, không biết ai đúng ai sai, dần dần trẻ sẽ hình thành thói quen do dự không dứt khoát. Cha mẹ không được sử dụng biện pháp hăm dọa trẻ, bởi như vậy trẻ sẽ nhút nhát, sợ hãi, mà đây là những nhân tố quan trọng hình thành “trạng thái do dự” của trẻ.

Có lúc một quyết định quyết đoán có thể cứu được vận mệnh của cả một quốc gia và dân tộc.

Winston Churchill, một trong ba người đứng đầu phe Đồng minh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai là một vĩ nhân được nhân dân kính trọng, yêu mến. Khi ông còn là một thiếu tướng hải quân, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, dưới tình thế thủ tướng không đưa ra lệnh tấn công, ông đã quyết đoán hạ lệnh tiến công, kết quả là quân đội Đức bị đánh cho tơi bời. Ông dựa vào tài năng lãnh đạo xuất sắc của mình, đánh bại Pháp, Nga, Đức. Cho dù là những chuyện nhỏ, sự quyết đoán cũng có thể thể hiện tài năng lãnh đạo của một con người.

Trong cuộc sống chúng ta cũng phải quyết đoán như vậy. Nếu như không quyết đoán, công xưởng sẽ ngừng sản xuất, công ty sẽ phá sản, quân nhân sẽ mất đi biên cương, người bệnh sẽ chết trên bàn phẫu thuật...

Tôi tin rằng mỗi vị phụ huynh đều không muốn nhìn thấy con mình có tính thiếu quyết đoán.

Vậy làm thế nào mới có thể bồi dưỡng nên một đứa trẻ có ý thức độc lập, giỏi giang quyết đoán?

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Hình thức giáo dục này sẽ khiến khả năng thích ứng với xã hội của trẻ kém, năng lực sống tự lập yếu.

Vì thế, người cha phải có tầm nhìn xa (người mẹ thường nuông chiều trẻ), phải nhận thức được rằng trẻ sẽ trưởng thành, phải tự mình đối mặt với xã hội. Từ khi trẻ còn nhỏ hãy yêu trẻ bằng tình yêu có lí trí, loại tình yêu này lấy yêu cầu nghiêm khắc làm tiền đề, nó không phải là sự thỏa mãn vật chất đơn thuần, mà là sự yêu thương về tinh thần.

Người cha phải thường xuyên cung cấp cho trẻ những thông tin có ích, từ hoàn toàn bảo vệ trẻ cho đến trẻ tự bảo vệ mình, làm cho trẻ có sự tự chủ.

Những trẻ như vậy sẽ không ỷ lại và do dự trước mọi việc.

Người cha phải cho trẻ làm những việc trẻ có thể làm. Có thể căn cứ vào quy luật phát triển tâm sinh lí của trẻ, bồi dưỡng cho trẻ thói quen và hứng thú tự mình lao động học tập. Cho trẻ tự mình giặt tất, trải ga, giặt quần áo, sắp xếp sách vở, dọn dẹp phòng, giúp cha mẹ rửa rau nấu cơm, tiếp đãi khách. Cho dù trong mắt người lớn trẻ làm không tốt đến đâu, cũng phải kiên trì hướng dẫn trẻ từ từ làm xong việc; động viên trẻ, điều gì nên làm thì làm.

Chúng ta thường xuyên nghe thấy một số phụ huynh than thở trẻ quá ỷ lại. Thực ra tính cách này có mối liên hệ lớn với giáo dục gia đình. Cha mẹ (đặc biệt là người mẹ) yêu con quá mức, thường xuyên giúp con làm tất cả mọi việc, từ sáng đến tối không cho trẻ một chút thời gian nào để trẻ tự mình làm việc. Cha mẹ đã thiết lập cho trẻ tất cả mọi trình tự, trẻ làm sao có thể tự do lựa chọn?

Vì thế, cha mẹ phải có ý thức bồi dưỡng khả năng độc lập tự chủ của trẻ. Một số việc có thể cho trẻ tự do chọn lựa, sắp xếp, như vậy mới có lợi cho việc trẻ học cách vận dụng sức mạnh của bản thân để tiếp nhận sự việc mới, đối mặt với môi trường mới, ung dung chào đón tương lai.

Mùa hè năm 2007, lúc đó tôi và Y Y đang sống ở Đại Liên, vào thời gian này hàng năm Đại Liên đều tổ chức cuộc thi đi bộ quốc tế. Sau khi nhìn thấy thông tin này trên báo, Y Y liền đòi tham gia.

Cuộc thi đi bộ lần này có bốn mức: 5km, 10km, 20km và 30km. Tôi kiến nghị con nên tham gia thi đi bộ 10km, nhưng con nói như vậy quá ngắn, cứ đòi đăng kí đi bộ 20km. Tôi miễn cưỡng đồng ý.

Ngày hôm sau đi học, cô giáo nói có thể đăng kí tập thể, cả lớp có hơn mười bạn đăng kí tham gia thi đi bộ, mà hầu hết đều đăng kí thi đi 30km. Ngay từ nhỏ Y Y đã có tinh thần không chịu khuất phục, vậy là con đăng kí thi đi bộ cấp độ 30km.

Khi vừa biết tin này tôi kiên quyết phản đối, sau này con đã thuyết phục tôi, tôi cho con cơ hội tự lựa chọn.

Trong cuộc sống, dù việc học hay mua bán, hễ có liên quan đến con bé, tôi đều cho con bé cơ hội lựa chọn.

Những đứa trẻ làm việc do dự thường thiếu tự tin. Trẻ làm việc không quyết đoán, chính là bởi vì trẻ không tự tin, dẫn đến do dự khi làm việc. Người cha có thể dạy trẻ, bắt đầu từ những việc trẻ làm rất giỏi, để tăng cường lòng tự tin của trẻ, sau đó dần dần chuyển sang làm những việc khác, như vậy cũng có thể rất có ích cho trẻ!

Sau khi trẻ đã cố gắng hết sức để hoàn thành một việc gì đó, chúng ta nên kịp thời động viên khích lệ khen thưởng trẻ, có thể chỉ là một nụ cười, một cái gật đầu, vỗ tay, xoa đầu trẻ... cũng có thể biểu dương bằng lời nói, bằng những món đồ nhỏ.

Nhưng nếu như con bạn không thể hoàn thành việc gì đó một cách hoàn hảo, bạn nhất định không được tỏ ra thất vọng hay nổi giận, càng không được mắng mỏ, chế giễu trẻ. Lúc này nên động viên trẻ, làm trẻ nhận thức được cuộc đời một con người sẽ gặp rất nhiều trắc trở, chỉ dũng khí nỗ lực tiến lên, mới có thể khắc phục và chiến thắng khó khăn. Ngoài ra khi trẻ bỏ ra nỗ lực rất lớn để đạt được thành tích nào đó, phải kịp thời khẳng định, cho trẻ nhìn thấy năng lực của mình, từ đó càng tự tin đối mặt với những khó khăn mới.

Có trẻ gặp nghịch cảnh là có phản ứng tiêu cực, thường ủ rũ buồn rầu, rút lui. Muốn thay đổi hiện tượng này, thì khi trẻ gặp khó khăn, nhất định phải dạy trẻ thái độ chính xác, dũng cảm đối mặt, thách thức với khó khăn.

Khi trẻ mô phỏng, làm theo người khác một cách mù quáng, cha mẹ nên tỏ ra không hài lòng: “Cha không thích những đứa trẻ không có chính kiến”. Phải động viên trẻ đề ra mấy phương án, rồi cha mẹ có thể giúp trẻ lựa chọn phương án tốt nhất trong đó.

Chúng ta phải tôn trọng quyết định của trẻ. Bình đẳng tôn trọng trẻ thể hiện ở việc cha mẹ cho trẻ cơ hội phát biểu ý kiến, đồng thời ủng hộ những quyết định hợp lí của trẻ. Cách làm này không chỉ đơn giản mang ý nghĩa ủng hộ một quyết định nào đó của trẻ, nó còn truyền đạt cho trẻ thông tin như sau: Con có quyền quyết định phương hướng của cuộc đời mình, chỉ cần quyết định của con đã được suy nghĩ kĩ và hợp lí.

Người cha nên cho trẻ cơ hội tự quyết định để bồi dưỡng tính quyết đoán ở trẻ, ví dụ: Cho trẻ quyết định chọn mua loại đồ chơi. Mua ô tô hay là mua robot biến hình? Ngày chủ nhật đi công viên hay chơi điện tử? Thời gian học tập trong kì nghỉ hè là buổi sáng hay buổi chiều? Tham gia lớp năng khiếu hội họa hay nhảy múa?

Cấm kị việc ra những quy định mang tính ép buộc trên tất cả mọi phương diện trong cuộc sống của trẻ. Bất luận quy định này hợp lí hay bất hợp lí, đều sẽ làm trẻ mất đi khả năng tự chủ, tự quyết định trong quá trình trưởng thành của trẻ. Sau này lớn lên, khi đối diện với sự lựa chọn của cuộc đời, rất có thể trẻ sẽ quá bồng bột thiếu suy nghĩ hoặc do dự không quyết đoán.

Yêu cầu của phẩm chất quyết đoán là nhanh chóng đưa ra những quyết định hợp lí. Hợp lí là kết quả của việc suy nghĩ kĩ lưỡng, nhanh chóng là khả năng quyết định ngay lúc đó. Chưa suy nghĩ kĩ lưỡng mà đưa ra quyết định là bồng bột lỗ mãng, còn suy nghĩ quá lâu không thể đưa ra quyết định là do dự thiếu quyết đoán. Đây là hai loại tính cách đối lập với tính quyết đoán.

Đầu tiên, người cha nên dạy trẻ cách suy nghĩ thấu đáo, lựa chọn thận trọng. Do trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, trình độ nhận thức của bản thân còn thấp, sẽ đưa ra quyết định mà không suy nghĩ nhưng có thể sẽ hối hận ngay lập tức. Cho nên, trước khi trẻ đưa ra bất kì quyết định gì, bạn nên nói rõ với trẻ, đã quyết định thì không thể dễ dàng thay đổi, tốt nhất phải suy nghĩ kĩ trước khi quyết định.

Kế đó cha mẹ nên dẫn dắt những trẻ không thể quyết đoán sớm đưa ra quyết định. Trẻ vì thiếu khả năng phán đoán và khả năng quyết đoán, hoặc do ảnh hưởng của bản tính hoặc hứng thú của bản thân, nên sẽ chần chừ do dự. Nếu như trẻ đưa ra những quyết định không hợp lí trong mắt người lớn, thì nên làm thế nào? Có hai trường hợp xảy ra, một là người lớn cho rằng đó là quyết định không hợp lí, nhưng trẻ có lí lẽ riêng của mình, người lớn nên cố gắng đứng ở vị trí của trẻ để nhìn nhận vấn đề, chấp nhận quyết định của trẻ, trường hợp này chiếm đa số; hai là quyết định của trẻ thực sự không hợp lí, có thể giảng giải cho trẻ hiểu.

Đối với những quyết định bất lợi cho việc phát triển tâm sinh lí của trẻ, nếu xác định đúng là quyết định không hợp lí, nếu là những sự việc không quá quan trọng, có thể để trẻ thử sau đó đưa ra quyết định; nếu như sự việc khá quan trọng, người cha nên nói rõ, khuyên trẻ thay đổi quyết định. Ví dụ sau giờ thể dục, trẻ còn muốn chơi các trò chơi tiêu hao thể lực, bạn có thể nói rõ lí do với trẻ, đồng thời khuyên trẻ nên chơi những trò chơi trí óc mà trẻ có hứng thú.

Phẩm chất quyết đoán còn bao gồm tố chất sau khi đưa ra quyết định, kiên quyết giữ quyết định của mình đến cùng, đó chính là yêu cầu về nghị lực. Nếu như quyết định mà không hành động, “chỉ nói mà không làm”, thì không phải là ý nghĩa hoàn chỉnh của tính quyết đoán.

Dưới sự giúp đỡ của cha mẹ, trẻ đưa ra quyết định: Từ nay về sau, về nhà làm xong bài tập mới xem tivi. Kiên trì được hai ngày lại đâu đóng đấy. Điều này cũng là bình thường, bởi vì ý chí của trẻ rất yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của bản thân và tác động bên ngoài, khả năng biến quyết định thành hiện thực vô cùng thấp, tình trạng lời nói và hành động không thống nhất là chuyện bình thường.

Cho nên, người cha nên biến quyết định của trẻ thành một thỏa thuận miệng hoặc thỏa thuận trên giấy tờ, có điều khoản thưởng phạt rõ ràng. Nếu là thỏa thuận trên giấy tờ, có thể dán nó ở vị trí bắt mắt. Nếu trẻ có thể kiên trì thực hiện, một thời gian sau hãy khen thưởng trẻ. Nhưng nếu trẻ không thể kiên trì làm theo quyết định của mình, có thể nhắc nhở và cảnh cáo trẻ, đồng thời có thể phạt trẻ.

Trẻ con có sự khác biệt, giới tính và lứa tuổi khác nhau, khí chất và tính cách cũng khác nhau, biểu hiện quyết đoán về ý chí cũng khác nhau, sự khác biệt này yêu cầu những người giáo dục phải tùy từng trẻ mà thay đổi phương pháp cho phù hợp, phát huy sở trường, bù đắp sở đoản. Với những trẻ nông nổi bồng bột, nên chú trọng bồi dưỡng tính kiên trì một cách lí trí; đối với những trẻ do dự không quyết thì nên chú trọng bồi dưỡng khả năng quyết đoán và khả năng hành động

Mấy nghìn năm trước, khi giáo dục hai đệ tử có những đặc điểm tính cách khác nhau, Khổng Tử đã có hai chỉ thị là “thích làm thì làm” và “thận trọng hành động”. Đây là ví dụ điển hình về giáo dục tính quyết đoán.

Lứa tuổi khác nhau cũng sẽ ảnh hưởng đến cách bồi dưỡng phẩm chất quyết đoán. Chắc chắn là cùng với sự lớn lên về lứa tuổi, những yêu cầu mà người lớn đưa ra với trẻ cũng ngày càng cao. Về mặt phương pháp, những trẻ nhỏ tuổi (từ 3 đến 6 tuổi) do trình độ tri thức và năng lực của bản thân còn thấp, nên người lớn phải sử dụng nhiều phương pháp hướng dẫn hơn; còn đối với những trẻ lớn hơn, những trẻ ở lứa tuổi tiểu học thì càng nên chú ý đến tính tự chủ và tự lập của trẻ.

Về nội dung và phạm vi, những sự việc mà trẻ nhỏ đưa ra quyết định thường là những việc nhỏ trong cuộc sống, còn những trẻ lớn hơn lại có thể mở rộng thành những việc liên quan đến gia đình, lớp học và nhà trường.

Đối với trẻ có giới tính khác nhau, những yêu cầu đặt ra về tính quyết đoán cũng khác nhau. Với bé gái, cha mẹ thường yêu cầu trẻ phải nghe lời và tinh tế, tương ứng với điều đó là yêu cầu khá cao với việc trẻ phải suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định; với bé trai, thông thường người lớn yêu cầu trẻ chủ động và độc lập, vì vậy chú trọng hơn đến khả năng ra quyết định nhanh chóng.

Nhưng cùng với sự phát triển của thời đại, nam hay nữ đều cần phải có phẩm chất quyết đoán và tự chủ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx