sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 60: Khoan Dung Sẽ Làm Trẻ Đáng Yêu Hơn

Khoan dung là một phẩm chất tốt đẹp, là một phương pháp đối nhân xử thế thông minh, là “thuốc bôi trơn” cho mối quan hệ giữa người với người.

Tôi rất thích lời bài Dạy trẻ sau:

Đứa trẻ trưởng thành trong sự soi mói học được trách móc; đứa trẻ trưởng thành trong sự thù địch học được đấu tranh; đứa trẻ trưởng thành trong tiếng cười đả kích học được xấu hổ; đứa trẻ trưởng thành trong sỉ nhục học được áy náy; đứa trẻ trưởng thành trong sự khoan dung học được nhường nhịn; đứa trẻ trưởng thành trong sự động viên học được tự tin.

Nhưng trong cuộc sống, những trẻ biết nhường nhịn càng ngày càng ít, còn những phụ huynh không biết khoan dung càng ngày càng nhiều.

Có người không cẩn thận làm rơi một túi rác trước cửa nhà người khác, đúng lúc đó ông chủ nhà dẫn con trai đến nhà bà nội, nhìn thấy cảnh tượng này liền trực tiếp oanh tạc một thôi một hồi những “lời vàng ý ngọc” vào mặt người kia. Trong lòng trẻ lúc đó rất sùng bái cha, đâu biết được đó là những lời lẽ thô tục, cuối cùng hiệu quả của “sự dạy dỗ này” vô cùng “tốt”, thậm chí trẻ không bao giờ hiểu được thế nào là khoan dung.

Khoan dung giống như ánh sáng mặt trời giữa trưa mùa đông, có thể dần dần làm tan chảy bức tường lạnh lẽo trong tim; khoan dung còn là một loại tình yêu chân thành và độ lượng, có thể biến xung đột thành hòa hảo, có thể biến chiến tranh thành hòa bình. Khoan dung là một sự tu dưỡng, nó là cảnh giới đối xử tốt với xã hội, đối xử tốt với bản thân, nó có thể đem đến cho tâm hồn bạn sự yên bình và thanh thản. Nó không chỉ cải thiện mối quan hệ của bạn với xã hội, mà cũng có thể làm cho tâm hồn bạn được xoa dịu và thăng hoa. Đối xử với người khác bằng tấm lòng rộng lượng sẽ làm cho hai bên càng tin tưởng và yêu quý nhau hơn

Bất luận làm gì chúng ta đều hi vọng có thể thành công, đều hi vọng con cái của chúng ta có thể giỏi hơn chúng ta. Như vậy muốn thành công, đầu tiên phải hiểu được đạo lí làm người, phải khoan dung. Ngay từ nhỏ đã bồi dưỡng cho trẻ tính khoan dung độ lượng, chính là tích lũy cho trẻ một tài sản quý giá cho cuộc đời sau này.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Làm người phải khoan dung độ lượng, phải biết cách tha thứ cho người khác, tha thứ cho người khác chính là làm cho bản thân mình vui vẻ. “Không có ai là hoàn hảo cả”, con người ai cũng có khuyết điểm của mình, khi nảy sinh mâu thuẫn với người khác, chúng ta không được ngay lập tức trách mắng người đó, thường nghĩ đến khuyết điểm của mình thì điều gì cũng có thể giải quyết được.

Vì một số điều, người với người kiên quyết không thỏa hiệp mà tạo nên những tổn thương vĩnh viễn. Nếu chúng ta bắt đầu từ chính bản thân chúng ta, khoan dung đối xử với người khác tin rằng bạn sẽ thu được những kết quả không ngờ.

Mấy năm trước tại trường Đại học Bach khoa Virginia xảy ra một vụ tấn công bằng súng làm 32 người thiệt mạng. Trong lễ mặc niệm những nạn nhân, điều làm mọi người bất ngờ là hung thủ cũng được liệt kê vào danh sách những người được mặc niệm, 33 quả bóng bay được thả lên bầu trời, 33 tiếng tiếng chuông mặc niệm được gióng lên.

Năm 1991, lưu học sinh Trung Quốc Lư Cương theo học tại trường Đại học Iowa của Mỹ, đã nổ súng giết chết 5 giáo viên bao gồm cả giáo viên hướng dẫn của mình và các bạn học, rồi tự sát. Sau khi sự việc xảy ra ba ngày, người thân của một trong những người bị hại, thông qua phương tiện thông tin, gửi một bức thư công khai cho người nhà Lư Cương, hi vọng hai bên lấy thái độ khoan dung để chia sẻ nỗi đau của nhau.

Hành động coi hung thủ là một con người đầy nhân văn này làm cho chúng ta có nhiều suy nghĩ sâu sắc.

Con người nên khoan dung độ lượng. Bởi vì khoan dung là chiếc chìa khóa lành mạnh, là kết tinh sự tu dưỡng và tấm lòng lương thiện của con người, là liều thuốc tốt cho một cuộc sống hạnh phúc. Khoan dung là phẩm chất tốt đẹp, là một phương pháp xử thế thông minh, là “thuốc bôi trơn” của mối quan hệ giữa người với người.

Khoan dung đối xử với người khác cho dù đi đến đâu, cũng sẽ đem đến cho bạn một luồng gió xuân ấm áp. Không khoan dung với người khác sẽ đem đến cho bạn sự đau khổ.

Cái gọi là vận hạn chỉ là bởi sự hẹp hòi, hà khắc nhất thời đối với người khác, mà tự tạo chướng ngại vật trên con đường đi lên của bản thân; còn cái gọi là may mắn cũng là bởi đã giúp đỡ, có ân huệ đối với người khác mà mở rộng con đường đi của mình.

Lưu Bá Ôn bác thông kinh sử, không sách gì là không đọc, đặc biệt có hứng thú với thiên văn. Khi Chu Nguyên Chương khởi nghiệp, lấy lễ trọng mời ông ra giúp. Ban đầu, Lưu Bá Ôn kiên quyết từ chối, sau nhận được hai bức thư mời của Tôn Viêm ông mới quyết định xuất sơn. Lưu Bá Ôn đến Ứng Thiên, hiến 18 kế cho Chu Nguyên Chương. Ông dựa vào tài học và thần cơ diệu toán của mình phò trợ Chu Nguyên Chương bình định thiên hạ, sáng lập ra triều Minh.

Sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, Lưu Bá Ôn dâng tấu thiết lập quân vệ pháp, chỉnh đốn triều cương, tất cả những quan lại mắc sai lầm đều phải trừng trị theo luật pháp, vì vậy mọi người đều sợ Lưu Bá Ôn. Trung thư tỉnh đô sự Lí Tân vì tham lam dung túng cho kẻ dưới mà bị trừng trị. Tể tướng Lí Thiện Trường vô cùng yêu quý Lí Tân, yêu cầu giảm nhẹ tội, Lưu Bá Ôn không nghe, đem Lí Tân ra giết, từ đó giữa Lưu Bá Ôn và Lí Thiện Trường có mâu thuẫn.

Sau đó, thái tổ Chu Nguyên Chương muốn trừng phạt tể tướng Lí Thiện Trường, Lưu Bá Ôn liền khuyên: “Tuy ông ta mắc lỗi, nhưng công lao rất lớn, uy vọng rất cao, có thể điều hòa chư tướng”.

Thái tổ nói: “Ông ta năm lần bảy lượt muốn hại ngươi, ngươi vẫn nghĩ cho ông ta? Ta muốn để ngươi làm tể tướng”. Lưu Bá Ôn phản đối: “Như vậy sao được? Thay một tể tướng giống như thay trụ cột, phải dùng gỗ lớn, chắc chắn, nếu như dùng gỗ nhỏ, căn nhà sẽ sập xuống ngay”.

Lưu Bá Ôn khẳng khái mà có đại tiết, nhận được sự tín nhiệm và kính trọng của thái tổ Chu Nguyên Chương và các văn võ bá quan.

Muốn làm nên một sự nghiệp lớn, ngoài việc phải có tài năng hơn người, đầu óc nhạy bén, còn phải có thái độ xử thế khoan dung độ lượng. Bất luận là việc lớn hay việc nhỏ, nếu như đều có thể như vậy, người đó không làm nên nghiệp lớn cũng khó.

Khoan dung đối với người khác không phải là một biểu hiện yếu ớt, cũng sẽ không làm mất đi sự tôn nghiêm, mà nó là khả năng giải quyết và hoàn thiện những việc không vui.

Khoan dung chính là đối xử rộng lượng với những người có khuyết điểm, dùng sự rộng lượng dung nạp sự hẹp hòi, dùng sự rộng lượng cảm động người khác, giống như nước, lấy sự vô hình của mình để bao dung tất cả những sự vật có hình.

Đông Tử xin kể cho mọi người nghe một câu chuyện về trẻ em nước ngoài:

Ở Úc, trong đại sảnh của một khu trại hè, một nhân viên với vẻ mặt vô cùng hối lỗi đang an ủi một đứa trẻ 4 tuổi, đứa trẻ vô cùng sợ hãi này đã khóc đến mệt lả.

Vốn dĩ hôm đó có rất nhiều trẻ, nhân viên này vì một phút sơ ý, sau khi giờ học môn tennis của trẻ kết thúc, đã tính thiếu một trẻ, bỏ đứa trẻ này lại sân bóng. Đến khi phát hiện ra thì cô ấy nhanh chóng chạy đến sân bóng đưa đứa trẻ trở về. Đứa trẻ ngồi một mình rất lâu ở một sân bóng vắng vẻ, sợ hãi, khóc nức nở.

Không lâu sau, mẹ đứa trẻ đến, thấy con mình khóc thảm thiết. Người mẹ ngồi xuống an ủi con, đồng thời lí trí nói với cậu bé: “Không có chuyện gì rồi, chị ấy vô cùng lo lắng vì không tìm thấy con, và chị ấy rất buồn. Chị ấy không cố ý. Bây giờ con hãy đến thơm chị một cái để an ủi chị”.

Đứa trẻ ngoan ngoãn liền đứng dậy hôn lên má người nhân viên đang ngồi bên cạnh cậu bé, đồng thời khẽ nói với cô nhân viên: “Không phải sợ, đã không có việc gì rồi”.

Theo cách nghĩ của nhiều người, nhìn thấy con mình sợ hãi, cha mẹ sẽ không lí trí, không khống chế được tình cảm, cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Sau đó, cha mẹ hoặc là dùng lời nói khắc nghiệt để chửi mắng nhân viên một trận, hoặc là có phàn nàn với quản lí, thậm chí tức giận đưa đứa trẻ về, không cho tham gia bất kì lớp học tài năng nào của trường này nữa.

Phương thức giải quyết hoàn toàn khác nhau thực ra đã phản ánh sự khác biệt trong quan niệm giáo dục gia đình.

Vị phụ huynh này khi giáo dục trẻ, xuất phát từ góc độ phát triển lâu dài, giỏi tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy nhân cách tốt đẹp của trẻ hình thành. Họ chọn phương thức giáo dục như vậy là để bồi dưỡng sự khoan dung và ân cần của trẻ. Đặc biệt coi trọng bồi dưỡng phẩm chất lương thiện của trẻ, trong đó bao gồm sự khoan dung với người khác.

Thực ra, trong cuộc sống của trẻ, hàng ngày đều phát sinh rất nhiều việc ý nghĩa. Thời cơ giáo dục tốt như vậy, nếu như cha mẹ có thể nhạy cảm nắm bắt, dẫn dắt trẻ thử quan sát tâm trạng của đối phương, học cách trao đổi và hiểu cho người khác, trẻ sẽ trở thành một người dễ thương, lương thiện, được yêu quý.

Lòng người không được chinh phục bằng vũ lực, mà bằng tình yêu và sự khoan dung độ lượng.

Khoan dung là một trong những phẩm chất cao quý nhất của con người. Cách làm của vị phụ huynh trên đã cho chúng ta một gợi ý: Muốn bồi dưỡng nên một đứa trẻ khoan dung độ lượng cha mẹ phải lấy mình làm gương, làm tấm gương tốt cho trẻ, đồng thời nắm bắt cơ hội giáo dục để hướng dẫn trẻ.

Mở cửa sổ cho người khác cũng sẽ khiến cho bản thân nhìn thấy bầu trời hoàn chỉnh hơn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx