sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

08. Jô

Jô được ông chủ cứu sống với giá mười đô la khi tàu ông cập vào một hòn đảo nhỏ trong hành trình vượt đại dương của ông. Một nồi nước được đun sôi, những thổ dân trên đảo đã sẵn sàng vặt lông Jô. Jô được đưa lên tàu. Một lần nữa ông chủ lại cứu Jô. Thủy thủ trên tàu tìm mọi cách để vứt Jô xuống biển. Theo họ, mang một con khỉ lên tàu là rất đen đủi. Ông chủ đã mang Jô về phòng trưởng tàu của mình. Tàu cập bến an toàn và thu được nhiều lợi nhuận, ông chủ đã khui sâm banh:

- Các cậu thấy không? Có thể các cậu đúng khi cho rằng khỉ là một loài mang đến vận đen đủi, nhưng đối với con khỉ này, nó mang đến vận may cho chúng ta.

Jô đứng trên vai ông chủ, bám vào mũ kêpi thủy thủ của ông để về nhà. Nhà ông chủ rất đẹp. Một biệt thự với hai lần cổng khóa. Trong vườn, cây cối rậm rạp, có những cây cao như cây cổ thụ và những cây leo quấn quýt. Trên các bậc thềm là những chậu cây cảnh đắt tiền.

Bà chủ rất đẹp cùng những đứa trẻ ra lần cổng thứ hai đón ông chủ. Lần cổng một gia nhân đã đứng mở sẵn. Những đứa trẻ rất sung sướng khi ông chủ mang Jô về nhưng bà chủ lại có vẻ không vui. Cùng một suy nghĩ như các thủy thủ trên tàu, bà bảo:

- Khỉ chỉ mang đến vận đen mà thôi.

Ông chủ không nói gì. Ông xích Jô vào chân ghế, bỏ đồ chơi ngoại cho bọn trẻ rồi khoác vai bà chủ vào phòng ngủ. Lát sau, bà chủ với vẻ mặt đầy hạnh phúc trở ra ngoài. Bà vẫn chưa kịp cất xấp đô la ông chủ đưa cho. Bà ngồi xuống bên cạnh Jô.

- Đáng yêu quá mất thôi. Nhưng này, mày chưa có tên phải không? Ừ, cái trán dô ra trông ngộ quá! Mày tên là Jô nhé, có được không?

- Jô hả mẹ, được đấy, cái tên dễ gọi, dễ nhớ. Jô này, Jô này!

Jô có cái tên từ đấy.

Jô là một con khỉ cái, đã được hai năm tuổi. Trước khi được ông chủ cứu, nó sống hoang dã ở trong rừng. Tuy nhiên, hòn đảo nhỏ nơi nó sinh sống là nơi rất đẹp, nhiều khách du lịch. Nó đã từng được tiếp xúc với nhiều người.

Con người mà nó tiếp xúc rất yêu quý nó. Nó đứng trên cành gọi họ, bứt những lá cây rắc xuống đầu họ rồi che miệng cười. Con người tỏ ra thú vị vì những trò nghịch ngợm của nó. Bởi những trò nghịch ngợm đó mà chuyến đi của họ thú vị hơn.

Jô được ông chủ sắm cho một chiếc lồng đẹp. Ông chủ để chiếc lồng trong một ngôi nhà nhỏ lợp lá gồi giữa vườn cây, trông đầy thơ mộng. Kế bên ngôi nhà của Jô là sân ăn ngoài trời của ông bà chủ. Những ngày đẹp trời, ông bà chủ dọn bàn ăn ngay bên cạnh chuồng của nó. Lũ trẻ yêu quý Jô nên chúng chưa cần ngồi vào bàn vội. Chúng lấy chuối hoặc cơm nắm đưa cho Jô. Jô kêu chí chí đầy vẻ thích thú rồi ăn những đồ bọn trẻ cho. Những lúc hứng chí hơn, Jô dùng thức ăn ném lại bọn trẻ. Thế là náo loạn cả bàn ăn. Ông chủ không hài lòng vì trò nghịch ngợm đó của bọn trẻ và Jô. Nhưng Jô lại tỏ ra đặc biệt thích thú. Jô rất nhớ rừng và đồng loại. Nhớ cả những người khách du lịch đến đảo của Jô. Bởi vậy, chỉ khi chơi cùng bọn trẻ Jô mới quên đi thân phận cá chậu chim lồng của mình. Ông chủ hay vắng nhà. Những lúc ông đi vắng, bọn trẻ và Jô tha hồ nô đùa với nhau. Bọn trẻ chạy quanh chuồng Jô và cười khanh khách, hồn nhiên. Jô thò tay ra ngoài chuồng để nắm tay, túm tóc, giật áo quần bọn trẻ rồi nhảy tót lên nóc chuồng nhìn xuống, che miệng cười. Với hai lần cửa khóa, lũ trẻ cũng chẳng khác Jô là mấy. Chúng ít được giao tiếp với bạn bè và cuộc sống.

Riêng có bà chủ thì Jô không sao hiểu được. Bà chẳng bao giờ bận tâm đến việc lũ trẻ chơi với Jô ra sao. Bà cũng chẳng cấm đoán khi bữa ăn dọn ra cạnh chuồng Jô và lũ trẻ dùng thức ăn để đùa cợt với nhau. Khi ông chủ đi vắng, bà như đang bận toan tính đâu đó. Bà ngóng trông, ánh mắt vượt qua cả hai lần cửa và sự soi mói của người vú già. Khi ông chủ về, bà chủ như thay đổi hẳn. Đầu tiên, bao giờ bà cũng vui mừng cầm một xấp đô la ra chuồng Jô, dứ dứ vào mặt Jô rồi nói:

- Ông chủ mày thắng đậm lắm, mày có biết không?

Ông chủ đi đằng sau nhìn theo bà âu yếm. Đó là niềm vui duy nhất khi ông chủ ở nhà. Sau khi cất xấp tiền vào tủ, bà chủ lại trở về bộ mặt lạnh lùng với ánh mắt xa xăm. Jô còn chứng kiến một sự vui mừng nữa của bà chủ, ấy là khi ông chủ với hành lý đi tàu. Bà chủ chia tay ông bịn rịn, đôi khi có cả nước mắt nữa.

- Anh đi, đầu sóng ngọn gió, nhớ thật sự giữ gìn. Anh mà có mệnh hệ nào thì mẹ con em biết trông cậy vào ai để mà sống. Rồi cái nhà này tiêu ma hết, anh hiểu không?

Ông chủ đã hiểu điều này nên khi bà chủ nói thế, ông cho rằng bà chủ đã thật lòng với ông. Ông ôm chặt lấy vai bà, hôn lên tóc bà.

- Anh yêu em, nhớ chăm sóc các con và chờ anh nhé!

Khi ông chủ ra khỏi lần cổng thứ hai, bà chủ nhảy chân sáo trở về, qua chuồng Jô, bà không nén nổi niềm vui sướng. Bà thò tay vào cù Jô.

- Mày biết không, ông chủ đi rồi đấy!

Jô nhảy cẫng lên cười chí chí. Jô cũng vui lắm. Ông chủ đi là Jô tha hồ mà nô nghịch với bọn trẻ.

Một lần ông chủ trở về nhà với vẻ mặt buồn bã. Bà chủ không còn niềm vui cầm một xấp đô la ra chuồng Jô để khoe nữa. Bà chủ lặng lẽ như một chiếc bóng. Tuy thế, những bữa ăn vẫn diễn ra ở ngoài, bên cạnh Jô. Lũ trẻ thỉnh thoảng lại đánh mắt trao đổi tín hiệu với Jô. Jô cũng đánh tín hiệu lại với chúng trong sự im lặng. Vậy mà, không qua mắt ông chủ được. Ông chủ nghiêm khắc cảnh cáo bọn trẻ. Những ngày sau đó, ông chủ luôn ngồi ở chiếc ghế xích đu trong vườn, hút thuốc liên tục. Bà chủ ở trong phòng, không mấy khi ló mặt ra ngoài. Bọn trẻ lại trở về trạng thái như khi Jô chưa đến: chậm chạp và biếng ăn.

Jô cũng buồn chán. Với bản năng cũ, Jô nhớ rừng, nhớ bạn bè, nhớ sự tự do, phóng khoáng, nhớ sự nhảy nhót chuyền cành và kêu chí chí vang cả thinh không, nhớ cả cái đói khát mà sự hoang dã mang đến... Jô biết yêu, biết giận, tuy chẳng biết phải trái là gì. Jô yêu lũ trẻ, mến bà chủ, ngưỡng mộ và sợ hãi ông chủ. Có một điều dần phai mờ trong trí não của Jô là sự biết ơn cứu mạng của Jô với ông chủ. Lúc mới về nhà ông chủ, Jô nhủ mình phải khắc dạ, ghi xương. Nhưng dần dần Jô không còn nhớ sự biết ơn đó nữa. Cứ mỗi lúc ông chủ về, Jô không còn được sống trong niềm vui với bọn trẻ thì sự biết ơn của Jô phai đi một ít. Đến một lúc, Jô bỗng cảm thấy ghét ông chủ.

Ông chủ ở nhà mãi không đi, bà chủ, bọn trẻ và Jô cũng mong muốn ngày ông lên tàu thật sớm. Sự mong chờ của họ hoàn toàn tiêu tan khi ông chủ tuyên bố: ông sẽ nghỉ ngơi một năm. Sau lời tuyên bố đó, ông chủ cũng tỏ ra ít khắt khe hơn với bọn trẻ. Jô lại được cùng bọn trẻ chơi đùa, thậm chí có lúc ông chủ cũng chơi đùa với bọn trẻ. Chỉ có bà chủ thì ngày càng tỏ ra khổ sở. Một mặt bà vẫn phải làm tròn chức trách với chồng con. Mặt khác bà đang đau đáu ra khỏi hai lần cửa khóa. Có thể con người, ngay cả ông chủ, không thể nào hiểu được nỗi lòng của bà chủ. Nhưng với Jô, dường như nó hiểu được hết. Vì bản năng giống cái - loài khỉ - của nó. Trong hai lần cổng khóa, bà chủ không có ai để trút bầu tâm sự. Một đêm, khuya lắm, cả nhà đã ngủ say, bà chủ ra ngồi trên xích đu ông chủ vẫn ngồi. Bà cũng hút thuốc lá. Rất lâu sau, dường như bà không thể chịu đựng hơn được nữa. Bà đến chuồng Jô:

- Jô ơi, mày có hiểu được tao không hở Jô? Mày có cách gì giúp tao với. Tao sắp chết mất. Mày làm sao để cho ông chủ lại vắng mặt ở cái nhà này đi! Mày có biết mỗi lần ông chủ đi vắng, tao hạnh phúc đến thế nào không? Bây giờ thì tim tao sắp vỡ mất rồi. Hãy giúp tao đi, mày là điềm may mắn của ông chủ. Vậy bây giờ mày cũng mang sự may mắn đến cho tao đi! Jô, hãy nói đi, mày có giúp được tao không?

Jô rất thương bà chủ nhưng nó chẳng có cách nào để an ủi. Nó khẽ rên lên nho nhỏ. Bà chủ sau khi than thở được với Jô vài lời, chừng như cũng nguôi ngoai. Bà lau nước mắt, hít một hơi thật sâu cho căng lồng ngực rồi đi vào trong nhà.

Sáng sớm hôm sau, khi cả nhà còn đang ngủ, ông chủ đã trở dậy, đến bên chuồng Jô. Ông thò tay vào mơn trớn Jô. Jô ngồi im để ông chủ vuốt ve.

Trong nó đang có sự cãi lộn giữa tình nghĩa và thù hận. Mặc dù sự thù hận đó là do sự đồng cảm với bà chủ, như hai kẻ đồng lõa với nhau. Sau đó, sự thù hận đã thắng, bởi chính Jô cũng muốn ông chủ đi đâu đó khỏi nhà này một thời gian. Jô nhớ lại cái cách bố mẹ nó đuổi một con thú khác ra khỏi lãnh thổ của gia đình. Jô bắt đầu canh chừng ông chủ. Nó đã nhìn thấy chiếc chốt cửa chuồng bị long ra. Ông chủ sau một hồi đùa bỡn với Jô mà không được nó đáp lại bèn quay lưng bỏ đi. Jô khẽ nhấc cánh cửa lên, khéo léo lách người ra khỏi chuồng. Một sự tự do ập đến làm Jô lâng lâng. Nó muốn ngay tức khắc nhảy lên một cây cao để nhìn trời xanh lồng lộng. Nhưng nó còn phải làm xong nhiệm vụ của mình trước đã. Nó rón rén bước đằng sau ông chủ. Rồi đột nhiên nó chồm lên cắn vào khoeo chân ông chủ. Ông chủ kêu lên ngạc nhiên và đau đớn. Sau đó ông chủ ngã xuống thềm.

Ông chủ là một người đàn ông lão luyện, từng trải. Ông thực sự ngạc nhiên trước việc con khỉ tấn công mình. Ông đã từng nghe nhiều câu chuyện kể về các con thú như đười ươi, tinh tinh tấn công chủ. Nhưng đó là con thú lớn và chủ của chúng thì thô bạo nên đối xử bạo ngược với chúng. Nay Jô chỉ là một con khỉ nhỏ, được ông cứu sống. Trong cuộc sống của nó, ông đối xử cũng rất tử tế. Ông yêu quý nó thực sự, lẽ nào nó lại tấn công ông kia chứ!

Jô cắn rất mạnh vào khoeo chân ông, nó còn nhay nhay nên cái đau tưởng như vô tận. Ông lấy tay giáng mạnh vào Jô thì Jô lại vồ lấy tay ông mà cắn. Ông cảm thấy không thể nào thoát khỏi con khỉ này. Chợt ông nhìn thấy nơi gia đình hay ngồi ăn những khi thời tiết đẹp. Ăn có nghĩa là cắn. Phải. Ông cúi xuống cổ Jô và cắn rất mạnh. Jô bị bất ngờ, nó vội nhả ông chủ ra. Thay vì chạy lên cây để thoát thân thì nó lại chạy vào chuồng để trốn. Ở trong chuồng, nó nghĩ ngợi về vết thương trên cổ nó. Nó đã lường trước sự thể. Ông chủ có thể đánh nó. Nếu ông chủ đánh nó bằng tay hay bất cứ vật gì đó, nó sẽ nhảy lên cây để chạy trốn. Nhưng ông chủ đã bất thần cắn nó như cách bố nó đã cắn con thú khác để đuổi chúng ra khỏi lãnh địa. Như vậy nó sẽ rời khỏi lãnh địa của kẻ khác, mà lãnh địa nó đang đứng ấy là sự tự do mà nó vừa cảm nhận được. Thế là nó chạy vào chuồng. Sau sự bất ngờ, Jô bình tĩnh chờ đợi cái chết.

Ông chủ bị thương nặng. Dù không cố ý cắn ông chủ đau đến thế nhưng do phạm phải chỗ hiểm như khớp chân, khớp tay nên ông chủ bị đứt gân. Sau tiếng kêu đau đớn của ông chủ, bà chủ và người làm đã đưa ông chủ vào bệnh viện.

Jô chờ cái chết được phán quyết, nó ủ rũ, ân hận. Thực chất nó vốn là giống vật rất tình nghĩa. Nay sống ở nhà ông chủ, nó cũng có khi hạnh phúc, sung sướng chứ không đến nỗi nào. Nó còn ngưỡng mộ ông chủ nữa. Nên bảo nó căm thù ông chủ thì không phải. Bảo nó vì quá thương và đồng cảm với bà chủ cũng không. Trong nó như đang lẫn lộn mọi thứ vốn rất rạch ròi.

Sau khi đưa ông chủ đi bệnh viện, bà chủ về đứng bên chuồng Jô.

- Tao có bảo mày làm như thế đâu. Mày có biết mày làm như thế có nghĩa là mày phải chết không? Không còn cách nào cứu được mày nữa. Bây giờ ông chủ phải nằm bệnh viện rồi, tao sẽ được tự do phần nào, nhưng tao còn bụng dạ đâu nữa. Mày chẳng thể hiểu được bọn đàn bà chúng tao đâu. Tình và nghĩa, mày hiểu không? Bây giờ tao biết làm sao đây? Đúng là khỉ thật.

Jô không hiểu bà chủ nói gì. Nó đang đợi cái chết. Hơn một tháng sau, ông chủ xuất viện. Tuy đã khỏe mạnh nhưng chân ông bước vẫn còn tập tễnh, có lẽ chẳng bao giờ chân ông bước thẳng được như xưa nữa. Thay vì cho nó cơn thịnh nộ hoặc một nồi nước được đun sôi sẵn để chờ vặt lông thì ông chủ lại đến bên chuồng Jô:

- Chỉ vì tao không cho mày nô đùa với bọn trẻ trong bữa ăn mà mày căm thù tao đến thế ư? Thôi được, tao sẽ tha cho mày, có lẽ mày đã đến tuổi làm mẹ rồi đấy.

Sau đó, Jô được ông chủ mang đến vườn thú để làm bạn với một con khỉ đực. Khi mang thai, Jô trở về nhà ông chủ. Từ khi ở vườn thú trở về, Jô học được cách chắp hai tay, cúi đầu xuống vái. Cái vái đầu tiên Jô dành cho ông chủ. Ông chủ có vẻ cảm động trước cử chỉ của Jô:

- Thôi, mày đừng làm thế!

Dạo này nhà ông chủ hay có khách lắm. Khách đến thăm ông chủ bị tai nạn. Mỗi khi tiễn khách về, đi qua chuồng Jô, Jô lại chắp hai tay cúi đầu vái lạy cả khách lẫn chủ. Đôi khi Jô còn khóc nữa. Nước mắt của Jô là rất thành thực. Mà không thành thực sao được kia chứ, khi ông chủ đã ba lần cứu sống nó.

Jô sinh một chú khỉ đực con rất khỏe mạnh, đẹp đẽ. Suốt ngày hai mẹ con Jô không rời nhau nửa bước. Bọn trẻ rất vui. Chúng không còn chọc đùa Jô một cách vô tư, đôi khi hơi quá nữa. Chúng đến bên Jô cho kẹo, cho chuối và vuốt ve. Để đáp lại sự yêu mến của bọn trẻ, thỉnh thoảng Jô cho chúng bế con của mình.

Ông chủ đã đi biển. Bà chủ lại trở về trạng thái hạnh phúc như xưa. Nhưng cũng chính vì trạng thái hạnh phúc đó mà bà không còn thổ lộ lòng mình với Jô. Bà như quên hẳn Jô.

Mỗi lần ông chủ đi tàu về, ông lại phải tiếp đón khách khứa. Chủ yếu ông đưa khách ra thăm Jô, để xem đứa con và xem Jô lạy. Ông chủ thích thú sự ân hận của Jô. Chính vì sự thích thú đó mà Jô bắt đầu lo ngại. Jô linh cảm rằng sắp có điều gì đó đến với nó. Sự linh cảm này còn cao hơn cả khi Jô chờ đón cái chết. Sự lo lắng tăng lên cao độ khi một lần ông chủ nói với khách:

- May quá, nó sinh ra con khỉ đực. Giống cái hay phản trắc lắm, không biết đâu mà lường được.

Quả đúng thế, sự lo lắng của Jô đã ứng nghiệm. Khi khỉ con tròn một tuổi, ông chủ bắt khỉ con mang đi. Jô gào khóc, rên rỉ lạy ông chủ rối rít nhưng mặt ông chủ lạnh tanh. Jô bỏ ăn, suốt ngày ngồi ủ rũ ở xó chuồng, mặc cho bọn trẻ con dỗ dành. Rồi chính bọn trẻ khóc. Chúng thương Jô và sợ Jô chết mất. Nước mắt của bọn trẻ đã làm Jô muốn sống. Nhưng khi bọn trẻ đi rồi, Jô lại muốn chết. Bà chủ cũng có tâm trạng không giải thoát được. Bà lại năng đến thăm Jô. Một hôm, bà tâm sự với Jô:

- Tao khổ sở quá Jô ơi, ông chủ biết hết cả rồi. Giá như ông ấy đánh đập, chửi mắng thì tao còn có cách, chứ đằng này ông ấy lại vẫn cứ như tảng băng lạnh lùng. Ông ấy muốn để tao chết dần, chết mòn. Mày cũng khốn khổ lắm phải không Jô? Tao thả mày ra nhé! Về rừng đi, rồi mày sẽ vui thôi. Còn tao, tao quen với ngôi nhà này rồi, tao mà đi khỏi, biết lấy gì mà sống đây? Tao mở chuồng rồi đấy, mày đi đi!

Lần này thì Jô hiểu bà chủ lắm. Bỗng nhiên nó muốn nói biết chừng nào. Nhưng nòi giống của khỉ là nơi bắt đầu của con người thì sao mà khỉ nói được. Nó đến bên bà chủ, đưa tay sờ vào tay bà. Bà cầm tay nó giục:

- Đi, mày đi đi Jô!

Trong bóng tối, bà chủ không nhìn thấy Jô lắc đầu. Nó không còn đủ sức để trở về với hoang dã được nữa. Trong ngần ấy năm sống ở cạnh con người, nó đã học được đức tính: nhẫn nại, hy sinh, yêu thương, căm ghét. Nay mà trở về rừng với những đức tính ấy, nó cũng chẳng thể nào mà tồn tại được nữa.

Sáng hôm sau, ông chủ ra chuồng Jô thì thấy Jô đã chết rồi. Mặt ông lạnh băng, không một chút biểu cảm. Ông sai người chôn cất Jô cẩn thận. Rồi quay lại với chú khỉ con. Ông thả nó vào chuồng và khẽ đùa với nó. Ông dặn người làm: đừng nói về cái chết của Jô với bọn trẻ để chúng khỏi buồn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx