sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Những Giọt Mực - Chương 01

Thay lời tựa

đứa trẻ nói với bàn chân nó.

….Bàn chân trẻ nhỏ không biết nó chỉ là bàn chân và nó muốn trở thành một cánh bướm hay một trái táo….

Nhưng rồi sau, đá cứng khô đường phố, cầu thang….

Những con đường trên trái đất tiếp tục xây, bàn chân biết rằng nó chẳng thể bay chẳng thể làm trái táo trên cây.

Rồi bàn chân trẻ nhỏ chịu thua.

Ngã trên chiến địa, thành tù binh.

Bị giam giữ trong một chiếc giầy!

Không rõ trong 7000 bài thơ sáng tác của Neveda có bao nhiêu bài thuộc loại ngộ nghĩnh đáng yêu tương tự? Có điều chắc chắn trong " Những giọt mực " của Kiều phong Lê tất Điều ngây thơ ngộ nghĩnh như vậy mà còn dài hơn nhiều, nhuộm màu sắc vừa bi hùng, vừa trữ tình đặc biệt phương Đông.

CẠC SĨ.

Lê tất Điều nhân cách hoá đồ vật, rồi thủ thỉ kể chuyện. Câu chuyện khởi đầu bằng câu chuyện nên thơ của ban đêm và cứ thế kéo dài với những ngày tháng của cuộc đời.

Tuổi trẻ của chúng ta bị đoạ đày bị dằn vặt đủ thứ, tuổi trẻ của chúng ta được thưởng thức văn chương Lê tất Điều chắc chắn thống khoái vô cùng.

Lê tất Điều viết cho các em bé nhưng cũng để cho người lớn đọc. Lê tất Điều gửi gấm thật nhiều nỗi lòng, thật nhiều tâm sự trong những đoạn văn ngắn nhưng hàm xúc. Nhưng đoạn văn như bài thơ xuôi, những đoạn văn long lanh như hạt ngọc.

Đọc " Những giọt mực " người đọc có cảm giác như được dẫn dắt phiêu bồng ra khỏi cái thế giới đê tiện của cuộc đời hôm nay, để đi vào thế giới tươi mát, thế giới trong đó tình yêu thương bao la.

Kết luận "Những giọt mực " là những hạt ngọc cho tuổi thơ, một tác phẩm tuyệt vời của một tác giả có kích thước lớn.

HỒ NAM.

….Nói " Những giọt mực " là truyện dành riêng cho trẻ thơ, e hơi phiến diện. Phải nói là dành cho con người, cho tất cả….

CAO BỒI GIÀ.

….Trẻ con trong nhà vây quanh nhau để nghe chiếc bàn cự nự, chiếc đèn xếp khua reo, chiếc ô kiêu hãnh, đôi guốc thì thầm, chiếc roi tâm sự, con diều giấy rên xiết…v..v…với lối nhân cách hoá tự nhiên, linh động vui tươi. Anh Lê tất Điều đã điều khiển các đồ vật quen thuộc, đùa giỡn, lý sự, làm việc sinh hoạt một cách lý thú, dễ thương.

Như vậy tôi cho rằng đổ tội cho trẻ ham đọc sách bậy là cách che lỗi trân tráo của người lớn vô trách nhiệm. Trẻ ngày nay vì tiếp xúc sớm với đời, nên chúng khôn lanh hơn. Cũng nhờ vậy mà chúng đã sớm biết phân tách cái hay cái dở. Những giọt mực của Lê tất Điều được chúng công nhận là truyện hay.

Riêng các bà Mẹ, quyển " Những giọt mực " là một thích thú thoải mái khi các bà chọn cho con mình đọc, và cho rằng quyển sách bổ ích lành mạnh cho lứa tuổi đang cần có loại sách để đọc.

LINH TRANG.

Khung cảnh là cái phòng riêng của một cậu bé với tất cả những đồ vật lỉnh kỉnh lủng củng của một cái phòng dành cho trẻ con cỡ 7, 8 tuổi: từ những cây nến, cái búa, cái đèn xếp cũ, con diều giấy, đôi guốc mộc, những giọt mực…v..v…đến những cái ghế, bàn, bức tranh, cuốn sách, thôi thì đủ cả. Thời gian là về đêm, khi sinh hoạt của loài người hiếu động tạm ngưng lại để nhường chỗ cho đồ vật lên tiếng.

Đồ vật cũng sinh hoạt được ư? Sao lại không nhỉ? Và khởi đầu là sự hy sinh cao cả của bác đèn xếp để cứu cụ sách bị chuột gặm gáy; bác đèn xếp kẻ bị bỏ quên cả năm trời ( trừ ngày Trung thu ) để soi đường cho ông cung tên bắn kẻ định mưu sát cụ sách, đã gồng mình cháy sáng để cuối cùng bị thiêu rụi.

Bằng những tiêu đề như: Trung thu của bác đèn xếp, Tình bạn của đôi guốc, Diều giấy mắc nạn, Những giọt mực; tác giả lần lượt đưa người đọc vào sinh hoạt chung với các đồ vật có đầy đủ những tính tốt cũng như tật xấu của loài người: có hy sinh, có ghen tị, có cao cả, có thấp hèn, có bao dung, phản bội, mơ mộng, trầm tĩnh.

Gấp cuốn sách lại, người đọc không khỏi nhìn quanh mình mỉm cười thích thú, tưởng như các đồ vật quanh mình xì xào to nhỏ, tưởng như cuộc sống trở nên phong phú lạ thường, tưởng như mình hết còn cô độc. Và bây giờ người đọc hiểu tại sao bé gái này có thể nói chuyện suốt ngày với con búp bê bất động, bé trai kia có thể bầu bạn không chán với cả những cục gỗ viên gạch. Cả một thời thơ ấu lộ ra trong tâm trí quá mỏi mòn bởi những chen đua vật lộn thường ngày. Và hơn nữa người đọc hình dung đến viên sỏi của Fellini trong La Strada đến những bức tranh tĩnh vật đầy linh động của Salvador Dali. Dù vậy, những cái đó, viên sỏi của Fellini và đồ vật của Dali vẫn có vẻ quá nặng nề, kinh hoàng quá. Phải chăng đó là điều khác biệt giữa tâm hồn Á Đông và tâm hồn Tây Phương. Phải chăng đó là điều cho phép chúng ta, những tâm hồn quá mỏi mòn bởi chiến cuộc còn tin tưởng ở cuộc sống ở đời người.

NGÀN CÁNH HẠC.

Xin đừng đọc vội vã, ngấu nghiến quyển này, hãy cứ nhẩn nha, đi đâu mà vội. Gọi là truyện trẻ con nhưng chính ra là chuyện của người lớn. Tôi có ba đứa con đi học, nên khi đọc xong có chuyển cho từng đứa. Đứa nào cũng lấy làm thích. Đứa con gái đầu lòng thì thích " Những giọt mực ". Một thằng học đệ lục lại ưa " Tình bạn của đôi guốc ". Một đứa tám tuổi mới đọc thông Quốc ngữ lại thương " Con diều giấy mắc nạn " trên cột đèn. Mỗi tuổi có một lối thưởng ngoạn khác nhau. Phải chăng đứa con gái đầu lòng của tôi đã yêu cái vẻ hy sinh lãng mạn của bình mực " mang trên mình trăm mảnh trăng tròn, trăm mảnh bầu trời ngoài khung cửa sổ ". Thằng nhỏ học đệ lục, đã tìm thấy một thế giới bằng hữu và mộng tưởng phiêu lưu trong tình bạn của đôi guốc gỗ. Còn đứa nhỏ tám tuổi đã nghiêng con mắt nai thương xót một thứ đồ chơi thân quý mắc nạn trên dây điện đầu đường. Riêng tôi, tôi thích tất cả cuốn truyện, nhưng nếu phải chọn lựa, có lẽ tôi bằng lòng nhất truyện " Trung thu của bác đèn xếp " và " Những mũi tên trưởng thành ".

Khi tôi nói ra sự tuyển lựa của tôi, mấy đứa nhỏ đều chê mà nói rằng: " Bố không biết đọc ". Có lẽ sự nhận xét của chúng đúng, vì tâm hồn mà càng triết lý càng dùi mài thì càng xa sự vật. Trẻ con nhìn sự vật đơn sơ, người lớn nhìn sự vật khúc mắc. Trẻ con xem truyện, người lớn xem những gì đằng sau câu truyện, hay ở giữa câu truyện nên tất nhiên khó có sự hoà đồng.

Vì thế ở trên, tôi mới dám nói rằng truyện Những giọt mực không phải dành riêng cho trẻ con, mà nó còn là đầu đề suy nghĩ cho người lớn nữa.

Tuy nhiên, tôi và gia đình đều phải cám ơn bạn Lê tất Điều. Cốt truyện của bạn đã khiến bố con tôi bàn tán, cãi nhau hoài mà không ai chịu ai. Một cuốn truyện gây được một tác động như vậy, hẳn là một cuốn truyện đáng đọc…..

KÝ GIẢ LÔ RĂNG.

Trung thu của bác đèn xếp

Đêm thật khuya, buổi sinh hoạt của đồ vật trong phòng bắt đầu như thường lệ. Bao giờ họ cũng tán gẫu với nhau về chuyện xảy ra ban ngày, hoặc về chú bé chủ nhân của một vài vật. Chị Tranh trên tường hồi này ít nói. Trước kia chẳng ngày nào chị ta quên khoe sắc đẹp của mình và nhắc đến những đôi mắt đã chiêm ngưỡng chị.

Ông Bàn lên tiếng trước nhất. Ông càu nhàu về vụ hôm nay chú bé lại làm đổ mực lên mặt ông. Ông già rồi mặt mũi nứt nẻ cả, giờ lại loang lổ mực xanh, mực tím thật dơ bẩn. Ông cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bà con quá. Cái bệnh mọt ăn trong xương, trong mình ông vào mùa này lại thêm nặng. Hết cằn nhằn ông xoay qua kêu rên, rồi ông gây sự với chú Ngăn kéo:

- Đã nằm nhờ trong bụng người ta, còn rinh về đủ thứ, nặng muốn chết.

Thực ra, lỗi không phải ở chú Ngăn kéo. Cậu bé có món đồ chơi gì cũng tống vào lòng chú. Nhưng Ngăn kéo không cãi. Ông Bàn già rồi, " kính lão đắc thọ ". Ở với nhau lâu, chú biết tính ông. Ông hay cằn nhằn nhưng tốt bụng.

Anh Ghế cũng lên tiếng phụ họa với ông Bàn. Anh than phiền về vụ chú bé hồi này hay nghịch, thường đứng trên mình anh mà nhảy nhót hoài.

Anh Diều giấy suốt cả buổi chiều bay lượn mệt nhọc giờ này nằm ở gầm tủ ngủ bù. Nếu không, chắc anh đang ba hoa thuyết trình về tổ tiên của anh. Ôi! Thời đại của những ông Diều khổng lồ có sáo để ca hát vi vu giữa lưng trời. Anh thương nhớ thời đại đó biết bao! Tổ tiên của anh cũng chả bao giờ phải đeo một cái đuôi dài lằng nhằng như cái đuôi của anh bây giờ. Thân thể của các ngài rất cường tráng cân đối. Ít khi gió làm các ngài phải đảo nhiều vòng. Cần gì có đuôi để giữ thăng bằng.

Trầm lặng nhất là ông già Cung tên, ông mang dòng máu hiệp sĩ quí phái, lúc nào cũng kín đáo với lớp áo màu đen phơn phớt bụi phong trần.

Thỉnh thoảng, ông kể lại một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Các đồ vật trong phòng tưởng chừng nghe tiếng quân reo, ngựa hí và thấy ông Cung tên, nằm gọn trong tay một Dũng tướng, đang tả xung hữu đột giữa trận tiền. Đêm nay, ông không nói, chắc ông đang thương nhớ một điều gì. Hay ông lắng nghe tiếng bọn guốc dép kể các cuộc du lịch của chúng và lòng thầm khinh bỉ. Bọn giầy dép được đi xa, biết nhiều, nói dóc nghe còn thương được. Lũ guốc chỉ quanh quẩn ở xó nhà, cũng góp lời, thật nản.

Như thế, đêm sẽ trôi qua một cách bình thường cho tới lúc bình minh đến, nếu đột nhiên dưới gầm tủ không vang lên tiếng kêu thảm thiết:

- Trời ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!

Đó là tiếng kêu của cụ Sách.

Mọi vật nhốn nháo hỏi:

- Chuyện gì đó cụ?

- Cụ mơ ngủ hả?

Cụ Sách hổn hển:

- Tôi đang mơ màng thì bị cắn vào gáy một cái đau điếng!

- Cái gì cắn?

- Không biết. Chắc là một con quái vật.

Ông Tủ có vẻ ngạc nhiên:

- Này cụ Sách, sao cụ lại nằm dưới đó? Tôi tưởng cụ phải nằm trong lòng tôi chứ. Lúc nào tôi cũng chả dành cho cụ một chổ nằm mát mẻ rộng rãi.

Cụ Sách vừa xuýt xoa kêu đau, vừa than thở:

- Ấy, tại cậu chủ vứt tôi ra đây đấy. Hồi này cậu ấy bừa bãi quá, chả coi công dạy dỗ của tôi ra gì hết.

Chưa nói xong câu, cụ lại kêu rú lên. Ông già Cung tên, vốn có máu hiệp sĩ trong người ra lệnh lập tức:

- Phải có ánh sáng.

Mọi vật đều hướng về phía Đèn Ống chờ đợi. Nhưng cái tên này đang ngủ say sưa. Bây giờ chỉ có ông chủ nhà đánh thức hắn mới dậy, và khi dậy hắn kêu lách tách mấy tiếng càu nhàu, nhập nhoạng ngái ngủ mấy cái. Hắn làm việc có giờ và cư xử một cách hết sức máy móc. Khi hắn mới được đưa về đây, ông Đèn Cầy vừa trông thấy đã than:

- Thôi thế là máy móc đã bắt đầu ngự trị, đè bẹp loài đèn cầy rồi.

Và ông lui về một góc bàn thờ, chỉ chờ dịp Đèn Ống ốm đau mới ra tay được một lát. Nhưng trong dịp có lễ lạc ông trở nên quan trọng lạ thường, đó là nguồi an ủi duy nhất, quả thực, những giây phút linh thiêng đó, ông Đèn Cầy cảm động và hài lòng, mặt mũi ông thật rực rỡ. Tư cách ông đàng hoàng hơn anh Đèn Ống nhiều. Trong lúc nguy nan thế này, ai dám trông mong vào Đèn Ống máy móc và ích kỷ.

Nhưng, lúc này ông Đèn Cầy ngủ mê mệt.

Anh Ghế gọi anh Diều:

- Ê! Bồ bay lẹ tới gầm tủ coi con quái vật nào, đang tấn công cụ Sách?

Diều cằn nhằn:

- Việc ai người ấy lo. Tôi làm việc nặng nhọc cả buổi chiều rồi, không làm giờ phụ trội đâu.

Nói xong, tên ích kỷ hạng nhì này ngủ tiếp. Mọi vật nghĩ đến chị Bóng bay. Nhưng chị ấy mới bị xì hơi hồi chiều qua, bị ốm, nằm ỉu xìu ở một góc nhà, gầy tọp hẳn đi, chưa biết xẹp lúc nào. Chắc chị không cất bước nổi.

Tình hình có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng. Bình hoa bắt đầu nhỏ lệ thương xót cho ông Sách.

Bỗng dưới gầm giường có tiếng quay vù vù. Chú Con Quay đã đứng dậy. Chú xoay tít, xoay tít và lần tới gầm tủ quan sát. Chú nói:

- Xin báo cáo với Đại tướng Cung tên. Kẻ tấn công cụ Sách là một con chuột khổng lồ. Nó đang cắn gáy cụ ấy.

Cụ Sách rên rỉ không ngừng. Ông Cung tên hét:

- Tôi có thể bắn hạ nó, nhưng làm sao xoay cho ra chút ánh sáng bây giờ. Tôi không thể bắn ẩu được.

Mọi vật lại ngẩn ngơ. Làm sao có anh sáng bây giờ? Bình hoa khóc thảm thiết.

Ông Bàn sốt ruột:

- Tôi có thể khuân vác tất cả. Ai muốn nhảy lên mặt tôi mà ngồi cũng được. Nhưng tôi làm gì có ánh sáng. Tội nghiệp cụ Sách quá. Nếu cụ có bề gì chắc tôi không sống nổi. Ngày nào chúng tôi cũng gặp gỡ nhau.

Ông Bàn càng nói càng nghẹn ngào!

- Ông Cung tên sửa soạn tấn công đi. Tôi sẽ lo vụ ánh sáng.

Câu nói đó của một giọng khàn khàn như xuất phát ra từ một nơi đầy bụi. Đó là giọng bác Đèn xếp. Bác chui từ gầm giường ra. Bác đã nằm đó để chờ tết Trung thu. Mỗi năm bác chỉ làm việc có một ngày. Thời gian còn lại, bác nghỉ hè.

Bác Đèn xếp đã lăn tới giữa nhà (đó là vật cô đơn nhất phòng, bình thường chả có vật nào nói chuyện hay nhắc tới đèn xếp )

Đèn xếp đứng thẳng và sáng dần. Thân thể bác đầy bụi. Ánh sáng còn mờ. Những lằn xếp chưa dãn ra hẳn, chúng cũng lười biếng như những khớp xương lâu không được dùng tới. Ông Cung tên hét:

- Ráng lên chút nữa!

Bác Đèn xếp cố sáng hơn.

- Tôi thấy bóng tên chuột rồi. Sáng thêm chút nữa bác Đèn xếp.

Đèn xếp không ngừng cố gắng.

- Rồi! Tôi thấy nó rồi!

Mũi tên vụt đi trúng ngay con chuột. Nhà hiệp sĩ Cung tên mà bắn thì có bao giờ trượt. Mọi vật reo hò.

Nhưng ở giữa nhà, bác Đèn xếp không thể chia vui được. Bác đã ráng sức đến nỗi cả thân mình bác bốc lửa. Bình hoa rú lên và ngất xỉu.

Trong ngọn lửa nóng hừng hực, bác Đèn xếp thều thào:

- Xin vĩnh biệt các bồ!

Thoáng một cái, bác đã đen hết mình.

- Trung thu sang năm các bồ hãy nhớ đến tôi nhé!

Và bác ngã xuống cùng với ngọn lửa.

Tình bạn của đôi guốc

Đêm hôm sau trời mưa to, nước ào ào trút xuống mái nhà, nhảy múa trước hiên. Căn phòng lạnh và có vẻ buồn.

Chỉ có một mình bác Ô đen hân hoan. Bác chờ đợi im lặng suốt một mùa nắng. Có những con nhện hỗn hào leo lên thân bác tính chuyện ở lâu dài. Thật là một điều không tha thứ được. Nhưng ngày mai, khi bình minh tới, ông chủ sẽ trịnh trọng nhờ tới bác. Khi ông ở xe hơi bước xuống, bác sẽ che đầu ông. Khi ông ở sở ra xe, bác lại che đầu ông lần nữa. Bác sẽ ngửa mặt nhìn trời, chống trả những giọt mưa một cách oai hùng. Một đồ vật cảm thấy sung sướng khi thấy mình có ích. Bác Ô muốn nói thật nhiều về ngày mai. Nhưng bác đành phải im lặng.

Căn phòng cũng im lặng đến nửa đêm. Đó là lệnh của ông Cung tên, kẻ quí phái nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm chiến trường này cho biết đấy là cách tưởng niệm bác Đèn xếp đẹp đẽ nhất. Ông Cung tên bảo vụ mặc niệm không có tính bắt buộc, ai muốn tỏ lòng cám ơn bác Đèn xếp thì cứ im lặng, có thế thôi. Nhưng cả phòng không có vật nào lên tiếng.

Vật thành khẩn nhất dĩ nhiên là cụ Sách. Cụ đã được nằm trong tủ. Con chuột nguy hiểm đã được đem đi, nhưng ngọn lửa cháy rực rỡ trên mình bác Đèn xếp thì tưởng như được ghi chép thành một thiên anh hùng ca trong lòng cụ. Sau cụ Sách, những bông hoa trong bình cũng bắt đầu héo úa vì nỗi tiếc thương.

Quá nửa đêm, hết giờ mặc niệm, kẻ lên tiếng trước tiên lại là ông Bàn. Ông lên tiếng là càu nhàu ngay:

- Khổ quá! Khổ quá! Vì lòng kính trọng bác Đèn xếp, tôi đã chịu im lặng không dám than thở gì. Nhưng thật là quá sức tôi. Cứ cái đà này chắc chắn tôi sắp tới ngày què cẳng và xụm xuống.

Anh Ghế thở dài:

- Tội nghiệp! Chắc cụ lại bị lũ mọt hành chứ gì.

Ông Bàn nói:

- Không phải! Lũ mọt thì tôi chịu quen rồi. Cái kẻ làm hại mình lại chính là cái kẻ ở ngay trong bụng mình mới đau chứ, thật quá đáng. Thật không ngờ!

Mọi vật biết liền là ông Bàn muốn ám chỉ ai. Chú Ngăn kéo cũng biết điều đó, chú vội lên tiếng:

- Ông Bàn ơi, ông hiểu lầm cháu rồi.

Ấy thế là ông Bàn làm toáng lên:

- Hiểu lầm cái gì? Anh ở nhờ trong bụng tôi, anh rinh về đủ thứ. Thằng già này chịu nặng hết nổi. Bây giờ anh lại còn mời thêm bạn bè về nữa.

Chú Ngăn kéo cãi:

- Anh Búa đinh đâu phải bạn cháu.

- Thế sao nó nằm với anh trong bụng tôi?

Búa đinh ậm ừ lên tiếng:

- Ông Bàn lôi thôi gớm. Tôi có nhà đàng hoàng, trong tủ đồ mộc dưới bếp, ai thèm ở nhờ ông. Cậu bé lôi tôi ra đóng đinh cái xe của cậu ấy rồi tống bừa vào đấy. Mai ông chủ thấy thế nào cũng đưa tôi về. Đừng có làm khó, ông lão rỗ ơi!

Búa đinh dám gọi ông Bàn là " ông lão rỗ "! Thật hỗn xược. Về già mặt ông có xấu xí, loang lổ chút đỉnh, nhưng vật nào cũng kính trọng ông. Chưa có vật nào trong phòng lại hỗn láo đến thế. Các vật nhao nhao lên phản đối Búa đinh:

- Anh ăn nói lỗ mãng quá.

- Phải biết kính trọng tuổi già chứ.

Búa đinh cãi:

- Tôi nói thế còn lịch sự chán, phải tay thằng Dùi đục coi, nó chửi liền.

Dùi đục thì quả có tiếng là thô lỗ. Hắn ăn nói nhấm nhẳng khó nghe nhất nhà. Búa đinh ở chung với Dùi đục nên lâu ngày quen tật xấu.

Nghe Búa đinh lôi Dùi đục ra khoe, ông Cung tên khó chịu, ông nói chậm rãi:

- Này, cậu Búa đinh, cậu nên nhớ đây là phòng khách, toàn những vật đàng hoàng lễ độ. Cậu nên dành cái giọng đó để nói chuyện với lũ bạn Dùi đục của cậu.

Ông Cung tên không quát tháo, nhưng giọng nói thật nghiêm khắc, đáng sợ. Lời nói của ông có tuổi tác, có nhiều năm kinh nghiệm và một sự can đảm phi thường hỗ trợ, Búa đinh có vẻ ngán. Tuy nhiên, anh ta vẫn càu nhàu.

Anh Ghế phát cáu. Anh nói:

- Chú Ngăn kéo ơi! Chú hất quách cái thằng lỗ mãng đó xuống đất đi.

Một tiếng " huỵch " nặng nề đột ngột nổi lên dưới chân bàn. Tên Búa đinh thiếu lịch sự đã nằm thẳng cán dưới đất. Chú Ngăn kéo nghe lời anh Ghế, chú cũng không ưa kẻ dám nói hỗn với ông Bàn.

Hất Búa đinh đi rồi, chú Ngăn kéo đột nhiên có vẻ cương quyết, chú hỏi to:

- Nào! Còn mấy thằng Đinh ranh con này! Có đứa nào muốn lôi thôi lộn xộn cái gì không?

Lũ đinh nhỏ hoảng hốt:

- Dạ không! Xin chú Ngăn kéo cho chúng em ở nhờ, mai chúng em về. Trời mưa ẩm ướt thế này mà phải nằm đất nằm cát chúng em sẽ ốm hết.

Ông Bàn dịu giọng:

- Thôi chú Ngăn kéo, có cái thằng Búa nặng chình chịch ấy thì mới phải tống nó đi chứ lũ Đinh thì tha. Trời này mà phải nước mưa chúng sẽ bị sốt vàng da, chả mấy lúc mềm ra mà chết, tội nghiệp lắm!

Lũ đinh được tha cảm ơn rối rít. Chúng nằm sát vào nhau và cố giấu cái cẳng nhọn hoắt đi để khỏi làm phiền ông Bàn, chú Ngăn kéo.

Vụ lộn xộn làm mọi vật tạm quên cái chết anh hùng của bác Đèn xếp. Mưa ngớt dần, chỉ còn tiếng nước xối ào ào trong các ống cống trước hiên.

Bỗng nhiên, mọi vật trong phòng nghe tiếng khóc nỉ non từ ngoài hiên vọng vào. Ông Tủ hốt hoảng:

- Chết chửa! Có chuyện gì vậy? Có cụ Sách nào lạc ra ngoài ấy không?

Các vật nhốn nháo. Chú Con Quay đã đứng dậy xoay tít, sửa soạn cuộc dò thám. Nhưng thềm cửa quá cao, dù quay tít hết cỡ, chú cũng không sao nhảy ra ngoài được. Chú nói:

- Tôi chịu. Chị Bóng bay ráng xem chuyện gì ngoài đó.

Bóng bay đã được cậu bé thổi phồng trở lại. Nhưng trước kia mặt mũi chị trong, đẹp và thân hình hoàn toàn nhẹ nhõm vì khinh khí. Giờ thì hết rồi, chị căng lên sống đỡ qua ngày vậy thôi. Chị không sao nhấc mình khỏi mặt đất được nửa thước. Nhờ gió xô đẩy, chị Bóng bay lê la suốt ngày trong phòng một cách buồn bã, làn da lại nhăn nheo, thân thể lại mềm dần. Khi trời bắt đầu mưa, làn gió lạnh đã xô chị vào gầm tủ, tại đây nếu không né kịp thì chị đã bị một cây kim gút ám hại. Cái cẳng chân nhỏ xíu nhưng nhọn hoắt nhưng thừa sức làm chị toi mạng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx