sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Những Giọt Mực - Chương 02

Nghe chú Con Quay gọi, chị Bóng vội rời gầm tủ, lê tới gần cửa. Sau cái gương sáng của bác Đèn xếp, vật nào cũng tỏ ra biết hy sinh cho vật khác. Chị Bóng bay ham làm việc thiện hơn tất cả vì chị biết mình chả còn ở đây lâu, chưa biết xẹp lúc nào. Chính cây chổi sẽ đưa tiễn chị tới nơi an nghỉ cuối cùng là cái giỏ rác. Ra đi như thế mà không để lại một kỷ niệm đẹp nào thì tệ quá.

Dựa theo chiều xô đẩy của hướng gió, chị Bóng bay tự để cho mình va chạm vào chân ông Bàn rồi nhảy phắt ra ngoài hiên.

Chị thấy ở đó một chàng Guốc Mộc, đang đứng dầm mình trong mưa và nức nở khóc.

Lập tức, chị Bóng bay thông báo cho mọi vật trong phòng. Chàng Guốc nghẹn ngào vẫn chưa nói được. Bóng bay hỏi gặng mãi:

- Sao anh khóc?

Một lát sau, Guốc Mộc mới trả lời:

- Chị không biết gì sao?

- Chuyện gì vậy?

- Chị có bao giờ thấy tôi đứng một mình chưa?

Chị Bóng bay như hiểu ra:

- À, phải. Thế còn anh kia đâu? Sao anh lại đứng một mình? Bao giờ tôi cũng thấy hai anh có đôi như bóng với hình mà?

- Trên đời chắc có ít vật thân nhau như chúng tôi?

- Đúng vậy.

- Thế mà thằng kia bỏ tôi, đi rồi đó.

Chàng Guốc lại nghẹn ngào. Nỗi cô đơn của chàng chắc ghê gớm lắm. Chị Bóng bay giữ yên lặng trước nỗi khổ đau của Guốc. Đó là thái độ vừa lịch sự vừa khôn ngoan. Quả nhiên, sau đó, chàng Guốc kể lể hết:

- Thằng kia với tôi giống nhau như anh em sinh đôi. Chúng tôi là bạn thân. Tôi biết tính nó, suốt ngày nó chỉ mơ được phiêu lưu.

- Chuyện đó có gì xấu?

- Vâng. Nó muốn phiêu lưu quá khả năng của nó. Nó say mê nghe chuyện các bác Giầy, bác Dép. Nó muốn được đi khắp nơi như họ. Thế mà, chị biết đấy, nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ đi quanh quẩn trong nhà, ngoài sân, hoặc xuống bếp. Tôi thích cuộc đời quanh quẩn nhàn hạ. Trời cho sức mình đến đâu thì mình làm đến đó. Tôi khuyên nó nhiều lần nhưng nó không chịu. Cả ngày nó nằm mơ tới những chân trời xa lắc, những con đường trải thảm nhung theo lời bác Giầy kể. Tôi nghi bác ấy thêu dệt nhiều, nhưng thằng bạn tôi thì tin lắm. Có lần, nó điều đình với một bác Dép, đứng thế vào chỗ bác. Nó hy vọng ông chủ sẽ lầm lẫn và vốn đãng trí, ông sẽ lôi nó đi khắp nơi. Nhưng ông chủ vừa đặt chân lên nó là biết liền, lầm gì được! Tội nghiệp, nó thất vọng quá, ỉu xìu, trong một tuần bị đứt quai hai lần.

Mưa ngớt nên những lời chàng Guốc kể các vật trong phòng đã nghe rõ. Giầy, Dép khúc khích cười. Ông Cung Tên nạt ngay:

- Đừng kiêu căng thế.

Giầy, Dép im lặng, nhưng vẫn cười thầm. Đối với chúng, lũ Guốc thật là quê mùa cục mịch, vậy mà lại có một tên quê mùa học đòi phiêu lưu. Thật là lố bịch.

Chàng Guốc kể tiếp:

- Càng ngày, sự mơ ước được phiêu lưu càng khiến nó ngơ ngẩn. Nó bảo muốn cái thân nó được mòn đi ở những nơi xa lạ. Cái mặt đất quen thuộc này đã khiến nó mòn mất gần nửa cuộc đời rồi.

- Hôm nay, trời mưa to, chúng tôi đứng ngoài hiên, tiện thể tắm luôn. Lúc nãy đột nhiên nó nhìn thấy dòng nước chảy trên đường mương. Đường mương đầy, nước chảy xiết. Nó hỏi bác Giầy: " Nước chảy về đâu? ". Bác Giầy cho biết nước chảy đi khắp nơi. Ấy thế là nó hét lên: " Dịp may của ta đã tới ". Rồi nó hỏi tôi: "Đi không? ". Tôi hỏi lại: "Đi đâu? ". Nó có vẻ khoái trá: "Đi khắp bốn phương trời ". Tôi chưa kịp lên tiếng cản ngăn thì nó đã nói: " Tao biết! Mày nhát như cáy, mày đâu có dám rời cái xó bếp. Thôi mày cù lần mày cứ việc ở lại, ông đi phiêu lưu đây ". Ấy thế là nó nhào ngay xuống đường mương, nước cuốn nó đi băng băng, thoáng một cái chả thấy nó đâu nữa.

Chàng Guốc lại ngậm ngùi. Giây phút chia ly kinh hoàng ấy thật ghê gớm. Chàng không hiểu sao tên bạn thân của mình lại có thể mang một tâm hồn sắt đá như thế. Guốc hỏi chị Bóng bay:

- Chị đã từng được lên cao, đi xa, chị có biết dòng nước chảy về đâu không?

- Nước chảy ra sông, sông về biển.

- Không biết giờ này nó đã ra tới biển khơi chưa?

Một bác Giầy xen vào:

- Làm sao mà ra tới biển!

- Tôi thấy nó đi lẹ lắm.

- Lẹ cũng chưa chắc đã ra tới sông. Chưa biết chừng hắn bị mắc kẹt ở đường cống nào rồi. Xưa nay có ai dại dột phiêu lưu theo cái kiểu kỳ cục vậy.

Chàng Guốc lặng thinh. Tưởng chàng đã nguôi thương nhớ, chị Bóng bay dựa theo một làn gió, bay vào phòng. Nước mưa làm chị thấy lạnh. Bỗng Guốc lên tiếng, giọng rất bình tĩnh:

- Bác Dép ơi! Đời tôi như thế này kể là tàn rồi phải không?

Dép hốt hoảng:

- Sao anh lại nghĩ vậy?

Chàng Guốc cay đắng:

- Thôi, bác giấu tôi làm gì. Chúng ta dù sao cũng có họ hàng xa gần với nhau. Số mệnh của chúng ta chả khác nhau mấy. Một chiếc dép, một chiếc guốc chỉ còn một mình trên đời là hoàn toàn vô dụng, không sớm thì muộn tôi cũng bị đưa về nghĩa địa thùng rác.

Bác Dép lúng túng. Chị Bóng bay vội lên tiếng:

- Anh Guốc nghĩ quẩn rồi. Phải can đảm lên chứ.

Guốc vẫn điềm tĩnh:

- Tôi có sợ hãi gì đâu. Nếu thằng kia không bỏ đi tôi sẵn sàng chăm chỉ làm bổn phận cho đến khi mòn quá nửa thân mình. Các bác biết đấy, suốt từ ngày về đây chưa bao giờ tôi chịu đứt quai. Nhưng bây giờ tình thế khác hẳn. Một chiếc guốc cô đơn là chiếc guốc hoàn toàn vô dụng. Tôi tự coi như đã bị tàn phế.

Chị Bóng Bay lúng túng nốt. Các vật trong phòng xúm lại an ủi Guốc, nhưng không ai bác bỏ được những điều Guốc suy nghĩ. Số phận một chiếc Guốc cô đơn rõ rệt quá!

Guốc đột ngột gọi to:

- Cụ Sách ơi! Tôi nghĩ đúng phải không?

Không có tiếng cụ Sách trả lời. Guốc gọi to hơn, vẫn im lặng. Ông Tủ vội nói:

- Cụ Sách ngủ say rồi.

Ông Bàn càu nhàu:

- Sao lại cứ phải hỏi cụ Sách. Làm như cái gì cụ ấy cũng biết.

- Trường hợp của tôi chắc có ghi rõ trong lòng cụ ấy.

Ông Bàn vẫn công kích:

- Ôi chao! Chắc gì ở cái lão gàn ấy. Tôi hỏi bác, có biết bao điều rắc rối mà cụ Sách không kịp ghi trong lòng? Chẳng hạn như các bác không có cái chân nào sao các bác được đi cùng khắp, còn tôi sơ sơ cũng có tới bốn cẳng mà đứng đâu đứng đó, cả năm chả nhích được một phân. Sự đời là vậy. Ta cứ can đảm chịu đựng số phận là quí nhất.

Ông Cung Tên lên tiếng:

- Chuyện gì rồi cũng quen cả, anh Guốc ơi. Sự cô đơn mới đầu có vẻ ghê gớm sau cũng tầm thường. Anh chịu được những phút đầu là chịu được mãi.

Mưa dần dần trở lại nặng hạt. Tiếng chàng Guốc lẫn trong tiếng mưa reo trên mái ngói.

- Xin cám ơn quí vị đã có lòng thương mà khuyên bảo. Thực ra, tôi đâu có sợ sự cô đơn, tôi chỉ thất vọng vì bỗng dưng mình thành vật vô ích. Phải đứng cạnh thằng kia đời tôi mới có ý nghĩa, số mệnh đã xếp đặt như vậy. Tôi rất ghét phiêu lưu, không muốn làm việc ngoài khả năng, phạm vi mình. Nhưng tôi phải đi tìm thằng bạn, dù nguy hiểm cũng phải đi tìm. May mắn gặp lại nó, chúng tôi trở lại là đôi guốc có ích. Nếu không gặp lại nó, tôi cũng yên tâm rằng những ngày cô đơn tôi không sống như một kẻ tàn phế. Xin vĩnh biệt quí vị.

Nói xong, chàng Guốc lặng lẽ phóng mình xuống đường mương. Dòng nước lại cuồn cuộn kéo đi một chàng Guốc phiêu lưu. Chàng biến mất rất nhanh trong mưa mù và bóng tối.

Mọi vật trong phòng sững sờ. Họ ngẩn ngơ im lặng, lặng nghe tiếng nước, tưởng theo dõi được tiếng thân chàng Guốc trôi bập bềnh trên sông.

Hai đêm chứng kiến liền hai thảm kịch, bông hoa trên bàn rũ xuống như sắp tàn.

Bỗng có tiếng thở dài:

- Tội nghiệp!

Đúng là tiếng cụ Sách. Mọi vật nhao nhao lên:

- Cụ Sách thức.

- Ê! Lúc nãy cụ Sách giả vờ ngủ.

Ông Bàn càu nhàu:

- Này ông lão gàn. Sao lúc nãy ông không trả lời anh Guốc, còn vờ ngủ, chơi xấu vậy hả?

Giọng cụ Sách trầm trầm:

- Anh Guốc đã nghĩ đúng. Tôi muốn an ủi anh ấy thì phải nói dối. Một quyển sách tự trọng như tôi không có quyền nói dối. Tôi đành phải im lặng.

Ông Cung Tên nói:

- Cũng là phiêu lưu, nhưng cuộc phiêu lưu trước là do sự tò mò, háo thắng, dại dột. Cuộc phiêu lưu sau do ý muốn tìm ý nghĩa cho đời mình. Chúng ta không thể cản chàng Guốc được.

Có đôi dép tí hon nằm dưới gầm tủ rụt rè lên tiếng hỏi cụ Sách:

- Cụ Sách ơi. Bây giờ họ ra tới biển chưa?

Cụ Sách dịu dàng:

- Chưa đâu. Chắc họ mới gặp nhau và hẹn hò nhau cùng bơi ra sông, các cháu ạ.

Diều giấy mắc nạn

Cuộc sinh hoạt của đồ vật đêm nay mở màn sớm hơn thường lệ. Quả thật đã có nhiều điều xui xẻo xảy ra trong thế giới của chúng. Nơi gầm tủ kể từ nay đã vĩnh viễn vắng mặt anh Diều giấy. Anh ta là vật có cuộc đời sôi nổi, phiêu lưu nổi tiếng. Anh đã đem tính mạng mình treo đầu sợi chỉ. Chiều nào anh cũng bay lượn lửng lơ giữa bầu trời xanh, vẫy vùng trong gió. Đêm về, anh mệt, thường ngủ bù hoặc im lặng sống cuộc đời riêng. Anh có vẻ ích kỷ và hơi kiêu căng.

Anh Diều giấy đã gặp nạn! Nhưng mọi vật trong phòng không hiểu kẻ bay cao ấy thọ nạn thế nào?

Cuộn chỉ được coi là vật kể chuyện hấp dẫn, đáng tin nhất. Bởi vì, chỉ có mình nó chứng kiến tai nạn và ở bên anh Diều giấy những giây phút chót.

Cuộn chỉ nằm trên bàn, thỉnh thoảng lăn qua lăn lại cho thêm phần quan trọng. Ông Bàn gợi chuyện trước:

- Tao nghi chính mày có lỗi to nhất trong việc làm hại anh Diều giấy.

Cuộn chỉ cãi ngay:

- Cháu không có lỗi gì hết.

- Không có lỗi? Chắc chỉ của mày đứt rồi anh ấy bị gió lôi đi mất tích chứ gì. Cái lũ chỉ chúng mày bở bùng bục, mày giữ anh Diều nào là anh Diều ấy bị gió bắt cóc mất tiêu.

- Ông Bàn kết tội hồ đồ quá. Ông phải biết cháu là một trong những cuộn chỉ dai nhất. Gió to tới bậc nào cháu cũng níu anh Diều lại được. Vả lại, chúng cháu lên cao xuống thấp có nhau, thân thiết như tình ruột thịt, đời nào cháu lại chịu cho gió bắt cóc anh ấy. Thú thực với ông chưa có anh Diều giấy nào được cháu quí như anh này. Thân thể anh ấy cân đối, vững vàng, gặp một chút gió là bay bổng.

- Thế sao anh ấy gặp nạn?

- Thì ông để từ từ, cháu phải nhớ lại mọi chuyện rồi mới kể được.

Ông Bàn đành im lặng nhưng vẫn hậm hực.

Cuộn chỉ lăn qua lăn lại thêm vài vòng, rồi bắt đầu tường thuật nội vụ:

- Chiều hôm nay gió to, cậu bé đem anh Diều giấy đi thả sớm. Như mọi lần, cậu vào công viên, nơi đây có bãi cỏ rộng. Anh Diều giấy no gió bốc thẳng lên trời. Tôi ( lời cuộn chỉ ) níu kéo anh ấy thật là mệt. Cái đuôi ba màu của anh ấy bay phất phơ rất đẹp. Những hôm Diều no gió chỉ có cái thân làm cuộn chỉ chúng tôi là khổ. Chịu không nổi để anh Diều bay đi mất thì thật mang tiếng xấu muôn đời. Nhưng bù lại, anh Diều bay cao, chúng tôi cùng chung niềm kiêu hãnh.

- Tôi có bao nhiêu chỉ được mặc sức thả ra hết cho anh Diều tha hồ vùng vẫy. Anh lên cao hơn các anh Diều khác rất nhiều. Cậu bé hài lòng, vui cười suốt buổi.

- Thình lình trời đổ mấy hột mưa cậu bé đành thâu chỉ lại, kéo Diều xuống ra về. Một chiều hoạt động như thế kể cũng là nhiều rồi.

- Khi chúng tôi về gần tới nhà, mưa chợt tạnh, mây đen tan dần. Gió lại nổi lên, rất hấp dẫn, nhưng ngại trở lại công viên, sợ gặp mưa thình lình, cậu bé đưa chúng tôi lên sân thượng. Anh Diều lại được tung ra. Nhưng gió trong thành phố vướng nhà cửa thổi không đúng chiều nhất định. Anh Diều chưa kịp lên cao đã đảo hai vòng và đâm đầu ngay xuống, mắc tòn ten giữa những sợi dây điện….

Các vật trong phòng ồ lên một tiếng, xôn xao vì cái tai họa bất ngờ. Cuộn chỉ bùi ngùi tiếp:

- Quí vị nào có dịp ra khỏi nhà thì biết đấy. Đường phố đầy dây điện, chỗ nào cũng có, nhà cửa lại san sát, thật chả có chỗ nào đủ rộng cho một anh Diều cất cánh, hạ cánh an toàn. Phải bay nhảy trong thành phố là một điều vô cùng nguy hiểm, mất mạng như chơi.

- Ngay khi anh Diều mắc trên dây điện cậu bé đã tìm cách cứu ngay. Nhưng cái đuôi của anh ấy dài quá. Cứ mỗi lần gió thổi cái đuôi lại quấn thêm một vòng vào dây điện. Diều giấy lại bị trói chặt vào đó.

- Cậu bé liều lĩnh và dại dột kéo mạnh một cái. Ấy thế là hai sợi dây điện được dịp chạm nhau. Như mọi vật biết đấy, bọn dây điện đâu có ưa gì nhau. Vừa chạm mặt là chúng hét lên, lửa xanh, lửa đỏ tung toé. Chỉ đứt luôn! Cậu bé cầm tôi chạy thẳng, anh Diều bị giam cứng trên đó.

- Tôi vẫn hy vọng một lúc nào đó anh được gió vô tình gỡ ra. Nhưng buổi tối mưa to. Tôi thực tình không biết số phận anh Diều ra sao, nhưng anh ấy khó lòng thoát nạn.

Cuộn chỉ không lăn qua lăn lại, đứng im lặng ngậm ngùi. Bỗng ở góc nhà, có tiếng nói:

- Anh Diều giấy tan xác rồi.

Đó là tiếng bác Ô đen. Chiều qua bác về nhà trễ nhất. Bây giờ bác Ô đen kể:

- Tôi đi với ông chủ nên về trễ. Tôi thấy anh Diều giấy nằm chết cứng trên dây điện, đuôi anh ấy đứt hết. Một bên cánh chỉ còn trơ cái xương tre, trận mưa to đã tàn phá anh ấy hoàn toàn rồi.

Mọi vật cùng hướng về phía gầm tủ nơi trước kia Diều giấy vẫn nằm. Nơi đó trống không buồn bã. Nhiều vật trước kia có chuyện xích mích với Diều giấy đều cảm thấy ân hận. Đáng lẽ phải cư xử tốt với anh ta. Một vật luôn luôn bay lơ lửng lưng trời đâu có hứa hẹn ở với ta lâu dài. Muôn vàn nỗi tiếc thương lúc này cũng là vô ích. Chỉ có niềm vui đem đến cho anh ta trước đây mới thật là quí giá đáng kể.

Ông Bàn lại càu nhàu:

- Lỗi hoàn toàn ở cậu bé.

Cụ Sách thở dài trong tủ:

- Hồi này cậu bé ít hỏi ý kiến tôi. Cậu ấy ham chơi quá rồi.

Ông Bàn vặn cụ Sách:

- Xin lỗi cụ, trong lòng cụ làm gì có ghi cái vụ cứu chiếc Diều giấy bị mắc trên dây điện?

Cụ Sách điềm nhiên:

- À, điều đó dĩ nhiên là không. Nhưng tôi dạy cậu ấy rằng không bao giờ được thả diều trong thành phố.

Cây roi kể công

Cây Roi đứng cạnh anh Phất trần trên nóc tủ sách. Thân thẻ hắn bóng loáng, hắn nói dõng dạc, oai nghiêm như một ông tướng:

- Thưa quí vị đồ vật trong phòng. Tôi trả thù cho quí vị rồi đó.

Cây roi ngưng nói nhìn một lượt từ ông Cung tên quí phái, ông Bàn hay càu nhàu, con Quay hay xoay tít, đến chị Bóng bay bắt đầu ốm ở xó nhà. Mọi vật im lặng. Cây Roi hiểu rằng tất cả đang chờ đợi hắn nói. Hắn kể.

Cây Roi không vào chuyện ngay, hắn hỏi:

- Ông Bàn có phải ông bị chú bé hành hạ nhiều nhất không?

Ông Bàn chậm rãi:

- Cái đó thì chắc rồi. Anh xem cái mặt tôi đủ màu lem luốc thì biết. Mới hồi chiều nay cậu ấy còn cao hứng, cậu ấy cầm dao chém lên mặt tôi cồng cộc. Thật không thể tưởng tượng cái mặt tôi bây giờ nó nham nhở tới bậc nào.

Cây Roi lại xoay sang anh Ghế:

- Còn anh Ghế thì sao?

- Ối giời! Suốt ngày nếu có dịp là cậu ấy nhảy lên mình tôi rầm rầm, mà chân cậu ấy thì bẩn quá sức. Tôi nghĩ cứ cái đà này chắc có lần tôi què cằng lăn kềnh trước ông Bàn mất thôi.

- Còn cụ Sách?

- Còn phải nói. Anh cứ xem cái gáy tôi thì biết. Tên chuột đã cắn tôi bị thương nặng, sứt hết bộ áo ngoài. Nếu không có bác Đèn xếp và ông Cung tên cứu thì cái thân tôi đã nát bấy ra rồi.

Cây Roi có vẻ hoan hỉ:

- Thôi, thế là đủ rồi. Bây giờ quí vị có thể ăn mừng. Kẻ thù của quí vị đã bị phạt nặng, chính tôi đích thân thi hành bản án trừng phạt ấy.

Ông Cung tên hỏi:

- Chú bé đã bị phạt à?

Cây Roi lắc lư đắc chí:

- Vâng. Buổi chiều hôm nay, ông chủ nhà đã bắt chú bé nằm xấp trên giường, tôi được nằm bên cạnh chờ đợi.

- Đầu tiên ông chủ hỏi tội chú bé về việc hành hạ ông Bàn anh Ghế. Chú làm đổ mực, chú nhảy nhót trên ghế, chú chém mặt bàn, ông đều biết hết. Rôi ông kể tới việc chú không chịu thăm nom hỏi han ông cụ Sách. Chú đã quên cho cụ Sách vào bụng ông Tủ để cụ Sách bị chuột ám hại.

- Tôi lo nhất là chú bé làm mất mạng anh Diều giấy, và làm hai sợi dây điện gặp nhau toé lửa, suýt gây hoả hoạn.

- Sau đó, ông chủ cầm tôi lên và đét cho chú bé ba roi vào mông. Thú thực trước những tội lỗi tầy đình như thế, tôi cũng giận quá, tôi đã hạ xuống mông chú bé những roi đích đáng. Thù của quí vị đã được trả…

Cây Roi ngưng lại chờ mọi vật hoan hô. Nhưng hắn vô cùng ngạc nhiên, tất cả đều im lặng. Cho là lời kể của mình chưa đủ yếu tố hấp dẫn, hắn thêm:

- Chú bé đã bị lằn ba vệt đậm ở mông.

- Chú bé đã khóc suốt buổi chiều và tỏ ra hối hận.

Căn phòng vẫn im phăng phắc. Cây Roi ngẩn ngơ nhìn hết vật nọ đến vật kia.

Thình lình, ông Cung tên lên tiếng:

- Chị Bóng bay đâu?

- Dạ.

- Chị còn đi được không?

- Tôi sẽ cố gắng.

Chị Bóng bay nhúc nhích ở cuối phòng rồi dựa theo gió lăn ra giữa nhà.

Không chờ ông Cung tên gọi, chú con Quay tự động xoay tít đứng cạnh chị Bóng bay. Ông Bàn nói:

- Chắc chú bé đang ngủ ở phòng bên.

Thế là Bóng bay và con Quay lần mò sang phòng bên. Một lát cả hai trở về báo cáo:

- Chú bé đã ngủ.

Ông Cung tên hỏi:

- Chú ấy ngủ ngon chứ?

Con Quay đáp:

- Dạ. Chú bé ngủ rất say sưa. Anh Đèn ngủ đuổi chúng tôi, không cho lại gần, sợ làm chú bé thức. Anh ấy rải trên khắp người chú làn anh sáng hồng rất đẹp.

Anh Ghế hỏi:

- Xem chú ấy có vẻ đau đớn gì không?

Chị Bóng bay đáp:

- Không đâu. Tôi thấy chú ấy mơ ngủ và mỉm cười.

Lúc ấy, mọi vật trong phòng mới thở phào nhẹ nhõm và vui tươi trở lại. Bình hoa trên bàn đã chịu nở thêm hai bông. Cây Roi ngẩn ra, ngạc nhiên:

- Ủa? Sao? Sao quí vị lại….

Không để cây Roi nói hết. Ông Cung tên chậm rãi đáp:

- Cám ơn anh Roi đã có ý binh vực chúng tôi. Nhưng anh lầm rồi. Thực ra chúng tôi rất quí chú bé. Lỡ chú ấy làm lỗi bị phạt, chúng tôi thương xót lắm. Chúng tôi chỉ ước mơ chú ấy hiểu tâm sự chúng tôi mà cũng thương lại chúng tôi. Nghe anh kể chú bé bị đòn chúng tôi rất buồn.

Cây Roi hỏi:

- Ông Bàn cũng không oán chú bé sao?

Ông Bàn khề khà:

- Tức thì nói cho hả, chứ làm sao tôi không thương chú ấy được. Ngày nào chú ấy cũng tựa vào mặt tôi mà học bài. Tôi thương yêu chú ấy nhất.

Cây Roi ỉu xìu, lăn quay ra nằm cạnh anh Phất trần.

Tờ lịch đầu tháng

Trước khi bị bóc đi, tờ lịch ngày ba mươi mốt nói với tờ lịch ngày mồng một:

- Ta sắp vĩnh viễn giã từ chú em. Ngày sắp tới là ngày riêng của chú, chú sẽ mở đầu một tháng. Chú có riêng mình một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ cho thật kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang cái truyền thống ấy, đời sống chúng ta ngắn ngủi và rất chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống, đừng bỏ phí một giây nào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx