Có tiếng ai gọi trong sương mờ. Sao giọng nói xa lạ? Tôi định mở mắt nhưng không được. Tiếng gọi lặp lại lần thứ hai:
- Dậy đi cô bé, tới nơi rồi.
Bàn tay cứng cáp của một người đàn ông nào đó lắc vai tôi. Tôi choàng dậy:
- Chào cô bé, hết khóc chưa?
Người đồng hành cười, những chiếc răng bạc lóe lên. Chiếc mũi khoằm của ông ta giờ đây không còn làm tôi khó chịu. Giơ ngón tay trỏ, ông quệt nhẹ vào má tôi:
- Hãy còn nước mắt đọng đây nhé. Tôi hy vọng là ra ngoài gió nó sẽ khô.
Tôi sực nhớ cảnh toa tàu đêm qua, hai gã trai thô bạo, cơn tủi cực tràn đầy con tim nhỏ bé của tôi. Tôi đã nức nở mãi trong mơ. Người đàn ông sắp xếp hành lý:
- Chuẩn bị xuống ga đi, cô bé. Chỉ còn một hai phút nữa thôi.
Mátxcơva đã ở bên ngoài. Qua ô cửa, tôi thấy khung cảnh quen thuộc của nhà ga. Các đường ray, các mái trú tạm, kè xi măng đón khách chạy giữa các tuyến đường. Các cụm đèn tín hiệu. Các nhân viên nhà ga lặng lẽ đi lại. Trên một mái nhà lợp đá đen xa xa, lũ bồ câu đứng hiền lành.
Tiếng còi tàu rú lên. Ở nơi nào trên trái đất, tiếng còi tàu cũng thế. Người đồng hành nắm cánh tay tôi:
- Mặc áo vào cô bé. Và đưa chiếc túi tôi đeo cho.
Không chờ tôi trả lời, ông ta khoác luôn chiếc túi du lịch của tôi vào vai, trông ông thật giống một con ngựa thồ. Thứ ngựa vùng sa mạc, gân guốc và thanh mảnh. Chúng tôi cùng đi ra ga, trông như hai cha con người Trung Á về thủ đô, hòa vào dòng người đông đúc. Thỉnh thoảng, người đàn ông cúi xuống nhìn tôi, vẻ như ủ ấp và che chở. Cái nhìn của ông ta khiến tôi nao lòng. Trong ký ức của tôi, biết bao lần ánh mắt che chở như thế đã hiện về, giữa những trưa hè oi ả, giữa đêm lạnh gió mùa đông bắc ù ù thổi, giữa những cơn mưa thu dầm dề... khoảng thời gian dài rộng đã được đan nối bằng quá nhiều giấc mơ non yểu viển vông và quá nhiều nỗi khao khát. Thỉnh thoảng, người đàn ông lại cầm bàn tay tôi, bóp nhẹ. Tôi nhìn ông ta với lòng biết ơn.
Nhưng phút giây hạnh phúc ngắn ngủi rồi cũng hết. Chúng tôi chia tay nhau trước sân ga. Người đàn ông cúi xuống, nói dịu dàng:
- Rất tiếc, cô bé nhé. Tôi phải đến nơi hẹn bây giờ. Tôi không thể đưa cô đi.
- Cảm ơn ông rất nhiều. Tôi biết tất cả các ga xe điện ngần của thành phố.
Ông ta nghiêng đầu cười:
- Cô bé nói tiếng Nga giỏi hơn tôi. Tôi ở...
Ông ta đọc một tên thành phố nào đó chưa từng biết. Có lẽ, nó không được ghi trên bản đồ.
- Một lần nữa, chào nhé. Hãy đi, và đừng để ai bắt nạt.
Ông ta ghì lấy tôi, hôn lên tóc rồi quay đi. Ông ta qua đường hối hả. Tôi cũng bước đi, hối hả. Tôi tới ga xe điện ngầm gần nhất.
Đừng bao giờ quay lại nhìn, dù một thoáng.
Vì phút giây hạnh phúc sẽ vỡ tan.
Vì phía trước, con đường sẽ trở nên lạnh lẽo...
Những câu thơ tự dưng vang dội trong óc tôi. Như có thi sĩ nào đó, vớii giọng ngâm bốc lửa đang đọc chúng trong một căn phòng vắng.
Tới ga xe điện ngầm, tôi đáp chuyến đi thứ hai trong ngày. Toa tôi ngồi có chừng trên một chục khách, Họ vừa đọc báo, vừa nhai bánh mì kẹp thịt. Có lẽ họ từ một nhà máy nào vừa đi ra, Tới ga thứ ba, bọn họ xuống hết. Còn một mình tôi. Tôi ngắm mình trong tấm kính đối diện, lấy lược ra chải lại tóc. Rồi rút bánh trứng trong túi du lịch, ăn. Lần này khôn ngoan hơn, tôi phải chuẩn bị đồ ăn từ nhà. Giá có một chén chè nóng với lát chanh thì tốt. Ăn xong, tôi mở sổ ra xem địa chỉ. Năm trước, cậu Chính cùng đoàn công tác đi ngắn ngày, ở khách sạn năm Rátxia. Lần này cậu xin đi tập huấn bốn tháng, ở trường Đảng Aôn, ngoại thị. Không hiểu sao, người ta cho một ông già ngót nghét 60 tuổi như cậu đi học? Có lẽ, đó là một trong những chính sách tuyệt diệu nhất. Sực nhớ gương mặt cậu trong lần gặp gỡ trước, tôi không khỏi mỉm cười.
Chuyển tàu mấy lần, tôi mới tới được nơi cậu ở. Aôn đây là trường học được biệt ưu ở nước Nga. Không có một trường học nào được dành cho mọi sự thuận tiện về sinh hoạt, phương tiện học tập và giao tiếp như ở đây. Tôi đã nghe nói nhiều về nó. Tôi biết ở đây, mỗi học viên được sử dụng một phòng, điều mà sinh viên các trường khác, kể cả đại học Lômônôxốp không dám mơ ước. Tôi hy vọng được vào căn phòng riêng của cậu, để uống một chén chè nóng pha đường. Nhưng người ta báo cho tôi biết cậu không có nhà. Tôi hỏi:
- Cậu tôi, ông Đỗ Quốc Chính nằm bệnh viện?
Người trực ban ngạc nhiên nhìn tôi:
- Viện nào? Đồng chí ấy gửi cho chúng tôi mảnh giấy này.
Một mảnh bìa nhỏ, trên đó ghi vài dòng chữ Việt:
“ Hằng có đến, tìm cậu ở nhà anh Khoa, nghiên cứu sinh ở...”
Giờ, tôi không nhớ rõ địa chỉ ấy. Nó ở gần đại lộ Lômônôxốp mang tên nhân vật có họ Ulivanốp, có lẽ là em của Lênin. Một tòa nhà cao tầng, kiến trúc tầm thường, kiểu kiến trúc phổ thông sau thế chiến thứ hai. Cửa chính tòa nhà giáp một cửa hàng bách hóa cỡ nhỏ. Trong đó, người ta bán một số đồ dùng lặt vặt như cốc chén, thìa nĩa, xoong nồi, bàn chải răng, các loại xà phòng thơm và xà phòng giặt... Có cả bơ, cả phómát. Nhưng lớn nhất là quầy bia rượu. Người bán hàng, một ông già cao lớn, vạm vỡ, mặc áo blu trắng, đội mũ trắng. Ông đi đi lại lại sau các quầy hàng, lấp lánh đủ thứ chai rượu và các giấy trang kim, trông như một trái núi tuyết di động. Khách mua hàng rất đông, từ chai nước quả chục kôpếch đến chai cônhắc nhãn năm sao mấy chục rúp. Ông giao hàng và nhận hàng cùng với dáng vẻ vô cảm như nhau. Đôi mắt của ông còn rất trong, xanh lơ, đưới hai tràng mày bạc trắng. Hai bàn tay to, rắn rỏi, với những vết đồi mồi lớn và các đường tĩnh mạch nổi phồng lên. Tôi đã đứng sau lưng đám người mua hàng, nhìn ngắm ông rất lâu.
Trong khoảng thời gian đó, tôi bị giằng co giữa ý nghĩ bước vào khu nhà xa lạ kia và trở lại ga, lên tàu về tỉnh lỵ của chúng tôi. Rõ ràng, cậu Chính không ốm. Cậu đã bịa ra cớ ấy để gọi tôi lên Mátxcơva. Không lẽ bên nhà có tin đột xuất? Nếu có, hẳn mẹ tôi đã đánh điện thẳng cho tôi. Từ ngày bị cụt một chân, không còn đi lại xông xáo được. mẹ đã ngồi ở nhà, mở quán bán chè chén. Khung cửa sổ của chúng tôi đã được đục to thêm, trát xi măng phẳng phiu. Để tạo thành một khoảng không gian rộng rãi. Ở ô cửa ấy, mỗi sáng mẹ ngả tấm ván gỗ có chân chống xuống, biến thành chiếc bàn bán hàng. Gánh hàng khô xưa đã bán hết. Vốn buôn cụt dần đi, chỉ còn đủ mua vài chiếc lọ thủy tinh lớn nhỏ đựng lạc, kẹo vừng, thuốc lá cuốn rẻ tiền, bánh đậu xanh và bánh rán không nhân bán dỗ trẻ con, chừng một chục chiếc chén vại Bát Tràng. Dăm túm bánh chưng và bánh gai của các hàng bán đem gửi. Một ấm chè Thái ủ trong giỏ lót bông. Thêm chiếc điếu cày là đủ lệ bộ. Khách đa phần là dân trong ngõ. Họ bán hết gánh bún xong, trở về ngồi ăn chiếc bánh chưng, hoặc bán chè rồi tới ăn chiếc kẹo vừng cho lạ miệng. Họ đi nhặt những đồng bạc lẻ, nhàu nát của dân thành phố, rồi đem về ngõ xóm nuôi nhau. Có khi, uống một chén chè chiếu lệ, họ ngồi chuyện vãn với mẹ tôi cả buổi. Và mẹ tôi, cũng bòn những đồng bạc lẻ của họ, bỏ vào chiếc bị cói nhỏ, như người ta làm một nghĩa vụ không hào hứng bao nhiêu. Số tiền lời ấy, mẹ có thể mua đủ xuất gạo. Dương nhiên, tiền ăn tiêu trông cả vào những hòm hàng gửi qua tàu biển hoặc bưu kiện của tôi. Cuộc đời sinh viên của tôi đã kết thúc, kể từ buổi chiều xuân mưa dầm dề, khi người hàng xóm tới báo cái tin độc địa...
Giờ đây, tôi tới thăn cậu Chính làm gì? Người mà tôi bị trói bởi một mối liên quan không thể tháo gỡ. Ông già bán rượu vẫn đi lại trước mặt tôi, luôn tay giao hàng. Dáng đi của ông bồn chồn như con gấu đợi mồi. Tia nhìn chậm rãi, nhưng đôi mắt còn rất trẻ, rất xanh. Những người khách mua hàng xong đều lặng lẽ ra đi. Ngay trước cửa hàng, là bến xe buýt. Xe tới, xe đi, hầu như không có tiếng động. Khác hẳn Hà Nội, một thành phố luôn luôn bị lên cơn co giật thần kinh bởi những tiếng còi xe hỗn độn, man rợ. Thêm vào đó, là tiếng pháo nổ bất thường, không cần luật lệ và tiếng rú thất thanh của một gã say rượu hứng chí hoặc của một vụ cãi cọ, đánh đấm nhau. Những người dân Nga im lặng xếp hàng, mua hàng, im lặng ra bến xe chờ đợi, im lặng lên xe. Những con người hiền lành, tuân thủ luật tắc. Trong cái trật tự của đời sống ở xứ này, hàm chứa cái gì đó trì đọng. Một thứ an bình của làn nước hồ không gió bão, không luân chuyển. Một thứ êm ả của núi cao, của cỏ cây trong thung lũng, làn không khí trong trẻo nhưng thiếu dưỡng khí cho sức triển nở, sức sáng tạo và sự thăng hoa của con người. Nhưng dẫu sao, nhìn những người dân với vẻ mặt êm hòa, nhiều chịu đựng ấy, tôi vẫn thấy họ đã được nhào nặn qua một từ trường của văn hóa, của một xã hội chí ít cũng tạo nên những thành trì của văn minh vật chất và tinh thần.
Xe buýt đã tới. Đám người đứng chờ trong trạm ghép gỗ nối nhau lên. Họ không chen lấn, xô đẩy. Lúc này, tôi phải quyết định: nhảy lên xe buýt ra ga hoặc vào khu nhà kia. Một chàng trai từ trong cửa hàng chạy bổ ra, va phải tôi. Anh ta ngoái cổ lại:
- Xin lỗi nhé.
Rồi sải những bước chân rất dài, anh ta lên xe. Hai nách kẹp hai chai rượu. Chai thứ ba thò thò lên từ miệng túi quần. Tôi đang nhìn anh, xe đã lăn bánh. Tôi thầm nghĩ:
- Trễ rồi.
Vậy là trời đã bắt ta phải gặp cậu Chính thêm lần nữa. Tôi đi ngược lên chừng 50 thước. Ở đó, cổng ngôi nhà đã khép kín. Tôi đành đi vòng lại cổng sau, ở phố bên kia. Trước cổng này, có một đám đông thanh niên. Họ đứng túm tụm lại, nhưng rất ít chuyện trò. Hóa ra họ ăn kem. Quày bán kem ngay gần đó thụt sâu vào một khu vườn. Có khoảng trên một chục người đang xếp hành trước khuôn cửa gỗ hình tổ tò vò, chờ mua kem. Đa số là người Việt. Tôi chắc họ là những nghiên cứu sinh hoặc cán bộ thực tập trong ngôi nhà kế đó. Tôi chọn người đàn ông tóc muối tiêu, mặc complê màu xám nhẹ, sơmi trắng có đường thêu hoa văn dọc từ vai xuống gấu để hỏi thăm:
- Thưa chú, trong nhà này có anh Khoa, nghiên cứu sinh năm thứ hai không?
Người đàn ông tóc muối tiêu ăn mốt miếng kem cuối cùng, rút mùi xoa lau miệng, lau tay rồi hỏi lại:
- Khoa nào? Trong nhà này toàn các nghiên cứu sinh cả. Người nhà em làm luận án về môn gì?
Tôi im lặng. Lúc ấy, tôi chưa kịp nghĩ tới địa chỉ cụ thể của cái ông nghiên cứu sinh tên là Khoa kia. Tôi vẫn nghĩ, đám người làm luận án phó tiến sĩ chắc không bao nhiêu và họ quen biết nhau cả. Người đàn ông chăm chú nhìn tôi và hỏi:
- Em ở xa mới về Mátxcơva, đúng không?
- Vâng. Xa lắm.
- Tiếc cho em quá. Ở đây có Khoa Điện-cơ, Khoa Sinh-Hóa, Khoa Ngữ-văn. Nghĩa là chừng ấy ông Khoa được gắn liền với môn khoa học làm luận án thành biệt hiệu.
- Cháu có địa chỉ của anh ấy.
Tôi đáp và đưa cho người đàn ông tấm bìa. Ông ta đọc, rồi đưa mắt nhìn tôi rất nhanh. Tôi không đoán được ý nghĩa của cái nhìn đó. Nhưng tôi biết chắc chắn nó hàm chứa một hiện thực không bình thường. Người đàn ông nói:
- Khoa Sinh-Hóa. Tôi có thể đưa em đến tận nơi. Em có mang đủ giấy tùy thân theo không? Ở đây, người ta nguyên tắc máy móc lắm.
Tôi gật đầu:
- Cảm ơn chú. Cháu chuẩn bị rồi.
Người đàn ông giúp tôi xách túi du lịch. Ông ta bước lên bậc tam cấp, đẩy cánh cửa gỗ luôn khép kín cho tôi vào. Qua một phòng gỗ hẹp ngăn cách giữa cửa lót bên trong, như kiểu kiến trúc thông dụng các tòa nhà ở đây, chúng tôi bước vào gian tiền sảnh. Đó là một căn phòng rộng, có những chiếc ghế gỗ cũ và xoàng xĩnh kê sát tường cho người lên xuống ngồi chờ. Một tấm bình phong giá ghép bởi các khung gỗ có căng vải sơn vẽ hình trang trí, ngăn cách gian tiền sảnh chính rộng hơn. Bên trái gian tiền sảnh, một phòng trực ghép gỗ, khung cửa vuông. Một ông già ngồi trực bên trong. Ông đang đọc sách chăm chú, mái đầu trắng phơ cúi xuống, những chòm lông bạc đâm tua tủa từ hai lỗ tai lớn ra hai bên. Người đàn ông tóc muối tiêu bước tới gõ gõ vào khuôn cửa gỗ. Tôi chắc ông lão nặng tai. Quả nhiên, người đàn ông gõ tới lần thứ ba, ông mới ngẩng lên:
- A... Có việc gì vậy?
Ông hỏi với giọng nặng và trầm, không giống giọng nói của dân Mátxcơva. Thay vì trả lời, người đàn ông hỏi lại, với cách phát âm và ngữ điệu Nga một trăm phần trăm.
- Bố già lại vùi đầu vào sách. Ai vậy?
Ông già lật tấm bìa lên. Đó là cuốn Chàng Ngốc của Đốtxtôiépxki. Người đàn ông tóc muối tiêu xốc cổ áo nói:
- Con người khổng lồ của nước Nga.
- Đúng, đúng.
Ông già dật đầu tán thưởng với một niềm hân hoan sâu sắc. Ông chìa bàn tay hồng như bị cước, đầy những vết đồi mồi ra bắt tay người đàn ông tóc muối tiêu. Họ gật gù nhìn nhau. Sau đó, người dẫn đường của tôi nói:
- Có một cô bé từ tỉnh xa tới, cần gặp anh Khoa Sinh-Hóa. Giấy tờ của cô ta đây. Bố già vào sổ giúp cho.
Ông ta đưa giấy tùy thân của tôi cho ông già. Rồi quay lại vẫy tôi lên:
- Cô bé ấy đây.
Ông già đưa mắt nhìn tôi một cách nghiêm khắc. Sau đó ông lấy cuốn sổ trực to tướng, cẩn thận mở ra, ghi tên họ và số giấy tùy thân của tôi vào những hàng cột dọc. Ghi chép xong, ông bỏ tất cả vào ngăn kéo và gật đầu nhìn tôi:
- Đi đi.
Tôi cúi chào ông, bước đi. Ánh mắt của ông vẫn đuổi theo, tôi linh cảm thấy điều đó. Nhưng tôi không dám quay lại nhìn. Chúng tôi vào buồng thang máy, lên tầng tư, tới tận cửa sổ nhà của ông nghiên cứu sinh tên là Khoa.
- Đây rồi.
Người đàn ông tóc muối tiêu nói. Chúng tôi cùng đứng lại. Một lần nữa ông ta đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn hàm chứa điều bí ẩn nào đó. Hình như ông ta định nói, nhưng sau phút giây lưỡng lự, lại thôi.
- Tôi đã làm xong phận sự với em rồi. Thôi, xin chào.
Ông ta chìa tay ra:
- Và chúc mọi sự bình an.
Đó là lời nói sau chót. Người đàn ông quay đi, và biến mất ở khúc rẽ của hành lang.
Tôi gõ cửa, chuẩn bị tinh thần để gặp một người đàn ông xa lạ. Nhưng người mở cửa chính là ông cậu tôi.
- Cháu Hằng, vào đây. May quá, cậu mong cháu từ chiều hôm qua. Ở đàng Aôn, người ta có nhắn gì cậu không?
Tôi bước vào, lẳng lặng treo áo, lẳng lặng ngồi xuống ghế rồi đáp:
- Cháu không gặp ai cả. Người trực ban đưa cho cháu mảnh giấy này.
- Thế hả, thế là tốt.
Cậu nói, và thở phào. Lúc ấy, tôi mới nhìn cậu. Một tay cậu cầm con dao lưỡi to bản, chắc đang thái thịt. Bụng cậu quấn tạpdề làm bếp. Chân cậu đi dép lê của đàn bà, thứ dép thêu từ Việt Nam xuất khẩu sang, bán có hai đồng rúp một đôi. Căn phòng vắng, chủ nhân nó đã để lại chiếc giường với đống chăn gối nhàu nát, chưa thu dọn. Tấm vải trải xiên lệch, bên mép đầy những vét chùi chân. Đầu giường treo tấm áp phích quảng cáo quần lót phụ nữ của HàLan. Một cô gái, đứng ưỡng rốn vào mặt khách, ở cái vị trí dễ thấy nhất trong căn phòng. Cô gái có đôi mắt đen hoang dã, riềm mi dày và mái tóc uốn xù đổ xuống lưng. Góc tấm áp phích ấy là tấm ảnh cỡ chín-sáu của chủ nhân, dược dán ép vào cùng với dòng chữ: “ Mùa đông đầu tiên ở Mạc Tư Khoa. Nhớ em Nga của anh.” Cuối giường, một chiếc bàn cao chân, trên để các chồng đĩa hát ép nghiêng giữa đống sách báo và tường nhà. Vài bông cẩm chướng khô héo. Vài chiếc dao cạo râu vứt bừa bãi với chiếc mùixoa bẩn và dụng cụ tránh thai của đàn ông.
Tôi nóng mặt. Tôi chợt hiểu ánh mắt người đàn ông tóc muối tiêu, Tôi chợt hiểu cái nhìn nghiêm khắc thầm lặng của ông già dưới gian tiền sảnh. Tiếng nói của cậu Chính vang lên:
- Hằng uống gì nào? Bia hay nước quả?
Tôi chưa kịp trả lời, cậu nói thêm:
- Uống nước kơvát nhé. Ở đây tha hồ xả láng.
- Cho cháu chén nước chè.
Cậu cười:
- Con bé này giản dị nhỉ!
Nói rồi cậu đi pha trà nóng cho tôi. Chưa pha xong chén nước, đồng hồ treo tường đã thong thả điểm nhịp. Mười một giờ ba mươi. Con chim cúc cu thò mỏ gỗ ra mổ làm nảy bật một âm thanh trong như tiếng hạc. Cậu Chính kêu:
- Chết thật, đến giờ rồi.
Nói đoạn, cậu hấp tấp bưng chén trà tới đặt trước mặt tôi:
- Cháu uống nước, ngồi chơi nhé. Cậu đang dở tay một tí. Chúng nó về bây giờ.
- Cậu nói ai cơ?
Thay vì trả lời tôi, cậu lặp lại như cái máy:
- Chúng nó về bây giờ.
Và cậu ngồi xuống, thái tiếp miếng thịt bò đang thái dở. Hai cái bếp điện đang cháy, thanh cácbon đỏ rực. Một nồi áp suất đang sôi. Bếp kia, vẫn để không. Cậu Chính thái thịt nhanh như một tay bán phở. Cậu đập tỏi, gia thêm mì chính, muối tinh ướp thịt. Sau đó, cậu quay sang thái khoai tây. Khoai tây đã gọt vỏ, cậu xắp hình con chì. Còn súplơ cậu cũng xắt lát dày trên năm li. Con dao đưa thoăn thoắt dưới bàn tay cậu, chắc chắn còn khéo léo và thành thục hơn 50 phần trăm số đàn bà Việt Nam thời nay. Còn lại hai củ cà rốt, cậu lách mũi dao tỉa sơ hình chiếc lá rồi thái sao. Cả cần và tỏi tây cũng được tỉa chè hình hoa một cách cầu kỳ. Xong các động tác chuẩn bị, cậu đặt chảo mỡ lên chiếc bếp để không. Chừng hai phút sau, mỡ đã sôi. Cậu thả mớ khoai tây vào. Tôi hỏi:
- Khoai tây xào thịt bò hả cậu? Sao lại thái hình con chì?
Cậu bảo:
- Ngốc. Khoai tây thái con chì mời dòn dều. Để ăn kèm với rau sống và thịt bò rán. Còn bát thịt ướp tỏi kia để xào súplơ và cần tỏi tây.
Trong lúc chờ khoai tây chín, cậu vừa đảo đều lên bằng chiếc bàn sảm, vừa lôi trong gậm bàn một chiếc xoong nhôm mới. Hóa ra xoong đựng đầy nhân nem, bao gồm thịt băm trộn với miến vụn, rau bắp cải thái, trứng, hành tiêu cùng ướp. Mở ngăn kéo, cậu rút ra vài tập bánh đa nem, như người làm ảo thuật. Và trước cặp mắt ngỡ ngàng của tôi, cậu cuốn nem thoăn thoắt. Tôi trầm trồ:
- Cậu giỏi thật. Ai dạy cậu thế?
Trán cau lại, cậu làu bàu đáp:
- Ai dạy? Không biết làm thì có mà...
Tới đó, cậu ngừng lại. Ngoài hành lang, vang lên những bước chân ồn ĩ. Có vật gì đó va đập rất nặng nề. Cậu Chính ngừng tay, ngẩng lên nghe ngóng:
- Chúng nó về đấy.
Cậu nói, lần này là lần thứ ba. Ngay tức khắc sau đó, tiếng gõ cửa vang lên. Cậu nói to:
- Có đây.
Đoạn bảo tôi:
- Ra mở cửa đi cháu.
Tôi ra chưa tới cứa, đã nghe tiếng một cậu con trai gắt bên ngoài:
Mau lên chứ! Ông ngủ trong ấy à!
@by txiuqw4