sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 20

Cánh cửa vừa mở, tôi đứng dẹp sang một bên, cả tốp người đã ào vào như cơn lốc. Họ lần lượt đặt những gói, những hòm, những túi đựng hàng hóa xuống góc phòng, rồi mới ngẩng lên. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Vẻ mặt họ mệt mỏi và cáu kỉnh.

- Đói quá, xong chưa bố già?

Vẫn cái giọng gắt gỏng ban nãy gào lên. Câu trai lùn nhất trong bọn, vai ngang, lưng to, và khuôn mặt đỏ rực với quai hàm rất nở, vừa gào xong, chợt nhìn thấy tôi bên cánh cửa, cậu ta khựng lại. Cậu Chính đáp.

- Sắp xong rồi. Nem vào xào phải ăn nóng.

Đoan, cậu đứng lên:

- Xin giới thiệu: cháu Hằng. Còn đây là chú Khoa, anh Hải, anh...

Họ chào tôi. Tôi chào lại từng người. Hải, anh chàng thấp lùn quay lại bảo cậu Chính:

- Bố già chơi khăm. Có phái yếu thì phải giới thiệu trước chứ?

Ông nghiên cứu sinh Khoa, cười.

- Phải cho những cô gái chứng kiến cơn háu đói của anh mới thú vị. Khi xuất hiện trước các cô, anh nào cũng như siêu nhân.

Đáp lại lời Khoa, cái anh chàng cao dong dỏng, da ngăm đen khóe miệng đẹp như khóe miệng của vị thần săn đuổi tình ái mỉm cười:

- Đừng chế riễu, ông anh. Chúng em chẳng muốn làm siêu nhân, cũng chẳng muốn làm ma quỷ. Con người là con người. Những ai thích răn dạy thiên hạ, luôn luôn khoác áo thày tu và miệng đọc kinh: Nam nữ thụ thụ bất thân, tới khi tha hóa họ ngủ với con gái không cần đắn đo 15 phút. Những kẻ ấy, đã trượt là trượt tới đáy bùn.

Nói xong, anh ta kéo ghế mời tôi:

- Mời cô.

Rồi anh ta ngồi xuống chiếc ghế đối diện, dáng điệu như chủ nhân chính thức của căn phòng. Còn ông nghiên cứu sinh Khoa thì cười cười như để chống đỡ lực tấn công nào đó, tay lùa vào mái tóc:

- Tôi là con người hành động. Tôi không ưa lý luận đâu.

Anh chàng da ngăm vẫn nhếch môi cười, lộ hai hàm răng trắng như ngọc.

- Đúng rồi, sau khi đã ban phát cho lũ đàn em chúng tôi mọi thứ lý luận cao siêu thì các ông anh phải gấp gấp hành động. Không hành động thì thiệt thòi. Tuổi 50 đuổi sồng sộc sau lưng. Mà cuộc đời còn nhiều thú vui quá, và các cô con gái cứ mỗi ngày là một lạ lùng hơn.

Nói xong, anh ta lại cười. Làn môi thanh tú nhếch lên. Đôi mắt nheo nheo nhìn ông nghiên cứu sinh Khoa lúc ấy giả tảng cúi xuống đẩy những hòm hàng vừa mua được vào gầm giường. Tôi không thể rời mắt khỏi nụ cười ấy. Nó làm tôi nhớ tới một nhân vật trong bộ phim, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Nhân vật ấy là lãng tử Yến Thanh, một tài nhân siêu việt, cầm kỳ thi họa giỏi mà võ nghệ cũng cao cường. Dáng người thanh tú, gương mặt đẹp, điệu đi uyển chuyển mềm mại, anh ta xuất hiện giữa đám ca công, kỹ nữ cũng như xuất hiện giữa phường lục lâm thảo khấu, hoặc đám hảo hớn cùng với một dáng điệu ung dung tự tại và nụ cười hàm chứa vẻ mỉa mai lẫn sự độ lượng trên môi. Nụ cười đó vừa là nụ cười của con sói già đã vượt qua bao nhiêu hoang nguyên, đã tử sinh qua bao nhiêu cuộc chiến, coi hòn đạn mũi tên như cốc rượu quân cờ, lại vừa là nụ cười của một chàng trai trẻ đang độ thanh xuân, một cánh rừng trinh trắng và quyền rũ. Chưa có người nào gợi cho tôi sự liên tưởng mãnh liệt như vậy.

- Ối giời ơi...

Anh chàng to béo tên Hải lại quát tướng lên:

- Thôi đừng tranh luận nữa. Tôi đói quá rồi.

Đoạn quay sang tôi, anh ta hạ giọng:

- Vả lại, cũng còn phải chiếu cố tới vị khách này nữa chứ? Ông Chính đã mời em ăn gì chưa? Chắc là chưa phải không? Ông ấy có thể ngậm một đồng kôpếch từ sáng đến chiều trong miệng nếu như vì thế mà bớt được hai bữa cơm. Nào bố già, dọn ra đi.

- Xong tất cả rồi. Chỉ ba phút nữa là có thể chạm cốc.

Miệng nói, tay cậu trải miếng nhựa hoa lên bàn. Rồi cậu lần lượt đặt đĩa thị bò xào súplơ, cà rốt, cần tỏi. Sau đó tới đĩa khoai tây rán với bítết. Một đĩa rau sống cùng với dọc tỏi muối, thứ thực phẩm mua ở các chợ nông trường. Một tô canh lớn sườn ninh. Cuối cùng là nem rán, xếp trong chiếc giỏ nhựa màu trắng rất xinh, trông như đồ chơi của thiếu nhi. Nước chấm nem được làm đúng theo kỹ thuật Việt Nam: nước mắm khô, chanh ớt, tỏi giã, mì chính, đường. Mọi người ngồi vào bàn. Cậu Chính lấy bát đũa, cốc thủy tinh cỡ lớn và một chục chai bia. Anh chàng Hải xoa bàn tay, nói.

- Được được. Sau một buổi sáng đi chiến đấu, cứu nước cứu nhà ăn bữa cơm như thế này mới là xứng đáng. Nào, các ông. Kìa bố già chưa mở bia ra sao? Chậm trễ thế. Ông phải nhớ thời buổi này là thời buổi chuyên môn hóa cao độ. Không ý thức được điều ấy sẽ bị loại trừ khỏi cuộc sống. Chúng tôi mà cứ rù rờ như ông có đến Tết cũng không mua nổi 12 chiếc nồi áp suất trong một giờ đồng hồ. Thôi, tôi phải làm cái nem đã.

Anh ta cúi xuống bốc một chiếc nem ăn vã. Hai người kia ngồi im. Trong khoảng thời gian đó, cậu Chính cố thao tác mở bia, rót bia vào các cốc cho tật nhanh. Tay cậu run từng chập. Có lẽ, sức khỏe của cậu cũng không thể phục hồi hoàn toàn sau thời kỳ mắc bệnh. Rót tới cốc của tôi, cậu làm bia rớt xuống bàn. Anh chàng to béo háu đói sau khi nuốt hết chiếc nem ngẩng lên.

- Nào, ta chạm cốc.

Tất cả cầm cốc bia. Anh chàng da ngăm quay sang tôi.

- Mời cô.

Tôi cầm cốc lên, cùng chạm với bọn họ.

- Nào chúc sức khỏe.

- Chúc cho đội quân cứu nước cứu nhà.

Giọng cười bỡn cợt. Tiếng cốc chạm lanh canh. Bia lắng dần lớp bọt trắng phau như tuyết, để lại thứ nước trong suốt màu vàng. Màu của cánh đồng xứ sở, ngày mùa. Màu của nhớ nhung.

Đám đàn ông đã uống cạn. Họ bắt đầu cúi xuống ăn, bình phẩm các món ăn.

- Nem hôm nay hơi mặn đấy bố già nhé.

- Tôi sẽ rút kinh nghiệm.

- Xào thì được. Khá hơn lần trước.

- Lần trước thì là tại thị bò già, thớ nhão mà dai quá.

- Ờ, anh Khoa, bảo anh dúi cho con Irina năm rúp trước ngày mua thực phẩm, sao anh không đưa?

- Tớ quên.

- Đừng có vờ. Anh chỉ quên một thứ: là tên các em dưới tỉnh lên thôi. Anh liệu đấy, không xấu chơi được đâu.

- Hôm ấy tao hết tiền đi taxi.

- Bỏ kiểu ấy đi, lần sau phải đưa tiền trước cho nó nghiêm chỉnh. Nó sẽ giành cho mình thịt loại một. Hôm nọ tôi tặng nó cả một chai Lúa Mới 15 rúp hôm nay mới có thịt ngon như thế này.

- Thế à. Rượu cậu lấy của ai?

- Sứ quán.

Tôi uống ngụm bia. Bỗng dưng tôi thấy căn phòng chòng chành chao đảo. Các chai bia, những cốc thủy tinh màu vàng rơm, những đĩa thức ăn, làn khói bay trên tô canh nóng. Tất cả hòa trộn, quay đảo cùng với các gương mặt đang đỏ dần lên vì men bia. Cô gái Hà Lan ném vào tôi cái nhìn khiêu khích, mái tóc đen bồng bềnh như đám huyền thảo trong thế giới ảo mộng phiêu lãng nào đây. Chiếc quần tắm màu đỏ có các đường ren kim tuyến óng ánh kẻ một lằn thẳng căng trên làn da hồng. Cái chụp đèn gục trên chồng sách. Tất cả bắt đầy quay. Trong tôi, từ từ dâng lên những lượn sóng không màu sắc, không mùi vị nhưng dồn dập hết cơn sóng này tới cơn sóng khác, nhấn chìm tôi xuống, làm tôi nghẹn thở. Tôi cố gắng chống ta đứng dậy.

- Có lẽ...

Tiếng chàng trai da ngăm cất lên:

- Cô ấy ốm rồi. Mặt tái xanh thế kia.

Tôi thấy bóng anh nhào tới. Bàn tay anh đặt trên vai tôi, dìu tôi lại chiếc giường. Lúc gương mặt anh sáp gần, tôi chớt thấy hiện lên một gương mặt của quá khứ. Nhất định tôi đã gặp anh ta. Nhất định thế... lãng tử Yến Thanh, tôi đặt cho anh ta cái tên đó, và chìm trong cơn sốt...

Tôi không rõ mình đã nằm mê bao lâu. Lúc tôi tỉnh dậy, ánh đèn sáng chói rọi vào mắt khiến tôi vội nhắm mắt lại. Ánh đèn chói như kim đâm. Lúc ốm, mọi cảm giác đều sai lạc và khủng khiếp. Tôi kéo chăn, trùm kín đầu. Tuy thế, vẫn ngửi thấy mùi khói thuốc, toàn thuốc N.B. hôi khét, khiến đầu tôi nặng như chì. Nhưng cảm giác chòng chành như say sóng không còn nữa. Tôi thấy rõ rệt là mình đang nằm trên giường, bằng phẳng và chắc chắn, không bị các con sóng đu đẩy. Tiếng máy quay đĩa văng vẳng bên tai. Chợt, giọng anh Hải béo oang oang:

- Tính xong chưa mày?

- Xong.

Đó là chàng lãng tử đáp lại. Lại giọng ông nghiên cứu sinh Khoa:

- Tớ phải trả cậu bao nhiêu nữa?

- 120 rúp chẵn.

- Gay quá nhỉ. Kỳ này bà xã thúc gửi hàng ráo riết, lương hết nhẵn như chùi.

- Thôi, anh không cần nhăn nhó, tôi cho anh chịu.

Chàng lãng tử ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

- Nhưng tiền ăn phải nạp cho sòng phẳng. Tuần này mỗi người hết 28 rúp.

Ông nghiên cứu sinh kêu thảng thốt:

- Sao lại những 28 rúp?

- Nghe đây, 84 rúp rưỡi, không phải mỗi người 28 rúp thì bao nhiêu? Cái phần nửa rúp đương nhiên tôi chịu cho.

- Còn ông Chính.

- Anh ngu quá...

Giọng anh chàng lãng tử rành rọt:

- Ông ta đã tới làm thuê cho mình, lại còn bắt nộp tiền ăn. Anh thấy đời nào có chuyện ấy không?

Anh Hải cười khanh khách:

- Đúng quá. Các ông anh toàn giỏi những lý luận trên trời dưới biển, luật sống tối thiểu thì không chịu biết. Quên, còn tiền công của bố già Chính, góp vào thanh toán luôn.

- Lão ấy đòi à?

- Phải, ông ta đòi trả ngay tức khắc.

Chàng lãng tử cười:

- Ông ta thích cầm chắc đồng rúp trong tay. Nào các vị, mỗi người hai rúp bỏ lên bàn cho tôi. Được rồi, lát nữa ta sẽ chứng kiến nụ cười của lão Grăngđê tái sinh. Ông ấy đang làm gì? Bát đĩa rửa sạch từ nãy cơ mà?

- Ông ấy đang giặt nốt hai cái áo Pantô của ông và tôi.

- Sao lại giặt? Phải chải xăng chứ?

- Đúng. Nhưng tôi bước vào phòng tắm đã thấy ông ấy đập bồm bộp, bọt xà phòng bắn tung tóe lên. Đành chịu chứ sao. Khi nào khô phải đem chải và hấp lại lần nữa.

- Đúng là mua việc.

- Lần trước ông ấy cũng làm cháy cái áo thun của tôi. Hàng Ý xịn hẳn hoi. Hôm nhờ cắt khẩu hiệu cũng không cắt nổi. Ông anh tôi cùng học trong trường Aôn bảo ông ấy lên lớp toàn ngủ gật. Nhưng về tới nhà, nhanh như cắt đi lùng mua hàng căngtin. Thứ nào quý, ông ấy mua được trước tiên. Có lẽ, khả năng vĩ đại nhất trong con người ông ta là khả năng đầu bếp.

- Phải, nhờ khả năng ấy ông ta chiếm được lòng cấp trên, nhờ được lòng cấp trên ông ấy nhảy lên cấp lãnh đạo.

Lúc ấy, có tiếng bước chân lẹt xẹt. Chắc của cậu Chính. Cậu thở hào hển, kêu:

- Khiếp, vắt hai cái áo nặng quá. Mỏi nhừ cả tay.

Chàng lãng tử cười.

- Một chiến công. Xin chúc mừng ông. Đây, sáu rúp tiền công, mời ngài cầm lấy.

Tôi nghe cậu hẹ hẹ, không rõ ra tiếng cười hay tiếng hắng giọng. Rồi, cậu bảo:

- Hôm nay các anh tiến bộ thật.

Chàng lãng tử hỏi.

- Tiến bộ gì?

- Không mở nhạc nhảy. Từ ngày tới đây mới có buổi tối yên tĩnh. Tôi cứ nghe thứ chát sình ma quỷ ấy là điên đầu. Chẳng hiểu hay ho ở chỗ nào mà các anh nghiện như nghiện thuốc lá?

- Ra thế. Trong con mắt ông, chúng tôi là lũ trai hư hỏng, phải không?

- Thời chúng tôi, không ai thích những thứ nhạc nhẽo trụy lạc như vậy.

- Ở cùng số nhà với bố mẹ tôi, có một ông phó giám đốc, cỡ tuổi gần như ông. Ông ấy mặc quần ống rộng, đũng rộng và dài. Không phải thứ quần bó chịt, làm nổi mông nổi đùi như lũ chúng tôi. Áo kiểu Tôn Trung Sơn gài khuy tận cổ, cũng không giống thứ áo xẻ bụng, xẻ nách in hình chim cò sặc sỡ như áo tụi tôi. Ông ấy được tiếng là nghiêm nghị. Mở miệng là nói lời giáo huấn. Đầu óc toàn nghĩ tới chuyện cao cả: Nào là tinh thần cách mạng, nào là ý thức tổ chức, nào là nghĩa vụ quốc tế và nghĩa vụ công dân. Số nhà tôi ở gồm sáu hộ, 27 nhân khẩu lớn nhỏ, không ai có bộ mặt quyền uy như ông ấy. Ông ấy có hai đứa con gái và một đứa cháu ngoại. Bà vợ kém ông ta vài tuổi, hai ngày một lượt leo lên xe con đi chợ, mắt chẳng bao giờ ngó xuống đám láng giềng. Rồi bỗng một hôm, chúng tôi đi đá bóng buổi trưa về, cả lũ tắm truồng lông nhông ngoài sân. Nghe có tiếng kêu vang trong nhà tắm công cộng. Một đứa giật cửa, nhưng cửa gài chặt. Mà tiếng kêu ú ớ bên trong cứ vẳng ra. Lũ chúng tôi bèn công kênh nhau, ghé mắt qua lỗ thông hơi sát nóc nhà tắm, nhìn vào. Ông phó giám đốc tôn kính đang ở trong đó, trần như nhộng, trên một con bé 14 tuổi. Con bé ấy vẫn ú ớ kêu, còn ông ta ông ta vẫn tiếp tục làm việc. Lũ mất dạy chúng tôi, thoạt đầu thích chí cười rinh rích. Hết thằng nọ tới thằng kia đổi nhau, xem trò vui. Nhưng con bé giãy giụa mãi, chắc nó đau. Ông ta bịt chặt miệng nó lại không thể kêu to. Đó là một con bé mắc chứng tâm thần. Nó học hết lớp năm thì phải bỏ về nhà. Nó cũng là một đứa mồ côi. Cha nó làm nghề lái tàu điện bị chứng hậu bối chết từ khi nó lên ba. Mẹ nó ở sát số nhà tôi, làm nghề bán dưa chua cà muối. Hồi nhỏ, lúc nó chưa mắc chứng tâm thần, chúng tôi vẫn chơi trò ú tim, trò nhảy dây, trò đá cầu với nhau. Nó không đẹp, nhưng mũm mĩm xinh xắn, lại thảo ăn. Có quả nhót, quả ổi nào cũng chia cho bạn. Lúc ấy tôi chợt thấy mình dã man. Tôi chợt nhớ rằng con bé bị hãm hiếp kia cũng 14 tuổi như mình, cũng chỉ là một đứa bé con, không có gì che chắn và bảo vệ, dù một mảnh chai sắc hay nắm đấm của một gã đàn ông thô bạo cũng chẳng đủ sức chống đỡ. Tôi không tham gia trò đùa nhẫn tâm ấy. Tôi chạy sang nhà bà hàng xóm, gọi bà Cứ đang thái dưa cải, nghe tin, thét lên như bị chọc tiết. Cứ thế, vẫn con dao nhọn trong tay, chạy sang...

Chàng trai ngừng lời. Không ai lên tiếng. Gian phòng im phăng phắc. Tôi chỉ còn nghe tiếng đồng hồ tích tắc kêu. Rồi lát sau chàng lãng tử hắng giọng nói tiếp.

- Thế đấy ông Chính ạ. Cái lão hiếp dâm ấy không tới sàn nhảy bao giờ. Chắc chắn cũng răn dạy công nhân xí nghiệp của hắn là nhảy nhót là trụy lạc, rằng thế hệ của hắn không bao giờ tham dự những trò vui hư hỏng như thế, rằng cuộc đời hắn chỉ là để phục vụ cách mạng cao cả cho tới hơi thở cuối cùng. Hắn cũng cùng quan niệm và sở thích như ông. Nói thế, tôi không muốn xúc phạm ông. Tôi biết ông không phải là kẻ hám gái. Nhưng những người như ông và hắn có gì đó rất giống nhau.

Cậu Chính hỏi, giật giọng.

- Anh nói cái gì?

Chàng trai đáp, bình thản.

- Ông cứ bình tĩnh. Và nếu ông định dọa nạt tôi ở đây thì ông sẽ phí công. Cho dù ông có tới tòa đại sứ nịnh hót, tố cáo, vu khống tôi đủ điều. Cái trò đó, nhiều kẻ đã diễn rồi. Hãy ngồi xuống ghế, uống đi một cốc kơvát, và tôi sẽ tiếp tục hầu chuyện ông.

Lại một khoảng khắc im lặng. Rồi giọng chàng trai cất lên.

- Chính những người như hắn hoặc như ông ra lệnh săn đuổi chúng tôi trên đường phố, cắt ống quần loe khi các ông không mặc quần loe, cắp ống quần tuýp khi các ông không mặc quần tuýp. Phẩm cách con người được các ông định khuôn bằng chiều rộng của ống quần. Nếu các ông mặc quần ống 23 thì 18 triệu thanh niên chúng tôi phải mặc ống quần cỡ 23. Chật hay rộng hơn đều là phản Đảng, phản quốc. Tôi không bao giờ quên được cảnh tượng ấy, khi tôi còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy anh chị tôi và đám bạn của họ bị rượt đuổi, bị chặn đứng ở các ngả tư đường phố, bị soát xét hạch lạc như những kẻ trốn tù. Vẻ mặt nhớn nhác của họ, con mắt bạc nhược hay hờn căm của họ, những lời họ van xin hoặc gào thét phản ứng. Lúc ấy, tôi đứng nép vào chân cột điện, tôi nhìn họ và tay chân tôi run bắn. Dường như chính tôi cũng sắp bị lấy dao xẻ rách ống quần. Tại sao con người lại bị đọa đầy vô lý thế? Vết thương ấy không thành sẹo trong tim tôi. Nhát chém nào trong tuổi thơ cũng không thể lành. Tôi lớn lên. Và dần dần tôi chứng nghiệm rằng những con người từng có sức khống chế lũ chúng tôi như lão phó giám đốc kia hoàn toàn không giống hình ảnh kinh sợ và cao cả mà chúng tôi đã hình dung. Họ là những diễn viên đại tài. Họ định ra bao nhiêu niêm luật khắt khe. Nhưng trong bóng đêm, họ sống cuộc sống nhầy nhụa không đạo lý và luật tắc. Này ông Chính, ông vẫn cứ bảo thứ nhảy nhót của chúng tôi là trụy lạc. Đã bao giờ ông chứng kiến những cuộc nhảy nhót vô hình còn trụy lạc gấp triệu triệu lần thế không?

Cậu Chính đáp, giọng khô khan.

- Anh đừng nói tầm phào. Làm gì có những cuộc nhảy nhót vô hình?

Chàng lãng kử cười khe khẽ nói.

- Có đấy. Tôi đã chứng kiến vài lần. Những kẻ cao sang, sau một thời gian bày mưu tính kế hãm hại các đối thủ, chạy chọt, o bế quan trên, đã tới được cái đích của họ, một chức tước nào đó đủ cả quyền uy và bổng lộc. Đêm hôm cuối cùng của cuộc hạ sát ấy, họ ngồi hút thuốc lào sòng sọc hoặc đốt thuốc lá cho tới buổi sáng mà quyết định bổ nhiệm họ được đọc lên. Đêm ấy, chắc chắn tim óc họ sẽ nhảy nhót. Chúng tôi nhảy thì ôm bạn gái. Còn họ ôm cái bóng của chính mình, ôm cái ghế mà họ khao khát. Ấy là điệu nhảy vô hình mà tôi muốn nói. Theo ông, điệu nhảy ấy có trụy lạc hơn điệu nhảy của chúng tôi không?

- Tôi không nói chuyện ấy với anh. Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, cơ quan chúng tôi không có.

- Cứ tin là cơ quan ông không có. Vậy khi cơ quan ông không có, ông cũng không thèm để tâm tới các hiện tượng xã hội? Thế các ông làm gì?

Cậu Chính gay gắt.

- Anh lạ thật. Chúng tôi làm công tác tư tưởng.

Lúc ấy, có tiếng gõ cửa. Chàng lãng tử hỏi.

- Ai đấy? Kìa anh Khoa ngồi gần mở cửa xem ai?

- Thôi tớ đang viết dở, Hải ra hộ vậy.

Hải béo đáp.

- Được.

Tiếng bước chân anh ta huỳnh huỵch. Cửa kẹt mở. Giọng rụt rè của một cô gái.

- Cho em hỏi anh Khoa.

Hải hỏi.

- Cô tên gì?

Giọng đáp lại e dè.

- Em là Chương. Em ở Kiép.

- Chờ nhé.

Đoạn anh ta quay vào.

- Anh Khoa.

Tiếng ông nghiên cứu sinh thì thầm.

- Bảo tớ vắng nhà. Bảo cô ta đi đi.

- Được rồi.

Tiếng chân anh ta ngay đầu giường tôi nằm. Chợt, giọng chàng lãng tử vang lên.

- Khoan đã.

Hải dừng lại. Nghe tiếng anh ta thở ngay đầu giường tôi nàm. Rồi anh hỏi, ngạc nhiên.

- Có chuyện gì vậy?

Chàng lãng tử đáp.

- Chờ đã.

Rồi anh ta cười khảy và nói.

- Này anh Khoa. Anh đuổi một đứa con gái giữa lúc đên khuya dễ dàng như thế sao?

- Không đuổi thì để nó vào làm gì? Có cho nó ngủ nhờ cũng chẳng còn chỗ. Cậu treo nó lên đầu cậu được không?

- Nếu cần, treo cô ta lên đầu anh. Bất cứ người con gái nào anh chưa lừa được lên cái giường của anh đều có giá. Và ngược lại... Chí ít anh cũng phải có một chút lương tri chứ?

Khoa cười nhạt, phì một tiếng, đáp:

- Cậu ít nhời đi. Còn đủ thời gian lý luận.

- Tôi không tranh cãi. Nhưng anh phải để cho cô ta vào. Mười giờ đêm cô ta biết đi đâu?

Khoa quát.

- Cậu ra lệnh cho tôi phải không? Tôi là chủ căn phòng này.

Chàng trai cười khảy.

- Anh là chủ căn phòng này. Đúng. Nhưng tôi lại là chủ thứ khác có giá trị hơn. Nói chung, anh thích nghe những lời thô lỗ. Giờ, muốn sao?

Trong phòng im lặng. Chỉ còn nghe tiếng tích tắc của đồng hồ. Rồi, giọng ông nghiên cứu sinh nặng nề.

- Thôi được. Hải, gọi cô ta vào hộ tôi.

Hải bước ra khỏi cửa. Rồi quay vào oang oang nói.

- Biến rồi.

Chàng lãng tử bảo.

- Cậu đuổi theo cô ta. Chắc cô ta còn ở phòng trực.

Anh chàng to béo mở cửa, đi ra. Tiếng bước chân nặng nề mất hút dần ngoài hành lang. Căn phòng yên lặng. Không ai nói với ai nữa. Tôi lơ mơ như muốn ngủ lại. Nhưng chừng 10 phút sau, tiếng chân ồn ĩ của anh chàng to béo đã khua ngoài cửa. Anh ta vào, nói.

- Biến rồi. Tôi trễ thang máy. Xuống phòng trực, họ bảo cô ta vừa lấy giấy tờ xong. Chạy ra cửa không thấy bóng dáng ai. Có lẽ cô ta đã vớ được chuyến xe buýt cuối ngày.

Không ai nói gì. Chừng năm phút sau, anh chàng Hải béo lại lên tiếng.

- Thôi đi ngủ các vị. Mai tiếp tục cuộc chiến đấu. Được ngày nào vét ngày ấy không tới kỳ thi lại đâm đầu vào học.

Anh ta ngáp thật to rồi nói.

- Ối giời ơi, thế này mà ở bên nhà mọi người cứ nghĩ mình đi học nước ngoài là sung sướng lắm đấy. Thật là thân trâu cày ngựa cưỡi... Oàm oàm...

Anh ta lại ngáp thật to, nghe như tiếng gầm của một con hổ bị nhốt trong cũi sắt. Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, căn buồng trống vắng. Nhưng lúc tôi quờ tay, làm rớt vật gì đó xuống sàn, anh chàng da ngăm chợt xuất hiện ở cửa thông sang khu vực phụ. Anh ta hỏi.

- Tỉnh rồi hả?

- Vâng.

Mặt và đầu anh ta ướt ròng. Chắc vừa ở trong phòng tắm. Hôm nay anh ta mặc sơ mi carô nâu nhạt và quần jin nhung. Tôi chợt nhớ một hình ảnh đã gặp. Tôi ngơ ngác. Anh ta nhìn tôi, tủm tỉm cưới.

- Có phải cô đang nghĩ xem đã gặp tôi ở đâu, phải không?

- Sao anh biết?

- Tôi đang học nghề phù thủy hiện đại. Nói đúng hơn, tôi đang muốn thử nghiệm khả năng ngoại cảm của mình. Cô đã nhớ ra chưa?

Tôi lắc đầu.

- Chịu.

Chàng lãng tử cười.

- Trí nhớ tồi quá. Hôm khai trường, cô mặc chiếc áo đầy những dây và khóa cài màu tím nhạt, và đi đôi guốc trắng vẽ hoa.

Tôi bất chợt reo lên.

- À! tôi nhớ rồi.

Anh ta ở nhóm sinh viên lớn đã đùa cợt tôi.

- “Ai vẽ cho em kiểu áo đẹp thế?”

Nhưng dạo ấy, anh gầy hơn bây giờ, trông như cây lau.

- Tôi là sinh viên khóa Sử. Lúc cô vào, tôi vừa học xong một năm ngoại ngữ, chuẩn bị sang đây.

- Anh vẫn học?

- Tất nhiên. Phi vụ này là công việc của tụi tôi. Trách nhiệm với gia đình. Còn cô tại sao bỏ học?

- Mẹ tôi bị tai nạn giao thông, cụt chân. Tôi đành bỏ trường để kiếm sống.

- Làm gì?

- Thợ dệt.

Anh ta lắc đầu.

- Còm nhom thế chịu sao được rét. Kiếm được miếng cơm ở xứ này cũng nhọc nhằn lắm cô bạn ạ.

- Tôi biết. Nhưng không còn cách nào khác.

Anh ta xoa mạnh chiếc khăn mặt lên đầu, đôi mắt thờ thẫn nhìn đâu đó. Mắt anh ta màu hạt dẻ, mơ màng. Rồi chợt thở một hơi mạnh, hỏi.

- Còn ông Chính là thế nào với cô?

- Cậu ruột.

Chàng trai nhún vai.

- Thế à?

Tôi im lặng. Anh ta lại hỏi.

- Cô lên chơi với ông cậu? Nhưng tôi thấy cô còn đang ốm.

- Tôi vừa ở bệnh viện về được 10 hôm. Cậu ấy điện cho tôi lên.

- Điện thế nào?

- Điện là: “Cậu ốm. Hằng lên ngay.”

Anh nhếch môi cười. Lúc ấy tôi thấy như chàng lãng tử Yến Thanh hiện về, với tất cả vẻ kiêu mạn trẻ trung đầy quyến rũ. Anh thong thả vắt khăn mặt lên ghế, kéo ghế tới gần giường, ngồi đối diện với tôi.

- Cô biết ông cậu của cô gọi cô lên Mátxcơva làm gì không?

Tôi không đáp, nhìn anh chờ đợi. Anh nói tiếp:

- Ông ta chuẩn bị đóng hòm gửi biển. Việc ấy, cần phải giỏi tiếng Nga và giỏi chi tiêu. Cả hai thứ ông ta đều kém.

Chàng lãng tử ngừng lại, suy ngẫm hồi lâu rồi tiếp.

- Đám người như thế, tôi soi kính lúp vào tận ruột họ. Nhưng dù sao, tôi cũng không thể hiểu được, với một cô gái mảnh khảnh yếu ớt như cô.

- Boong...

Chuông ngân nga. Đã chín giờ rưỡi. Chàng lãng tử nói.

- Ông ấy đi ra cửa hàng thực phẩm sắp về.

Rồi móc trong túi một xấp bạc, đưa cho tôi.

- Cô cầm lấy.

Tôi kêu lên.

- Không được. Sao anh kỳ cục thế?

Chàng lãng tử nhếch mép cười.

- Không kỳ cục đâu, cô bạn. Nghe tôi nói đã. Cô không thể ở đây giúp ông cậu gửi hàng vì việc đó tốn sức và tốn tiền. Mặt cô xanh mét, và tiền chắc cũng không dư dả. Lát nữa, khi ông ta ngỏ lời nhờ cậy, cô hãy đưa nắm tiền này ra và nói: Cháu phải về làm việc, không thể ở lâu. Cháu giúp cậu tiền cước.

Tôi lắc đầu.

- Không phải vậy.

Anh chàng quả quyết.

- Không phải, cho cô chặt đầu tôi. Cứ cầm lấy. Ông ấy về ngay bây giờ.

Dúi nắm tiền vào tay tôi xong, anh ta quay đi luôn. Tôi nhét số tiền ấy dưới gối. Chàng lãng tử pha một cốc sữa nóng với mấy viên trợ lực đưa cho tôi.

- Uống đi.

Tôi cầm cốc sữa, không dám nói lời cảm ơn vì thấy rõ sự nhạt nhẽo của ngôn từ. Uống sữa xong, người tôi nóng dần lên, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương và trên trán. Chừng năm phút sau, lúc tôi nằm trùm chăn, chàng lãng tử cạo râu trước gương, cậu Chính về. Ném làn thực phẩm xuống sàn, cậu hỏi.

- Anh thấy con cháu tôi nó tỉnh chưa?

- Quái lạ, đã uống thuốc mà cứ sốt li bì. Lẽ ra, nó phải dậy rồi mới đúng.

- Chỉ có mấy viên cảm làm sao đủ trị sốt. Ông phải cho cô ấy ăn uống gì nữa chứ? Không ăn, mẻ cũng chết.

- Ờ ờ... Tí nữa tôi sẽ nấu mì cho nó ăn.

Tôi nghe chàng lãng tử thu dọn đồ vật gì đó, rồi chừng năm phút sau, anh ta bảo cậu Chính:

- Tôi đi. Một giờ tôi về.

Cánh cửa mở rồi đóng, rung sàn. Tôi ngồi lên. Cậu Chính mừng rỡ bảo.

- Cháu khỏe rồi hả? Có ăn gì không?

- Cháu không muốn ăn gì.

- Ừ, tới bữa ăn cả thể cũng được.

- Bao giờ cậu về trường?

- Ngày mai.

- Cậu gọi cháu lên đây có việc gì?

Cậu gật đầu ờ ờ... Rồi bước tới gần tôi cậu nói:

- Cậu sắp về, chỉ hai tuần nữa thôi. Cháu còn ở lại lâu, cháu có khả năng làm kinh tế. Cậu muốn nhờ cháu giúp cậu...

Tôi lặng im, cậu tiếp.

- Khi đi, mẹ mày dặn: khó khăn gì đã có con Hằng. Cháu giỏi ngữ. Cậu chẳng biết tiếng tăm.

Tôi vẫn ngồi im, cậu hắng giọng, lại tiếp.

- Hàng họ cậu đã chuẩn bị hòm. Nhưng gay go nhất là khoản cước.

Tôi lại muốn nằm, tôi muốn kết thúc nhanh chóng. Tôi rút nắm tiền dưới gối.

- Đây, cậu cầm lấy.

Cậu nhìn, ngần ngừ hỏi:

- Bao nhiêu? Sao nhiều thế?

- Cậu cứ cầm lấy, cháu chưa đếm.

Cậu cầm nắm bạc, bắt đầu đếm. 134 rúp. Cậu xếp nắm tuyền thứ tự: tờ 50 rúp ngoài, tới tờ 25 rúp bên trong, tới tờ 10 rúp, năm rúp, một rúp. Một công việc cẩn trọng và say mê. Khuôn mặt cậu hiện ra lồ lộ trước mắt tôi: đường lượn của quai hàm, tràng mày, đường cong đuôi mắt, sống mũi. Những dáng nét quen thuộc từ phút giây gặp gỡ đầu tiên. Phút giây ấy, tôi đã yêu cậu với một tình yêu sung sướng.

- A à à...

Cậu bỗng buông tiếng thở dài khoan khoái, đoạn bỏ số tiền đã xếp gọn ghẽ vào túi áo. Tôi trùm kín chăn để khỏi nhìn thấy cậu. Trong bóng tối, hình ảnh một ngày quá vãng trở về.

Sớm hôm ấy, tôi thức dậy sớm. Tôi pha sữa cho mẹ uống, giặt giũ mớ áo quần bẩn, mua hoa quả, bánh trái và đặt sẵn những dụng cụ cần thiết trên bàn. Xong xuôi tôi gửi mẹ cho mấy người nuôi bệnh nhân cùng phòng để đi báo tin cho cậu Chính. Mẹ tôi đã yêu cầu khẩn thiết từ buổi tối đầu tiên tôi vào ngủ trong bệnh viện. Nhưng tôi khất lần cho tới hôm nay. Mẹ bảo.

- Chủ Nhật, thế nào cô cậu ấy cũng ở nhà.

- Vâng, mẹ cứ yên tâm. Nhưng mới có sáu giờ sáng, chưa thể đi ngay được. Ở những khu tập thể, họ thường ngủ muộn.

Mẹ lặng im, nhưng nét mặt bồn chồn. Sáu giờ 15, tôi xách làn đi. Trước hết, ra cổng viện, tôi kiếm hàng xôi lúa làm một đĩa đầy rồi mới thủng thẳng dắt xe đi. Tới Quốc Tử Giám, gặp gánh xiếc miền Nam có biểu diễn trò xe leo vòng, tôi lại ghé vào xem một lúc. Tôi tới nhà cậu Chính lúc non 9 giờ. Cậu đang buộc lại cánh cửa chuồng nuôi thỏ. Thấy tôi, cậu cười.

- A, cái Hằng. Mẹ cháu đâu?

- Mẹ cháu bị xe chẹt.

- Có làm sao không?

- Cụt một chân.

- Thế còn là may. Hôm qua ở đường Triệu Việt Vương có thằng bé 15 tuổi bị xe chẹt cưa cụt cả hai chân. Không chịu chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Sống mà vô tổ chức vô kỷ luật thì thế nào cũng chết, chẳng sớm thì muộn. Thôi, vào nhà đi. Cậu rửa cái tay đã.

Tôi vào nhà. Cậu Chính thu dọn kìm búa, mấy đoạn giây thép, vài cái đinh rồi đi rửa tay. Mợ Chính đang bận gì đó trong buồng. Thấy tôi, mợ ló đầu ra, đôi mắt sáng rỡ.

- A, Hằng đến chơi hả cháu? Mẹ đâu?

Tôi chưa kịp trả lời, cậu Chính đã nói vọng vào.

- Mẹ nó bị xe chẹt, cụt chân rồi.

Mặt người đàn bà đần ra, đôi mắt tắt ngấm. Mợ ta lắp bắp.

- Thế hả?... Thế hả?

Sau đó, mợ bảo.

- Ngồi chơi với cậu nhé, mợ đang tìm cho em Tú chiếc áo len cũ.

Rồi mợ thụt đầu vào trong buồng. Cậu Chính lau khô tay, tới ngồi trước mặt tôi.

- Mẹ mày nằm viện nào?

- Mẹ cháu nằm trong viện Bạch Mai. Mẹ cháu có ý nhắn cậu từ thứ tư tuần trước, nhưng cháu bận.

Tới đó cậu lặng ngắt. Tôi cũng lặng ngắt. Để ý nhìn, gian phòng của cậu đã khang trang hơn xưa. Nơi đặt chiến trạn gỗ đã thay bằng chiếc tủ lạnh hiệu Xatatốp mới tinh. Trên nóc tủ đứng, đặt một chiếc máy truyền hình Nhật 19 inh. Máy phủ tấm lụa in hoa sặc sỡ. Sau một lát im lặng, Cậu Chính cất tiếng gọi.

- Thành ơi.

Từ trong buồng có tiếng đáp.

- Có chuyện gì, anh Chính?

- Ra đây tôi bàn tí việc.

Trong buồng có tiếng đáp.

- Thì cứ nói, đang dở tay tìm cái áo cũ cho thằng bé.

- Cần một ít tiền gửi vào cho chị Quế. Nhà mình có không?

Mợ Thành đáp vọng ra:

- Có hay không anh còn phải hỏi hay sao? Lương kỳ một trả hết tiền căngtin rồi, vừa xà phòng, mì chính vừa xăm lốp xe đạp và hai cái xoong nhôm.

- Rút tiết kiệm.

- Anh thật quan liêu. Sổ tiết kiệm nhà mình là loại có định kỳ, năm năm nữa mới rút ra được. Còn hàng tháng lấy lãi phải tới mồng 7 tháng sau.

- Có vay tạm ai được không

- Đoạn ấy thì chịu. Xưa nay mình chẳng vay ai một xu.

Cậu Chính thở dài. Đoạn, cậu làu bàu.

- Có cái gì đem bán đi nhỉ?

Cậu nói nhỏ, như hụt hơi. Nhưng mợ Thành nghe thấy. Mợ lao từ trong buồng ra, tay cầm một chiếc áo len trẻ con màu đỏ, có lẽ là hàng viện trợ chiến tranh. Mợ thảng thốt nhìn chồng.

- Bán cái gì?

Cậu Chính lằm bằm.

- Ấy là tôi nói thế.

- Chiếc Xalatốp kia là tiền của tôi, tôi mua, trong đợt tham quan Liên Xô đấy nhé. Nhà này, anh chỉ mua được cái TV thôi. Anh có bán thì bán. Nhưng bán thì con anh mất xem.

Tôi lẳng lặng bỏ ra về. Cả hai vợ chồng đang cúi gằm mặt suy tính. Có lẽ, họ không nhìn thấy tôi. Hoặc nhìn thấy nhưng họ cố tình giả tảng?

Tôi trở lại phòng bệnh của mẹ tôi lúc gần ngọ. Mẹ đang nằm, mặt quay ra cửa. Thấy tôi, mẹ cười tươi.

- Hằng về hả con?

Nụ cười tươi tắn trên vành môi nhợt và gương mặt trắng như giấy ngâm. Hai mắt mẹ hau háu nhìn tôi, có ý chời đợi, phấp phỏng. Ánh mắt ấy là ánh mắt của con chó trung thành chờ âm huệ ban thưởng. Tôi nhói lòng. Tôi quay đi. Mẹ có ý nhắc.

- Thế nào còn?

- Cậu Chính đi công tác mẹ ạ.

Mẹ hỏi, mụ cười vẫn ngời sáng trên môi.

- Cậu đi công tác xa hay gần hở con?

- Xa.

- Thảo nào, hôm qua mẹ nghe đài nói có đoàn đại biểu Liên Xô vừa sang trao đổi với Đảng mình về công tác tư tưởng. Chắc cậu con đưa đoàn ấy đi tham quan các tỉnh miền Nam.

- Vâng.

Có một bàn tay đập rất mạnh vào vai tôi.

- Dậy, dậy đi Hằng. Cậu nấu trước bát mì, ăn đi cho mau khỏe.

Tôi co mép chăn, để cậu khỏi giật ra được, và tôi đáp.

- Không, cháu không muốn ăn, cậu để cho cháu nằm.

Trong bóng tối ấm áp của tấm chăn, tôi được tĩnh lặng Tôi quên mọi gương mặt, tôi xóa mọi âm thanh. Trí nhớ như căn phòng hoang vắng. Và tôi chìm vào giấc ngủ.

Hôm sau, chàng lãng tử ngỏ ý đưa tôi ra ga thay cậu Chính. Không một phút đắn đo, tôi gật đầu ưng thuận, dù trong thâm tâm tôi biết rắng người con gái cư xử như thế thật chẳng hay ho gì. Tôi không muốn trước khi bước lên tàu, chịu đựng một cuộc hành trình buồn tẻ lại phải nhìn thấy ông cậu ruột. Chàng lãng tử đã mua sắm đồ ăn đường và mua vé cho tôi. Anh cũng mua cho anh tấm vé vào ga để đưa tôi ra tận kè đá chờ tàu. Tôi thấy anh ta nói tiếng Nga giỏi chẳng kém gì người đàn ông tóc muối tiêu đã đưa tôi tới căn buồng của ông nghiên cứu sinh Sinh Hóa. Với ngữ điệu đặc sệt Nga, nước da rám đen và gương mặt thanh tú anh chàng khiến cho nhiều cô gái Nga chú ý. Họ ném theo những ánh mắt hoặc vội vã thầm lén, hoặc công nhiên và dai dẳng. Chàng lãng tử giữ vẻ mặt phớt tỉnh Ănglê. Tôi thầm cười anh ta vì dẫu sao, anh cũng chỉ hơn tôi vài tuổi. Chúng tôi đứng bên nhau chờ tàu, nói đủ thứ chuyện, trừ chuyện về bản thân. Giờ từ biệt, cuối cùng cũng tới. Tôi xiết chặt tay anh.

- Cảm ơn anh. Cảm ơn anh rất nhiều.

Chàng lãng tử cười.

- Đừng, cảm ít thôi còn để dành cho lần sau.

Mắt anh lóe lên tia lửa tinh nghịch, ranh mãnh. Tôi bật cười theo. Anh hỏi.

- Có gửi gắm gì cho cậu không?

- Không.

Rồi sau chút đắn đo, tôi hỏi.

- Cậu ấy làm thuê cho các anh từ bao giờ?

- Mấy tháng nay. Trước, chúng tôi thuê một ông khác. Ông ấy về nước và giới thiệu ông Chính. Hai người này có quen biết nhau. Ở đây chúng tôi coi là việc hợp lý hóa lao động.

Tôi lắc đầu.

- Dù sau, tôi cũng không thể hiểu. Ngày hôm qua, sự việc diễn ra đúng như anh dự đoán.

Chàng lãng tử đưa tay kéo món tóc xòa xuống mắt tôi lên, rồi nói.

- Người ta nên hiểu biết hết mọi sự trên đời cô bé ạ, dù cho là sự thực đau buồn. Ông cậu của cô giống như một loạt người tôi từng gặp. Họ là những kẻ đã phung phí gần hết đời sống của mình vào việc vẽ nên một thiên đường dưới trần ai, nhưng trí khôn ngắn ngủi của họ lại không đủ để hiểu thiên đường ấy ra sao và con đường nào đưa tới nó. Vì thế khi biết công việc ấy hão huyền thì họ hối hả tìm kiếm những miếng ăn thực, nhặt nhạnh những hạt ngũ cốc thực trên mảnh đất bùn lầy, Họ làm việc ấy, bất kể bằng cách nào. Họ là tấn thảm kịch cho chính họ, tấn thảm kịch cho thế hệ chúng ta.

Tàu đến, anh xiết chặt tay tôi lần nữa, rồi xách túi đưa tôi lên toa. Khi tôi ngồi vào chỗ, anh trở lại bờ kè. Ở đó, anh đứng chờ cho con tàu tư từ lướt qua và hình bóng anh nhòa dần sau ô cửa kính.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx