Trời im gió. Những ngọn cây cao im phăng phắc. Tôi mở hết các cửa kính. Làn không khí mát ùa vào phòng. Một chút nắng chiều và hơi thở man mác – dấu hiệu sơ khởi của mùa thu. Giã biệt mùa thu vàng của nước Nga. Mùa thu chưa hội ngộ đã xa cách. Có lẽ, số phận chỉ cho tôi một lần, một lần gặp gỡ và chiêm nghiệm vẻ đẹp ấy. Tôi tính đến các thủ tục cần làm ở Matxcơva. Sớm nhất cũng hai tuần nữa mới có thể lên máy bay. Lúc ấy, cây cối ở Matxcơva chưa thay màu...
Tính hai tuần nhưng rút cục chỉ mười hôm tôi đã ra được sân bay. Tất cả nhờ ở anh chàng lãng tử. Về Matxcơva, tôi tránh mặt ông cậu. Tôi ở nhờ một người quen. Chị họ một trong hai cô bạn cùng phòng với tôi. Một người đàn bà dưới bốn mươi tuổi, nhan sắc không mặn mà nhưng rất tốt bụng. Chị đánh máy cho một nhà máy xuất bản, sang đây theo ký kết hợp tác trao đổi văn hóa. Căn phòng chị ở là một căn hộ khép kín, đã cũ nhưng còn đầy đủ tiện nghi. Chị làm việc ở nhà, còn tôi đi xuôi ngược suốt ngày. Tối về, tôi ngủ trên chiếc đi-văng tiếp khách của chị. Vào buổi chiều ngày thứ tư, tôi thất thểu từ bến xe điện ngầm về, buồn rười rượi vì công việc trục trặc. Ở tòa đại sứ, có hàng trăm thứ rắc rối, phiền não hành hạ con người. Nhất là với một cô gái từ miền xa lắc, xa lơ đến... Đang đi, tối sực nhớ tối nay là sinh nhật của chủ nhà. Chị đã dặn tôi về sớm tham dự. Lẽ ra, tôi phải mua hoa hoặc một gói quà gì đó, socola hoặc một lọ nước hoa ngoại. Tôi đã quên. Giờ, chỉ còn cách duy nhất là nhảy lên xe điện, tới chợ nông trường mua hoa quả... Đang ngẩn ngơ tính toán, chợt bóng một chàng trai hối hả vượt qua đường, đi tới. Anh tiến lại gần tôi, chìa tay ra:
- Xin chào.
Tôi buột miệng kêu:
- Chàng lãng tử.
Anh ta cười:
- Cô bạn nói gì mà kỳ quái thế?...
Tôi cũng cười. Sau đó tôi giải thích cho anh hiểu xuất xứ cái biệt hiệu kia. Chàng lãng tử cười ngất, mắt không rời khỏi mặt tôi. Tôi vừa ngờ vực vừa hân hoan vì ánh mắt trìu mến ấy... Có lý gì anh ta lại chú ý tới tôi?... Một cô bé còm nhom, xanh bủng. Chàng lãng tử đưa tôi tới nông trường ma trái cây và hoa tươi. Hóa ra, anh cũng thân thiết với chị chủ nhà và tới dự sinh nhật chị tối nay. Trái đất, cuối cùng vẫn chật hẹp... Trong buổi tối vui vẻ ấy, tôi kể cho mọi người nghe những phiền não tôi phải chịu, chàng lãng tử cười:
- Cuối cùng, bạn cũng chỉ là một cô bé chíp hôi... Thôi, đưa tất cả giấy tờ đây...
Anh ta cầm lấy đống giấy má của tôi. Ba hôm sau anh quay lại, chìa ra tấm vé máy bay:
- Ngày kia bay. Chuyến mười một giờ bốn mươi lăm phút... Còn bây giờ tôi sẽ đưa nàng đi cửa hàng. Cần gì, và thiếu những gì, hãy khai ra cho đủ. Không còn thời gian để mà ngượng ngùng nữa đâu...
Chưa có một thanh niên nào áp chế người khác với dáng vẻ quyền uy và êm dịu thế. Anh ta đã giúp tôi rất nhiều trong chuyến đi quá chật vật ấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi chịu nhận sự giúp đỡ ấy từ một người không liên quan máu huyết. Mọi thủ tục trôi qua xuôi xẻ, chàng lãng tử đã đưa tôi ra sân bay. Và nụ cười trẻ trung, kiêu mạn của anh sáng bừng lên ngoài khuôn cửa phòng hải quan, là hình ảnh sau chót của quãng đời ấy, quãng đời lao động trên xứ lạ, quãng đời đã dạy cho tôi bao điều phải suy ngẫm, những giọt lệ buồn tủi và sướng vui...
- Xin thông báo, còn hai phút năm mươi giây nữa, chuyến bay Matxcơva – Hà Nội sẽ được thực hiện... Xin thông báo...
Giọng chiêu đãi viên vang lên. Người đàn ông ngồi bên tôi đang loay hoay sắp xếp lại những thứ đồ trong chiếc túi xách tay. Nào bóng đèn, nào phích nước Trung Quốc, nào con lật đật, nào các gói thực phẩm lớn nhỏ và táo... Mồ hôi ông ta vã đầy mặt. Cổ áo sơ mi một bên cụp xuống, một bên vểnh lên. Chiếc cà vạt nhăn nheo như khúc ruột gà...
- Xin thông báo...
Tôi rút bông trong túi, vo viên nhét vào hai lỗ tai. Rồi, sau khi đeo dây an toàn tôi ngả người về phía sau nhắm mắt ngủ... Cả chuyến bay là những giấc ngủ li bì nối tiếp nhau. Các giấc mơ đan xen, các hình ảnh chồng chéo... Nhưng trên tất cả mọi hình ảnh, mọi ý nghĩ là một nỗi lo khắc khoải. Tôi e rằng cô Tâm đã không đủ kiên nhẫn chờ tôi...
Sau gần hai ngày, một đêm, máy bay tới Nội Bài. Không có ai đón tôi, như tôi dự tính. Lên xe buýt hàng không tôi trở về Bờ Hồ. Từ đó tôi thuê một chuyến xích lô về nhà. Mẹ tôi đang ngồi ngủ gật sau quầy hàng lơ thơ vài chiếc bánh chưng, bánh gai và mấy trái chuối chín nẫu. Chiếc chân gỗ tháo ra, đặt một bên. Nhìn thấy tôi mẹ định đứng lên, chạy ra ngõ. Nhưng khi sực nhớ tới khúc chân giả, mẹ lại ngồi xuống. Mẹ khóc. Tôi nói:
- Nín đi mẹ, dẫu sao con đã về được tới nhà.
Chúng tôi đóng cửa hàng, nghỉ sớm. Tối hôm đó, nhà chật khách. Theo thói quen, bà con chòm xóm đổ tới hỏi han. Sắp tới, nhiều nhà xin cho con em đi xuất khẩu lao động. Họ muốn biết chúng tôi sinh sống bên ấy ra sao?... Mẹ tôi pha hai bình nước chè lớn. Chúng tôi mời mọi người uống nước chè, ăn nho khô và kẹo. Thứ kẹo “Chìa khóa vàng” rất hợp khẩu vị ở Việt Nam. Chàng lãng tử đã chuẩn bị cho tôi khá đầy đủ. Cuộc hàn huyên thật vui, không khí quen thuộc của ngoại ô lại tràn vào cảm quan của tôi, với vẻ ầm nồng lam lũ. Chỉ còn thiếu một cái gì đó... Con Trắng Xồm và giọng hát cuồng dại của anh quê. Tôi hỏi cô Vị:
- Dạo này anh con trai bà Miều không hát nữa hả cô?...
Cô bĩu môi:
- Khỏi phải mong. Chắc lúc này nó đang đánh tam cúc với lũ trẻ con. Tẹo nữa mày lại váng óc lên, tao chớ kể...
Tôi cười:
- Con Trắng Xồm thế nào ạ?
Bà hàng xôi lúc lắc đầu:
- Lại con Trắng Xồm. Lũ trẻ trong ngõ này đến lạ. Thằng con trai tôi đi học ở Đức viết thư về cũng hỏi con Trắng Xồm. Thằng con trai bà Hoan đi bộ đội đóng tận biên giới về phép cũng chỉ hỏi con Trắng Xồm. Giờ con Hằng nhà bà Quế cũng hỏi con Trắng Xồm. Nó chết rồi. Chết mùa đông năm ngoái. Là chó chứ là người chắc nó phải lên chức cụ. Già quá rồi còn gì?
Mọi người cười. Và lúc ấy, giọng hát khàn khàn của anh què bất chợt rống lên:
Mùa thu sang lá rụng ven đường
Cô Vị hất hàm bảo tôi:
- Đã thấy chưa?...
Tôi gật đầu, cười, trong lòng muốn rơi nước mắt. Sau quãng thời gian xa cách, giờ đây tôi mới đủ khôn lớn để hiểu nỗi buồn thẳm sâu của tiếng hát trùng phùng. Nó vẫn vang trong không gian nhàm chán của phố nghèo. Nó, điệp khúc buồn tẻ chẳng thay đổi một luồng sinh khí tù đọng không có cơ hội giải thoát. Nó, giai điệu ám ảnh của một cõi đời thiếu hụt, của cuộc tồn tại mà chẳng tồn sinh, của một dòng sông thối rữa nhiều rác rển và bèo bọt...
Hàng bạch dương xác xơ ven đồi
Màn sương trắng buông rơi lững lờ
Mà không thấy bóng người mong chờ...
Chàng què rống lên. Không còn là âm nhạc mà là tiếng kêu thoát ra từ con tim bị bóp nén, là làn hơi độc thoát ra như thứ lửa bỏng trên đầm lầy, là tiếng gầm của một con thút què quặt cả tâm hồn lẫn thể xác nhưng lại dư đủ trí không để hiểu cuộc đời thỏa thuê ngang dọc chốn rừng thẳm, dưới ánh chói mặt trời...
- Hằng, xem lại siêu nước sôi chưa con?...
Mẹ tôi gọi. Tôi giật mình, xuống bếp lấy siêu nước. Chắc nó đã sôi một lúc lâu. Đổ nước vào phích, tôi pha tiếp tuần chè thứ hai. Đám xóm giềng đang rôm chuyện.
Mẹ tôi bảo:
- Tiếp nho ra đĩa đi con.
Tôi đáp:
- Vâng ạ.
Rồi đi lấy túi nho, xẻ ra các đĩa. May sao là trước ngày lên máy bay, chúng tôi đã mua được thứ nho không hạt, rất ít sạn trong một cửa hàng gần ga xe điện Miacốpxki. Mọi người chiếu cố tới nho nhiều hơn kẹo. Một ông già, trước từng làm đầu bếp cho cơ quan công sứ Pháp, vừa khề khà ăn vừa nói:
- Lâu ngày không ăn cũng thèm... Nhưng mà nói các vị bỏ qua cho, thứ này thua xa nho trắng Pháp...
Giọng cô Vị át đi:
- Thôi thôi bác ơi, của ngon vật lạ thời sài lang chúng cháu đâu có được hưởng mà so sánh... Với chúng cháu thì nho này cũng ngon rồi.
Ông già nói:
- Đấy là tôi bảo cho mà biết...
Ông làu bàu gì đó, không rõ. Cô Vị đã quay sang kể cho mẹ nghe về vụ đánh ghen vừa xảy ra ở ngõ Hàng Bông sáng nay.
Bỗng nhiên, điện phụt tắt. Mọi người hỏi nhau:
- Sao lại cắt điện giờ này nhỉ?
- Biết đâu được?... Sở “điên” mà...
- Đừng có nói oan cho người ta. Dây nhợ mục hết không có tiền thay...
- Con bà là nhân viên sở “điên” có khác, bênh ra mặt... Thôi, giải tán. Mỗi người bốc nắm nho bỏ túi rồi về cho mẹ con cô ấy nghỉ.
Tôi thắp cây đèn dầu. Mỗi người bốc nắm nho hoặc dăm bảy chiếc kẹo bỏ vào túi rồi ra về... Lúc tôi đóng cửa, đồng hồ đã gõ thong thả mười một tiếng. Mẹ tôi ấu yếm vuốt tóc tôi, rồi bảo:
- Kệ đấy, mai hẵng dọn... Mẹ con mình ngủ đi con...
Chúng tôi lên giường. Mẹ gối đầu tay cho tôi, kể lể với tôi về mọi chuyện nhà. Sau, lại tới lượt tôi kể lại cuộc sống của mình bên kia, quãng đời nơi xứ lạ...
- Thế tuyết có giống cái bọt đá trong tủ lạnh nhà bà Hoan không con?
- Gần như thế. Con đã mua cho nhà mình một chiếc tủ lạnh. Hãng minxơ hẳn hoi.
- Thế, mùa hè có thể làm đá bàn chè đỗ đen?
- Vâng.
- Con đi làm lạnh lắm hả? Nghe nói mùa đông bên ấy, đường toàn nước đá.
- Vâng. Chỗ con ở lạnh lắm, thường xuyên âm bốn mươi độ
- Chắc mẹ sang bên ấy mẹ sẽ chết.
- Nếu khỏe. Rồi cũng quen. Nhưng những người nhiều tuổi chịu rét khó khăn hơn. Đường trơn, thanh niên như chúng con cũng ngã xoành xoạch, xương đau tê tái. Những ông già, bà già Nga tới cửa hàng thực phẩm cũng ngã. Chắc họ đau lắm. Cứ nhìn họ, con lại nghĩ đến mẹ ở nhà...
Tôi thấy mẹ lấy cánh tay lau nước mắt. Rồi mẹ sụt sịt:
- Mẹ biết con vất vả chỉ vì mẹ...
Tôi ôm chặt mẹ, và dỗ dành như dỗ dành một em bé gái. Quả thực lúc ấy, tôi thấy mẹ nhỏ bé và yếu đuối làm sao?...
- Mẹ ơi, đừng khóc...
Chúng tôi xiết chặt tay nhau, trong niềm hạnh phúc. Khoảnh khắc ấy, quá khứ bị xóa nhòa. Chỉ còn lại mẹ con tôi với tình yêu không thể san sẻ...Tiếng đồng hồ tích tắc reo trong không gian đều đặn, êm đềm. Thi thoảng một con thạch sùng tặc lưỡi trong bóng tối. Ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ bằng hạt đỗ đặt trên bàn chốc chốc lại bùng lên vì một cơn gió lùa. Tôi vỗ nhè nhẹ lên lưng mẹ:
- Ngủ đi mẹ nhá...
Mẹ tôi trở mình đáp:
- Ừ, ngủ đi con...
Tôi buông mẹ ra, lấy chăn đắp bụng cho mẹ. Lúc tôi xoay mặt lại với mẹ, mẹ hỏi:
- Bên ấy, con có gặp cậu không?...
- Có.
Tôi đáp. Nhưng cũng ngay lúc đó, cơn giận dữ đột ngột trào lên, xâm chiếm tôi. Tôi thấy mình nghẹn thở, một luồng khí nóng xộc vào lồng ngực, lùa lên óc. Trong giây lát tôi tưởng mình có thể điên lên, đập phá một cái gì đó tức khắc. Có thể rời xa vĩnh viễn mái nhà này, không nuối tiếc. Có thể gào lên rồ dại. Có thể nghĩ ra những lời lẽ bạo tàn... Nhưng rồi tôi vờ ngáp, và nói:
- Thôi, ngủ đi mẹ ạ... Mai con phải đi sớm...
Đó là cố gắng cuối cùng của tôi. Mẹ tôi im lặng. Cái vết nứt giữa chúng tôi hé miệng ra, như vết nứt trên mặt ruộng khô nẻ, như vết chém trên một thứ đồ gỗ quý.
Suốt đêm tôi không ngủ. Tôi nằm cứng đơ như hình nhân. Mẹ tôi chỉ trằn trọc chừng vài phút, rồi cất tiếng ngáy ngon lành.
Tôi bỗng căm ghét tiếng ngáy của mẹ. Sao nó an nhiên một cách bạo tàn. Bốn giờ rưỡi sáng, tôi nghe tiếng cô Vị xoe xóe bên tường:
- Nhóm cho cô cái lò.
Tôi bật dậy, chuẩn bị quần áo, tư trang vào chiếc tui đi đường. Rồi tôi viết mảnh giấy đặt trên bàn:
Con về quê. Thời gian chưa tính được.
Mẹ hãy giữ gìn sức khỏe.
Lẽ ra, phải ở với mẹ một ngày nữa. Nhưng giờ đây, tôi không còn ăn năn. Tôi khép cánh cửa lại sau lưng, bước ra đường với tâm trạng nhẹ nhõm. Có ai đó đi ngược lại phía tôi?... Một người mù. Ông già cao lớn, mặc bộ quần áo vải, đeo túi vải nâu. Chiếc gậy trong tay ông khua lọc cọc dò đường. Một người ăn xin chăng? Tôi định hỏi nhưng chính ông già lên tiếng trước:
- Ai đấy?
Tôi hỏi ông:
- Ông đi đâu?
- Tôi tìm đứa con gái tôi. Trong ngõ này có nhà ai tên là Nhị không?
Tôi điểm mặt những người tôi biết... Không ai tên là Nhị... Tôi nói:
- Xóm này không có ai tên là Nhị... Còn đầu ngõ, cháu không được biết.
Ông già ngước đôi mắt đen kịt lên, ngẫm nghĩ, nói:
- Bà Nhị bán bánh giầy giò chả từ thời Pháp. Nghe đâu bây giờ học được người Tàu nghề làm “cháo quẩy”... Bà ta là dì ruột con bé nhà tôi.
- Trong xóm này chỉ có chị Dược bán bánh dày giò chả thôi ông ạ... Hay ông cứ hỏi thử xem?
- Ừ, tôi sẽ hỏi...
Ông đáp, ngẩng đầu cao, vẻ cương cương không che giấu. Tuy mù, nhưng giọng nói sang sảng, hoàn toàn trái ngược với những người mù ủ rũ, e dè tôi đã gặp:
- Cô cứ đi đi... Đừng quản ngại. Tôi khắc tìm được đường đi. Tôi đã đi từ làng lên huyện. Từ huyện lên tỉnh. Từ tỉnh đi ô tô lên đây... Tôi không ăn mày lòng thương của thiên hạ...
Nói đoạn, ông ngẩng đầu kiêu hãnh, tiếp tục đi sâu vào ngõ, lọc cọc, lọc cọc... chiếc gậy khua dẫn đường. Tôi đứng nhìn theo ông một lát rồi bước đi. Với người như thế, không hy vọng giúp đỡ họ. Có lẽ, đứa con gái ông gặp một chuyện phức tạp, có thể là lỡ dở với một người đàn ông nào đó, có thể phản đối một cuộc hôn nhân không ưng ý, có thể vì hoang thai... Và cô ta phải lẩn trốn xóm làng, ra đi. Và người cha đeo túi hành trang đi tìm con, có thể do tình thương, có thể do lòng ân hận... Nhưng dù lẽ nào, ông ta vẫn là một người cha. Bỗng dưng tôi nhớ tới cha tôi, người đàn ông chưa bao giờ tôi gặp mặt, một tình yêu nung nấu trong hoang tưởng. Có thể chăng, giờ này ông cũng đang lang thang trên các nẻo đường dưới âm thế, cô đơn, nhẫn nại, đi tìm đứa con gái mà ông đã trót sinh ra mà không bao giờ hiểu được nỗi đau khổ của nó khi thiếu vắng ông trong cõi đời...
@by txiuqw4