sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 21

Đường về, sao dài quá. Con tàu cứ đi, và nhịp điệu buồn tẻ của nó gieo vào tâm trí tôi. Thành phố đã lùi về phía sau, rừng bạch dương loán lên màu sa tanh trắng. Những vòm lá mềm rũ, đung đưa uể oải, lười nhác khiến cảnh vật như được dệt bởi vô số giấc mơ thư nhàn. Trên ngọn cây, lá còn xanh ướt. Nhưng ở tầng dưới, lốm đốm đã có những chiếc lá vàng. Chẳng bao lâu nữa, các đám lá vàng sẽ lan ra. Rừng cây được tắm trong một cơn mưa rực rỡ và xao động. Lúc ây, cả bầu trời, cả mặt đất mênh mông đều trở thành những tấm gương, phản quan thứ nhan sắc kỳ bí mãnh liệt của cây cối mùa thu. Những rừng cây Nga, rừng bạch dương, rừng tùng, rừng hoàn diệp liễu... với các màu đậm nhạt uyển chuyển pha trộn giữa vàng và đồng thau, tạo nên vẻ đẹp không gì thay thế được ờ nơi đây... Vẻ đẹp xứ người... sau cái mùa lộng lẫy ấy là tuyết trắng. Tuyết bạt ngàn. Cái giá buốt khủng khiếp của mùa đông bám quanh vành tai, chui trong găng tay, vây bọc chúng tôi bằng một tấm lưới chắc chắn. Con đường từ khu cư xá tới nhà máy rất dài. Và tuyết ùn ùn ở những chỗ đỗ xe. Sau những giờ đứng máy căng thẳng, mệt bã người vì tiếng ồn của cỗ máy chuyển động, vì quãng đường di động, vì làn không khí vẩn bụi bông... chúng tôi trở về căn phòng của mình. Bữa cơm tối được chờ đón như một niềm hạnh phúc cỏn con, sự bù trả cho một ngày lao động. Trong bữa cơm ấy, phải tính thật chính xác số tiền bỏ ra mua bơ, mua phô mai, mua thịt... sao cho đủ sức làm việc, sao cho khỏi ngã quỵ trên những ngả đường băng giá. Ngoại trừ phần ấy, là phần dành dụm để gửi về nuôi người ở nhà...

- Xình xình xình....

Nhịp điệu buồn tẻ của con tàu tốc hành rót bên tai. Sự xô lắc êm nhẹ của nó ru tôi vào giấc ngủ. Tôi lấy tấm khăn len của bà Vêra, choàng qua vai. Rồi tựa đầu vào thành ghế. Bên tôi, người đồng hành cũng đã trùm chiếc áo khoác nhẹ bằng vải simili trắng nhạt lê, nhắm mắt. Đó là một người đàn bà trạc ngoại tứ tuần, gương mặt đẹp tàn phai với những nếp nhăn hằn dưới đuôi mắt và hai khóe mép. Bà ta rất diện. Vẻ đơn côi. Tôi tin chắc bà ta sống độc thân. Có lẽ, giờ đây trên một phần ba trái đất, ngập tràn những người đàn bà độc thân. Tuy thế, sự ít lời của bà ta đem lại cho tôi không ít điều thú vị. Tôi cũng đang cần yên tĩnh... Chúng tôi im lặng ngồi bên nhau, im lặng ngắm cảnh vật bên đường, và bây giờ im lặng chìm vào giấc ngủ...

Khi tôi thức dậy, đã quá nửa đêm. Người đàn bà đồng hành thức trước tôi, thay bộ váy áo khác. Lúc lên tàu, bà ta mặc một chiếc sơ mi kẻ ô xám có cầu vai và túi lớn trước ngực, váy trắng hàng tít xuy. Giờ, bà tay mặc một chiếc váy áo liền thân cắt bằng sa tanh dày màu tím đỏ. Nhiều đường đăng ten màu hồng chạy nhẹ quanh cổ áo xếp thành hình lượn sóng trên bộ ngực nở nang, đã sệ xuống vì thời gian. Tóc bà cũng đã được chải cẩn thận, quấn giải băng nhung tím, điệp với màu áo. Trên gối người đàn bà trải tấm khăn ăn dùng lúc đi đường, bằng vải trắng thêu, khá rộng. Bà ta đang ăn bánh bì nhỏ với phô mai Hà Lan và dồi.

- Xin mời.

Thấy tôi ngồi dậy, bà ta cất tiếng mời.

- Cảm ơn. Tôi cũng đã chuẩn bị đồ ăn theo.

Tôi đáp, cuốn tấm khăn của bà Vêra, bỏ vào túi du lịch. Rồi tôi vào phòng vệ sinh. Bồn rửa mặt nhem nhếch, vòi nước còn ri rỉ chảy. Có lẽ hành khách nào cẩu thả vừa từ đây đi ra. Tôi rửa mặt, thay quần áo. Một bộ đồ màu xám nhạt có pha từng mảng trắng tang nhã nhưng đã lỗi mốt từ lâu. Tuy nhiên, mặc một bộ áo quần lỗi mốt nhưng sạch sẽ còn hơn mặc bộ đồ hợp thời trang mà nhàu nát bẩn thỉu. Đi đường, dù tàu có hiện đại, tiện nghi đến đâu, cũng không tránh được bụi bặm. Tôi ngắm mình trong gương. Sau giấc ngủ ngon, thần sắc đã khá hơn. Rửa chân tay cẩn thận, tôi trở về chỗ ngồi, giở túi thức ăn đường ra. Chàng lãng tử đã mua cho tôi. Có lẽ, vì cái khoảnh khắc gặp gỡ tại sân trường đại học năm xưa mà anh ta chú ý tới một cách nhiệt thành như thế. Trong túi có một gói sandwich, một hộp các tông đựng bánh ngọt. Trên bìa, vẽ mấy cây nấm nâu được đắp bằng sô cô la. Bên trong là bánh kem nhỏ, hình tròn, trên mỗi chiếc bánh dấp nổi một cây nấm bằng sô cô la hệt như hình vẽ. Một thứ bánh ngọt xa xỉ, quá xa xỉ so với cuộc đời công nhân xuất khẩu chúng tôi. Một gói bánh trứng lớn, bên ngoài bọc giấy bóng mờ. Năm thanh sô cô la hiệu Sport. Tôi mở túi, lần lượt đặt từng thỏi lên bàn. Rồi, tôi ăn miếng sandwich. Đoạn, tôi mời người đàn bà bánh trứng với bánh kem nhỏ. Bà ta gật đầu:

- Cảm ơn...

Rồi đưa những ngón tay trắng mũm mĩm lấy bánh ngọt ăn. Bà có vẻ khoái những đồ ăn ấy. Nhưng trong ánh mắt nhìn tôi ẩn giấu nỗi kinh ngạc: - Cô mà dám mua những thứ này sao?...

Ánh mắt bà ta nói lên điều đó. Tôi lẳng lặng ăn, gạt những vụn bánh vào mảnh giấy để ném vào thùng rác. Rồi tôi bóc một thanh sô cô la:

- Xin mời.

Lần nữa, người đàn bà đáp:

- Cảm ơn.

Lần này, kèm theo một nụ cười. Xong bữa, tôi thấy khát. Chàng lãng tử đã quên mua cho tôi một chai nước có ga hoặc nước khoáng đem theo. May sao, một người đàn bà mặc áo tím có cả một túi hoa quả và một bình sữa ướp lạnh trong chiếc giỏ đan bằng sợi ni lông giả cành hoàn diệp liễu. Chúng tôi uống thỏa thuê, ăn trái cây rồi người đàn bà rút một quyển truyện trinh thám trong túi ra đọc. Tôi ngồi dán mũi vào cửa kính, nhìn bên ngoài... Cứ thế, cho đến lúc xuống ga. Chúng tôi chào nhau, chúc sức khỏe rồi mỗi người đi mỗi ngả. Lúc ấy, khoảng hai giờ ba mươi chiều, các cửa hàng mở cửa, người ra vào tấp nập. Tôi sực nhớ cần mua món gì đó khả dĩ làm quà cho cho bà Vêra, với hai cô bạn cùng phòng, túi thức ăn của chàng lãng tử còn lại là đủ. Nhưng với bà gác dan tốt bụng...

Tôi lượn đi lượn lại mãi trước các quầy hàng, sau cùng quyết định mua một chai cô nhắc Nga mười rúp. Túi tiền của tôi chịu được món quà ấy. Vả chăng, tôi biết những người đàn bà cô đơn, lúc trở về già thường thích uống rượu một mình...

Mua xong, tôi thả bộ dọc theo cửa hàng, tới công viên. Qua công viên này tới trạm xe buýt đi về khu cư xá nhà máy dệt. Gọi là công viên, kì thực đó chỉ là một khuôn viên nhỏ so với các khuôn viên đầy rẫy trong những thành phố nước Nga. Nhưng bù lại, nó có vẻ hoang dại lạ lùng. Dường như những người làm vườn ở đây quanh năm bị thần Lưu Linh rủ rê vào quán rượu. Họ đã bỏ cuốc xới cỏ, dao kéo cắt xén cây trong xó xỉnh một quán rượu nào đó và không tìm thấy. Khắp khuôn viên, cỏ cây, hoa lá, dây leo, bụi rậm mặc sức chen chúc, mặc sức thả phóng nguồn sinh lực tràn trề. Bên những cây lững thững tán lá xanh là những dây leo lòng thòng thả xuống những chùm hoa tím, những vòi dây mềm mại phủ đầy lông. Giữa những bồn hoa, cỏ kim và cỏ tầm ma ngất nghểu vẫy gió. Trên các luốn đi rải sỏi, thi thoảng lại có một đám cỏ mọc xuyên qua lớp sỏi dày, vươn lên đâm mầm nhọn và cứng của chúng. Dương xỉ và rêu cùng bám từng đám quanh các bồn đá trắng hoặc đá hồng, trước đây người ta dùng trồng loài cây không hoa, nhưng lá xoăn màu đỏ...

Tôi đi tắt qua công viên, vừa để rút bớt một đoạn đường, vừa ngắm cảnh. Khuôn viên này là nơi chúng tôi thường rủ nhau tới chơi. Những chiếc ghế gỗ cũ ải, chìm lút trong đám cỏ rậm kia lũ chúng tôi thường ngồi suốt buổi chiều chủ nhật, sau khi uống nước kơ-vát và chung tiền mua hai xâu thịt cừu nướng. Người đi trong công viên không nhiều, không vội vã, họ cùng bước những bước trễ nải như tôi. Chợt, bọn họ ngoái cả về chiếc kiot bán văn hóa phẩm và vật lưu niệm ngay giữa ngã tư đường, dưới một vòm cây lớn. Trong ánh mắt họ, tôi đọc thấy nỗi tò mò lẫn sự kính nể. Các cặp trai gái thôi không trò chuyện, im lặng đưa mắt nhìn. Những người lỗ mãng hơn thì đứng hẳn lại, giương mắt ngắm nghía. Bất giác, tối cũng lây nỗi tò mò ấy. Tôi quay về phía kiot. Ở đấy, khoảng sân lát đá trắng, một nhóm thanh niên Nhật đang đứng trò chuyện. Họ còn trẻ, cũng trạc tuổi như tôi. Ba chàng trai, hai cô gái. Chàng trai cao nhất vừa từ kiot bước ra, khẽ nhún vai nói gì đó với cả bọn. Cử chỉ đó như báo rằng anh ta không tìm được vật đáng quan tâm trong cái kiot nhỏ bé, sơ sài. Anh ta cao tới một thước bảy lăm, không khác biệt bao nhiêu chiều cao trung bình của người phương Tây. Sống mũi anh ta cũng thẳng. Nhưng mắt vẫn là thứ mắt của châu Á. Hai anh chàng kia thấp hơn. Họ hơi giống nhau cả về chiều cao lẫn khuôn mặt. Nhìn họ, thấp thoáng hình ảnh của các võ sĩ karate trên các áp phích quảng cáo của thập kỷ năm mươi. Tuy thế, họ cũng đẹp. Cả ba người mặc đồng phục trắng, cà vạt xám. Hai cô gái xấu hơn. Cả hai cô đều mặc váy ngắn, áo vét thả vạt bên ngoài. Tóc cắt bằng. Mỗi cô đeo một chiếc vòng nạm kim cương. Mỗi cô cầm một chiếc ví màu kem nhẹ. Nhìn mặt những người trai trẻ ấy, thấy họ tự tin lắm. Họ không để tâm tới sự chú ý của đám đông xung quanh. Có lẽ với họ: Sự chú ý hay ngưỡng mộ của đám đông là đương nhiên. Họ nói với nhau khe khẽ, cười cũng khẽ như thế, cái nhìn giữa hai mi mắt hẹp thật bình tĩnh và an nhiên. Làn da họ hồng hào, trơn bóng. Làn da của những người no đủ... Người Nhật, dường như chỉ cái tên gọi quốc gia họ đã là tấm giấy bảo lãnh cho quyền tự hào... Dường như chỉ cái tên ngắn ngủi ấy, là tấm thẻ tùy thân cho họ bước tới bất cứ xó xỉnh nào trên trái đất một cách ung dung thanh thoát. Có gì khác biệt giữa họ và chúng tôi?... Và cũng ngay lúc ấy, trong trí nhớ của tôi hiện lên hàng trăm những khuôn mặt bạn bè, những trai tráng thế hệ chúng tôi. Những gương mặt bị nỗi lo âu làm cho cằn cỗi tiều tụy, cau có, bụi bặm... Những gương mặt nhớn nhác vì sợ hãi. Biết bao nhiêu nỗi sợ hãi có thể xảy ra... Nỗi sợ không mua được hàng hóa về, nỗi sợ một ông bố già hay một bà mẹ già có thể lao lực hoặc ốm nặng trong thời gian chờ đợi món tiền viện trợ còm cõi của đứa con, nỗi sợ một vị quan chức nào đó trong nhà đại sứ... Những gương mặt tàn úa, ủ dột vì suy tính. Suy tính món tiền đủ duy trì sự sống và món tiền nuôi dưỡng người thân. Suy tính thù lao công của một ngày hái táo hay một ngày quét dọn trên các toa tầu. Suy tính phương tiện mưu sinh cho cuộc sống tương lai, tương lai bấp bênh như sa mù trên mặt biển... Trên đường phố, gương mặt ấy không thể nào hòa trộn với những gương mặt khác, những gương mặt của một nhân loại an hưởng, hòa bình, hạnh phúc và tự do... Vầng trán hai mươi hằn lên những nếp nhăn, mái tóc đen đổ xuống quầng mắt xanh tím. Cái nhìn đăm đắm sâu thẳm. Vẻ quyết liệt thô bạo, man dại khi tranh giành trước các quầy hàng.. Nỗi mặc cảm tủi hổ trước ánh mắt người xứ lạ. Cuộc vồ xé tâm can không lúc nào ngơi...

Tôi đưa mắt lần nữa liếc nhìn đám người Nhật. Bòn họ có gì khác với chúng tôi?... Nếu như có kiếp luân hồi, chắc chắn kiếp trước không có gì đảm bảo họ có phẩm chất trội bật. Cả về trí thông minh, cả lòng kiên nhẫn, cả sự chịu đựng mà đám dân châu Á dư thừa. Nhưng số phận đã ưu đãi họ. Họ đã được đầu thai dưới một mái nhà bằng an, ít bão gió...

Đã tới khúc đường rẽ. Ở đây các bụi gai trổ đầy hoa. Hoa lấm tấm xanh màu ngọc lưu li. Tôi vượt qua bụi hoa, bước xuống các bậc thang gỗ. Những bậc thang này đã được làm lâu lắm. Phần giữa mỗi phiến gỗ, vết chân người qua lại mài mòn trũng như trái cây bị chim khoét. Hàng lan can hai bên có trổ hoa văn. Nhưng đường hoa văn đã mòn. Ngay ở bậc thang cuối, một con đường trải nhựa dẫn tới trạm xe buýt. Đã thấy đám khách chờ...

Kể cả thời gian đứng chờ, lẫn thời gian xe chạy, hai mươi bảy phút sau tôi đã về tới khu cư xá. Trong gian sảnh, bà Vera ngồi lừng lững như trái núi. Đôi que đan ngoáy nhoay nhoáy trong tay. Bà lại đan. Lần này là một chiếc áo khoác. Tôi vui vẻ chào bà và rút chai cô-nhắc ra:

- Cảm ơn bà Vera, không có chiếc khăn của bà, chắc cháu chết rét trên tàu... Đây là quà của người đi xa...

Tôi đặt chai cô-nhắc trước mặt bà, hy vọng nhìn thấy nụ cười vốn hiếm hoi trên gương mặt bà. Nhưng ngược với dự kiến của tôi, bà lại lắc đầu buồn bã:

- Chuột nhắt, mày là một con bé quá ít may mắn...

Nói đoạn, bà cúi xuống mở ngăn kéo:

- Lại có một bức điện chờ mày đây.

Bà đưa tờ giấy gập làm tư cho tôi. Tôi mở:

“Hằng về ngay. Cô Tâm sắp chết.”

Không có tên người gửi. Con dấu bưu điện Hà Nội, Matxcơva, rồi tới lên tỉnh lị của chúng tôi. Tôi bỗng muốn ngã, ngã xuống ngay lúc ấy, ngủ một giấc ngủ vĩnh viễn, không bao giờ còn phải ngồi dậy. Tôi liếc tấm sàn lát gỗ cũ kỹ của gian sảnh, đầy những vết xước và vết ố bẩn, nơi hàng vạn dấu giày đi qua... Tôi sẽ nằm xuống đó. Người ta phủ một mảnh vải lên... Thế là xong... Người đàn bà Nga vẫn nhìn tôi sau mắt kính, một cái nhìn già lão, hiền từ. Tôi chợt hình dung lại những gương mặt hồng hào thanh thản, của đám người Nhật trong khuôn viên, giữa vòm lá xanh hoang vu, con đường rải sỏi, những bụi gai trổ đầy hoa, lũ bồ cô đậu khắp các bồn hoa đá hồng và đá trắng...

Một mũi kim nhọn chích vào tim. Tôi bước tới gần người gác dan, mỉm cười:

- Cảm ơn bà Vera, cháu về phòng...

Tôi đưa tấm khăn trả bà rồi bước lên cầu thang, về phòng. Phòng khóa, hai cô bạn tôi đi làm. Cô ta, con người hèn mọn có cái mũi tẹt cũng đi làm. Tôi mở khóa, thay quần áo. Đáng lẽ, chui vào chăn ngủ vùi, tôi ra bồn nước rửa mặt rồi quay vào bàn, ngồi suy tính. Tấm khăn phủ giường sạch sẽ, phẳng phiu như mời chào. Tôi phải chống lại ham muốn đó, nêu như tôi đã không ngã gục trước mặt bà Vera trong gian sảnh nghĩa là là tôi không được quyền ngã. Những biến động và giày vò của đời sống xô ngã con người chính vào khoảnh khắc họ nghĩ rằng mình có thể quy hàng. Đã vượt qua giây phút đó, không có quyền thoái lui.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx