sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ôlivơ Tuýt - Chương 03

CHƯƠNG III

SUÝT NỮA ÔLIVƠ TUYT CÓ ĐƯỢC MỘT CHỖ LÀM VÀ ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ NGỒI ĂN KHÔNG

Suốt một tuần lễ sau khi đã phạm hành vi vô đạo và báng bổ thần thánh là đòi ăn thêm, Ôlivơ bị giam giữ cẩn thận trong một căn phòng tối tăm và cô độc, trong đó người ta lôi nó vào theo quyết định nhân từ suốt của ban quản trị. Mới thoạt nhìn hình như người ta không phải không có lý khi giả thiết là để tỏ ra tôn trọng thích đáng đối với lời tiên đoán của ông mặc gilê trắng, nó lẽ ra phải thực hiện một lần và vĩnh viễn lời tiên tri sáng suốt này, bằng cách thắt một đầu khăn tay vào một cái móc ở tường, và treo cổ vào đầu kia. Tuy vậy, có một điều cản trở không cho phép nó thực hiện kỳ công này: khăn tay rõ ràng là xa xỉ phẩm cho nên đã vĩnh viễn bị cất khỏi mũi của những người nghèo khổ ở mọi thời đại trong tương lai, theo lệnh của ban quản trị đã được quyết định trong một cuộc họp, mệnh lệnh này đã được ban ra một cách long trọng và được ký tên đóng dấu hẳn hoi.

Lại còn một cản trở khác to lớn hơn, đó là Ôlivơ Tuýt còn ít tuổi và trẻ con. Nó chỉ khóc sướt mướt suốt cả ngày, và khi cái đêm dằng dặc, buồn bã đến, nó lấy hai bàn tay nhỏ bé che đôi mắt để đừng nhìn thấy bóng tối. Và bò rạp mình ở một góc phòng, nó tìm cách ngủ, nhưng chốc chốc nó lại giật mình run lẩy bẩy, và nép mình sát hơn vào bức tường, dường như cảm thấy mặt phẳng lạnh toát và cứng rắn của bức tường sẽ che chở chống lại bóng tối và cảnh cô đơn bao quanh nó.

Những kẻ thù của “chế độ giam giữ” chớ có bịa đặt rằng trong thời gian bị giam giữ một mình, Ôlivơ không được hưởng ân huệ của việc tập thể dục, chơi bời với bạn bè, hay những an ủi của tôn giáo. Về khoản tập thể dục, lúc này trời rất lạnh, và nó được phép mỗi buổi sáng rửa mặt dưới cái bơm nước, ở trong sân lát đá, trước mặt ông Bâmbân, ông này lo sao cho nó khỏi cảm lạnh bằng cách lần này lượt khác nện gậy vào người nó, làm cho cả thân hình nó đau nhói. Về mặt chơi bời với bè bạn thì cứ hai ngày một lần, người ta đưa nó vào một phòng rộng nơi bọn trẻ con ăn, và bị nện trước mặt mọi người để cảnh cáo và làm gương cho tất cả. Nó cũng không hề bị tước mất những điều an ủi quý hóa của tôn giáo, bởi vì mỗi buổi tối vào giờ cầu kinh người ta đều giơ chân tống nó vào phòng ấy. Và ở đây người ta cho phép nó lắng nghe lời cầu nguyện chung của bọn trẻ để an ủi tâm hồn, trong lời cầu nguyện này có thêm một khoản riêng đã được đưa vào đấy theo lệnh của ban quản trị, chúng cầu khẩn Chúa làm cho chúng thành những người tốt có đạo đức, mãn nguyện, ngoan ngoãn và tránh khỏi những tội ác lỗi lầm của Ôlivơ Tuýt. Lời cầu nguyện này rõ rệt nêu bật nó như là đã thuộc quyền bảo hộ và che chở của những quyền lực của cái ác, và là sản phẩm trực tiếp của Quỷ sứ.

Một buổi sáng, trong khi tình hình của Ôlivơ đang may mắn và yên ổn như thế thì ông Gămfin, người nạo ống khói đi trên Đường phố lớn, trong lòng băn khoăn suy nghĩ tìm cách nào trả số tiền thuê nhà hãy còn khất, mà ông chủ nhà cứ đòi nằng nặc. Theo cách tính toán lạc quan nhất về tiền nong của mình, ông Gămfin cũng không thể nào nâng số tiền lên đủ năm bảng, như ông cần đến; và trong tình trạng tuyệt vọng về số học ông hết hành hạ cái đầu rồi con lừa của ông ta. Ông đi qua nhà tế bần, đôi mắt ông chú ý đến tờ yết thị ở cổng.

“Họ - ọ!”, ông Gămfm bảo con lừa.

Con lừa ở trong tình trạng hết sức ngơ ngác, nó đang phân vân tự hỏi không biết có được quyền chén một hai cuống bắp su khi đã tống khứ đi được hai cái bị bồ hóng chở trên xe nhỏ hay không, nên nó không để ý tới mệnh lệnh mà cứ lon ton tiến về phía trước.

Nói chung, ông Gămfin vẫn thường mắng nhiếc con lừa thậm tệ, nhất là mắng nhiếc đôi mắt của nó, và lao người chạy theo, ông nện vào đầu nó một quả đấm có thể đánh vỡ mọi cái sọ, trừ sọ lừa. Sau đó, nắm lấy dây cương, ông giật mạnh hàm nó để dịu dàng nhắc nhở cho nó nhớ rằng không phải nó muốn làm gì thì làm, và bằng cách này ông kéo nó quay lui lại. Sau đó, ông giáng cho nó một quả đấm nữa lên đầu để làm cho nó choáng váng cho đến khi ông quay trở lại. Sau khi đã thu xếp như thế, ông bước đến cổng để đọc tờ yết thị.

Ông mặc gilê trắng vẫn đứng ở cổng, hai tay chắp sau lưng, sau khi đã phát biểu một vài tư tưởng sâu sắc ở trong phòng của ban quản trị. Chứng kiến cuộc vật lộn ngắn giữa ông Gămfin với con lừa, ông mỉm cười hớn hở khi ông nọ bước lên đồi để đọc tờ yết thị, bởi vì ông thấy ông Gămfin đúng là hạng ông chủ cần thiết cho Ôlivơ Tuýt.

Đọc xong tờ yết thị, ông Gămfin cũng mỉm cười vì năm bảng đúng là số tiền ông ta đang cần. Còn về khoản đứa bé liên quan tới tờ yết thị này thì ông Gămfin thừa biết chế độ ăn uống ở nhà tế bần là thế nào, nên yên trí nó sẽ là một cậu rất nhỏ con, đúng là cỡ người để chui vào ống khói. Vì vậy, ông lại đánh vần tờ yết thị một lần nữa, từ đầu đến cuối, và sau đó, tay cầm chiếc mũ da lông vẻ khúm núm, nói với ông mặc gilê trắng.

“Thưa ông, địa phận muốn cho thằng bé học nghề, có phải không ạ?”, ông Gămfin nói.

“A, ông”, người mặc gilê trắng nói, giọng chiếu cố, “ông cần nó à?”

“Nếu địa phận muốn nó học một nghề thích hợp thú vị, muốn nó trở thành một người nạo ống khói tốt đáng kính”, ông Gămfin nói, “thì tôi cần một cậu học nghề, và tôi sẵn sàng mang nó đi.”

“Mời ông vào”, người mặc gilê trắng nói. Ông Gămfin nấn ná lại sau để nện cho con lừa một cái nữa vào đầu, và giật mạnh hàm một lần nữa để cảnh cáo cho nó đừng có chạy trốn trong khi ông vắng mặt, rồi đi theo người mặc gilê trắng vào căn phòng nơi Ôlivơ lần đầu tiên đã nhìn thấy ông ta.

“Nghề này nguy hiểm”, ông Limkin nói sau khi ông Gămfin đã nhắc lại yêu cầu của mình.

“Trước đây có những thằng bé đã bị chết ngạt trong ống khói đấy”, một ông khác nói.

“Đó là vì họ đã thấm rơm ướt trước khi đốt trong ống khói để bắt trẻ con trèo xuống”, ông Gămfin nói, “chỉ có khói chứ không có lửa, nhưng khói thì không thể làm một thằng nhóc trèo xuống đâu, bởi vì chúng nó thích khói, khói chỉ làm cho chúng buồn ngủ thôi. Bọn con trai bướng bỉnh và lười lắm, các vị ạ, và không có gì khiến cho chúng nhanh chóng trèo xuống cho bằng một mồi lửa cháy rừng rực. Thưa các vị, điều đó cũng là nhân đạo nữa kia, bởi vì một khi chúng nó đã bị kẹt trong ống khói thì không có cách nào làm cho chúng cố sức thoát ra ngoài hơn cách đốt chân chúng”.

Ông mặc gilê trắng xem ra rất thú lời giải thích này, nhưng vẻ tươi vui của ông ta nhanh chóng tắt biến trước cái nhìn của ông Limkin. Ban quản trị sau đó bàn bạc vài phút, nhưng nói khẽ đến nỗi người ta chỉ nghe những chữ “đỡ tốn kém”, “công việc tiền nong sẽ khá”, “đã có một báo cáo công bố được in”. Cố nhiên người ta chỉ nghe rõ những chữ này thôi bởi vì chúng được nhắc đi nhắc lại luôn và rất được nhấn mạnh.

Cuối cùng, tiếng thì thào chấm dứt, và sau khi các ủy viên của ban quản trị đã long trọng ngồi lại chỗ của mình, ông Limkin nói:

“Chúng tôi đã xét đề nghị của ông và chúng tôi không tán thành đề nghị ấy”.

“Hoàn tòan không tán thành”, ông mặc gilê trắng nói.

“Dứt khoát là không”, các ủy viên khác nói thêm.

Do chỗ ông Gămfin đã bị tố cáo nhẹ nhàng là đã nện chết ba bốn thằng bé, nên ông ta nghĩ rằng, có lẽ ban quản trị, vì một điều đồng bóng nào đó không thể hiểu được, đã cho rằng cái trường hợp không liên quan gì tới công việc kia phải ảnh hưởng tới quyết định của họ.

Điều này rất khác lối làm việc xưa nay của họ, nếu như xưa nay có lối làm việc. Nhưng ông ta không hề muốn nhắc lại những tin đồn đại trước đây. Ông lấy tay vò cái mũ, chậm chạp rời khỏi bàn.

“Như vậy là các vị không muốn trao thằng bé cho tôi có phải không ạ?”, ông Gămfin nói, dừng lại khi đến gần cửa.

“Không”, ông Limkin đáp, “ít nhất vì đây là một nghề nguy hiểm, chúng tôi cho rằng ông phải nhận một số tiền ít hơn số tiền thưởng chúng tôi đã hứa”.

Gương mặt ông Gămfin sáng bừng lên, ông nhanh nhẹn bước lại bàn, và nói:

“Các vị bảo bao nhiêu nào? Xin các vị, các vị chớ có quá khắt khe đối với một người nghèo. Bao nhiêu nào?”.

“Tôi thấy ba bảng mười silinh là nhiều rồi đấy”, ông Limkin nói.

“Như thế là thừa ra mười silinh rồi”, ông mặc gilê trắng nói.

“Này nhé!”, ông Gămfin nói, “Các ông cho bốn bảng vậy. Bốn bảng và thế là các ông vĩnh viễn thoát nợ. Đúng chưa nào?”.

“Ba bảng mười silinh”, ông Limkin nhắc lại, giọng kiên quyết.

“Này nhé! Tôi chia phần còn lại ra làm hai, các vị xem”, ông Gămfin van nài, “ba bảng mười lăm silinh”.

“Không thêm một xu”, ông Limkin trả lời kiên quyết.

“Các ông riết ráo với tôi quá”, ông Gămfin nói, giọng lưỡng lự. “Ôi chao! Vớ vẩn lắm!”, ông mặc gilê trắng nói. “Không thưởng thiếc gì hết cũng đã là rẻ lắm rồi. Nhận nó đi, ngốc ơi là ngốc! Nó đúng là thằng bé ông cần đến. Thỉnh thoảng cho nó ăn gậy, điều đó có lợi cho nó. Nuôi nó chẳng tốn kém mấy, vì từ khi nó sinh ra chưa bao giờ nó ăn quá no! Ha! Ha! Ha!”

Ông Gămfin ranh mãnh liếc nhìn những bộ mặt ở quanh bàn, và nhận thấy trên mọi gương mặt đều nở một nụ cười, dần dần bản thân ông ta cũng mỉm cười. Việc mặc cả thế là xong. Người ta lập tức báo cho ông Bâmbân biết rằng Ôlivơ và những bản giao kèo của nó đều phải đưa ngay ra trước tòa án để ký và xác nhận ngay vào chiều hôm ấy.

Việc thực hiện quyết định này làm cậu bé Ôlivơ hết sức ngạc nhiên: nó thấy mình không bị giam giữ và được phép mặc một chiếc sơ mi sạch sẽ. Nó chưa kịp làm xong trò thể thao rất hiếm có này thì ông Bâmbân thân hành mang đến cho nó một bát cháo và khẩu phần những ngày lễ là nửa lạng bánh mì. Trước cảnh tượng lạ lùng như thế, Ôlivơ bắt đầu khóc lóc thảm thiết; nó nghĩ, và điều này là có lý, chắc là ban quản trị đã quyết định giết chết nó nhằm một mục đích gì có ích, nếu không đã chẳng cho nó ăn thịnh soạn như thế này.

“Đừng có khóc đỏ mắt, Ôlivơ, ăn đi và hãy biết ơn”, ông Bâmbân nói, giọng rất oai nghiêm bệ vệ. “Mày sẽ trở thành một anh thợ học nghề đấy Ôlivơ ạ”.

“Thợ học nghề à, thưa ông?”, thằng bé run run nói.

“Đúng thế đấy, Ôlivơ ạ”, ông Bâmbân nói. “Các vị hiền từ quý hóa là cha mẹ mày, bởi vì mày không có cha mẹ, Ôlivơ ạ. Họ định cho mày đi học nghề, cho mày bước vào đời, và làm cho mày thành người. Mặc dầu địa phận phải tiêu mất ba bảng mười silinh, Ôlivơ nghe đây, ba bảng mười silinh! Như thế là mất bảy mươi silinh, tức là một trăm bốn mươi đồng nửa silinh. Và tất cả số tiền đó để trả cho một thằng bé mồ côi hư hỏng không ai có thể yêu được”.

Trong khi ông Bâmbân ngừng lại để thở sau tràng diễn văn nói với một giọng dễ sợ thì những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên mặt thằng bé tội nghiệp, và nó khóc rưng rức.

“Này”, ông Bâmbân nói, giọng có phần nào ít bệ vệ hơn, bởi vì ông khoái trá nhìn thấy kết quả do tài hùng biện của ông gây nên. “Này, Ôlivơ! Lấy cổ tay áo chẽn mà lau nước mắt đi, và đừng để cho nước mắt rơi vào cháo, làm thế thì điên rồ lắm, Ôlivơ ạ”.

Chắc chắn là thế, bởi vì trong bát cháo đã có khối nước rồi.

Trên đường đến gặp các quan tòa, ông Bâmbân nói cho Ôlivơ biết điều nó phải làm, tóm lại là phải tỏ ra rất sung sướng, và khi nào ông ấy hỏi nó xem có muốn học nghề không thì nó phải nói là nó rất muốn. Ôlivơ hứa sẽ vâng theo cả hai lời chỉ giáo này, nhất là vì ông Bâmbân đã dịu dàng gợi ý rằng nếu nó không thực hiện một trong hai điều này thì khi gặp chuyện gì đừng có trách. Khi đến tòa, nó bị giam một mình trong một căn phòng nhỏ, và ông Bâmbân ra lệnh cho nó cứ đợi đấy cho đến khi ông ta quay lại tìm.

Thằng bé đứng đấy, tim đập thình thịch trong nửa giờ. Khi thời gian này hết, ông Bâmbân thò đầu vào, lần này đầu không diện cái mũ ba góc, và nói to:

“Này, Ôlivơ con đến gặp ông ấy đi!” Trong khi ông Bâmbân nói như vậy, ông làm ra vẻ dễ sợ và cau có hạ thấp giọng nói thêm: “Nhớ những điều tao bảo mày đấy, thằng nhóc côn đồ.”

Ôlivơ ngây thơ trố mắt nhìn mặt ông Bâmbân trước lối nói năng phần nào trái ngược nhau như thế. Nhưng ông này không cho phép nó nhận xét gì đã lập tức dẫn nó đến cái phòng bên cạnh: cửa phòng mở rộng. Đó là một cái phòng lớn, với một cửa sổ lớn. Hai ông già tóc rắc phấn ngồi sau một cái bàn: một người đang đọc báo, trong lúc đó, người kia đeo kính gọng đồi mồi đang đọc một văn bản nhỏ đặt trước mặt. Ông Limkin đứng trước mặt bàn ở một bên, và ông Gămfin mặt rửa qua loa đứng ở bên kia bàn, trong khi đó hai ba ông dáng dấp cục mịch đi giày ống, đang đi đi lại lại ở ngoài.

Ông già đeo kính dần dần gà gật trên cái văn bản nhỏ bé. Ôlivơ Tuýt đã đứng cạnh ông Bâmbân trước bàn. Một phút im lặng ngắn ngủi trôi qua.

“Thưa ngài, thằng bé đây”, ông Bâmbân nói.

Ông già đang đọc báo ngẩng đầu lên một lát, rồi túm lấy ống áo kéo ông già kia. Ông kia liền tỉnh dậy.

“Ồ, thằng bé đấy à?”, ông già nói.

“Thưa ngài, chính nó đấy ạ”, ông Bâmbân đáp. “Con cúi chào ông quan tòa đi, con!”

Ôlivơ giật mình, kính cẩn cúi chào. Nó nhìn vào cái đầu tóc rắc phấn của ông quan tòa, cứ băn khoăn tự hỏi không biết các ông quan tòa đều sinh ra với cái trăng trắng kia ở trên đầu hay là cải thứ trăng trắng kia làm cho họ lập tức thành ông quan tòa.

“Được, ông già nói, “nó thích nghề nạo ống khói chứ?”.

“Thưa ngài, nó mê nghề ấy ạ”, ông Bâmbân đáp, véo mạnh Ôlivơ một cái để nhắc nó khôn hồn chớ có nói không thích.

“Và nó muốn trở thành một người nạo ống khói, có phải không nào?”, ông già hỏi.

“Nếu chúng ta ngày mai bắt nó phải làm bất cứ nghề gì khác thì nó sẽ bỏ chạy ngay, thưa ngài”, ông Bâmbân đáp.

“Và ông này, ông chủ tương lai của nó, ông - ông sẽ đối xử với nó tử tế, sẽ nuôi nó và làm tất cả những việc như vậy, có phải không nào?”, ông già nói.

“Khi tôi nói tôi sẽ, điều đó có nghĩa là tôi sẽ”, ông Gămfin càu nhàu trả lời.

“Anh bạn, anh ăn nói cộc lốc, nhưng xem ra anh là con người trung thực, cởi mở”, ông già nói và quay cặp kính về phía con người sẽ nhận phần thưởng về chỗ đã nhận Ôlivơ, vẻ mặt dữ tợn của ông ta là một dấu hiệu rõ rệt biểu lộ sự tàn ác. Nhưng ông quan tòa vừa thông manh lại vừa ngây ngô như trẻ con cho nên khó lòng hy vọng có thể thấy được những điều mọi người khác đều thấy.

“Tôi hy vọng tôi là như vậy, thưa ngài”, ông Gămfin nói, liếc mắt một cách chế giễu khó chịu.

“Anh bạn, tôi tin chắc anh là như vậy”, ông già nói, gắn cặp kính vào mũi cho chắc hơn, và nhìn quanh quẩn để tìm bình mực.

Đây là phút quyết định số phận của Ôlivơ. Giá bình mực nằm vào chỗ ông già vẫn tưởng nó nằm thì ông đã nhúng ngòi bút vào mực, đã ký ở dưới tờ giao kèo, và ngay lập tức Ôlivơ đã bị kéo đi. Nhưng vì bình mực ngẫu nhiên lại nằm ngay dưới mũi ông, nên cố nhiên ông nhìn khắp cả bàn để tìm mà vẫn không thấy. Và trong khi tìm, ngẫu nhiên ông nhìn thẳng trước mắt mình, và cái nhìn của ông bắt gặp gương mặt tái mét và hoảng sợ của Ôlivơ, vì mặc dầu tất cả những lời cảnh cáo bằng mắt lườm tay véo của ông Bâmbân, Ôlivơ vẫn nhìn chằm chằm vào bộ mặt dễ sợ của ông chủ tương lai, vẻ mặt của nó vừa khủng khiếp, vừa hoảng sợ rõ như ban ngày không thể nào lầm lẫn được ngay cả đối với một ông quan tòa thông manh.

Ông già dừng lại, đặt bút xuống, và đưa mắt nhìn từ Ôlivơ đến ông Limkin. Ông này giả vờ hít thuốc lá với vẻ mặt vui vẻ và thản nhiên.

“Này con!”, ông già vươn mình qua bàn nói.

Ôlivơ nghe những chữ ấy mà giật mình. Người ta có thể tha lỗi cho nó đã làm như vậy: những lời ấy nói rất dịu dàng, và những âm thanh xa lạ làm cho người ta sợ hãi. Nó run lẩy bẩy và khóc òa lên.

“Này con!”, ông cụ già nói. “Con trông tái nhợt và hoảng hốt. Có việc gì thế?”

“Đứng cách xa thằng bé một chút, ông tư tế”, ông quan tòa kia nói. Ông ta gạt tờ giấy ra một bên, và cúi mình ra phía trước có vẻ quan tâm chú ý. “Này con, con cứ nói xem có việc gì thế, đừng sợ”.

Ôlivơ quỳ xuống, hai tay chắp lại, cầu khẩn xin trở về cái phòng tối tăm - thà người ta bỏ nó chết đói, đánh nó, giết nó cũng được nếu họ thích - còn hơn là cho nó đi với cái ông dễ sợ kia.

“Ôi chao!”, ông Bâmbân nói, hai tay giơ lên trời và mắt ngước long trọng. “Ôi chao! Trong số tất cả những đứa trẻ mồ côi ranh mãnh và mưu mẹo mà xưa nay ta được thấy, thì Ôlivơ, mày là đứa mặt dày mày dạn nhất”.

“Ông tư tế, ông im miệng cho”, ông già thứ hai nói khi ông Bâmbân đã dùng đến cái câu văn hoa ấy.

“Tôi xin lỗi ngài”, ông Bâmbân nói, không tin vào tai mình. “Có phải các ngài bảo tôi không ạ?”.

“Đúng thế. Ông im miệng cho”.

Ông Bâmbân sửng sốt, vì kinh ngạc. Một ông tư tế bị ra lệnh phải câm miệng ư? Đạo đức bị đảo lộn cả rồi!

Ông già đeo kính đồi mồi nhìn ông bạn, ông kia gật đầu đầy ý nghĩa.

“Chúng tôi từ chối không chấp nhận bản giao kèo này”, ông già vừa nói vừa gạt tờ giấy ra một bên.

“Tôi hy vọng”, ông Limkin nói ấp úng, “tôi hy vọng các vị quan tòa sẽ không căn cứ vào bằng chứng không có cơ sở của một thằng bé để cho rằng các người đương cục đã làm một điều không đúng”.

“Các quan tòa không phải được mời đến để phát biểu bất kỳ ý kiến gì về vấn đề này”, ông già thứ hai nói xẵng giọng. “Đem thằng bé về nhà tế bần như cũ, và đối xử tử tế với nó. Xem ra nó cần điều đó”.

Chiều tối hôm ấy, ông mặc gilê trắng tuyên bố hết sức kiên quyết và dứt khoát rằng không những Ôlivơ sẽ bị treo cổ, mà còn sẽ bị phanh thây xé xác. Ông Bâmbân lắc đầu có vẻ bí mật dễ sợ nói rằng ông mong nó sẽ khá. Nghe vậy, ông Gămfin trả lời rằng ông ta ước gì nó rơi vào tay ông, và mặc dầu ông Gămfin tán thành ông tư tế về hầu hết mọi việc nhưng về vấn đề này thì hoàn tòan đối lập lại ông ta. Sáng hôm sau, công chúng một lần nữa được báo tin rằng Ôlivơ Tuýt lại được người ta cho thuê, và người nào muốn thuê nó thì sẽ được trả năm bảng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx